Xuân Di Lặc sau mùa dịch bệnh
Đi chùa lễ Phật đầu năm là một nét đẹp trong truyền thống văn hóa của người dân Việt. Mọi người thành tâm đốt nén tâm hương cầu mong cho gia đình được bình an, làm ăn may mắn. Để đáp ứng nhu cầu tâm linh, đồng thời khuyến tấn người dân hướng tâm thiện lành đến với Phật pháp, Thiền viện Pháp sơn (ấp 2, xã Nam Cát Tiên, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) đã tổ chức chương trình tu tập gieo duyên từ ngày mùng một Tết cho đến ngày mười lăm, đặc biệt là Pháp hội Đàn tràng Đại bi và lễ hội Rằm tháng Giêng.
Vào tối ngày mùng 8 dưới sự hướng dẫn của Ni sư Thích nữ Hằng Liên (Trụ trì Thiền viện Pháp Sơn), Pháp hội Đàn tràng Đại bi được chính thức khai đàn, đồng thời lễ đèn hoa đăng được diễn ra để cầu nguyện quốc thới dân an, thiên hạ thái bình, cầu nguyện dịch bệnh sớm tiêu trừ. Mọi người cùng nhau gửi gắm niềm tin và ước nguyện trong mỗi ngọn đèn dâng lên cúng dường Bồ Tát Quán Thế Âm.
Đàn tràng Đại bi tổ chức trong 7 ngày, là cơ hội cho Chư Ni và Phật tử tu tập với 4 thời trì tụng chú Đại bi, kinh Châu Báu và Từ Bi kinh, cùng với 3 thời thiền mỗi ngày. Đàn tràng hoàn mãn vào ngày 14 trong niềm hoan hỷ và đầy năng lượng yêu thương. Để giúp những gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong khu vực xã Nam Cát Tiên có một cái Tết thêm phần ấm áp, no đủ, Thiền viện đã trao tặng những phần quà được dâng cúng Tam bảo trong Đàn tràng. Ngoài ra, tất cả Phật tử đạo tràng đều nhận được những nhu yếu – phẩm thực gia trì từ đàn tràng, như một ân phước an lành vào ngày đầu xuân.
Nối tiếp theo đó, ngày 15al là ngày cúng hội định kỳ được tổ chức hàng tháng tại Thiền viện. Tuy nhiên, Rằm tháng Giêng là một trong Rằm lớn nhất trong năm. Dân gian thường có câu “Lễ Phật quanh năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng”.
Nhiều Phật tử đã đến chùa sớm, người phụ bếp, người quét rác,…mỗi người một việc, ai ai cũng vui vẻ, nhiệt tình. Đã từ lâu, đối với những người dân lam lũ nơi vùng thôn quê này, Thiền viện không chỉ là một nơi để họ tìm về nương tựa tâm linh mà nó còn là một phần trong đời sống của họ. Cho dù tất tả, chạy ngược chạy xuôi theo dòng chảy cuộc đời họ cũng trở về Chùa đặc biệt là những ngày đầu năm, ngày của sum vầy, đoàn tụ, trở về với cội nguồn.
Đúng 9h30, Chư Ni cùng Phật tử nhất tâm kính lễ Tam Bảo, khai kinh Dược sư, hưởng ứng tinh thần toàn cầu hồi hướng cầu an cho những bệnh nhân mắc Covid 19 sớm khỏe mạnh và cầu siêu cho những người không may mắn qua đời do dịch bệnh. Nhiếp tâm cùng lời kinh tiếng kệ, hoà âm tư tưởng lành mang lại cho Phật tử những giây phút bình an đích thực ngay trong hiện tại nhân dịp đến chùa đầu năm.
Tiếp theo đó là nghi thức cúng hội truyền thống Khất sĩ, Phật tử tác bạch cúng dường phẩm thực dâng lên Chư Ni. Để đáp lại tấm lòng thành kính đó, toàn thể Chư Ni đọc kinh chú nguyện, Ni sư trụ trì có đôi lời pháp nhủ, cầu chúc cho quý Phật tử tinh tấn, khỏe mạnh, an vui và hạnh phúc.
500 phần thức ăn chay được đóng hộp phát cho Phật tử tham dự cúng hội trước khi ra về nhằm phát khởi thiện tâm, giảm bớt sát sanh, bớt nghiệp tạo phước, đồng thời cũng để đảm bảo an toàn cho người dân mùa Covid. Ngày cúng hội kết thúc với tâm trạng hân hoan, rạng rỡ, niềm vui và hạnh phúc của Phật tử xa gần.
Sau ngày Rằm, mọi sinh hoạt lại được diễn ra bình thường, mọi người lại tiếp tục với công việc và học tập. Có thể sau khi trở về nhà họ lại bị cuốn theo bởi những lo toan, những xô bồ của cuộc đời nhưng chắc chắn rằng đâu đó sâu thẳm bên trong mỗi người niềm tin về Tam Bảo, về sự thiện lành sẽ được tăng trưởng bởi sự chia sẻ của tình yêu thương có một sức mạnh vô hình nhưng rất mạnh mẽ.
L. Hiền – TV Pháp Sơn