Theo dấu chân Thầy
Con là một thiền sinh cũ – cách gọi một thiền sinh khi đã kinh qua (những) khóa thiền 10 ngày ở nơi đây. Khi kể lại quá trình hành pháp Vipassana của mình từ lúc mới đặt chân đến nơi đầy tình yêu này vào tháng 5/2014 cho đến khi vừa kết thúc khóa tháng 9/2020 , con không tránh nổi những cảm xúc dâng tràn lồng ngực và có cả sự ngậm ngùi, tiếc nuối.
Năm đó con đến theo lời rủ rê của một người bạn, con không biết đạo Phật, chỉ bởi sự tò mò muốn thử. Khóa ấy con đã ngồi thở suốt gần 9 ngày trời, chỉ làm thử việc quán chiếu vài lần một cách lười nhác, mệt quá nên thôi, lại thở tiếp. Khóa ấy con chỉ thú vị những buổi tối nghe Thầy giảng, cười muốn lộn ruột bởi sự hài hước khéo léo của Thầy để làm thiền sinh đỡ cơn mệt mỏi cả ngày. Khóa thứ 2 cách khóa đầu chưa đến một năm, con đăng ký đi bởi vì con chỉ muốn giảm cân! Và chính vì lí do buồn cười ấy, con vẫn không hành pháp Vipassana, con chỉ thích thiền định! Thiền định làm cơn đau của con dịu bớt mỗi khi nó trỗi lên. Và vì thế qua 2 khóa con vẫn chưa biết quán thọ là như thế nào, vì sao lại “đoạn trừ phiền não” chỉ bởi quan sát cảm thọ như Thầy giảng, con nhiều lúc nghĩ rằng , chắc là con không phù hợp phương pháp thiền này đâu, chắc là mình chỉ có thể tu được những gì mình thấy hợp mà thôi. Và khi ấy, con đã thuộc lời Thầy như vẹt về “tỉnh giác và buông xả”.
Rồi sau đó cuộc sống ngoài kia kéo con đi với những vui buồn mãi miết luân hồi trong chuỗi ngày sống của con như bao con người khác. Vui và buồn của con phụ thuộc vào các đối tượng xung quanh, nó luôn chi phối con mỗi ngày. Lời Thầy giảng lâu lâu vẫn vang lên trong con, nhưng khi nó vang lên thì lúc đó thường là con đã bị cái buồn nó chi phối con rồi, con đã phản ứng đáp trả mất rồi. Rồi cho đến tận tháng 6/2020, chính xác là sau đợt dịch Corona lần 1 hoành hành, nhìn cảnh rối ren mất mát, ngỡ ngàng của toàn cầu vì virus, có một tiếng nói trong con vang lên “còn không tu thì đợi đến bao giờ”, và con quay trở lại với thiền. Con đăng ký khóa thiền lần thứ 3. Lần này con đăng ký vì học pháp, vì muốn đi tu. Ngay từ ngày đầu tiên thiền định quan sát hơi thở vốn dĩ con rất thích, con đã cảm thấy an lạc, nhẹ nhàng, trống rỗng. Vì thế con mỗi phút giây ngồi trên thiền đường con đều tập trung tối đa để cái cảm giác trống rỗng đó đến thường xuyên một chút. Cộng thêm cảm giác là lạ là mỗi khi đến lúc kết thúc thời thiền, khi Thầy đọc lên những câu kệ, liền lúc đó thì có những đợt rung động từ đầu đến chân, có lúc kèm theo cái cảm giác an vui lạ lắm mà con chỉ có thể gọi cảm giác đó là 2 từ “phúc lạc” nên con cứ đợi Thầy đọc lên để có cảm giác thích thú đó. Vậy là khóa thứ 3 đó con đi tìm, con mong ngóng sự an nhẹ, phúc lạc trong thiền định và chỉ dành có chưa tới 2 ngày để thực hành thiền tuệ!
Khi Thầy hỏi: “Con làm được không?” với nụ cười bao dung trong ngày kiểm tra thiền tuệ, con trả lời Thầy: “dạ lúc được lúc không“, Thầy cười “ừ thì không sao đâu, từ từ rồi sẽ quen dần“, con cúi đầu xấu hổ, con có làm đâu mà được!.
