Đời đẹp hơn nhờ có đạo
- CON ĐƯỜNG ĐẾN VỚI ĐẠO PHẬT
Ấn phẩm văn hóa Hương Pháp (APVHHP): Chú có thể chia sẻ về nhân duyên đến với đạo Phật
NTK Sỹ Hoàng: Trước đây, trong hoàn cảnh được giáo dục theo quan điểm duy vật, tôi thường nhìn sự vật, hiện tượng dưới con mắt phân tích khoa học, phải có minh chứng thì mới tin và không bao giờ tin vào những điều có vẻ mông lung, trừu tượng. Cho nên, khi vào chùa để nghiên cứu những kiến trúc, hoa văn, hình vẽ, điêu khắc tôi chỉ nhìn bằng con mắt của một họa sĩ với những định chuẩn về tỷ lệ, bố cục, màu sắc, hình khối v.v… Ví dụ, những người tu hành ngắm Phật ở phương diện cái đẹp tâm linh, của sự giác ngộ những điều Phật dạy; còn tôi lại nhìn về mặt tỷ lệ, về mặt tạo tượng đẹp hay xấu, tô vẽ như vậy hợp lý hay chưa, chất liệu sử dụng như vậy đã đẹp hay chưa v.v… Nhưng cách đây vài năm, khi mẹ tôi bệnh nặng, lúc ấy khi không còn bấu víu vào đâu được nữa thì tự nhiên trong tâm thức lại thôi thức hướng đến tâm linh, tới Phật trời. Và khi có một niềm tin như vậy thì sau đó mẹ tôi qua khỏi. Cũng không biết là do y khoa, do bác sĩ giỏi, do thuốc hay, hay là do lời cầu xin mà mẹ tôi qua được đến mấy lần. Cũng chính từ điều đó mà tôi bắt đầu đọc sách Phật, những câu chuyện về đức Phật và nghe các thầy giảng.
APVHHP: Ở những chặng đường tiếp theo của hành trình giác ngộ, điều gì đã tác động đến Chú mạnh mẽ nhất?
NTK Sỹ Hoàng: Vào thời điểm trước tết Nhâm Thìn, tình hình kinh tế đang gặp khó khăn, câu lạc bộ doanh nhân tổ chức buổi hội thảo “Vượt qua khủng hoảng”. Có hai diễn giả nói chuyện trong buổi hội thảo, một người là tiến sĩ kinh tế đồng thời là giảng viên của trường đại học kinh tế; người thứ hai là sư cô Thích Nữ Hằng Liên – tiến sĩ Phật học và Triết học tu tập tại Ấn Độ 14 năm. Đây là cuộc đối thoại thú vị giữa một nhà tu và một người làm kinh tế. Ở phía dưới mấy trăm doanh nhân ngồi nghe và họ có những phản biện, những câu hỏi, những trao đổi… Và tôi đã vô cùng ấn tượng với sư cô hôm ấy.
Ở nhà vườn của tôi, mỗi tháng vào ngày trăng tròn thường tổ chức một đêm thiền trăng; sau hôm đó, tôi mời sư cô xuống giảng. Hôm ấy sư cô ngồi giảng ở gốc cây Bồ – đề ngay giữa hồ và có 400 người ngồi quanh hồ. Khi sư cô giảng, ngoài trời mưa rơi, vậy mà 400 người ngồi dưới mưa không ai chịu đứng lên. Với vai trò của một người tổ chức, tôi phát áo mưa, lấy dù cho mọi người che nhưng vẫn không ai đứng lên. Tôi hỏi tại sao các cụ không đứng lên, thì nhận được câu trả lời rằng khi ngồi nghe sư cô giảng và gặp trời mưa như thế này họ cảm nhận được như là nước cam lồ dội xuống vậy. Tôi cảm thấy sức mạnh tinh thần của mọi người cộng hưởng lại đã tạo nên điều gì đó làm cho tôi có cảm giác thiêng liêng lắm. Trời mưa tầm tã nhưng hôm đó vẫn có điện, ánh sáng chiếu qua màn mưa, sư cô ngồi dưới gốc Bồ-đề, áo cà sa ướt hết mà vẫn điềm nhiên giảng – một hình ảnh đẹp như trong phim điện ảnh vậy! Lúc ấy tôi chợt nghĩ hình ảnh này không biết ở đâu mà có được!
