CHƠN LÝ SỐ 4: THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN

I.

NHƠN DUYÊN sanh ra cõi đời, có mười hai pháp, hằng chuyền níu nhau mãi, do đó chúng sanh mới có, mới khổ, và rồi sau khi có khổ là tấn hóa hay tiêu diệt.

Vô minh sanh ra hành,

Hành sanh ra thức,

Thức sanh ra danh sắc,

Danh sắc sanh ra lục nhập,

Lục nhập sanh ra xúc,

Xúc sanh ra thọ,

Thọ sanh ra ái,

Ái sanh ra thủ,

Thủ sanh ra hữu,

Hữu sanh ra sanh,

Sanh sanh ra tử.

Tử trở lại vô minh mà luân hồi quanh quẩn chịu khổ nhọc.

°                       

Vô minh là không sáng hay là chưa có biết, cũng là cảnh võ trụ; từ khi chưa có tứ đại và chúng sanh, ta không thể biết được. Vô minh sanh ra hành. Hành là nước đất lửa gió chuyển xoay, thành quả địa cầu rung động và thay đổi.

°                       

Hành sanh ra thức. Thức là cái biết, cái sống của chúng sanh.

°                       

Thức sanh ra danh sắc. Danh sắc là tên gọi và sắc thân.

°                       

Danh sắc sanh ra lục nhập. Lục nhập là sắc thinh hương vị xúc pháp nơi ngoài, thức trong xúc đối tượng sanh mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý.

°                       

Lục nhập sanh ra xúc. Xúc là sự xúc đối, xúc động, cảm xúc, xúc giác, xúc tiếp của giữa căn và trần.

°                       

Xúc sanh ra thọ. Thọ là ưa chịu, là thức do căn mà nhiễm trần.

°                       

Thọ sanh ra ái. Ái là thương yêu tríu mến lục trần, lục căn và chúng sanh các pháp.

°                       

Ái sanh ra thủ. Thủ là cất lấy giữ gìn.

°                       

Thủ sanh ra hữu. Hữu là có, cho là thiệt, có hoài hoài.

°                       

Hữu sanh ra sanh. Sanh là sanh sản, nảy nở, chế biến tạo thêm.

°                       

Sanh sanh ra tử. Tử là thay đổi chết mất, tàn, tiêu, không không diệt bỏ, tan hoại.

Sau đó chúng sanh trở lại nữa, quanh quẩn trong bao nhiêu công việc, loay hoay chịu khổ nhọc mà không công, đành sống trong chiêm bao hình bóng, ban đêm lo sợ, chẳng biết đi đâu, ở đâu ra sao. Cũng như cá cạn ở ao không đường lui tới, mặc cho may rủi, tôi mọi cho quỉ ma vậy.

II.

Đó là mười hai nhơn duyên của tứ đại, còn đây là mười hai nhơn duyên của chúng sanh:

VÔ MINH là thuở chưa có thai, chưa biết được. Sanh ra HÀNH là sự giao hiệp. Sanh ra THỨC là cái biết, cái sống trong thai bào. Sanh ra DANH SẮC là tên gọi và sắc thân. Sanh ra LỤC NHẬP là sắc thinh hương vị xúc pháp, nhập vào sáu căn lúc mới sanh. Sanh ra XÚC là sự cảm xúc, xúc tiếp, xúc động, xúc giác, xúc đối. Sanh ra THỌ là ưa chịu, muốn ham. Sanh ra ÁI là thương yêu tríu mến kẻ khác. Sanh ra THỦ là lấy giữ vợ chồng làm của riêng, ích kỷ, tư lợi, thói xấu. Sanh ra HỮU là có thai, có gia đình riêng tư, có tham sân si độc ác, có sự nghiệp, cái có cho mình. Sanh ra SANH là sanh con nẩy cháu, sanh thêm tội ác, nghề nghiệp chơi bời khổ trược. Sanh ra TỬ là chết mất tiêu diệt, không không, bởi các sự sanh mà mau chết mất; càng sanh hóa, càng tiêu hoại đổi thay để mà chịu khổ nhọc. Đồ bể sắm thêm, thất bại thì làm lại, cứ mãi xoay tròn như thế trong sự dốt nát vô minh. Chết rồi chỉ biết cõi đời có bấy nhiêu, đi nhập thai sanh lại nữa.

