Ni sư Hằng Liên thuyết giảng về chủ đề: “Yếu chỉ thiền trong thơ Ni trưởng Huỳnh Liên”
Chiều 30/05/2022 nhằm ngày 01/05/Nhâm Dần, tại giảng đường Trường hạ Ngọc Phương, Ni sư Hằng Liên – Giảng viên Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. HCM, trụ trì Thiền viện Pháp sơn đã chia sẻ chủ đề “Yếu chỉ thiền trong thơ Ni trưởng Huỳnh Liên”.
Trước khi đi vào chuyên đề, Ni sư đã giới thiệu tổng quan về thiền Phật giáo và các loại thiền phổ biến hiện nay trong xã hội. Đối với người xuất gia tu học, chúng ta đều là những người có thiện duyên với Chánh pháp nên ít nhiều tự biết ngồi thiền. Tuy nhiên, nếu không có kiến thức cơ bản về thiền hoặc không được các bậc Thầy kinh nghiệm hướng dẫn cụ thể chúng ta rất dễ tu sai lạc.
Ngày nay trong thời đại khoa học, tu thiền không khó nhưng để chứng đắc Thiền theo lời Phật dạy không phải dễ, “khó thay được làm người, khó thay tu đúng pháp”. Do đó, người học thiền phải chọn cho mình cách tu đúng đắn theo con đường Giới – Định – Tuệ của Đức Phật đã chỉ dạy.
Theo luận giải của Thiền sư Ledi Sayadaw về “bốn hạng người có khả năng thành tựu con đường” trong bài giảng về 37 phẩm trợ đạo cho thấy, người chứng đạt đạo quả giải thoát còn tuỳ thuộc vào công đức tích trữ Ba la mật hay sự tích lũy dòng nghiệp chướng sâu dày nhiều hay ít. Vì thế, những ai tu thiền chuyên sâu sẽ tự biết việc bồi đắp những Ba la mật vô cùng cần thiết cho mỗi kiếp nhân sinh. Đệ nhất Ni trưởng đã từng dạy: “mỗi kiếp xâu vào mỗi một viên”.
Đến đây, Ni sư dẫn chư hành giả quay về với những câu chuyện của Ni trưởng Huỳnh Liên – một tấm gương hạnh nguyện là chiếc thuyền chở chuyên phái nữ trên con đường Đạo Pháp. Một minh chứng sinh động lưu lại từ những vần thơ tràn đầy nhiệt huyết Ba la mật của Ni trưởng.
Thông qua thơ văn, đệ nhất Ni trưởng tạo thành nguồn cảm hứng, động viên tinh thần tu tập cho Ni chúng, nhắc nhở mỗi vị phải siêng tu tinh tấn để diệt trừ tham, sân, si; chuyển hoá dần nghiệp chướng vô minh giúp thân tâm từng bước thanh tịnh. Đó là những chủ đề thiền tập hiểu biết, mà mỗi hành giả phải thực tập hằng ngày trên con đường tu để có sự hạnh phúc, an vui, xứng đáng “một kiếp tu nhân học Phật”.
Thơ Ni trưởng thể hiện rõ chất thiền – ý pháp theo con đường Giới – Định – Tuệ mà Đức Phật đã chỉ dạy. Bằng nghệ thuật thiên phú, giáo lý Phật pháp căn bản trong Kinh tạng kết tinh thành Yếu chỉ thiền qua những bài thơ trì tụng hằng ngày dễ nhớ, dễ đọc, dễ đi vào lòng người.
Thời pháp thoại khép lại trong sự hoan hỷ của đại chúng và nhất tâm niệm ân đức vô lượng hướng đến bậc Thầy khả kính!