Mưa qua vườn lòng

Cuộc sống mưu sinh tất bật, từng tháng từng năm trôi đi vun vút, có bao giờ bạn thấy tâm hồn mình sao quá đỗi khô cằn, rồi một ngày nó thôi thúc bạn tìm về chốn an yên để tự thả mình trong tĩnh lặng, nhìn lại bản thân để chợt nhận ra vẫn còn đó những niềm hỷ lạc, những tình yêu thương như cơn mưa thanh lương tưới vào lòng người.


Vạn thú vui của thời đại công nghệ, lễ hội, phương tiện giải trí bủa vây không thiếu những lựa chọn cho bạn khỏa lấp những phiền muộn, bức bách – nhưng vui đó rồi lại buồn đó: “Hôm nay trời nhẹ lên cao, tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn”. Nỗi mông lung giữa không gian vạn vật, không biết chính mình đi đâu về đâu, sống chỉ để mà sống có phải là nỗi buồn lớn nhất chăng?

Khi chúng ta sống trong nhiều mối quan hệ đan xen của gia đình – xã hội, với những quy ước một chuẩn mực cuộc sống. Mỗi người là những tính cách, ứng xử rất riêng, có thể bạn là một người sôi nổi, thân thiện hay cũng có thể là người trầm lắng, nhu hòa…nhưng tất cả chúng ta liệu đã hiểu rõ bản thân mình trong từng ngóc ngách hay chỉ là bề nổi bên ngoài dựa trên các qui tắc đạo đức, xã hội. Hãy cho mình cơ hội chiêm nghiệm lại bản thân sau những năm dài có mặt trong cuộc đời này bằng sự thiền tập quán chiếu trên thân tâm để có tuệ giác, để biết rõ con đường mình đang bước đi, thấy được những hố sâu, rừng rậm hay cạm bẫy, để không lạc mất phương dẫn về ánh sáng.

Những bạn trẻ đến với thiền tập. 

Không ai muốn mình đi lạc, cũng chẳng ai muốn mình cô độc trên chặng đường dài, trớ trêu thay vạn sự biến thiên của tạo hóa khiến chúng ta có thể bị cuốn đi trong sự mờ mịt, u minh, không thấy cả chính mình. Vậy thì con đường chơn chánh liệu có bỏ rơi ta lại? Không! mỗi người vẫn có sẵn “viên minh châu soi đường trong chéo áo” của riêng mình, nhưng muốn tìm thấy nó cần tĩnh lại trong nhận thức, nhìn về bên trong, gột đi lớp bụi mờ của bản ngã cố chấp bằng một quá trình kiên định, bền bỉ. Để rồi ta thấy rõ sự thật, bản chất của bản thân, của cuộc sống để học cách hòa hợp, an vui: đó là góc nhìn của sự cảm thông, của lòng từ, sự chia sẻ, lòng biết ơn và sự tha thứ. Những gì ta không muốn thì đừng làm cho người khác – nó không còn là quy tắc xã hội nữa mà là chính xuất phát từ con tim, khi mà chính ta trải nghiệm.

Tứ vô lượng tâm Từ – Bi – Hỷ – Xả là cẩm nang quý giá để có được niềm an lạc. Vô lượng tức không giới hạn, không biên giới, là một tình yêu thương chân thật không bị những sân hận, buồn đau, ganh ghét và chấp thủ chi phối, tình thương ấy sẽ xoa dịu những vết thương lòng nếu ta đã từng tạo tác. Và giúp ta nhận ra răng để được yêu thương, chúng ta phải biết thương yêu, chúng ta phải biết hiểu và nuôi dưỡng tình yêu không vụ lợi, không mong chờ sự đáp đền nào. Nếu tình thương của bạn có sự phân biệt, có định kiến thì đó không phải là tình thương đúng nghĩa nữa.

Năm tháng không chờ đợi một ai, chớp mắt đã đến kì trăng trối; đang mân mê cho đời nở hoa – chợt hãi hùng gió cuồng mưa lũ…Vô Thường! một quy luật bất biến của cuộc đời. Tìm về chân hạnh phúc – biết quý trọng và gìn giữ cái mình đang có, tình yêu thương không vị kỷ, biết ơn đời, biết ơn người đã cho ta trải nghiệm trong cuộc sống này để không là một hòn sỏi cằn khô nằm lăn lóc trong vườn. Cám ơn tất cả những ai, cỏ cây muôn loài đã cho ta vay mượn để đến với cuộc đời này và cũng cảm ơn chính mình đã cho mình lặng yên.

Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn, người đến chỗ lao xao

(Thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm)

Metta day, 30/4/2018

Chơn Từ