Giới thiệu

I.GIỚI THIỆU KHÁI QUÁT VỀ KHÓA TU THIỀN TUỆ (VIPASSANA)

         Các bậc Tổ Sư thường dạy: “Giải thoát chỉ có thể chứng nghiệm nhờ hành trì thiền định, chứ không thể nào đạt được bằng sự bàn luận trên lý thuyết.” Tham dự các khóa học về thiền nghiêm túc, là cách thức giúp chúng ta nắm bắt được phương pháp thực hành cụ thể để hướng đến giải thoát. Nhờ rèn luyện tu tập từng bước, người hành thiền sẽ dần dần có tâm bình thản và tự mình tìm thấy nghệ thuật sống an vui, sáng tạo và hạnh phúc.

        Trên thế gian này, ai ai cũng mong muốn mình có cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc và chắc chắn không có người nào thích điều bất hạnh, đau khổ. Tuy nhiên, bản chất của sự sống vốn vô thường, luôn luôn thay đổi và không bao giờ vẹn toàn, nên mọi người dù giàu hay nghèo đều cảm thấy đau khổ. Vừa mới chào đời, chúng ta đã phải cất tiếng khóc trước tiên để phấn đấu vươn lên tồn tại. Tùy theo nghiệp lực cá nhân, chúng ta sẽ bị chi phối bởi những hoàn cảnh khó khăn hay đắm nhiễm, và từ đó càng trở nên tham sân, phiền muộn trong cuộc đời. Theo quy luật tự nhiên, loài người phải chung sống với nhau trong mối nhân duyên hỗ tương để sinh tồn, và dĩ nhiên mỗi khi buồn phiền người ta không thể tránh khỏi việc gây tổn thương hay làm mích lòng người xung quanh. Do đó, trong một xã hội có nhiều người đau khổ, thì xã hội ấy sẽ có nhiều hỗn loạn và bạo động. Chính vì thế, dù sống trong bất cứ thời đại nào con người vẫn luôn khao khát tìm kiếm một nghệ thuật sống như thế nào để có thể sống an vui và hòa hợp với nhau.

         Ngược dòng lịch sử, cách đây 26 thế kỷ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã tự thân trải nghiệm con đường giải thoát, giác ngộ. Ngài được tôn xưng như là Bậc Thầy của nhân loại, đã tìm ra phương pháp đoạn tuyệt khổ đau và đạt đươc hạnh phúc tối thượng nhờ thực hành phương pháp thiền Vipassana. Đây là tiến trình chuyển biến tâm lý cá nhân hay thanh tịnh tâm bằng cách tự mình quán chiếu với tuệ giác. Mục tiêu tối hậu của thiền Tuệ là con đường dẫn đến giải thoát mọi ràng buộc ngã chấp xuyên qua sự đoạn trừ tham, sân, si – cội nguồn của khổ đau. Người thực hành thiền Tuệ sẽ tự mình chuyển hóa nội tâm hướng đến cuộc sống an lạc và hài hòa; nhờ vậy họ sẽ góp phần xây dựng đời sống xã hội trở nên lành mạnh, hòa bình và thịnh vượng hơn.

II. NGUỒN GỐC LỊCH SỬ

Thiền Tuệ (vipassana) là một trong những pháp môn Thiền nguyên thủy nhất của đất nước Ấn Độ cổ đại. Đức Phật là người tự mình khám phá (khai mở) lại dòng thiền này và Ngài đã không những hành trì mà còn giảng dạy thiền Vipassana như là phương pháp chính yếu trong suốt 45 năm hoằng Pháp độ sanh. Theo sử Phật, vào thời đức Phật tại thế, nhờ thực hành thiền Vipassana mà hàng ngàn người xuất gia hay tại gia sống tại nước Ấn, đã thoát khỏi những ràng buộc khổ đau trong cuộc đời và đạt sự an vui trong mọi lĩnh vực cuộc sống. Đặc biệt, có vô số bậc thượng căn đã chứng đạt các quả vị Niết Bàn tối thượng. Sau khi Phật nhập diệt, pháp môn thiền này vẫn được lưu truyền thịnh hành tại Ấn Độ mãi cho đến thời vua Asoka, một triều đại Phật Giáo huy hoàng rưc rỡ nhất. Với tinh thần xiễn dương Chánh Pháp nhiệt tâm của Pháp vương Asoka, thiền Vipassana được truyền sang các nước lận cận như: Tích-lan (Sri-lanka), Thái Lan (Thailand), Miến Điện (Burma, còn gọi là Myanmar) v.v… Tuy nhiên thời gian êm đềm trôi đi, thiền Vipassana dần dần bị quên lãng và biến mất khi Phật Giáo hoàn toàn bị diệt vong tại Ấn Độ vào giữa thế kỷ XI và XII.

