Chương Hai Pháp – 6. Phẩm Người

1.- Có hai hạng người này, này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đưa lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, lợi ích cho đa số, đưa lại hạnh phúc, an lạc cho chư Thiên và loài Người. Thế nào là hai? Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác và Chuyển Luân Vương. Những người này, này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đưa lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, lợi ích cho đa số, đưa lại hạnh phúc, an lạc cho chư Thiên và loài Người.

2. Có hai hạng người này, này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở đời, là sự xuất hiện của những người vi diệu. Thế nào là hai? Như Lai và Chuyển Luân Vương. Những người này, này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở đời, là sự xuất hiện của những người vi diệu.

3. Có hai hạng người khi mệnh chung, này các Tỷ-kheo, đưa lại thương tiếc cho đa số. Thế nào là hai? Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác và Chuyển Luân Vương. Hai hạng người này khi mạng chung, này các Tỷ-kheo, đưa lại thương tiếc cho đa số.

4. Hai hạng người này, này các Tỷ-kheo, xứng đáng để xây tháp. Thế nào là hai? Như Lai và Chuyển Luân Vương. Hai hạng người này, này các Tỷ-kheo, xứng đáng để xây tháp.

5. Có hai bậc Giác ngộ này, này các Tỷ-kheo. Thế nào là hai? Như Lai, bậc  Ứng Cúng, Chánh Đẳng Giác, và Độc Giác Phật. Những vị này, này các Tỷ-kheo, là hai bậc Giác ngộ.

6. Hai (sanh) loại này, này các Tỷ-kheo, không bị sét đánh làm cho sợ hãi. Thế nào là hai? Tỷ-kheo đoạn tận các lậu hoặc và con voi thuần chủng. Hai (sanh) loại này, này các Tỷ-kheo, không bị sét đánh làm cho sợ hãi.

7. Hai (sanh) loại này, này các Tỷ-kheo, không bị sét đánh làm cho sợ hãi. Thế nào là hai? Tỷ-kheo đoạn tận các lậu hoặc và con ngựa nòi giống tốt. Hai (sanh) loại này, này các Tỷ-kheo, không bị sét đánh làm cho sợ hãi.

8. … (như trên, chỉ thay vào “Tỷ-kheo đoạn tận các lậu hoặc và con sư tử, vua các loài thú”) …

9. Do thấy hai lý do này, này các Tỷ-kheo, các loài Kimpurisà (phi nhân, khẩn-na-la) không nói lên tiếng người. Thế nào là hai? “Chúng ta chớ có nói láo và chúng ta chớ có xuyên tạc người khác với điều không thật”. Do thấy hai lý do này, này các Tỷ-kheo, các loài Kimpurisà không nói lên tiếng người.

10. Có hai điều, này các Tỷ-kheo, người phụ nữ khi lâm chung chưa được thỏa mãn, chưa được vừa đủ. Thế nào là hai? Sự giao cấu và sanh con. Hai điều này, này các Tỷ-kheo, người phụ nữ khi lâm chung chưa được thỏa mãn, chưa được vừa đủ.

11. Ta sẽ giảng cho các Thầy, này các Tỷ-kheo, về sự cộng trú của người bất thiện và sự cộng trú của người thiện. Hãy nghe và khéo tác ý, ta sẽ nói.

– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Các vị tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế tôn nói như sau:

– Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sự cộng trú của người bất thiện và thế nào là người bất thiện cộng trú với nhau? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị trưởng lão Tỷ-kheo suy nghĩ như sau: “Mong rằng vị trưởng lão không nói với ta, vị trung niên không nói với ta, vị tân học không nói với ta, và ta cũng không nói với vị trưởng lão, ta cũng không nói với vị trung niên, ta cũng không nói với vị tân học! Nếu vị trưởng lão nói với ta, vị ấy nói với ta với ý muốn làm hại ta, không phải vì hạnh phúc cho ta. Ta hãy nói “không” với vị ấy, ta hãy làm cho vị ấy phật lòng, và nếu thấy vị ấy nói đúng, ta không có đáp ứng thích hợp. Nếu vị trung niên nói với ta, … Nếu vị tân học nói với ta, vị ấy nói với ta với ý muốn làm hại ta, không phải vì hạnh phúc cho ta. Ta hãy nói “không” với vị ấy, ta hãy làm cho vị ấy phật lòng, và nếu thấy vị ấy nói đúng, ta không có đáp ứng thích hợp”. Vị trung niên Tỷ-kheo suy nghĩ như sau … vị tân học Tỷ-kheo suy nghĩ như sau … . Như vậy, này các Tỷ-kheo, là sự cộng trú của người bất thiện và như vậy là người bất thiện cộng trú với nhau.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sự cộng trú của người thiện và thế nào là người thiện cộng trú với nhau? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị trưởng lão Tỷ-kheo suy nghĩ như sau: “Mong rằng vị trưởng lão nói với ta, vị trung niên nói với ta, vị tân học nói với ta. Ta cũng sẽ nói với vị trưởng lão, cũng sẽ nói với vị trung niên, cũng sẽ nói với vị tân học! Nếu vị trưởng lão nói với ta, vị ấy nói với ta với ý muốn hạnh phúc cho ta, không với ý muốn làm hại ta, ta sẽ nói “lành thay” với vị ấy, ta sẽ không làm cho vị ấy phật lòng, và nếu thấy vị ấy nói đúng, ta có đáp ứng thích hợp. Nếu vị trung niên nói với ta, … Nếu vị tân học nói với ta, vị ấy nói với ta với ý muốn hạnh phúc cho ta, không với ý muốn làm hại ta. Ta sẽ nói “lành thay” với vị ấy, ta sẽ không làm vị ấy phật lòng, và nếu thấy vị ấy nói đúng, ta sẽ đáp ứng thích hợp”.

Này các Tỷ-kheo, vị trung niên Tỷ-kheo suy nghĩ như sau …

Này các Tỷ-kheo, vị tân học Tỷ-kheo suy nghĩ như sau: “Mong rằng vị trưởng lão nói với ta, vị trung niên nói với ta, vị tân học nói với ta…., và nếu thấy vị ấy nói đúng, ta sẽ đáp ứng thích hợp”. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là sự cộng trú của người thiện và như vậy là người thiện cộng trú với nhau.

12. Trong cuộc tranh tụng nào, này các Tỷ-kheo, cả hai phía có lời qua tiếng lại, có những quan điểm ngoan cố, với tâm hiềm hận, ưu não, uất ức, nội tâm không an tịnh, thời sự tranh tụng ấy, này các Tỷ-kheo, được chờ đợi rằng sẽ đưa đến kéo dài, gay gắt, thô bạo, và các Tỷ-kheo sẽ sống không an lạc.

Và này các Tỷ-kheo, trong cuộc tranh tụng nào, này các Tỷ-kheo, cả hai phía có lời qua tiếng lại, có những quan điểm ngoan cố, với tâm hiềm hận, ưu não, uất ức, nhưng nội tâm được an tịnh, thời sự tranh tụng ấy, này các Tỷ-kheo, được chờ đợi rằng sẽ không kéo dài, không có gay cấn, không có thô bạo, và các Tỷ-kheo sẽ sống an lạc.

Nguồn: thuvienhoasen.org