Chương Tám Pháp – 9. Phẩm Niệm
(I) (81) Niệm
1. – Khi chánh niệm, tỉnh giác không có, này các Tỷ-kheo, với người không có chánh niệm, tỉnh giác, tàm quý đi đến hủy diệt. Khi tàm quý không có, này các Tỷ-kheo, với người thiếu tàm quý, chế ngự các căn đi đến hủy diệt. Khi chế ngự các căn không có, với người thiếu chế ngự các căn, giới đi đến hủy diệt. Khi giới không có, với người thiếu giới, chánh định đi đến hủy diệt. Khi chánh định không có, với người không có chánh định, tri kiến như thật đi đến hủy diệt. Khi tri kiến như thật không có, với người thiếu tri kiến như thật, nhàm chán, ly tham đi đến hủy diệt. Khi nhàm chán, ly tham không có, với người thiếu nhàm chán, ly tham, giải thoát tri kiến đi đến hủy diệt. Ví như, này các Tỷ-kheo, một cây không có cành và lá, các mầm non của cây ấy không đi đến thành mãn, vỏ cây, giác cây, lõi cây không đi đến thành mãn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, khi chánh niệm, tỉnh giác không có, với người không có chánh niệm, tỉnh giác tàm quý đi đến hủy diệt… giải thoát tri kiến đi đến hủy diệt.
2. Khi chánh niệm, tỉnh giác có mặt, với người có chánh niệm, tỉnh giác, tàm quý đi đến đầy đủ. Khi tàm quý có mặt, này các Tỷ-kheo, với người đầy đủ tàm quý, chế ngự các căn, đi đến đầy đủ. Khi chế ngự các căn có mặt, với người đầy đủ chế ngự các căn, giới đi đến đầy đủ. Khi giới có mặt, với người đầy đủ giới, chánh định đi đến đầy đủ. Khi chánh định có mặt, với người đầy đủ chánh định, tri kiến như thật đi đến đầy đủ. Khi tri kiến như thật có mặt, với người đầy đủ tri kiến như thật, thời nhàm chán, ly tham đi đến đầy đủ. Khi nhàm chán, ly tham có mặt, với người đầy đủ nhàm chán, ly tham, giải thoát tri kiến đi đến đầy đủ. Ví như, này các Tỷ-kheo, một cây có cành và lá, các mầm non và lõi cây đi đến thành mãn, vỏ cây, giác cây và lõi cây đi đến thành mãn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, khi chánh niệm, tỉnh giác có mặt, với người đầy đủ chánh niệm, tỉnh giác… giải thoát tri kiến đi đến đầy đủ.
(II) (82) Tôn Gỉả Punniya
1. Rồi Tôn giả Punniya đi đến Thế Tôn, sau khi đến… Ngồi xuống một bên, Tôn giả Punniya bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, do nhân gì, do duyên gì, có khi Thế Tôn thuyết pháp, có khi Thế Tôn không thuyết pháp?
2. – Này Punniya, Tỷ-kheo có lòng tin, không đi đến yết kiến, Thế Tôn không có thuyết pháp. Khi nào Tỷ-kheo có lòng tin và đi đến yết kiến, như vậy Thế Tôn có thuyết pháp. Này Punniya, Tỷ-kheo có lòng tin, có đi đến yết kiến, nhưng không có hầu hạ, có hầu hạ nhưng không hỏi… có hỏi nhưng không lóng tai… có lóng tai nghe pháp, nhưng nghe pháp không có thọ trì… nghe pháp có thọ trì nhưng không suy nghĩ đến ý nghĩa các pháp được thọ trì… có suy nghĩ các pháp được thọ trì, nhưng sau khi biết nghĩa, sau khi biết pháp, không thực hành pháp và tùy pháp. Thế Tôn không thuyết pháp. Khi nào, này Punniya lòng tin , có đi đến yết kiến, có hầu hạ, có hỏi, có lóng tai nghe, có thọ trì pháp, có suy tư ý nghĩa các pháp được thọ trì, sau khi biết nghĩa, sau khi biết pháp, thực hành pháp và tùy pháp, như vậy, Như Lai có thuyết pháp.
Thành tựu những pháp này, này Punniya, nhất định Như Lai thuyết pháp.
