CHƠN LÝ SỐ 47: QUAN THẾ ÂM

Quan Thế Âm nghĩa là quán xét sự thế tiếng khổ tối tăm, tức là tấm lòng từ bi trí huệ của chư Bồ-tát giáo hóa. Vậy nên gọi từ bi trí huệ là Quan Thế Âm. Quan Thế Âm là Bồ-tát, Bồ-tát là từ bi trí huệ. Hay cũng gọi là có Quan Thế Âm mới từ bi trí huệ, có từ bi trí huệ mới Quan Thế Âm, Bồ-tát là phải như thế, như thế mới là Bồ-tát. Đó là pháp lý vậy.

Trong lịch sử Phật Thích-ca có nói: Thuở ấy có một xứ nọ mắc phải bịnh thời khí lây truyền, chúng sanh chết nhiều vô số. Người ta bèn cầu cứu với đức Quan Thế Âm Bồ-tát ở phương Tây. Bấy giờ có đức từ bi đại sĩ hiện qua, tay cầm nhành dương, tay giữ tịnh bình, nhúng nước cam lộ rưới khắp cùng cho bá tánh, nhờ đó mà ai ai cũng được dứt khỏi khổ nạn. Nên từ đó về sau, mỗi khi có gặp nạn khổ thì người ta cầu cứu với đức Quan Thế Âm Bồ-tát mà niệm gọi rằng: Nam-mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Linh Cảm Quan Thế Âm Bồ-tát.

Đoạn này pháp lý giải rằng: Một xứ nọ tức là xứ Ấn Độ mắc bịnh thời khí, là gặp phải lúc vật chất ác trược thạnh hành, chúng sanh vướng trong thời kỳ ấy là phải bị chứng bịnh tham sân si ác độc nhiễm lây, do đó mà sanh ra lắm sự chết khổ ở trong đời, vì vô đạo đức. Người ta cầu cứu với đức Quan Thế Âm phương Tây nghĩa là người ta cầu cứu với các nhà đạo đức từ bi, thường quán xét sự thế, tiếng khổ tối tăm, đem đạo đức đến giảng dạy giáo hóa cho họ, để cho họ được giác ngộ cảm hóa mà dứt bỏ tiêu tan chứng bịnh tham sân si tam độc, trong thời kỳ vật chất vướng lây truyền nhiễm tâm người.

Quan Thế Âm Bồ-tát ở phương Tây là ý nói những bậc đã thật xuất gia giải thoát khỏi cõi đời bên nây, bên nây là chúng sanh phiền não ô trược như phương Đông, còn bậc xuất gia giải thoát trong sạch như phương Tây bên kia.

Người ta nói Quan Thế Âm đây là ông Quan Thế Âm đệ tử của đức Phật A-di-đà, là chỉ rõ rằng A-di-đà là tánh bình đẳng, còn Quan Thế Âm là tâm từ bi. Lòng từ bi có ra do bình đẳng, lòng từ bi để đến với bình đẳng, lòng từ bi là cánh tay mặt hầu hạ kế bên đức tánh bình đẳng, cũng là việc làm của những bậc chánh đẳng chánh giác chư Phật. Tức là người ta cầu cứu với sự ban bố giáo hóa tế độ của chư Phật. Mà nơi đây là người ta hết lòng trông mong thỉnh gặp giáo pháp của Phật Thích-ca đem đến giáo hóa để cho họ được giác ngộ, nương theo đó mà thoát khỏi khổ nạn.

Về khổ, con người có tám khổ lớn và vô số khổ nhỏ, tám khổ lớn ấy là: sanh khổ, già khổ, bịnh khổ, chết khổ, cầu muốn không được khổ, thương yêu xa lìa khổ, thù ghét gặp gỡ khổ, sắc thọ tưởng hành thức quá lắm khổ.

