Cách tổ chức khóa thiền Vipassana
I. GIỚI THIỆU VÀI NÉT VỀ THIỀN VIPASSANA
Thiền, theo ngôn ngữ gốc Pàli ‘Bhàvanà’ có nghĩa là “sự luyện tập”, “trau giồi” hay “tập cho quen dần”, nhưng do kinh sách dịch thuật thường có sự nhầm lẫn giữa hai từ Bhàvanà với Jhàna (định: trạng thái tâm tĩnh lặng trong thiền), nên thiền trở thành bí ẩn và khó hiểu đối với người muốn tu tập. Thật ra, thiền có hai loại thực hành căn bản là Samatha bhàvanà (thiền chỉ hay thiền định) và Vipassanà bhàvanà (thiền quán hay thiền tuệ). Sự khác biệt chủ yếu giữa hai loại thiền này cho thấy thiền định có thể giúp hành giả đạt được tâm an tịnh, làm giảm bớt phiền não đến mức có thể nhập vào các tầng thiền (từ sơ thiền đến thiền thứ tám), nhưng không hoàn toàn đoạn tận khổ đau; trong khi đó thiền quán có khả năng đoạn tận gốc phiền não nhờ phát triển tuệ giác về vô thường, khổ và vô ngã. Thiền chỉ có trước khi đạo Phật ra đời và thiền quán là khám phá vĩ đại của đức Phật cống hiến cho nhân loại.
Trong giáo pháp của Đức Phật có 3 phần chính, đó là: pháp học, pháp hành và pháp thành. Tức là đi từ lý thuyết đến thực hành và sự giác ngộ hoàn toàn là thành tựu cuối cùng. Nói cách khác, hệ thống giáo dục Phật giáo là quá trình tu học và giảng dạy trên 2 lãnh vực pháp học và pháp hành.
Hầu hết đối với các nước Phật giáo, ngày nay môi trường Pháp học đã và đang phát triển ngày càng vững vàng quy cũ với mục tiêu đào tạo người xuất gia hay cư sĩ từng bước nắm vững Phật học, đi sâu vào nội điển từ nguyên thủy cho đến phát triển. Theo đó, hệ thống pháp học được hình thành và phát triển từ giáo dục tu viện chuyển sang học đường phố thông. Ngôi trường Phật học đầu tiên tại Việt Nam có mặt từ những năm 40, 50 của thế kỷ trước (Phật học viện Hải Đức – Nha Trang) cho đến nay GDPGVN đã đầy đủ các cấp từ sơ cấp đến hậu đại học Phật giáo.
Riêng đối với hệ thống pháp hành của Đức Phật chỉ được duy trì và phát triển ở các nước như: Srilanka, Myanma, Thái Lan… Nói chung, truyền thống Phật giáo Nguyên Thủy đã chọn cách ưu tiên duy trì pháp hành và trở thành một hệ thống giáo dục thực hành từ cơ bản đến nâng cao. Do vậy, cụm từ thiền Samatha và Vipassana vốn dĩ rất quen thuộc trong hệ thống pháp hành nhưng ít được biết trong hệ thống kinh điển. Sau 500 năm Phật nhập diệt, pháp thiền Vipassana bị mất hẳn tại Ấn Độ và được các thiền sư người Myanmar duy trì một cách thuần túy nguyên thủy cho đến nay. Người đặc biệt kế thừa hệ thống giáo dục pháp hành này là Ngài Goenka, một thiền sư nổi tiếng đã xiển dương và mở rộng các trung tâm thiền Vipassana khắp nơi trên thế giới, thường xuyên dạy các khóa thiền 10 ngày căn bản cho đến các khóa học nâng cao dài ngày. Với hệ thống giáo dục quốc tế này, có trên hàng 100 quốc gia thiết lập các trung tâm thiền Vipassana cho mọi người đến học tu và tiếp cận chánh pháp để sống hạnh phúc.
II. CON ĐƯỜNG GIỚI ĐỊNH TUỆ
Thực hành thiền Vipassana là tiến trình đi theo con đường Giới, Định, Tuệ – Con đường thẳng nhất cho bất cứ ai muốn giải thoát khỏi mọi ràng buộc và khổ đau. Ba yếu tố này được thực hành cụ thể hóa qua 8 yếu tố Chánh Đạo:
- Giới (gồm chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng): Thiền sinh nghiêm trì 5 giới: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không uống chất có men say một cách tự nguyện chứ không phải bị ép buộc. Để có thể trọn vẹn chánh ngữ, thiền sinh phải giữ im lặng tuyệt đối (không được giao tiếp với mọi hình thức). Việc giữ giới ở mức vi tế giúp cho tâm thiền sinh trở nên an tĩnh và bớt đi những dao động bất an do bất thiện nghiệp gây ra; từ đó mới có thể từng bước đi vào thực tập thiền định.