(III) (83) Cội rễ Của Sự Vật
1. – Này các Tỷ-kheo, nếu các du sĩ ngoại đạo đến hỏi: “Thưa Hiền giả, tất cả pháp lấy gì làm căn bản? Tất cả pháp lấy gì làm sanh khởi? Tất cả pháp lấy gì làm tập khởi? Tất cả pháp lấy gì làm chỗ tụ hội? Tất cả pháp lấy gì làm thượng thủ? Tất cả pháp lấy gì làm tăng thượng? Tất cả pháp lấy gì làm tối thượng? Tất cả này pháp lấy gì làm lõi cây?” Được hỏi vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy trả lời các du sĩ ngoại đạo ấy như thế nào?
2. – Bạch Thế Tôn, đối với chúng con, các pháp lấy Thế Tôn làm căn bản, lấy Thế Tôn làm lãnh đạo, lấy Thế Tôn làm chỗ nương tựa. Lành thay, Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết ý nghĩa lời nói này. Sau khi nghe Thế Tôn, các Tỷ-kheo sẽ thọ trì.
– Vậy này các Tỷ-kheo, hãy nghe và khéo tác ý, Ta sẽ giảng.
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
3. – Này các Tỷ-kheo, nếu các du sĩ ngoại đạo có hỏi như sau: “Thưa Hiền giả, tất cả pháp lấy gì làm căn bản? Tất cả pháp lấy gì làm sanh khỏi? Tất cả pháp lấy gì làm tập khởi? Tất cả pháp lấy gì làm chỗ tụ hội? Tất cả pháp lấy gì làm thượng thủ? Tất cả pháp lấy gì làm tăng thượng? Tất cả pháp lấy gì làm tối thượng? Tất cả này pháp lấy gì làm lõi cây?” Được hỏi vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy trả lời như sau: “Này chư Hiền, các pháp lấy dục làm căn bản. Tất cả pháp lấy tác ý làm sanh khởi. Tất cả pháp lấy xúc làm tập khởi. Tất cả pháp lấy thọ làm chỗ tụ hội. Tất cả pháp lấy định làm thượng thủ. Tất cả pháp lấy niệm làm tăng thượng. Tất cả pháp lấy tuệ làm tối thượng. Tất cả pháp lấy giải thoát làm lõi cây”. Được hỏi như vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy hãy trả lời cho các du sĩ ngoại đạo ấy như vậy.
(IV) (84) Đại Ăn Trộm
1. – Thành tựu tám chi phần, này các Tỷ-kheo, người ăn trộm lớn mau chóng đi đến đường cùng, không tồn tại lâu dài. Thế nào là tám?
Đập người không đập, lấy trộm không để lại cái gì, giết nữ nhân, hiếp dâm thiếu nữ, xâm phạm người xuất gia; xâm phạm ngân khố của vua; làm việc quá gần nhà, và không khéo cất giấu.
Thành tựu tám chi phần này, này các Tỷ-kheo, người ăn trộm lớn mau chóng đi đến đường cùng, không tồn tại lâu dài.
3. Thành tựu tám chi phần, này các Tỷ-kheo, người ăn trộm lớn không mau chóng đi đến đường cùng, tồn tại được lâu dài. Thế nào là tám?
4. Không đập người không đập, lấy trộm có để lại cái gì, không giết nữ nhân, không hiếp dâm thiếu nữ; không xâm phạm người xuất gia, không xâm phạm ngân khố của vua, không làm việc quá gần nhà, và khéo léo cất giấu.
Thành tựu tám chi phần này, này các Tỷ-kheo, một người ăn trộm không mau chóng đi đến đường cùng, tồn tại được lâu dài.
(V) (85) Người Sa Môn
1. – Sa-môn, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác. Bà-la-môn, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác. Bậc Chánh trí, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác. Dược sư là đồng nghĩa với Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác. Bậc Ly cấu, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác. Bậc Có trí, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác. Bậc Giải thoát, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác.
Sa-môn đạt được gì,
Phạm chí thành mãn gì,
Bậc Chánh trí đạt gì,
Bậc Dược sư vô thượng,
Bậc Ly cấu đạt gì.
Bậc Vô cấu thanh tịnh,
Bậc Trí đạt được gì,
Bậc Giải thoát vô thượng.
Trong chiến trận Ta thắng,
Giải thoát khỏi triền phược,
Voi tối thượng nhiếp phục,
Ta, vô học, tịch tịnh.
(VI) (86) Đảnh Lễ
1. Một thời, Thế Tôn đang bộ hành giữa dân chúng Kosala với chúng Tỷ-kheo, đi đến một làng Bà-la-môn của dân chúng Kosala tên là Icchànangala. Tại đấy, Thế Tôn trú ở Icchànangala, tại khu rừng Icchànangala.
