CHƠN LÝ SỐ 8: NAM VÀ NỮ
1. Quán xét về sự sanh sống của loài người thì chúng ta nhận thấy rằng: Tiếng nhơn (người) là một danh từ chỉ cho sự hành vi của sắc thân có chứa lòng nhơn ái, nên gọi người là gồm cả thân và tâm. Tâm đây là lấy sự nhơn (lòng nhơn) làm trung tâm điểm; mà lòng nhơn ấy có là tại nơi hành vi, việc làm thiện.
2. Loài người có là trước kia do nơi thú tiến hóa ra. Chủng tộc người sanh ra trước nhất tại chân Hy-mã-lạp sơn, hồi ấy là vượn khỉ, giống giàu lòng gia tộc, thường cất nhà ổ trên ngọn cây, cả bầy có tới số trăm ngàn.
3. Về chơn lý chỉ rằng: Từ thuở tứ đại địa cầu mới nổi thì cỏ cây thú do ấm tứ đại sanh ra, từ ít tới nhiều, từ nhỏ tới lớn, bởi nơi sự khổ là gió làm duyên. Thời gian càng đưa tới, mỗi kiếp lại lớn khôn, loài thú hoặc trong đất sanh ra, hoặc trong nước sanh ra, hoặc hóa sanh nơi cỏ cây đồ vật, biến đổi hình dạng do tư tưởng, con này thành ra con kia, hoặc khi đã có rồi thì sanh thai đẻ trứng, hầu hết đều trong loại ngũ sắc đủ hình.
Loài thú phần đông chỉ biết sát hại để ăn, giành giựt cho có, dâm dục chơi bời la lối ngông nghêu, lắm con lại tìm sự say sưa bất kể. Loài thú chỉ có tư tưởng biết lo nhớ, và hành động theo ý dục của thọ tình, chẳng biết sự phân chia tốt xấu, khen chê, đen trắng, từ trong đen ác tiến lần ra ngoài trắng thiện làm người. Xưa kia loài cọp dữ hung hăng lúc nhỏ, ỷ mạnh làm oai, giết hại ăn nhau, tập ác cho nhau, sanh ra thù oán. Khi trở về già bệnh yếu, bị trẻ nhỏ rình đón hăm he, mới phải sợ chết mà lìa rừng, trèo lên cây cao và non núi, đói ăn bông trái lá hột, ốm yếu nhỏ hình, trở nên khỉ, vượn, gấu, đười ươi. Nhờ sợ chết mà biết ăn năn sám hối, bỏ dữ theo lành, lên ở trên cao; bậc đã lớn tuổi nhiều năm kinh nghiệm, có trí hóa, biết thương yêu và hay tha thứ.
Từ lúc chạy bốn cẳng đến khi biết đứng hai chơn hái trái, đến biết trèo leo, về sau đói khát thiếu ăn khi mùa nắng hạn mới chạy tuốt xuống đồng bằng; vì đói mà tập bươi đất dập hột gieo trồng; vì mưa nắng mà che lùm cất ổ sửa sang nhà cửa; vì nóng lạnh nên đóng khố choàng khăn bằng bố, bô, vỏ, lá, bàng, cói, vải sồ; khi đau ốm bởi tại miệng ăn thì tìm miếng ăn đối trị, nếm thử mùi vị mà chế ra thuốc uống.
Về sự ăn, mặc, ở, bịnh, cần sống, càng chế biến mở mang nên việc làm càng nhiều, ý càng hay, trí càng sáng, theo nẻo vật chất, tham sanh, tiếc thân, gìn của, lại tự cao chưng diện, lông lá đứt rụng lần, không mọc ra dài được. Nhờ ở ăn no ấm thân thể được trắng trẻo phì mĩ, và bởi sự ưa dâm mà trau giồi nên ra bóng sắc.
Sự tấn hóa hay hơn hết về lẽ sống là lòng nhơn thanh thiện, biết thương yêu nhau, lập ra gia đình xã hội, trói buộc cho nhau bằng tình nghĩa cang thường luân lý, và đua chen nhau học hành vật chất, quyền thế lợi danh, để mong cầu được cái vui say, êm sướng cho xác thịt. Lắm kẻ lại nhắm mắt đánh liều, sống chết tới đâu hay đó, lại đi làm việc hung ác ngang bạo, phá rối sự sống chung của số đông người, mà phải bị lập ra pháp luật, để xử hình răn phạt.
Xưa kia thú dữ ở nơi rừng, chỉ có móng, răng, giết nhau mỗi lần một mạng. Từ khi đã có lập gia đình xã hội, đoàn nhóm, thì lại hay sanh ra giặc giã lớn lao, tàn sát triệu ức mạng người. Có biết làm cơ khí giỏi hay mà hại thú vật, một lần không số đếm, ấy cũng vì danh lợi mà ra. Lắm kẻ lại vì tình riêng giành giựt mà sanh ra cướp trộm đánh phá, sự hung ác trở lại hơn buổi ban đầu.
Hồi tưởng lại thuở mới có một hai người nơi mặt đất bằng, bấy giờ họ rất biết thương yêu nhau, che chở cho nhau, rủ nhau đến ở chung, chung sống, cùng nhau đồng hòa sức lực, chống chỏi với mọi tai nạn khủng khiếp, đầy dẫy khắp nơi lúc nào cũng có. Những kẻ ấy đồng cảnh ngộ mà đến ở chung, đồng kinh nghiệm, đồng lòng nhân ái, đồng góp sức gia công, đồng vui tươi hòa hiệp, nên mới có cõi đời này. Cõi đời của loài người mà càng thành lập lớn lao đông đúc thì càng sanh lắm tai nạn chém giết cùng nhau, do đó sự chia rẽ nhiều nơi mới có và có số chết kia, thì rồi sau lại số sanh nọ càng nhiều hơn. Càng nhiều là càng khổ, bởi quá khổ mới có kẻ sáng trí, gọi Phật Trời!