- Định (gồm chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định): Trong ba ngày rưỡi đầu, thiền sinh hành trì phương pháp thiền định (Anapana), còn được gọi là thiền tỉnh thức về hơi thở. Trong giai đoạn này, thiền sinh phát triển khả năng tỉnh giác, chế phục tâm tán loạn bằng cách tập trung chuyên nhất vào hơi thở tự nhiên của mình. Duy trì sự liên tục này dần dần sẽ giúp tâm đi vào trạng thái kiên định.
- Tuệ (gồm chánh tư duy, chánh kiến): Sau khi nghiêm trì giới pháp và thực hành thiền định giúp cho tâm được an trú và định tĩnh, thiền sinh mới có đủ hành trang chuyển sang giai đoạn hành trì thiền Vipassana. Trong năm ngày rưỡi kế tiếp của khóa thiền, thiền sinh quán chiếu toàn bộ cơ cấu thân – tâm bằng tuệ giác, qua đó tự tâm khai mở trí tuệ, hiểu rõ sự sinh – diệt của các pháp một cách như thật. Đây là bước hành trì quan trọng chính yếu thể nhập sâu hơn vào dòng tâm thức, tháo gỡ dần những phức cảm để thanh tịnh tâm, và có khả năng đoạn trừ các lậu hoặc để thoát khỏi khổ đau.
III. SỰ TƯƠNG ĐỒNG GIỮA THIỀN VIPASSANA VỚI PHÁP HÀNH CỦA TỔ SƯ THEO CHƠN LÝ
Tinh hoa giáo pháp hệ phái Khất sĩ được Đức Tổ Sư kết tập trọng bộ “Chơn Lý” với các tầng nghĩa, từ tổng quan đến vi tế, tùy mức độ tu tập mà người thực hành có thể thẩm thấu. Trong đó có những chủ đề nhấn mạnh về pháp hành thiền mà chúng ta tìm thấy có những điểm tương đồng với thiền Vipassana.
“…giới nhiều là định nhiều, giới ít là định ít, không giới là không định. Tâm không định là sự nghĩ ngợi, quán xét không đặng sáng và chẳng năng dứt bỏ được điều càn…Cho nên tâm định thì trí mới huệ, huệ nhiều ít là do định. Định nhiều là huệ nhiều, định ít là huệ ít, không định là không huệ. Có huệ được học tỏ sáng mới hết mê lầm.”[1]
Đây là sự khẳng định con đường Giới, Định, Tuệ vẫn là lộ trình tu tập duy nhất và xuyên suốt dù cách thức tu tập có thể rất đa dạng. Các yếu tố này hỗ tương với nhau trong một vòng tròn để tăng trưởng dần, phải phát triển đồng đều mới đạt được chân trí tuệ, được sự giải thoát. Khi thiền sinh đã thực tập trì giới và có tăng trưởng trong định và phần nào thực hành được sự buông bỏ, thì tự thân sẽ phát sinh chánh kiến để tiếp tục giữ giới ở mức độ vi tế hơn, thể nhập vào tâm thức với định kiên cố hơn. Cứ như vậy, theo sự vận hành này mà tu tập.
“Luyện tập cách nào cũng được, cốt yếu là để tập định, nhưng lúc hành thì phải kinh nghiệm, xem chừng từng chút sự khác lạ kẻo thái quá bất cập có điều trở ngại.”[2]
“tất cả các phép tu không có phép nào qua sự tự nhiên, vì tự nhiên chơn như là định, trung đạo, còn các pháp tu là dùng trừ thái quá bất cập, để đặng giữ cái trung đạo tự nhiên chơn như định, chớ không phải tu là để tìm thái quá bất cập, hai bên lề.”[3]
Trong phương pháp Anapana – tiền đề để thực hành Vipassana, rèn luyện khả năng định tĩnh nội tâm, thiền sinh được hướng dẫn quan sát hơi thở tự nhiên với sự chú tâm tỉnh giác, không điều khiển hơi thở, không kết hợp các đối tượng khác. Mặc dù có nhiều phương thức giúp thiền sinh đạt được sự an tĩnh nhanh hơn như việc đếm hơi thở, trì niệm danh xưng các vị Phật hoặc dùng các đề mục thiền, nhưng sự quân bình này chỉ tạm thời ở bề mặt tâm thức.
