CHƠN LÝ SỐ 17: TÂM
1. Người Tàu viết chữ Tâm, là vẽ hình trái tim, nhục tâm trong thân người, có ba ống vòi lớn chuyền lọc máu và phân phát khắp thân mình chất nóng, làm cho sống được nên gọi nhục tâm là chủ của thân. Cũng gọi nhục tâm là quân hỏa (chỗ phân chia lửa, hay như ông vua lửa). Người ta kêu nó là tâm, cũng bởi khi ta ngồi xuống, thì từ đầu đến chân trái tim ở chặng giữa, trung tâm. Trái tim của chúng sanh ở bên tay trái, nên gọi là chúng sanh có tả tâm (tâm tà). Và tâm ấy vốn là sân giận nóng lửa, tức là tâm lo cho sắc thân vật chất hữu hình tả đạo.
2. Chữ tâm, trên có ba điểm như sao giăng, dưới có cái vòng móc như mặt trăng xế, cũng có nghĩa là ba điểm: tinh, khí, thần, hay giới, định, huệ ở nơi sắc thân này gọi là tâm. Tâm ấy là sự ngăn ác, giữ mình trong sạch, yên lặng và sáng suốt, mới thiệt là trung tâm điểm, cốt yếu của sự sống đời, là ta vậy.
3. Hình của chữ tâm, trên có ba điểm cũng tức là thọ cảm, tư tưởng, hành vi. Còn dưới là cái câu móc hình đứa nhỏ, ngồi trong thai bào bụng mẹ, kêu là sắc thân. Vậy nên hình chữ tâm đây là ba ấm: thọ, tưởng, hành, ở trên sắc thân làm sự sống, cái biết và linh thiêng.
4. Người ta cũng nói linh, giác và thần, ba pháp ở nơi thân là tâm vậy.
5. Đức Phật Thích-ca có nói tâm là chơn như. Người có giới định huệ mới được chơn như. Chơn như là hột giống sau chót của các pháp, là pháp tồn tại vĩnh viễn, kêu là ta. Chơn ngã tức là tánh chơn, không vọng, tự nhiên không dời đổi, mới gọi là trung tâm điểm, cốt yếu mục đích của chúng ta, nên gọi pháp chơn tâm ấy là đạo của chúng ta, đạo của người giác ngộ hay đạo Phật.
Tâm là trung tâm điểm, cốt yếu, trụ cốt của các pháp, của lý trí sự vật. Tâm là một danh từ, tiếng nói để phân biệt chỉ rõ cái trung ương, cái đặc điểm, cái trung tâm mà tất cả chúng sanh vạn vật và các pháp, cái chi cũng có bởi trung tâm và do trung tâm mới sanh ra tất cả, nên gọi là nhứt tâm sanh vạn pháp, nhứt thiết do tâm tạo, vạn pháp tồn tâm qui nhứt. Tâm là cái đặc điểm, mà cái đặc điểm vua chủ ấy là trung tâm, nên gọi tâm là trung ương chính giữa.
Cũng như nơi thân hình ta trên đầu là trí, dưới chân là thân, chính giữa mình là tâm, tâm nơi khoảng giữa thân và trí, mình nơi khoảng giữa chân và đầu. Tâm ấy là mình là ta, là trung ương mực giữa không cao thấp, không thái quá bất cập, không tương đối của hai bờ lề, kêu là đạo. Đạo là trung, trung là tâm, tâm là ta, là mình: Có mình, ta, tức là tâm, trung đạo.
Trong tâm có chứa các tạng để nuôi thân và trí, nên gọi tâm là Pháp tạng vương Phật. Cũng như trẻ nhỏ là thân, người lớn là trí, ông già là tâm. Ông già thì dạy được cả người lớn trí, trẻ nhỏ thân, nên gọi ông già tâm là quý hơn hết. Bởi thế khi xưa Phật là ông thầy dạy đạo chỉ đường cho chư thiên và nhơn loại, là bậc đáng tôn đáng kính.
