Phẩm Bảy Pháp – 4. Phẩm Chư Thiên

(I) (31) Không Phóng Dật

1. Bấy giờ có một Thiên nhân, sau khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Đứng một bên, Thiên nhân ấy bạch Thế Tôn:

– Có bảy pháp này, bạch Thế Tôn, không đưa Tỷ-kheo đến đọa lạc. Thế nào là bảy? Tôn kính bậc Đạo Sư, tôn kính Pháp; tôn kính chúng Tăng; tôn kính học tập; tôn kính định; tôn kính không phóng dật; tôn kính nghinh đón. Bảy pháp này, bạch Thế Tôn, không đưa Tỷ-kheo đến đọa lạc.

Thiên nhân ấy nói như vậy. Bậc Đạo Sư chấp nhận. Rồi Thiên nhân ấy với ý nghĩ: “Bậc Đạo Sư đã chấp nhận ta”, thân phía hữu hướng về Ngài rồi biến mất tại chỗ.

2. Rồi Thế Tôn, sau khi đêm ấy đã qua, liền bảo các vị Tỷ-kheo:

– Đêm nay, này các Tỷ-kheo, một Thiên nhân sau khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana đi đến Ta; sau khi đến, đảnh lễ Ta rồi đứng một bên. Đứng một bên, này các Tỷ-kheo, Thiên nhân ấy thưa với Ta: “Có bảy pháp, bạch Thế Tôn, không đưa Tỷ-kheo đến đọa lạc. Thế nào là bảy? Tôn kính bậc Đạo Sư, tôn kính Pháp; tôn kính Tăng, tôn kính học pháp; tôn kính định; tôn kính không phóng dật, tôn kính nghinh đón. Bảy pháp này bạch Thế Tôn, không đưa Tỷ-kheo đến đọa lạc”. Này các Tỷ-kheo, Thiên nhân ấy nói như vậy, sau khi nói xong, đảnh lễ Ta, thân phía hữu hướng về Ta, rồi biến mất tại chỗ.

    Kính trọng bậc Đạo Sư,
    Kính trọng Pháp và Tăng,
    Kính trọng định, nhiệt tâm,
    Chí thành kính học tập,
    Kính trọng không phóng dật,
    Chí thành kính nghinh đón,
    Không thể bị đọa lạc,
    Tỷ-kheo gần Niết-bàn.

(II) (32) Xấu Hổ

1. – Đêm này, này các Tỷ-kheo, một Thiên nhân, sau khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana đi đến Ta; sau khi đến, đảnh lễ Ta rồi đứng một bên, Thiên nhân ấy thưa với Ta: “Có bảy pháp này, bạch Thế Tôn không đưa Tỷ-kheo đến đọa lạc. Thế nào là bảy? Tôn kính bậc Đạo Sư, tôn kính Pháp; tôn kính Tăng, tôn kính học pháp; tôn kính định; tôn kính xấu hổ, tôn kính sợ hãi. Bảy pháp này, bạch Thế Tôn, không đưa Tỷ-kheo đến thối đọa”. Này các Tỷ-kheo, Thiên nhân ấy nói như vậy, nói như vậy xong, đảnh lễ Ta, thân bên hữu hướng về Ta rồi biến mất tại chỗ.

    Kính trọng bậc Đạo Sư,
    Kính trọng Pháp và Tăng,
    Kính trọng định, nhiệt tâm,
    Chí thành kính học pháp,
    Đầy đủ tàm và quý,
    Tùy thuận và tôn kính,
    Không thể bị đọa lạc,
    Vị ấy gần Niết-bàn.

(III) (33) Dễ Nói (1)

    … (Giống như kinh 32, chỉ khác là thay thế hai pháp cuối cùng tàm và quý bằng thiện ngôn (dễ nói) và thiện bằng hữu)…

(IV) (34) Dể Nói (2)

1. – Đêm nay, này các Tỷ-kheo, một Thiên nhân sau khi đêm ấy đã gần mãn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana đi đến Ta; sau khi đến, đảnh lễ Ta rồi đứng một bên. Đứng một bên, vị ấy thưa với Ta: “Bảy pháp này, bạch Thế Tôn, không đưa Tỷ-kheo đến đọa lạc. Thế nào là bảy? Tôn kính bậc Đạo Sư, tôn kính Pháp; tôn kính Tăng, tôn kính học pháp; tôn kính định; tôn kính thiện ngôn, tôn kính thiện bằng hữu. Bảy pháp này, bạch Thế Tôn, không đưa Tỷ-kheo đến đọa lạc”. Này các Tỷ-kheo, Thiên nhân ấy nói như vậy, sau khi nói xong, đảnh lễ Ta, thân bên hữu hướng về Ta rồi biến mất tại chỗ.

