CHƠN LÝ SỐ 16: CƯ SĨ
GIÁO HỘI TĂNG GIÀ DU TĂNG KHẤT SĨ
Chúng tôi chư du Tăng khất thực, sống với lẽ chung của tất cả chúng sanh, theo chơn lý võ trụ, không phân chia chủng tộc, màu da, phái môn, giai cấp, bần phú, sang hèn, cỏ cây, thú người, Trời Phật. Mục đích chánh đẳng chánh giác là quyết đến nẻo giải thoát hoàn toàn, không vì nhỏ hẹp mà đem mình vào sự trói buộc phiền não. Vậy nên theo giới luật Phật xưa, nhà Tăng không ở một chỗ thâu nhận tín đồ bổn đạo riêng, mà phải vân du khắp nơi cùng xứ, vừa học với tất cả mọi người, vừa đem sự học của mình giúp ích cho ai nấy trao đổi lẫn nhau, để cho sự học nhờ kinh nghiệm trong chỗ hành, mà chóng được đủ đầy toàn giác.
Vả chăng, cõi đời là trường học, có đủ nhiều lớp từ thấp đến cao, để dắt người từ ác đến thiện, đến huệ, đến giải thoát, đến Niết-bàn, mà giáo pháp khất sĩ lại là mức cao viễn cuối cùng tối thượng. Người được đến đây đã phải trải qua bao lớp học của các tông giáo cư sĩ, thì các phái môn đàng nào cũng hữu ích cả. Bởi Giáo Hội Tăng Già Khất Sĩ tu Giới Định Huệ, không có sự học nương văn tự của bước đầu. Khất sĩ là pháp tu hành sau sự tập học của cư sĩ, chỉ là một lớp riêng rất ít của chúng sanh. Thế nên chư Tăng không bỏ những ai muốn theo nếu có thể giữ giới luật được, dù bất cứ cư sĩ nào, và không bao giờ thâu nhận số đông lớp yếu nhỏ.
Trường đạo đức võ trụ, chúng sanh là học trò chung, các lớp chung, càng nhiều rộng càng quý ích, để dắt người từ bực, bước lên đến mục đích chung, là sáng suốt hiền lương, và khỏi khổ. Giải thoát từng lớp để tiến đến sự giải thoát hoàn toàn, mà thiết tưởng mỗi người, chắc không ai có ý gì muốn trói buộc, để làm trễ nải cuộc tiến hóa chung. Ấy thế, Khất sĩ là một lớp trong nhiều lớp, không phải hiệp, không phải chia.
Chư Tăng quen sống với lẽ chung bình đẳng, học cho mình dạy cho người, tránh khổ cho tất cả, mong cầu sự giải thoát, rảnh rang, yên tịnh, dứt nghiệp xa hẳn vật chất của tiền, không biết đến việc ngoài chi cả. Cho nên về tứ sự: sự ăn, sự mặc, chỗ ở, khi bệnh nếu cư gia sẵn lòng hộ pháp làm duyên, thì quý ngài có thể hộ cho thực phẩm đơn sơ chay lạt, đạm bạc, cốc lều tranh lá, chăn áo vải bô, thuốc men thường thức… để không đến nỗi phải vướng tiếng nhiễm ô vật chất, tham đắm bạc tiền, biếng nhác lánh đời, ăn hại xã hội, hoặc đạo chỉ mong cầu danh lợi đó thôi.
Về trật tự mà quý ngài sắp dùm được sự thanh tịnh cho Tăng, thì các Tăng sư sẽ thường tới lui, nhắc nhở cho quý ngài, và được chỗ nghỉ đêm trong khi mưa bịnh giữa cõi đời ly loạn, thì chúng Tăng rất xin đa tạ, cầu chúc quý ngài mau nhẹ nghiệp, vượt lên bờ giác, nương theo chúng Tăng để hiệp hòa chung sống nơi nhàn cảnh.
Xin nán đợi các ngài!
ĐOÀN DU TĂNG KHẤT SĨ
TẠI TỊNH XÁ
Mở cửa từ 7 giờ sáng tới 5 giờ chiều, ngoài giờ thuyết pháp hoặc có sự việc.