2. Các Bà-la-môn gia chủ trú ở Icchànangala được nghe: “Sa-môn Gotama là Thích tử, xuất gia từ dòng họ Thích-ca, nay đã đến Icchànangala, trú ở Icchànangala, tại khu rừng Icchànangala, những tiếng đồn tốt đẹp sau đây được truyền đi về Sa-môn Gotama: “Ngài là bậc Thế Tôn, A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn… Lành thay, nếu được yết kiến một bậc A-la-hán như vậy.” Rồi Bà-la-môn gia chủ sau khi đêm ấy đã mãn, đem theo rất nhiều đồ ăn loại cứng và loại mềm, đi đến Icchànangala, sau khi đến, đứng tại ngoài cửa nói lớn tiếng làm ồn ào.
3. Lúc bấy giờ, Tôn giả Nàgita là thị giả của Thế Tôn. Rồi Thế Tôn bảo Tôn giả Nàgita:
– Này Nàgita, những ai lớn tiếng, cao tiếng như những hàng cá, với đống cá lớn?
– Các người ấy, bạch Thế Tôn là các Bà-la-môn gia chủ ở Icchànangala đang đứng ở ngoài cổng vào, đem theo rất nhiều đồ ăn loại cứng và loại mềm cho Thế Tôn và chúng Tăng.
– Này Nàgita, Ta không có liên hệ gì với danh vọng, và danh vọng không có liên hệ gì với Ta. Này Nàgita, những ai tìm được có khó khăn, tìm được có mệt nhọc, tìm được có phí sức an ổn lạc, viễn ly lạc, an tịnh lạc, chánh giác lạc mà Ta đã tìm được không khó khăn, tìm được không mệt nhọc, tìm được không phí sức, hãy để họ thọ hưởng lạc như phân, thụy miên lạc, lợi dưỡng, cung kính, danh văn lạc ấy.
– Bạch Thế Tôn, nay Thế Tôn hãy chấp nhận! Thiện Thệ hãy chấp nhận. Bạch Thế Tôn, nay là thời Thế Tôn chấp nhận. Thế Tôn sẽ đi đến chỗ nào, tại chỗ ấy, các Bà-la-môn gia chủ ở thị trấn và ở quốc độ cũng sẽ đi đến với tâm hướng về Ngài. Ví như trời mưa nặng hạt, và nước mưa được chảy tùy theo chiều dốc. Cũng vậy, bạch Thế Tôn, nay Thế Tôn sẽ đi đến chỗ nào, tại chỗ ấy, các Bà-la-môn gia chủ ở tại thị trấn và quốc độ cũng sẽ đi đến, với tâm hướng về Ngài. Vì sao? Bạch Thế Tôn, do vì giới hạnh và trí tuệ của Thế Tôn.
– Này Nàgita, Ta không có liên hệ với danh vọng và danh vọng không có liên hệ gì với Ta. Này Nàgita, những ai tìm được có khó khăn, tìm được có mệt nhọc, tìm được có phí sức an lạc, viễn ly lạc, an tịnh lạc, chánh giác lạc; còn Ta, Ta đã tìm được không khó khăn, tìm được không mệt nhọc, tìm được không phí sức, hãy để họ thọ hưởng lạc như phân, thụy miên lạc, lợi dưỡng, cung kính, danh văn lạc ấy. Này Nàgita, một số chư Thiên tìm được có khó khăn, tìm được có mệt nhọc, tìm được có phí sức an ổn lạc, viễn ly lạc, an tịnh lạc, chánh giác lạc, mà Ta, Ta đã tìm được không có khó khăn, tìm được không có mệt nhọc, tìm được không có phí sức. Này Nàgita, khi nào các Thầy họp với nhau, tụ hội với nhau, sống an trú chú tâm trong nếp sống hội chúng, thời Ta suy nghĩ như sau: “Thật vậy, các Tôn giả này của Ta tìm được có khó khăn, tìm được có mệt nhọc, tìm được có phí sức an ổn lạc, viễn ly lạc, an tịnh lạc, chánh giác lạc này; còn Ta, Ta đã tìm được không có phí sức an ổn lạc, viễn ly lạc, an tịnh lạc, chánh giác lạc. Cho nên các Tôn giả của Ta mới họp với nhau, tụ hội với nhau, sống an trú chú tâm trong nếp sống hội chúng”.
4. Này Nàgita, khi nào Ta thấy các Tỷ-kheo, chơi giỡn lấy ngón tay đâm thọc nhau. Này Nàgita, Ta suy nghĩ như sau: “Thật vậy, các Tôn giả này của Ta tìm được có khó khăn, tìm được có mệt nhọc, tìm được có phí sức an ổ lạc, viễn ly lạc, an tịnh lạc, chánh giác lạc; còn Ta, Ta đã tìm được… chánh giác lạc. Cho nên các Tôn giả của Ta mới chơi giỡn lấy ngón tay đâm thọc nhau”.