Sống để rồi chết, chết để rồi sống, cam chịu luân hồi, chẳng hiểu sao thiệt giả; làm ăn, học hành, nghề nghiệp, danh lợi, tình yêu, giành giựt, cướp bóc, chen đua trong vật chất để mua lấy cái sống tạm không chừng; cầu cho được vui hay êm sướng, tới đâu hay đó, chẳng hề biết đầu trên chân dưới, thiện ác ra sao! Hễ cái chi vừa ý thì chen chúc chui vào, bất phân phải quấy, khổ để chịu khổ, kham chịu cho là số phận hoặc tại thần quyền ám muội.

III.

Lại nữa, cái khổ vô lý của chúng sanh là sự mảng lo nuôi sống chơi bời, cho mình hay giỏi tốt đẹp, học tập chữ tiếng, tự cao chấp tuổi mà đành chịu dốt nát VÔ MINH, không chịu tầm tõi, quán xét, ngó trước xem sau. Hiện tại nay lần mai lựa, đến đâu hay đó, không thông chơn lý, chẳng biết lấy mình, mờ mịt trong bóng tối. Thôi thì cứ lần mò mà HÀNH ma tác quái, nhào lộn trong cái khổ múa xoay thở mệt, cố an ủi phủi quên để nuôi giấc mộng, đặng mà ngủ cứ ngủ, vui chịu sự hành hạ, lại càng tự thị tài sức, trí THỨC mưu mô, nương theo DANH SẮC, hình đẹp bóng xinh, tiếng tăm thanh dịu, mùi vị ngon thơm, vật chất bóng mịn, cố chấp mong cầu, để cho sáu căn thâm nhập, gọi là LỤC NHẬP. Càng tiếp XÚC vật chất càng sanh THỌ chịu, lấy tham sân si làm của cải, gọi thân khẩu ý là ta, nên luyến ÁI không rời. Lấy giữ chúng sanh làm quyến thuộc mà THỦ giữ mãi, chấp là có HỮU. Thay đi đổi lại, có vẫn có hoài, thế mới SANH đi sanh lại. Đến TỬ chết rồi, không quen chỗ vắng cảnh không, nhớ người nhớ vật, khổ ý phải nhập thai, luân hồi mãi mãi, chỉ biết có bấy nhiêu, thả trôi theo nguồn dục vọng, mặc cho cái thức nổi chìm.

Có kẻ lại vì quá tham sanh mà nhẫn tâm tàn bạo, đến nỗi phải bị khổ điên, tiêu diệt luôn cái thức, tử rồi mất luôn. Cũng có kẻ mãi giữ gìn, chấp có cuộc đời, chôn chết cái thức trong trần, đến khi tỉnh ngộ biết ra cái sống chơn thật chủ nhơn, liền chết bỏ cái ta giả dối, chết bỏ cái sở chấp mà yên lặng nín nghỉ, vào cõi chơn như tịch diệt Niết-bàn. Sanh như thế tức là sự sanh sống bằng tinh thần. Tử như vậy là chết bỏ vật chất của bậc giác ngộ, mới là dứt khổ.

IV.

Sự luân hồi xoay đi lộn lại, nào biết ai là lớn nhỏ, ai là trước sau, cứ mãi bám níu lấy nhau, lăn tròn chóng mặt. VÔ MINH không biết lại là trụ cốt. HÀNH ác tức cây căm xe chỉ xuống THỨC, thức mới tiến lên DANH SẮC, LỤC NHẬP, XÚC, THỌ và ÁI, ái là trên cao. Ái chúng sanh bình đẳng chơn chánh thì lên đến trí huệ, vào ở chơn như làm Phật, bay bổng khỏi bánh xe khổ là luân hồi. Còn trái lại, nếu ái dục tình thì ích kỷ độc ác, nặng nề dính chặt, phải rớt lộn trở xuống THỦ, HỮU, SANH, TỬ. Tử rồi còn thức nhập thai sanh danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái trở lại.