Ni lưu có đến, nghỉ chân nơi nhà ngoài.
Thiện nam có đến, nghỉ chân nơi nhà ngoài.
Tín nữ có đến, nghỉ chân nơi nhà ngoài.
Xin phải giữ sự trang nghiêm thanh tịnh, trẻ em đến hãy theo chỗ riêng nam nữ, phải có mặc áo quần, chớ phá giỡn la luồng tuông. Cốc riêng của Tăng xin chớ ai vào, chớ ai ngồi chung với Tăng một tấm chiếu, chớ đưa lấy đồ trao tay, phải có sự chứng minh.
Xin chớ cười cợt nói giễu, nói lớn tiếng.
Xin đừng sai khiến, ra lệnh, bảo rầy.
Ni cô nếu vào tịnh xá Tăng, phải đi từ 4 người sắp lên, tín nữ phải đi từ hai người sắp lên, chớ ở quá hai giờ đồng hồ, xin chớ nói hỏi nhiều, cũng đừng nhắn đưa thơ từ giấy tờ, tin ngoài gì cho Tăng cả.
Thiện nam nương theo Tăng, tín nữ nương theo Ni.
PHẬN SỰ CỦA PHẬT
1. Trong buổi mai Ngài ngự đi trì bình khất thực, trưa độ cơm.
2. Trong buổi chiều Ngài thuyết Pháp.
3. Trong buổi hoàng hôn Ngài giáo hóa chư Tăng.
4. Trong canh khuya Ngài đáp lời vấn của chư thiên.
5. Trong canh 5 Ngài xem xét đến chúng sanh và nhân duyên.
PHÉP CƯ SĨ
Tam tụ (gom hiệp sống chung):
1. Dứt các điều ác.
2. Làm các điều lành.
3. Từ bi tế độ tất cả chúng sanh.
Lục hòa (yên vui hòa nhã):
1. Thân cùng nhau hòa hiệp ở chung
2. Miệng không tranh đua cãi lẫy.
3. Ý ưa nhau không trái nghịch.
4. Giới luật đồng cùng nhau tu theo.
5. Kiến thức riêng chỉ giải cho nhau.
6. Lợi quyền chia đồng với nhau.
1. NHƠN LOẠI: Nhơn ái, nhơn từ, nhơn đức, lòng nhơn là đức từ ái. Có chơn chánh mới có nhơn, nhơn là hột giống (loài người có được hột giống biết, giác, Phật). Nhơn đạo là không sát sanh (người, thú). Nhơn người là biết có người, người là một nấc thang thiện, cao hơn cõi ác thú sình lầy; kêu gọi là GIỚI BẤT SÁT bước đầu; nói hẹp là thân sống với một gia đình, giáo lý trăm năm, nương theo vật chất sắc thân.
2. CHƯ THIÊN: Là trí thanh thiện có học đạo lý, trí sống với xã hội một xứ, giáo lý ngàn năm, nương theo tinh thần, là nấc thang trên nhơn loại, có ba cõi:
a. Dục giới: Còn ưa muốn (của 6 thức), bậc trì giữ năm giới:
1. |
Không sát sanh |
2. |
Không trộm cắp |
3. |
Không tà dâm |
4. |
Không nói dối |
5. |
Không uống rượu |
Mỗi tháng ăn chay sáu ngày, về theo Tam bảo Phật Pháp Tăng (hết dâm còn dục, ở trong nhà, gọi dục giới).
b. Sắc giới: Còn chấp có sự thiện, có các pháp (của 18 giới), bậc trì giữ 8 giới: 5 giới kể trên, cộng thêm:
6. Không ngồi ghế cao, nằm giường rộng, chiếu lớn xinhđẹp.
7. Không nghe xem hát múa đờn kèn, chỗ vui đông yếntiệc.
8. Không trang điểm phấn son dầu hoa, áo quần hàng lụa tươi tốt.
Trường chay về theo Tam bảo Phật Pháp Tăng (hết dâm hết dục, ở chùa am, nam theo xứ nam, nữ theo xứ nữ).
c. Vô sắc giới: Chấp không không, không cái có, không phân biệt, không biên lường, bỏ nhớ tưởng, bậc trì giữ mười giới: 8 giới kể trên, cộng thêm:
9. Không ăn sái giờ, từ quá ngọ đến ngọ mai, ăn chay.
10. Không rớ đến tiền bạc vàng, của quý, đồ trang sức.
Về theo Tam bảo Phật Pháp Tăng. Cất cốc ở riêng một mình trong núi, chỗ vắng, động, hang (hết dâm hết dục, hết sắc).
