CHƠN LÝ SỐ 13: ĂN CHAY
Ăn chay theo chữ Hán gọi là thực trai, đây có nghĩa là miếng ăn trong sạch vậy.
Như theo tiếng nói: Người con trai, cây trai, hột ngọc trai. Trai nghĩa là tinh khiết trong sạch, chẳng dính dơ. Bởi tiếng “TRAI” nói trại giọng thành “CHAY”.
Ăn chay là trong sạch với miếng ăn, không tham ăn, không vọng ăn, không cố chấp kén chọn miếng ăn, tâm không nhơ bẩn vì miếng ăn, không để miếng ăn bôi trây tâm hồn nhơ bẩn. Cái lưỡi không thích vị ngon gọi là thiệt căn thanh tịnh, không ô nhiễm vị trần. Vị trần miếng ngon làm cho tâm trí bị bó hẹp, dơ dáy, xấu xa, đen tối, trở nên ác tà, cho nên gọi vị ngon là bùn bụi. Mà kẻ nào đã biết mình học tu, muốn tấn hóa và giải thoát phiền não, phải xem món ngon là thường rẻ, hạ nó xuống hai bên và dưới chân của tấm lòng thì mới mong làm nên công nghiệp, hoặc học hành đắc đạo quả được.
Con trẻ hay ham miếng mồi ngon, thú cỏ cây vì miếng ăn ngon mà phải chết khổ, nơi loài người nếu vì miếng ăn thì ắt phải lộn gan lên đầu. Con người mà nếu miếng ăn không rồi, không xong thì có nên được sự việc gì đâu. Vẫn hay rằng, miếng ăn là chủ mạng sống, nhưng nếu kẻ nào bị nó bao phủ trọn đời ra không khỏi thì có khác nào là bị nhốt trói hành phạt trong địa ngục a-tỳ, cất đầu lên sao cho được! Miếng ăn vật chất là bà mẹ hiền của chúng sanh, mà nó cũng là nấm mộ chôn giết chúng sanh. Nếu kẻ nào đã lớn khôn rồi mà chưa chịu đứng đi, rời xa bỏ nó, cho nên tội của miếng ăn là ác, vì nó mà lắm kẻ phải chết với nhau. Biết dùng nó thì cứu được mạng ta lúc đầu, mà khi không biết dùng thì nó sẽ giết hại cả thân tâm trí ta về sau, tùy nơi người sử dụng.
Miếng ăn là vật chất trong tứ đại, là bà mẹ sanh ra tất cả, và rồi ăn hại trở lại tất cả, cũng như một bà mẹ khi mới sanh ra một đứa con là thiện tốt, nhưng lúc trở về già thì bắt đứa con nuôi lại, do đó đứa con sẽ trở nên tội ác, gian tà, để lo cho bà mẹ trả lại, mà thân tâm trí của nó phải chết khổ điên cuồng. Vì vậy nên gọi rằng bà mẹ thiện lúc đầu, ác lúc về sau. Rốt lại cả hai đều chết không, tất cả chẳng có nên tuồng trò, sự lợi ích gì cho ai được nhờ. Cũng như cỏ cây sanh nơi đất, rồi chết trở về thành đất, tiêu hình, vô dụng. Cũng như miếng ăn nuôi sống mà người lại đứng ngồi nằm một chỗ để cung phụng lại cho miếng ăn mà đền ơn, giống như là khi chết rồi thì xác thân rã làm phân nước, để sanh ra miếng ăn trả lại. Cũng như quỉ mẫu sát tử là quỉ mẹ sanh con, sanh ra rồi được bao nhiêu là ăn hết trở lại, nên không bao giờ có được nối hậu về sau, ích lợi cho ai chi cả. Cũng như lắm kẻ hiểu lầm chữ hiếu là lòng tốt, mà cha mẹ khi đã già, con lại níu kéo trở lại hành phạt không cho cha mẹ tấn hóa bước lên, lấy nể thương yêu luyến ái mà bắt ở lại, đặng cung cấp miếng ăn bù đắp cho đến ngày chết, thì đứa con cũng đã hư già, đã vô dụng cho chúng sanh không ai nhờ được, lại còn chiều theo miệng lưỡi của cha mẹ già, mà đứa con không tội ác nào, không điều tà quấy nào lại chẳng dám làm. Nó đã gian ác hại đời mà còn lắm khi chết khổ thân mạng, tâm trí hoại hư, thật là đáng tiếc. Đó là sự cho vay trả nợ, thuyết đi ngược với chơn lý võ trụ, mà lắm kẻ làm cha mẹ bắt buộc hỏi đòi, còn lắm người con cháu vô minh, tự gán cho mình cái trách nhiệm to là phải lo đền đáp, cho đúng câu thi ân cầu báo, và mượn của thì phải trả lời, xẩn bẩn vì nhau, không rồi xong chi hết, mãi mãi chỉ ở trong cái ác, cái tham, cái ăn. Xem coi miếng ăn làm trọng, mà nào ai có hiểu đâu, lẽ thật của đời là đi tới tiến hóa, bỏ thấp lên cao, bỏ cũ lấy mới, thi ân bất cầu báo, nuôi con tức đền ơn cha mẹ, dạy chúng sanh mới là đền ơn tứ đại, mà kẻ cha mẹ già phải lo đi tu học để làm Trời Phật, cao khỏi lớp người, không nhận lấy sự trả ơn vô lý không rồi của trẻ con. Còn mình thì mang công ơn của đất nước lửa gió cỏ cây thú người Trời Phật mà trái lại không lo đền đáp, chẳng ai kể ơn với ta mà ta lại đòi ơn kẻ khác sái với lẽ chung, chung sống cho nhau, và lại khư khư chắp riêng tình nghĩa nơi một người mà vong ân bất tín cùng muôn họ, chẳng là trái ngược, bất hiếu, tội ác lắm ru!