Về nạn, con người có tám nạn: nạn tù tội, nạn ăn mày, nạn nghèo hèn, nạn làm dân, nạn làm quan, nạn giàu sang, nạn làm vua, nạn không có trí. Người mắc tám nạn này là bị trói buộc, chẳng được thong thả tự do tâm định, hằng phải chịu khổ báo mãi nên gọi là mắc nạn.

Bấy giờ có đức Quan Thế Âm đại sĩ hiện qua là có giáo pháp của Phật Thích-ca hiện đến, do Phật cùng chư Tăng Thánh chúng đi đến đó thuyết pháp giảng dạy theo tiếng gọi thỉnh rước, mong cầu của những người mộ đạo. Vì các Ngài thường quán xét trong cõi thế, những tiếng khổ trong sự vô minh si mê mà hằng phát lòng từ bi, đi đến nơi giáo hóa cho kẻ hữu duyên với các Ngài. Bởi thế nên các Ngài mới có tên gọi là Quan Thế Âm Bồ-tát; ai ai, các Phật Thánh nào cũng có mang danh từ pháp lý Quan Thế Âm cả, chúng ta kẻ nào có tấm lòng như thế cũng là Quan Thế Âm được.

Bồ-tát tay trái cầm tịnh bình chứa nước cam lộ là các bậc thầy ấy, bề trái thì giữ gìn tâm thanh tịnh chơn như đạo đức. Trong tâm đạo ấy có chứa đủ sẵn pháp lý cam lộ, ngọt ngào thơm tho mát sạch, tịnh là tâm thanh tịnh, bình là bầu đạo đức bình đẳng, bát chánh đạo như cái bình, nước cam lộ là pháp bảo. Tay mặt cầm nhành dương nhúng nước rưới khắp nơi là việc làm bề mặt, thì dùng phương tiện giáo lý hoằng dương, đem pháp bảo nói rải khắp nơi cho mọi người giác ngộ thức tỉnh, nhờ thấy rõ mục đích nên họ quay về đường sống chung tu học, không còn tham sân si giết hại nhau nữa, cũng không còn hơn thua danh lợi thế quyền. Họ dốc chí lo tu nên được giải thoát khỏi khổ nạn bằng sự xuất gia nhập đạo theo Phật.

Vậy nên từ đó về sau, những chúng sanh khổ nạn được có thức trí mở sáng ra, biết là mình đang khổ nạn, không còn tự cao bướng bỉnh liều mạng, thì họ hết lòng ham mộ đạo lý, mong cầu kêu cứu với pháp bảo của chư Phật Thánh, là những bậc Quan Thế Âm, thường cảm ứng theo duyên với tấm lòng cầu đạo của họ. Nhờ các Ngài thuyết pháp mà họ được hết khổ và được thấy rõ nẻo xuất gia xa lìa khổ nạn, nên họ thường niệm tưởng đến danh hiệu Quan Thế Âm luôn. Kẻ nào xuất gia chưa được thì họ nhắc nhở câu nói như vầy: Kính lạy Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Linh Cảm Quan Thế Âm Bồ-tát. Họ nhắc như thế để cho quên sự ghê sợ nạn khổ của đời, và đừng xao lãng sự phát tâm cầu đạo giải thoát của họ với con đường Khất sĩ của chư Phật.

Vì họ cho rằng cõi đời là khổ, đời là hầm lửa cháy, bởi bị các thứ lửa đốt nung thúc giục nên họ mới phải co ngoe cử động, đi đứng nói làm, vọng tưởng điên loạn. Họ đang ở trong bóng tối của võ trụ vô minh, chẳng biết đâu là bờ bến nẻo đi ra. Mỗi tiếng nói thốt ra nơi cửa miệng của họ là tiếng khổ rên, than siết của sự ép ngặt, bắt buộc, cực lòng. Bởi tiếng nói của người cũng như sự thổi kèn, hơi gió lồng qua lỗ nghẹt mới phát sanh ra tiếng, như than rên tức bực nhỏ to trầm bổng. Hơi của người trong lồng ngực phát ra, qua lòn kẹt cổ nhỏ hẹp, phát sanh tiếng nói, cũng y như vậy. Đó thảy là tiếng khổ, có khổ ngặt mới có âm thinh, các tiếng nói trong thế gian của chúng sanh thảy đều là tiếng khổ cả. Họ là những kẻ khổ ở trong bóng tối vô minh của tứ đại địa ngục, nên những tiếng khổ ấy là như cầu cứu với các đấng từ bi Quan Thế Âm Bồ-tát, với những bậc đã được yên vui giải thoát, như vậy là phải lắm. Và những bậc đại hùng đại lực đại từ bi ấy, tức là sự mạnh mẽ như đàn ông nên họ gọi là ông Quan Thế Âm Đại Sĩ, chớ thật ra danh từ pháp lý Quan Thế Âm là không phải nam hay nữ cả, vì ai cũng có được in nhau hết.