Tâm cũng như là trụ cốt của bánh xe, vì có trụ cốt mới có cây căm và vành bánh lăn chạy.
a. NƠI CỎ CÂY: Tâm là cái sống, như: tâm cây tre, cây trúc, là cái đọt phía trên giữa các lá nhánh, hễ rút đọt thì cây chết. Tâm cây xoài là cái rễ cái, chính giữa các rễ con phía dưới, hễ đứt rễ cái là nó chết. Tâm cây chuối là cái lõm lõi nơi giữa cây, hễ mất lõm lõi ấy thì cây chết. Nơi cỏ cây ta thấy cái tâm của thân, hoặc ở trên, ở dưới cũng có, nhưng nó là chủ của sự sống và ở giữa những cái chung quanh, nên gọi là tâm sống. Cũng như cái tâm của con nít là sự sống, nó chỉ biết nói, làm, lo, nhớ, tính cái sống thôi.
b. NƠI THÚ NGƯỜI: Tâm là sự biết, như: kẻ thì nói để cho biết, làm để cho biết, lo nhớ tính để cho biết. Để khi chết rồi, thì chỉ còn cái biết ấy đem theo. Cũng như cái tâm của trẻ nhỏ, người nhỏ, họ sống để chỉ tìm thấy nghe hiểu cho được biết, họ là cái biết, lấy biết làm tâm, nên gọi là tâm biết. Lấy biết làm mục đích nên ráng học tìm, không cần khổ vui, được mất, miễn là cho được cái biết với đời.
c. NƠI TRỜI PHẬT: Tâm là sự linh thiêng huyền bí ẩn mật, thần thông, yên lặng. Các Ngài dầu có nói, có làm, có lo lắng nghĩ ngợi đi nữa, là cốt yếu để đem lại cho cái chơn như yên lặng nín nghỉ mà thôi. Bởi chủ tâm là chơn như yên lặng, chưởng linh diệu và nuôi luôn các cái biết, cái sống, nên gọi tâm của Trời Phật là linh diệu.
Chỉ lấy linh diệu làm tâm, kêu là tâm linh diệu hay diệu tâm. Cũng như người lớn ông già, nhứt là ông già chỉ sống bằng sự trầm tĩnh yên lặng để nuôi chứa sự linh diệu, sự mầu nhiệm của tâm mình.
Tâm là hột giống sau rốt hay giác chơn, Phật; còn chúng sanh thì cái tâm đang thành tựu còn non nớt nhỏ nhít yếu mềm, nên gọi là chưa có tâm. Chưa có chớ chẳng phải là không có. Cũng như chưa có giác chơn, chớ chẳng phải là không có giác chơn. Cho nên nói chúng sanh là Phật vị lai, chớ hiện tại chưa phải là Phật rồi.
Cũng như hột giống còn non nhỏ đang ẩn trong trái, hoặc chưa có, chớ chẳng phải là không có hột giống. Hột giống có ba phần: thân làm, miệng nói và ý tưởng, tức là thân, khẩu, ý, hay làm, nói, tưởng. Chính cái nghiệp nơi thân khẩu ý là tâm. Vậy nên muốn biết tâm của kẻ khác ở tại đâu, ra sao thì ta hãy xem nơi sự nói, làm, tưởng của họ. Nếu bỏ nói làm tưởng ra, là tâm không có.
Muốn thành tựu cái tâm, hột giống, thì cần phải có đủ cả thân khẩu ý, nếu thiếu một cái cũng chưa gọi là tâm, hột giống được hay như hột giống còn lỡ dở chưa tròn. Một người kia nói ác nhưng không làm ác, hoặc làm ác mà không nói ác, hoặc ý tưởng ác mà không làm, như thế cũng hột giống lỡ dở chưa thành tựu.
Vậy cho nên:
Hột giống thú là thân khẩu ý ác.
Hột giống người là thân khẩu ý nhơn.
Hột giống Trời là thân khẩu ý thiện.
Hột giống Phật là thân khẩu ý chơn.
Nói cho rõ nữa, kẻ thì lấy ác làm tâm, kẻ thì lấy nhơn làm tâm, kẻ thì lấy thiện làm tâm, kẻ thì lấy chơn làm tâm. Ác, nhơn, thiện, chơn là pháp lý nên gọi là tâm lý, lấy lý mà tạo thân khẩu ý làm thành tâm hột.