Đành rằng cỏ cây thú không có trí, hoặc chẳng biết đi tránh khỏi, chớ với trí hóa hành vi nơi nhơn loại, há đi lại ở đó mà chịu trận hay sao? Than ôi! Thật là dốt nát, thật là tội ác, thật là lụn bại biết bao nhiêu! Đáng thương cho người đời vì lắm sự không rồi mà mãi lo đeo đuổi, lắm sự thất bại mà mãi làm hoài, lắm sự đi ngược mà không chịu bỏ, lắm sự ác mà mãi không chừa, đã biết chết khổ vô ích mà mãi lũi lầm không hề lui lại, những kẻ ấy mãi đi theo lòng kiêu căng hợm hĩnh mà nào có chịu phân biệt sự thiện ác chi chi, hay cũng là lẽ xuôi thuận, hoặc khổ ngược nghịch, nên hư, phải quấy.
Cái lưỡi đối với vị trần, miếng ăn không chưa đủ; người mà muốn bước lên Trời Phật thì sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý của nơi người phải cho trong sạch, chớ cho lục trần: sắc, tiếng, mùi, vị, xúc và các pháp thâm nhiễm, phải bỏ ra cái tốt và đừng ham cái xấu, đặng đừng cho sáu thức biết sanh ra dục vọng thì mới được yên vui tinh tấn học tu mà làm người Hiền Thánh, như kẻ học trò khó mới nên công.
Vậy nên Phật dạy chư Tăng hiền sĩ phải giữ gìn sáu căn trong sạch, nơi đó phải giải thoát tránh xa điều phiền não của sự ăn mặc ở bịnh để định tâm lo học, rảnh trí lo tu. Thế nên, đối với chư Khất sĩ là bậc đã giải thoát xuất gia, đem mình bước tới cõi Phật, hằng giữ gìn miếng ăn từ chút, chẳng cho vì nó mà phải bận tâm như trẻ nhỏ, đặng để thì giờ quán xét việc chúng sanh, tìm pháp lý mở mang trí huệ, giải cứu cho người đời. Nên sự ăn chay trong sạch của các Ngài là ngày ăn một bữa ngọ trưa, có chi ăn nấy, món ăn bằng rau trái, ăn trộn lộn xộn chẳng phân mùi vị, đi xin ăn để tránh sự nấu nướng vọng tâm. Đem pháp thí cho người, xin đổi lại miếng ăn nuôi mạng sống, tự người hảo tâm biết ơn mà dâng cho, chẳng hề đòi hỏi ép buộc; sáng, chiều, đêm, khuya lòng không nhớ tưởng, chẳng dạ lo cất để dành. Vì vậy, nên mới gọi là ăn chay, ăn trong sạch, là miếng ăn của người Khất sĩ. Hay cũng gọi bậc Khất sĩ là đã chết hẳn với miếng ăn, xem coi miếng ăn như chai cứng, chết rồi ngắt chẳng đau, là như vật bỏ, chẳng cất dành quý trọng tôn sùng nuôi nấng nó, và không khổ lụy để bảo tồn nó nữa.
Tiếng ăn chay là sự ăn trong sạch, khó mà kêu gọi nơi người cư sĩ, vì người cư sĩ là còn đang ở trong tứ sự ăn mặc ở bịnh, nhốt trói hành phạt. Ngày ăn hai bữa gọi là ăn nung hậu, ăn để nung dồi cho ngày sau có sức mạnh. Một bữa ăn mà có nhiều món đủ vị gọi là tố thực, là sự ăn kiểu cách tìm ngon. Hai cách ăn ấy trong tâm chưa được trong sạch yên lặng đặng.
Còn như ăn thịt người, thịt thú, giết cây to để ăn, thì phải bị oan trái oán thù, mang ác quả, gọi là miếng ăn độc ác. Vậy nên ăn để sống, chớ không phải sống để mà ăn, thì phải nên ăn một bữa, một món đồ ăn cho dễ nuốt tạm thôi, bằng có nhiều thứ thì nên trộn lộn xộn cho bán mùi vị, mà khi ăn thì múc chi ăn nấy không cần lựa chọn, miễn cho no bụng mựa chớ khen chê. Đó là nói về người ở nơi làng xóm thị thành, khi đã bị quen bao tử vì miếng ăn tập lần từ thuở nhỏ. Cùng là bậc Khất sĩ khi đi vào xóm để hóa độ người thì ai có dâng chi độ nấy, chớ như lúc ở vườn, rừng theo cổ nhân xưa, rau trái sẵn có, ăn lấy đó đủ no lòng, tìm nấu nướng cơm ngon chi cho lắm chuyện!