Buổi đầu chưa có người, loài thú ăn thịt uống máu lẫn nhau, gọi là hồng hoang thượng cổ.
Kế đó sanh nảy loài người lập gia đình, xã hội cõi sống lòng nhơn, gọi là Toại nhân.
Đến sau càng đông nhiều, chen chúc thiếu hụt tranh giành. Kẻ thì đi vào sâu trong vật chất, người lại vất bỏ mà lần lượt đến cõi tinh thần xán lạn, vui tươi vĩnh viễn, chắc thật, gọi là văn minh, lành sáng, có học, đạo giáo, bậc Trời, cõi Trời thiện đạo, chư thiên trọn lành trên mặt đất. Sau rốt đời sẽ trở nên cõi Phật, và quả địa cầu thế giới phải đến lúc diệt tiêu, đặng mà thay đổi tượng sanh trở lại sau thời kỳ khác, đúng theo lẽ vô thường, khổ não, vô ngã của không gian và thời gian là võ trụ.
ĐẶC ĐIỂM CỦA NHÂN SANH LÀ NAM VÀ NỮ
Loài người có nam và nữ là bởi nơi thú có đực cái. Thú có đực cái là bởi cây có âm dương tình thọ. Tình thọ có hai, khi ưa vầy, khi muốn khác, do mưa nắng các pháp tương đối đổi thay. Căn thân do thức chủ mà tượng thành, lấy trần vật chất làm ra cái có. Hình thể của thân do cây cỏ, thân hình cây cỏ do kẹt đất đá mọc lên. Đầu miệng phía dưới, đuôi miệng phía trên, ăn đất nước nơi đầu là gốc rễ, đem lại nuôi đuôi phía trên là tàng nhánh, để sanh tinh ba trái hột là con. Đến loài thú thì đầu đuôi ngang nhau, tiến đến người thì đầu trên chân dưới. Sự thay chân đổi đầu là bởi khổ, mới tập theo duyên cảnh mà quen lần.
Nam hay nữ, đực hay cái, cỏ hay cây, Trời hay Phật cũng đều gọi là chúng sanh, chung sống, sống chung hay là những loại có sự sống như nhau, ở chung trong bầu võ trụ. Kẻ như đầu, kẻ như chân, kẻ như mắt, kẻ như tai, kẻ như mũi, kẻ như lưỡi, kẻ như tay, kẻ như tim, gan, tỳ, phổi, thận, kẻ như da, lông, xương, thịt, máu huyết, tinh ba, v.v… gồm tất cả là một cơ thể sống của võ trụ. Cái sống toàn thể ấy gọi là ta. Cái ta chung hiệp tất cả như nhau làm một, không thể tách lìa, không hề rã đoạn, chẳng riêng tư, không ích kỷ, chẳng phân chia, tức là sự trọn sống, trọn yên vui, trọn không đau đớn khổ sở tai họa. Như vậy thì đâu có sự thương hay ghét, hoặc ta và người, những điều nhỏ hẹp.
Trái lại, sự khổ của người là bởi nơi nam và nữ mê muội, và do nơi đó mới có đạo giải thoát cứu khổ ra đời. Sự khổ ấy là lòng thương, sự cứu khổ ấy cũng lòng thương; cái thương sái trật và cái thương trúng phải.
Cây có đực cái nhưng chẳng giao dâm. Thú tình dục khó dằn mà giao cấu. Người ham lạc thú mới chơi bời mang khốn lụy, tự giết hại chôn mình. Trời thì chán sợ xa dâm, và Phật thì tự nhiên không chú ý. Con đường từ không có đến có mà phải khổ, và vất bỏ để được yên vui kêu là đạo. Đạo mà người giác ngộ hiểu rõ sự quí báu, mới thật hành được hiệu quả, kêu là đạo quả. Con đường ấy nơi khoảng giữa của tương đối nam nữ, đực cái, âm dương, hai bờ lề kêu là trung đạo, không thiên vị sa ngã bên nào.
Lòng thương có hai cách: Thương mà được yên vui cứu khổ cho nhau, hay là thương mà rối khổ vì nhau để giết hại lẫn nhau về sau; hay là cái thương tâng hót bên ngoài xác thịt giả dối, và cái thương chắc thật vĩnh viễn trong tâm hồn. Đức Phật khi xưa có dạy rằng: Lòng thương phải có, mà dục vọng thì đừng. Ấy vậy, cái thương đây quí báu, tốt đẹp biết bao nhiêu.