Thiền sinh cũ 3 khóa vẫn chưa nếm được hương vị gì của thiền tuệ. Lúc ấy ai đó hỏi con về khóa thiền, con huyên thuyên “Khóa thiền tuyệt vời lắm.” và khuyên người ta hãy đi thiền. Để rồi sau đó khi con trở về tĩnh lặng, một cảm giác xấu hổ và tội lỗi tràn ngập dâng lên trong lòng. Con có lỗi với công sức của Thầy, với sự đóng góp của các thiền sinh khóa trước, của các thiền sinh phục vụ. Và tiếp theo đó không lâu, con quyết định đăng ký đi phục vụ. Lần này, con thực hành thiền tuệ và trải nghiệm cảm giác rát bỏng chân suốt 3 ngày liền, đến ngày thứ 3 lên đỉnh điểm tưởng chừng chân con sẽ cháy đen đó, thì hình ảnh con lúc gần 4 tuổi cầm giấy đốt kiến từng đàn, từng đàn theo ông bà nội ở dưới quê khi ấy hiện về rõ mồn một. Mồ hôi túa ra, con rùng mình nhìn thấy nhân quả không cần ở kiếp nào khác mà ngay trong đời hiện tại. Sau đó cơn bỏng rát dịu đi và từ đó đến nay khi hành thiền con không thấy nó xuất hiện thêm lần nào nữa. Con “ồ” lên, có gì đó vỡ ra trong con và ngay lần phục vụ ấy con xin Thầy cho con lại được tham gia làm thiền sinh khóa thiền kế tiếp. Lần thứ 4, tất cả những ngày thiền Tuệ con đều thực hành miên mật không ngơi nghỉ, không lười nhác, không nản chí, và con nhìn thấy pháp. Hai hàng nước mắt lăn dài trên má.
Nhìn thấy pháp ở đây không phải là sự nhiệm màu vi diệu bí ẩn nào ghê gớm trong thiền cả, nó là một số sự thật mà Thầy đã giảng mãi miết từng câu, từng chữ, liên tục trong suốt khóa thiền “tỉnh giác và buông xả“, “vô thường, khổ, vô ngã” , “không có gì là ta, không có gì là của ta”. Cứ như vậy, từng tập khí của bản thân trỗi lên cho con nhận diện, từng cơn sợ hãi và cơn sân trồi lên theo sự đau nhức rồi tan biến, cũng như từng sự rung động lan tỏa khắp người trong nhẹ nhàng an vui cứ đến rồi đi, và con lặng im nhìn nó, không bám víu cầu mong nó trở lại, hoặc không đẩy, không né nó đi, và cứ như thế “nó” ở dưới, con ở trên nhìn nó tự sinh tự diệt.
Con lặng lẽ sám hối với Thầy và bồi hồi hối tiếc vì đã gần 7 năm được đi học pháp với Thầy, con mới nhận ra con đường cần phải đi, con hiểu rõ hơn từng lời Thầy dạy, con hiểu rõ hơn tình thương vô ngã mà Thầy nói, tình thương của Thầy dành cho tất cả thiền sinh chúng con chẳng phải là tình thương vô ngã đó hay sao?
“Có một việc làm không bao giờ thất bại
Đó là việc làm ban rãi yêu thương”
(NT Huỳnh Liên)
Con đặt tiêu đề cho bài chia sẻ là “Theo dấu chân Thầy“. Nhưng con tự biết, làm sao con có thể bước theo hết tất cả dấu chân mà Thầy đã đi qua từ lúc sự nghiệp tầm pháp khó khăn thử thách của một người đi từ phía bóng tối cho đến con đường đầy ánh sáng hiện tại của Thầy. Lòng từ mẫn yêu thương, thấu hiểu, bao dung, cái từ bi và trí tuệ của Thầy dành cho tất cả thiền sinh hay không phải thiền sinh. Dẫu biết thế, con vẫn sẽ chập chững từng bước từng bước đi theo lộ trình Sư Phụ chỉ cho con, hướng đến bến bờ giải thoát ngay trong hiện tại.
Nơi thiền viện này, từng hành động, cử chỉ lời nói, từng công việc không tên đều được Thầy sắp xếp có hệ thống và không việc nhỏ nào được lơ là, dù 1 cọng rác cũng được phân loại ra, giúp tất cả những ai có duyên đến đây đều được bao phủ bởi hàng rào của Giới. Người ta hay nói: “Bồ tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả”. Thầy giúp tất cả không phạm lỗi dù là lỗi nhỏ nhất có thể. Con không đi quá nhiều nơi, nhưng cũng đủ để con có thể nhìn ra được, môi trường ở chùa Hồng Trung Sơn là một môi trường tu khó tìm kiếm cho những ai tìm nơi nương vào Pháp. Biết ơn cuộc đời này còn có Sư Phụ. Con bỗng dính mắc và tham lam, mong muốn Sư phụ mãi khỏe để những người như con được theo dấu chân Người.
Tuệ Xuân (Xuân Cầm) – 9/2020