Tôi chợt … nhìn ra tôi

Ghi chép trải nghiệm – 10 ngày sau khi kết thúc khóa thiền đầu tiên trong cuộc đời tôi… [Khóa thiền 20/4 – 1/5/2018]

Những ghi chép này mang tính cá nhân, mỗi cá nhân trải nghiệm khác nhau nên không dùng làm căn cứ hay mục tiêu so sánh đúng sai. Điểm cố định trong thiền là thở, tập trung, cảm nhận, có đau, có mê, có tỉnh.

Tôi bước vào khóa thiền không hề định hình rằng nó có thể đem lại gì cho tôi, hay tôi muốn đạt được gì sau đó. Tôi chỉ thoáng mang tâm trạng dùng ‘nó’ như 1 thử thách cho bản thân, 1 khảo nghiệm mà tôi tin tôi có thể vượt qua để hồi phục phần nào lòng tự trọng và danh dự mà tôi đã tụt xuống số âm sau bao nhiêu thất bại trong công việc, kinh doanh, các gãy đổ trong quan hệ gia đình, và lòng đố kị lan tràn.

 

Ba ngày đầu là cuộc đấu tranh giữa tỉnh táo, nghĩ lan man, và ngủ gật. Cảm giác thời gian rất bất định, bởi vì ngủ gật chiếm 90%, nghĩ lan man 9.8%, còn lại 0.2% mới thực là tỉnh táo cảm nhận hơi thở. Dần dần mọi thứ tốt hơn.

 

Những ngày sau bước vào thiền sâu hơn là quá trình tôi ngỡ ngàng trước những cảm nhận của chính mình về cơ thể mình, về sự hồi đáp vô cùng mạnh mẽ của mỗi bộ phận cơ thể tôi mỗi khi tôi nghĩ đến nó, về sự mơn man của làn gió, hay cái động chạm của vạt áo lên da mình ‘tại chính vị trí đó’, hay những cơn đau buốt giống như ai đâm xuyên dao vào lưng tại vị trí đau bệnh của tôi, rồi sự khó chịu của cái bao tử mà tôi những tưởng đã thuần hóa được mấy năm nay…

 

Khóa thiền đến hồi kết thúc. Tôi giảm 1 cân, chạm mốc thấp nhất so với thời tôi còn trẻ khỏe bẻ gãy sừng trâu. Người tôi thanh mảnh nhẹ nhàng mà vẫn khỏe mạnh, và đầu óc cực kì tỉnh táo. Tỉnh táo nhất trong khoảng thời gian 10 năm trở lại đây.

 

… Trên chặng đường thiền 10 ngày ấy, rất nhiều thứ mở ra cho tôi, có nhìn nhận và hiểu thấu bản thân, có thay đổi suy nghĩ và hành động, có giải tỏa khúc mắc trong lòng, có tỉnh táo và khách quan nhìn nhận về người và vật… và có những suy nghĩ nhận định dần dần sau này tôi mới nhìn ra.

 

Trong quá trình 10 ngày ấy, tôi khóc 2 lần.

 

