CHƠN LÝ SỐ 41: PHẬT TÁNH

Tánh là nguyên lý sanh ra chúng sanh, vạn vật các pháp.

Tánh tức là võ trụ không gian trơ lặng.

Tánh là bản nguyên của tất cả.

Tánh là gốc nguồn của muôn loại.

Tánh cũng là bản chất đầu tiên của võ trụ.

Tánh là họ, vốn, chơn thật của cả thảy, cũng là căn bản của hết thảy.

Võ trụ tự nhiên là tánh, là chơn như không vọng động, hay là chánh định. Cái ấy sanh ra tất cả thế giới vạn vật, chúng sanh các pháp. Tứ đại địa cầu, đất, nước, lửa, gió, cỏ, cây, thú, người, Trời, Phật, có ra là do chơn như võ trụ, ở trong chơn như võ trụ.

Vậy nên tất cả đều có một họ, một tánh, một gốc vốn cội nguồn, nguyên lý, bản chất. Cả thảy đều ở trong một họ một tánh, con của một bà mẹ. Cái chi cũng đang chịu mang ân huệ, cái ích lợi, cái thiện trùm chứa của đức tánh chơn như cả. Chơn như là bản tánh của hết thảy vậy.

Vì thế cho nên, khi xưa đức Thích-ca Mưu-ni cùng chư Phật quá khứ hay cả hiện tại vị lai, các Ngài sau khi đã giác ngộ, nhận ra cái tánh chơn như ấy, các Ngài cho nó là tánh họ của các Ngài, họ của người giác ngộ, Phật tánh, tánh của chư Phật. Tánh ấy chơn như, không vọng động, trơ lặng không không, chơn thật, nguyên lý, bản chất, gốc vốn, cội nguồn, mà ai ai giác ngộ ra cũng đều trở lại! Nên chư Phật ấy, có gọi tên là Như Lai, trở lại với chơn như.

Như thế thì tất cả chúng sanh là một họ tánh chơn như, thật tánh; còn các họ tánh sau này là tục tánh, pháp lý của chơn như túa ra vậy. Cũng như tất cả chúng sanh đều có một con đường cái lớn, còn những con đường lối nghệ nghiệp tẻ lạc sau này là chi nhánh tách lạc vọng động ngoằn ngoèo, lẻ tẻ không thật.

Hiểu nơi Phật tánh tức là hiểu được một món thuốc quý để trau tâm, un đúc thành tâm, dùng nó làm tâm, nuôi cho cái sống, cái giác, cái linh, được thiệt chánh lớn tròn, tốt đẹp quí báu. Tánh là chơn như, tâm là trung tâm trụ cốt. Chư Phật, bậc giác ngộ lấy tánh chơn làm tâm trung, vì vậy mà người ta gọi là Phật có tâm tánh, tâm chơn, hay chơn tâm là Phật. Vì kẻ có được tâm chơn là người giác ngộ, kẻ ấy lời nói, việc làm, ý niệm, đã được chơn như không vọng động, y như võ trụ chơn tánh! Hay là lời nói để đem lại chơn như, việc làm để đem lại chơn như, ý niệm để đem lại chơn như. Cả thảy các pháp là đem lại chơn như, hay từ trong chơn như sanh ra vạn pháp.

Kìa một nhà sư tham thiền, mỗi cái chi vọng động xảy đến là Ngài tầm sát rốt ráo nguyên lý của nó là chơn tánh. Mỗi pháp nào Ngài cũng thấy rõ tánh gốc của nó là chơn như. Như vậy thì mỗi pháp hiện đến là mỗi chơn như hiện đến, tô đắp tâm thêm to lớn, cứng chắc, tròn trịa, y như tánh chơn võ trụ. Như thế tức là nhà sư ấy lấy cái pháp chơn như, mượn cái tánh võ trụ làm tâm để tạo tâm chơn, hay chơn tâm vĩnh viễn của bậc giác ngộ, Phật. Đó tức là chơn như do vạn pháp.