3. DÂN XỨ PHẬT: Hộ pháp chư thiên, cận sự nam, cận sự nữ là người cư sĩ, gần Tam bảo, tập xuất gia:
a. Người giữ 5 giới, mỗi lần tới chỉ 2 giờ đồng hồ, nghỉchân nơi nhà ngoài.
b. Người giữ 8 giới được ở từ sáng tới chiều, nơi nhàngoài.
c. Người giữ 10 giới được ở luôn ngày đêm nơi nhà ngoài.
Người không có giới mặc áo quần đen.
Người 1 giới mặc áo trắng quần đen.
Người 5 giới mặc áo quần trắng.
Người 8 giới mặc áo đà quần trắng.
Người 10 giới mặc áo quần đà.
Áo trung bình: Bề dài xương sống 1 mét, kích 0,7 mét, tay 0,85 mét, ống tay 0,2 mét; cổ, lai, bâu, đinh, nếu người nam thì 0,03 mét, nữ thì 0,02 mét. Đây là áo trung đạo bình đẳng không giai cấp, cùng là áo đạo của tất cả cư gia.
Tăng là người giữ 250 giới, Ni giữ 348 giới, đắp y vàng, mang bát nhà sư.
Những người vào cận sự Tam bảo tập xuất gia, có ba bậc:
a. Người mới nhập đạo còn tới lui cõi thế, kêu là NhậpLưu.
b. Người mới nhập đạo còn tới lui cõi thế một lần, kêu làNhứt Vãng Lai.
c. Người không tới lui cõi thế nữa, kêu là Bất Lai.
Bậc xuất gia thọ giới rồi kêu là Vô Sanh.
Bậc giác ngộ nhân duyên rồi đi du hành một hai người, kêu là Duyên Giác.
Bậc đi giáo hóa chúng sanh thâu đệ tử đông, kêu là Bồ-tát.
Bậc hưu trí nghỉ ngơi kêu là Như Lai.
Đó là 7 đạo, bậc nào đắc trí huệ và quả linh thì gọi là đắc quả (có 7 quả trong 7 đạo). Gồm hết là một Niết-bàn, chót hết, nín nghỉ hoàn toàn, là sự kết quả của đạo lý, gọi chư Phật. Phật là tâm lành sống với cả chúng sanh, một thế giới giáo lý muôn năm. Vậy nên cư sĩ đừng tham danh lợi tình thương mà phải khổ, chết, điên, cuồng vô ích.
a. Người không giới ở theo xứ không giới.
b. Người một giới ở theo xứ một giới.
c. Người năm giới ở theo xứ năm giới.
d. Người tám giới ở theo xứ tám giới.
e. Người mười giới ở theo xứ mười giới.
f. Người 250 giới ở theo xứ 250 giới (là Tăng chúng).
Như vậy thì hạnh phúc sẽ toại lòng, do nhờ giới luật mà được yên vui, yên vui nhiều ít là do giới luật, hiền theo hiền, dữ theo dữ tự mình. Chớ đừng quyến luyến tình nghĩa, tham tiếc lợi, mong cầu danh, mà ở chung lộn xộn thiện ác một gia đình, tu không tu một xã hội mà phải khổ với nhau, phải quấy trắng đen hai nẻo, không ai vừa ý ai thì không thể hòa, không hòa là không đạo, không yên vui chung sống.
Trong đời nếu không có giới luật hoặc giới luật khác nhau thì nào phải là vua quan, cha con, chồng vợ, xã hội, gia đình, mà tức là giặc nghịch, chính mình cũng làm giặc lấy mình nữa.
