Trưởng Lão Tăng Kệ – Chương 2. Hai Kệ

Phẩm Một
(CXXI) Utara (Thera. 18)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Ràjagaha (Vương Xá), con một Bà-la-môn có danh tiếng, được đặt tên là Uttara. Ngài thông suốt giáo điển Vệ-đà, và có danh tiếng về gia tộc, về dung sắc, về thông minh, về đức hạnh. Vassakàra, một vị bộ trưởng có danh ở Magadha (Ma-kiệt-đà), thấy những thành tích của ngài, muốn gả con gái cho ngài, nhưng ngài đã thiên về hạnh giải thoát nên đã từ chối và ngài đến nghe ngài Sàriputta (Xá-lợi-phất) thuyết giảng. Với lòng tin, ngài xuất gia, làm tròn bổn phận của người Sa-di, hầu hạ Tôn giả Sàriputta.

Một hôm, Tôn giả Sàriputta bị bệnh, Uttara đi tìm một y sĩ chữa bệnh, ngài đặt bình bát ngài trên bờ hồ để xuống hồ nước súc miệng. Một người ăn trộm, bị lính đuổi, chạy ra khỏi cửa thành, khi chạy ngang liền quăng bỏ các châu báu đánh cắp vào trong bình bát của người Sa-di và bỏ chạy. Khi các người lính đến, thấy đồ châu báu trong bình bát của ngài liền bắt ngài đưa đến Bà-la-môn Vassakàra để trừng phạt ngài.

Đức Phật nhận thấy thiền quán của ngài đã chín muồi, nên đi đến ngài, đặt nhẹ tay trên đầu ngài và nói: ‘Đây là kết quả nghiệp trước của Thầy, Thầy cần phải chấp nhận nhờ sức mạnh suy tư’. Rồi Thế Tôn thuyết pháp cho ngài, Uttara vì nhờ đức Phật đặt nhẹ tay trên đầu, tâm tư được phấn khởi, nhờ thiền quán chín muồi, nhờ uy nghi đức độ của bậc Đạo Sư, ngài cảm thọ hỷ lạc, đoạn tận các uế nhiễm, chứng sáu thắng trí. Vươn mình lên khỏi cột trụ, ngài đứng trên hư không, hiển hiện thần thông vì lòng từ mẫn đối với kẻ khác. Trước sự ngạc nhiên của tất cả mọi người, các vết thương của ngài được lành hẳn khi được các Tỷ-kheo khác hỏi: ‘Thưa Hiền giả, làm sao khi Hiền giả đau khổ như vậy, Hiền giả có thể phát triển thiền quán?’. Ngài trả lời ‘Khi tôi thấy rõ được sự đau khổ của mình tái sanh, và tánh nhân duyên sanh của sự vật, thời sự nguy hiểm của sự đau khổ ít hơn, hiện tại không ngăn tôi phát triển thiền quán và chứng được kết quả.

    121. Không có gì có mặt,
    Lại thường còn mãi mãi,
    Không có các hành gì,
    Lại thường hằng thường trú.
    Các uẩn được khởi lên,
    Đến đời khác diệt vong.

    122. Biết được nguy hiểm này,
    Ta không muốn sanh hữu,
    Từ bỏ tất cả dục,
    Ta chứng lậu hoặc tận.

 (CXXII) Pindola-Bhàradvàja (Thera. 18)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh làm con của vị giáo sĩ của vua Udena xứ Kosambi, được đặt tên là Bhàradvàja. Sau khi học tập ba tập Vệ-đà, dạy các bài chú, bài tụng rất thành công cho các thanh niên Bà-la-môn, ngài chán ngấy với công việc đang làm. Từ giã họ, ngài đi đến Ràjagaha (Vương Xá), thấy chúng Tỷ-kheo được trọng vọng cúng dường, ngài xuất gia. Với phương pháp Phật dạy, ngài tiết độ trong ăn uống và chứng được sáu thắng trí.

Ngài tuyên bố trước mặt đức Bổn Sư rằng ngài sẵn sàng trả lời tất cả những câu hỏi của Tỷ-kheo nào nghi ngờ đến con đường và kết quả, như vậy, ngài rống tiếng rống con sư tử, đức Phật nói về ngài như sau: ‘Trong các đệ tử của Ta rống tiếng rống con sư tử, Pindola Bhàradvàja là đệ nhất’.

Rồi một người bạn cũ đến thăm ngài, một Bà-la-môn có tánh keo kiết. Vị Trưởng lão khuyên bạn nên cúng dường chúng Tăng. Vì bạn ngài tin rằng ngài cũng ích kỷ và nghĩ đến tư lợi, nên ngài dùng bài kệ để giáo giới bạn ngài:

    123. Nói về đời sống này,
    Không phải không có luật,
    Nhưng các món đồ ăn,
    Không có gì gần tâm
    Do có các món ăn,,
    Thân thể được tồn tại,
    Thấy vậy, ta bộ hành,
    Tìm kiếm các món ăn.

    124. Bậc trí kinh nghiệm rằng:
    Thật sự là đám bùn,
    Đảnh lễ và cúng dường,
    Xuất phát tự gia đình,
    Như mũi tên tế nhị,
    Rất khó nhổ được ra,
    Cũng vậy với kẻ ngu,
    Cung kính khó từ bỏ.

 
(CXXIII) Valliya (Thera. 18)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi (Xá-vệ), con một Bà-la-môn tên tuổi, được đặt tên là Valliya. Khi đến tuổi trưởng thành, làm chủ được các căn, ngài làm bạn với người có giới đức. Rồi ngài đi đến Thế Tôn, khởi lòng tin, xuất gia, phát triển thiền quán, chứng quả A-la-hán. Nghĩ đến quá khứ với các sự vật thế tục, ham muốn, và như thế nào nhờ Thánh đạo, ngài thoát ly các chi phối ấy, ngài nói lên chánh trí của ngài:

    125. Trong chòi nhỏ, năm cửa,
    Có con khỉ đi vào,
    Loanh quanh từng cửa một,
    Nó va chạm từng giây!

    126. Này khỉ, hãy dừng lại!
    Chớ có chạy như vậy,
    Ngươi không còn như trước,
    Trí tuệ cầm giữ ngươi,
    Ngươi đâu còn có thể,
    Đi xa như trước được.

 
(CXXIV) Gangàtiriya (Thera. 18)

Trong thời đức Phật tại thế, ngài sanh ở Sàvatthi làm con một thị dân, được đặt tên là Datta. Trong đời sống thế tục, vì ngu si ngài phạm lỗi lầm, biết được lỗi lầm của mình, ngài sanh sầu khổ và xuất gia. Hối hận vì hành vi của mình, ngài chọn đời sống khổ hạnh, ở trên bờ sông Hằng, làm một chòi lá để ở; do vậy, ngài được gọi là Gangàtiriya (người ở trên bờ sông Hằng). Ngài nguyện không nói với một ai, như vậy cả năm, ngài không thốt ra một lời nào. Trong năm thứ hai, một nữ nhân trong làng thường cúng dường ngài, muốn biết ngài có câm hay không khi dâng sữa cúng dường, làm đổ sữa ra ngoài. Ngài mới nói: ‘Thôi vừa rồi, bà chị’. Nhưng đến năm thứ ba, ngài chứng quả A-la-hán, ngài nói lên chánh trí của ngài ngang qua lời bài kệ, tán thán hạnh cũ của ngài:

    127. Trên bờ sông Hằng Hà,
    Dùng ba lá thốt nốt,
    Ta dựng lên cho ta
    Một chòi lá nho nhỏ,
    Bát ta là cái ghè,
    Dùng cúng sữa người chết,
    Còn y áo của ta
    Lượm chắp từ đống rác.

    128. Suốt hai năm sống vậy.
    Ta chỉ nói một chữ,
    Trong khoảng năm thứ ba,
    Khối si ám tan tành.

 
(CXXV) Ajina (Thera. 18)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi, trong gia đình một Bà-la-môn nghèo, và khi sanh ngài được đặt trong một tấm da dê rừng, do vậy được đặt tên là Ajina. Sống trong sự bần cùng, ngài chứng kiến uy nghi đức độ của đức Phật khi tinh xá Kỳ Viên được dâng cúng. Khởi lòng tin, ngài xuất gia và không bao lâu, chứng được pháp Thượng nhân, khi chứng được quả A-la-hán, vì nghiệp duyên quá khứ, ngài không được cung kính và biết đến. Một số Sa-di không biết khinh thường ngài, ngài làm họ dao động với bài kệ:

    129. Nếu chứng được Ba minh,
    Đoạn tử, không lậu hoặc,
    Vị ấy vẫn có thể,
    Không được người biết đến,
    Và kẻ ngu không biết,
    Có thể sanh khinh thường.