Người Khất sĩ ai có dâng chi độ nấy, là dâng món ăn bằng rau trái, đồ vật bỏ của cây và rau cỏ chớ chẳng phải bằng thịt máu da xương của thú người, loài đi chạy, cùng là sự giết hại cây to phá chỗ thọ thần. Cư sĩ thì không giết người và thú lớn, chớ Khất sĩ bậc thầy cấm luôn sự giết thú nhỏ và cây to, cho đến Phật thì không bao giờ giết cỏ hay bươi đất, vì đó là sự bất công bình, lợi kỷ tổn nhơn, sanh ra nhơn quả khổ và xao xuyến cắn rứt lương tâm, tánh ác sẽ được nuôi sống, lớn sanh thành độc. Cũng có người gọi là chay lạt đạm bạc thô sơ, nghĩa là sự thờ ơ lãnh đạm, lạt lẽo với miếng ngon vị ngọt, là kẻ chẳng cần màng quý trọng miếng ăn, mà chẳng chịu cụng ly, khua chén, so đũa với người đời giữa nơi yến tiệc.
Ấy vậy tiếng chay lạt là sự trong sạch hiền lành để trau tâm, hay cũng vì tâm đã hiền lành trong sạch mà phải ăn như vậy, chớ không thể ăn sống cho mình bằng cách ác hung cấu trược được; nên gọi rằng miếng ăn của tâm chay, hay miếng ăn chay là của tâm trong sạch hiền lành vậy.
Chính nhờ giữ gìn miếng ăn có giới luật đó, mà các sư được phát định huệ, dễ dàng đạt quả yên vui; nhờ thắng được miếng ăn mà làm người lớn ông già, trượng phu quân tử, và không bị sự oán thù vay trả, quả báo ác nghiệp phạt hành, thì con người mới tự chủ được.
Có kẻ lại nói: Phật Trời xưa kia còn ăn dùng tam tịnh nhục, huống hồ mình là chúng sanh, tha hồ ăn chi để sống, món ăn nào bổ là cứ dùng. Than ôi! Chính vì câu nói đó mà cõi đời ngày sau này mới trở nên rừng rậm, người ăn người, thú ăn thú, người ăn thú, thú ăn người, giết hại lẫn nhau, tàn ác bạo ngược. Nếu chúng ta hôm nay đã được gọi tiếng người là lòng nhơn, không hay sát hại, thì người là kẻ không tự mình sát hại, không xúi người sát hại, không nỡ thấy sự sát hại của kẻ khác mà vui lòng, như vậy há lại đi ăn thịt uống huyết được hay sao?
Vả chăng tam tịnh nhục là thứ thịt trong sạch ba điều: một là mắt không thấy sự giết, hai là không nghe tiếng kêu la của sự giết, ba là không nghi người giết mạng ấy để thiết đãi mình. Tam tịnh nhục là miếng ăn của kẻ ác, miếng ăn của trẻ con, miếng ăn của người chưa trọn thiện, chưa được lớn tâm mở trí, ấy là lời Phật dạy cho kẻ úy tử tham sanh, tham ngon sướng miệng, giảm bớt ác, tập lần lẽ phải đó thôi; chớ tam tịnh nhục là miếng thịt thây ma bỏ hoang sình thúi, ai mà ăn cho được? Tam tịnh nhục là thịt của người ta, hay là thịt của thú vật, tự họ chết bỏ, không có ai giết hại, ta bằng nhịn thèm không đặng, mới phải lượm xin ăn. Tuy ăn thịt thú người, tự họ chết bỏ ấy mà không có sự thù oán cướp giựt, vay trả quả báo hành phạt, không có sự quá ác như loài thú, cỏ cây giết hại kẻ đang sống với nhau, mà ăn tươi nuốt sống đồng loại. Tam tịnh nhục không phải là miếng thịt ai làm sẵn ta ăn, vì một khi ta thấy miếng thịt thì lương tri ta đã nhận ra biết là miếng thịt của kẻ bị giết hay là tự nó bịnh chết rồi. Mà nào miếng thịt bịnh chết, thây ma sình thúi, ai có đem bán hoặc ăn bao giờ? Còn nếu biết sự giết chết của chúng sanh mà ta ăn thì phạm tội sát sanh rồi. Nếu vì ta ăn mà kẻ kia mới giết thì tội ác ấy thuộc về phần ta, và linh hồn kẻ chết sẽ oán thù ta, chớ không giận người giết. Nếu ta nỡ ăn miếng thịt đó tức là tâm ta đã ác, đã nhẫn tâm tàn bạo! Nào ai đã ăn miếng thịt mà chẳng biết đến sự thấy giết, nghe tiếng kêu la bồi hồi, vì miếng ăn của mình đây mà mạng kia phải chết, hoặc bằng cách trực tiếp hay gián tiếp. Huống hồ là sự xúi người giết hay thấy kẻ giết mà sao lại vui lòng? Vậy nên chỉ có tâm ác mới ăn được miếng thịt, hay là ăn thịt mới là tâm ác. Mà nếu kẻ ác như vậy thì còn ai dám gần gũi nương dựa và tin cậy. Thế sao có kẻ lại dám nói Phật Trời nào như vậy, mà hòng dạy ai theo! Dầu sách kinh nào viết như vậy, hay ông Hiền Thánh nào dám nói như vậy, thì thử hỏi có ai dám tin nghe, rằng miếng ăn ấy là thiện chớ không ác, mà ăn thịt chúng sanh cha mẹ là thiện chỗ nào?