LỜI KHUYÊN CƯ SĨ
Đã là cư sĩ thì cần phải hiểu biết mục đích của mình, chúng sanh là từ cái không biết đến có biết, và biết hoàn toàn (hay toàn giác là Phật), chưa biết đến biết và đã biết (là nghỉ ngơi), từ tối đến sáng và yên lặng. Chúng sanh là học trò vô minh dốt nát đến cư sĩ tại gia, đến Tăng Khất sĩ xuất gia, và đến Vô thượng sĩ là Phật; nghĩa là học ở nhà, đi du học, và học đầy đủ.
Của cải, sắc thân, quyến thuộc, cuộc đời thảy bỏ hết, mà chỉ còn tồn lại cái giác biết, của sự học là hết mê lầm, thì mới không còn sự khổ.
Vậy nên đời là trường học chung, càng nhiều lớp phái môn càng tốt, chớ chê bai chỉ trích lẫn nhau, bởi không phải tất cả đều học chung một lớp được. Chúng sanh đủ cỡ tấn hóa không đồng mà một người học, chín người phá, lại chín người học một người hại, vậy phải làm sao cho mười người đều mắc phải có sự học, có hiểu chơn lý mới biết thương yêu nhau. Nên trường phải nhiều lớp, mỗi lớp phải nhiều ngăn, lớp trên thương dắt lớp dưới, lớp dưới mến kỉnh lớp trên để sống chung, chung học. Ai thi đậu là vui, ai học giỏi thì yên, trước dùng văn tự mở trí, để đi sâu vào chơn lý nhiệm mầu, hãy chất chứa gia tài là Pháp bảo. Tạo tâm chơn làm sự sống, giới hạnh làm chỗ ở, từ bi làm quyến thuộc, mà cùng nhau dứt bỏ sự chơi bời.
Như cõi đời hôm nay, giờ chơi đã hết rồi, bây giờ phải chăm chỉ học hành. Trường học thế giới đã mở cửa là chiến tranh. Học sanh xưa nay bỏ học quên tu lu bù lem lấm, bỏ đạo theo đời, rối khổ mệt nhọc. Nay là lúc phải bỏ ham chơi, đi tìm học, đặng tìm hạnh phúc sự sống trở lại yên vui.
Trong trường học, học trò phải vượt qua đủ các lớp từ thấp đến cao, mà giáo phái, tông môn nào cũng là của mình tất cả, hoặc đến rồi, hoặc chưa đến, chớ không phải ở hoài một lớp học một bài giữ mặt đất, loài người, mà hại kẻ khác, để sống hoài một tuổi, ở một nơi đặng chặt đứt sự tiến hóa của mình và ai nấy.
Bởi vì giáo lý chủ nghĩa nào cũng phải cả, mà chỉ phải do nhơn duyên trình độ, hoàn cảnh của mỗi người thôi. Không ai có thể theo ai được, thì cãi mà làm gì? Và cũng không ai có quyền gì áp chế ai được. Biết đâu sau này mình phản lại lý thuyết của mình mà theo kẻ khác, bởi sự học đã đi tới, hoặc ý đã bị xoay theo cảnh ngộ thời duyên, rồi chừng đó ta lại còn nói ai được nữa! Chúng sanh đều biết mục đích của sự sanh ra là học, thì nào có ai đã học đủ, mà mong đến ngôi vị chủ tể tổ thầy? Nào ai đã dạy được bậc tài giỏi hơn mình, vậy thì lấy gì trị phục người, mà trị phục để làm gì? Đâu phải là sự đánh đập chém giết, vả lại sự sống của ai nấy cũng như nhau. Còn như mình nào đã học giỏi hơn hết thảy, vì càng học càng dốt kia mà? Hơn thì chớ chắc hơn, kém thì nên gọi kém. Vậy mỗi ai nấy lo tu học, chẳng là hay hơn hết, dòm ngó nhau mà làm gì? Chúng ta nên ráng lo học, để cho được sáng suốt hiền lương và khỏi khổ. Chớ nói liều không học là hay. Bằng chẳng có thầy thì hãy theo bạn, để cho có người dạy dỗ mỗi ngày. Hoặc chọn người giám đốc, đức cao trí sáng, để nhờ sự sắp đặt chỉ bảo mới nên (bởi đức quý hơn tài và được bền dài mãi mãi)
Ráng lo học hành, vui chung, chung sống, dứt bỏ điều càng, tập gìn giới hạnh, để tạo một phong hóa trang nghiêm, sắp đặt chương trình kỷ luật, phân biệt cho xa khác với trẻ em, tạo nên thiên đường, Phật quốc trên mặt đất, cùng nhau chung góp trí lành để lập thành đạo tràng, cho mai hậu ấy mới là người đáng sống của đời nay.