May mắn thay! Miến Điện là nơi bảo tồn dòng thiền Vipassana từ thế hệ này sang thế hệ khác trong hình thức nguyên thủy thuần túy của nó. Trải qua 2300 năm, các bậc thiền sư của đất nước này đã tận tâm truyền thừa thiền Vipassana theo đúng ý nghĩa chánh Pháp và với khẩu truyền rằng, 25 thế kỷ sau khi Phật diệt độ, thiền Vipassana sẽ được chuyển trao trở lại đúng vị trí ban đầu sản sinh ra nó và từ đây lan truyền khắp nơi trên thế giới. Chính vào thời điểm ấy, tiếng chuông “thiền Tuệ” sẽ ngân vang đến toàn thể nhân loại!

            Hiện nay, thiền Vipassana được xem như là một nghệ thuật sống đem lại nguồn sinh khí tươi vui và hạnh phúc cho mọi người. Điều này biểu hiện thực tiễn qua việc, các trung tâm tu thiền Vipassana được hình thành khắp nơi trên thế giới. Riêng Ấn Độ, dường như các tiểu bang trong nước đều có trung tâm tu thiền Vipassana, mỗi trung tâm đều có chỗ cư trú cho hàng trăm thiền sinh đến tham dự. Thiền Vipassana đã thực sự trở thành kỹ năng sống cho người dân Ấn Độ ngày nay dưới sự xiển dương của Thiền sư nổi tiếng, S.N. Goenka. Các khóa thiền đặc biệt mở ra dành cho giới thương gia, các dòng tu Thiên Chúa và Ấn Giáo v.v… Ngoài ra còn có các khóa thiền trong các trại giam lớn, các trường học và các cơ sở công an. v.v…Tuy thiền Tuệ là phương pháp tỉnh giác trong mỗi lúc, giúp con người hướng đến cuộc sống thánh thiện và hoàn mỹ; nhưng không nên học thiền với cách chạy theo phong trào xu hướng tâm linh. Nếu không nghiêm túc hành trì đúng với lộ trình giải thoát thì học thiền chỉ tạo thêm bản ngã cá nhân, đi ngược lại lý tưởng hạnh phúc và giải thoát cao thượng

III.PHƯƠNG PHÁP HÀNH TRÌ

          Bắt đầu học thiền, tốt nhất chúng ta nên tham dự Khóa Thiền 10 ngày dưới sự hướng dẫn của người tu thiền có kinh nghiệm, vì đọc sách hay tu theo băng thuyết Pháp là một điều liều lĩnh. Mười ngày là thời gian quy định căn bản cho người mới học thiền Tuệ, để có thể thực hành những gì mình học hiểu. Nếu bỏ cuộc giữa chừng hoặc không thực hành trọn đủ mười ngày, thiền sinh sẽ không tìm thấy được lợi ích của thiền Tuệ và nguy hiểm hơn là đánh mất cơ hội chiến thắng chính mình. Trong khóa tu, thiền sinh không được giao tiếp với môi trường bên ngoài, ngay cả điện thoại, thư từ và hoàn toàn tỉnh lặng (tức chánh niệm trong yên lặng hay gọi là tịnh khẩu). Tuy nhiên, thiền sinh có thể tự do trình bày những thắc mắc liên quan trong vấn đề thực hành với người hướng dẫn và các nhu cầu cần thiết với ban hộ Thiền (phục vụ). Ngoài ra, thiền sinh không nên đọc, viết, sử dụng máy ghi âm và hành trì các pháp môn tu tập khác làm cho tâm thức xáo trộn và phân tán tư tưởng trong khi hành thiền; Hơn nữa, nếu thiền sinh không hoàn toàn quy thuận theo nguyên tắc của khóa tu thì việc thực hành sẽ không đem lại kết quả lợi ích đúng pháp. Do đó, thiền sinh được yêu cầu tự giác thực hiện các nội quy sinh hoạt và thời khóa thiền định một cách nghiêm túc.

