Thiền viện Pháp Sơn: Các hoạt động Lễ hội Xuân Ất Tỵ

Muôn hoa khoe sắc nghinh xuân, cũng chính là khởi điểm mừng năm mới để hàng Phật tử nương tựa về ngôi Tam bảo đón nhận năng lượng phước lành. Tại Thiền viện Pháp Sơn (xã Nam Cát Tiên, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) đã khai mở các Pháp hội kết hợp cùng lễ hội câu hữu đông đảo thiện tín về tham dự trong không khí trang nghiêm và thanh tịnh.

Sau Pháp hội Dược Sư đến Đàn tràng Đại Bi là chương trình tu tập đầu năm để đại chúng cùng nhau hành trì tiến tu đạo hạnh. Đó cũng là cách để mỗi Phật tử thực hành sự nhiếp tâm tự chữa lành, tạo nên năng lượng bình an cho bản thân và lan tỏa đến người xung quanh.


Với hạnh nguyện Đại Từ – Đại Bi của Bồ Tát Quán Thế Âm, Pháp Hội Đại Bi được tổ chức tại Thiền viện còn mang ý nghĩa chia sẻ từ tâm. Bằng tất cả lòng thành, mỗi Phật tử và thiền sinh gần xa, tùy hỷ đóng góp những tịnh vật vào Pháp hội để cúng dường và hoàn mãn sẽ chia sẻ đến tất cả những ai hữu duyên ngày đầu xuân. Lễ hội này trở thành truyền thống pháp thí của đạo tràng Thiền Viện Pháp Sơn hằng năm.

Tiềp theo Pháp Hội Đại Bi là chương trình “Lễ Hội Nguyên Tiêu”. Đêm 14AL, dưới ánh trăng vàng nhẹ, gần 1000 ngọn hoa đăng được dâng lên ngôi Tam Bảo làm rực sáng cả vùng trời già lam. Những lời cầu nguyện “Quốc thới dân an”, những tấm lòng hướng về người thân, gia đình mong một năm mới đoàn viên thật nhiều thuận lợi, bình yên. Từng dòng người đặt những chiếc đèn ngay ngắn dưới chân Bồ Tát Quan Âm như chính sự chân thành của người con Phật ngày trở về.



Sáng ngày Rằm, Chư Ni trú xứ đã xuất hành Khất thực đầu năm tạo thiện duyên cho bà con Phật tử và những thiền sinh hữu duyên đặt bát cúng dường. Hoạt động này, không chỉ là phương thức giáo dục lòng biết ơn của một Khất Sĩ cầu thực nuôi thân – cầu pháp dưỡng tâm; mà còn lan tỏa vẻ đẹp của một Tăng thân đi vào cuộc đời với những bước chân an lạc. Mọi người không hẹn cùng nhau, nhưng ai cũng giữ cho mình một niệm thật an. Trên đoạn đường vài cây số chợt yên ắng như để cho tất cả đều lắng nghe được chính mình. Tiếng xe, tiếng người cũng khẽ khàng như sợ đánh vỡ đi những hoan hỷ an yên trong tâm.

Buổi khất thực khép lại, có thêm những thiện nam – tín nữ hướng về Tam Bảo xin thọ lễ Quy y, đón nhận ngũ giới chính thức trở thành một phần trong thất chúng của Đức Như Lai.

Ngày cúng hội đầu năm được các tín chủ thuần thành thiết lễ trai tăng, như minh chứng cho sự thành tâm của hàng bạch y cư sĩ hướng về Phật – Pháp – Tăng để tu tập và hộ trì.

Lễ hội ngày rằm còn được kết hợp với hội chợ ẩm thực chay gieo duyên. Nhờ vào tinh thần gắn kết thắm tình đạo vị của huynh đệ các chùa thuộc huyện Tân Phú, cũng như sự ủng hộ chân thành của quý Phật tử – thiền sinh đã giúp bà con gần xa có thể thưởng thức những món chay thanh tịnh dân gian, đồng thời lan tỏa thông điệp về lòng từ bi và lối sống thuận tự nhiên lành mạnh.

Đặc biệt, ý nghĩa nhất của đêm rằm (Nguyên dạ) chính là sự phát nguyện thực hành Hạnh Đầu Đà của những thiền sinh muốn trải nghiệm tỉnh thức xuyên đêm trong thiền. Điều này có ý nghĩa rất lớn đối với truyền thống Phật giáo, vì vào ngày rằm tháng giêng chư vị Thánh tăng câu hội cùng nhau để thuyết giới bố tát, cũng chính là ngày Đức Phật đã hứa khả với Ma Vương sẽ nhập Niết Bàn vào 3 tháng sau. Với sự kiện lịch sử ấy, đêm Hạnh Đầu Đà là một trong những hình thức để những người con Phật dành trọn vẹn sự tỉnh thức của mình tưởng niệm về Đức Từ Phụ. Đất trời như cảm nhận được sự tĩnh lặng thuần tịnh ấy, khiến ánh trăng khuya ngày rằm nhạt nhoà cùng những hạt mưa lả tả, xoá giảm dần những phiền não ngủ ngầm đang bị thiêu đốt. Những tâm niệm tỉnh giác được khơi dậy, thắp sáng ngọn đèn trí tuệ, nối bước Đức Thế Tôn.

Nguyện cầu cho tất cả chúng sanh đều được an lành trong chánh pháp!

Ban TTTT Thiền viện Pháp Sơn