Trong Diệu Pháp Liên Hoa kinh có nói về phẩm Phổ Môn Quan Thế Âm Bồ-tát. Diệu Pháp Liên Hoa là pháp lý trên bốn mươi năm dạy đạo của Phật, pháp nào cũng là diệu pháp như liên hoa cả. Quyển kinh ấy có ra do chư Bồ-tát soạn dịch và đề tựa. Ý nghĩa của Diệu Pháp Liên Hoa là nói về lời dạy của đức Phật Thích-ca, khuyên các hạng Thinh Văn Duyên Giác hãy phát tâm Bồ-tát giáo hóa chúng sanh thì mới mong đắc quả Như Lai Phật đặng. Vì có làm Pháp sư mới đến được Pháp vương, có làm Thầy thì sẽ trở nên Tổ, có tu trí huệ mới đắc chơn như thiệt thọ.

Trong ấy về đoạn thứ bảy là phẩm Phổ Môn. Phổ là phổ tế, bố thí pháp cho chúng sanh tất cả. Môn là pháp môn phương tiện, cửa mở rước độ thâu người vào trong nhà Phật. Cửa bố thí pháp ấy có ra là do pháp Quan Thế Âm từ bi đó.

Trong ấy có nói như vầy: Giữa khi đức Phật thuyết pháp, có Quan Thế Âm Bồ-tát trang nghiêm tốt đẹp từ phương Tây hiện ra trước mắt mỗi người, là đức Phật khuyên mỗi người hãy quán xét sự thế, tiếng khổ tối tăm mà phát lòng từ bi tế độ, và Ngài chỉ rõ sự tốt đẹp quý báu ích lợi của pháp ấy, làm cho ai ai cũng hiểu thấy rõ rệt như có người trước mặt.

Khi ấy Bồ-tát Vô Tận Ý mới quỳ xuống bạch xin hỏi Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, vị Bồ-tát ấy vì sao gọi là Quan Thế Âm, và sức phương tiện độ chúng sanh như thế nào? Nghĩa là Vô Tận Ý Bồ-tát đây là các bậc Bồ-tát khác, cùng chư Thinh Văn Duyên Giác mới phát tâm, ý pháp không cùng tận, vì muốn đến quả Như Lai chơn như Phật, nên mới hết lòng sùng bái đức Phật, cầu xin chỉ dạy cho rõ biết lý nghĩa pháp lý danh từ Quan Thế Âm nghĩa là gì, làm sao mới có được tên pháp đó, và sức phương tiện đó độ chúng sanh bằng cách nào, ra làm sao?