Và như sau đó, pháp lý từ trong tâm chơn giáo hóa dạy ra, để dắt dẫn chúng sanh đến với tâm chơn y như mình, nên kêu là vạn pháp do chơn như vậy.

Mỗi cái chơn như của người tu đều có ra là do trí huệ, trí huệ là sự tầm sát tánh chơn của các pháp, mà diệt bỏ giải thoát khỏi các pháp ấy, mới được chơn như. Thế nên gọi là chơn như do trí huệ, trí huệ do chơn như; hay cũng là chơn như do giải thoát, giải thoát do chơn như, mà giải thoát tức là trí huệ. Trí huệ hoàn toàn tức là giải thoát hoàn toàn, chơn như hoàn toàn; còn trí huệ nhỏ hẹp thì giải thoát nhỏ hẹp, chơn như sẽ nhỏ hẹp.

Khi xưa đức Phật Thích-ca có danh hiệu Mưu-ni, là báu giải thoát, cũng y như thế. Trong khi Ngài giải thoát tất cả các pháp sau sự thấu suốt tánh chơn của nó, tức là Ngài đã chơn như tròn trịa, quý báu như viên ngọc. Viên ngọc chơn như ấy tức là sự giải thoát, có ra do sự giải thoát. Giải thoát là cốt yếu, mà đức Phật ngài lấy sự giải thoát các sở chấp làm trung tâm, nên chúng sanh xưng tặng Ngài là món bửu châu Mưu-ni vô giá, quý báu vô cùng. Chính cái báu giải thoát chơn như là diệt khổ, là sống đời, là linh thiêng, là giác ngộ, là hột giống vĩnh viễn, nên ai ai cũng quý trọng lắm.

Vậy nên ai cũng muốn thấy nó, thấy bằng cách nó có cho mình, nó ở với mình, mình đạt được. Như thế là thấy tánh thành Phật! Mà thấy tánh là thấy cái chơn như không vọng động, thấy cái giải thoát các pháp, các sở chấp, do sự giác ngộ trí huệ là Phật của mình; chớ chẳng phải thấy bằng nói, nghe, chữ viết, suy gẫm tưởng tượng…

Bởi thế nên người tu cần phải giác ngộ, hiểu biết chơn tánh võ trụ cho kỹ, để lấy đó trau tâm, tập mình như võ trụ, kết quả như võ trụ. Mà cần phải hiểu biết rằng chơn tánh là do giác ngộ, vọng tánh là bởi mê lầm; vọng tánh là tánh ma, chơn tánh mới phải chư Phật. Mà chơn tánh Phật có ra là do trí huệ giải thoát, có giải thoát mới có thành Phật, gọi giác ngộ được, cũng như có dứt bỏ mới hết mê lầm. Vì trong chơn như thì không còn vọng động nữa, hay là nhờ thấy rõ chơn tánh của các pháp rồi thì không nên sở chấp bên ngoài nữa, đừng mê tríu nó nữa, mới gọi chơn như đặng.

Vậy thì đời nay, những ai muốn gọi mình là Thích tử thì tất nhiên phải là kẻ giác ngộ, trí huệ, giải thoát xuất gia trọn vẹn cả thân tâm mới được. Vì chỉ có Phật tánh, tánh chơn là phải xuất gia giải thoát trong sạch mà thôi. Từ nhỏ đến lớn, từ ít đến nhiều, tánh chơn Phật đầy đủ trọn vẹn, tức là sự xuất gia giải thoát trọn vẹn vậy. Nhứt thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh, tất cả chúng sanh si mê đều có tánh giác, trong mỗi cái mê đều có ngầm chứa sự phản đối giác ngộ, trong mỗi cái vọng đều có chứa cái tương đối là chơn. Câu nói ấy để chỉ rõ ra rằng người tu lúc đầu là nơi các pháp chúng sanh, si mê vọng động mà phải khổ chết. Cũng vì pháp nào cũng khổ chết đó, họ mới giác ngộ thấy ra chơn tánh, giác ngộ nơi mỗi pháp ác tà si mê vọng động mà xa tránh, ghê sợ, dứt bỏ nó để bảo giữ chơn như trơ lặng giải thoát, chớ không phải giữ mãi cái mê vọng, ở hoài trong ấy mà tưởng cái hiểu biết của mình là đã giác chơn Phật rồi để cho khốn lụy.