    130. Khi người ấy nhận được
    Đồ ăn uống cúng dường,
    Dẫu cho có ác pháp,
    Vẫn được họ kính trọng.

 
(CXXVI) Melajina (Thera. 19)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Benares (Ba-la-nại), trong gia đình một hoàng tộc, tên là Melajina, học giỏi và hạnh đức có tiếng khắp trong nước. Khi Thế Tôn ở Ba-la-nại, tại Isipatana (chư Tiên đọa xứ), Melajina đến nghe Ngài thuyết pháp, khởi lòng tin, xuất gia và chứng quả A-la-hán. Khi các Tỷ-kheo hỏi làm sao ngài chứng được pháp Thượng nhân, ngài rống lên tiếng rống con sư tử:

    131. Khi ta nghe Chánh pháp,
    Bậc Đạo Sư thuyết giảng,
    Ta thắng tri nghi hoặc,
    Bậc toàn trí, toàn thắng.

    132. Đối vị trưởng lữ đoàn,
    Với vị đại anh hùng,
    Trong các bậc đánh xe
    Bậc tối thắng vô thượng,
    Đối con đường, lộ trình
    Ta không có nghi hoặc.

 
(CXXVII) Ràdha (Thera. 19)

Trong thời đức Phật tại thế, ngài sanh ở Ràjagaha (Vuơng Xá), là người Bà-la-môn. Trong khi ngài lớn tuổi, ngài không làm được bổn phận của ngài. Không được chấp nhận, ngài đi đến Thế Tôn, nói lên những ước muốn của ngài. Bậc Đạo Sư thấy được những điều kiện căn bản được đầy đủ, nên bảo Sàriputta chấp nhận ngài xuất gia. Không bao lâu, ngài chứng quả A-la-hán. Sau đó, ngài sống gần bên bậc Đạo Sư, trở thành một vị thuyết giảng đột xuất nhờ những lời thuyết giảng của bậc Đạo Sư. Một hôm, thấy rõ vì sao không khéo tự huấn luyện chế ngự khiến các dục vọng có thể sanh khởi, ngài nói lên bài kệ để khích lệ giáo giới:

    133. Như mái nhà vụng lợp,
    Mưa dễ thấm ướt vào,
    Cũng vậy, tâm vụng tu
    Tham ái được xâm nhập.

    134. Như mái nhà khéo lợp
    Mưa không thể thấm vào,
    Cũng vậy, tâm khéo tu
    Tham ái không xâm nhập.

 
(CXXVIII) Suràdha (Thera. 19)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh làm em trai của vị Ràdha, vâng theo gương của người anh, ngài xuất gia và chứng quả A-la-hán. Để nêu rõ sự hướng dẫn các giới luật, ngài nói lên chánh trí của mình như sau:

    135. Sanh của ta đã tận,
    Chiến thắng dạy, làm xong,
    Lưới danh được đoạn diệt,
    Gốc sanh hữu nhổ lên.

    136. Mục đích hạnh xuất gia,
    Bỏ nhà, sống không nhà,
    Đích ấy đã đạt được,
    Mọi kiết sử, diệt xong.

 
(CXXIX) Gotama (Thera. 19)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Ràjagaha (Vương Xá), trong một gia đình Bà-la-môn, được đặt tên là Gotama. Khi còn trẻ, ngài giao du với kẻ không tốt, bao nhiêu tài sản ngài cho một kỹ nữ. Hối hận nếp sống bất chính của mình, ngài mơ thấy hình ảnh bậc Đạo Sư đang ngồi, với tâm tư hiểu biết tâm trạng của ngài. Bậc Đạo Sư biết được tiến bộ của ngài, sự thành tựu các nhân duyên thiết yếu, nên thuyết pháp cho ngài. Ngài khởi lòng tin, xuất gia, chứng quả A-la-hán, khi con dao đụng đến tóc ngài, khi ngài đang thọ hưởng lạc thiền định và quả giải thoát. Một cư sĩ hỏi ngài về tài sản của ngài, ngài thú nhận ngài sống không được nghiêm túc, sống phi Phạm hạnh, và với sự trong sạch hiện tại không có dục vọng, ngài nói lên chánh trí của ngài:

    137. Bậc ẩn sĩ nằm ngủ,
    Sống an lạc hạnh phúc,
    Họ không bị nữ nhân,
    Trói buộc và chi phối.
    Nữ nhân, phải luôn luôn
    Phòng hộ và chế ngự.
    Sự thật về nữ nhân,
    Thật khó được chấp nhận.

    138. Hỡi này các dục vọng,
    Ta quyết giết các ngươi,
    Nay chúng ta đối ngươi,
    Không còn gì nợ nần,
    Chúng ta nay đi đến
    Cảnh giới gọi Niết bàn,
    Đi đến tại chỗ ấy
    Không còn có sầu muộn.

 
(CXXX) Vasabha (Thera. 19)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Vesàli, con vị vua địa phương Licchavì. Được cảm hóa bởi uy nghi đức độ của đức Phật khi Ngài đến thăm Vesàli, ngài xuất gia, không bao lâu chứng quả A-la-hán. Biết ơn những ai ủng hộ ngài, ngài không có từ chối những vật dụng được cúng dường và hưởng thọ các vật cúng dường ấy. Người thường dâng cho ngài thích thọ hưởng, nhưng ngài không để ý những lời phê bình ấy.

Gần ngài có một vị Tỷ-kheo giả dối, lừa gạt quần chúng bằng cách giả dối sống thiểu dục tri túc, do vậy được quần chúng tôn trọng. Rồi thiên chủ Sakka (Đế thích) thấy được sự giả dối này, đi đến Trưởng lão Vasabha hỏi: ‘Thưa Tôn giả, kẻ giả dối kia sao lại làm vậy?’. Ngài trả lời với bài kệ, chỉ trích kẻ ác bất thiện kia:

    139. Trước nó giết tự ngã,
    Sau nó giết người khác,
    Họ khéo giết tự ngã,
    Như chim mồi, mồi chim.

    140. Không phải Bà-la-môn,
    Với dung sắc bên ngoài,
    Bà-la-môn chính thống,
    Phải dung sắc bên trong,
    Với ai, làm ác nghiệp,
    Người ấy là hắc nhân,
    Là chồng của Sujà.

————————————-

Phẩm Hai

(CXXXI) Mahàcunsa (Thera. 20)

Trong thời đức Phật tại thế, ngài sanh ở nước Magadha (Ma-kiệt-đà), làng Nàlaka, con của nữ Bà-la-môn Rùpusàri và em trai của Sàriputta. Ngài theo gương anh, xuất gia, và sau một thời gian tinh cần tu hành, chứng đuợc quả A-la-hán. Phấn khởi với quả chứng của mình và đời sống viễn ly, ngài nói lên bài kệ:

    141. Khéo nghe, nghe tăng trưởng,
    Nghe tăng trưởng, phát tuệ,
    Nhờ tuệ biết ý nghĩa,
    Nghĩa được biết, lạc đến.

    142. Hãy trú chỗ xa vắng,
    Hãy sống, thoát kiết sử,
    Tại đấy, hỷ chưa đạt,
    Hãy sống giữa chúng Tăng,
    Tự ngã được chế ngự,
    An trú trong chánh niệm.

 
(CXXXII) Jotidàra (Thera. 20)

Trong thời đức Phật tại thế, ngài sanh làm con một Bà-la-môn giàu có, ở xứ Pàdiyattha, được đặt tên là Jotidàsa. Khi đến tuổi trưởng thành, một hôm, ngài thấy Tôn giả Đại Ca-diếp (Mahà Kassapa) đi khất thực, ngài đón Tôn giả tại nhà và nghe Tôn giả thuyết pháp. Trên một ngọn đồi gần làng, ngài dựng lên một tinh xá lớn cho Tôn giả, cúng dường Tôn giả bốn vật dụng cần thiết. Bị xúc động với lời dạy của Tôn giả, ngài xuất gia và không bao lâu chứng được sáu thắng trí. Sau mười năm, ngài học ba Tạng, đặc biệt là Luật tạng, hầu hạ Tăng chúng và đi Sàvatthi cùng với một số đông Tỷ-kheo để yết kiến đức Phật. Trên đường đi, ngài đi đến vườn của một ẩn sĩ, thấy một Bà-la-môn hành trì khổ hạnh năm pháp ngài hỏi: ‘Này Bà-la-môn, sao Ông không đốt với một thứ lửa khác?’. Vị Bà-la-môn tức giận trả lời: ‘Này kẻ trọc đầu kia, ngọn lửa khác là gì?’. Trưởng lão trả lời:

    Sân, tật đố, ác hạnh
    Mạn, kiêu và tranh chấp,
    Tham ái và vô minh,
    Lòng ưa muốn tái sanh,
    Những pháp này đốt cháy,
    Thiêu đốt cả thân ông.

Rồi ngài thuyết pháp cho người ấy, và tất cả những người tin vào Phạm thiên xin ngài được xuất gia. Khi từ giã Sàvatthi, ngài đến thăm gia đình cũ của ngài và giáo giới các bà con như sau:

    143. Những ai dùng dây thừng,
    Hành cướp giật nhiều cách,
    Những dân họ hung bạo,
    Làm não hại người khác,
    Như vậy, họ gieo hại,
    Vì nghiệp không tiêu mất.