Khi đó đức Phật giảng dạy rằng: Chúng sanh ở trong đời, ví như có người thương khách, dẫn bọn thương nhơn đi ra giữa biển bán buôn, kiếm tìm châu ngọc, bị quỷ la-sát nhận chìm thuyền liền niệm tưởng Quan Thế Âm, tức thì gặp đặng chỗ cạn, là nhờ lực Quan Thế Âm tế độ. Nghĩa là, người thương chủ là tâm của chúng sanh, dẫn bọn thương nhơn là mắt tai mũi lưỡi các pháp trong mình cả thảy cũng như bọn thương mãi. Họ sanh ra là để lo lời lỗ đua tranh tráo chác, đi ra giữa biển là vào xa trong giữa biển khổ của đời, bán buôn kiếm tìm châu ngọc là mong kiếm tìm sự ích lợi cái tham, bị quỷ la-sát nhận chìm thuyền là bị cái ý lôi cuốn xác thân chìm đắm. Tâm liền niệm tưởng Quan Thế Âm là giữa lúc ấy thấy ra sự khổ của người của mình, quán xét sự thế, tiếng khổ tối tăm của tất cả mà phát lòng từ bi trí huệ là tức thì thấy gặp đặng đạo đức để nương theo, như gặp đặng chỗ cạn mà thoát khổ nạn của biển trần thế được xuất gia giải thoát, đó là nhờ đức oai thần lực của pháp lý Quan Thế Âm vậy.

Lại vầy nữa, như có kẻ tu hành đi theo đạo bảo, để đến nơi cao thượng như chót núi Kim Cang, tu nửa chừng sa ngã, muốn té rớt xuống trở ra về thế, bằng niệm tưởng đến pháp lý Quan Thế Âm là quán xét sự thế, tiếng khổ tối tăm mà phát sanh từ bi trí huệ là sẽ được đứng vững trở lại lo tu, không còn sa ngã, ấy là do nhờ oai thần của pháp ấy. Như có người thương khách, dẫn bọn gia nhân đi vào rừng nguy hiểm, bị giặc cướp đón vây, niệm Quan Thế Âm, bọn cướp đều lui tán. Nghĩa là lục căn như thương khách, gia nhân là lục dục của nó, đời là rừng nguy hiểm, các pháp ác quấy gian xảo của đời là giặc cướp đón vây. Niệm Quan Thế Âm là có niệm tưởng quán xét, thấy rõ sự thế tối tăm, dẫy đầy tiếng khổ, thế là người ấy giải thoát xuất gia xa lánh nó thì chúng nó cũng sẽ xa lánh lại người, không còn bén mảng rủ ren bao bọc.

Lại có người mắc tội hay bị oan là ưng lòng chấp sai việc tội của đời, muốn ở muốn làm, hay vì muốn đi tu mà bị sự thế buộc ràng ép bức, như bị oan, trăn cùm gông xiềng trói buộc là vợ vây con trói, việc thế buộc ràng. Bằng quán xét sự thế, tiếng khổ tối tăm là niệm tưởng đến pháp Quan Thế Âm, thì nhờ sức lực đó mà đặng sút ra rảnh khỏi, là sẽ đi xuất gia dứt bỏ đặng.

Gặp khi lửa cháy là trong lúc đang nóng giận, niệm tưởng Quan Thế Âm là quán xét sự thế, tiếng khổ tối tăm, tức thì tắt lửa là sẽ hết giận hờn.

Có người phải bị gươm đao cây gậy chém đâm đánh đập, là trong lúc bị sự đau đớn khổ sở như bị chém đập, niệm tưởng Quan Thế Âm là quán xét đến sự thế, tiếng khổ tối tăm, phát tâm từ bi trí huệ, là nhờ oai lực của pháp ấy khiến cho được an vui trở lại, những sự làm cho đau khổ, như bị có người đánh đập sẽ bể gãy tan nát v.v… Tất cả những khổ nạn chi trong đời cũng thảy nhờ oai lực lý nghĩa của danh pháp Quan Thế Âm mà được thoát khỏi cả. Vì vậy mới xứng đáng gọi là Quan Thế Âm; chỉ là danh từ pháp lý của tiếng Quan Thế Âm mà oai lực còn như thế, huống chi người thật hành đúng thì quý báu biết dường nào. Và người nào mà hành theo danh pháp đó, ắt phải là có thần thông phương tiện, khéo hay sáng suốt lắm mới được.