Kìa chư Phật giải thoát để nuôi tâm chơn. Đức Thích-ca được chơn như là nhờ giải thoát, thì đời nay có ai tài gì, miệng nói mà được cái giải thoát chơn như rồi đâu?

Kìa một kẻ té dưới sông hẹp, bởi sợ chết khổ mới trèo lên bờ; có bờ cho nó trèo lên là bởi tại sông hẹp bãi lài, có nấc lội lên; khi lên đến trên rồi là được giải thoát. Từ đó khát nước là uống nước mưa, tắm nước mưa, ở ăn cao ráo trong sạch, khác hơn hồi bị sợ sệt, chết chìm nơi dưới nước sông kia vậy. Kẻ ấy có chăng là khá hơn một người nọ, họ té xuống biển bị trôi giạt giữa vời không đường lên giải thoát, thế mà chưa hay sự khổ chết đến, lại chẳng biết chán sợ lo xa, còn cho rằng mình tắm biển vui chơi, ở mãi, yên ổn, sướng hơn kẻ ở trên bờ kia nữa.

Sự giác ngộ chơn tánh võ trụ để tu giải thoát, bước lên, dứt bỏ, là giống như kẻ trôi sông hẹp. Còn si mê lầm tưởng mình Phật, ở hoài nơi trói buộc vọng động, tức là như người té biển rộng mênh mông, không ích lợi vào đâu, cũng y như vậy.

Như thế nghĩa là người tu phải giải thoát, lấy giải thoát làm mục đích, vì có bỏ ma mới trông thành Phật đặng. Cũng như các pháp đều tương đối, ta phải lấy cái chơn bỏ lìa cái vọng, ta phải y như Phật, bỏ lìa chúng sanh mà không nên tiếc nó nữa.

Bởi đó mà khi xưa có một vị Tỳ-kheo nói chỉ có một họ với ông cha, mới phải là đứa con. Câu nói ấy chỉ rằng Phật tử, Thích tử, Phật tánh, Thích tánh phải là những kẻ xuất gia giải thoát, khất sĩ du tăng, y như Phật Thích-ca mới đặng. Vì chỉ có con là phải nối chí cha, hành vi cử chỉ, lời nói ý niệm, phải giống y như cha mới đúng. Như kìa con họ Lý chẳng có ở bên họ Trần; giống như con Phật, phải ở trong nhà Phật mà không có chen lộn trong nhà Trời, nhà người, hay trong các nhà khác. Cũng như người giải thoát xuất gia chơn như là không bao giờ còn ở trong xã hội, gia đình, các nơi vọng động đặng đâu. Xưa kia các bậc Tỳ-kheo khất sĩ quen tâm chơn như trơ lặng, chẳng bao giờ vào trong nhà thế ở đặng một ngày. Xưa kia những bậc đã thật hành chánh định chơn như mà còn như thế. Các bậc ấy đã khắc kỵ, khác hẳn với cõi đời, không còn một niệm phàm tục, vấy tưởng bà con, mà còn khó được tâm trong sạch thay. Huống hồ gì chúng ta ngày nay, cư gia hữu lậu, đang ở trong miếng đất giới luật 5 giới, 8 giới, 10 giới của nhà Trời, đang làm con Trời, Thiên tánh, họ Trời ở trong nhà Trời, cõi Trời; nếu không giải thoát xuất gia sanh vào trong nhà Phật thọ giới cụ túc Tỳ-kheo làm con Phật, y như Phật, thì làm sao nhập chánh định giác chơn y như Phật, mà lầm là đắc Phật tánh, thành Phật! Như vậy nghĩa là ngó Phật tánh, nhìn Phật tánh, hiểu Phật tánh ở nơi mỗi việc, mỗi chỗ, mỗi người kia, ai cũng hiểu ngó nhìn bên ngoài được dễ dàng hết, chớ còn ngó lại có thấy nơi mình, có thật hành, có được hay không, thì thật là khó lắm. Cũng như người ta sanh ra ở đời nói chuyện Phật, thấy hình Phật thì ai cũng nói thấy được, nhưng khi mình làm Phật thì ít ai muốn chịu làm, vì lẽ không phải dễ dàng như ngó thoáng qua, hay nói suông được. Đời nay lắm kẻ chỉ học giáo pháp Phật Thích-ca mà tưởng lầm mình Phật tử, Thích tử. Cũng y như thế, không phải học Phật là con Phật đâu, chưa phải người đi nghe pháp Phật là đệ tử ruột của Phật rồi đâu. Dầu đức Phật có ban ân khuyến dụ đi nữa chớ người tu là bao giờ cũng phải thấy lại nơi mình, thấy cái Phật tánh của mình, xem lại mình có giống y như Phật chăng rồi sẽ hay, chớ đối với những ông già kỹ càng thận trọng, dày công tu tập lâu đời mà hãy còn sợ sệt lắm, không ai dám vội mở mắt ra, bôn chôn láo táo cả.

