Hương Pháp miền thôn dã
1. Hành trạng chư Ni trong Tăng đoàn Phật giáo
Phật giáo luôn là biểu tượng của Từ Bi – Trí Tuệ và cũng là một tôn giáo mang đậm tính nhân văn, bình đẳng đối với tất cả mọi người. Bậc Đạo Sư hay một người bình thường đều có chung một thể tánh thanh tịnh, vắng lặng như nhau trên con đường giải thoát. “Ví như, này Paharada, phàm có các con sông lớn nào, ví như sông Hằng, sông Yamunà. sông Aciravatì, sông Sarabhù, sông Mahì, các con sông ấy khi chảy đến biển, liền bỏ tên họ trước, trở thành biển lớn. Cũng vậy, này Pahàràda, có bốn giai cấp này: Sát đế lỵ, Bà la môn, Phệ xá, Thủ đà, sau khi từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia trong pháp và luật được Như Lai tuyên bố này, chúng từ bỏ tên và họ của chúng từ trước, và chúng trở thành những Sa môn Thích tử”. Chính vì thế, Phật giáo từ xưa đã trở thành một tôn giáo mang tính chất “đột phá” đối với tất cả các tôn giáo khác. Và sự có mặt của nữ giới, tạo thành một Ni đoàn trong thời Đức Phật đã chứng minh được cho tất cả điều đó, đặc biệt là trong bối cảnh xã hội dị biệt tầng lớp của đất nước Ấn Độ thời bấy giờ.
Trong kinh Đại Bát Niết Bàn, lúc ma Ba Tuần thỉnh Phật nhập Niết Bàn, Ngài hứa khả chỉ khi nào các đệ tử của Ngài gồm: Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di đều đắc pháp và tựu về đông đủ. Điều này chứng tỏ trong lịch sử hoằng pháp của Phật Giáo, Ni Giới cũng là một bộ phận không thể thiếu. Thật vậy, từ xưa đến nay hành trạng chư Ni Phật giáo không thiếu những vị Tổ Ni đạo lực cao thâm, chứng quả A-la-hán. Chẳng hạn, trong lịch sử Ni đoàn có lưu lại bút tích thập đại đệ tử Ni và nổi bậc là hai vị Thánh ni đại đệ tử: Khema và Uppalavannà, đã chứng đạt quả vị trí tuệ vô song và thần thông vượt bực. Điều này cho thấy nữ giới cũng đầy đủ khả năng, trí tuệ đạt đến giải thoát, hơn thế nữa lại có thể đóng góp không ít cho việc xây dựng một tôn giáo bình đẳng, hài hòa.
2. Tiếp nối hạnh nguyện của các bậc Ni Lưu Khất sĩ Việt Nam
Ni Giới là một phần tử góp phần xây dựng nền tảng tứ chúng vững mạnh trong tăng đoàn Phật giáo. Trong xã hội hiện đại, hình ảnh một vị Ni Lưu Phật giáo cống hiến cho cuộc đời, cho chánh pháp khiến mọi người cảm thấy thật gần gũi và kính mến. Chư Ni hoằng pháp luôn âm thầm, lặng lẽ, nhưng những gì các vị ấy làm đều hướng đến lợi lạc nhân sinh, thậm chí góp phần đưa đạo vào đời một cách rất nhẹ nhàng. Điển hình, bậc sơ tổ tiền bối Ni Lưu Khất sĩ Việt Nam, cố Đệ Nhất Ni Trưởng Thích Nữ Huỳnh Liên đã biểu lộ tâm nguyện trong lời thơ rằng: “Nguyện xin hiến trọn đời mình, cho nguồn đạo pháp cho tình quê hương.”
Chư Ni hệ phái Khất Sĩ đã tiếp nối hạnh nguyện và lý tưởng của bậc Trưởng Bối tôn kính để đồng hành đi vào cuộc đời như thế. Hình ảnh vốn được coi là tay yếu chân mềm bỗng chốc hóa thân thành những vị Bồ Tát nhập thế, dong ruổi khắp nơi trì bình khất thực, thuyết pháp độ sanh, đúng như những gì mà những bậc tiền bối Ni thưở Đức Phật đã hành trì. Cứ thế, màu y vàng có mặt ở khắp nơi, các tịnh xá cũng lần lượt hình thành theo từng chặng đường du hóa của những bậc khai sơn Ni Giới Khất Sĩ. Con đường chân lý các vị ấy đi qua luôn tùy duyên và đúng với công hạnh:
Một bát cơm ngàn nhà
Thân đi muôn dặm xa
Vượt thoát đường sanh tử
Giáo pháp trổ Đàm Hoa
Lần lượt bước chân hoằng pháp từng thế hệ chư ni nối tiếp nhau cho mạch pháp cội nguồn tuôn chảy, hòa nhập cùng vận mệnh đổi thay của đát nước. Đặc biệt, sau khi PGVN được thống nhất trong ngôi nhà chung của GHPGVN, hành trình Ni giới hệ phái khất sĩ lại bước sang một biến chuyển mới, hội đủ thiện duyên để phát triển và có mặt khắp mọi miền đất nước với những hình ảnh mộc mạc, chân tình. Từ nơi trù phú như phố thị phồn hoa, trải đến chốn hẻo lánh như núi rừng Nam Cát Tiên – một miền đất hoang sơn đều in dấu chân của những Ni Lưu Khất Sĩ.