Nếu loài người chúng ta có trí và biết phân biệt sự thiện ác là cần, thì nên xét rằng: lòng nhơn là không có sát sanh tội ác và không bao giờ nỡ ăn thịt xương huyết nhục cho đành, mà gọi là tiếng nhơn người được. Còn Phật Trời thiện huệ cao trên nhơn loại, sao có kẻ lại dám ố ngạo, đặt lời thêu dệt rằng: Phật Trời tham ăn xấu tệ, bất phải, chẳng công bình như vậy chẳng là vì sự bào chữa miếng ăn huyết nhục, ngon sướng cho lưỡi miệng mà đành lòng phỉ báng, phá hại đạo giáo của Phật Trời để tự mình dễ bề ăn tươi nuốt sống thiên hạ, bày xúi sự loạn ly!
Sự cho ăn dùng thịt thúi ấy là nới rộng luật răn cho kẻ bịnh yếu cũng là sái quấy lắm rồi, chớ Phật Tăng há đi dùng thịt thây ma ấy lại gọi ăn mà chẳng biết mùi vị, cùng là tự bá tánh cúng dâng. Nào có ai ăn mà không biết mùi vị? Nào có ai ăn mà không biết món đó là món gì? Sự không chấp miếng ăn, nghĩa là ngon dở ít nhiều gì cũng được, chẳng đòi hỏi kêu nài miễn no bụng là thôi, chớ mùi vị có đâu lại chẳng biết?
Như nói tùy nơi bá tánh cúng dâng, tội nơi bá tánh chịu. Nếu nói như vậy thì bá tánh cúng thí đó để cầu quả báo, cầu tội phạt hay sao? Còn bá tánh muốn cầu phước mà làm tội ác gây quả báo, là bá tánh hiểu lầm sao Phật Tăng không chịu dạy, làm thinh hay ém tội để mong ăn, chẳng là Phật Tăng tội lỗi lắm, là kẻ ác lắm. Còn bá tánh cúng như thế để phải tốn hao tiền của mà còn phạm giới sát sanh là tội thứ nhứt, thì là ác tín chớ đâu phải thiện nhơn? Bằng như sợ Phật Tăng nhịn thèm mà lo lót riêng thì ra là phe đảng dối trá cả! Vậy chúng ta hãy chỉ biết tin rằng, Phật Trời là thiện huệ, chơn như, lời nói việc làm ý niệm của các Ngài bao giờ cũng đúng đắn trọn lành mà chớ nghi nan ngờ vực bậy, rất có lỗi!
Vả lại, ăn cắp quen tay, ăn thịt quen mồm, ngủ ngày quen mắt, thì từ giết thú nhỏ, tập lần giết thú lớn, quen tay mắt, giết đến người ta và đi làm giặc, là sự ác từ nhỏ đến lớn. Miếng ăn cũng vậy, xưa kia cổ nhân đã bài trừ sự ăn thịt người, mà nay có lẽ nào chúng ta lại đi tập lần ăn thú, để cho quen tay miệng mà ăn đến thịt người ta hay sao? Vậy nên chúng ta ai muốn làm nhơn người hoàn toàn thì chớ giết người, giết thú ăn thịt, tránh ác từ nhỏ đến lớn, mới gọi là kẻ có học tu mà xin tha mạng chúng, để cho chữ nhơn người không thiếu kém, không phải là vô nhơn, bất nhơn, phi nhơn, bỏ đạo dấy loạn hại đời.
Đối với chúng sanh, dầu cỏ, cây, thú, người, Trời chẳng hạn, chư Phật Thánh lo đi cứu độ, ta nỡ lòng nào lại đi giết hại hay sao? Chúng sanh kẻ tấn hóa sau ta là con cháu em trò, ta sanh trước đi trên bổn phận là phải lo tế độ, chớ sao đành giết hại, anh giết em chẳng là sái luật đạo của bà mẹ lành chung là võ trụ lắm ru? Và biết đâu cha mẹ thí chủ muôn đời của ta vì nghiệp tội, bởi nuôi ta mà làm ác, mới phải bị luật trả vay, mang lông da thú, ta ăn thịt thú là ăn thịt mẹ cha, chẳng là vong ơn bội nghĩa bất hiếu hay sao? Theo lẽ tiến hóa, tứ đại sanh cỏ, cỏ thành cây, cây năng sanh thú, thú tiến làm người, thì thú là mẹ của người, cổ nhân quê mùa ở nơi lùm bụi xưa, chẳng là ông bà tổ tiên của chúng ta trong ngày hôm nay? Nên xét đến cội nguồn ấy, và xét lại chúng ta hôm nay thân người, chớ trước kia cũng là thú, may mắn được sống sót còn đây, thì lẽ nào chẳng vì chỗ sống sót của mình mà chẳng phát nẩy từ tâm, thương xót muôn loài, mau lo đi cứu vớt, chớ có đâu giết hại cho đành?