Thật vậy, từ xưa cho đến nay những kẻ Tăng sư chơn đạo, họ chỉ mãi lo tu mà nào có dám nói là thấy mình có cái đắc, cái Phật, cái tánh gì đâu. Khi xưa chư Bồ-tát lớn còn không dám suy tưởng đến quả Phật, chư Thinh Văn, Duyên Giác lại cũng chẳng trông mong, huống chi chúng ta đời nay quá xa lạc.

Thuở xưa, các vị ấy chỉ biết có cái giới định huệ, giải thoát khất sĩ là đủ rồi, thế mà tốt đẹp hơn chúng ta lắm. Thật vậy, chỉ có kẻ thật hành mới là biết sợ, mà không còn dám nói chơi xem thường nữa, và có hành mới biết ra là không phải giống theo y như cái học.

Vậy thì Phật tánh là tánh chơn như của võ trụ, bậc giác ngộ nhận ra, lấy giữ làm mình, làm tâm, làm món ăn nuôi sống cái tâm.

Chúng ta ai ai cũng có thể thật hành giác ngộ được hết, mà điều cần nhứt là phải giải thoát, vì chỉ có giới định huệ cụ túc mới nuôi chơn như cụ túc ấy đặng. Nghĩa là chúng sanh là Phật đã thành, Phật đang thành, và Phật chưa thành, chớ chẳng phải tất cả đều đã là Phật hết rồi, không tu, ngã chấp, khổ chết uổng oan, mà sanh tội nghiệp. Và tốt hơn nên gọi mình là chúng sanh mãi, chắc sẽ được mau tấn hóa, hữu ích, đi trên cao hơn hết.

Phải như vậy, hột non hột già cũng hột, nhưng cái mất cái còn có giống nhau đâu.

Sở dĩ chúng sanh cần phải biết đến chơn tánh võ trụ để tập hành theo là vì trong đời chỉ có sự sanh tử là quan trọng hơn hết. Các con đường lối nào, nghệ nghiệp nào có ra là cũng do cái sống trước đã. Có sống mới có tất cả, có sống mới có nói làm lo nghĩ, lo ăn, sắm mặc, tạo chỗ ở, thuốc men…

Kìa trước mắt ta bao sự thành công sập đổ, từ xưa cho đến nay, cũng vì cái chết mà vật chất chẳng hề tiến bộ, đến được cái bước khá cao. Chúng sanh đã phải bị cái già buộc chết đã là một sự bất mãn lắm rồi, cái bịnh bắt chết là một việc tức tối, thế mà còn có thêm những cái chết bất ngờ, rủi ro; lại do đâu mà có những vụ quyên sinh tự tử; đã vậy nào thôi, quỉ ma cũng giết, thú vật cũng giết, người ta lại giết hại cả người ta nữa. Người ta còn bày ra cả cơ khí lớn, chiến tranh to v.v…

