Giữ giới – Bí quyết “chiến thắng” trong khóa tu 10 ngày ở Hồng Trung Sơn

Có thể nói 10 ngày tu thiền ở Hồng Trung Sơn là quãng thời gian an lành, hạnh phúc nhất trong cuộc đời tôi. Trong suốt khóa thiền, tôi có cảm giác mọi hơi thở, mọi tế bào của mình đều được nuôi dưỡng bởi những điều tốt đẹp nhất. Với bài viết này, tôi xin gửi đến quý bạn hữu vài “bí kíp” giúp tận dụng thật hiệu quả từng ngày học thiền nơi đây.

1. Nghiêm túc giữ giới

Giới ở đây là những quy định bạn phải tuân thủ trong suốt khóa tu. Ngay buổi tối đầu tiên, bạn sẽ được Sư cô cho biết cụ thể đó là những giới gì và bạn cần tuân theo như thế nào. Bản in những giới luật này được dán khắp nơi trong Chùa – từ thiền đường, trai đường, đến phòng nghỉ. Hãy cố gắng giữ giới vì giới có nghiêm thì sự tu tập mới có kết quả.

Giới khó giữ nhất đối với các thiền sinh có lẽ là giới Tịnh khẩu. Bạn cần im lặng hoàn toàn trong 10 ngày tu. Im lặng ở đây bao gồm không nói chuyện, không điện thoại, không Internet, không ra dấu, không nháy mắt, không khều quẹt, không xúc chạm các thiền sinh khác, không đọc sách, không viết, không vẽ… Những quy định này nghe có vẻ “lạ đời” trong đời thường. Nhưng trong khóa thiền, việc tuân thủ những quy định này sẽ giúp bạn tập trung quay vào bên trong để nhìn lại và thay đổi bản thân thay vì cứ lao xao với thế giới bên ngoài.

khong-noi

Ngày cuối cùng trong khóa tu của tôi, khi mọi người được phép nói chuyện trở lại, hơn 5 bạn đồng tu đứng lên trước đại chúng xin lỗi vì đã phá giới và hứa lần sau quay lại nhất định sẽ nghiêm túc tuân thủ. Tôi cảm thấy tiếc cho những bạn này. Khó khăn lắm các bạn mới thu xếp được để tham dự khóa thiền. Nhưng vì phá giới, các bạn chắc chắn không gặt hái được gì nhiều từ chuyến “lên núi” 10 ngày này.

Bạn có thể “lách luật” – lén nói chuyện nhỏ trong phòng, giấu sách để đọc hoặc tập vở để viết. Hộ thiền có thể không bắt được. Và dù có bắt được, họ cũng không la mắng hay trách phạt gì. Nhưng bạn làm vậy thì được gì? Sự phạm giới sẽ làm hại bạn trước tiên và cản trở sự tu tập của bạn. Hiếm hoi lắm bạn mới có 10 ngày để nhận diện mình, sống cho mình, và giúp mình. Xin đừng lãng phí nó vì những lý do không chính đáng.

2. Ăn trong chánh niệm

Rời Hồng Trung Sơn, có lẽ thiền sinh nào cũng nhớ da diết những bữa ăn ở Chùa. Và có lẽ ai cũng cảm thấy bữa cơm ở Hồng Trung Sơn không những ngon hơn bữa cơm ở nhà mình, mà còn ngon hơn cơm ở những chùa, những quán cơm chay khác, dù nguyên liệu khá đơn giản lại chẳng dùng nhiều gia vị.
Bữa trưa là bữa ăn chính trong ngày. Mỗi bữa trưa thường có 4 món: một món “mặn”, một món rau luộc hoặc rau xào, một món canh và một món tráng miệng. Thực đơn cho bữa ăn này rất phong phú, không một món nào bị lặp lại trong 10 ngày nha.

Ăn cơm ở Hồng Trung Sơn, bạn cảm thấy ngon miệng hơn ở những nơi khác bởi sự chánh niệm luôn được nhấn mạnh và duy trì trong suốt khóa tu nơi đây. Thức ăn được nấu nướng và bày biện bởi những người phục vụ là thiền sinh cũ có ý thức giữ gìn chánh niệm. Và trong trai đường, thức ăn được thọ nhận bởi những thiền sinh đang thực hành chánh niệm – họ ăn trong tĩnh lặng, ăn một cách thong dong, ăn để thưởng thức thức ăn, không vội vàng hối hả.

Ăn cơm là một nghệ thuật. Để thọ nhận trọn vẹn những bữa ăn chánh niệm này, bạn hãy ăn thật thư thả nhé. Ở ngoài kia, guồng quay cuộc đời chỉ cho bạn những bữa ăn nhai cuồng nuốt vội. Về Hồng Trung Sơn, bạn hãy chậm lại một chút đi nào!

3. Buông bỏ mong cầu

Bạn quyết định tham dự khóa thiền tức là bạn chọn tạm thời dừng lại, tạm thời cách ly với thế giới bên ngoài – xa gia đình, rời công việc, hoãn vài kế hoạch… Chấp nhận tạm thời không tiếp xúc với thế giới bên ngoài đồng nghĩa với việc không mong cầu, không chờ đợi bất cứ điều gì do thế giới bên ngoài mang lại. Trong tâm thế này, bạn nghĩ khi đến với khóa thiền, lòng bạn tạm thời không mong cầu gì nữa?

Chưa chắc nha. Có những mong cầu rất vi tế mà chúng ta khó nhận ra.
Có thể bạn không còn mong cầu gì từ thế giới bên ngoài. Có thể bạn không còn chạy theo tiền tài, danh vọng, quyền lực và những thứ “lấp lánh” khác. Nhưng khi học thiền, bạn có cầu mong mình “chứng đắc” hay đạt được thành quả nào đó từ sự tu tập không?

Có những thiền sinh hy vọng mình sẽ mang về một “quả” gì đó sau khóa thiền. Mỗi ngày, trước một thời thiền, có những thiền sinh vẫn còn “tham cầu”, mình muốn mình sẽ ngồi thiền thật nghiêm, thật êm, thật nhẹ nhàng… Đây là những mong cầu mà chúng ta cũng cần buông bỏ.

Sự chuyển hóa thân tâm đòi hỏi thời gian và sự nỗ lực. Hãy cố gắng giữ giới, hãy chuyên cần hành thiền. Hãy kiên trì lặng yên quan sát những gì diễn ra trên thân và trong tâm bạn. Theo quy luật tự nhiên, chồi xanh an lạc mà bạn tưới mát hàng ngày chắc chắn sẽ lớn lên thành cây, ra hoa, và kết quả…

Lê Ngọc Thúy Vũ
(Thiền sinh khóa tháng 9.2016)