Kìa như có một người nọ muốn cầu bậc Bích-chi, A-la-hán giáo hóa, thì vị Bồ-tát từ bi đó phải khéo dùng phương tiện mà gọi mình làm Bích-chi, A-la-hán, hành cho đúng như vậy để dạy họ nương theo.

Kìa như có kẻ muốn học hạnh vua trời vua người, thì bậc Bồ-tát trí huệ đó, phải đem mình thay thế, xưng gọi vua trời vua người mà dạy họ một lúc đầu, rồi lần lần sẽ đưa họ lên tới cảnh giới cao mới được.

Kìa như có ai muốn tu hạnh đồng nam đồng nữ thì vị pháp sư đó, phải dùng lời nói pháp biến ra hạnh đồng nam đồng nữ đặng dạy cho họ tu theo.

Ví như có kẻ muốn làm trưởng giả, đại thần, bá quan, thì bậc trí huệ đó phải đem pháp ấy mà dạy cho họ. Kẻ nào muốn tu hạnh Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, là Khất sĩ nam nữ với cư sĩ nam nữ, là bậc từ bi ấy phải dùng thần thông phương tiện của lời nói mà chỉ dạy cho họ tu theo pháp đó, cho họ bước lần lên đến cảnh giới cao trên trong sạch, là chỗ mục đích có một, như trên chót mặt lầu hay trên mặt non đảnh núi, là chỗ đến có một rất nhỏ hẹp ở trong giữa cảnh bao la vô cực, thế mà chưn núi lại lớn to có đến muôn ngàn đường đi lên, từng bực nấc thang. Nếu những chúng sanh đó đang cố chấp ham muốn đi con đường nào, theo nấc thang nào để đến trên chót đảnh, là bậc hành theo pháp Quan Thế Âm phải hiện ra phương tiện của lời nói, như hiện thân ra trước mặt họ, cũng như đi trước để cho họ theo sau mà dắt lần bước lên từng nấc để đến với trên đảnh chót, chỗ một là Niết-bàn kia. Vì khi đến trên đó rồi là họ sẽ không còn thấy khác nhau phân biệt con đường tên gọi nữa, chư Phật, chư Tỳ-kheo cũng là thợ nghề, làm ruộng, mua bán, quan, vua, thần tiên, quỷ thú, a-la-hán, Bích-chi v.v… Ai gọi sao cũng được hết, các Ngài phương tiện nói mình là gì cũng được, các bậc thầy ấy lúc nào cũng dắt đầu, dẫn chúng sanh đi, đi lên tới cõi tột cao Niết-bàn, và chỉ Niết-bàn cho họ biết là mục đích con đường của họ. Đó là sức thần thông quảng đại, trí phương tiện của pháp Quan Thế Âm Bồ-tát là y như thế, nên gọi là bậc đại từ bi, đại trí huệ.

Và nguyện lực của pháp lý Quan Thế Âm là có 12 điều để tế độ chúng sanh, giải cứu khổ nạn. Vậy những ai hành đúng danh từ Quan Thế Âm là sẽ như mình có phát ra 12 lời nguyện ấy. Vị ấy khi đã thấy có 12 nguyện Quan Thế Âm ở nơi mình, của mình rồi là bởi do sự có thật hành đúng theo phát nguyện, kẻ ấy bấy giờ sẽ có tên Quan Thế Âm Bồ-tát thiệt thọ, và y theo đó thật hành cho đến khi trí huệ đầy đủ đắc chơn như, thì người ta gọi là Quan Thế Âm Như Lai Thế Tôn Phật.

Như thế thì danh từ pháp lý Quan Thế Âm, giải thoát khất sĩ xuất gia, giáo hóa Bồ-tát, trí huệ từ bi, để đến thần thông phương tiện và nguyện lực là mục đích để đưa rước chúng sanh bước qua bờ giác giải thoát khất sĩ xuất gia, ai ai kẻ đã xuất gia thảy đều có phận sự y như vậy, đó là lời đức Phật dạy. Phổ Môn là mở cửa lòng từ bi, phổ tế giác ngộ chúng sanh. Còn Quan Thế Âm Bồ-tát là quán xét sự thế, tiếng khổ tối tăm mà bố thí pháp.