  • Lần 1

Sáng hôm nay trong giờ thiền, tôi khóc. Dòng suy nghĩ lan man kéo tôi đến câu chuyện về lúc mình sinh ra, hơi cảm thấy mủi lòng cho mình (như vốn tôi luôn cảm thấy mỗi khi nhớ lại chuyện đó) rồi đột nhiên 1 suy nghĩ nảy ra trong đầu tôi: Nếu lúc ấy tôi đã ở tình trạng tồi tệ như vậy thì hẳn Mẹ tôi còn đau đớn hơn rất rất rất nhiều khi phải tư mình nỗ lực sinh ra tôi trong lúc đó. Nước mắt tôi trào ra, vì Mẹ tôi, không phải vì tôi. Lần đầu tiên sau bao nhiêu năm nghe được câu chuyện đó, lần đầu tiên sau bao nhiêu lần nhớ lại câu chuyện đó cảm thấy mủi lòng cho mình, tôi nghĩ về cảm giác của Mẹ tôi vào lúc ấy. Tôi chợt nhận ra rằng rất có thể vì cơn đau kinh khủng đó mà Mẹ tôi đã có chấn động tâm lý về sau, rất có thể vì cơn đau đó mà tôi đã mất người em khác, rất có thể vì cơn đau đó mà Mẹ tôi ít nhiều có vẻ mạnh tay với tôi hơn với anh tôi, và rất có thể vì cơn đau đó mà Mẹ tôi bây giờ có những khó chịu trong tâm lý, hoặc khó ở trong cơ thể, … Tất cả có lẽ chỉ là có thể, nhưng có 1 điều chắc chắn đã xảy ra: Mẹ tôi đã vô cùng, vô cùng, vô cùng đau đớn khi sinh ra tôi! Và vì lí do đó, bất kể trước đây hay sau này Mẹ tôi đối xử với tôi thế nào tôi đều không thể bỏ mặc Mẹ tôi được. 

Trước ngày đến với khóa thiền, tôi còn đang day dứt giữa 2 chọn lựa ở lại với Mẹ hay ra đi. Tôi đã có câu trả lời cho mình.

 

  •  Lần 2

Trong giờ thiền đầu tiên của ngày, tôi khóc. Dòng suy nghĩ dẫn dắt tôi nhớ lại 1 kỉ niệm nhiều năm trước, không có gì để đúc kết, nhưng nó đồng nghĩa với buông bỏ. Tôi khóc rất nhiều, nước mắt cứ lặng lẽ chảy, dừng rồi lại chảy. Toàn bộ hơn nửa tiếng thiền sau đó chỉ để nước mắt tôi rơi. Khóc vì không muốn mất những kí ức đó. Nó là 1 kỉ niệm đẹp tôi muốn giữ cho riêng mình, cho những ngày cô độc khi về già, muốn giữ mãi như những thước phim đẹp đẽ ngọt ngào về 1 thời tuổi trẻ kiêu hãnh, vui vẻ, hạnh phúc. Rồi tôi cũng chấp nhận sự thực đó. Nó cần phải ra đi, bởi vì việc gìn giữ kí ức đó đồng nghĩa với việc tôi đang sống trong ảo giác, tôi cần phải thoát ra cho những trải nghiệm hạnh phúc mới.

 

– Ý thức về cái tôi – tự ngã

Tôi nhận ra rằng mình có cái tôi quá lớn. Trong suy nghĩ của tôi, mọi thứ mọi vật đều vây quanh tôi. Tôi đặt nặng việc mình có ý nghĩa như thế nào với người khác, việc người khác hành xử có ẩn ý gì liên quan đến tôi, hay việc những thứ tôi sở hữu tốt đẹp như thế nào… Cái tôi to khiến tầm mắt nhỏ, và nó dẫn tôi đến những bế tắc, hoang mang, luẩn quẩn hôm nay.

 

  • Thiên hạ vô sự, người ngu nhiễu sự.

Trước đây tôi hiểu chữ ngu chỉ những người trí óc hạn hẹp thiếu hiểu biết, còn nhiễu sự nghĩa là họ thích làm to chuyện, ầm ĩ phiền người khác. Nhưng bây giờ tôi mới hiểu, ‘ngu’ là chỉ những kẻ giống như tôi – bị cái tôi che mờ con mắt, và ‘nhiễu sự’ kia không phải là quấy nhiễu người khác mà là tự mình làm khổ mình với những tình cảm tiêu cực rồi từ đó vạ lây sang những người xung quanh.