Thật là vô lý quá, đời sống của nhơn loại vô lý quá! Đành rằng chẳng ai biết được cái sống của mình trước khi sanh, chớ trong ngày hôm nay với cái sống hiện tại, ai cũng lo sống cả. Bởi lo sống nên mới có đủ con đường nghệ nghiệp, tranh đấu lẫn nhau rất nên tàn bạo, liều chết mê say để phải chết, mà quên là cái lẽ sống cũng vì sự sống. Chúng ta ai cũng ăn cơm để sống mỗi ngày, ai cũng muốn sống mãi, ai ai cũng muốn có cái sống sau khi chết bỏ xác thân; cũng như cái trái chín khô còn lại cái hột vĩnh viễn sống đời (lúc không còn vỏ ruột). Thật vậy, ai cũng muốn sống đến già, cũng như vỏ trái già, để còn được cái tâm hột giống. Ai ai cũng muốn như vậy hết, ai mà không tiếc cái thân trái vỏ non chưa có hột tâm mà nó phải bị chết thúi rụng ngang, không còn chi cả. Nào ai ăn cơm bữa nay mà chẳng lo cho ngày mai. Như vậy kẻ thấy xa hiểu rộng, có ai mà không phải lo cho tinh thần về sau hơn là vật chất trước mặt. Ai mà chẳng muốn sống đời này và mãi mãi, mà muốn sống là phải nuôi cái sống, có nuôi cái sống, có sống được mới ngó đến cái ăn sau. Vậy thì cái sống là chơn như, cái chơn như tự nhiên càng tô đắp, dưỡng nuôi thì tâm hồn mới sống, cái yên vui càng có ăn mãi, tinh thần mới được mập tươi. Có không tham vọng tâm ta mới no đủ, có không sân si tinh thần mới sáng láng mát mẻ trong sạch, thân khẩu ý không vọng động thì tâm hồn mới an trụ cứng cõi. Có giới định huệ mới gọi là có chân, mình, đầu của tâm. Tâm ấy là chơn như trơ lặng y như võ trụ, lấy chơn như võ trụ làm mục đích, so sánh chơn như võ trụ mà trau tâm. Vì cái chơn như võ trụ ấy là đức tánh từ bi, thiện lành, ơn huệ, dung chứa tất cả, trong cái chơn như là có trí huệ và giác ngộ. Tâm ta mà có được như thế ấy là trong sạch, yên lặng sáng suốt, nghỉ yên vui vẻ trọn lành, ích lợi quý báu cho đời. Ta không sợ lo chết khổ cho ta, và cả chúng sanh ai mà không tôn trọng nâng cao, nương dựa, xem ta như võ trụ.

Do đó mà người ta quý trọng cái tánh võ trụ hơn hết. Người ta hằng tôn sùng nó là đức tánh, Phật tánh, giác tánh, chơn tánh, quý hơn cả Thánh tánh, Thiên tánh nữa! Mà tánh là lẽ tự nhiên không vọng động, chớ không phải như món vật đồ chi. Người ta mà sùng bái nó là bởi đối ngược với tánh chơn như là vọng động. Chúng sanh cũng vì vọng động mà phải chết khổ, tội lỗi sái quấy không có được cái chi ích lợi bền dài vậy. Trong đời không bao giờ một kẻ vọng động mà được thành công. Bởi cớ ấy cho nên sự trau giồi đức tánh, dưỡng nuôi chơn tánh, tập sửa tâm chơn, giác ngộ y như Phật là điều chánh lý hơn hết. Vì tâm chơn già cứng tức là hột giống già cứng, tròn trịa, sống đời tốt đẹp quý báu thì cả thảy cái chi nên hay cũng sẽ từ đó mà sanh ra, và mới chắc thật gọi là có, có cái có được.

Kìa trước mắt ta một bãi đất, mọc sanh một cái cây, lớn lên tượng trái, trái nuôi lần cho cái hột, sau rốt hột còn, trái lá hoa cây tiêu hết. Bấy giờ cái hột ấy mới sẽ sanh nảy cả rừng cây, cả rừng cây là do cái hột, cái hột có ra nơi trái hoa cây lá đất nước.