Chơn lý, triết lý, pháp lý của Phật, Ngài dạy lý Pháp Hoa cho bậc Bồ-tát Đại thừa là như thế. Quan Thế Âm Bồ-tát là giáo lý Pháp bảo, chớ không phải chỉ riêng một người, hoặc nam hay nữ. Thế mà đời sau lại có lắm sự hiểu lầm, ngỡ rằng là oan âm, như sự oan ức âm thầm nên mới bày ra sự tích oan âm Thị Kính ví dụ, cho nên người đời tín ngưỡng mà quên lẽ thật. Lại cũng có kẻ tưởng lầm hai chữ quang âm là sáng tối, ngày đêm, nhựt nguyệt theo câu nói thường là bóng quang âm thấm thoát, thêm có kẻ hiểu là âm dương nhị khí trong thân mình dung hợp là quang âm, họ tưởng như thế để tu luyện v.v… Ai muốn hiểu sao cũng được cả, nhưng mà đúng với sự thật Pháp bảo Đại thừa của Phật dạy là không phải chỉ riêng ai, hoặc xác thân mình hay ở ngoài chi cả.

Cũng không phải Quan Âm là sự quán xét soi sáng trong chỗ tối đâu, nếu giải theo ý riêng như vậy thì thiếu mất chữ “thế” nơi chính giữa, sái hẳn với ý Pháp Hoa của Phật, như thế thì còn gì là kinh pháp.

Lại cũng có người hiểu lầm, lời nói bóng của các nhà cư sĩ rằng rồi đây sẽ có nước lụt cao lên mười thước, chúng sanh chết hết, kẻ nào có tu hiền thì bị chới với ngất ngư, khi đó có Phật bà Quan Thế Âm chèo ghe Bát-nhã qua vớt cứu, để sống sót trở lại lập đời mới, hoặc đem về xứ Phật dạy cho tu học. Lời nói ấy ám chỉ rằng rồi đây sẽ có chiến tranh, việc nước sẽ nâng cao tinh thần chiến đấu, sự thúc giục gia bức sẽ sôi nổi trào lên, lôi cuốn hấp dẫn tất cả chúng sanh, làm cho ai ai cũng phải chìm vào sâu trong việc nước, chết mất đạo đức lòng nhơn, tinh thần lẽ phải. Chỉ trừ ra có những kẻ tu hiền thì còn chút sống của đạo tâm, nhưng cũng phải bị chịu biết bao cơn sóng trào xô đẩy dằn vật, cũng vì cảnh khổ nạn không ánh sáng của đạo lý như tối đen trời đất đó; các nhà đạo đức từ tâm, giới hạnh hiền yếu như đàn bà, lòng thương chúng sanh như bà mẹ, quán xét sự thế, tiếng khổ tối tăm, nên ra đi bố thí pháp, đem ánh sáng soi chiếu cõi đời cho sáng ra trở lại. Trí huệ không lường của các Ngài là như tàu ghe không lường đáy (bát-nhã là trí huệ hay chơn trí), ghe ấy chỉ rước độ những kẻ còn sống có tâm hồn, là những người có đạo tâm chơn tu, chớ kẻ nào nặng nghiệp vì xác thân như chết, là trèo lên bước vào không đặng. Bởi là ghe không lường đáy hữu hình, hay cũng nói là trí huệ vô lượng, độ chứa kẻ thiện căn nhẹ nghiệp, chớ si mê thì không chở được. Những kẻ được tế độ giáo hóa ấy, họ sẽ được an tâm hết sợ, được sống trở lại tinh thần đầy đủ an vui, do nhờ các bậc đại trí huệ Bồ-tát dẫn đạo, cầm lái, gầy dựng cuộc đời đạo đức, mới mẻ thạnh hành, sáng tỏ trở lại, cho nên họ không còn bị bơ vơ dồi dập nữa. Bấy giờ họ sẽ sống trở lại cuộc đời đạo đức mới mẻ, làm cư sĩ tại gia hoặc đi xuất gia tu học, theo vào trong giáo hội của chư Bồ-tát cứu thế, là Quan Thế Âm đại từ đại bi trí huệ dõng mãnh hùng lực ấy.