    144. Người nào làm nghiệp gì,
    Nghiệp thiện hay nghiệp ác,
    Họ thừa tự nghiệp ấy,
    Loại nghiệp họ đang làm.

 
(CXXXIII) Herannakàni (Thera. 20)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh làm con một tay sai của vua Kosala và cầm đầu bọn cướp. Khi phụ thân ngài mất, ngài thừa tự chức vụ ấy. Được cảm hóa khi chứng kiến lễ đức Phật tiếp nhận Jetavana (Kỳ Viên), ngài cho người em trai thế chức vụ. Ngài xuất gia, không bao lâu chứng quả A-la-hán. Rồi ngài tìm cách khuyên em ngài từ bỏ nghề cũ, và thấy em ngài thích thú nghề của mình, ngài khích lệ em với bài kệ như sau:

    145. Đêm ngày chạy, trôi qua,
    Mạng sống bị tổn giảm
    Tuổi thọ người hủy diệt,
    Như nước dòng suối con.

    146. Kẻ ngu làm ác hạnh,
    Không hiểu việc mình làm,
    Về sau bị khổ đau,
    Khi ác nghiệp chín muồi.

Nghe lời khuyên của ngài, người em xin phép vua nghỉ việc, xuất gia và không bao lâu được giải thoát.

 
(CXXXIV) Somamitta (Thera. 20)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Benares trong một gia đình Bà-la-môn, được đặt tên là Somamitta. Ngài trở thành một vị thông hiểu ba tập Vệ-đà, và được Trưởng lão Vimala cảm hóa, ngài xuất gia, ngài sống gần gần vị Trưởng lão, làm trọn bổn phận của mình. Nhưng vị Trưởng lão trở thành biếng nhác và ham ngủ, Somamitta suy nghĩ: ‘Ai có thể có giới đức, sống gần một người biếng nhác?’. Rồi ngài đi đến Tôn giả Mahà Kassapa (Đại Ca-diếp) nghe thuyết giảng, phát triển thiền quán, không bao lâu chứng quả A-la-hán. Rồi ngài chỉ trích Vimala với những câu kệ như sau:

    147. Như leo trên ván nhỏ,
    Giữa biển lớn bị chìm,
    Cũng vậy đến kẻ khác,
    Người hạnh tốt cũng chìm.
    Do vậy hãy bỏ nó,
    Kẻ làm biếng làm nhác.

    148. Hãy sống gần bậc Thánh,
    Bậc viễn ly, tinh cần,
    Thiền định, thường tinh tấn,
    Bậc Hiền trí sáng suốt.

Nghe vậy, Trưởng lão Vimala rất xúc động, phát triển thiền quán, tự minh tinh tấn để được giải thoát, không bao lâu chứng đạt được mục đích.

 
(CXXXV) Sabbamitta (Thera. 20)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình Bà-la-môn ở Sàvatthi, được đặt tên là Sabbamitta. Chứng kiến lễ dâng cúng tinh xá Kỳ Viên, ngài thấy được uy nghi đức độ của đức Phật, xuất gia, lựa chọn một đề tài để thiền quán, ngài sống tại một khu rừng. Sau mùa mưa, ngài đi đến Sàvatthi để đảnh lễ đức Phật, trên đường đi, ngài thấy một con nai con bị sa vào bẫy người thợ săn, con nai mẹ tuy không bị lưới chụp nhưng vì thương con nai con nên không đi xa cũng không dám đến gần cái bẫy, con nai con lăn lộn qua lại, kêu lên những tiếng thảm thiết. Vị Trưởng lão suy nghĩ: ‘Ôi, tình thương đã đem lại sự đau khổ cho các loài hữu tình!’. Đi xa hơn nữa, ngài thấy nhiều tên cướp đang lấy rơm cột vào một người chúng bắt được để đem thiêu sống. Nguời ấy la lên và vị Trưởng lão cảm thấy sầu khổ đối với hai sự việc ấy, liền nói lên bài kệ để cho các tên cướp nghe.

    149. Người trói buộc vào người,
    Người bám víu vào người,
    Người bị người làm hại,
    Và người làm hại người.

    150. Lợi ích gì người ấy?
    Hay con cháu người sanh?
    Hãy bỏ người ấy đi,
    Người làm hại nhiều người.

Nói vậy, ngài đạt đến thiền quán, chứng quả A-la-hán. Còn các tên cướp, nghe lời giáo giới của ngài, cảm thấy xúc động, từ bỏ thế tục, và thực hành Chánh pháp.

 (CXXXVI) Mahàkàla (Thera. 21)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở thành Setavyà, trong gia đình một người lái buôn, được đặt tên là Mahàkàla. Khi đến tuổi trưởng thành và sống ở nhà, ngài đem theo năm trăm xe hàng hóa để buôn bán ở Sàvatthi. Khi đang nghỉ vào buổi chiều, ngài thấy các cư sĩ đem hương hoa đi đến tinh xá Jetavana (Kỳ Viên) và ngài đi theo. Tại đấy ngài nghe đức Phật thuyết pháp, khởi lòng tin xuất gia, quyết định lựa chọn nghĩa địa làm đề tài thiền quán, ngài sống ở trong nghĩa địa. Một hôm, một người đàn bà làm nghề thiêu đốt thân thể, để cho vị Trưởng lão một đề tài thiền quán, nên chặt tay và chân của một thân mới thiêu, lấy sọ đầu làm bình bát đựng sữa, sắp đặt tay chân đặt chúng gần bậc Trưởng lão để ngài có thể thiền quán và ngồi xuống một bên. Vị Trưởng lão thấy vậy liền tự sách tấn mình với những bài kệ như sau:

    151. Nữ Kàlì, đẫy đà,
    Dung sắc như quạ đen,
    Bẻ gẫy một bắp vế,
    Lại bẻ bắp vế nữa,
    Bẻ gẫy một cánh tay,
    Lại bẻ cánh tay nữa,
    Lại bẻ gẫy cái đầu,
    Như bát đựng sữa đông.
    Này Kàlì ngồi xuống,
    Với lòng tin sẵn sàng.

    152. Ai không rõ biết vậy,
    Lại tác thành sanh y,
    Kẻ ngu bước đi đến,
    Chịu khổ đau liên tục,
    Do vậy ai hiểu biết,
    Không tạo nên sanh y,
    Ta sẽ không nằm xuống,
    Với đầu bị bẻ nát.

 

(CXXXVII) Tissa (Thera. 21)

Trong đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Ràjagaha (Vương Xá), trong một gia đình Bà-la-môn, tên là Tissa và trở thành một chuyên viên về ba tập Vệ-đà. Giảng bùa chú cho hơn năm trăm Bà-la-môn trẻ, và danh tiếng đồn vang. Khi Thế Tôn đến Ràjagaha (Vương Xá), Tissa thấy uy nghi đức độ của đức Phật, khởi lòng tin, xuất gia, về sau chứng quả A-la-hán,do phát triển thiền quán. Nhờ vậy, ngài trở thành có danh tiếng nữa.

Có một số Tỷ-kheo thiên về thế lợi, thấy ngài có được trọng vọng, nên không thể chịu nổi. Ngài biết như vậy, nói lên sự nguy hiểm của danh vọng và sự thoát ly của ngài đối với danh vọng, ngang qua những bài kệ này:

    153. Vị trọc đầu, đắp y,
    Được nhiều kẻ thù oán
    Khi nhận đồ ăn uống,
    Vải mặc và chỗ nằm.

    154. Biết nguy hiểm như vậy,
    Biết có sợ hãi lớn,
    Trong cung kính cúng dường;
    Vị Tỷ-kheo xuất gia,
    Nhận ít, không tham đắm,
    Luôn luôn giữ chánh niệm.

 

(CXXXVIII) Kimbila (Thera. 21)

Ngài gặp đức Phật, xúc động, xuất gia đã được nói trong chương một, với câu kệ : ‘Như bị cảm hóa bởi sức mạnh’. Ở đây, vị Trưởng lão sống thân thiết với các bạn, các Tôn giả Anuruddha, Bhaddiya.

    155. Trong vườn trúc phía Đông,
    Các Thích tử thân hữu,
    Từ bỏ những tài sản,
    Không phải là ít oi,
    Vui thích với những gì,
    Nhận được từ bình bát.

    156. Siêng, tinh cần, tinh tấn,
    Thường kiên trì hăng hái,
    Ưa thích lạc pháp vị,
    Từ bỏ lạc thế gian.

 

(CXXXIX) Nanda (Thera. 21)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Kapilavatthu, con vua Suddhodana (Tịnh Phạn) và bà Mahàpajàpati, vì đem lại hoan hỷ cho bà con nên được gọi là Nanda. Khi đến tuổi trưởng thành, bậc Đạo Sư chuyển bánh xe pháp đi đến Kapilavatthu, với lòng từ mẫn độ chúng sanh. Nhân có dịp trời mưa, Thế Tôn kể chuyện tiền thân Vessantara. Trong ngày thứ hai, với câu kệ: ‘Hãy đứng dậy!’. Thế Tôn giúp cho phụ thân chứng quả Dự lưu. Với câu kệ: ‘Hãy sống theo Phạm hạnh’. Thế Tôn giúp bà Mahàpajàpati cũng chứng quả Dự lưu, rồi Thế Tôn giúp phụ thân chứng thêm quả Nhất lai. Ngày thứ ba khi đi khất thực tại phòng đăng quang, lúc mọi người đang chúc mừng hoàng tử Nanda trong ngày lễ đám cưới, bậc Đạo Sư đưa bình bát, đi theo bậc Đạo Sư đến tinh xá và đức Phật độ cho Nanda xuất gia, dầu ngài không bằng lòng.