Người chủ của đất cây ấy, họ chỉ ngó ngay cái hột một ngày kia, chớ nào họ có bảo thủ quý tiếc cái cây lá trái hoa đất nước cho đặng, và là vô ích, thì còn ai muốn đặng để mà làm gì.

Sự nuôi tâm hồn ta cũng y như thế, lo thân là để nuôi tâm, chớ không phải giữ tiếc thân hay phá hủy thân vô lý, mà gọi là không tâm hay bỏ tâm thúi mục, tưởng chừng như thân vỏ trái vẫn còn nhỏ non, non nhỏ mãi mãi.

Thật vậy, trong đời nào ai có ngờ sanh tử là cần, khổ vui là trọng; nào ai đã ngó cho cái sống vui hôm nay, ngày mai và mãi mãi về sau có được là do nhờ đức tánh, chớ chẳng phải sự việc bên ngoài. Trong đời nào ai dễ chịu được trơ lặng chơn như, như là chết tẻ, mà hiểu được cái quý hay mầu diệu của nó; nào ai có nhớ ra là ta đang ở trong lòng võ trụ, và để tìm cách sống của những bậc, đấng như võ trụ tối cao. Nào ai đã không cho cái huyền bí sâu xa là bí, là dốt, mà biếng nhác sưu tầm, đành phải chịu sự mê tín tà giáo của người dẫn đạo, cũng là sự mê tín theo bóng hình vật chất, sắc thân, cái có bên ngoài, ẩn hiện vô thường, ma biến quỷ quyệt (ma quỷ). Những sắc thân, cái có, vật chất bên ngoài là ma quỷ, xảo thuật, giả dối, cõi ma ẩn hiện thay đổi vô chừng, cám dỗ mê hoặc, khiến nên chúng sanh muôn loại phải mê tríu lạc lầm khổ sở đớn đau, đua nhau tìm chết, giết hại thân tâm, liều càng tự vận, bặt lối ngày sau, chết rồi là hết.

Vậy thì muốn được tâm chơn sống nên phải cần trí huệ (tức là giác ngộ thì mới có tánh chơn như), trí huệ do nhờ nhập định, định có là bởi nơi giới, giới là Khất sĩ, Khất sĩ là chơn tánh võ trụ. Cho nên gọi Khất sĩ là họ của Phật Thích-ca, cũng như còn giới là còn Phật Thích-ca, còn đạo Phật, Khất sĩ. Giới khất sĩ là bao gồm dung chứa định huệ chơn như, Phật tánh giác tánh. Thế nên gọi Phật tánh là giới khất sĩ vậy.

Cả thảy cái chi trong đời nên hay ích lợi quí báu, cũng đều do nơi giới khất sĩ Phật tánh cả.

Thế là chúng ta nên nhớ rằng: giác ngộ là giải thoát, giải thoát là Khất sĩ, Khất sĩ là chơn như, đến chơn như thì không còn nói luận chi nữa.

Vấn: Sao gọi Khất sĩ là Phật tánh?

Đáp: Một thuở nọ sau khi thành Phật đi giáo hóa khắp nơi, đức Thích-ca ngài về tới xứ Ca-tỳ-la-vệ. Ngài và chư Khất sĩ ở trong vườn cây, gần chỗ ở của vua cha trước kia là Tịnh-phạn. Sáng bữa sau, Ngài ngự đi trì bình khất thực với chư sa-môn. Bấy giờ có tin báo cho vua Tịnh-phạn hay, vua liền đi ra kiếm Phật, cản đầu mà nói rằng: Ngài chẳng biết tôi là vua sao? Tôi có đủ sức cúng dường Ngài và chư đại chúng đến bao lâu cũng được, sao Ngài lại đi xin làm chi cho xấu hổ, cực nhọc? Vả lại dòng họ Thích-ca từ xưa đến nay thảy đều là vua chúa, nào có ai phải đi xin đâu? Xin Ngài chớ làm việc ấy.