 

  • Ý thức về sự sở hữu – liên quan đến vật chất

Tôi đã luôn cho rằng việc mình luôn nghĩ tốt về những thứ thuộc về mình là minh chứng cho việc mình quý trọng chúng, biết đủ thì sẽ đủ, nhưng thực ra đó là 1 kiểu che lấp tự ti và nỗi sợ thiếu hụt. Bởi vì không có khả năng lấy được cái tốt hơn nên cứ tung hô rằng mình cực kì hài lòng với cái đang có, giữ rịt lấy nó vì sợ nếu mình bỏ đi sẽ không còn nữa, hoặc chỉ tìm lại được cái tệ hơn.

Mọi người, mọi vật đều tồn tại trong cuộc sống của chúng ta vì một lí do nào đó, cho nên chúng có thể chỉ tồn tại trong giai đoạn nào đó rồi chúng sẽ ra đi, hoặc được thay thế bằng thứ khác, hoặc hoàn toàn biến mất. Nếu chúng được thay thế, nghĩa là bạn xứng đáng với cái mới, nếu chúng biến mất nghĩa là chúng đã hoàn thành sứ mệnh trong cuộc đời của bạn. Quý trọng những thứ mình đang có, nhưng cũng cần mở lòng ra với cái mới, có mở lòng thì mới nhìn thấy chúng và chạm được vào chúng.

 

  • Ý thức về các mối quan hệ

Nếu bạn làm sai, bạn không có tư cách tức giận. Nếu người khác làm sai, tại sao bạn lại là người tức giận?’ – trích lời Người hướng dẫn

Nó giống như câu ‘Holding onto anger is like drinking poison and expecting the other person to die,‘ mỗi cơn giận là một liều thuốc độc, là một sự trừng phạt bạn dành cho chính bạn.

Cơn giận đó là sự ghen tị khi thấy cha mẹ yêu thương người khác hơn, là bất bình khi mình nhận được phần ít hơn, là hụt hẫng khi cái người ta trao lại cho mình quá kém so với cái mình đã trao cho họ, là bức xúc khi mình có thể hi sinh nhưng người khác thì không, …

Chuyện người khác đối xử tệ với bạn là cái sai của họ, không phải của bạn. Bạn có quyền tự kiểm điểm lại hành vi bản thân xem có phải vì mình làm gì đó mà họ cư xử như vậy không, nhưng không phải là giận dữ. Khi bạn ôm sự giận dữ vào mình, bạn để mất những cảm xúc và thời gian quý giá đẹp đẽ trong cuộc sống của bạn. Một người đối xử tốt hay tệ với ai đó vốn chẳng có liên can gì đến chúng ta, ngay cả việc họ đối xử tốt hay tệ với chúng ta cũng không phải việc chúng ta có quyền can thiệp, chúng ta chỉ cần quyết định họ có xứng đáng để tiếp tục nhận những thứ tốt đẹp từ chúng ta nữa hay không. Với người thân sinh ra mình, cho dù họ có đối xử với bạn thế nào, bạn vẫn phải trân trọng họ. Sự tồn tại của họ tạo ra sự tồn tại của bạn. Với người không phải người thân của bạn, bạn có quyền chấm dứt mối quan hệ đó, hoặc kéo dãn nó ra, tùy vào việc họ cần thiết như thế nào trong cuộc đời bạn, nhưng hoàn toàn chẳng cần phải oán trách hay giận dỗi họ, bởi vì tất cả những cảm xúc đó của bạn không thể thay đổi những cảm xúc của họ dành cho bạn.

 

– Chấp nhận bản thân và yêu quí bản thân

  • Rằng bao tử của tôi cần 1 chế độ dinh dưỡng đặc thù ngay lúc này, và điều đó ổn thôi

Những ngày ngồi thiền là những ngày tôi bị hành hạ bởi bao tử của mình. Ban đầu tôi vẫn tự nhủ rằng nó chẳng là gì hết, và chỉ là 1 chút bất tiện, nhưng càng ngồi thiền lâu tôi càng nhận ra nó không đơn giản như thế. Sau cùng tôi quyết định phải chỉnh lại việc ăn uống, và liên hệ bộ phận hỗ trợ để giúp tôi việc này. Đối với mọi người đó có thể là việc bình thường, nhưng với 1 người ngại làm phiền người khác như tôi, thì đó là cả 1 quyết định được cân nhắc cẩn thận lâu dài xem đáng hay không đáng, và trả ơn thế nào, nhưng lúc này, chỉ trong 1 giây phút ngắn ngủi, tôi biết rằng nó đáng, và ơn thì tôi sẽ luôn có cách để trả.