Mỗi người phải biết chữ.
Mỗi người phải thuộc giới.
Mỗi người phải tránh ác.
Mỗi người phải học đạo.
Trò nào quay về thầy nấy, lo ăn và học, chớ ở lang thang bởi chen lộn sợ sệt mới phải phiền não cùng nhau. Giáo nào về lớp nấy, môn nào về bàn nấy để hiệp hòa chung sống; da nào nồi cơm nấy, áo nào tô canh nấy, mới mong tránh khỏi sự phiền hà. Đến bao giờ chúng sanh trí lớn, học cao, mới mong được sự không còn ai kia khác. Nếu bằng ta muốn dạy người thì tốt hơn là để tự người tìm rước thỉnh cầu. Đã là chúng sanh thì ai cũng là chữ sĩ học trò; vậy chúng ta thử hỏi: Môn học nào mới bổ ích? Một khi đã xét kỹ và lựa chọn xin chúng ta siêng năng học tập, bỏ qua sự ăn chơi lêu lổng, thì mới mong được sự đắc quả thành công.
Vậy nên xin khuyên người cư sĩ tinh cần giữ giới, định tâm lo học, chớ day qua ngó lại phí mất thì giờ, xao động lớp học, có lỗi không nên.
Thánh kia mà còn chẳng nói tin ý của mình thay, huống chi là chúng ta mà đi chê kẻ khác. Vậy nên nhớ rằng: Thiện mới là phải hơn ác thôi, tranh cãi bao giờ cũng sái trật!
PHÉP ĐỊNH TÂM CƯ SĨ
Muốn ĐỊNH thì phải chánh.
Muốn CHÁNH thì phải thiện.
Muốn THIỆN thì phải phân biệt ác để dứt trừ.
Không ác thì khỏi quả báo hành phạt khổ sở.
Muốn ĐỊNH thì phải trong sạch, không không, thanh tịnh.
Muốn TỊNH thì phải có sự vui.
Muốn VUI phải có mừng.
Muốn MỪNG phải có sự tầm tõi quán xét.
Có TẦM SÁT thấu hiểu chơn lý lẽ đạo, mới có sự mừng.
Hết mừng mới đến vui. Hết vui mới đến tịnh sạch. Có tịnh sạch mới có định. Kẻ ác là bởi không định. Kẻ thiện mà định không được thì khổ. Kẻ trí không định thì điên.
Có định mới dứt khổ, vì khổ mới cần định. Cho nên gọi định là đạo Niết-bàn, để kết quả chơn như sau khi giác ngộ. Chơn như sau vọng động, định sau khi loạn, giác sau khi mê. Lìa loạn đến định là do nhờ chánh kiến của tầm sát. Được tầm sát là nhờ thiện ngăn ác, tức là giới luật. Giới nhiều định nhiều, giới ít định ít. Loạn là thất bại hư hoại, giả dối, bên ngoài, không không, chẳng được gì ích lợi cái có cái ta chơn thật. Cũng ví như con sâu đeo ngoài vỏ trái bị nắng mưa sương gió, nhọc sức trơn trợt leo trèo quẩn lộn. Định ví như vào tận trong hột trái, ở trong ổ ấm để ngủ nghỉ ăn no, nên kêu là nhập định. Người ta hằng ví rằng giới luật là vỏ trái cây, trí huệ là thịt cơm, định là hột, chơn như ấy ngòi mộng, tức là Phật. Thế nghĩa là giới định huệ nuôi chơn như, là sự giác ngộ ấm kín trong cõi trần.