Cái vòng khổ ấy, càng vô minh tối tăm càng hành ác vận chuyển. Chúng sanh như con mọt đeo theo trụ cốt vô minh mà phải điên đầu rối óc. Có kẻ níu lấy cây căm hành mà phải bị rớt té chơi vơi, lộn ruột. Người mà ôm chặt vành xe là thức, danh sắc, lục nhập, ái, thủ, hữu, sanh, tử thì phải bị chết dẹp tan hình; ấy là kẻ mãi sanh, sanh tội ác, khi chết rồi lại diệt, diệt tiêu.

Vậy ta nên nhớ rằng: Ái chúng sanh là hành thiện đến trí huệ vào chơn như, ngôi giác mãn, sống đời đời không khổ. Còn ái dục tình vạy tà là hành ác đến vô minh, vào vọng động, hạng si mê, chết tiêu diệt, chẳng chút vui.

V.

Thật vậy, nếu lấy trí huệ làm trụ cốt, hành thiện làm căm xe, chơn như làm vành bánh thì tức là bánh xe pháp. Chúng sanh sẽ được cỡi phía trên, sáng chói vui chơi bay nhẹ, hơn là lấy vô minh làm trụ cốt, hành ác làm căm xe, vọng làm vành bánh mà phải chịu thảm hình.

Trong bánh xe vô minh luân hồi phải chịu tám khổ lớn: sanh, già, bệnh, chết, cầu muốn không được, thương yêu xa lìa, thù ghét gặp gỡ, ngũ uẩn thạnh hành cả muôn điều khổ.

Còn trong bánh xe trí huệ Niết-bàn lại có tám đạo: thấy chánh, suy gẫm chánh, nói chánh, làm chánh, nuôi sống chánh, siêng năng chánh, niệm tưởng chánh, yên định chánh, thảy hưởng toàn vui.

Vô minh ví như cuồn dây rối, càng cựa quậy càng trói buộc mình, chẳng biết đầu đuôi. Trí huệ như gươm huơi cắt đứt chỉ mành, đuôi đầu đều rã đoạn. Trí huệ là đứng ngừng nín nghỉ, thanh nhàn an tịnh. Vô minh là chạy nhảy nói làm, cấu trược ồn ào, mệt nhọc không công. Suốt trọn đời quây múa giễu trò, khi đến chết còn mê muội sợ sệt, dầu tỉnh ra cũng đã trễ rồi, mong cầu kiếp khác, chưa biết ra sao!

Thế mới biết rằng: trần thế khói bụi mịt mờ, gió mưa lạnh lẽo, khổ chịu tự mình, khó than cùng chồng vợ, cha con, quyến thuộc, có miệng mà chẳng kêu cứu được với ai ai.

VI.

Một đứa trẻ con ở trong bụng mẹ VÔ MINH bị các sự HÀNH động bên ngoài mà sanh THỨC biết, có thức mới tượng DANH SẮC, có danh sắc mới biến thành LỤC NHẬP mà chun ra ngoài. Lần lần ba tuổi có XÚC, lớn lên sáu tuổi có THỌ, mười hai tuổi mới sanh ÁI. Ái của người nhỏ là trong sạch chơn chánh. Mười hai tuổi biết thương gia đình. Ba mươi tuổi biết thương xã hội. Bốn mươi tám tuổi biết thương cả chúng sanh. Ái tình quí báu cao thượng ấy mà nảy nở đúng như vậy tức là bác ái đại đồng, từ bi vô lượng sẽ thành Phật.

Người là lòng thương yêu gia đình. Trời là lòng thương yêu xã hội. Phật là lòng thương xót cả chúng sanh. Các bậc ấy thảy quên mình mà biết cho kẻ khác, nên muôn loại thảy kính vì. Trái lại vì lòng tư kỷ, tham vui mê muội, gây ái tình nhục dục, tức là đi xuống hố si ngây, đem mình chôn sâu trong địa ngục hắc ám để chịu sự đau khổ không ngừng, lần hồi diệt tận, khó nỗi ngồi yên. Thế mới biết rằng chữ ÁI là quí báu nhứt, mà cũng độc hại nhứt của chúng sanh.