Nước lụt lên cao mười thước là việc nước chiến tranh đến hồi loạn lạc, sự ác tà vấy cao tột điểm, thập ác đủ đầy, tâm địa loài người lúc bấy giờ ai cũng xưng là như cọp, cá, yêu, ma, đủ thứ, ít ai còn ưa thích muốn chịu giữ lòng nhơn là sự làm người nữa. Đó là câu chuyện Quan Thế Âm cầm lái chèo thuyền cứu thế độ đời trong mỗi thời kỳ, mỗi lúc, hễ đời suy là đạo thạnh, đạo suy là đời thạnh, tới lui xoay tròn mãi mãi như vậy.

Lại còn bức tượng Quan Thế Âm của mấy ông thợ vẽ từ xưa bên Tàu nghĩa lý như vầy: Cũng bởi có tích Thị Kính bày ra ví dụ nên mới có tượng Phật bà mặc áo trắng theo Tàu, hoặc vẽ tay bồng con, hoặc vẽ tay cầm bình tịnh, tay nắm nhành dương, ngồi trên gành núi Phổ Đà ở biển Nam Hải, đầu đội lúp trắng, tóc vấn lên cao, có Long nữ đứng hầu bên bụi trúc, Thiện Tài chắp tay bị trói chầu trước mặt trên mé biển, chim đại bàng ngậm xâu chuỗi bay lên cao. Đó là ý của các ông thợ ấy muốn nói rằng: Bậc trí huệ từ bi là như bà mẹ, áo trắng là giới hạnh trong sạch như tiên nữ, cư sĩ, chư Thiên (chư Thiên mặc áo trắng, Phật mặc áo vàng). Tay bồng con là lòng từ bi không nỡ buông bỏ chúng sanh cho đành, nên việc làm là phải bảo bọc. Hoặc họ vẽ tay cầm bình tịnh, tay nắm nhành dương, là những việc làm vừa nắm giữ đạo tâm vừa hoằng dương giáo pháp, tự độ và độ tha. Ngồi trên gành núi Phổ Đà là an tọa trên ngôi Pháp bảo như ngồi hòn núi; Phổ Đà là phổ tế và Phật-đà, là pháp Phật phổ tế chúng sanh. Ở biển Nam Hải là trí rộng như biển, ở trong tâm phía sau. Đầu đội lúp trắng, nhục đảnh nổi cao, là trí cao tôn thờ báu chơn như giải thoát là Phật. Còn tóc là còn cư sĩ, đội lúp trắng là còn bị giáo pháp thiện lành của cư sĩ che đậy, nên chưa xuất gia, chưa lộ rõ báu giải thoát chơn như thật ra đặng. Quan Thế Âm Thị Kính đây tức là oan âm, oan ức âm thầm. Vì thợ vẽ hiểu lầm câu nói: “Phật ái chúng sanh như mẫu ái tử”, nên tưởng rằng Thị Kính là Quan Thế Âm tái hiện. Theo hình đây, bà Quan Âm là một cư sĩ hành đạo Bồ-tát, hay gọi là chư Thiên tiên nữ phát tâm Bồ-tát, chớ chưa phải bậc Bồ-tát thiệt thọ hay Phật. Sở dĩ người ta kêu gọi Phật bà đó là lời quá tôn tặng, có Long nữ đứng hầu bên bụi trúc, là ý đẹp cao bay hay còn chấp trước, còn lo việc hữu lậu cứu giúp xác thân.