Con thú ác giết hại tất cả mà còn thương vợ con nó. Kẻ hung bạo sát nhân nhưng không giết được đàn bà. Nước mất nhà tan, nhưng nhờ sắc đẹp của một người đàn bà (cống Hồ) mà được khôi phục lại; đó tức là lòng thương của kẻ ác, thương một người rồi thương lần đến những kẻ khác, mà được có lòng nhân; hay là mỹ nhân kế của người xưa để lập thành nhân đạo cho đám người xưa hung bạo. Đó là lòng thương tạo nhân đạo của kẻ ác, miễn cho được sống trong lúc hiểm nguy, đánh liều sự may rủi khổ sở về sau; cũng gọi là cái thương của người trẻ nhỏ vậy. Thương đây tức là lòng dục vọng. Thương ấy giống tựa luỡi đao thương, nó làm cho sống mà chịu đau khổ, nó cứu bây giờ mà hại về sau. Một khi con người đã hiền lành rồi mà vướng phải sự thương yêu, thì ôi thôi trở nên dốt nát, ngây cuồng hung bạo trở lại, mà còn chết cả thân tâm, tan hoang cả sự nghiệp, sa địa ngục rất dễ dàng! Cho nên gọi cái thương của dục vọng ấy chẳng phải là sự thương yêu nhau mà là giết hại nhau, hay là cái thương giả dối độc ác, là cái thương dốt nát bằng xác thịt dâm cuồng của người hạ trí vậy.
Đối với đời, tham sống thì cái thương ấy cũng còn khá hơn là sự giết nhau. Như thế cũng là phải, nhưng họ còn lầm. Kìa như loài thú kia giết nhau nào ai can gián giải hòa, mà khi loài đực dữ chết bớt, chỉ còn loài cái ngoan ngoãn hiền từ, thì tự nhiên sẽ yên ổn hòa bình ngay được. Nên trái lại, đối với đạo, về sự khổ của người hiền thì tình dục là lửa địa ngục nguy hiểm lắm. Nó giết hại cả thân và tâm lận. Đó tức là cái thương tạm, cái thương mới tập, chớ chưa phải là chắc chắn, tốt đẹp hay lành. Nhưng cũng từ cái thương thấp kém của loại ác thú kia để cho được cái sống trước, rồi sau mới đến được cái thương xót từ bi của người hiền và chư Phật mà dứt khổ trọn vẹn. Ấy là lòng thương có nhỏ mới có lớn, và bởi có được sống mà khổ mới có tìm vui thêm về sau.
Vậy ta nên nhớ rằng: Thương một người là tập lần thương tất cả, để sống với tất cả không còn tai nạn, chớ không phải chỉ thương yêu riêng mãi một người mà chịu mang khốn khổ. Lòng thương phải trong sạch, cao viễn, hơn ác thú hung hăng. Thương là phải cứu khổ cho nhau, thương mà không ích kỷ. Lòng thương ấy tức là đạo chánh đẳng chánh giác công bình, thương khắp cả muôn loài vạn vật để cho ta được học. Lòng thương ấy tức là đạo ân nghĩa của chúng sanh, tức là sợi dây huyết quản của cái ta, là thân hình võ trụ chúng sanh chung, cũng gọi là linh hồn, sự sống của muôn loài; hay là sợi dây kết chặt thuyền bè giữa biển, ràng trói các cây to để chống chỏi nạn bão to gió lớn. Lòng thương từ bi cũng như vách đá sau lưng của người đi tới, cũng như dây xích dắt kẻ lạc đàng v.v… Có lòng thương từ bi rộng lớn thì mới đến được cái sống, cái yên vui trọn đủ được, chớ sống mà khổ thì cũng không ai muốn sống cả; vì cái khổ tức là một sự ép ngặt, thiếu thốn khó chịu hơn là cái chết.
Vậy nên lòng thương phải nẩy nở, trong sạch, phải cho biết thương. Thương phải có học, có kinh nghiệm, chớ chẳng nên thương bướng, thương càn, thương nhục nhã, xấu xa, đê tiện.
Trong đời mà ai chẳng có lòng thương, ai mà chẳng thương mình. Mà thương mình là thương tất cả chúng sanh, ta và người như nhau, nên gọi lòng thương là bình đẳng tánh, là Niệm Vô Tránh, hay Pháp Tạng, A Di Đà Phật vậy.
Có thương yêu mới chung vui hòa hiệp, làm một thể sống, sức mạnh bền dài. Cũng như thân thể lành lẽ, chẳng bị sứt trầy, khuyết điểm; cũng như làn da bao bọc, che đậy kín đáo cả thân mình là chúng sanh. Người mà không có lòng thương thì tệ hơn con thú, ắt giống với cỏ cây đất đá. Nhưng nếu thương sái trật vạy tà thì chẳng có được nhân người gì chút nào cả, cũng như không có lòng thương, chánh nghĩa là muốn giết hại, ghét lắm mà giả bộ gạt gẫm đó thôi. Cho nên, một bậc hiền triết xưa dạy rằng: Nam và nữ là hai kẻ tử thù, hễ gặp nhau là công kích, đố chọi, hoặc tìm cách thế, mưu độc, cám dỗ, dẫn dụ để mà giết hại nhau cho kỳ được, thề cho sa địa ngục tiêu diệt hết mới chịu thôi!
Trong đời, mười vụ kiện có đến chín do vợ chồng. Mười kẻ điên có đến tám vì tình dục. Mười người chết hoặc tự vận có đến bảy vì ái ân nhục dục. Mười kẻ sa địa ngục A-tỳ tiêu diệt thân tâm có đến sáu vì sự dâm. Cho nên Thánh nhơn dạy rằng: “Vạn ác dâm vi thủ”.