Từ vô minh đến tử là con đường tấn hóa từ địa ngục đến Niết-bàn. Từ khi chưa có đến có vĩnh viễn, hay cũng là con đường bị cắt đứt giữa chừng, chúng sanh vừa tấn hóa lại phải bị thụt lùi tan hoại. Sự cắt đứt ấy là lưỡi gươm ái hay gọi suối vàng, là chỗ chôn người. Cũng gọi chữ ái là tòa sen, hay cụm mây, chiếc xe đưa chúng sanh mau về cõi Phật.

Từ vô minh đến hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái là nửa chặng đường, nơi ấy chia hai nẻo:

a. Ái chúng sanh, từ bi, bác ái là đi tới thủ lấy, lấy sự thiện giúp đời; hữu là có ích lợi cho chúng sanh tấn hóa. Sanh là sanh nảy các pháp môn phương tiện của trí huệ độ người. Sau rốt đến tử là nhập diệt, chơn như, Niết-bàn, hưu trí.

b. Ái tình dục thì quẹo bên trái, mà đến thủ là lấy, lấy sự ác; hữu là có, có cái nghiệp vô ích tội lỗi. Sanh là sanh mưu sâu kế độc, quả báo dẫy đầy, đến nỗi khi chết, phải khổ điên cùng tiêu diệt.

Vậy muốn dứt luân hồi khổ hắc ám thì chúng ta phải học, tầm tòi quán xét cho rõ nhơn duyên, dùng trí huệ ấy cắt đứt ái dục tình, đi ngay nẻo phải, xua ánh sáng dẹp bóng vô minh, phá tan hành ác để cho cái thức được tỉnh táo, đi theo bát chánh đạo, hưởng yên vui thiệt thọ.

Trí huệ thì hành thiện, thức thiện, danh sắc thiện, lục nhập thiện, xúc thiện, thọ thiện, ái thiện, thủ thiện, hữu thiện, sanh thiện, tử thiện là Niết-bàn.

Còn vô minh là hành ác, thức ác, danh sắc ác, lục nhập ác, xúc ác, thọ ác, ái ác, thủ ác, hữu ác, sanh ác, tử ác là luân hồi hay tiêu diệt.

Khởi đầu tại vô minh hay trí huệ rồi thì nó kéo dài mãi mãi, một trong hai đường. Vậy trí huệ là sự hiểu trắng, sáng suốt. Trí huệ thì không có hành, không hành đâu có thức, không thức đâu có danh sắc, không danh sắc đâu có lục nhập, không lục nhập đâu có xúc, không xúc đâu có thọ, không thọ đâu có ái, không ái đâu có thủ, không có thủ đâu có hữu, không hữu đâu có sanh, không sanh đâu có tử, không tử đâu có vô minh luân hồi khổ.

Lại nữa, chúng sanh từ khi đã có biết rồi, vì sợ tử mới tham sanh, muốn sanh phải chấp hữu, giữ hữu là phải thủ, lấy thủ là phải ái, muốn ái phải thọ, muốn thọ phải xúc, muốn xúc phải lục nhập, muốn lục nhập phải nương danh sắc, muốn có danh sắc phải tập thức, muốn có thức phải hành, muốn có hành phải vô minh; giả bộ mắt ngơ tai điếc, làm tuồng ngu dại dốt nát ngây khờ, không cần đen trắng, miễn sống tạm qua ngày, no bụng sướng miệng thì thôi, chẳng phân chia phải quấy, làm như sâu mọt đục phá cây trần.

Mười hai nhơn duyên do sự tập lần mà có, nên gọi là nhơn duyên tập, tự nơi sự tấn hóa của mỗi người; kẻ bắt dưới đi lên, người bắt đầu trên đi xuống. Mười hai nhơn duyên ấy tức là một cái vòng tròn, hay cũng là một con đường dài đến Niết-bàn hay đến địa ngục, cũng gọi chiếc thang mười hai nấc, để lên lầu cao hay xuống hố thẳm, là sự còn mất, khổ vui của chúng sanh.

