Tấm lòng người “hậu phương” của khóa thiền
Vào giờ này tuần trước, tôi chia tay Thầy, quý Sư cô và những người bạn mới quen để trở về cuộc sống đời thường sau 10 ngày làm thiền sinh phục vụ cho khóa tu…
Từ “hậu phương”…
Để trở thành một thiền sinh phục vụ, bạn phải từng là thiền sinh của một khóa tu 10 ngày nghiêm túc không phạm giới và có tấm lòng. Bởi có trải qua 10 ngày tu tập rồi, bạn mới bắt đầu có niềm tin vào phương pháp thiền và vào Chánh Pháp, mới phần nào “cảm” được những nỗi niềm của thiền sinh để phục vụ họ với cái tâm yêu thương và thấu hiểu.
Một ngày làm việc của thiền sinh phục vụ bắt đầu lúc 4 giờ sáng và kết thúc lúc 10 giờ tối. Ngoài thời gian người phục vụ ngồi thiền, ăn uống, tắm giặt và nghỉ trưa, có hơn 10 tiếng họ phải phục vụ, công việc được phân chia một cách khẩn trương và liên tục. Thời khóa rất khít khao và áp lực như thế cứ xoay vòng suốt 10 ngày. Nếu chưa từng tu tập và không có cái tâm thực sự, có lẽ những người phục vụ sẽ không thể đồng hành cùng thiền sinh cho đến hết khóa thiền.
Trong những cuộc họp với Ban Phục vụ chúng tôi, Thầy luôn nhắc đi nhắc lại hai từ: “Chánh niệm” và “Quân bình”. Khi là thiền sinh, tôi đã được nghe hai từ này rất nhiều. Tuy nhiên, đến khi là một người phục vụ, tôi mới hiểu sâu sắc từ “Chánh niệm”.
Đã từng là thiền sinh nên khi phục vụ, tôi biết mình cần giữ yên lặng trong lúc thiền sinh ngồi thiền. Tôi thuộc nhóm Hành đường – nhóm phụ trách việc bày biện bàn ăn và thức ăn cho thiền sinh dùng trong Trai đường. Nhưng thật oái oăm, Trai đường nằm cạnh Thiền đường, bất cứ tiếng động nào vang lên từ nơi này đều đến ngay tai thiền sinh. Mà việc sắp xếp chén bát, đũa muỗng, rồi phân chia và bưng bê thức ăn cho gần 200 người khó tránh được việc gây tiếng động. Nhóm Hành đường chúng tôi khó tránh được việc vô tình làm thiền sinh động tâm.
Để hạn chế phần nào những tiếng động không đáng có, tôi cố gắng giữ chánh niệm trong từng hành động của mình. Bởi chỉ cần mất tập trung một chút, thất niệm một chút là tôi có thể làm rơi muỗng đũa, đặt mạnh chén bát xuống bàn, hoặc để những vật dụng bằng kim loại va vào nhau…
Công việc Hành đường đã khó. Nhưng việc của nhóm Nhà bếp còn khó hơn. Nếu có cơ hội quan sát nhóm này làm việc, bạn sẽ thấy thương họ lắm. Mỗi ngày, họ “đầu tắt mặt tối” với các món ăn “bủa vây” từ khâu chuẩn bị nguyên liệu đến khâu nấu nướng…, tất cả phải chỉnh chu, gọn gàng và sạch sẽ như những món linh dược.
Vì khối lượng công việc nhiều, nhóm Nhà bếp có mức độ khẩn trương và “sức nóng” cao hơn những nhóm phục vụ khác. Tâm sân luôn chực chờ để bộc phát trong bếp hơn bất cứ nơi nào khác của khóa tu. Tất cả những người phục vụ – từ nhóm Nhà bếp đến những nhóm khác – đều phải hết sức chánh niệm để nhận ra nó. Nếu thức ăn được nấu nướng và bày biện với tâm sân, thiền sinh sẽ ít nhiều bị động tâm khi dùng thức ăn đó. Mỗi người phục vụ cần biết nhường nhịn, cảm thông và buông xả để mọi việc trôi qua yên bình. Người phục vụ còn được gọi là “thiền sinh phục vụ” là vì vậy – họ vừa phục vụ vừa làm thiền sinh, vừa làm việc vừa tu, hay nói cách khác là “vẫn tu trong khi phục vụ”.