Vậy ta nên nhớ rằng hơn nửa của sự thất bại là do ái tình mà ra. Ái tình là giặc kiên cố, giặc trong mình phát ra, giặc giết được linh hồn lận! Tức là mũi thương độc ác hơn hết, giặc đời đời kiếp kiếp, giặc không hình nguy hiểm, giặc không phương chống cự. Người gây giặc ái tình ấy độc hại quỉ quyệt như tinh, như quỉ, hơn yêu! Một khi bắt nhốt được người thì dầu Trời cũng không cứu gỡ đặng. Chính ái dục là Ma vương mà xưa kia chư Phật còn hãi sợ. Cội Bồ-đề sập ngã, muôn kiếp trầm luân, mất nước tan nhà, giết hại lẫn nhau, muôn điều tàn ác, dốt nát ngây si, tham sân độc địa… cũng do tình dục cả thảy! Nên chi Phật Thánh dứt bỏ nó làm đầu, còn Thần Tiên chết đọa, là tại dể duôi hờ hững!
Than ôi! Cõi ái dục lờ mờ đen tối. Giáo lý nó như vách sắt lưới đồng. Cả trong cõi thú người, thảy bị trói trăn xử phạt, sai khiến, đọa đày. Thật địa ngục ái ân là nguy nan nhất, kẻ không trí huệ có tránh được đâu? Bao sự thành công sụp đổ, kế hoạch giựt cướp nước nhà, ly dị chia rẽ, giết giống nòi, hại cả chúng sanh… thảy đều do nơi lợi khí của ái tình. Sanh, già, bịnh, chết, âu sầu, sợ sệt, áo não, đau thương, xa lìa, gặp gỡ, cầu mong khổ sở cũng vì nó. Bỏ người làm thú cũng tại nó. Của cải tiêu tan, pháp bảo không còn, chỗ ở bơ vơ, Hiền Thánh suy sụp cũng do ái dục.
Chính ái dục là nấm mồ địa ngục mà người sa lọt xuống vào thì không thể cất đầu. Ở trong hầm ái dục người ta phải mất chủ tâm, không còn biết mình là ai và ở đâu, đi đâu; phải bị cướp hồn, khiến sai theo mạng lịnh, nô lệ lòn cúi rất xấu xa. Chính ái tình là độc quỉ vô thường, con ma khổ não, là thần chủ trị phạt hại nữ nam. Nó ở giữa nam và nữ, phép tắc của nó mạnh nhất trong đời. Thật là ác độc vô cùng!
Trong đời không có chi xấu xa bằng lòng tư kỷ. Lòng tư kỷ lại là ái dục. Không có sự nhơ nhớp nào hơn ái dục! Không có sự giấu kín ẩn khuất lén lút nào hơn ái dục! Không có chi thấp thỏi dơ dáy bẩn thỉu linh hồn, nặng nề mệt nhọc hơn là ái dục! Người thú liên quan, vong ân bội nghĩa, điên đảo tỉnh say, lát cười lát khóc, dua bợ nịnh hót, hết ghét rồi thương, như trẻ con xẩn bẩn, là cà, nhột nhạt, hổ thẹn, vô ích, tai hại, chi cho bằng ái dục. Ác của ái dục là giết hại chúng sanh. Tội của ái dục là lỗi phận sự với chúng sanh. Sự ngang bạo của ái dục là cứng cổ, bất tuân lời Phật Thánh, bậc cha thầy, ngỗ nghịch, vô đạo. Than ôi! Ngàn đời muôn kiếp, chúng ta đã sống và mang ơn đất nước cỏ cây thú người Trời Phật. Muôn loại sống cho ta, ta làm khổ hại muôn loài, do từ đâu mà ta có? Thế sao ta lại bái quỵ, tôn thờ, nuôi riêng ái dục, vô hình bông lông tội lỗi? Ái dục giết hại cả nữ nam chớ có tha gì một ai? Lắm kẻ hiểu lầm là sự che chở cứu vớt nương nhau, nên cho là hạnh phúc, lại gọi là sự an ủi, vui hay, khoái lạc. Phải! Nó rất an ủi và khoái lạc, mà chỉ được bây giờ, chốc lát, trước mặt, giả dối thôi; chính nó làm cho ta mất tấn hóa trong muôn đời, dấy sanh tham sân si bất tận. Cái vui ái dục là cây cột đồng bào lạc, bên trong đốt lửa để nướng thiêu, kẻ tội nhân bị trói tay chân vào, là thành tro mạt của địa ngục đó, chớ nào phải là sự nhàn lạc của thiên đường thiện đạo, hay là an lạc của Niết-bàn, xứ Cực lạc, cõi Tây phương Phật quốc.
Tình dục do tư ý vọng tà của mỗi người, chớ nào ai dạy, do nơi thú tánh tập nhiễm, chớ nào ai đốc xúi. Trời Phật nào có bảo? Thần tiên nào có sai? cha mẹ nào đi ép buộc?…
Ta nên biết rằng: Người ta có trí hơn muôn vật, người là phải đến Trời và bước lên Phật. Ai đi trước tới trước, bỏ lớp thấp vượt lên cao, để cho chúng sanh về sau có chỗ trống mà bước tới, chớ sao lại choán chỗ của lớp người hoài, mà lo giành ăn giựt lộn? Lớp người hiện tại đây dầu có thành Trời đi hết thì về sau cũng có lớp thú tiến lên, cớ sao đứng lại chận đường kẻ sau, mà bỏ đoạn đứt rời khoảng trước, đến đỗi quá mê say nói càn rằng: Không Trời Phật đạo đức chi chi.
Lắm kẻ lại khen hay thuyết nuôi gà đẻ trứng, lấy hột để dành con, đặng lập ra bầy lứa to đàn, theo thói lăng loàn cho người lợi dùng máu thịt.