Tâm ác như hột non, tâm nhơn như hột lớn, tâm thiện như hột già, tâm chơn như hột chín no tròn chắc thiệt đời đời. Chính tâm chơn mới gọi là thiệt tâm, còn tâm vọng động của ác, nhơn, thiện là hột giống còn có thể hư hoại, dời đổi chưa chắc định. Cũng như trong cái chơn như không vọng động thì thân khẩu ý mới chắc thiệt của ta, là ta, là chơn ngã.
(Trong cái ác, nhơn, thiện, thì thân khẩu ý hằng thay đổi không thường, nên chưa tin là hột giống của ta, là có ta, có tâm được).
Tâm là pháp lý, lấy pháp lý tốt đẹp yên vui nào đó làm trung tâm điểm, mục đích trụ cốt hột giống, do đó thân khẩu ý sẽ xuất hiện ra toàn là những cái tốt đẹp yên vui, dẫy đầy mãi mãi.
Bởi tâm là pháp, là giáo lý danh từ, nên con đường đi là sự thật hành do giáo lý danh từ tâm pháp ấy, kêu là đạo, và đến được sự kết quả của mục đích ấy, kêu là đắc quả hay là sự thành đạo. Đạo quả ấy là tâm pháp, tâm là pháp, là đạo, là quả, cho nên kêu quả tâm, đạo tâm hay pháp tâm cũng được. Tất cả chúng sanh chỉ có một cái tâm như nhau không sái khác, ấy là cái chơn như không vọng động. Cũng như cái chết, cái ngủ, cái yên lặng, cái nín nghỉ, là tất cả in nhau như một.
Vậy nên tất cả chúng sanh mà chỉ có một cái tâm, tâm ấy là Phật, là tâm chơn, pháp chơn, đạo chơn, quả chơn, tức là thân khẩu ý chơn như không vọng động. Ngoài cái chơn như một ấy, là tất cả chúng sanh đều vọng động, thì nào còn có ai giống được với ai và làm sao sống chung, ở chung với nhau cho được. Thế nên Phật gọi đời là một đám rừng hỗn loạn bởi vạn tâm, vạn pháp, vạn đạo, vạn quả chen lấn tranh đua, thì đâu có sự hòa bình yên vui mãi mãi. Như vậy là chỉ có Phật mới có tâm chắc thiệt, có một tâm ẩn kín quí báu, và dầu bao nhiêu, tất cả chư Phật cũng chỉ có một tâm, giá trị in nhau thôi, tâm ấy là chơn như pháp.
Cũng có thể nói rằng: Chính Phật là pháp chơn như. Trong cái chơn như tự nhiên thì đâu có thấy gì là thân khẩu ý xuất lộ ra tại chỗ nào.
Nên gọi Phật là không có tâm, hay tâm chơn, thân chơn, khẩu chơn, ý chơn. Đã chơn như không vọng động thì cũng như không có vậy.
Còn trái lại, chúng sanh thì có lưỡng vạn tâm, vì tâm hằng chuyền níu theo hai lẽ tương đối của pháp tình, khi vầy khi khác, không thường, không tự chủ, không sở chấp, không nhứt định, không lẽ một,… nên thân khẩu ý điên đảo theo vạn pháp, vạn đạo rối khổ tơi bời. Người ta cũng có thể nói rằng: chúng sanh không có tâm, không có nhứt định, không có thường, không có lấy các pháp nào, đạo nào làm mục đích, làm trung tâm điểm trụ cốt tốt đẹp yên vui, nên không có đắc quả hưởng được chi cả. Kìa như một con ma đói, lúc nào cũng vẫn đói và cái đói đói mãi không cùng, không chỗ đến, không có tâm.
Ấy bởi như người trồng cây xấu, đã có trái chua cay đắng chát, và thân khẩu ý của họ lại hay dời đổi vọng động không chừng, lăng xăng mãi vì sợ sệt, vì tham vọng, vì thất bại, nên hột giống tốt nào được gieo trồng, vun tưới, mà hầu sanh cây trổ trái được để hưởng dùng.