VII.

Mười hai nhơn duyên cũng ví như một đám rừng có mười hai cửa, như một bánh xe có mười hai cây căm, động một cây là động tất cả, vào một cửa là vào trọn trong rừng. Trong một nhơn duyên sẵn chứa mười một nhơn duyên khác, dính nhau như dây xích liên hoàn, chúng sanh vừa chạm phải một mắc là đã bị quấn đeo. Thật vậy, chúng sanh khi đã vướng vào thì mãi quanh quẩn xoay tròn chóng mặt, không biết phương nào giải thoát, vĩnh kiếp không ngừng. Nhưng nếu may mà nhờ sự biết thương yêu nhau trong cảnh cùng khổ, đồng thời chung hiệp cùng nhau tìm xét học hỏi, mới cắt đứt được xích xiềng, khai vẹt cửa ngục, thoát ra khỏi chết.

Mười hai nhơn duyên tức là mười hai đạo để tới địa ngục, hoặc đến thiên đường hay vào trong cõi Phật. Cũng là mười hai địa ngục (ác), mười hai thiên đường (thiện), hay mười hai cõi Phật (huệ). Mười hai nhơn duyên của chúng sanh tức là mười hai chứng bịnh, tật xấu, tánh mê, mà cũng do đó mới có mười hai thứ thuốc hay, nết tốt, tánh giác.

Chúng ta ai cũng có riêng một sở chấp, thói quen trong mười hai nhơn duyên ấy. Vậy nên chúng ta muốn hết khổ luân hồi thì tùy sự xét thấy mình ở cửa nào, hãy lui ra khỏi cửa đó, quay đầu lại là xong, chớ đừng mãi đi tới và luồng tuông để chịu khốn họa. Nắm lấy mười hai nhơn duyên đi tới thì càng vọng động khổ sở, bằng buông tháo trở lại thì càng chơn như vui sướng, miễn giác ngộ là thấy được đường.

Thế mới biết rằng: trí huệ là lưỡi gươm thần huơi múa phân tách ra và gom hiệp lại, để cắt đứt tuyệt các pháp khổ sầu, diệt trừ phiền não. Trí huệ cũng là lửa sáng, dẹp tan bóng tối vô minh cùng thiêu đốt cả cỏ, cây, người, thú, ma, trời, địa ngục. Cũng như chiếc cầu cao đưa ta qua biển ái, như cặp cánh để ta bay khỏi chuồng lồng, như đám mưa dẹp tan cát bụi, như chiếc bè vớt kẻ chìm sâu, như mái nhà che ta mưa nắng.

Trí huệ là bến bờ giác, cũng tức là cặp mắt sáng của cuộc đi đường dài, cũng là mặt trời mặt trăng của muôn loại; không có nó muôn loài khó sống, cái sống mà ai cũng muốn hết. Chính Niết-bàn mới là cái sống chơn như chắc thiệt vĩnh viễn mà thôi. Cái sống ấy như hột sen khô cất để đời đời, khác hơn cái sống của chúng sanh là hột còn non nớt. Có khi vì cảnh quá khổ điên của địa ngục dốt nát vô minh mà hư rã như hột sình thúi; chớ như cái thân vỏ mộng này còn mất có tiếc chi; người trí dùng nó để che tạm cho cái hột kia mau già cứng vậy.

Cái chết ai cũng sợ, nhưng thân chết không có mất, chớ cái biết chết là mất luôn. Vậy cái biết của ta phải cho già cứng, đừng để non thúi sâu ăn. Cái khổ là con sâu, ác gian là chất thúi. Cái biết, cái sống, ta phải nuôi nó vĩnh viễn trường tồn để sống một cách yên vui bình tĩnh.

VIII.

THỨ LỚP CỦA NHƠN DUYÊN

NƠI LOÀI NGƯỜI

1.

Vô minh là địa ngục, tứ đại mới hiệp thành cho đến khi một tuổi (chưa có biết sáng).

2.

Hành là ngạ quỉ, cây cỏ, từ một tới sáu tuổi (chỉ có thọ cảm đói khát tham lam).