Lắm người bị mưu sâu kế độc của dục tình làm cho yếu hèn nhu nhược, ngây khờ, để phải chịu sai khiến, thúc giục dưới mạng lịnh của kẻ bày mưu.
Kẻ thì lo giữ đất, người lại tính tạo con. Than ôi, loài người đang được bấy nhiêu mà còn hung ác dốt nát, đất chật, thiếu ăn; sao lại tính sanh thêm cho nhiều đông quá, để làm giặc cướp giết nhau chết hết đặng liều mình? Sao lại muốn mê dốt hơn là ham học? Nếu muốn học, muốn nên, thì có đâu đầy đông náo nhiệt như vậy!
Than ôi! Cõi đời chúng sanh rối loạn, khổ nạn tơi bời có phải lỗi kẻ dạy tham kia quá nặng hay chăng? Hỡi ai là người đốc xúi sanh con để tiêu nhà hại nước, liệt nhược tâm hồn, chủng loại! Ai là người bày xúi loạn luân vô đạo, người thú như nhau, bắt người làm vật, tạo lạc thú nơi cõi thân người, đặng mà lùa ví, hét la đánh đập, chém giết coi chơi, sao đành như thế?
Thượng Đế háo sanh là trọng mạng sống không giết hại, nào bảo ai bỏ học buôn dâm. Thượng Đế kia mà còn sợ dâm, nhờ bỏ dâm mới làm Thượng Đế, sao ta hơn gì Thượng Đế, mà dể duôi, lại đổ lỗi cho Trời, nói Trời sanh vầy là bảo vậy. Vả lại, loài người ăn hại phá khuấy, chớ có ích chi cho lẽ tạo muôn loài, mà tính việc kể công bào chữa, nói cho ai nhờ?
Chơn lý chỉ thật đúng y như vậy. Người có trí chúng ta há đi còn viện lẽ, và lại mãi đi làm gương tệ xấu cho kẻ nhỏ nhít tối tăm nương theo, đặng hại họ, ghét vì họ lắm hay sao? Dầu chúng ta không nghĩ đến mình thì cũng phải còn ngó lại cho mai hậu chúng sanh, ngỏ đặng đền ơn trong muôn một với chớ, mà xin đừng nói giễu buộc tội kẻ không sanh.
Phật Trời kia há chẳng phải là đấng hy sinh quên mình để lo học lo tu, bỏ mình không làm cái máy sanh sản để ngày sau nên đạo dạy lại cứu đời. Phật Trời ráng cứu độ, ta nỡ nào đi đốc xúi giết hại, hoặc làm gương hay còn dùn thẳng mà lắm nỗi khen chê. Nếu Trời Phật không phải ác, thì tội gì mà chúng ta chẳng chịu về y theo các Ngài. Dầu chúng ta có thấy khác đi nữa thì cũng nên tin rằng: Tại mình học chưa tới, kinh nghiệm chưa đầy, khổ tai chưa gặp, nên chưa hiểu ra lẽ phải đó.
Nếu vậy, chúng ta phải tập lần nam và nữ xa nhau, tập lần trừ đoạn dục tâm, bao giờ chắc mình trong sạch mới sẽ làm quen và coi nhau là chúng sanh, chỉ có một tiếng chúng sanh thôi, chớ không có phân chia giai cấp, nữ nam đực cái, dầu là đối với tất cả loại hạng nào. Nên hãy thâu hẹp các giáo lý minh mông cuồng quẩn mà đi ngay thẳng đến một đường thiện tránh ác, lánh khổ tìm vui, để giữ gìn giới luật, đua chen giới luật, nâng cao đạo đức tinh thần. Có tôn kính bậc trọn lành, giới nhiều hơn giới ít, mới đem lại cho chúng ta sự kết quả yên vui được. Chỉ có giới luật mới phải là giai cấp thiện, là pháp trừ giặc dục, là pháp giải hòa diệt tránh, để đem cõi đời trở lại chánh chơn tịnh định.
Vấn: Tình thương phát khởi từ đâu và sẽ đến đâu?
Đáp: Nước bao giờ cũng trở về với nước, nên gọi là lòng thương. Đất bao giờ cũng trở về với đất, nên gọi là lòng thương. Lửa gió cũng thế, gồm cả tứ đại, tan rồi hiệp do lẽ không rời, cũng gọi lòng thương. Lòng thương là lành, sống an vui hòa hiệp, cũng kêu là đạo. Trong ấy cái lớn che chở cái nhỏ, cái nhỏ nương nhờ cái lớn, nên gọi lòng thương do đạo ân nghĩa mà ra. Cây lớn che chở cỏ nhỏ, cỏ nhỏ nương nhờ cây lớn mà sanh ân nghĩa, lòng thương yêu quyến luyến thân thuộc.
Loài thú cũng có ân nghĩa, lòng thương giống theo cây cỏ, nhưng bởi gần gũi đụng chạm, cảm xúc tình dục mới sanh con. Loài người nếu khác hơn là nên thi ân bất cầu báo, còn kẻ thọ ân thì nên làm ân lại kẻ khác nữa, chớ đừng trông mong trả ân lại cho người đó. Cho nên theo giáo lý của Phật, thì cha không nên nuôi con khi con đã mười tám tuổi. Và con không nên nuôi cha khi cha đã được bốn mươi tám tuổi. Nghĩa là con lớn thì tự làm lấy mà ăn, hoặc tự đi tu mà nhờ lấy. Còn cha già bốn mươi tám tuổi thì đi tu giải thoát, để sống nhờ chung trong giáo hội tăng-già, lâu năm sẽ có đệ tử đông giúp đỡ. Như vậy là cha không đòi nợ con, để cho con rảnh rang, tấn hóa kịp theo người, để tránh khỏi cái nạn cha chết thì con đã già xẩn bẩn vì nhau mà dốt tệ. Lại diệt bỏ sự quyến luyến để tránh cho sự ông đầu thai làm cháu nội luân hồi.