Có tầm sát, hỷ lạc, tịnh, mới có định. Muốn tầm sát thì phải thiện. Người thiện không bị rối khổ, mới có thì giờ thong thả, mà tìm xét sự giải thoát cuộc đời, để bước đến cõi lý trí thanh nhàn khoái lạc. Chẳng phải là sự học giỏi thông minh mà thành công. Người ta dầu học bực nào, nhưng nếu ác, thì oan trái nặng nề, bắt buộc phá hại, đốc xúi kéo lôi, dễ gì tự chủ mà hòng làm nên kết quả? Thiện là định, ác là loạn. Trí là hiểu trắng, kẻ hiểu trắng lẽ nên, không phải là lời nói, chữ viết, thông thái, học nhiều, sức lực, nghề hay, mà không cần phân chia thiện để làm ác rồi phải chịu đau sầu! Có giới mới có trí, vì giới là ngăn ranh của thiện ác mà nơi người thiện. Giới tức là trường học, nhà lớp chỗ ở của học sanh, ở đó định tâm thì được học, là trí huệ mới đến nghỉ ngơi “toàn giác”.
Vậy muốn thiện phải hiểu chơn lý lẽ thật cõi đời mới biết được nẻo tới lui, sanh tử, mà không phải là sự hủy mạng liều càn. Có hiểu chơn lý mới chịu dứt bỏ lục trần, không bị ngộp trong trần vật chất, không bị bao vây đen tối, thì mới hết ác hung mê muội. Loài người mà trí soi vẹt được lục trần: sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp, mới thiện lành, vượt lên Trời Phật, để thoát ra khỏi địa ngục vật chất nấm mồ.
Vả lại:
1. Tiền bạc là không có, trước kia thú ăn trái lá cây, cổ nhơn cuốc đất cấy cày, tiền bạc không dùng, nên là sạn sỏi.
2. Ruộng đất cũng không, đất của nước lóng sanh, cỏ cây người thú mới tượng ra, ai ở đâu đi đâu cũng được. Sanh thì ở, chết lại đi, kẻ đi qua, người sắp đến, vốn không có chủ tớ ít nhiều. Trước sau tạm ở để tấn hóa học hành, bước lên tinh thần Trời Phật, chẳng có sự tham tiếc mua gì của lẽ tạo hóa nhơn duyên được.
3. Của cải, tài hay, nghệ nghiệp cũng là không. Xưa Hiền Thánh nuôi thân để trau tâm, thanh bần đơn giản thua kém bề ngoài, mà trong tâm lại giàu sang trí mạnh, ấy nào phải khoe khoang, tôi tớ không công cho xác thịt, mảng lo tạo sắm, giữ gìn mê chơi, mất học, bỏ thì giờ.
4. Vua quan, giàu sang, tội dân, nghèo khó cũng là không có. Vua quan vì hoàn cảnh do người tôn lập chẳng phải tự mình xưng, giàu sang tự người giúp đỡ, nào phải tại giựt giành. Sự sống chúng sanh là như nhau bình đẳng, kẻ thiện từ há lại có sự nghèo dân tội cho ai sao? Trong đời chỉ có hiền thiện là đúng hơn hết, vì thiện là sống và yên vui đi tới, ác là chết và rối khổ đi lui!
5. Sống chết vốn không, chỉ là sự tấn hóa, bỏ vỏ lấy hột, bỏ xấu lấy tốt, bỏ nhỏ lấy lớn, như cởi bỏ áo quần cũ dơ, thay đồ mới sạch, như bỏ cái chán nhàm khổ nhọc, đổi cái già bịnh, để đem lại sự tươi xuân. Có chết mới biết sống, biết giác ngộ lẽ thật mà tấn hóa!
6. Cha con không có, tiếng cha con là giáo lý cho vay và trả nợ của kẻ không đường, chớ chúng sanh tiến từ cỏ cây thú người do tứ đại, sau trước là kẻ đồng hành sanh ra từ duyên nghiệp; kẻ không biết đường đi mới núm níu nương nhau, cho là nghĩa phận, sự vần công. Quá khứ vị lai có biết đâu ai vầy ai khác, sự chen lộn trong hầm trần. Bằng mà bước lên đi tới dắt đường, dứt sự trói buộc chết chùm, ấy mới gọi là hiếu đạo.