 

  •  Có lúc mình phải tạm nghỉ và lắng nghe bản thân, và tạm nghỉ không phải là bỏ cuộc

Trong giai đoạn thiền sâu, để vượt qua cảm giác bứt rứt muốn bỏ cuộc của mình, tôi đặt mục tiêu ‘mỗi lần tập trung thì tăng thêm 1 vòng cảm‘, hay ‘khi bứt rứt muốn mở mắt thì phải hoàn thành xong vòng cảm đó và thêm 1 vòng cảm nữa thì mới được’. Nhưng không phải lúc nào tôi cũng thực hiện được. Những lúc buộc phải phá vỡ qui định đó, tôi chấp nhận việc đó, không coi nó là thất bại hay thiếu kiên định. Tôi hiểu việc tôi tạm nghỉ không phải là bỏ cuộc, vì đây là một hành trình, không phải một cuộc đua.

 

  •  Chấp nhận hình thể của mình

Ngày thứ 9 của khóa thiền, tôi luôn nghe thấy nhịp đập bên trong mỗi khi nhắm mắt, chân tôi lại bị tê và thấy choáng váng sau đó. Trong quá trình tiếp tục thiền, tôi thay đổi nhiều tư thế, và sau đó phát hiện ra 1 tư thế mà tôi có thể thoát khỏi các tình trạng đó: ngồi thẳng lưng hết mức, như tư thế chuẩn mực mà chúng ta vẫn dạy trẻ con khi ngồi học. Tôi nhận ra vì mặc cảm tự ti về hình thể của mình, tôi luôn cố rụt vai khom lưng để che dấu nó, ngay cả khi thiền tôi vẫn luôn tránh né nó, có thử qua tư thế ngồi đó, tôi không duy trì bởi vì tôi bị phân tán bởi cảm giác ‘người khác sẽ nhìn ra hình thể xấu xí đó của mình‘. Nhưng lúc này, tôi đơn giản là chấp nhận hiện thực đó bởi nó cho phép tôi tĩnh tâm thiền tiếp, cho nên nó hoàn toàn đúng đắn. Tôi chấp nhận: đây là con người tôi, sinh ra vì tôi, và là thứ duy nhất thực sự của tôi. Không biết do tâm lý hay thực sự thiền giúp tôi điều chỉnh cơ thể của mình, kết thúc khóa thiền cột sống tôi thẳng hơn, và ít mỏi hơn.

————————————

Gần 1 năm đã trôi qua, khi đọc lại những dòng này tôi mới chợt nhận ra bây giờ tôi bình thản biết bao. Những cảm xúc tệ hại về sự thất bại của bản thân, đố kị, hay tủi thân của tôi giờ đây mờ nhạt lắm. Đối diện với người đã làm tôi tổn thương, tôi hoàn toàn bình thản, có thể thực sự đối mặt với họ không tránh né, và cũng không hề oán giận. Nhận thức của tôi về cảm xúc của chính mình và của người khác rất rõ ràng. Tôi mau chóng nhận diện được cảm xúc của mình, của người khác, nhìn nhận nó, quan sát nó, và suy ngẫm ngay lúc đó xem đâu là căn nguyên vấn đề, tỉnh táo như 1 ông bác sĩ đang nghiên cứu căn bệnh của bệnh nhân. 

 

Thật kì lạ là chỉ 10 ngày ngồi thiền lại khiến người ta thay đổi nhiều đến thế.  Kế hoạch 1 ngày sớm thôi tôi lại trở về…

Phương Thủy