Vẫn hay rằng đất sanh cỏ, cỏ ăn đất. Cỏ sanh cây, cây ăn cỏ. Cây sanh thú, thú ăn cây. Thú sanh người, người ăn thú. Mẹ sanh con, con ăn mẹ… là lẽ phải cho con nít, với thú, cỏ cây. Lúc đầu chẳng ăn mẹ thì biết nhờ lấy đâu mà sống, chúng ta không thể buộc tội kẻ ở một chỗ nhỏ nhít ấy. Chớ còn chúng ta hôm nay đã có trí lớn khôn, hẳn là trái ngược nào ai dám gọi ta: con nít, thú, cỏ, cây đâu? Nếu vậy chúng ta đã là học trò của Phật, Trời, Hiền, Thánh rồi tức là đã biết cách tự tìm nuôi sống, đi đứng, leo trèo thì đâu còn giết ăn máu thịt mẹ, loại thú nhỏ yếu kia? Chắc chúng ta không ai ỷ mình nhờ máu thịt mẹ nuôi cho lớn vóc, rồi trở lại gọi rằng: mạnh được yếu thua, đi bắt giết mẹ, em, thú, người ăn thịt! Và nếu phải vậy thì sự người ta xưng danh: cọp, gấu, sư tử, ngựa, voi, vịt, gà, chim, cá, dơi, chuột… cùng là bông hoa, cây, cỏ… chẳng là sự đi lộn ngược, tập làm ác thú, trơ cây, bỏ kiếp thân người uổng quá!
Đành rằng có thân thì tránh sao cho khỏi ác, và ăn chi được để sống là ăn. Nhưng chúng ta cũng phải xét rằng: Ta sống để chi? Ích lợi cho ai nhờ? Bằng là sống rối khổ và tội lỗi thì nên nhớ đến lời dạy của Thánh Hiền là thà chết trong sạch yên vui hơn là sống nhơ bẩn rối khổ. Còn bằng chúng ta tham sống sợ chết, thì cũng nên lựa lấy món ăn nào ít tội ác một chút mà ăn, chẳng là bớt rối khổ được yên vui dễ chịu.
Tại sao chư Phật, Thánh không ăn thịt thúi của thú, người? Thịt của kẻ chết bệnh tự nó bỏ, không thù oán mà chư Phật còn cho là ác không ăn. Vì nếu các Ngài ăn thịt đó, chi cho khỏi cháu con, học trò, kẻ ác đời sau lấy nể và bắt chước mà đi giết hại chúng sanh và phá hư đạo lý. Cho nên các Ngài tránh sự làm gương ác ấy, thà chịu tập lần ăn rau trái nơi cây nhỏ nhít, khác máu thịt màu da, bớt sự cảm xúc trong lương tâm hơn.
Các loại thú vật ăn rau cỏ cũng sống mạnh dạn, thì ta cũng xác thân như thú tập ăn rau trái cũng được, và để tâm trí rảnh rang làm Trời Phật thì quí quá. Chẳng hơn là xác thân trơn láng mà tâm trí giống tựa thú dữ quỉ ma, dối giả vô cùng! Cũng như trái chín muồi, da đen xấu mà thịt cơm ngon, hột cứng chắc để dành đời, quí hơn là trái non trơn láng phì mỹ bóng sắc mà thịt cơm chua chát, hột non trống rỗng, nếu sứt cuống chết đi thì còn chi là hột giống để dành ngày sau, thật đáng tiếc thương thay!
Trời Phật đối với cây cỏ rau trái còn cho là tội, không nỡ đoản mạng sanh linh, dấy lòng đen ác, nên các Ngài chẳng bao giờ ngắt hái bẻ ngang. Các Ngài không màng thân sống, không tự làm ác để nuôi thân, bởi loài người và bậc Trời quá yêu cầu Ngài nán ở dạy đạo, tự họ sắm rau trái cúng dường. Phật vì nhân duyên níu kéo không nỡ bỏ đi, không đành lòng ác lớn, mới tạm ăn để sống nán lại, ăn rau trái mà Ngài còn sợ sự ngon thơm, chẳng dám nói ra lời khen chê, và cố lãng quên mùi vị của nó, là vì sợ e chúng sanh chìu ý Ngài mà đi làm ác hung ngang bạo về sau này vậy. Đã là cái xác thân bố thí cho chúng sanh rồi, là con vật của chúng sanh nuôi để nhờ cậy dùng xài, mà Ngài còn không vui vẻ với sự ăn bất công bình ấy thay, huống hồ chúng ta có công đức gì lớn với đời lắm hay sao mà nuốt chúng sanh lớn miếng, lại khen ngon, sao đành lắm vậy? Rau trái vật bỏ, mà Phật còn cho là tội tâm ô nhiễm, chẳng dám lấy làm, chúng ta hơn gì Ngài, phước tánh có bao nhiêu mà ăn tới thịt thú, thịt người, tập làm giặc như thế?