Sau đó, tôi đã đăng ký tham gia khóa thiền Vipassana do sư cô tổ chức tại chùa Hồng Trung Sơn, Đồng Nai trong 10 ngày. Chính 10 ngày đã làm thay đổi, biến chuyển con người tôi, giống như bàn tay đang úp bỗng lật ngửa ra vậy. Tôi bắt đầu tin Phật, biết rằng đức Phật là một người có thật, sinh trước mình hơn 2500 năm và giống như các nhà khoa học, bác học, những vĩ nhân, những triết gia để lại giá trị cho nhân loại. Giá trị Ngài để lại cho nhân loại đó là thấy được nguyên nhân của cái khổ và con đường giải thoát cái khổ ấy.
APVHHP: Chú có thể chia sẻ những trải nghiệm của mình trong những ngày thực hành thiền?
NTK Sỹ Hoàng: Ngày đầu tiên thực hành thiền, tôi nhận được những cảm thọ vô cùng khủng khiếp, ngồi không quen nên khi ngồi suốt ngày như thế thì cơ thể rã rời, mình phải đấu tranh với bản thân để trụ duy nhất vào hơi thở mà thôi. Khi vượt qua được điều đó, tôi bắt đầu quán bên trong thân mình, nếu trước đây mình chìm trong cơn đau ấy thì bây giờ mình quán sát nó. Và cơn đau cũng qua đi một cách nhẹ nhàng. Tôi thấy đó là một điều kỳ diệu!
Tôi bắt đầu cảm nhận được vẻ đẹp của nội tâm, của tinh thần chứ không phải chỉ ở hình tướng bên ngoài nữa. Tôi thấy rằng, những tiềm thức, những ý thức, những cảm nhận sâu sắc ẩn sâu bên trong một hình tướng cũng làm cho con người ta hạnh phúc và sung sướng cũng không kém gì những thứ vật chất mà mình có thể sờ nắm được.
- PHẬT GIÁO TRONG MẮT NGƯỜI NGHỆ SĨ.
APVHPG: Theo kinh nghiệm của mình, Chú cảm nhận việc hành thiền giúp gì cho đời sống của người nghệ sĩ?
NTK Sỹ Hoàng: Là một Phật tử, tôi trải nghiệm thật sâu sắc rằng đời đẹp hơn nhờ có đạo. Vâng theo giáo pháp nhà Phật, tôi học được cách chiêm ngưỡng vẻ đẹp muôn màu muôn sắc của cuộc sống thật, như nó vốn có. Còn trong vai trò là một họa sĩ – một nhà thiết kế trang phục, tôi tận hưởng vẻ đẹp lung linh ấy thông qua sự lao động sáng tạo và thể hiện điều đó trên tác phẩm của mình như một lời tạ ơn, như một cánh sen thả vào dòng chảy của đời của đạo.
Có lẻ cũng là một sự kỳ diệu khi ý tưởng và hình ảnh của bộ sưu tập hiện ra thật rõ trong tâm trí lúc tôi đang ngồi thiền định trong khóa thiền Vipassana 10 ngày tại chùa Hồng Trung Sơn với sự hướng dẫn của sư cô Thích Nữ Hằng Liên.
Nói theo cách cảm nhận của riêng mình, tôi đã được “tuệ” hơn trong công việc sáng tạo nghệ thuật nhờ “định” được tâm trí khi hành thiền.
Nhà thiết kế SỸ HOÀNG
(Trích đoạn: NHÂN VẬT – ẤN PHẨM VĂN HÓA HƯƠNG PHÁP TẬP 7)