      Trong khóa tu, phương hướng hành trì là quá trình trau giồi thân tâm trên lộ trình giải thoát: giới, định, tuệ; đây là con đường thực hành duy nhất giúp thiền sinh đột nhập vào dòng tâm thức chuyển hóa vô minh thành trí tuệ. Thiền sinh được hướng dẫn phương pháp thực tập thiền cụ thể theo từng bước của mỗi thời thiền trong ngày, và mỗi tối sẽ có hơn một tiếng nghe giảng giải chánh Pháp qua việc hành thiền. Vào ngày thứ 10, thiền sinh sẽ thực hành Từ bi quán (Metta Bhavana), phương pháp hành trì này giúp thiền sinh phát khởi Bồ-đề tâm, mở rộng lòng yêu thương từ trái tim thuần tịnh vô ngã vị tha đến với tất cả chúng hữu tình. Sau đó, thiền sinh được giao tiếp nói chuyện và sinh hoạt trao đổi trong đời sống bình thường trở lại. Khóa thiền kết thúc vào buổi sáng ngày thứ 11 với sự thực hành tâm từ bi hướng đến tất cả chúng sanh, cầu nguyện sự tu tập thanh tịnh trong suốt khóa tu sẽ được chia sẻ cùng hết thảy chúng sanh đồng triêm lợi lạc.

Con đường Giới – Định – Tuệ

Giới (sìla): Thiền sinh phải biết phát tâm nghiêm trì giới pháp một cách tự nguyện chứ không phải ép buộc theo giáo điều. Đây là bước thực hành các nguyên tắc đạo đức làm nền tảng xuyên qua việc hành trì năm giới, từ bỏ các hành động bất thiện như: sát sanh, trộm cướp, nói dối, tà dâm và uống chất có men say. Sự trì giữ năm giới hoàn toàn trong sạch giúp cho tâm thiền sinh trở nên an tĩnh và bớt đi những dao động bất an do bất thiện nghiệp gây ra; từ đó mới có thể từng bước chuyển tâm thích hợp đi vào thực tập thiền định.

Định (samàdhi): ba ngày rưỡi đầu thiền sinh hành trì thiền định với phương pháp thiền Anapana là thiền tùy tức hay thiền chỉ. Trong giai đoạn này, thiền sinh lấy hơi thở làm đề mục cho sự phát triển khả năng tỉnh giác, chế phục tâm tán loạn, tăng trưởng thiện căn để tâm bước vào trạng thái kiên định.

Tuệ (panna): Sau khi nghiêm trì giới pháp và thực hành thiền định giúp cho tâm được an trú và định tĩnh, thiền sinh mới có đủ hành trang chuyển sang giai đoạn hành trì thiền Vipassana gọi là thiền tuệ quán, gồm năm ngày rưỡi kế tiếp. Thiền sinh quán chiếu toàn bộ cơ cấu thân-tâm bằng tuệ giác, qua đó tự tâm khai mở trí tuệ hiểu rõ sự sinh – diệt của các pháp một cách như thật. Đây là bước hành trì quan trọng chính yếu thể nhập sâu hơn vào dòng tâm thức, tháo gỡ dần những phức cảm để thanh tịnh tâm, và có khả năng đoạn trừ các lậu hoặc (nghiệp lực bất thiện) để thoát khỏi khổ đau.

          Sau khóa học mười ngày về thiền tuệ chỉ mới là sự bắt đầu trên con đường giải thoát, có nghĩa chúng ta sẽ ít nhiều thay đổi về tư duy hướng thiện trong cuộc sống, chứ chưa thể nào thánh thiện hoàn toàn viên mãn. Do đó khi trở về với cuộc đời thường, thiền sinh cần phải tiếp tục hành trì mỗi ngày ít nhất 2 tiếng; nhưng không nên tham gia các khóa thiền liên tục mà phải nghỉ một thời gian ít nhất là 3 tháng để áp dụng sự thực hành vào cuộc sống thực tế. Nhìn chung, học thiền là để thân khỏe, tâm an; nhưng điều quan trọng là để chúng ta biết trân trọng giá trị làm người, yêu mình, thương người; biết trân quý cuộc sống để tận hưởng hạnh phúc ngay trong phút giây hiện tại v.v…; hơn hết, là tri ơn và báo ơn chánh Pháp!