3.

Thức là súc sanh, thú vật, từ sáu tuổi tới mười hai tuổi (chỉ có tư tưởng hơn thua sân giận).

4.

Danh sắc là A-tu-la, ác thần, từ 12 tới 18 tuổi (chỉ có hành ác si mê).

5.

Lục nhập là Nhơn, người, từ 18 tới 24 tuổi (có hành thiện lòng nhơn).

6.

Xúc là Thiên, trời, từ 24 tới 30 tuổi (có trí hóa biết điều thiện, cảm xúc).

7.

Thọ là Nhập Lưu, Tuđàhườn, từ 30 tới 36 tuổi (cư sĩ, biết ưa đạo).

8.

Ái là Nhứt Vãng Lai, Tư-đà-hàm, từ 36 tới 42 tuổi (có lòng từ bi thương xót chúng sanh).

9.

Thủ là Bất Lai, A-na-hàm, từ 42 tới 48 tuổi (nắm giữ đạo không lìa, xuất gia giải thoát).

10.

Hữu là Vô Sanh, A-la-hán, từ 48 tới 54 tuổi (có cái sống chắc thật).

11.

Sanh là Duyên Giác, Bíchchi, từ 54 tới 60 tuổi (sanh trí huệ, các pháp giác ngộ nơi thanh tịnh).

12.

Tử là Bồ-tát, Giác tha, từ 60 tới 66 tuổi (chết bỏ ta mà lo cho người).

Và từ 66 tới 72 là Như Lai (hưu trí, nín nghỉ, trở lại chơn như).

Qua khỏi 72 là Niết-bàn trọn vẹn (chết bỏ đạo đời, tắt nghỉ trọn vẹn). Đó là nhơn duyên tấn hóa từng trình độ pháp, theo tuổi của người. Ai sống y như thế tức là tu, sẽ đắc đạo, kết quả trong kiếp một không sai. Muốn biết rõ cách tu của từng hạng bực ấy, ta cần học giới luật, vì giới luật là chỗ ở của tất cả chúng sanh; mà nơi bài này ta cần phải biết nguồn gốc chúng sanh là do nhơn duyên tập trước đã! Quan hệ nhứt là chữ ái chia tẻ hai đường: người đứng trên chữ ái là chư Phật, kẻ nằm dưới chữ ái là chúng sanh. Điều đó đáng cho chúng ta thận trọng!

IX.

NHƠN VÀ QUẢ CỦA MƯỜI HAI NHƠN DUYÊN

1.

Vô minh, hành là nhơn quá khứ.

2.

Thức, danh sắc, lục nhập là quả hiện tại.

3.

Xúc, thọ, ái, thủ, hữu là nhơn hiện tại.

4.

Sanh, tử là quả vị lai.

Chúng sanh bởi từ kiếp trước vô minh, hành ác, gây nhơn nên mới phải nhập thai sanh thức, danh sắc, lục nhập là kết quả hiện tại mới có thân hình. Bởi có thân hình mới có xúc, thọ, ái, thủ, hữu là gây nhơn hiện tại, để chịu sanh tử đời sau là quả vị lai khổ não.

Vậy muốn không quả vị lai: sanh, tử, khổ thì đừng có nhơn hiện tại: xúc, thọ, ái, thủ, hữu.

Muốn không nhơn hiện tại thì phải không quả hiện tại: thức, danh sắc, lục nhập.

Muốn không quả hiện tại thì phải dứt trừ nhơn quá khứ: vô minh, hành.

Đã là nhơn quá khứ qua rồi thì đâu có trừ dứt gì được, âu là chúng ta hôm nay, muốn sau này không còn khổ của sanh tử thì phải ráng mở mang trí huệ để trừ vô minh. Tập hành thiện để dứt bỏ hành ác thì vòng luân hồi mới được sáng trưng, ngừng nghỉ là Niết-bàn, và không còn tám vạn khổ mà hưởng được tám vạn đạo yên vui, giác ngộ chơn như không còn sanh tử tức là Phật.

Diệt dứt luân hồi thì khổ sẽ hết.