Khoá tu 01 ngày – Tỉnh thức giữa rộn ràng

Ngày 10/3/2024 (01 tháng 2 năm Giáp Thìn), Ni sư Thích Nữ Hằng Liên đã hướng dẫn khoá tu 01 ngày với chủ đề “Tỉnh thức giữa rộn ràng” với sự tham gia của gần 1000 thiền sinh, Phật tử miền Bắc do chùa Long Hưng, Huyện Đông Anh, Tp. Hà Nội tổ chức.

Được sự cung nghinh của Ban tổ chức khoá tu và dưới sự đón tiếp của Đại đức TS. Thích Vạn Lợi, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Biên phiên dịch tư liệu Phật giáo quốc tế chùa Long Hưng, Ni sư và chư ni thiền viện Pháp Sơn cảm thấy vô cùng ấm áp trong ánh nắng mùa xuân.

Buổi sáng, để giúp cho những người lần đầu tham dự khoá tu có sự hoà nhập với thiền, Ni sư đã hướng dẫn cách tĩnh toạ cơ bản. Tiếp theo là chương trình vấn đáp thiền nhằm triển khai nhiều câu hỏi về kinh nghiệm thiền tập, về ứng dụng thiền trong đời sống đã được giải đáp, phần nào “gỡ rối tơ lòng” cho những ai đang tìm hiểu “chạm” vào pháp thiền.

Để tập trung chuyên chú hành thiền, đại chúng đã cùng nghiêm túc giữ giới tịnh khẩu (giữ im lặng thanh tịnh và không sử dụng điện thoại trong suốt khoá tu). Đây là nguyên tắc để nhiếp tâm quay vào bên trong, tỉnh giác để tự kiểm soát tâm ý mình. Bước đầu tuy có đôi chút chuệch choạc, nhưng với hàng chục câu hỏi được gửi về Ban tổ chức như một minh chứng về sự tập trung và chân thật cầu học của thiền sinh và Phật tử.

 Sau giờ ngọ trai trong chánh niệm và nghỉ ngơi, thiền hành… đại chúng được Ni sư hướng dẫn thời thiền buổi chiều với nhiều nỗ lực hơn, quyết tâm tinh tấn dũng mãnh hơn để “chăn tâm”, thuần thục – quay về hơi thở. Tiếp đó, Ni sư chia sẻ cho đại chúng thời pháp thoại “Tỉnh thức giữa rộn ràng” dựa trên nội dung câu pháp cú 29:

“Tinh cần giữa phóng dật,

Tỉnh thức giữa quần mê,

Người trí như tuấn mã,

Bỏ xa con ngựa hèn”.

Làm thế nào đề tỉnh thức giữa cái rộn ràng của đời thường và ngay cả cái rộn ràng của bản thân mỗi chúng ta? Đó là câu hỏi không hề đơn giản với từng người. Giải được, làm được thì an vui, không giải được, không thực hành được thì mãi luẩn quẩn trong khổ đau. Bởi con người hiện đại luôn tự làm mình “rộn ràng” với những thói quen, đắm nhiễm vào tham ái và luôn mong cầu những điều mà khiến mình vướng bận như trong bài kinh Thánh cầu Đức Phật dạy: “tự mình bị sanh lại tìm cầu cái bị sanh, tự mình bị già lại tìm cầu cái bị già, tự mình bị bệnh… tự mình bị chết… tự mình bị sầu… tự mình bị ô nhiễm lại tìm cầu cái bị sầu, bị ô nhiễm”.  Để tỉnh thức cần có hành thiền để nuôi dưỡng nội tâm vững mạnh mới phát sanh tuệ giác. Nói chung, muốn có tuệ giác thì con đường đúng đắn nhất Phật chỉ dạy cho chúng ta đó là tu tập thiền tuệ (Vipassana). Nếu chỉ dừng ở thiền định, thì mới chỉ giải quyết vấn đề trên bề mặt, để xoa dịu những mệt mỏi của con người hiện đại trong chốc lát, chứ không thể giải quyết tận gốc của vấn đề là tìm đến sự giải thoát khổ đau. Vì vậy, đại chúng cần có sự lựa chọn pháp hành đúng đắn nhất cho cuộc đời của mình. Sống một cách tỉnh thức và “thức” một cách có ý nghĩa chứ không phải chỉ là “thức” để loay hoay trong bận rộn, làm những việc thiếu trí tuệ. Người trí phải dũng mãnh như con tuấn mã để tiến về phía trước, tinh tấn tu học để đạt tới trí tuệ của Bậc giác ngộ. Chỉ khi đạt được trí tuệ từ con đường thực hành thiền, chúng ta mới có thể ung dung, tự tại, vững vàng trước sóng gió của cuộc đời. “Khi chân ta cứng thì đá bỗng trở nên mềm”, khi ta “tỉnh thức” thì cuộc sống sẽ bình an vui, hoà hợp và hạnh phúc.

Bài pháp thoại đã như tiếng chuông thức tỉnh cho đại chúng mau mau tìm về bờ giác, thực hành phương pháp thiền để tránh uổng phí một kiếp người. Trước khi khóa tu hoàn mãn, những câu hỏi về hành thiền chuyên sâu, về cách ứng dụng thiền trong cuộc sống hàng ngày được giải đáp một cách sâu sắc và thỏa đáng.

Một ngày thiền tập dẫu chỉ như thoáng hương bưởi trong ngày xuân, nhưng vương lại trong lòng người một sự dịu êm, thanh cao và những bông bưởi đầu mùa này sẽ hứa hẹn đậu thành trái ngọt. Một ngày tu tập gieo hạt giống thiền trong tâm của nhiều Phật tử miền Bắc và hy vọng Phật tử sẽ đủ cơ duyên để tham gia những khoá thiền miên mật để được chuyển hoá thực sự, đạt đến một cuộc sống an vui và “tỉnh thức giữa đời thường” – dẫu có “bận” nhưng không “rộn”. Gió nhè nhẹ đưa cái se lạnh và hương bưởi bay xa trong ngày xuân an lạc.

 

Một số hình ảnh ghi nhận trong khóa tu:

Tuệ Ngộ