Từ lúc ấy, biết được Nanda không ưa thích đời sống xuất gia, bậc Đạo Sư tiếp tục giáo hóa cho đến khi Nanda, nhờ thiền định, phát triển thiền quán và đạt được quả A-la-hán. Về sau, hưởng thọ lạc giải thoát, ngài nói: ‘Ôi tuyệt diệu thay pháp môn Phật dạy. Nhờ vậy ta thoát khỏi sa lầy vào đầm tái sanh, đứng được trên bãi cát Niết-bàn’. Phấn khởi với suy nghĩ này, ngài nói lên những bài kệ:

    157. Không như lý tác ý,
    Ta chuyên trang sức ngoài,
    Ta thô tháo dao động,
    Say đắm trong tham dục.

    158. Với phương tiện thiện xảo,
    Ta, bà con mặt trời,
    Được hướng về chánh lý,
    Làm ta thoát sanh hữu.

Thế Tôn, biết được quả chứng tự tu, tự luyện của ngài, tuyên bố ngài là bậc tự chế ngự đệ nhất trong các đệ tử của Thế Tôn.

 

(CXL) Sirimat (Thera. 21)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi (Xá-vệ), trong nhà một thị dân, được đặt tên là Sirimat, vì gia đình ngài được luôn luôn may mắn, và thành công. Em trai của ngài, tăng trưởng tài sản được đặt tên là Sirivaddha (tăng trưởng sự may mắn). Cả hai thấy được uy nghi đức độ của đức Phật khi Kỳ Viên được dâng cúng đức Phật, khởi lòng tin xuất gia, Sirivaddha dầu chưa chứng được pháp thượng nhân, nhưng được hàng cư sĩ, hàng xuất gia tôn kính hoan nghênh. Nhưng Sirimat, vì nghiệp không được tốt đẹp nên ít được cung kính, tuy vậy, luôn luôn tu tập về chỉ và quán, ngài chứng được sáu thắng trí.

Các Tỷ-kheo tầm thường và các Sa-di không biết ngài chứng được Thánh quả, tiếp tục khinh thường ngài và cung kính em của ngài. Rồi ngài đọc lên bài kệ, nói lên sự sai lầm của họ:

    159. Người khác tán thán nó,
    Kẻ tự ngã chưa định,
    Người khác khen sai lầm,
    Kẻ tự ngã chưa định.

    160. Người khác chỉ trích nó,
    Kẻ tự ngã đã định,
    Người khác chê sai lầm,
    Kẻ tự ngã khéo định.

Rồi Sirivaddha nghe bài kệ, tâm sanh dao động, phát triển thiền quán, không bao lâu đạt được chơn giải thoát; và những ai chỉ trích bậc Trưởng lão, chúng tôi xin lỗi ngài.
Phẩm Ba

(CXLI) Uttara (Thera. 22)

Trong thời đức Phật tại thế, ngài sanh ở Sàketa, trong một gia đình Bà-la-môn, được đặt tên là Uttara. Bị cảm hóa bởi thần thông song hành tại cây Gandamba ở Sàvatthi, ngài được khích lệ xuất gia, khi bậc Đạo Sư ở Sàketa thuyết pháp tại vườn Kàlaka. Đi với bậc Đạo Sư đến Ràjagaha (Vương Xá), ngài phát triển thiền quán, chứng được sáu thắng trí. Trở về Sàvatthi để hầu hạ đức Phật, các Tỷ-kheo hỏi ngài: ‘Thưa Hiền giả, Hiền giả đã thành tựu những gì trong sự nghiệp giải thoát?’ Ngài nói lên chánh trí của ngài với bài kệ như sau:

    161. Ta liễu tri các uẩn,
    Ta khéo nhổ tham ái,
    Ta tu tập giác chi,
    Ta đạt lậu hoặc diệt.

    162. Do liễu tri các uẩn,
    Thoát ly kẻ gài lưới,
    Tu tập giác chi xong,
    Ta sẽ nhập Niết-bàn,
    Các lậu hoặc tận diệt.

 

(CXLII) Bhaddaji (Thera. 22)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Bhaddiya (tại Avantì phía Đông Magadha), con một nghị sĩ giàu có đến tám trăm triệu, ngài được đặt tên là Bhàddiya và được nuôi lớn trong sự nuông chiều sang trọng, giống như vị Bố-tát trong đời sống cuối cùng của ngài. Tập sớ kể câu chuyện của ngài chứng quả A-la-hán khi nghe đức Phật thuyết pháp lần đầu tiên, chính đức Phật đích thân đến tìm ngài. Ngài đi theo bậc Đạo Sư với hàng tùy tùng, sau một tuần đến tại Kotigàma, và đi lánh đến bờ sông Hằng, ngài nhập thiền định. Ngài chỉ xuất định, khi đức Phật đến gần và không vâng lời các vị Trưởng lão đi trước. Để xác minh quả chứng vô thượng của ngài, đức Phật mời ngài lên chiếc phà của Ngài và yêu cầu ngài hiện thần thông. Bhaddiya làm nổi lên cung điện bị chìm, khi ngài trú tại đấy, trong thời ngài là vua Panàda. Câu chuyện này được kể trong chuyện Jàtaka Mahàpanàda. Ngài diễn tả lâu đài bằng vàng, trong ấy ngài đã sống trong một thời gian. Rồi ngài nói về ngài khi tự ngã được đoạn diệt, như là thuộc một người khác:

    163. Pa-nà-đa là tên,
    Của vị hoàng đế ấy,
    Với trụ lễ bằng vàng,
    Ngang có mười sáu nhà,
    Tính về lượng bề cao,
    Cao hơn một ngàn lần.

    164. Có đến ngàn tam cấp,
    Với trăm nóc hình tròn,
    Trang hoàng với cờ xí,
    Với ngọc báu chói sáng,
    Ở đấy, Càn-thát-bà,
    Các tiên nữ hát múa,
    Con số lên sáu ngàn,
    Với tổng số bảy đoàn.

 

(CXLIII) Sobhita (Thera. 22)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi, trong một gia đình Bà-la-môn, được đặt tên là Sobhita. Sau khi được nghe bậc Đạo Sư thuyết pháp, ngài xuất gia, chứng được sáu thắng trí, ngài thực hành nhớ đến các đời sống quá khứ, thành tựu túc mạng thông, được đức Phật xác nhận là vị nhớ đến đời sống quá khứ đệ nhất. Cảm thấy phấn khởi trong quả chứng của mình, ngài nói lên những bài kệ:

    165. Tỷ-kheo giữ chánh niệm,
    Với trí tuệ tinh cần,
    Một đêm, ta nhớ đến,
    Có đến năm trăm kiếp.

    166. Ta tu Bốn niệm xứ,
    Bảy giác chi, Tám thánh (đạo),
    Một đêm, ta nhớ đến,
    Có đến năm trăm kiếp.

 

(CXLIV) Valliya (Thera. 22)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Vesàli, trong một gia đình Bà-la-môn, được đặt tên là Kanhamitta. Khi đến tuổi trưởng thành, ngài thấy uy nghi đức độ của đức Phật khi đức Phật đến Vesàli. Khởi lòng tin, ngài xuất gia với sự hướng dẫn của Tôn giả Mahà Kassapa (Đại Ca-diếp). Với trí tuệ chậm chạp và mới bắt đầu tinh tấn, ngài phải dựa vào trí tuệ của các đồng Phạm hạnh đến nỗi ngài được gọi là Valliya (loài cây leo), vì loài cây này không thể tự lớn được, nếu không dựa vào một vật gì. Một hôm, ngài đi nghe Trưởng lão Venudatta giảng, ngài trở thành sáng suốt, trí tuệ chín muồi, ngài hỏi vị Thầy của ngài với những bài kệ:

    167. Những bổn phận cần làm,
    Với tinh cần tinh tấn,
    Những bổn phận cần làm
    Với người muốn giác ngộ.
    Con sẽ làm tất cả,
    Con không có thối thất,
    Hãy xem sự tinh tấn,
    Sự nỗ lực của con.

    168. Ngài hãy nói cho con,
    Con đường nhập bất tử,
    Với yên lặng thiền tư,
    Con đạt Thánh yên lặng,
    Như dòng sông Hằng Hà,
    Nhập sâu vào biển cả.

 

(CXLV) Vitàsoka (Thera. 22)

Trong thời đức Phật hiện tại, vào năm thứ 218, là em trai vua Dhammàsoka (A-dục), được đặt tên là Vitàsoka. Đến tuổi trưởng thành, ngài thành tựu những đức tánh thích hợp với tuổi trẻ hoàng tộc. Rồi ngài trở thành đệ tử của Trưởng lão Giridatta và thông hiểu về Kinh tạng và Luận tạng A-tỳ-đàm.