Cũng như ta cho người này vay thì người này lại cho người khác vay, chớ đừng đòi nợ, bắt trả, buộc lời là tham ác. Đó là chơn lý tiến hóa của thời gian, chỉ có tới chớ không lui. Như vậy thì không bao giờ có sự khổ, ấy là bởi đi xuôi thuận. Ví như một dòng nước chảy xuôi, mà con kiến lội ngược thì khổ; cái cây cắm một chỗ thì gãy chìm; cọng cỏ trôi xuôi thì yên vui và sẽ ra đến biển cả lớn lao, sống đời nảy nở. Ấy là cọng cỏ tiến hóa vậy.
Cũng như cha nuôi con 18 năm, con nuôi lại cháu 18 năm, như vậy là nuôi con tức đền ơn cha mẹ, trả nuôi lại người khác thì mới đủ. Nhược bằng con nuôi lại cha, thì nuôi trả không được trọn, vì cha già chết sớm, mà còn lại khổ vô ích vì nhau. Chơn lý ấy để trừ tham diệt khổ, dạy cho người hiền tấn hóa để an vui, chớ với kẻ ác thì dùng không được. Còn đối với bậc trí huệ lớn lao thì tất cả chúng sanh là cha mẹ muôn đời, ta phải báo hiếu chung bằng sự dạy dỗ đạo lý. Như vậy là ta phải tu hành cho thành đạo đắc quả trước, rồi mới độ họ sau, chớ không đền trả bằng cơm áo, sanh con. Vì chúng sanh là học trò, bổn phận phải lo ăn học, để thi đậu rồi mới đứng ra chỉ giáo lại cho các kẻ ân nhân. Mục đích của sanh ra là học, và những kẻ nuôi cơm áo kia là ý họ muốn cho ta học, muốn cho ta nên, muốn cho ta sau này dạy lại họ nẻo sáng, chớ nào phải cho vay, đòi trả nợ, lấy lời. Bởi hiểu ra như thế, nên sự lo tu là không phụ lòng mong mỏi của chúng sanh kia mà lại nên ta, nên người, nên cho cả thảy. Cõi đời được vậy thì tiến hóa hạnh phúc tốt đẹp vô cùng.
Cũng như người mà che chở, cứu giúp tai nạn cho kẻ yếu đuối nữ nhi, thì chớ nên vì công cán ấy mà ép buộc vợ chồng đền trả, để vì tham nhỏ mà khổ lụy muôn đời. Đừng vì tà tâm mà sanh nhục dục để hại nhau; nếu vì tánh xấu, thì chớ cứu người đặng giết người, thà để cho họ chết thân mà sống tâm, được yên vui hơn và mình thì được còn sống. Chớ nếu lấy việc cứu mà kể ơn, và bắt buộc đền trả, phải chịu làm vợ con, thì ác xấu lắm, và chết khổ cả thảy như nhau vậy.
Bởi thế cho nên từ xưa, người nước Lỗ không bắt chước Liễu Hạ Huệ, thà không làm ơn hơn làm ơn mà phải bị hại cả thảy vì tình. Còn Triệu Khuông Dẫn không nhận sự đáp nghĩa bằng vợ chồng mà cho rằng ăn cướp của người ăn cướp, bất lương giựt của bất lương, thì ra kẻ gian ác như nhau; ta đã bị mang tiếng xấu, ta và người đều chết khổ, thì là hại chớ không có cứu chút nào. Phải vậy thì chúng ta chớ nên giả bộ thi ân, dục lợi, cầu tình mà mang khổ. Ví bằng kẻ nữ nhi yếu đuối, có thọ ân cứu tử của ai thì phải nghĩ cách sao, khi gặp kẻ khác có tai nạn mà giúp đỡ lại họ, chớ đừng ích kỷ buộc tình sái quấy. Đàn bà lắm kẻ tham ganh, chỉ muốn cho một người đàn ông làm chồng, để ủng hộ mình trọn đời. Như vậy là tội lỗi lớn đối với cả chúng sanh và tai hại chung. Còn đàn ông có người quá hẹp lượng, trọn đời chỉ lo nhớ tưởng, che chở cho một người đàn bà làm vợ, để chịu sái quấy khổ sở. Thật là xấu xa ích kỷ, tội ác thay cho tình dục, uổng cho kiếp thân trai thong thả mà vô dụng, tiếc cho đời thân gái yếu đuối, mà lại đi làm yêu ma tinh quái hại đời. Nếu chẳng vậy thì ta là trai không tà vọng, phải đem thân này dạo khắp mà phổ tế quần sanh, để cho được danh nêu bia sử. Còn gái chẳng lăng loàn thì giữ phận tiết trinh, qui tùng theo tất cả kẻ đàn anh, trong mỗi khi có điều tai ách, chớ chẳng phải đợi riêng một người mà chịu chết, hay là mở cửa rước bọn gian dâm mà để tiếng xấu ngàn năm; gái mà tùng đức trinh lương mới đáng gọi là khuôn mẫu trong thiên hạ. Vậy ta nên nhớ rằng: loài người chúng ta cao thượng, thì khi cứu là cứu cho tất cả mới không còn khổ; còn nhờ là nhờ với tất cả mới không còn nạn, mà nên dứt hẳn sự tà dâm.