5. Ở đây, này Nàgita, khi Ta thấy các Tỷ-kheo sau khi ăn cho đến thỏa mãn, cho đến bụng có thể chứa được, rồi sống chú tâm vào lạc nằm xuống, lạc về xúc, lạc về ngủ, khi ấy, này Nàgita, Ta suy nghĩ như sau: “Thật sự, các Tôn giả này tìm được có khó khăn, tìm được có mệt nhọc, tìm được có phí sức an ổn lạc, viễn ly lạc, an tịnh lạc, chánh giác lạc; còn Ta thời chứng được không khó khăn, chứng được không mệt nhọc, chứng được không phí sức an ổn lạc, viễn ly lạc, an tịnh lạc, chánh giác lạc; vì rằng các Tôn giả này, sau khi ăn cho đến thỏa mãn, cho đến bụng có thể chứa được, rồi sống chú tâm vào lạc nằm xuống, lạc về xúc, lạc về ngủ”.
6. Ở đây, này Nàgita, khi ta thấy Tỷ-kheo trú ở cuối làng, đang ngồi Thiền định. Này Nàgita, rồi Ta suy nghĩ: “Nay người giữ khu vườn sẽ đến quấy rầy, hay một Sa-di sẽ làm vị ấy từ bỏ Thiền định”. Do vậy, này Nàgita, Ta không hoan hỷ Tỷ-kheo ấy trú ở cuối làng.
7. Ở đây, này Nàgita, Ta thấy một Tỷ-kheo trú ở rừng đang ngồi ngủ gục ở trong rừng. Này Nàgita, Ta suy nghĩ như sau: “Nay Tôn giả này khi đoạn trừ được buồn ngủ và mỏi mệt, sẽ tác ý đến tưởng về rừng và sống nhất tâm”. Do vậy, này Nàgita, Ta hoan hỷ với Tỷ-kheo ấy sống ở trong rừng.
8. Ở đây, này Nàgita. Ta thấy Tỷ-kheo sống ở rừng đang ngồi không Thiền định ở trong rừng. Này Nàgita, Ta suy nghĩ như sau: “Nay, vị Tôn giả này sẽ định tĩnh tâm chưa được Thiền định, và sẽ bảo vệ tâm đã được Thiền định”. Do vậy, này Nàgita, Ta hoan hỷ với Tỷ-kheo ấy sống ở trong rừng.
9. Ở đây, này Nàgita, Ta thấy Tỷ-kheo ngồi Thiền định ở trong rừng. Này Nàgita, Ta suy nghĩ như sau: “Nay Tôn giả này sẽ giải thoát tâm chưa được giải thoát hay sẽ bảo vệ tâm đã được giải thoát”. Do vậy, này Nàgita, Ta hoan hỷ với Tỷ-kheo sống ở trong rừng.
Khi nào, này Nàgita, Ta đi trên đường, không thấy một ai ở phía trước hay ở phía sau, này Nàgita, khi ấy, Ta cảm thấy sảng khoái cho đến vấn đề đại, tiểu tiện.
(VII) (87) Bình Bát
1. – Này các Tỷ-kheo, nếu muốn, chúng Tăng có thể lật úp bình bát của một nam cư sĩ thành tựu tám pháp. Thế nào là tám?
2. Cố gắng đem lại thiệt hại cho các Tỷ-kheo, cố gắng đem lại bất lợi cho các Tỷ-kheo, cố gắng đuổi các Tỷ-kheo không cho trú ở, mắng nhiếc chỉ trích các Tỷ-kheo, làm ly gián giữa các Tỷ-kheo, hủy báng Phật, hủy báng Pháp, hủy báng Tăng.
Này các Tỷ-kheo, nếu muốn, chúng Tăng có thể lật úp bình bát của một cư sĩ thành tựu tám pháp này.
3. Này các Tỷ-kheo, nếu muốn, chúng Tăng có thể lật ngửa bình bát của một nam cư sĩ thành tựu tám pháp. Thế nào là tám?
4. Không cố gắng đem lại thiệt hại cho các Tỷ-kheo, không cố gắng đem lại bất lợi cho các Tỷ-kheo, không cố gắng đuổi các Tỷ-kheo, không cho trú ở, không mắng nhiếc chỉ trích các Tỷ-kheo, không làm ly gián giữa các Tỷ-kheo, tán thán Phật, tán thán Pháp, tán thán chúng Tăng.