Một hôm, khi ngài đang cắt tóc, ngài lấy gương soi, thấy một vài sợi tóc bạc. Bị dao động mạnh, ngài phát triển thiền quán, với sự nỗ lực cố gắng thiền định, khi ngài đang ngồi, ngài chứng quả Dự lưu, ngài xuất gia dưới sự hướng dẫn của Giridatta, không bao lâu ngài chứng quả A-la-hán. Ngài tuyên bố chánh trí của ngài với bài kệ:

    169. Hãy cạo tóc cho ta
    Người cạo tóc đã đến,
    Ta cầm lấy cái gương,
    Quan sát thân thể ta.

    170. Thân được thấy trống rỗng,
    Chìm tối trong đêm đen,
    Mọi vải quấn chặt đứt,
    Nay không còn tái sanh.

 

(CXLVI) Punnamàsa (Thera. 23)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi, trong một gia đình vị điền chủ. Khi sanh đứa con đầu tiên, ngài xuất gia, sống gần một làng, ngài tinh tấn tu hành cho đến khi ngài chứng được sáu thắng trí. Ngài đi đến Sàvatthi đảnh lễ bậc Đạo Sư và ở tại một nghĩa địa. Rồi đứa con ngài chết và vợ ngài không muốn tài sản bị vua tịch thu, vì không có thừa tự nên đi đến ngài với một số đông tùy tùng và yêu cầu ngài từ bỏ đời sống xuất gia. Muốn nói lên sự giải thoát thế tục và quả chứng của ngài, ngài đứng trên hư không, nói lên những bài kệ:

    171. Từ bỏ năm triền cái,
    Đạt an ổn khỏi ách,
    Nắm giữ gương Chánh pháp,
    Biết và thấy tự ngã.

    172. Ta quán sát thân này,
    Từ trong cho đến ngoài,
    Thân được thấy trống không,
    Trong thân cả ngoài thân.

 

(CXLVII) Nandaka (Thera. 23)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Campà trong một gia đình thị dân, được đặt tên là Nandaka. Ngài là em trai của Bharata (sẽ được nói đến sau). Cả hai được nghe Sona Kolivisa thuyết pháp, liền xuất gia, nghĩ rằng: ‘Sona được nuôi dưỡng tế nhị còn xuất gia được, huống nữa chúng ta?’ Bharata chứng ngay sáu thắng trí, còn Nandaka, vì còn nhiều tư tưởng không trong sạch, không thể điều khiển được thiền quán, chỉ có thể thực hành. Rồi Bharata muốn giúp đỡ ngài, khiến ngài làm thị giả và cả hai người ra đi. Ngồi bên vệ đường, Bharata thuyết pháp cho ngài về thiền quán.

Có một đoàn lữ hành đi ngang qua, một con bò đực kéo xe qua đám bùn không nổi nên ngã quỵ xuống. Ngài dạy cởi con bò khỏi chiếc xe, cho nó ăn cỏ, uống nước. Con bò khỏi sự mệt nhọc lại được cột vào xe, với sức mạnh, được bồi dưỡng, con bò kéo xe qua được đám bùn, Bharata nói:

– Này em Nandaka, em có thấy hiện tượng ấy không?’.

– Thưa anh, em có thấy.

– Vậy hãy tìm hiểu ý nghĩa! Và Nandaka nói: ‘Như con bò được bồi dưỡng, lấy lại sức mạnh, ta cần phải tự lực lôi mình ra khỏi đám bùn lầy của tái sanh!’ Dùng sự kiện này là một đề tài thiền quán, ngài đã chứng được quả A-la-hán. Rồi ngài tuyên bố chánh trí của ngài cho người anh nghe với những bài kệ:

    173. Như con vật hiền thiện,
    Thuộc giống tốt, khéo luyện,
    Sau khi ngã quỵ xuống,
    Lại gượng lên đứng dậy,
    Lấy được thêm sức mạnh,
    Không bỏ kéo gánh nặng.

    174. Cũng vậy, hãy nhận con,
    Đệ tử bậc Chánh giác,
    Con đầy đủ chánh kiến,
    Khéo tu luyện thuần thục,
    Con thật con chánh thống.
    Của đức Phật Chánh giác.

 

(CXLVIII) Bharata (Thera. 23)

Khi em trai Nandaka nói lên chánh trí của mình, Bharata khởi lên ý kiến hai anh em cùng đi đến yết kiến đức Phật, trình lên đức Phật biết quá trình đời sống Phạm hạnh của mình.

Rồi ngài nói với Nandaka những bài kệ như sau:

    175. Hãy đến Nandaka,
    Chúng ta hãy cùng đi,
    Đi đến bậc Giáo thọ,
    Chúng ta hãy rống lên,
    Tiếng rống con sư tử,
    Trước mặt Phật tối thượng.

    176. ẩn sĩ thương chúng ta,
    Khích lệ ta xuất gia,
    Mục đích chúng ta đạt,
    Mọi kiết sử đoạn tận.

 

(CXLIX) Bhàradvàja (Thera. 23)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Ràjagaha (Vương Xá). Trong một gia đình Bà-la-môn, được đặt tên theo dòng họ là Bhàradvàja. Lập gia đình, ngài có một người con trai tên là Kanhadinna. Đến tuổi đi học, ngài gửi người con đi Takkasìla, giữa đường người con làm quen với một vị Trưởng lão, đệ tử bậc Đạo Sư, nghe vị ấy thuyết pháp, xuất gia và sau một thời gian, chứng quả A-la-hán.

Bhàradvàja, được nghe bậc Đạo Sư thuyết pháp ở tịnh xá Trúc Lâm, xuất gia và cũng chứng quả A-la-hán, Kanhadinna đến yết kiến bậc Đạo Sư ở Ràjagaha (Vương Xá), và sung sướng thấy phụ thân mình ngồi cạnh đức Bổn Sư. Được biết phụ thân đã chứng quả A-la-hán, muốn phụ thân rống tiếng rống con sư tử, nên hỏi đã chứng được mục đích Phạm hạnh chưa, ngài trả lời với những câu kệ như sau:

Rống tiếng rống:

    177. Như những con sư tử
    Trong hang động núi non,
    Rống tiếng rống sư tử,
    Cũng vậy với trí tuệ,
    Bậc anh hùng thắng trận,
    Thắng ma và ma quân.

    178. Ta hầu bậc Đạo Sư
    Đảnh lễ Pháp và Tăng,
    Ta hân hoan vui vẻ,
    Thấy con chứng vô lậu.

 

(CL) Kanhadinna (Thera. 23)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Vương Xá, trong gia đình một Bà-la-môn, được đặt tên là Kanhadinna. Khi đến tuổi trưởng thành, với thiện duyên thuần thục, ngài đến Tôn giả Sàriputta, nghe pháp, khởi lòng tin rồi xuất gia. Sau khi phát triển thiền quán, ngài chứng quả A-la-hán, ngài tuyên bố chánh trí của ngài.

    179. Hầu hạ bậc chân nhân,
    Luôn luôn nghe Chánh pháp,
    Nghe xong, ta sẽ bước,
    Trên con đường bất tử.

    180. Trong ta, tham hữu đoạn,
    Tham hữu không có mặt,
    Quá khứ, và vị lai,
    Không có ở trong ta,
    Hiện tại cũng không có,
    Tồn tại ở trong ta.

Phẩm Bốn

(CLI) Migasìra (Thera. 24)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình Bà-la-môn ở Kosala, được đặt tên là Migasìra, theo ngôi sao ngày sinh. Học theo văn hóa Bà-la-môn, ngài thực hành bùa chú sọ người, khi ngài đọc lên bùa chú và lấy móng tay gõ trên sọ người, ngài tuyên bố: ‘Người này sẽ được tái sanh trong giới này…’, cho đến với những người đã chết được ba năm. Không thích thú đời sống thế tục, ngài trở thành người du sĩ, với hạnh sọ người của ngài, ngài được cung kính cúng dướng. Đi đến Sàvatthi, đứng trước mặt bậc Đạo Sư, ngài tuyên bố sức mạnh của ngài: ‘Thưa Tôn giả Gotama, ta có thể nói chỗ tái sanh của những người đã chết’.

Đức Phật hỏi: ‘Ông làm như thế nào?’

Ngài cho đem lại một sọ người, đọc lên bùa chú, với móng tay gõ trên sọ người, ngài tuyên bố đọa xứ v.v… là chỗ tái sanh!

Đức Phật cho đem lại sọ người của một Tỷ-kheo, đã chứng Niết-bàn và nói: ‘Hãy nói chỗ tái sanh của người này’. Migasìra đọc bùa chú, lấy móng tay gõ trên sọ người, nhưng không thấy đầu đuôi như thế nào.

Rồi Thế Tôn hỏi:

– Này du sĩ, có phải ông làm không được?

Ngài trả lời: – Tôi cần phải xác chứng cho chắc chắn! Nhưng dù cho ngài xoay xở như thế nào, làm sao ngài biết được sanh thú của vị A-la-hán; ngài xấu hổ, toát mồ hôi, im lặng.

– Này du sĩ, có phải ông mệt mỏi?

– Vâng, tôi mệt mỏi, tôi không biết sanh tử của vị này, Ngài có biết chăng?

– Ta biết được và Ta biết nhiều hơn thế nữa! Vị này đã nhập Niết-bàn!

Vị du sĩ nói:

– Vậy nói lên cho con, bí quyết ấy?

– Vậy ông phải xuất gia! Rồi Migasìra xuất gia và được dạy cho đề tài tu định. An trú vững vàng trên thiền và thắng trí, ngài thực hành thiền quán, không bao lâu, chứng quả A-la-hán.