Còn các nhà sư đang lo tu học, nhắm mắt mà ăn, vay của chúng sanh, vay ít nơi rau trái, loại chưa có đủ linh hồn thù oán, mà trong tâm vẫn thấy tội, nên chẳng dám tự lấy làm. Thế cũng còn mắc nợ, ngày sau phải đi giáo hóa đền ơn, các Ngài chẳng dám tự cao không tội, không dám ăn ngon đầy bụng thay, chúng ta lại giỏi tài hay gì, ăn thịt lại khen ngon chê dở, chiên nấu xào kho… để tập thói hung thần ác quỉ, thú dữ yêu tinh chằn quái, mặt nổi gân to, mắt lồi tròng đỏ, tóc dửng râu hoe, chân như kềm sắt, tay tợ vấu đồng, nhăn nanh bậm miệng… Nào có nghĩ đến tánh mạng mình về sau cũng y như vậy!
Than ôi! Trong đời nào ai có lúc rảnh để nghĩ xét lại coi mình là người gì? Sánh với sự hung dữ của loài thú, mình hơn hay thua sút nó? Kìa con gà mẹ cắn hột thóc, túc kêu bầy con lại nhả cho ăn, mẹ đói con no, gà ấy mới thật nhơn người xứng đáng! Gà mẹ giữ gà con, cá mẹ giữ cá con, thú lớn binh thú nhỏ, hùm dữ chẳng ăn thịt con… ấy mới thật nhơn người đã có, vì vậy mới sẽ trở nên người. Hôm nay chúng ta lên đến làm người, lẽ nào lại tập tánh không nhơn, bỏ nhơn, chẳng có nhơn để đi trở lại, mà nỡ bỏ bà con trên mặt đất, của tiếng nói việc làm, để cho bao người trông đợi kiếm tìm, còn mình thì chìm sâu, sâu mãi chẳng quay về! Kẻ làm ác sao chẳng xét rằng: Mình còn có thấy ai và đang ở chung với ai không? Có ai thấy biết mình và ở chung với mình không? Ấy vậy cái sống của mình đây là đang ở đâu? Và là chủng loại gì? Thử tự ta đặt cho đúng tên ta theo hành vi, coi ta là ai cho biết! Lẽ nào quên mất bổn căn, trối mặc cho cái chết khổ tới đâu hay đó?
Chúng ta nên nhớ, chữ nhơn đạo là lòng nhơn, trước nhứt chớ giết hại người, đến loài thú, lần đến cây và đến cỏ, ta tập lần nhơn đạo, mà phải háo sanh. Thế nên người cư sĩ phải cần sống, là giữ giới sát sanh thứ nhứt, nuôi thân bằng thiện nghiệp, sống theo chánh mạng. Muốn không giặc giã thì đừng làm gương giết hại, đừng tập dạy trẻ con cầm dao, đừng nuôi thú nhà ăn thịt, đừng bán buôn gia súc, loại có máu thịt xương da. Vì thú giống như người, giết thú được thì lại giết người cũng được. Muốn trường thọ sống dai thì chớ khá hiếp đáp ai ai. Bằng phải giết cỏ rau không thể tránh, thì phải hằng xét tội lỗi răn lòng, tìm cách tránh tha, giảm bớt, càng được càng hay. Chớ nên đốn cây to, giết thân thọ thần, phá nhà kẻ ấy. Muốn được yên vui để sống thì phải trọn lành, lành nhiều hay hơn lành ít, mà đừng làm ác để phải rối khổ chết mau. Có cần điều chi thì hãy dùng lời nói ngon ngọt. Cũng thời cái lưỡi, nó sẽ giết mình là tại miếng ăn lời nói, hay là nó sẽ cứu giúp cho mình là do tại lời nói miếng ăn. Mà nên nhớ rằng, sự sống chết của ta đều do lỗ miệng.
Dầu phải giết một mạng nhỏ để cứu số đông to, cũng phải đừng. Mà nên tìm thế cách khác cho thiện hơn, chớ việc làm ác ấy quả báo tai hại lắm, mà lại còn đời sau thiên hạ bắt chước noi gương gieo tai hại trong đời, có tội mãi mãi không nên vậy.
Trong đời ai mà không tội từ nhỏ đến lớn, từ si ngây đến khi có trí huệ, nào có ai là Phật Thánh ở trên không rớt xuống, mà chẳng phải là ở dưới đất chun lên. Nhưng khi đã lớn khôn có trí rồi thì lẽ nào lại giữ hoài theo thói trẻ con dại dột, mà chẳng biết phân phải quấy, sửa đổi hành vi để tiến lên theo trình độ của mỗi xác thân cho kịp.