Nam Cát Tiên – một vùng đất có phong cảnh hữu tình, với núi rừng trùng điệp uốn lượn theo dòng sông Đồng Nai lờ lững, ẩn hiện; mang đậm nét hoang dã của thiên nhiên trầm mặc. Chốn núi rừng khiến bậc trượng phu đôi lúc còn phải đắn đo, tư lự, huống gì là những nữ nhân bình thường. Ấy thế mà ngôi chùa thôn dã này lại kết duyên lành cùng chư Ni Hệ phái khất Sĩ về đây hành đạo.
Ban đầu, mọi sinh hoạt của ni chúng nơi đây vô vàn khó khăn. Đêm đêm Chùa chỉ heo hút một vài Phật tử lui tới kinh kệ, viếng thăm chứ nói chi đến cúng dường, hỗ trợ. Đường xá thì sạt lỡ liên tục theo mùa, nắng bụi, mưa lầy như nuốt chửng mái Chuà nhỏ đơn sơ, rêu phong giữa đại ngàn. Gian nan dẫu lắm, nhưng hằng ngày vẫn hai thời công phu đều đặn với tiếng đại hồng chung và kinh kệ ấm áp, trầm hùng vang lên từ mái chùa tĩnh mịch như nguồn động lực mưu sinh cho cả một vùng thôn quê nghèo. Thế mới biết, những người con gái Đức Phật luôn tận tụy hòa mình vào cuộc đời bằng tinh thần Bi – Trí – Dũng.
Con nguyện hiện thường kiếp nữ thân
Bởi bao phụ nữ khổ trong trần
Tiện bề thân thiện con dìu dắt
Dầu phải cực lòng lót phụ nhân
(NT TN Huỳnh Liên)
3. Hương Pháp từ các chương trình tu học thực tiễn
Với bà con xã Nam Cát Tiên, huyện Tân Phú, tiếng đại hồng chung vang vọng sớm chiều từ Hồng Trung Sơn Tự đã trở thành thanh âm thân quen không thể thiếu. Từ khi mới thành lập năm 1998, mái chùa chỉ là gian chái đơn sơ nhưng đến nay nhờ hồng ân Tam Bảo gia hộ cùng sự chung tay góp phước của chư thiện tín, Chùa Hồng Trung Sơn dần dần trở nên khang trang hơn, là ngôi nhà chung không chỉ của bà con địa phương mà còn của tất cả những thiện tri thức gần xa câu hội về tu tập theo chánh pháp.
Cúng Hội, một hình thức lễ hội cổ truyền của Phật giáo đã được duy trì và phát triển thành nếp sinh hoạt tu học đặc thù của đạo Phật khất sĩ Việt nam. Tại Chùa Hồng Trung Sơn định kỳ mỗi tháng vào ngày Rằm và mồng một, Phật tử địa phương cùng nhau tề tựu về Chùa cúng hội. Người dân quê rất quý trọng lễ hội này, để được công quả, chuẩn bị phẩm vật thực – hoa – hương thành kính cúng dường lên ngôi Tam Bảo, làm lễ sám hối, nghe thuyết pháp tu tập, chung tay làm phật sự, thành tâm nguyện cầu cho gia đình quyến thuộc bình an. Đồng thời dâng lễ cúng cửu huyền thất tổ, mong sao cho tất cả chúng sinh đều được âm siêu dương thới. Không khí ngày cúng hội bao giờ cũng trang nghiêm và ấm cúng, luôn là pháp vị hoà hợp thánh thiện cho hơn 300 phật tử, từ các cụ cho đến các em học sinh miền thôn dã.