Thiện Tài Đồng Tử là Hồng Hài Nhi con của Ngưu Ma Vương với La Sát. La Sát là trí tà hung gian xảo, Ngưu Ma Vương là tâm ác cứng to lỳ, Hồng Hài Nhi là chúng sanh con đỏ, hậu sanh, mới sanh sau nhỏ dại, sanh ra bởi giữa cảnh tâm trí ác tà của đời. Hồng Hài Nhi ăn thịt sống người ta là chúng sanh quen tánh uống máu, ăn thịt lẫn nhau, sát hại lẫn nhau; ở dưới đáy biển là ô nhiễm chìm sâu, tột đáy biển khổ của đời; bị Quan Thế Âm dùng dây hồng cẩm sách trói lại là giới luật điều răn trói; hai tay chắp lại là đức Bồ-tát đem giới luật điều răn truyền dạy, bảo phải chắp hai tay lại, giữ gìn năm giới và năm hạnh cho khít khao chặt chẽ. Thế là từ đó Hồng Hài Nhi, đứa con đỏ khát máu, đã trở nên tên gọi Thiện Tài Đồng Tử, là bỏ ác theo thiện, theo hầu nghe dạy, vượt lên trên mặt biển khổ, thấy gặp Pháp bảo như ánh sáng mặt trời.

Trên cao có chim đại bàng ngậm xâu chuỗi đợi chờ là Thiện Sĩ chồng của bà. Nghĩa là trên cao hơn bà là bậc thiện sĩ, trí thức thượng trí, như chim bay cao, đã giải thoát xuất gia, đắc Niết-bàn, là bậc tinh tấn khất sĩ bay cao hùng lực, như kẻ đàn anh, như người đi trước. Những bậc ấy cũng đang ngậm giữ bổn nguyện quý báu độ đời như xâu chuỗi, họ cũng nhả ngọc phun châu, bố thí pháp giáo hóa cho chúng sanh đặng vậy. Bà thì lo cứu thế. Ông thì lo độ đời. Tức là ông ở trên cao không trung, còn bà thì chỉ đang ở mặt biển khổ.

Ấy là hai pháp: Cư sĩ tập hạnh Bồ-tát với Khất sĩ Bồ-tát thiệt thọ là như nam và nữ. Đó cũng là ý hay khéo của các ông thợ vẽ pha trộn sự tích lý nghĩa trong kinh sách, chế biến bày ra cho dễ bề chiêm ngưỡng. Tuy không phải sự thật, nhưng những ai có đức tin cầu vái mơ vọng, mong cầu tư tưởng thì nhiều khi tinh thần của mình xuất hiện ra cũng thấy có y như vậy. Hoặc cũng có đôi khi, chư Thiên xung quanh vì thương xót mà chứng hiện cho để giúp đỡ cho người, hay hộ niệm cho người tin tưởng yếu ớt, nhỏ nhoi, thấp thỏi. Sự thật quả y như thế. Đức tin cũng giúp ích cho người kém trí được chút ít, nhưng chẳng quý bằng Pháp bảo đạo lý, chơn lý, triết lý, trí huệ. Kẻ nào thấu đạt được ý pháp của Phật, tôn thờ giáo lý để tự thật hành là quý báu ích lợi hay cao hơn hết.

Như thế thì danh từ Quan Thế Âm tức là pháp cứu khổ cứu nạn rồi, ai niệm tưởng quán xét trì giữ thật hành thì ắt sẽ đặng giải thoát cứu khổ nạn ngay, y theo đó thì sẽ cứu độ được mình và người. Chư Phật khi xưa thảy đều dạy y như vậy. Và trong kinh Đại Bi dạy người phát tâm đại bi Quan Thế Âm là chỉ bảo như thế. Mỗi ai cũng có thể là Quan Thế Âm là phải quán xét sự thế, tiếng khổ tối tăm; vì Quan Thế Âm là pháp thí Bồ-tát, mà chắc là ai cũng muốn làm Bồ-tát giải thoát xuất gia để đặng thành Phật.

Vậy thì ai ai cũng sẵn có Quan Thế Âm là tâm đại bi, tâm đại bi là Quan Thế Âm hết.