Rồi ngài nói lên chánh trí của ngài như sau:

    181. Từ khi ta xuất gia,
    Trong pháp bậc Chánh giác,
    Giải thoát, ta tiến lên,
    Ta vượt qua dục giới.

    182. Nhờ Phạm-chí quán sát,
    Tâm ta được giải thoát,
    Ta giải thoát bất động,
    Mọi kiết sử đoạn diệt.

 

(CLII) Sivàka (Thera. 24)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình Bà-la-môn ở Ràjagaha (Vương Xá), được đặt tên Sivàka. Khi đã nhận được một sự giáo dục toàn diện, ngài theo xu hướng sở thích của mình, từ bỏ thế tục làm người du sĩ. Đến nghe bậc Đạo Sư thuyết pháp, ngài khởi lòng tin xuất gia, và cuối cùng chứng quả A-la-hán. Ngài nói lên chánh trí của mình:

    183. Vô thường, những ngôi nhà,
    Đây đó lại dựng lên,
    Tìm kiếm người làm nhà,
    Tái sanh là đau khổ.

    184. Hỡi kẻ làm nhà kia!
    Ngươi đã bị thấy rồi,
    Từ nay, ngươi không thể,
    Lại dựng nhà lên nữa,
    Mọi tường vách đổ vỡ,
    Nóc nhà bị tan hoang,
    Tâm bị đẩy khỏi dòng,
    Ở đây, bị thổi nát.

 

(CLIII) Upavàna (Thera. 24)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình Bà-la-môn ở Sàvatthi, được đặt tên là Upavàna. Thấy được uy nghi đức Phật khi Kỳ Viên được dâng cúng. Ngài xuất gia, phát triển thiền quán, chứng được sáu thắng trí.

Rồi Upavàna trở thành vị thị giả đức Phật. Bấy giờ, Thế Tôn bị đau nhức mỏi, một đệ tử cư sĩ của ngài tên là Devahita sống ở Sàvatthi cúng dường bốn vật dụng cần thiết cho ngài. Khi Upavàna đến với y và bát, Devahita biết ngài cần dùng một vật đặc biệt nên hỏi. Ngài trả lời với bài kệ như sau:

    185. Bậc ứng Cúng, Thiện Thệ,
    ẩn sĩ bị phong thấp,
    Nếu ông có nước nóng,
    Hãy cúng dường ẩn sĩ.

    186. Cúng dường người đáng cúng,
    Cung kính người đáng kính,
    Tôn trọng người đáng trọng,
    Ta mong muốn vị ấy,
    Được vật cúng mang đến.

Rồi vị Bà-la-môn dâng cúng nước nóng và thuốc trị bệnh. Nhờ vậy, bệnh của Thế Tôn thuyên giảm và Thế Tôn tỏ lời cảm ơn.

 

(CLIV) Isidinna (Thera. 24)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở xứ Sunàparanta, trong gia đình một vị chức sắc, được đặt tên là Isidinna. Khi lớn lên, ngài chứng kiến Thế Tôn hiện thần thông song hành khi ngôi nhà bằng trầm hương được dâng cúng, với tấm hân hoan đối với bậc Đạo Sư, ngài nghe pháp, trở thành bậc Dự lưu. Dầu còn sống đời sống thế gian, một Thiên nhân khích lệ ngài như sau:

    187. Ta thấy người cư sĩ,
    Trì pháp với lời nói,
    Các dục là vô thường,
    Họ ưa thích ái luyến,
    Châu báu và vòng nhẫn,
    Họ đón chờ vợ con.

    188. Thật sự họ không biết,
    Pháp như thật là gì?
    Dầu họ có tuyên bố:
    ‘Các dục là vô thường!’
    Họ không có sức mạnh,
    Để cắt đứt tham ái,
    Do vậy, họ luyến tiếc,
    Vợ con và tài sản.

Khi người cư sĩ nghe vậy, ngài cảm thấy xúc động, xuất gia, không bao lâu chứng quả A-la-hán. Nói lên chánh trí của ngài, ngài lập lại những bài kệ trên.

 

(CLV) Sambula – Kaccàna (Thera. 24)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong nước Magadha (Ma-kiệt-đà), con một thị dân thuộc dòng họ Kaccàna, tên là Sambula, ngài được biết với tên Sambula-Kaccàna. Sau khi nghe bậc Đạo Sư thuyết pháp, ngài xuất gia rồi đi đến miền phụ cận núi Hy-mã-lạp-sơn, tu học thiền quán trong một cái hang tên là Bheravàyanà (đường đi dễ sợ).

Một hôm, một cơn giông tố trái mùa nổi lên, mây ùn ùn nổi lên trên hư không, sấm sét vang động, chớp sáng chói lòa, trời bắt đầu mưa đổ ào ào xuống. Các loài vật như gấu, dã can, trâu, voi đều la hét run sợ. Nhưng vị Trưởng lão phát triển thiền quán, không kể gì đến mạng sống của mình, không để ý đến tiếng động vang, nhưng cơn động làm cho dịu khí trời, tâm ngài được tịnh chỉ, ngài triển khai thiền quán, chứng được quả A-la-hán với sáu thắng trí. Nghĩ đến thành quả đạt được, ngài cảm thấy phấn khởi, ngài nói lên chánh trí của ngài, với những bài kệ:

    189. Mưa ào ào đổ xuống,
    Mưa ầm ầm vang động,
    Ta sống chỉ một mình,
    Trong hang động kinh hoàng,
    Dầu ta sống một mình,
    Trong hang động kinh hoàng,
    Ta không hoảng, sợ hãi,
    Không lông tóc dựng ngược

    190. Pháp nhĩ ta là vậy,
    Nên dầu sống một mình,
    Trong hang động kinh hoàng,
    Ta không hoảng, sợ hãi,
    Không lông tóc dựng ngược.

 

(CLVI) Khitaka (Thera. 25)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong nước Kosala, con một vị Bà-la-môn, được đặt tên là Khitaka. Ngài nghe bậc Đạo Sư thuyết pháp, xuất gia, sống trong rừng, không bao lâu chứng quả A-la-hán. Hưởng được lạc giải thoát Niết-bàn, cảm thấy phấn khởi tinh cần, ngài đi đến các Tỷ-kheo sống trong rừng để khích lệ, làm các vị ấy phấn khởi. Ngài nói những bài kệ này, trước hết vì hạnh phúc cho các vị ấy, sau nói lên chánh trí của ngài:

    191. Tâm ái như tảng đá
    Đứng vững, không dao động,
    Hỡi những vật khả ái,
    Tâm không có tham ái,
    Đối vật làm dao động,
    Tâm không có dao động,
    Tâm ai tu tập vậy,
    Từ đâu, khổ sẽ đến.

    192. Tâm ta như tảng đá
    Đứng vững, không dao động,
    Đối những vật khả ái,
    Tâm không có tham ái,
    Đối vật làm dao động,
    Tâm không có dao động,
    Tâm ta tu tập vậy,
    Từ đâu, khổ đến ta.

 

(CLVII) Sona – Potiriyaputta (Thera. 25)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ), con của điền chủ Potiriya, được đặt tên là Sona. Khi đến tuổi trưởng thành, ngài trở thành tướng chỉ huy quân lực của Bhaddiya, một vị vua Sakka. Nay Bhaddiya đã xuất gia, và ngài theo gương Bhaddiya cũng xuất gia, nhưng ngài biếng nhác, không có tu thiền định. Thế Tôn ở tại vườn xoài Anupiya, chiếu hào quang đến ngài, khích lệ ngài tu tập chánh niệm, với những bài kệ như sau:

    193. Thầy chớ có ngủ nữa,
    Với đêm, sao vòng hoa,
    Đêm này, người có trí,
    Thức dậy, không có ngủ.

Nghe lời này, ngài cảm thấy dao động mạnh, thấy rõ những khuyết điểm của ngài, ngài ngồi thiền ngoài trời, tu tập thiền quán, ngài nói lên bài kệ:

    194. Khi con voi tấn công,
    Rơi từ lưng voi xuống,
    Trên chiến trường ta chết,
    Tốt hơn sống bại trận.

Nói vậy, ngài triển khai thiền quán, không bao lâu chứng quả A-la-hán. Rồi ngài lập lại bài kệ của bậc Đạo Sư, và với bài kệ của ngài, ngài nói lên chánh trí của mình.

 

(CLVIII) Nisabha (Thera. 25)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong xứ các dân tộc Koliya, trong một gia đình dân tộc, được đặt tên là Nisabha. Khi đến tuổi trưởng thành, ngài chứng kiến sức mạnh uy nghi đức độ của đức Phật trong trận chiến giữa dân tộc Sakka và dân tộc Koliya, khởi lòng tin, ngài xuất gia, chứng quả A-la-hán.

Thấy một Tỷ-kheo đồng Phạm hạnh dùng thời gian của mình rất là uổng phí, nên ngài dùng những bài kệ này để khuyên răn vị ấy, và nói lên ngài thực hành những điều ngài nói:

    195. Sau khi đã từ bỏ
    Năm loại dục trưởng dưỡng,
    Những vật thật khả ái,
    Khiến tâm ý thích thú,
    Với lòng tin, xuất gia,
    Chấm dứt sự khổ đau.

