Ni Sư Hằng Liên chia sẻ trực tuyến đề tài “Thực tập thiền và lợi ích của thiền trong dịch bệnh Covid”
Ngày 22/8/2021 (17/7 Tân Sửu), vào lúc 19h30 Ni Sư Hằng Liên đã chia sẻ đề tài “Thực tập thiền và lợi ích của thiền trong dịch bệnh Covid” qua buổi học giáo lý trực tuyến.
Thực tập thiền
Bắt đầu buổi giảng, Ni sư hướng dẫn thính chúng thực tập thiền trong 15 phút, giúp những ai chưa từng học thiền làm quen với tư thế ngồi. Người thực hành có thể tự lựa chọn cho mình một cách ngồi thích hợp tuỳ vào độ tuổi cá nhân. Cách điều thân là giữ vững cơ thể ngồi ngay ngắn, ổn định thoải mái và không bị gượng ép. Sau đó, hành giả chuyển sang bước điều tâm; thu nhiếp sự chú tâm vào hơi thở tự nhiên của mình, duy trì sự tập trung tỉnh giác trên hơi thở, làm lắng dịu các vọng niệm do phóng tâm.
Ni sư lần lượt giải thích các diễn biến của thân – tâm; lý giải nguyên nhân hành thiền phải dựa trên sự thật của thân – tâm, trải nghiệm và thoát khỏi sự chi phối của những đau nhức, trạo cử, hôn trầm mà không dựa vào các phương tiện khác để tìm sự khỏa lấp, hay tìm sự thư giãn bề ngoài để lãng quên. Thực tập trên sự thật mới có thể hiểu được bản chất gốc rễ các tập khí bên trong chính mình để chuyển hóa, giúp thân khỏe tâm an. Thực tập không đúng pháp hoặc không có người kinh nghiệm hướng dẫn sẽ đưa đến mệt mỏi và có thể loạn tâm đáng tiếc. Người học thiền phải thực hành bài bản theo lời Phật dạy từng bước, không nên tự học theo kiến thức dễ sanh hoang tưởng theo nghiệp lực tham sân si – đó là việc đi ngược lại mục tiêu tu tập giải thoát. Dĩ nhiên, ngoại trừ các bậc cao tăng có thể chứng nghiệm thiền từ kinh điển Phật dạy.
Lợi ích của thực tập thiền trong dịch bệnh
Ni sư dẫn chứng về kiến thức khoa học kết hợp với Phật pháp trong bài báo “Nghịch lý Corona và nhân quả” dưới cái nhìn của bác sĩ Nguyễn Đức Thành Dũng, chỉ ra rằng bên cạnh sự lây nhiễm dịch bệnh từ các tác nhân bên ngoài, còn có sự chiêu cảm do nghiệp lực bên trong con người dẫn dụ virus xâm nhập hủy hoại cơ thể. Qua nghiên cứu này cho thấy, con đường tu tập thiền có thể rèn luyện tâm thức “tỉnh giác và buông xả” – không phản ứng, giúp chúng ta dừng được các hành nghiệp xấu tồn tại. Cơ thể con người vốn có một cấu trúc hoàn chỉnh hơn so với vạn vật hữu tình trong vũ trụ. Tự thân con người có một khả năng phòng vệ bên trong rất tuyệt vời, nhưng do tham sân si thỏa mãn nhu cầu bên ngoài quá mức, khiến khả năng tự nhiên này mất đi. Sự chánh niệm tĩnh lặng là phương pháp giúp con người phát huy nội lực, tạo kháng thể chống lại các loại virus tự do xâm nhập từ bên ngoài. Đối với những người tu tập kiên định, khả năng không phản ứng cao, làm chủ thân tâm sẽ giúp cơ thể vị ấy có sự phòng vệ tự nhiên, không tạo thêm năng lượng xấu cho mình. Hoặc người chánh niệm chưa thuần thục lỡ bị nhiễm bịnh, họ cũng sẽ bình tĩnh duy trì năng lực dễ phục hồi sức khỏe hơn so với người hoàn toàn không có chánh niệm.
Ni sư khuyến khích thính chúng tận dụng thời gian giãn cách này để rèn cơ thể chính mình. Bước đầu người hành thiền có thể luyện tập phương pháp quán sát hơi thở (Anapana) mỗi ngày 4 lần, mỗi lần 15 phút. Mỗi người đều có thể phát huy sức mạnh nội tâm, nâng cao kháng thể bằng cách tu tập tỉnh thức dựa trên sự thật, không mê tín, thuần túy trên bản chất tự nhiên của chính bản thân. Trong thời đại khoa học công nghệ đỉnh cao, con người ngày càng mất đi sự quân bình, hưởng thụ vật chất, trở nên nhạy cảm dễ nhiễm bệnh. Do đó, bên cạnh việc phải tuân thủ đúng các khuyến cáo y tế ngăn ngừa sự lây nhiễm, chú ý đến chế độ ăn uống, luyện tập thể chất, nghĩ ngơi cân bằng thân tâm. Điều khá quan trọng là không nên bị cuốn hút vào việc sử dụng các thiết bị công nghệ điện tử quá nhiều khiến cơ thể suy yếu dần dần.
Thiền là pháp hành về tâm thức có khoa học, đòi hỏi phải có quá trình thực tập bài bản, không thể qua vài buổi thuyết giảng như hôm nay để truyền đạt chi tiết được. Tuy nhiên, thời pháp của Ni sư như một sự khích lệ để người hữu duyên với pháp thiền có cơ hội trau dồi chuyển hoá thân tâm. “Đời người quý báu, hãy yêu thương chính mình đúng cách sẽ được an lành.”
Để khuyến tấn việc thực tập, Ni sư tổ chức hàng ngày các giờ thiền chung online. Đối với các thiền sinh đã học kỹ thuật thiền đúng pháp có thể cùng tham dự 2 thời, mỗi thời 1 giờ; đối với những người chưa học phương pháp cụ thể chỉ cần ngồi các thời 15 phút như đã được hướng dẫn cũng có thể giúp bình tâm, hồi phục cơ thể. Trong các buổi pháp thoại sau, Ni sư sẽ hướng dẫn thêm cho người thích thực tập thiền.
Kết thúc buổi học, Ni sư chúc nguyện cầu an: “Cầu xin cho tất cả chúng sanh trong mười phương, đừng có oan trái lẫn nhau. Hãy cho được sự an vui, tránh khỏi các điều rủi ro, tai hại; cho được thành tựu những hạnh phúc, khiến cho tất cả sự khổ não, kinh sợ và dịch bịnh đều tiêu tan”. Sadhu!Sadhu!Sadhu!