Pháp hội đàn tràng Đà la ni, là lễ hội tu tập theo tinh thần của phật giáo phát triển. Đối với người dân quê, nổi sợ hãi luôn ám ảnh trong cuộc sống của họ là thần linh và những điều tâm linh huyền bí. Do đó, tâm lý đến chùa của họ là để dâng sớ, cúng sao, giải hạn, xin xăm, bói quẻ … Để đáp ứng nhu cầu người dân, nhưng không để đạo pháp biến tướng rơi vào tình trạng mê tin dị đoan; chư bậc Tiền bối của Phật giáo đã khai mở hình thức ứng phó đạo tràng là tổ chức pháp hội. Đây là tâm nguyện chánh pháp mà hằng năm chùa Hồng Trung Sơn đều tổ chức hai lần Pháp Hội đàn tràng Đà la ni vào tháng giêng và tháng tám. Pháp hội kéo dài 8 ngày, mỗi ngày 4 thời trì tụng đại bi – thập chú, cùng hai thời thiền định và thuyết giảng để dân chúng có cơ duyên tu học thập thiện nghiệp và thực hành năm hạnh thí. Hoàn mãn pháp hội là ngày đại hỷ phát quà (lộc Phật cúng trên đàn tràng) cho cả ngàn Phật tử, những ai cùng tham dự khoá lễ dù chỉ một lần trong pháp hội. Chính vì thế, đối với các Phật tử nơi đây, ngôi Tam Bảo là điểm tựa tinh thần vững chắc để gửi niềm mong mỏi cho việc đồng áng được thuận lợi, sức khỏe khương ninh, con cái học hành đỗ đạt, đồng thời cầu mong người thân khuất bóng được về cõi an lành…
Các khóa tu thiền Tuệ (Vipassana)
Cách đây 26 thế kỷ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã tự thân trải nghiệm con đường giải thoát, giác ngộ. Ngài đã tìm ra phương pháp đoạn tuyệt khổ đau và đạt được hạnh phúc tối thượng bằng pháp môn hành thiền. Với tôn chỉ “nối truyền Thích Ca chánh pháp” của Phật giáo hệ phái khất sĩ, từ năm 2009, Hồng Trung Sơn Tự đều đặn mở các khóa tu thiền cho tất cả những ai muốn đi theo con đường giác ngộ của Đức Bổn Sư, hoàn thiện bản thân, tự giải thoát khỏi ràng buộc của tham – sân – si, không phân biệt tôn giáo.
Ban đầu, mỗi khóa tu có vài mươi thiền sinh, đến nay mỗi tháng đều có khoảng trên 100 thiện nam tín nữ gần xa về tham dự. Các thiền sinh đều trải qua 10 ngày miên mật thực hành dưới sự hướng dẫn từng bước của phương pháp. Đó là chuỗi ngày đầy khó khăn cho những ai lần đầu tiên tham dự, nhưng khi đã vượt thoát khỏi trở ngại của thân – tâm, thẩm thấu phương pháp, mỗi thiền sinh đã gieo nhân lành, tư duy hướng thiện, tiếp tục rèn luyện trong cuộc sống hàng ngày.
Hương pháp lan tỏa do chính các thiền sinh đã tham dự nhận thấy được lợi lạc đáng kể từ việc thực hành thiền, thay đổi nhân sinh quan, cách ứng xử, có được cuộc sống an vui, hòa hợp đã giới thiệu cho người thân, bạn bè được cùng hòa vào dòng sông Chánh pháp. Giờ đây đối với các thiền sinh, Hồng Trung Sơn là cội bồ đề rợp bóng, để mỗi khi gặp những cơn nắng cháy da của cuộc đời lại trở về để hồi sinh, rèn luyện bản thân vững chãi hơn; hay trở về để góp công vun bồi cho bóng mát ấy ngày một lan rộng hơn để che chở cho những ai cần đến.
Khóa tu mùa hè cho thiếu niên
“Chúng mày ơi, vào chùa chơi đi!!!” – Lời rủ rê của các em thiếu nhi, thiếu niên vùng thôn quê sao mà thương quá!
Đối lập với thanh thiếu niên thành thị có biết bao thú tiêu khiển: chơi game, dạo phố, lướt net, đến khu vui chơi, nhạc hội, sự kiện… đời sống tinh thần của các em ở vùng xa có phần thiệt thòi hơn. Chính vì vậy, niềm vui của các em là đến Chùa ăn cơm chay vào những ngày cúng Hội, chơi đùa với nhau trong lúc cha mẹ tụng kinh hay lễ Phật cầu mong được học giỏi…Các em cũng phụ giúp quét sân, nhổ cỏ, dọn bàn, bưng bê, dọn dẹp… với lòng tự nguyện trong sáng. Chỉ cần có một việc dù nhỏ để góp công là các em tíu tít râm ran cả góc sân chùa.