Cũng như bậc Trời, người, thần, thú, ma, địa ngục, các chúng sanh ấy mãi lăn xoay theo vòng tương đối của bánh xe luân hồi khổ não, là bởi điên đảo vì vạn tâm phàm vọng, không chơn như nhứt định.
Vì thế mà gọi là chúng sanh không có tâm, không có chơn, hay là có cái tâm phàm vọng, có hai vạn tâm, có những cái tâm thay đổi giả dối, ma biến, quỷ quyệt, cái thân khẩu ý ấy xấu xa, lậu tệ tráo chác uốn nắn trang sức, gạt gẫm bằng sự tô điểm, sơn phết, lòe loẹt bên ngoài chốc lát, dối trá không thật.
Tâm chúng sanh như vậy thì thật đáng bỏ, vì pháp chúng sanh là rất tà ác, độc hại, đã vô ích không công mà lại khổ sầu tai họa. Và đời của chúng sanh là đời không mục đích, không căn bổn, thật vô lý lếu rộn mệt nhọc. Thế nên chư Phật gọi chúng sanh là những con ma bệnh, chính mình là kẻ bệnh và truyền bệnh lây kẻ khác. Nọc bệnh là tham sân si tam độc, cái chất độc có từ trong tứ đại là mẹ đẻ của chúng sanh. Bởi tham sân si mới sanh ra muôn triệu thân khẩu ý là tâm bệnh. Tham sân si là pháp độc, là tâm bệnh mà nơi mỗi người pháp độc bệnh hằng xây trở ra muôn triệu chứng, muôn triệu pháp, muôn triệu tâm, muôn triệu đạo, muôn triệu cái kết quả độc hại khổ sở.
Những ai muốn chữa bệnh tức là phải tu, phải lập một tâm, lấy giữ một pháp, thật hành một đạo, phải lựa pháp lý nào tốt đẹp yên vui, trọn lành, sáng mà làm trung tâm điểm, cốt yếu mục đích tâm. Tập cho thân khẩu ý thuần thục, túa ra nhập vào, toàn là pháp quý báu ấy, để cho được kết quả chơn như, trọn sáng lành yên vui tốt đẹp, mạnh mẽ sống đời (Pháp lành sáng là thuốc hay, và chơn như là không còn bệnh hoạn). Muốn vậy thì người bệnh là chúng sanh phải kiên tâm trì chí, nhứt tâm uống thuốc, giữ một thứ thuốc nào trị ngay bệnh mình đó, mà uống mãi cho đến khi lành mạnh. Lấy món thuốc lành đó làm tâm, làm thân khẩu ý, làm ta, của ta, tức là lấy một thiện pháp làm tâm.
Cho nên gọi là kẻ tu hay người trị bệnh thì chỉ có một tâm. Và khi thành Phật rồi, hay như đã lành mạnh rồi, đã chơn như rồi thì không còn có pháp, có thuốc, có tâm gì nữa cả, vì đã kết quả, đến nơi nín nghỉ chơn như rồi. Bấy giờ là sự an hưởng chớ không còn tâm, pháp, thuốc, bệnh, đạo gì, tu tập chi chi… Đến đó gọi là Phật, không còn có tâm, không còn cho ta thấy biết được tâm, chơn như là ở tại chỗ nào nữa. Bởi thế cho nên người ta thường nói: Chúng sanh có muôn triệu tâm, người tu có một tâm và Phật không có tâm nào cả. Hay người ta nói ngược lại nghe cũng được là Phật mới có tâm, người tu đang tạo tâm và chúng sanh thì chưa có tâm gì cả. “Chưa có” đây, nghĩa là chưa có cái thiện lành nào, chỉ có muôn triệu cái ác bệnh, tai hại vô ích cũng như chưa có, như cả biển cát mà chưa được một hột vàng nên gọi là chưa có, vì vàng thì hữu dụng và quí hơn cát.
