Diệu pháp yếu lược – Tỳ khưu Indacanda dịch
Tác phẩm Saddhammasaṅgaha – Diệu Pháp Yếu Lượcgồm 11 chương được viết bằng văn xuôi xen lẫn 332 câu kệ (được đánh số và trình bày ở dạng chữ nghiêng ở phần tiếng Việt); đa số các câu kệ này được trích dẫn từ các tài liệu xưa (Porāṇā) như Tipiṭaka (Tam Tạng), Dīpavaṃsa, Mahāvaṃsa, Samantapāsādikā, v.v…
Ba chương đầu của tác phẩm Saddhammasaṅgaha – Diệu Pháp Yếu Lược đề cập đến ba lần kết tập Tam Tạng ở Ấn Độ. Chương thứ tư là sự phái các sứ giả đi truyền giáo ở các xứ ngoài biên giới Ấn Độ dưới thời đức vua Asoka (A Dục). Đặc biệt chương thứ năm ghi lại lần kết tập Tam Tạng ở Tích Lan do ngài Mahinda thực hiện dưới triều vua Devanampiyatissa và sự thiết lập hội chúng tỳ khưu ni ở xứ này. Kế đến là chương thứ sáu nói về việc ghi chép Tam Tạng thành sách. Chương thứ bảy đề cập đến nhà chú giải Tam Tạng nổi tiếng Buddhaghosa cùng với các bản chú giải của người. Đồng thời, chương thứ tám và chín nói về việc soạn thảo Sớ Giải (Ṭīkā) dưới thời vua Parākrama Bāhu I, và tên của một số tác phẩm thuộc nền văn học Phật Giáo Theravāda. Hai chương cuối cùng có lẽ là chủ đề của tác giả nói về lợi ích của việc sao chép lời dạy của đức Phật và lợi ích của việc chăm chú lắng nghe Giáo Pháp với nhiều câu chuyện trích dẫn thú vị.
Xét về phần nội dung, tài liệu này có giá trị như một sử liệu ghi lại quá trình truyền thừa Giáo Pháp tính từ thời điểm đức Thế Tôn vô dư Niết Bàn.