Có lắm kẻ hiểu lầm câu nói của người bợm rượu mà gọi là vật dưỡng nhơn. Phải! Câu vật dưỡng nhơn là vật chất nuôi dưỡng lòng nhơn. Cũng như tiền của vật chất có dư đem ra bố thí, giúp đỡ kẻ khác chung quanh để nuôi lòng nhơn cho mau to lớn vậy. Lòng nhơn ấy là tinh thần, nên gọi là vật chất để nuôi tinh thần. Những ai muốn có lòng nhơn, muốn sống bằng tinh thần thì phải hạ bỏ vật chất xuống bên lòng đừng coi miếng ăn là lớn, chớ đội nó lên cao. Bởi thân người, thân thú in nhau, đều là tứ đại, hoặc may có khác là chỉ tại lòng nhơn có hay không mà thôi. Nhơn đạo không phải là gia đình hay xã hội mà là đạo tâm nhơn ái, thiện lành không sát hại. Cho nên cổ nhơn xưa chẳng dám khinh khi thú vật, vì ta tự cao là đi xuống, còn nó cố gắng là sẽ đi lên; mặc dầu nó mang thân thú, chớ tâm người Trời cũng có, và biết đâu chư Phật Thánh đang mượn thân ấy để dạy đạo mà ta dám coi rẻ hay sao? Các mạng sống nhỏ ấy ta kêu là thú vật, là bởi đời sống của nó không có trí, chẳng thấy nẻo xa gần, chỉ biết buông dâm lạc thú tìm ăn, chui nhủi trong sình lầy, chẳng phân dơ sạch. Ấy cũng vì thú vui nơi vật chất mà mất cả trí tâm. Thánh nhơn đặt gọi như thế là để khuyên răn nơi loài người ta đó. Ai muốn có chữ nhơn người thì đừng ham lạc thú trong vật chất, và cái vui thanh nhàn, vui giải thoát mới gọi là cái vui của tâm trí, lòng nhơn cao thượng.
Ấy vậy người sống bằng chánh mạng, giữ giới sát sanh tập lòng nhơn đạo, gìn lưỡi trong sạch thì miếng ăn phải thiện lành, tập lần tránh ác để dứt khổ họa tai.
Xưa cổ nhơn còn như là vật thú, ăn thịt lẫn nhau, thú ăn thú (và đến người ăn người); hôm nay chúng ta đã có trí sáng mắt khôn mà thấy đường tiến hóa, nên hãy chớ ăn người (để cho được nảy nở số đông). Và giảm lần mạng thú, tha giết loài cây luôn, nếu được thì cũng nên nhịn ăn luôn cả cỏ, bỏ luôn đất, chừa cả nước, nín thở không khí và đến không ăn. Cũng như trẻ nhỏ ăn thịt máu mẹ, lớn lên ăn thú, lớn nữa bỏ thú ăn cây, già thì ăn cỏ, gần chết là ăn không khí, chết rồi là không ăn. Lẽ thật trong đời như vậy, chớ ai thèm muốn chấp, tham, dục lòng, tâm vọng, sanh ác nghiệp quả báo không nên vậy. Vả lại sự thích ưa, nhàm chán vốn chẳng cho ta giữ hoài một món, ấy là sự tiến hóa của miếng ăn, từ ác bước lần lên thiện để cho chúng sanh từ ít đến sanh nhiều, là lẽ vui xuôi thuận. Nào có ai cãi trái được, sự biến đổi ấy đâu, mà đi chấp tranh bào chữa, giữ gìn cho nhọc công vô ích, sanh nảy lòng tham thành tật xấu.
Nếu ta xét rằng: thịt ăn thịt, da ăn da, xương ăn xương, máu uống máu, thân này ăn thân đó. Này là mắt người, này là tay chân người, này là đầu người, này là tim người, này là gan người, này là ruột phổi người v.v… chiên, kho, xào nấu để lên bàn đó, ta ngồi đó, nhìn xem, nhắc lại từ tên, nhớ lại từ khi mới giết, con vật còn sống, rồi thử hỏi tâm ta có ghê sợ không? Nếu ta ăn được là tâm ta ác lắm rồi. Ví như ta bị ai bắt trói, thọc cổ, chặt đầu, lột da, rút xương, mổ ruột, bằm chả, quết nem, xẻ phanh, lóc thái v.v… nấu, kho, xào, luộc, đem để trên bàn, dọn ăn treo bán, rồi bảo ta phải hườn hồn sống lại mà ăn, thử hỏi ta có ăn được không? Khi nãy ta kêu la, rủa chửi, oán thù, đau đớn, đã bị chết thảm, còn phải luộc kho, bằm, xắt để dành, hành xử giết hại đủ cách, sự uất tức thù oán của ta sẽ đến tận đâu? Và đối với kẻ ăn lại khen ngon, chê dở, hỏi thử tâm ta giận dữ thế nào? Và sự vay trả quả báo ra sao thì biết! Thế mà trong đời, lắm kẻ vì ác mà sanh gian, gạt gẫm trẻ con thú nhỏ, bắt nuôi cho ăn, giả bộ lòng thương yêu tríu mến, để cho nó vui mừng, ăn no cho mập, mau lớn, đặng bắt bán thịt phân thây. Sự giả dối ấy thù oán còn hơn là người làm giặc, nó vì lầm mới tức giận, chớ tự nó ở vườn rừng, nào có mượn ai nuôi, và nào có ai nuôi thú vật để chết chôn giùm, mà gọi làm ơn thương xót?