Người tu là kẻ chữa bệnh, bệnh ấy là tâm pháp đạo tà, là thân khẩu ý xấu, người tu là rèn trau thân khẩu ý tốt, lấy pháp hay thuốc quí nào đó làm tâm, và thật hành mãi cho đến khi kết quả mạnh lành, chơn như thành Phật. Như thế nghĩa là không ai tu bắt chước ai được, cũng như người kia đau bụng, kẻ nọ đau đầu; mỗi người phải tự biết lấy chứng bịnh của mình, tự tìm lấy món thuốc cho hạp và tự uống lâu ngày, chớ không phải mời thỉnh rủ ren người kia uống thuốc của bệnh mình, hay như bắt chước xin thuốc bệnh kia cho mình uống được. Chúng sanh ai mà không bệnh, bằng được chơn như, như Phật, như kẻ không đau thì mới khỏi phải tu tập uống thuốc, hay tâm pháp đạo gì, tức là không có chi hết.
Vậy chúng ta nên nhớ rằng: Tâm là thân khẩu ý, ngoài thân khẩu ý thì không có tâm, thế thì ta hãy bỏ tâm xấu lấy tâm tốt, bỏ dở lấy hay vậy. Và sự tu là tu tâm chớ không có tu riêng thân, hay khẩu, hoặc ý gì cả. Nhưng cũng tùy nơi bệnh nào nhiều là người ta phải lo chữa sửa nó trước, để rồi tất cả đều được trọn lành, là tâm chơn tốt đẹp, nên tức gọi là tu tâm.
Thân làm là bao vỏ của tâm hột.
Miệng nói là thịt cơm của tâm hột.
Ý tưởng là ngòi mộng của tâm hột.
Gồm cả thảy là tâm hột, nếu tốt chắc là đời đời, bằng xấu hư là tiêu hoại, đó là sự sống hay chết của tâm hột. Vậy chúng ta nên phải lựa tìm pháp tốt quí yên vui nào đó làm tâm, và thực hành vun bồi tô đắp, vừa là được sự kết quả vĩnh viễn cho ta, và để gương đạo lại cho kẻ chung quanh đời sau đi theo với; ấy là để ân hậu lại đời đời, giá trị của ta xứng đáng biết bao! Có như thế mới phải là đền ơn tứ đại, vạn vật, chúng sanh và các pháp.
Kìa như khi xưa, đức Khổng Tử dạy nhơn đạo lấy chữ nhơn làm tâm, đức Lão Tử lấy cái không làm tâm. Người tu kẻ thì lấy giới làm tâm, kẻ thì lấy định làm tâm, kẻ thì lấy huệ làm tâm. Phật thì lấy chơn làm tâm, Trời thì lấy thiện làm tâm, thú thì lấy ác làm tâm, ma thì lấy tà làm tâm. Có kẻ lấy nghĩa làm tâm, người lại lấy lễ làm tâm, kẻ lấy trí, sự học cái biết làm tâm, người lấy chữ tín làm tâm, kẻ nhỏ lấy cái sống làm tâm, kẻ lấy cái ăn làm tâm, người lấy cái ngủ làm tâm, kẻ lấy cái vui chơi làm tâm, người lấy hờn giận làm tâm, kẻ lấy say mê làm tâm, người lấy cái tham lam làm tâm… Tâm ấy tức là thân khẩu ý, hay cũng là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, trí, giác, mà tên của nó là một cái pháp. Cũng như bao nhiêu thứ hột đều là hột, nhưng mỗi hột có một tên riêng, là do sự khác nhau ở bao vỏ, thịt cơm và ngòi mộng, tên ấy là một cái pháp, một danh từ. Mà chúng ta sống đời phải tìm lựa lấy một danh từ xứng đáng làm tâm, hột giống để đời, làm hột giống của chúng sanh, vạn vật, các pháp trong tứ đại, làm một đứa con quí giá, làm một cái sống đáng sống. Mình vui, vui với cái sống của mình, tất cả ước mong mình sống, và mình sống với cả không gian thời gian võ trụ.
Chính cũng vì lẽ ấy mà đức Khổng Tử đặt tên cho chúng sanh là hột giống, là nhơn. Còn Phật thì gọi chúng sanh là chủng tử, hột giống của tứ đại, mà người ta cần phải cất để dành hột giống tốt, và phá bỏ nhổ đi những hột giống xấu, liệng thảy đi những cây trái bậy hư, mà gìn giữ chăm nom cây trái có ích lợi, để đời. Sự lựa chọn ấy là pháp luật.