Những chương trình dành riêng cho lứa tuổi các em khá hiếm hoi, do vậy các hoạt động sinh hoạt vui chơi, tu học là cơn mưa rào giữa mùa nắng hạn. Khóa tu mùa hè thường niên tại Chùa Hồng Trung Sơn ra đời từ năm 2009 với các chủ đề: Hiếu Hạnh, Bước Chân Yêu Thương, Niềm Tin và Tuổi Trẻ, Hiều và Thương, Sen Chân Nguyên, Hương Sen, năm 2016 mang chủ đề “Ước mơ xanh” quy tụ trên 300 em thiếu niên 10 – 15 tuổi tại xã Nam Cát Tiên, huyện Tân Phú, Đồng Nai cùng các em nơi phố thị xa gần.
Hiếu động vốn là đặc tính của trẻ con; đan cài những kỹ năng, bài học vào hoạt động vui chơi là cách nhanh nhất để các em tự “ngấm”. Niềm mong mỏi của những người dẫn dắt không gì khác hơn là được thấy các em chan hòa yêu thương, hạnh phúc trong tình thân ái. Có trường hợp một em tự kỷ ban đầu luôn đứng ngoài cuộc vui, sau khi được khuyến khích, động viên đã biết mở lòng mình đón lấy vòng tay bè bạn.
Cổng chào khóa tu
Thắp đuốc khai mạc khóa tu
Các em vui cười với các trò chơi bổ ích
Thực hành an tĩnh hơi thở
Đọc các bài kệ về thân – khẩu – ý
Lễ hoa đăng tri ân
Những dòng “Tâm thư” trên trang báo tường trong trẻo, ngây ngô nhưng đầy cảm xúc của các em cuối khóa tu cho thấy hạt mầm Chánh pháp đã được gieo vào mảnh đất màu mỡ.
Khóa tu thiền thanh niên
Lứa tuổi 18 – 25 tràn đầy sức sống, hoài bão tương lai luôn cần có sự định hướng. Hành trang cho cuộc đời không gì quý hơn là chân trí tuệ. Càng sớm có được sự dìu dắt đúng con đường, các bạn càng ít phải mắc sai lầm do bản chất “ngông” của tuổi trẻ mà biết vận dụng ưu điểm của mình, biết hạ bớt bản ngã. Khóa tu dành riêng cho các bạn thanh niên mỗi năm nhằm mục đích trao cho các bạn kỷ năng sống bằng trí tuệ và yêu thương.
Các chương trình từ thiện
Nam Cát Tiên là một xã còn nhiều khó khăn, với sự hùn phước của bá tánh Phật tử và thiền sinh gần xa, Chùa Hồng Trung Sơn thường xuyên tổ chức các buổi san sẻ yêu thương, phát tịnh tài tịnh vật cho các hộ nghèo vào các dịp lễ, Tết; tặng quà ngày thương binh liệt sĩ, đóng góp quỹ xây dựng nhà tình thương, quỹ vòng tay nhân ái cho học sinh giỏi có hoàn cảnh khó khăn, quà trung thu cho thiếu nhi; tổ chức các chuyến hành hương, cúng dường trường hạ …..
Cúng dường trường hạ 2016 tại Tổ đình Ngọc Phương, TP.HCM
Đêm văn nghệ – phát quà trung thu 2016
Các em thiếu nhi được nhận những phần quà thiết thực
Hòa hợp và đoàn kết trong ngôi nhà chánh pháp GHPGVN lá thắng duyên để người hoằng pháp tiếp nối di nguyện của chư vị Thầy – Tổ “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác.” Tu hành và phụng sự luôn song đôi, hành đạo tùy duyên bất biến – mục tiêu tối thượng là luôn mang lại chân hạnh phúc và trí tuệ cho nhân sinh. Hương hoa bay theo chiều gió, hương Pháp lan tỏa khắp mọi nơi theo bước chân người hoằng pháp, thôn dã hay phố thị, nơi đâu hương Pháp cũng đồng một vị.
TKN. TS TN Hằng Liên
Hoằng Pháp Ni Giới HPKS – Đồng Nai
[1] Kinh A Tu La Pahàràda, phẩm Lớn, Kinh Bộ Tăng Chi II, HT Thích Minh Châu, Viện NCPHVN, 1988, p.57
[2] Phẩm người Tối Thắng, Kinh Bộ Tăng Chi, HT Thích Minh Châu, Viện NCPHVN, 1988, p.34