2. Được nghe nói vậy, Tôn giả Sàriputta bạch Thế Tôn:

3. – Lời nói vắn tắt này của Thế Tôn, bạch Thế Tôn, con hiểu một cách rộng rãi như sau: Ở đây, bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo tự mình tôn kính bậc Đạo Sư, tán thán sự tôn kính bậc Đạo Sư. Đối với những Tỷ-kheo khác không tôn kính bậc Đạo Sư, vị ấy khích lệ họ tôn kính bậc Đạo Sư. Đối với những Tỷ-kheo khác tôn kính bậc Đạo Sư, vị ấy tán thán một cách chơn thật, chơn chánh, đúng thời. Tự mình tôn kính Pháp… tự mình tôn kính chúng Tăng… tự mình tôn kính học pháp… tự mình tôn kính thiện ngôn… tự mình tôn kính thiện bằng hữu, tán thán sự tôn kính thiện bằng hữu. Đối với những Tỷ-kheo khác không tôn kính thiện bằng hữu, vị ấy khích lệ họ tôn kính thiện bằng hữu. Đối với những Tỷ-kheo khác Tôn kính thiện bằng hữu, vị ấy tán thán một cách chơn thật, chơn chánh, đúng thời. Lời nói vắn tắt này các Thế Tôn, bạch Thế Tôn, con hiểu một cách rộng rãi như vậy.

4. – Lành thay, lành thay, này Sàriputta! Này Sàriputta, lời nói vắn tắt này của Ta, đã được Thầy hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi như vậy. Ở đây, này Sàriputta, Tỷ-kheo tự mình tôn kính bậc Đạo Sư… (như trên, với những thay đổi cần thiết)… một cách chơn thực, chơn chánh, đúng thời. Lời nói vắn tắt này của Ta, này Sàriputta, cần phải hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi như vậy.

(V) (35) Bạn Hữu(1)

1. – Thành tựu bảy chi phần, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo cần phải thân cận như một người bạn. Thế nào là bảy?

2. Cho những gì khó cho, làm những gì khó làm, nhẫn những gì khó nhẫn, nói lên những gì bí mật của mình, che giấu bí mật của người khác, không từ bỏ khi gặp bất hạnh, không có khinh rẽ khi tài sản khánh tận.

Thành tựu bảy chi phần này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo cần phải thân cận như một người bạn.

    Bạn cho điều khó cho,
    Làm những điều khó làm,
    Kham nhẫn những lời nói,
    Thật khó lòng kham nhẫn,
    Nói lên bí mật mình,
    Che giấu bí mật người,
    Bất hạnh, không từ bỏ,
    Khánh tận, không chê khinh,
    Trong những trường hợp trên,
    Tìm được người như vậy,
    Với ai cần bạn hữu,
    Hãy gần bạn như vậy.

(VI) (36) Bạn Hữu (2)

1. – Thành tựu bảy chi phần, này các Tỷ-kheo, là người bạn cần phải thân cận, cần phải giao thiệp, cần phải hầu cận, dầu có bị xua đuổi. Thế nào là bảy?

2. Khả ái, khả ý; tôn trọng; đáng được bắt chước; nhà thuyết giả; kham nhẫn lời nói; nói lời sâu kín; không có hối thúc những điều không hợp lý.

Thành tựu bảy pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo là người bạn, cần phải thân cận, cần phải giao thiệp, cần phải hầu hạ, dầu có bị xua đuổi.

    Khả ái và đáng kính,
    Đáng bắt chước, thuyết giả,
    Kham nhẫn các lời nói,
    Nói những lời thâm sâu,
    Không hối thúc ép buộc,
    Những điều không hợp lý,
    Ai có những pháp này,
    Ở đời, người như vậy,
    Người ấy là bạn hữu,
    Với ai cần bạn hữu,
    Người mong muốn lợi ích,
    Với lòng từ ai mẫn.
    Dầu có bị đuổi xua,
    Hãy thân cận bạn ấy.

(VII) (37) Vô Ngại Giải

1. – Thành tựu bảy pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không bao lâu, với thắng trí tự mình chứng ngộ, chứng đạt và an trú bốn vô ngại giải. Thế nào là bảy?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo khi nào tâm thụ động, như thật rõ biết: “Đây là tâm ta thụ động”; khi nào tâm muội lược, như thật rõ biết: “Nội tâm ta muội lược”; khi nào tâm tán loạn, hướng ngoại”. Như thật rõ biết tâm ta tán loạn hướng ngoại. Vị ấy nhận thức được các thọ khởi lên, nhận thức được các thọ an trú, nhận thức được các thọ đi đến tiêu diệt; nhận thức được các tưởng khởi lên, nhận thức được các tưởng an trú, nhận thức được các tưởng tiêu diệt; nhận thức được các tầm khởi lên, nhận thức được các tầm an trú, nhận thức được các tầm tiêu diệt. Đối với các pháp thích hợp hay không thích hợp, đối với các pháp hạ liệt hay thù thắng, đối với các pháp dự phần đen hay dự phần trắng, vị ấy khéo nắm giữ tướng, khéo tác ý, khéo thọ trì, khéo thể nhập với trí tuệ.