Pháp luật yêu quí kẻ hiền từ, tâm giống tốt. Pháp luật vun tưới săn sóc nâng đỡ ủng hộ người tu. Pháp luật không có áp chế người hiền và pháp luật là mặt đất gốc chân của cây quí to đạo bảo. Pháp luật nuôi sống cây, giữ gìn cây, tạo hột giống cây và cất giữ lưu chuyền mãi mãi, ấy là người hiền để trên pháp luật. Nhưng trái lại pháp luật sẽ không cho những hột giống hư xấu sống đời tồn tại, chẳng cho sanh mọc, dẫu sót mọc thì nó cũng bị vất thải nhổ bỏ đi. Cũng như kẻ chẳng có lòng nhơn thì không có cái sống và khó trốn tránh khỏi mặt đất, đất sẽ ăn cây, cây chết và tiêu hình để tô đắp trả lại cho đất, để làm phân cho hột cây giống tốt, là làm cho pháp luật càng thêm nghiêm trọng. Do đó tức là có tâm mới có sống, và tâm chơn là sống mãi đời đời, là vua chúa cõi đời quí báu hơn hết, như Phật là bậc thánh vương cao thượng.
Đành rằng đủ thứ tâm, đủ thứ pháp, pháp nào cũng là tâm cả, hột nào cũng là hột cả, nhưng trong đời chỉ có một thứ tâm hột dùng được thôi, đó là pháp chơn như vậy. Lại cũng ví như bao nhiêu đường lối quanh co vòng theo chơn núi, mà sau khi đến là đến có một chỗ chót trên cao.
Cũng như trải qua bao nhiêu năm tháng, mà rốt cuộc thì trái chỉ có một ngày chín. Bao ngày sống mà chỉ có một phút chết. Ví như bao sự học mà chỉ được có một cái giác, vô số cát mà chỉ lấy có một hột vàng. Những pháp mà chúng sanh mãi sàng lựa kinh nghiệm, khổ nhọc trong đời, rốt cuộc chỉ được cái chơn như, và đến với chơn như. Chơn như là chỗ đến của tất cả nên gọi là pháp, là đạo, là tâm của tất cả. Dầu ai không biết đi đâu, ở đâu, đến đâu, làm, nói, tưởng chi chi… mà nếu giữ ngay cái chơn như, là đúng ngay, trúng phép vậy.
Thế nên gọi tất cả chúng sanh có một đạo, có một pháp, có một tâm, cũng như thân người có một trái tim, mà sự sống của tất cả cơ thể đều do những lằn máu của một trái tim một. Chơn như là tâm của tất cả, ai chưa biết chơn như là kẻ đó chưa biết tâm mình.
Cũng như chúng sanh đang ở chung quanh một cái vòng tròn lớn của vành xe. Trong đó chỉ có một cái chơn như là tâm cốt, kẻ nào ngó ra là chẳng thấy tâm mình. Ai dòm vào trong thì sẽ thấy tâm mình là tâm của tất cả, chỗ đến, đạo của mình là của tất cả, càng đến càng gần, rồi sẽ đến chung, ở chung hiệp một.
Cái tâm là không có, chỉ có cái danh từ tiếng nói mượn đặt nói ra, để chỉ cho hiểu rõ cái yếu điểm cực trung của chúng ta đó thôi.
Cũng như cái hộp, cái bánh, cái trái, đâu có gì là trung tâm, nhưng khi muốn phân tách nó ra hay nắn nhồi nó lại, thì ta phải tạm ghi một chấm điểm làm trung tâm trước đã. Có trung tâm rồi mới biết nó ra sao, bao lớn?… Cho đến khi đã nên hình hay bể nát rồi thì cũng đâu còn cái trung tâm ấy nữa.