    196. Ta không hoan hỷ chết,
    Ta không hoan hỷ sống,
    Ta chờ đợi thời đến,
    Tỉnh giác và chánh niệm.

 

(CLIX) Usabha (Thera. 25)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ), trong gia đình một vị vua Sakka, được đặt tên là Usabha. Khi đức Phật về thăm bà con, ngài thấy sức mạnh và sự sáng suốt của đức Phật, khởi lòng tin và xuất gia, nhưng ngài không làm các bổn phận của người tu hành, cả ngày giao du nhiều người, ban đêm thời lo ngủ.

Một hôm, với tâm tư hôn trầm phóng dật, ngài nằm ngủ, ngài mộng thấy ngài cạo đầu, đắp áo cà-sa, ngồi trên lưng voi đi vào thành để khất thực; tại đấy, thấy quần chúng tụ tập đông đảo, ngài cảm thấy xấu hổ và xuống voi không ngồi nữa. Ngài thức dậy, suy nghĩ: ‘Vì sao, đây là cơn mộng hôn trầm và phóng dật, ta thấy ta nằm ngủ với tâm ưu não’, ngài an trú thiền quán, không bao lâu chứng quả A-la-hán. Như vậy lấy cơn mộng làm đề tài khích lệ, ngài dùng những bài kệ để nói lên chánh trí của ngài:

    197. Vai đắp phủ tấm y,
    Giống như màu bông xoài,
    Ngồi trên lưng con voi,
    Ta vào làng khất thực.

    198. Từ lưng voi leo xuống,
    Ta cảm nhận xúc động,
    Trước ta rất ngạo mạn,
    Nay ta thật lắng dịu,
    Ta đã chứng đạt được,
    Các lậu hoặc đoạn diệt.

 

(CLX) Kappata – Kura (Thera. 25)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh tại Sàvatthi, trong tình cảnh nghèo nàn, ngài chỉ biết tự nuôi sống, bằng cách mặc đồ rách rưới, bát ăn xin cầm tay, đi xin gạo cơm. Vì vậy ngài được tên là Kappatakura (rách và gạo). Khi lớn lên, ngài nuôi sống bằng cách bán cỏ. Một hôm, đang cắt cỏ trong rừng, ngài gặp một vị Trưởng lão, ngài đảnh lễ, ngồi xuống nghe pháp. Ngài khởi lòng tin, từ bỏ nếp sống cũ, xuất gia, cất đồ rách rưới vào một chỗ. Khi ngài cảm thấy nhàm chán với đời sống mới, ngài đi đến nhìn đồ rách rưới ấy, tâm ngài trở thành bất an. Làm như vậy, bảy lần ngài rời khỏi chúng Tăng. Các Tỷ-kheo báo cáo lên sự việc này. Một hôm, khi ngài là một Tỷ-kheo đang ngồi giữa chúng Tăng tại giảng đường, bậc Đạo Sư giáo giới ngài với những bài kệ như sau:

    199. Đây là đồ rách rưới,
    Của Kappata-kura,
    Y áo đang phủ đắp,
    Thật là quá nặng nề,
    Trong bình bát bất tử,
    Được đựng đầy Chánh pháp,
    Nhưng nó không thực hành,
    Con đường hành thiền định.

    200. Hỡi này Kappata,
    Chớ lắc qua lắc lại,
    Chớ khiến ta phải đánh,
    Các tiếng vào tai ông,
    Hỡi này Kappata,
    Chớ làm kẻ si mê,
    Ngồi lắc qua lắc lại,
    Giữa Tăng chúng hội họp.

Bị đức Phật quở trách mạnh mẽ, ngài dao động mạnh, phát triển thiền quá, không bao lâu chứng quả A-la-hán. Rồi ngài lập lại các bài kệ đã khích lệ ngài tu hành và những bài kệ này trở thành những lời tuyên bố chánh trí của ngài.
Phẩm Năm

(CLXI) Kumàra-Kassapa (Thera. 26)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Ràjagaha (Vương Xá), mẹ ngài là con một vị chức sắc, mẹ ngài không được cha mẹ bằng lòng cho xuất gia khi còn là thiếu nữ, lập gia đình, được chồng bằng lòng cho xuất gia, nhưng bà không biết là đang có thai. Khi các Tỷ-kheo-ni thấy hiện trạng này, liền đến hỏi ý kiến Devadatta (Đề-bà-đạt-đa), vị này cho mẹ ngài là Tỷ-kheo-ni bất chánh. Các Tỷ-kheo-ni tới hỏi ý kiến bậc Đạo Sư, bậc Đạo Sư giao việc này cho Tôn giả Upàli giải quyết. Upàli cho mời một số vị cư sĩ ở Sàvatthi, gồm có nữ cư sĩ Visàkhà, và giữa hội nghị, có sự có mặt của vua, Tôn giả Upàli tuyên bố vị Tỷ-kheo-ni đã có thai trước khi xuất gia, và bậc Đạo Sư đã chấp nhận sự kiện này. Mẹ ngài nuôi dưỡng đứa con tại ngôi tịnh xá, đứa con như bức tượng bằng vàng, và vua nuôi dưỡng đứa trẻ và ngài được đưa đến cho bậc Đạo Sư xuất gia. Vì ngài xuất gia khi còn thiếu niên, ngài được gọi là Kumàra-kassapa, dầu cho khi ngài đã lớn.

Trong khi ngài tu tập thiền quán, học lời Phật dạy, ngài ở tại rừng Andha. Rồi một Thiên nhân, đã chứng quả Bất lai, đã được làm Đại Phạm Thiên ở Tịnh Cư Thiên, muốn chỉ cho Kumàra-kassapa phương pháp chứng được đạo quả. Vị Thiên nhân đến tại rừng Andha và hỏi ngài mười lăm câu hỏi mà chỉ có bậc Đạo Sư mới có thể trả lời. Ngài hỏi đức Phật các câu hỏi ấy và học thuộc lòng các câu đức Phật trả lời, phát triển quán, chứng quả A-la-hán.

Được bậc Đạo Sư ấn chứng cho là vị thuyết pháp lanh lợi đệ nhất, ngài nhớ lại quá trình tu hành của mình và dưới hình thức tán thán Ba ngôi báu, ngài nói lên chánh trí của mình:

    201. Ôi Phật đà, ôi Pháp!
    Ôi Đạo Sư thành tựu!
    Ở đây, vị đệ tử,
    Chứng đạt Chánh pháp này.

    202. Trải qua vô lượng kiếp,
    Ta tác thành có thân,
    Thân này thân cuối cùng,
    Thân này hành trì xong,
    Trên con đường sống chết,
    Nay không còn tái sanh.

 

(CLXII) Dhammapàla (Thera. 26)

Trong thời đức Phật hiện tại, khi bậc Đạo Sư qua đời, ngài sanh ở Avanti con một Bà-la-môn, được đặt tên là Dhammapàla. Khi ngài đi từ Takkasilà về, học hành đã xong, ngài thấy một vị Trưởng lão ngồi một mình trong thảo am, được vị ấy thuyết pháp, ngài khởi lòng tin, xuất gia và chứng được sáu thắng trí.

Trong khi ngài suy tư hoan hỷ trong vị ngọt giải thoát, hai Sa-di leo cây hái trái, bị cây gẫy ngã xuống. Thấy vậy ngài lấy tay ôm đỡ hai người Sa-di, với thần thông đặt hai vị ấy xuống đất, không có bị thương. Và ngài dạy hai vị ấy với những bài kệ:

    203. Ai Tỷ-kheo trẻ tuổi
    Chú tâm hành lời Phật,
    Tỉnh thức giữa người ngủ,
    Vị ấy, đời không uổng.

    204. Do vậy, bậc Hiền trí,
    Nhớ đến lời Phật dạy,
    Chuyên tu tín và giới,
    Hoan hỷ thấy Chánh pháp.

 

(CLXIII) Brahmàlì (Thera. 26)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở nước Kosala, con một Bà-la-môn, được đặt tên là Brahmàlì. Khi đến tuổi trưởng thành, thúc đẩy bởi những điều kiện chín muồi, do giao hảo với bạn lành, ngài xuất gia, tu tập thiền định trong một ngôi rừng, nhờ trí tuệ chín muồi, ngài phát triển thiền quán, chứng được sáu thắng trí.

Sống trong vị an lạc giải thoát, vị Trưởng lão rất thuần thục pháp tinh tấn, một hôm sống ở trong rừng ngài nói lên những bài kệ này, thay mặt cho các Tỷ-kheo ở trong rừng, những bài kệ tán thán hạnh tinh tấn:

    205. Với những ai, các căn,
    Đã đi đến tịnh chỉ,
    Như được khéo điều phục,
    Bởi đánh xe điều ngự,
    Kiêu mạn được đoạn tận,
    Không còn có lậu hoặc,
    Chư Thiên rất ái mộ
    Những vị có hạnh ấy.

    206. Với chính ta, các căn,
    Đã đi đến tịnh chỉ,
    Như được khéo điều phục,
    Bởi đánh xe điều ngự,
    Kiêu mạn được đoạn tận,
    Không còn có lậu hoặc,
    Chư Thiên ái mộ ta,
    Ta thành tựu hạnh ấy.