7. Chồng vợ nữ nam cũng không có, chỉ thật cái biết là chúng sanh. Sắc thân tội nghiệp nương theo cây thú, đực cái đổi thay, đâu có tự cao tốt đẹp, luyến ái giữ gìn, nối dòng sanh sản, khốn họa muôn đời!
8. Sắc đẹp ra ma, tốt qua xấu đến, thân tướng không thường, bóng hình tan rã, tiếng thanh lời dịu, mùi thơm vị ngọt, êm láng mịn màng, các pháp lăn xoay, gia đình xã hội, quyến thuộc bà con, danh lợi sắc tài… thảy là mộng ảo, điển chớp mây bay, vọng động không ngừng, lý lẽ không thông, phiền não không rồi, vô ích mà không thật. Chết hết rồi thì còn âu sầu sợ sệt, áo não, đau thương, vơ vẩn mãi mãi, chỉ một bóng hình mình mang chịu, mà nào có ai chia sớt hỏi han giùm? Âu là ta để tâm niệm Phật Pháp Tăng thanh tịnh, chẳng là an nhàn khoái lạc khỏe khoắn hơn nhiều, mà lại vui hay, cao nhẹ biết là bao!
BƯỚC CHÂN CƯ SĨ
Bước chân vào cõi đời gian nguy, người cư sĩ phải cần đem theo giới định huệ. Vì không thế nào với cái tham sân si mà được sống đời nên công kết quả cho được?
Một ông vua mà còn chút điểm say mê, một vị quan tâm còn sân giận, một người giàu sang mà ý còn tham lam, là sẽ thất bại (vì không đạo). Cho đến đối với tất cả các hạng sĩ, nông, công, thương, nghèo nàn, dân tội, mà còn tham sân si, thì không được tấn hóa, lợi ích và bình yên lâu dài. Từ trong gia đình đến ngoài xã hội, cùng khắp cả thế gian, tham sân si là cái chết sình từ trong ruột mà ra, nó sẽ giết thân mạng ta, của ta và tất cả trước khi ta lo làm, hoặc lúc đang lo làm, cùng lúc mới lo làm vừa xong, nó không bao giờ để yên cho ta hưởng được kết quả! Chính tham sân si là ác độc, là khổ hại. Đối trị nó chỉ có đạo đức của giới định huệ mà thôi. Vậy nên mỗi ai đều phải xuất gia khất sĩ, để tu tập học hành pháp bảo ấy.
Trước khi để chưn vào nơi mọi chỗ, hay muốn nối tiếp mọi việc, ta cần phải đứng im lại một lúc để xem xét mình kỹ lưỡng, rồi sẽ bước chưn vào. Người tuổi trẻ đúng 18 tuổi phải nghỉ chưn vào trường đạo hai năm để tập sự khất sĩ. Như vậy về sau tu hành luôn để giáo hóa chúng sanh mai hậu là càng quý, còn bằng có trở ra lìa cõi Phật, thì cũng còn được đứng vững bậc Trời người, là do nhờ có tu tập đức hạnh hiểu thông đạo lý, hiền lương sáng suốt. Hột giống trì giới nhập định trí huệ đã có sẵn trong mình thì được mong sự thành công trong mọi việc.
Người từ 20 tuổi tới 48 tuổi, mỗi người đều phải lựa thì giờ để ra hai năm đi tu học, càng sớm càng hay. Sự đi tu học cần thiết hơn miếng ăn thân sống, quý nhứt là sự trang sức chỉnh đốn cõi đời, lập xứ trang nghiêm tịnh độ cho chúng sanh trong ngày hôm nay.
Người già 48 tuổi phải đi xuất gia khất sĩ hết thảy. Người bịnh tật ở tu học tại chùa. Người đủ căn duyên phước đức thì ra đi hành đạo giáo hóa chúng sanh khắp nơi, cho đến ngày giờ nghỉ ngơi hưu trí.