Cái chơn như cũng y như vậy, có chơn như mới sanh ra vạn pháp, và chơn như là chỗ qui tụ của vạn pháp. Khi chúng sanh đã đến chơn như yên lặng rồi, thì cũng không còn có biết chi là cái tâm, cái chơn như. Muốn đến với trung tâm chơn như, thì tất cả chúng sanh như những con mọt đeo ngoài vành bánh xe, phải quay vào bên trong yên lặng, và thẳng tới nơi yên lặng mãi, đó là nhập định. Trong nhập định đến chơn như và đắc chơn như, ấm kín như ở trong ngòi mộng, ngủ nghỉ sống đời, mà đừng nhọc sức trơn trợt leo trèo bên ngoài vành bánh, cũng đừng tìm ra bên ngoài chỗ xao động. Và nên phải nhớ mà đóng các cửa nơi thân miệng ý, chớ để bụi lấp tuôn vào làm cho dơ nặng, ngăn trở té lui; cùng chẳng khá gần với quỉ ma, mà phải bị sự lôi trì xô ngã!
Như thế nghĩa là chúng ta phải định, phải nhập định, phải tìm cảnh tịnh, tâm cảnh phải tịnh định luôn luôn, thì chơn như mới xuất hiện, chỗ trung tâm mới đến được.
Có chơn như mới có định, mà cũng có định mới có chơn như. Chơn như tức là định yên lặng hay quả Niết-bàn, là cảnh giới mực trung giữa trụ cốt xe, mặc cho bên ngoài vành bánh lăn chuyển, mà kẻ ở bên trong vẫn mãi nghỉ ngủ ngồi yên, đó mới là chỗ đến, kết quả, mục đích của chúng sanh vậy. Chỗ ấy không có tên gọi chi cả, mặc dầu người ta cưỡng dùng nhiều tên để gọi. Nhưng có thể gọi là sự ngủ nghỉ của chúng ta thôi.
Tóm lại: tâm, pháp, đạo, trung, quả vốn không hình dạng. Chúng ta hiểu nó bằng lý trí, dùng nó làm phương châm, để đi đến cõi thuần lương. Tuy ta không thấy chớ nó là mạng sống của ta. Cũng như ta chẳng thấy không gian hay thời gian, ta không thấy cái hôm qua, cái ngày mai, cái bữa nay, và sự gì sắp đến, ta đang ở đâu…Bởi con mắt thường của ta không thấy, bởi trí ta chẳng mở mắt ra nhìn, chớ có lẽ nào trong đời một kẻ vô tâm mà sống được, còn người vọng động thì nào ai có biết họ ra sao? và ở đâu, đi đâu, đến đâu?
Cũng y như thế, có tâm chơn là có chúng sanh, và không có tâm chơn là không có chúng sanh vậy.
Người chơn thật ai cũng kính yêu.
Kẻ vọng giả nhiều người khinh bỉ.
Người ở trong cái chơn như yên lặng thì đâu còn có thấy hay không thấy, nghe hay không nghe, ngửi hay không ngửi, nếm hay không nếm, làm hay không làm, tưởng hay không tưởng, nói hay không nói v.v…
Bởi ở trong cái cực trung, tâm chơn không vọng thì đâu có cái nhận thức phân biệt chi bên ngoài. Họ chỉ ở trong cái yên lặng chơn như, họ ở trong thế giới riêng của họ, dầu nơi giữa chợ đông, dầu nơi lò phanh tể, cái thức biết của họ đâu có ở nơi chỗ đó. Và dầu có thân hay không thân, có nói hay không nói, có tưởng hay không tưởng, có sống hay chết, họ đâu có cần màng. Dầu ở trong thế giới nào, hay là ở khoảng không gian, đến đâu và ở đâu họ cũng trối mặc, họ không còn cố chấp nên không có khổ. Họ là cái yên vui trong thế giới yên lặng của tự mình, mà không phải lo sợ bị ai chen vào phá hại. Chính đó mới là Niết-bàn của mỗi người mà chẳng ai thêm bớt cho ai được. Đó là chỗ cực trung, tuyệt đối của tâm chơn. Ở trong đó là ở trong tâm, lấy tâm làm nhà, chẳng còn phải lo sợ lạc loài đâu nữa. Thật là ấm kín vậy…
Chơn như là một danh pháp, chớ không có phải chi là chơn như hết.