Thành tựu bảy pháp này, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo không bao lâu, với thắng trí tự mình chứng ngộ, chứng đạt và an trú bốn vô ngại giải.

3. Thành tựu bảy pháp này, này các Tỷ-kheo Sàriputta với thắng trí tự mình chứng ngộ, chứng đạt và an trú bốn vô ngại giải. Thế nào là bảy?

4. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Sàriputta khi nào tâm thụ động, như thật rõ biết: “Đây là tâm ta thụ động”; khi nào tâm muội lược, như thật rõ biết: “Nội tâm ta muội lược”;… (như trên, số 2,… chứng đạt và an trú bốn vô ngại giải).

(VIII) (38) Điều Phục

1. – Thành tựu bảy pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo điều phục tâm và không để mình bị tâm điều phục. Thế nào là bảy?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thiện xảo về định, thiện xảo nhập định, thiện xảo an trú định, thiện xảo xuất khỏi định, thiện xảo trong sự thoải mái của định, thiện xảo trong cảnh giới của định, thiện xảo trong dẫn phát đến định.

Thành tựu bảy pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo điều phục tâm và không để mình bị tâm điều phục.

3. Thành tựu bảy pháp, này các Tỷ kheo, Sariputta điều phục tâm và Sariputta không để mình bị tâm điều phục. Thế nào là bảy

4. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Sàriputta thiện xảo về định, thiện xảo nhập định, thiện xảo an trú định, thiện xảo xuất khỏi định, thiện xảo trong sự thoải mái về Thiền định, thiện xảo trong cảnh giới định, thiện xảo trong dẫn phát đến định.

Thành tựu bảy pháp này, này các Tỷ-kheo, Sàriputta điều phục tâm và Sàriputta không để mình bị tâm điều phục.

(IX) (39) Sự Thù Diệu (1)

1. Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthì, tại Jetavana, trong khu vườn ông Anathapindika. Bấy giờ Tôn giả Sàriputta vào buổi sáng, đắp y, cầm y bát, đi vào Sàvatthì để khất thực. Tôn giả Sàriputta suy nghĩ như sau: “Thật là quá sớm để đi khất thực ở Sàvatthì, vậy ta hãy đi đến khu vườn của các du sĩ ngoại đạo”. Rồi Tôn giả Sàriputta đi đến khu vườn của các du sĩ ngoại đạo, sau khi đến khu vườn của các du sĩ ngoại đạo, sau khi đến, nói lên với các du sĩ ngoại đạo những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên.

2. Lúc bấy giờ, các du sĩ ngoại đạo ấy đang ngồi tụ họp và câu chuyện sau đây được khởi lên: “Này chư Hiền, ai sống mười hai năm hành trì Phạm hạnh viên mãn thanh tịnh, thật là vừa đủ để nói: “Vị Tỷ-kheo đáng được tán thán”. Rồi Tôn giả Sàriputta không tùy hủy, không chỉ trích lời nói của các du sĩ ngoại đạo ấy; không tùy hỷ, không chỉ trích, từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi với ý nghĩ: “Ta sẽ rõ biết ý nghĩa này từ Thế Tôn”.

3. Rồi Tôn giả Sàriputta, sau khi khất thực ở Sàvatthì xong, sau buổi ăn, trên con đường đi khất thực trở về, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Sàriputta bạch Thế Tôn:

– Ở đây, bạch Thế Tôn, vào buổi sáng, con đắp y, cầm y bát, đi vào Sàvatthì để khất thực. Rồi bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: “Thật là quá sớm để đi khất thực ở Sàvatthì, vậy ta hãy đi đến khu vườn của các du sĩ ngoại đạo”. Rồi bạch Thế Tôn, con đi đến khu vườn của các du sĩ ngoại đạo; sau khi đến, nói lên với các du sĩ ngoại đạo ấy những lời chào đón hỏi thăm; sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi, con ngồi xuống một bên. Lúc bấy giờ, bạch Thế Tôn, các du sĩ ngoại đạo ấy đang ngồi tụ họp và câu chuyện sau đây được khởi lên: “Này chư Hiền, ai sống mười hai năm hành trì Phạm hạnh viên mãn thanh tịnh, thật là vừa đủ để nói: “Vị Tỷ-kheo đáng được tán thán”. Rồi bạch Thế Tôn, con không tùy hỷ, không chỉ trích lời nói của các du sĩ ngoại đạo ấy; không tùy hỷ, không chỉ trích, con từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi với ý nghĩ: “Ta sẽ rõ biết ý nghĩa này từ Thế Tôn”. Bạch Thế Tôn, trong Pháp và Luật này, có thể nêu rõ một Tỷ-kheo đáng được tán thán, hoàn toàn do đếm số năm chăng?