Chơn Lý 52 – “Pháp Chánh Giác” đề cập và diễn giải chi tiết: 4 xứ niệm, 4 đứt đoạn, 4 thần thông, 5 căn bổn, 5 sức lực, 7 ý giác, 8 chánh đạo; tổng cộng là 37 pháp chánh giác. Những đề mục này tương đồng với bài kinh Mahasatipatthana – Bài kinh được xem là tôn chỉ mà Đức Phật giảng giải về pháp thiền nhưng được khai triển theo ngôn ngữ thuần Việt qua góc nhìn của Tổ Sư. Trong khóa thiền nâng cao như Tứ Niệm Xứ, 20 ngày,.. các khái niệm này cũng được triển khai chỉ dẫn trong tiến trình thực hành. Tựu chung, các phương cách này cũng cùng chung một mục tiêu là để người thực hành đoạn trừ các bất tịnh trong tâm thức, chuyển biến tư duy hướng đến tuệ giác.
IV. CÁCH TỔ CHỨC CÁC KHÓA THIỀN VIPASSANA THEO HỆ THỐNG GIÁO DỤC THỰC HÀNH
Như đã biết, sự nghiệp hoằng pháp là trọng trách của mỗi người xuất gia nói chung và của vị trụ trì nói riêng. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại hoằng pháp thành công để trở thành hệ thống giáo dục đem lại lợi ích lâu dài và không lãng phí sự tu học là điều rất khó. Vì kiến thức con người và xã hội ngày càng nâng cao tiện nghi trên mọi lĩnh vực, cho nên việc hoẵng pháp đòi hỏi phải có những kinh nghiệm đi lên từ khó khăn và có thể là thất bại ở những bước ban đầu.
Vì thế, cách tổ chức khoá Thiền Vipassana phải được hình thành theo hệ thống giáo dục thực hành, giảng dạy không phân biệt đối tượng người học, có tôn giáo hay không, tu sĩ hay cư sĩ,… bởi nó đã thoát ra khỏi khuôn khổ của một tôn giáo – đó là một chân lý, con đường để chuyển hóa thân tâm. Thông thường, các khóa thiền Vipassana căn bản diễn ra trong 10 ngày với chương trình chặt chẽ liên tục, trong đó thời gian thực hành chiếm phần lớn gồm: 7 thời tọa thiền (3 thời 1 tiếng, 4 thời từ 1,5 đến 2 tiếng và mỗi thời chỉ giải lao 5 phút). Khu vực tu tập được hoàn toàn tách biệt với bên ngoài bằng cương giới khép kín để đảm bảo sự yên tĩnh; đồng thời Thiền sinh được hướng dẫn phương pháp thực hành theo từng bước cụ thể để hiểu rõ lộ trình giải thoát qua việc hành thiền. Mỗi tối, thiền sinh được học kiến thức về thiền qua pháp thoại, đây là các bước Văn, Tư, Tu theo phương châm giáo dục pháp hành.
Giảng dạy thiền theo phương pháp giáo dục khoa học sẽ giúp cho người thực hành tiến bộ tuần tự về mặt tâm thức cụ thể, chứ không rơi vào suy tưởng hoang đường. Các khoá thiền được tổ chức theo phương thức giáo dục các lớp cơ bản như: mầm, chồi, lá (tương ứng với lộ trình tâm: quay về, ổn định và khai mở) giống như hệ thống cấp bậc học đường phổ thông. Sau khi học ít nhất 3 khoá 10 ngày và một khoá phục vụ, thiền sinh mới đủ tiêu chuẩn tham dự khoá Tứ Niệm Xứ (8 ngày – tạm gọi là mẫu giáo) chính thức thực hành Pháp dựa theo bản kinh Maha-Satipatthana. Mỗi bước thực hành nâng cao đều phải có sự kiểm chứng nghiêm túc của vị Thầy về tư cách đạo đức giữa học và hành, cùng với kết quả chuyển biến trong cuộc sống của thiền sinh sau khi học thiền.
Các khoá nâng cao tập trung chuyên sâu vào thực hành sẽ từ 20 ngày, 30 ngày, 45 ngày, 60 ngày … cho đến 3 tháng an cư. Cùng với những khoá đặc biệt, khoá đào tạo sư phạm trở thành Thầy trợ tá hay bậc Thầy chính thức. Pháp hành Vipassana đã chứng minh một hệ thống giáo dục Phật giáo hiện đại; lộ trình giải thoát khổ đau có thực chứng, hoàn toàn dựa trên nền tảng khoa học chứ không phải là lý luận siêu hình.