Ấy vậy, tình thương là đạo ân nghĩa; là sự sống chung, trong sạch, cao thượng hơn hết; là từ bi bác ái, đại đồng võ trụ; là chơn lý của vạn vật muôn loài. Lòng thương sanh ra các pháp và chúng sanh. Lòng thương là đấng tạo hóa, là vì cái này cái kia sanh ra cái nọ. Chúng ta nương lấy nó sẽ đến quả Phật Niết-bàn, đến cõi ấy thì lòng thương mới tắt nghỉ. Lòng thương có cao có thấp, có sạch có dơ, có trúng có trật. Thương ngay thẳng là đến Niết-bàn sống mãi, thương tà vạy là sa địa ngục diệt vong. Lòng thương của cỏ, của cây, của thú, của người, của Trời, của Phật khác nhau, có nhỏ có lớn, càng nhỏ càng khổ, càng lớn càng vui kêu là đạo. Lòng thương vốn sẵn có trong đời, hoặc đã có, hoặc đang có, hoặc chưa có, chớ chẳng có cái không thương. Cho nên kẻ ác gian đến đâu cũng có ngày lòng thương nảy nở, mà thương yêu kẻ khác, và nó sẽ tiến từ thấp tới cao, từ khổ đến vui, thật là vô cùng linh diệu.
Vấn: Từ đâu có sự cưới gả của loài người?
Đáp: Nếu không dây cát đằng dẻo dai đeo quấn níu lại, thì cây tùng cao cứng phải bị gió gãy; bằng không cây tùng thì dây cát đằng phải bị sự chà xát vày bừa, tan rã bởi thú hung. Ấy vì lẽ sống nương nhau, trao đổi dung hòa tâm ý, mà loài thú bắt chước cỏ cây. Thú ác nhưng nhờ dâm dục mà trở nên hiền yếu, miễn là được sống mà nhắm mắt thả lần vào trong cái khổ tối tăm. Do đó, người xưa có con trai mới lớn, sợ bước chơn vào rừng đời nguy hiểm ác độc, gió giông tăm tối, với tánh dốt nát cang cường mà phải gãy như cây tùng kia, hay chết như thú nọ. Cho nên cha mẹ mua kiếm giống cát đằng đem về trồng cho leo mọc là cưới vợ sanh con. Lại nữa, gái tơ như tằm non yếu, nhỏ nhoi, nhu nhược, dẻo mềm, tựa thể cát đằng; nếu không nơi leo mọc, tránh sao cho khỏi nạn tan xác rã hình với đời hung tợn; nên trước khi chết, cha mẹ tìm nơi gởi gắm với tùng tơ. Thế nên xưa nay, kẻ thương con gái thì phải cưới chồng, người tiếc con trai thì lo cưới vợ, tùy theo tánh cách. Miễn được sống thì thôi, không cần thấy xa hiểu rộng, dốt nát tối tăm, lâu đời quen tục, tự mình tạo khổ, lại đổ cho đời, hoặc nói tại thân, cam đành ráng chịu, không phương trốn tránh, chẳng biết gốc khổ vì đâu?
Lắm kẻ nào biết gì nhân đạo giáo lý, tham danh mà gả cưới, vì lợi mà cưới gả, lắm trai bất tài nhu nhược, lắm gái trắc nết lăng loàn, vì khao khát dục tình muốn cho thỏa mãn, khi thỏa mãn rồi hoặc chưa toại ý, mà sanh lắm sự bôn dâm, cắm xỏ, ngoại tình; hoặc vì sắc đẹp, văn hay, lời êm tiếng dịu mà tư tình lén lút, trên bộc trong dâu. Càng quen càng bắt chước, lâu ngày thành sự tốt cho trẻ con, không cần cha mẹ, chẳng kể bà con, hỗn độn luông tuồng, trở lại như hồi lớp trước, để tìm chết, tìm khổ, tìm sự thất bại không thường, khóc điên, tự vận.
Có kẻ trai thì quì lụy gái vì sắc vì tiền.
Có kẻ gái phải quì lụy trai vì danh vì lợi.
Lắm trai thờ gái mà gọi nam nữ bình quyền.
Lắm gái hư thân quên phận lại xưng nữ nam đồng đẳng.
Vẫn hay rằng chúng sanh bằng như nhau về sự sống, nhưng nếu thời ly loạn thì gái phải cầu trai, bằng không có nam thì nữ đều chết hết, chớ sao lại tôn trọng tự cao vóc mình bồ liễu?
Có người lại quá ngây si, đem mình so sánh, ví như thú dữ cọp beo chim chuột, cùng là xưng mình cây cối cỏ hoa, nỡ quên giá trị của loài người, mà gán tên cỏ cây thú ác vào mình, đặng bắt chước hành vi theo chúng nó; mà nào có ai dám nhớ, nhắc đến Phật Trời hòng so sánh mình với Trời Phật để đi lên, bước tới. Than ôi! Đời vật chất đua tranh, tinh thần xao lãng, nào còn ai biết được chơn lý, lời dạy của Thánh Hiền để đến nỗi phải chịu nạn chiến tranh thảm hại.