Cha mẹ chớ bắt con nuôi, khi tuổi già 48, xác thân vật chất đã hao mòn; mà đến lúc phải sống bằng đạo đức tinh thần, để đem giáo lý chỉ dạy cho kẻ nhỏ về sau. Dầu ít dầu nhiều, do sự học hành kinh nghiệm, đã từng trải qua nhiều năm khắp xứ, đặng dắt đường dẫn lối cho trẻ nhỏ lầm sai. Vừa là sự thi ân không cầu báo, để tránh nạn cha chết con già, ngàn đời dốt học, thân hư, tâm trệ. Vừa là tránh sự ích kỷ tình thương, mê đắm lục trần, cùng sự luyến ái quyến thuộc luân hồi lộn kiếp. Còn kẻ làm con chẳng đặng để cha mẹ nuôi mình, khi đã 18 tuổi phải tự mình tìm lo ăn học, đi tu. Chẳng nên làm tội kéo níu cha mẹ, mà gọi là hiếu thảo (không tròn).
Phải nuôi con 18 năm y như cha mẹ nuôi mình khi trước, như vậy là trả đủ. Nuôi con tức đền ơn cha mẹ. Hoặc người có học thì phải lo tu đặng giáo hóa, cứu độ cả chúng sanh chung mà đền ơn thí chủ cha mẹ muôn đời mới phải.
Kẻ có dư nên bố thí giúp cho người thiếu, ta cho người vay, người trả cho lại kẻ khác, kẻ khác nữa trả lại ta khi ta thiếu hụt, chan hòa cho nhau, theo lẽ lăn xoay tiến hóa của võ trụ, chớ đừng đứng lại đi lui mà phải đụng chạm, trở ngại cho nhau.
Nếu là kẻ thật hiền thì phải thấy rõ mục đích sanh ra đời là để học, công ơn cơm áo của cỏ cây thú người Trời Phật, đất nước lửa gió, từ xưa nay phải ráng lo đền trả bằng cách thi đậu đắc quả làm Phật, thuyết pháp cứu độ đông người, theo lòng mong cầu của họ. Chớ đừng nghỉ quấy, bỏ sự ăn học lỡ dở, để đem thân đi làm nô lệ cho một hai người trong ngày hôm nay, dầu có ai mê muội hỏi đòi thì ta mau hãy giải rành cội lý. Ân nghĩa hãy dẹp qua một bên đó đợi ngày sau, còn bây giờ ta tiếp lo ăn học tu hành. Nếu lo sớm trả vần công ắt là dốt học, đã không rồi còn thêm tội ác khổ não, mà không có được sự chi ích lợi. Nên phải tập sống theo phép không ta, không của ta, theo lẽ thay đổi tiến hóa. Người này nấu cơm, người khác ăn; người kia may áo, người nọ mặc; kẻ khác cất nhà, người này ở; kẻ kia đau, người nọ nuôi. Mỗi năm đổi một bộ áo cho nhau, hai năm đổi nhà cho nhau, đổi cha, đổi mẹ, đổi anh em, con cháu, đổi thầy, đổi bạn, đổi học trò, để chung sống, chung học, theo trung đạo chánh đẳng chánh giác vô thượng, để diệt bỏ vô thường tương đối của hai bờ lề thái quá bất cập, khổ não không ta.
Mười người phải xuất gia khất sĩ một, vì ngoài cách tu ấy, không có pháp thứ hai nào diệt trừ tham sân si ác độc được. Và cư sĩ với khất sĩ kẻ xin tài, người xin pháp; tài pháp bố thí trao đổi cho nhau, cũng như có đủ linh hồn xác thịt, thân tâm, vật chất tinh thần thì mới sống. Mà cần nhứt là đạo lành phải còn giữ mãi mãi, chớ nếu mất đạo thì trần thế không còn. Về xác thân ta thì có mất, chớ tâm hồn đạo đức vĩnh viễn không tan hoại. Ai ai cũng đều như vậy hết.
Giàu sang nên phải xuất gia, nghèo nàn nên lo cúng thí, thì nạn chết khổ tự nhiên sẽ hết.