Thế nên trong đời mới sanh giặc, giặc là do oan trái nhiều đời, giặc giết người cũng như người giết thú buổi xưa kia. Một buổi chợ đông biết bao sanh mạng! Một bẫy lưới biết bao chim, cá? Một bữa ăn nào ta thử đếm được tép nhỏ, cùng cá ròng ròng? Sao không ai vừa ăn vừa khóc, hay xá nó xin lỗi rồi sẽ gắp ăn? Mà đến khi thú giết người lại giận, giặc bắt giết lại than van? Vậy thì Trời Phật nào có bênh vực riêng cho loài người. Bà mẹ nào tư vị mà xử hiếp kẻ đàn em? Việc đó tức là nhơn quả vốn không sai chạy vậy. Còn kẻ vô can thong thả, nào có ai động chạm tới làm chi, chẳng là có sự sung sướng hơn không? Thế chúng ta nên nhớ điều này: Giặc giết người làm giặc mà chẳng bao giờ hại kẻ trường chay giữ giới, tu hành lương thiện. Vậy nên ta muốn mình sống thì đừng làm cho ai phải chết!
Than ôi! Miếng ăn mà người khóc người than, miếng ăn mà người thù người oán, ăn đầu ăn sọ người ta, ăn óc ăn tủy người ta, ăn phá hại nhà cửa, ăn xác thân quần áo của người ta, miếng ăn độc ác bất nhơn, ăn thịt chúng sanh, vô nhơn phi nhơn, có đâu là phải lẽ cho loài người, mà sao chúng ta lại không chừa bỏ? Ăn là để sống, thì ăn thiện mới sống yên, chớ ăn ác độc thì làm sao mà sống được, quên cái gì cũng được, chớ cái tội ác của chúng ta sao lại đi nỡ quên, mà hại người mãi mãi!
Lại như nếu nói về loại thuốc, thì cỏ cây há chẳng phải là loại thuốc sao? Thịt thú, thịt người, mới là chất độc nhiều hơn rau cỏ. Rau cỏ để lâu hôi chua, chớ cá thịt để lâu ắt phải thúi sình, sanh trùng độc. Kìa ta nên nhớ rằng: Miếng thịt xương nằm trong bao tử lâu ngày thì người phải chết, chớ rau cỏ vốn mau tiêu hóa nhẹ nhàng, không hay sanh bịnh hoạn.
Còn nói về chất bổ thì, tinh ba của nước là đất, tinh ba của đất là cỏ cây thú, tinh ba của cây là hột, tinh ba của thú là người, tinh ba của người là trời, tinh ba của trời là Phật. Từ khí đến nước đất… đến Trời Phật đều là chất sống, có thể nuôi sống chúng sanh. Nhưng ta có thể ăn thịt Phật và Tăng là chất bổ chót hết và nhiều hơn hết không? Ta có thể ăn thịt Trời, thịt người, thịt thiện trí thức không? Nếu vậy thì thịt người, thịt thú cũng chưa phải gọi là thịt hiền thịt bổ, sao ta lại tham ăn nó mà chi? Nếu với Trời Phật, ta ăn thịt cho là tội, và Phật Trời là kẻ có ích, còn chúng ta loài người lại có ích chi cho ai nhờ và sanh ra để làm gì? Sao quỉ thần nào lại chẳng đi ăn thịt người đi, mà người lại đi tìm ăn thú, còn ai bị quỉ thần bắt thì lại mau lo cúng kiếng?
Vả lại thú ăn thịt người không có tội, chớ người ăn thịt thú lỗi lớn vô cùng. Vì bởi ta lớn khôn, còn nó thì nhỏ dại, nào ai đi chấp trẻ nhỏ làm chi? Cũng như Trời Phật không bao giờ bắt tội, oán thù kẻ tiểu nhơn; ăn thịt Trời Phật không quả báo, chẳng giận hờn, sao ta lại sợ chẳng dám ăn, để đi ăn thịt thú người chi cho mắc điều phải vay trả? Và như đem thịt thú làm thịt người, lâu ngày thịt người mất hết, thì trách sao tánh ác lòng gian lại chẳng nảy sanh điều tham móng dục.
Ôi! Nếu miếng ăn mà không sạch miệng thì bổn phận tiếng nhơn người có vẹn toàn đâu? Có kẻ lại nói lòng chay là đủ, khỏi ăn chay. Vậy thì lòng chay là đi ăn thịt hay sao? Còn nói không ăn chay mới thành Phật, thì thử hỏi có ông Phật nào đi ăn thịt người ta chăng? Vẫn hay rằng giữ một cái ăn không cũng là chưa đủ, nhưng mà thiếu một điều thiện thì cũng khó trông thành Phật đặng! Nếu hiểu rõ chỗ này nào ai dám dể duôi?
Tóm lại, mạnh được yếu thua là lẽ phải mạnh hơn lẽ quấy, ít phải thua nhiều; nghĩa là, thiện là lẽ đông nhiều, ác là lẽ thưa ít, thì ác phải thua thiện, mà nơi loài người thì phải lấy cái phải, cái thiện làm đầu. Vậy chúng ta ai ai chớ nên đi trái ngược, mà để phải vì nhau chết hết.