Đức Thế Tôn trả lời rằng: Dòng họ của bệ hạ là vua chúa nên sự bảo giữ ấy là rất phải. Còn như tôi, dòng họ tôi là Phật, cả chư Phật mười phương ba đời thảy đều Khất sĩ cả. Tôi có bổn phận phải noi dấu, giữ lấy họ hàng Khất sĩ, chủng tộc sa-môn của tôi, cũng y như bệ hạ vậy.

Thế là sau đó, đức Phật thản nhiên đi khất thực. Vua Tịnh-phạn đành gạt nước mắt nhìn trân, không biết làm sao cản được.

Sau đó người ta đến hỏi Phật rằng: Sao lại họ Khất sĩ là họ của chư Phật xấu xa như thế?

Đức Phật giải rằng: Với lẽ thật trong võ trụ, chúng sanh sanh ra do nhơn duyên chuyền níu chẳng đầu đuôi, cả thảy đều là bố thí cho nhau, chan sớt chia sẻ cho nhau, đang xin lẫn nhau mới có cái sống biết, và sống biết tu học. Vì thế mà ai ai cũng là Khất sĩ cả, kẻ giác ngộ trí thức mới thấy ra cái chơn lý ấy, mục đích của chúng sanh là xin học. Kìa chúng sanh đang xin với cỏ cây, nước đất, thú người, Trời Phật, tất cả ai cũng đang xin cả, xin lẫn nhau, hiểu đến lẽ xin học thì thấy rõ chơn như ngay. Vì chúng sanh xin học tạm thì không có cái chi là tham sân si vọng động được cả, không có cái ta của ta gì hết, như vậy là sự khổ chết đâu còn có nữa được. Con đường khất sĩ của chúng sanh ấy trong sạch chánh lý lắm, chẳng phải xấu xa đâu. Bởi chúng sanh vô minh lầm lạc, tưởng phải làm quấy, lấy quấy làm phải, nên hằng ngày lấy cắp ngang giành của nhau, không màng xin hỏi, gây sự bất công đàn áp, tội lỗi chứa chấp riêng mình càng ngày to lớn, quên lãng không hay, nên ngày nay mới khổ chết như cõi đời đây mãi vậy.

Cũng vì thế mà chư Phật, tánh họ của các ngài là Khất sĩ.

Các Ngài nói mình Khất sĩ là để giữ cái gốc vốn chơn như không tham vọng.

Các Ngài nhớ mình Khất sĩ là để cho ý muốn tham chẳng còn sanh.

Các Ngài thật hành Khất sĩ là để cho thấy rõ cái không không của không tham vọng.

Khất sĩ là giải thoát trói buộc phiền não vô minh vọng động để sống bằng chơn như trí huệ, an lạc thong thả, rảnh rang, không còn tạo nghiệp thì luân hồi sanh tử khổ mới đặng dứt.

Đức Phật nói xong, người kia được nhận thấy ra khắp thế giới toàn là chư Phật, tất cả chúng sanh là tối mê lầm lạc nạn khổ, và cả thảy chư Phật đều là Khất sĩ, đúng y chơn lý. Khất sĩ sẽ là đạo Phật, là họ Phật, là chơn tánh, Phật tánh, họ gốc, con đường của người giác ngộ, không còn hoài nghi chi nữa, nên rất vui mừng tin chịu, đảnh lễ Phật xin xuất gia nhập đạo, theo sát bên chưn Phật, nghe pháp mà tu đắc thành A-la-hán. Và cả xứ đó lần lần ai cũng được biết rõ đạo Phật là Khất sĩ chánh chơn cao thượng, là đạo cứu thế độ đời rốt ráo, nên ai ai thảy đều tỏ lòng hoan lạc khác thường, mà thật là sùng bái tôn trọng. Ấy vậy theo như đây thì Phật tánh có ra là do sự thật hành. Vậy chúng ta nên phải ráng thật hành cho đúng để làm y Phật, quy y như Phật, chẳng là quí báu hơn hết.