V. LỢI ÍCH THỰC TIỄN CỦA THIỀN.
Thực hành thiền tinh tấn và đúng pháp sẽ mang lại sự chuyển hóa tâm thức từ bất thiện đến thiện lành, từ đau khổ đến hạnh phúc của người học. Những chủng tử bất thiện, vô minh trong tâm thức tham, sân, si sẽ đoạn giảm dần dần qua tiến trình thực hành thiền từng bước nghiêm túc. Cụ thể hơn thiền sinh thực hành nghiêm túc sẽ có những biến chuyển tư duy, thành tựu chánh kiến để có thái độ sống tích cực trong hiện tại.
5.1 Nhận thức rõ về bản thân
Quá trình phát triển khả năng tỉnh giác về hơi thở và quan sát toàn bộ cơ cấu thân tâm của chính mình sẽ thấy rõ tình trạng sức khỏe và tâm lý. Từ đó, thiền sinh sẽ nhận thức rõ ràng về tính cách và phẩm hạnh của chính mình để có thể cải sửa mặt hạn chế và phát huy ưu điểm.
Người có bản ngã lớn, chấp thủ sẽ tự gây khổ đau cho mình và cho người khác. Chính vì bảo vệ bản ngã nên con người tham lam, sân hận, si mê. Bản ngã lớn thì không có được sự thảnh thơi ở nơi tâm hồn vì khi không thỏa mãn sẽ sinh ra đau khổ và giận hờn. Sự trải nghiệm như thật trên thân là minh chứng cho những điều từng cho là sở hữu, là điều bám víu đều không tồn tại vĩnh hằng, không thuộc về riêng mình.
Hầu như con người sống trong thất niệm, tâm dong ruổi theo những suy nghĩ, tưởng tượng. Thiền mang lại sự tỉnh giác, an trú trong hiện tại, xây dựng nên những con người văn minh có hành động, lời nói, suy nghĩ đúng đắn, luôn làm chủ được bản thân, tránh được việc gây sai lầm.
Sự mất quân bình do áp lực của cuộc sống dẫn đến tình trạng bị quá tải gây ra bệnh tật, xung đột… Khả năng giữ được sự cân bằng là chìa khóa cho một người thành công trong cuộc sống. Người hành thiền xây dựng cho mình phương châm sống thiểu dục tri túc, phấn đấu mà không tham lam, tâm lý vững mạnh không mất bình tĩnh trước biến cố, không đắm nhiễm vào các dục lạc, thích nghi với hoàn cảnh.
5.5 Sống cảm thông, yêu thương và hòa hợp
Khi đã có trải nghiệm tự thân trong quá trình tu tập, người thực hành không còn vội vàng phê phán, bài xích lỗi lầm của người khác một khi đã nhìn thấy rõ tiến trình của tâm trên chính mình mà sẽ cảm thông và tha thứ, dung hòa lợi ích của mình và của người. Lối sống của người hành thiền luôn chánh niệm, quân bình sẽ lan tỏa đến mọi người xung quanh, gây được thiện cảm, mối quan hệ giữa người với người được hòa hợp, an vui.
Thực hành thiền đều đặn, đúng pháp và tùy vào mức độ mang lại nhiều tác động tích cực đến sức khỏe. Khi thực hành thiền, quá trình quan sát toàn thân bằng tâm thức tạo thành năng lượng bên trong cơ thể tự phát huy khả năng kháng thể thanh lọc cặn bã tích tụ trong thân, đồng thời sự an tĩnh giúp giảm đi những suy nghĩ tiêu cực, giải tỏa bất an.
Nhìn chung, người tu sĩ ngày nay thật khó có thể chứng ngộ giải thoát viên mãn cho nên sự tu học cần phải đạt được ‘lợi mình, lợi người, lợi cả hai’ đúng theo lời Phật dạy. Vì vậy, cách tổ chức các khoá thiền Vipassana theo hệ thống giáo dục pháp hành sẽ giúp cho sự nghiệp Hoằng pháp đáp ứng được nhu cầu hiện đại, đồng thời cũng là cách ‘thượng cầu Phật đạo – hạ hoá chúng sanh’ của người con Phật.
[1] Chơn Lý, Nhập Định, Tổ Sư Minh Đăng Quang, NXB Tổng hợp, tr.186
[2] Chơn Lý, Số Tức Quán, Tổ Sư Minh Đăng Quang, NXB Tổng hợp, tr.669
[3] Chơn Lý, Số Tức Quán, Tổ Sư Minh Đăng Quang, NXB Tổng hợp, tr.670