– Này Sàriputta, trong Pháp, và Luật này, không có thể nêu rõ một Tỷ-kheo đáng được tán thán, hoàn toàn do đếm số năm. Bảy sự thù diệu này, này Sàriputta, sau khi với thắng trí, Ta tự chứng ngộ, chứng đạt, an trú, và tuyên thuyết. Thế nào là bảy?

4. Ở đây, này Sàriputta, Tỷ-kheo tha thiết hành trì học pháp và trong tương lai khát vọng hành trì học pháp; tha thiết quán pháp và trong tương lai khát vọng quán pháp; tha thiết nhiếp phục lòng dục; và trong tương lai khát vọng nhiếp phục lòng dục, tha thiết Thiền tịnh, trong tương lai khát vọng Thiền tịnh; tha thiết tinh cần tinh tấn và trong tương lai khát vọng tinh cần tinh tấn; tha thiết niệm tuệ và trong tương lai khát vọng niệm tuệ; tha thiết thể nhập tri kiến và trong tương lai khát vọng thể nhập tri kiến.

Này Sàriputta, bảy thù diệu sự này được Ta tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt, an trú và tuyên thuyết.

5. Thành tựu bảy thù diệu sự này, này Sàriputta, Tỷ-kheo, nếu trong mười hai năm hành trì Phạm hạnh viên mãn thanh tịnh, thật là vừa đủ để nói: “Vị Tỷ-kheo đáng được tán thán!”. Nếu trong hai mười bốn năm hành trì Phạm hạnh viên mãn thanh tịnh, thật là vừa đủ để nói: “Vị Tỷ-kheo đáng được tán thán!” Nếu trong ba mươi sáu năm hành trì Phạm hạnh viên mãn thanh tịnh, thật là vừa đủ để nói: “Vị Tỷ-kheo đáng được tán thán!”. Nếu trong bốn mươi tám năm hành trì Phạm hạnh viên mãn thanh tịnh, thật là vừa đủ để nói: “Vị Tỷ-kheo đáng được tán thán!”

(X) (40) Sự Thù Diệu (2)

1. Như vầy tôi nghe:

Một thời Thế Tôn trú ở Kosambì, tại khu vườn Ghosita. Rồi Tôn giả Ananda vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi vào Kosambì để khất thực. Tôn giả Ananda suy nghĩ: “Thật là quá sớm để đi khất thực ở Kosambì, vậy ta hãy đi đến khu vườn của các du sĩ ngoại đạo”. Rồi Tôn giả Ananda đi đến khi vườn của các du sĩ ngoại đạo, sau khi đến, nói lên với các du sĩ ngoại đạo ấy những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên.

2-3. … (Giống như 2-3 của kinh trên, chỉ khác Tôn giả Ananda thế cho Tôn giả Sàriputta)… Thế nào là bảy?

4. Ở đây, này Ananda, Tỷ-kheo có lòng tin, có lòng xấu hổ, có lòng sợ hãi, có nghe nhiều, có tinh cần tinh tấn, có chánh niệm, có trí tuệ.

Bảy thù diệu sự này, này Ananda, được Ta tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt, an trú và tuyên thuyết.

5. Thành tựu bảy thù diệu sự này, này Ananda, Tỷ-kheo nếu trong mười hai năm hành trì Phạm hạnh viên mãn thanh tịnh, thật là vừa đủ để nói” Vị Tỷ-kheo đáng được tán thán!”. Nếu trong hai mười bốn năm hành trì Phạm hạnh viên mãn thanh tịnh, thật là vừa đủ để nói: “Vị Tỷ-kheo đáng được tán thán!” Nếu trong ba mươi sáu năm hành trì Phạm hạnh viên mãn thanh tịnh, thật là vừa đủ để nói: “Vị Tỷ-kheo đáng được tán thán!”. Nếu trong bốn mươi tám năm hành trì Phạm hạnh viên mãn thanh tịnh, thật là vừa đủ để nói: “Vị Tỷ-kheo đáng được tán thán!”.

Nguồn: thuvienhoasen.org