… đến “tiền tuyến”
Nếu nhóm Nhà bếp và Hành đường lo việc ở “hậu phương”, thì việc ở “tiền tuyến” do những Hộ thiền phụ trách. Tôi nghĩ chỉ những thiền sinh thực sự tinh tấn trên con đường tu tập mới đảm trách nổi công việc của một Hộ thiền. Vì Hộ thiền cần túc trực bên thiền sinh, theo dõi từng nhất cử nhất động của thiền sinh để động viên và hỗ trợ kịp thời. Tâm họ ấm nhưng cái đầu họ lạnh. Bởi chỉ bằng cách vừa nhẹ nhàng vừa nghiêm khắc, Hộ thiền mới có thể vừa “yêu thương” vừa khép thiền sinh vào kỷ luật của khóa tu.
Mỗi khóa thiền ở Hồng Trung Sơn có thể được ví như một lần đoàn quân ra trận. Thiền sinh là chiến sĩ. Thầy là vị tướng chỉ huy. Người ở “tiền tuyến” tạo ra lực kéo, người ở “hậu phương” tạo ra lực đẩy. Tất cả cùng đoàn kết nâng đỡ nhau trên đường ra mặt trận – mặt trận của những bóng đen và góc tối trong tâm hồn, để khai mở Phật tánh và trí tuệ vốn có của mình, để sống một cuộc đời thật sự ý nghĩa và hạnh phúc.
Những người phục vụ đến từ nhiều nơi. Khác nhau về tuổi tác, nghề nghiệp, địa vị xã hội… nhưng chúng tôi đồng lòng phối hợp với nhau để công việc được trôi chảy. Có cô dù là hiệu trưởng về hưu vẫn ngồi rửa chén, chà nồi. Có cô dù là doanh nhân có tài sản lớn vẫn chan hòa cùng lau nhà, lặt rau, dọn bếp…
Từng được chăm sóc rất chu đáo khi là thiền sinh, nay khi đổi vai, chúng tôi muốn phục vụ thiền sinh với tất cả sự chân thành của mình. Tuy nhiên, đã có lúc chúng tôi thất niệm, đã có lúc năng lượng tiêu cực trong chúng tôi nảy sinh, sự phục vụ của chúng tôi do đó chưa thật sự trọn vẹn và hoàn hảo.
Các bạn thiền sinh ơi, các bạn hoan hỷ thông cảm cho chúng tôi nhé. Chúng tôi, cũng như các bạn, vẫn đang trên con đường tu tập để hoàn thiện bản thân. Trong 10 ngày khóa thiền diễn ra, các bạn làm một hành trình nội tâm để quay về lắng nghe và yêu thương chính mình. Còn chúng tôi, trong 10 ngày ấy, đã học được những bài học quý giá về cách phá bỏ “bản ngã” để tương tác với “đồng đội” và cách giữ tâm mình định tĩnh khi làm việc trong không khí đầy khẩn trương.
Các bạn thiền sinh ơi, nếu các bạn trân quý 10 ngày làm thiền sinh như thế nào thì chúng tôi cũng trân quý 10 ngày làm người phục vụ như thế ấy. Dù ở “hậu phương” hay “tiền tuyến”, tất cả chúng ta đều cố gắng tận dụng từng ngày của khóa tu để có những bước đi vững chắc trên con đường chuyển hóa…
Tp.HCM, ngày 04/04/2017
Nguyễn Hồng Hà