Ni sư Hằng Liên thuyết giảng tại trường hạ Tịnh xá Ngọc Tâm
Ngày 03 tháng 07 năm 2020 (nhằm ngày 13/05/ Canh Tý), đáp lời mời của Ban Chức sự Trường hạ Tịnh xá Ngọc Tâm (Tp. Tân An, tỉnh Long An); Ni sư Hằng Liên – Trụ trì Thiền Viện Pháp Sơn, Giảng viên Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM, đã thân lâm chia sẻ cùng hội chúng an cư những pháp yếu căn bản trong đời sống tu học.
Mở đầu thời pháp thoại, Ni sư bàn luận về những kết quả lợi ích nhờ tu thiền bằng thực nghiệm. Từ đó, Ni sư động viên chư Ni cố gắng dụng công thực hành pháp thiền, để hóa giải những nút thắt trong thân tâm mà mỗi người trong cuộc sống đời thường tự mình chất chứa.
Sau đó, Ni sư giới thiệu về “Thiền Lâm Bảo Huấn” là khuôn vàng thước ngọc để người học Phật xưa nay nêu cao chí hướng ‘kế vãng khai lai’. Sự nghiệp Tổ thầy đã dày công khai sáng, người hậu học đều nương theo đó xiển dương giáo pháp trên con đường học và hành được công thành quả chứng.
Kế tiếp, Ni sư triển khai phần chánh văn: “Minh Giáo Tung Hoà Thượng nói: “Tôn chẳng gì bằng đạo, đẹp không gì đẹp bằng đức. Người có đạo đức tuy là kẻ thất phu cũng không phải là cùng, kẻ không có đạo đức, tuy là đấng vương giả cũng không là thông… Người học giả chỉ lo phần đạo đức của mình không trọn vẹn, chứ đừng lo thế vị không đến với mình”.
Phân tích ý pháp: ‘trên đời không có gì cao quý bằng Đạo và cũng không có gì đẹp hơn tâm Đức’, Ni Sư đã khéo léo diễn dẫn những gương hạnh cao quý của chư vị tôn túc bậc Thầy đã thành công đạo nghiệp. Ni sư nhấn mạnh, người xuất gia tu học phải hiểu được rằng: “Đức hạnh xuất phát từ tâm, lập công bồi Đức mới có thể thành tựu đạo hạnh viên mãn”. Thế nên, chúng ta phát nguyện phụng sự Chánh pháp một cách âm thầm không cần ai biết là cơ hội để tạo cái Đức cho chính mình. Đặc biệt, thực hành thiện pháp với Tâm trong sáng, hoan hỷ, không vì bản ngã phô trương thì sẽ tiến tu vững chải trên con đường giải thoát.
Ngày nay, nhu cầu xã hội hóa tiện nghi dễ làm người tu học dính mắc, bị chi phối bởi vật chất, lợi danh, phù phiếm xa hoa ảo tưởng. Vì thế, phải dựa trên nền tảng Giới, Định và Tuệ làm thước đo; lấy công phu công quả tô bồi công đức giúp chúng ta vững tâm với chí nguyện cao thượng.
Đoạn văn có giá trị hướng hàng hậu tấn nương vào những lời dạy chân pháp, ‘bắt chước cổ nhân, có nghĩa là bắt chước cái hay cái đẹp của cổ nhân để tạo thành cái hay cái đẹp cho đương thế, để mong sao cho Tổ đình hưng thịnh, cho Phật pháp xương minh. Đó chính là cái hoài bão chung của những người con Phật’.
Buổi học khép lại với lời kính chúc toàn thể hội chúng luôn tinh tấn, tăng trưởng đạo pháp và đức hạnh được viên mãn!
Ban Truyền thông