Buổi xưa, chồng vợ mà có là do sự bất đắc dĩ đó thôi. Khi nào do nhơn duyên tai nạn của một gái thơ, trai anh hùng ra tay giải cứu, cảm vì ơn cứu tử mới gá nghĩa đền ơn, do đó vợ chồng mới được trăm năm bền bỉ. Sự tự do hôn nhơn là khi nào có sự ơn nghĩa như vậy thì không cha mẹ nào được phép ép buộc dời đổi, để phải mang tiếng phi nghĩa bội ân, mà gọi rằng nam nữ bất thọ thân; vì sự cứu tử gặp nhau, ấy là nhơn duyên sẵn dành xui khiến. Hôn nhân do ân nghĩa mà Phật Thánh còn chê sái trật thay, huống chi là đời sau, gái trai đi rong trêu ghẹo!
Vả lại xưa kia, một cuộc hôn nhân là phải có đôi đàng ưng thuận, bậc lớn tuổi đôi mươi chứng kiến. Do nhờ các bậc lão thành xem coi trai có đủ tài che chở hai người, gái phải trinh lương tứ đức, biết giữ phận tam tùng, thì mới chắc được yên vui đầm ấm. Nhược bằng do ý riêng tà vạy của trai gái nhỏ dại, chẳng được học, kinh nghiệm, thấy xa kia, thì sau này khổ họa và liên lụy đến cả mẹ cha gia đình xã hội. Cho nên mặc dầu cưới gả cho con chẳng phải cho mình, mà thương con là cha mẹ phải lo giùm, trừ ra có ân nghĩa lớn lao cùng nhau thì cha mẹ mới là vui thuận, mà phải cho phép kết hôn.
Xưa cũng có lắm kẻ chí dốc lo tu học hoặc giúp đời mà trọn đời không gần ái dục. Cho rằng vì nó mà dốt nát, hư tâm, thất bại, nên có kẻ thà chịu chết với tâm hồn trong sạch theo chí hướng mà chẳng tà dâm. Có người đã già mà chẳng biết đàn bà. Có nhà vua vì dân mà không chịu có con. Còn đối với Phật Thánh, khi gặp một xác chết thì vui mừng giùm cho mặt đất nhổ bớt được một cây gai khổ, và hầu mong cho kẻ ấy sanh ra kiếp khác, nơi mặt đất xán lạn vui tươi, hơn là ở chốn hiểm nguy này. Trái lại, khi gặp một tiệc hôn nhân, một đôi trai gái đi nắm tay nhau là các ngài lo buồn mà than rằng: Cõi đời hạnh phúc đã điêu tàn, Ma vương trổ mặt, đạo đức sẽ bay xa. Thế mà đời nay người ta lại nói, kiếm vợ để giữ nhà, lấy chồng để sắm áo, sanh con để dưỡng già… Những câu nói ấy thị loài người như con vật, thế mà ai nấy lại quen tai. Bởi vậy cho nên Phật Thánh dạy rằng: quỉ thì hay dâm, tinh thì hay rút tủy, yêu thì lại phá nhà. Mà các loại ấy, chúng ta hằng nghe thấy nơi cửa miệng rủa chửi của người ta, trong khi bị nóng đốt khói lửa xì hơi từ trong ra ngoài đó vậy.
Than ôi! Tình dục là sự oan trái, biết đâu từ xưa kia kẻ yếu hèn bị sự giết hại, họ mới sanh ra loại cái để trả thù loại đực, bằng cách cám dỗ hạ mình, vừa là để sống cho dễ dàng, bắt loại đực cung phụng và phá tan công nghiệp, giết lần thân tâm mà trả hận. Dầu ta có nói rằng nam nữ sống chung để trau sửa tâm nhau, để nhắc chừng cho nhau, nam sẽ được thiện, nữ sẽ được trí, thì còn kết quả là các đứa con kia sanh để làm gì? Loài người ích lợi cho ai? Khi lớn nó sẽ ra sao? Nếu là không biết mục đích trả lời, thì cái tôi tớ khổ nhọc không công ấy, há chẳng phải là quả báo hành phạt của tội tà dâm kia sao, mà đi chối cãi? Lắm kẻ chữa mình bằng cách, sợ mất giống người trên mặt đất, là lời nói túng.
Đành rằng có thấp mới có cao, kẻ dưới mãi đi lên, người trên thì đi lên nữa, trong đời không bao giờ mất hết một chủng loại nào. Nhưng nếu trước kia, trên mặt đất này cỏ nhiều, cây thú ít; kế đến cây nhiều, cỏ thú ít; kế đến thú nhiều, cỏ cây ít; kế đến người nhiều, cỏ cây thú trời Phật ít; mà nay lại được Trời nhiều, người thú cỏ cây ít hay là Phật nhiều mà Trời người thú cỏ cây lại ít hơn, thì chúng ta phải biết rằng: Cõi đời mặt đất này mà Trời nhiều, hay là Phật nhiều đang ở thì hạnh phúc an lạc biết dường nào. Ai mà lại chẳng cầu mong cho được trở nên xứ Phật. Chớ như cõi khám ngục bao vòng thì sung sướng gì mà ham, và Phật Thánh nào ở đó cho được, mà ở đó dạy có ai nghe?
Thế nên, xưa nay bậc Trời Phật thấy ai giải thoát được xích xiềng là mừng giùm cho người ấy, mà ngoảnh lại thương xót kẻ còn đang bị trăn cùm trói buộc, mà phải đành rơi giọt lụy, vì nếu nói mãi không nghe thì đi chỗ khác chớ ở đó làm chi. Thế mà trong đời có lắm người đợi khi có việc mới kêu cầu réo, sao cho bằng tốt hơn là trước phải răn mình lánh họa, chẳng là hay hơn hết?