Này các Tỷ-kheo, nếu muốn, chúng Tăng có thể lật ngửa bình bát của một nam cư sĩ thành tựu tám pháp này.
(VIII) (88) Phản Đối
1. – Đối với nam cư sĩ thành tựu tám pháp, này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo muốn, có thể nói lời phản đối. Thế nào là tám?
2. Cố gắng đem lại thiệt hại cho các gia chủ, cố gắng đem lại bất lợi cho các gia chủ, nhiếc mắng chỉ triùch các gia chủ, làm ly gián giữa các gia chủ, hủy báng Phật, hủy báng Pháp, phỉ báng chúng Tăng, thấy người ấy tại các chỗ không xứng đáng.
Đối với nam cư sĩ thành tựu tám pháp, này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo muốn, có thể nói lời phản đối.
3. Đối với nam cư sĩ thành tựu tám pháp, này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo muốn, có thể nói lời tùy thuận. Thế nào là tám?
4. Không cố gắng đem lại thiệt hại cho các gia chủ, không cố gắng đem lại bất lợi cho các gia chủ, không nhiếc mắng chỉ trích các gia chủ, không làm ly gián giữa các gia chủ, tán thán Phật, tán thán Pháp, tán thán chúng Tăng, thấy người ấy tại các chỗ xứng đáng.
Đối với nam cư sĩ thành tựu tám pháp này, này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo muốn, có thể nói lời tùy thuận.
(IX) (89) Buộc Tội
1. – Đối với Tỷ-kheo thành tựu tám pháp, này các Tỷ-kheo, nếu chúng Tăng muốn, chúng Tăng có thể làm Yết-ma buộc tội. Thế nào là tám?
2. Cố gắng đem lại thiệt hại cho các gia chủ, cố gắng đem lại bất lợi cho các gia chủ, làm ly gián giữa các gia chủ, hủy báng Phật, hủy báng Pháp, hủy báng chúng Tăng, không thực hiện lời hứa đúng pháp cho các gia chủ.
Đối với Tỷ-kheo thành tựu tám pháp, này các Tỷ-kheo, nếu chúng Tăng muốn, chúng Tăng có thể làm Yết-ma buộc tội.
3. Đối với Tỷ-kheo thành tựu tám pháp, này các Tỷ-kheo, nếu chúng Tăng muốn, chúng Tăng có thể giải tỏa buộc tội Yết-ma. Thế nào là tám?
4. Không cô gắng đem lại thiệt hại cho các gia chủ, không cố gắng đem lại bất lợi cho các gia chủ, không cố gắng ly gián giữa các gia chủ, không hủy báng Phật, không hủy báng Pháp, không hủy báng chúng Tăng, thực hiện lời hứa đúng Pháp cho các gia chủ.
Đối với Tỷ-kheo thành tựu tám pháp, này các Tỷ-kheo, nếu chúng Tăng muốn, chúng Tăng có thể giải tỏa buộc tội Yết-ma.
(X) (90) Hành Xử Đúng Pháp
1. – Này các Tỷ-kheo, với Tỷ-kheo đã bị hành tìm tội Yết-ma, cần phải chơn chánh hành xử với vị ấy, theo tám pháp: Không cho pháp truyền đại giới, không cho vị ấy y chỉ, không cho Sa-di hầu hạ, không cho phép được nói gì với Tỷ-kheo dầu đã chấp nhận, không cho phép giáo giới các Tỷ-kheo-ni, không được hưởng các quyết định của Tăng chúng, không được đặt trong một vị trí đặc biệt nào, không được phép trở lại vị trí cũ bởi bất cứ lý do nào.
Này các Tỷ-kheo, với Tỷ-kheo đã bị hành tìm tội Yết-ma, cần phải chơn chánh hành xử với vị ấy theo tám pháp này.
(X) (90b) Một Số Nữ Cư Sĩ
Bojjhà, Sirimà, Padumà, Sudhanà, Manujà, Uttarà, Muttà, Khemà, Somà Rùpì, Cundì Bimbì, Sumanà, Mallikà, Tissà, mẹ của Tissà, Sonà, mẹ Cunda Sonà, Kànà, mẹ của Kànà, Uttarà, mẹ của Nandà, Visàkhà, mẹ của Migàra, nữ cư sĩ Khujjuttarà và Sàmavatì, Suppavàsà, người thiếu nữ Koliya, nữ cư sĩ Suppiyà, nữ gia chủ mẹ của Nakula.
Nguồn: thuvienhoasen.org