 

(CLXIV) Mogharàjam (Thera. 27)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình Bà-la-môn, tên là Mogharàjam. Vị ấy tu học dưới sự lãnh đạo của Bà-la-môn Bàvariya. Cảm thấy lo âu sợ hãi, ngài trở thành một vị tu khổ hạnh. Ngài là một trong mười sáu vị, trong ấy có Ajita và những vị khác, đã được Bàvariya đưa đến yết kiến bậc Đạo Sư. Sau khi Mogharàjam hỏi và được trả lời, ngài chứng quả A-la-hán.

Sau đó, ngài được biết đến vì ngài mặc áo thô sơ do các nhà lữ hành, các thợ may, các thợ nhuộm quăng bỏ hai bên đường. Do vậy, bậc Đạo Sư ấn chứng cho ngài là người đệ tử đệ nhất mặc áo thô sơ. Như vậy ngài thực hiện chí nguyện từ trước của ngài.

Một thời khác, do thiếu sự săn sóc chu đáo và do nghiệp đời trước, các mụt ghẻ lở xuất hiện và sanh ra nhiều trên thân của ngài, nghĩ rằng chỗ trú ẩn của ngài đã bị ô nhiễm, ngài trải chỗ nằm của ngài trên một thửa ruộng ở Magadha, và dầu lúc ấy thuộc mùa đông, ngài vẫn ở tại đấy. Một hôm, hầu hạ bậc Đạo Sư và đảnh lễ ngài, bậc Đạo Sư hỏi ngài với những bài kệ như sau:

    207. Hỡi Mogharàja!
    Sống với da thô độc,
    Sống với tâm hiền thiện,
    Luôn luôn hành thiền định,
    Trong những đêm đông giá
    Thầy là một Tỷ-kheo,
    Vậy Thầy sống thế nào
    Thầy sẽ làm những gì?

Được hỏi vậy, ngài trả lời và giải thích cho bậc Đạo Sư:

    208. Con có được nghe rằng:
    Ở nước Magadha,
    Đất nước giàu thịnh vượng,
    Toàn dân sống đầy đủ,
    Những am lợp bằng rơm,
    Còn tốt đẹp hơn nhiều,
    Hơn đời sống an lạc,
    Của mọi người dân khác.

 

(CLXV) Visàkha, Con Của Pancàlì (Thera. 27)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở xứ Magadha (Ma-kiệt-đà), con một vị vua địa phương, được đặt tên là Visàkha. Vì ngài là con trai một công chúa con vua, về sau ngài được biết là con trai của Pancàlì.

Sau khi phụ vương mất, ngài nối ngôi vua, nhưng khi bậc Đạo Sư đến gần chỗ ngài ở, ngài đến nghe đức Phật thuyết pháp, khởi lòng tin rồi xuất gia. Theo bậc Đạo Sư đến Sàvatthi (Xá-vệ), ngài phát triển thiền quán, chứng được sáu thắng trí.

Với lòng từ mẫn nghĩ đến bà con, ngài viếng thăm quê hương cũ, dân chúng đến nghe ngài thuyết giảng rất đông. Một hôm có người hỏi: ‘Có bao nhiêu đức tánh cần thiết để một người trở thành nhà thuyết pháp?’. Ngài trả lời đại cương những đức tánh trong những bài kệ sau đây:

    209. Chớ có tự kiêu mạn,
    Chớ có khinh khi người,
    Không khinh, không hại người,
    Đã đến bờ bên kia,
    Và chớ có khen mình,
    Trước mặt các hội chúng,
    Không dao động, khiêm tốn,
    Khéo nói, khéo chế ngự.

    210. Với người, thấy ý nghĩa,
    Tế nhị và kín đáo,
    Thiện xảo về trí tuệ
    Nếp sống khéo hộ trì,
    Thực hiện giới chư Phật,
    Niết-bàn đối vị ấy,
    Không gì khó chứng đạt.

 

(CLXVI) Cùlaka (Thera. 27)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Ràjagaha, con một vị Bà-la-môn, được đặt tên là Culàka. Khi ngài thấy bậc Đạo Sư nhiếp phục con voi Dhanapàla, ngài phát khởi lòng tin xuất gia. Trong khi tu tập, ngài trú ở hang cây Indra-sàla. Một hôm ngồi trước cửa hang, nhìn xuống các thửa ruộng ở Magadha (Ma-kiệt-đà), một cơn giông tố khởi lên với những lớp mây trùng điệp ùn ùn khởi lên, sấm sét vang dậy, trời mưa ào ào đổ xuống, các đàn chim công nghe tiếng sấm sét, sung sướng kêu lên tiếng kê-la của chúng, và múa hát chung quanh. Làn gió giông tố đem lại cho ngài cảm giác dễ chịu và thỏa thích khi ngài đang ngồi trong hang, với nhiệt độ vừa phải, tâm ngài được thiền định. Ngài bước vào con đường hành trì, và nhận thức được thời gian thích hợp đã đến, ngài nói lên lời tán thán, sự tu hành của ngài với những bài kệ sau:

    211. Những chim công kêu hót,
    Mào đẹp, lông đuôi xinh,
    Với cổ, màu xanh tươi,
    Mỏ đẹp, tiếng hót hay,
    Đất này, khéo lát cỏ,
    Nước mắt khéo thấm nhuần,
    Với khoảng trời khéo che,
    Mây mưa khéo bao phủ.

    212. Thân người khéo khỏe mạnh,
    Tâm ý tốt, thiền tu,
    Lành thay, khéo khởi tâm,
    Trong lời khéo Phật dạy.
    Hãy cảm xúc con đường
    Đưa đến cõi bất tử,
    Đường ấy đường vô thượng,
    Đường trong trắng lành mạnh,
    Đường tế nhị nhỏ nhiệm,
    Con đường thật khéo thấy.

Ngài tự giáo giới lấy mình, chứng được thiền định, và phát triển thiền quán, chứng quả A-la-hán. Ôn lại những việc đã làm, với tâm hoan hỷ, ngài nói lên những bài kệ này như là lời tuyên bố chánh kiến của ngài.

 

(CLXVII) Anupama (Thera. 27)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình giàu có ở Kosala, vì ngài đẹp trai nên được đặt tên là Anùpama (không thể so sánh được). Khi đến tuổi trưởng thành, ngài cảm thấy sức mạnh của các nguyên nhân, xuất gia và sống trong một ngôi rừng để tu tập thiền quán, nhưng tâm ngài chạy theo ngoại cảnh, xoay quanh những vấn đề đối tượng thiền định, ngài tự trách mình như sau:

    213. Tâm đi đến hỷ mạn
    Như bị đâm giáo nhọn,
    Nếu người sống tâm ấy,
    Như sống với giáo, gậy.

    214. Này tâm, ta gọi ngươi,
    Kẻ bẻ gãy hạnh phúc,
    Này tâm, ta gọi ngươi,
    Kẻ phá hoại đời ta!
    Bậc Đạo Sư của ngươi,
    Khó được nay đã được,
    Chớ có dắt dẫn ta,
    Đến chỗ có hại ta!

Như vậy ngài giáo giới tâm ngài, phát triển thiền quán, chứng quả A-la-hán.

 

(CLXVIII) Vajjita (Thera. 27)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình Kosala giàu có, sau khi từ Phạm Thiên giới hạ sanh, ngài luôn luôn khóc trong bàn tay bà mẹ, vì ngài không chịu nổi xúc chạm của nữ nhân, ngài được gọi là Vajjita (vị từ bỏ). Đển tuổi trưởng thành, ngài chứng kiến Thế Tôn hiện thần thông song hành, khởi lòng tin, xuất gia và chứng được sáu thắng trí. Nhớ đến đời sống quá khứ, ngài cảm thấy xúc động nói:

    215. Trong thời luân hồi dài,
    Ta trôi lăn nhiều cõi,
    Ta không thấyThánh đế,
    Ta phàm phu mù lòa.

    216. Với hạnh không phóng dật,
    Ta phá vỡ luân hồi,
    Mọi sanh thú chặt đứt,
    Nay không còn tái sanh.

Và bài kệ trở thành lời tuyên bố chánh trí của ngài.

 

(CLXIX) Sandhita (Thera. 28)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài được sanh trong một gia đình giàu có ở Kosala, tên là Sandhita. Khi đến tuổi trưởng thành, ngài nghe bài giảng về vô thường, hoảng hốt lo sợ, và xin xuất gia với trí tuệ chín muồi, ngài an trú thiền quán và chứng đạt sáu thắng trí. Nhớ đến đời sống trước của mình, sau khi đức Phật Sikhì (Thi-khí) mệnh chung. Ngài đảnh lễ tại cây Bồ-đề và nhận thức được ý nghĩa vô thường, ngài tuyên bố ngài thành đạt ý tưởng, nhờ nguyên nhân ấy với những bài kệ như sau:

217. Dưới gốc cây Bồ-đề,
Với ánh sáng lá xanh,
Khi cây đang vươn lên,
Trong sức sống lớn mạnh,
Một tưởng về Phật hành,
Chánh niệm ta đạt được.

218. Đã qua ba mốt kiếp,
Tưởng ấy ta không chứng,
Nay chính nhờ tưởng ấy,
Ta đạt lậu hoặc diệt.
Hoà Thượng Thích Minh Châu dịch Việt
Nguồn: thuvienhoasen.org