Thực hành thiền, ứng dụng và phổ biến phương pháp giáo dục Phật giáo trong xã hội hiện đại
Giới thiệu:
Ngày nay, Thiền – một pháp học của Phật giáo – được phổ biến rộng rãi và đang biến tướng theo nhiều hình thái khác nhau trong xã hội Việt Nam nói riêng và cả thế giới nói chung. Để không hiểu sai về ý nghĩa thực tiễn của Thiền, và giới thiệu nguồn gốc chính thống của Thiền, bài nghiên cứu sẽ giới thiệu những khái niệm căn bản cũng như giải thích về thiền, và lợi ích của việc hành thiền.
Sau đó là các minh chứng đã được thực nghiệm cho thấy hành Thiền là một phương pháp giáo dục Phật giáo hết sức khoa học có tính hệ thống, cần được ứng dụng và phổ biến trong xã hội hiện nay để hoàn thiện nhân cách con người trong xã hội mới ngày càng bất ổn ở nhiều khía cạnh. Hơn hết, thực hành thiền mang tính khoa học sẽ giúp cho nhiều đối tượng, ngay cả trong Phật giáo hay ngoài Phật giáo đều có nhận định đúng và nghiêm túc về một môn học, có giá trị bổ sung năng lượng tích cực cho cả Thân và Tâm của nhân loại.
Nội dung:
Trước đây, thiền được dạy chủ yếu theo cách bí truyền – “tâm truyền tâm,” người học thiền phải là bậc thượng căn được Thiền sư tuyển chọn và tin tưởng. Vì vậy, thiền trở nên khó tiếp cận đối với những người muốn học. Ngày nay, thiền được phổ biến đến tất cả mọi người và có thể dễ dàng đăng ký tham dự các khóa thiền khắp nơi. Thiền đã trở thành một nghệ thuật sống giúp con người sống an nhiên, hạnh phúc và sáng tạo.
Thật ra, thực hành thiền không phải là hệ thống giáo dục nhà trường, cấp văn bằng để thiết lập cuộc sống có nghề nghiệp. Tuy nhiên, giáo dục nói chung và giáo dục Phật giáo nói riêng, đều hướng đến việc mang lại cho xã hội những cá nhân hoàn thiện về nhân cách, sống chuẩn mực theo những giá trị chung của cộng đồng. Đặt trên nền tảng Giới – Định – Tuệ, việc thực hành thiền giúp các cá nhân rèn luyện đạo đức, kiên trì với lý tưởng sống và phát huy tài năng của mình. Từ đó, thực hành thiền là một phương pháp giáo dục Phật giáo hiện đại có thể góp phần giải quyết những tệ nạn xã hội và xây dựng một xã hội văn minh.
Trong bài tham luận này, thiền được phân tích có tác dụng như một phương pháp giáo dục nhân cách mang tính khoa học và ứng dụng cao. Với phương pháp hướng dẫn thiền có hệ thống khoa học sẽ giúp cho người học thiền không rơi vào hoang tưởng, mê tín. Đặc biệt, giới thiệu thiền ở Việt Nam đến tầng lớp tri thức để phương pháp chuyển hóa thân tâm này được áp dụng rộng rãi hơn trong xã hội hiện đại.
- Nền tảng thiền học trong giáo dục Phật giáo
Nhìn chung, thiền học trong nền giáo dục Phật giáo hiện nay vẫn chưa có những đóng góp sáng giá theo hệ thống khoa học hiện đại cụ thể. Tuy nhiên, một vài công trình nghiên cứu về thiền mang tính triết học giáo dục Phật giáo đã nỗ lực nêu ra những yếu tố đặc trưng làm nền tảng cho nền giáo dục Phật giáo.[1] Theo đó, bàn luận về thiền trong nền giáo dục Phật giáo xuất phát từ các yếu tố như: Tính mô phạm của bậc thầy, đối tượng giáo dục và các đặc trưng đạo đức.
Tính mô phạm của bậc Thầy
Mục tiêu cao nhất của thiền trong nền giáo dục Phật giáo là giúp con người đạt được trí tuệ và tự giải thoát mình ra khỏi mọi khổ đau. Quá trình thực hành thiền là quá trình mỗi cá nhân người học tự trải nghiệm, tự lĩnh hội kiến thức và tự kinh nghiệm, để đạt được sự tự nhận thức về bản chất của cuộc đời. Quá trình học tập này còn được xem là quá trình cá nhân tự giải thoát.
Trong quá trình này, bậc Đạo Sư là người mô phạm mẫu mực, người hướng dẫn, người tạo điều kiện thuận lợi cho người học. Sự gương mẫu của người Thầy đóng vai trò vô cùng quan trọng. Người Thầy trước hết cần phải là tấm gương sáng về trí tuệ, về giải thoát để học trò nương theo học hỏi một cách chân chinh.
Trong suốt cuộc đời hoằng pháp của mình, Đức Phật là bậc Đạo Sư luôn luôn tỏa sáng về gương hạnh đạo đức, từ bi và trí tuệ của một con người hoàn toàn giác ngộ. Tiếp đến, những nguyên tắc sư phạm và phương pháp giảng dạy của Ngài đã khuyến khích người học tự tìm tòi và khám phá để đạt được sự tự nhận thức. Trong Kinh Pháp Cú đã minh chứng rõ ràng, “Tự mình làm cho mình thanh tịnh, Tự mình làm cho mình nhiễm ô, Nhiễm ô hay thanh tịnh, Là do ở chính mình, Chứ không do ai khác.” (PC 165) Trên phương diện giáo dục, Đức Phật đã linh hoạt sử dụng nhiều phương pháp, phương tiện và nội dung giảng dạy khác nhau để phù hợp với hoàn cảnh, tính cách và năng lực của người học.
Nhiều bằng chứng lịch sử cho thấy Đức Phật rất đề cao sự tự do suy nghĩ và tư duy phản biện của người học pháp. Ngài không muốn người học bị trói buộc vào bất cứ khái niệm, học thuyết hay quan điểm của bất cứ ai, ngay cả của chính Ngài. “Lời giảng của ta giống như ngón tay chỉ mặt trăng. Đừng nhầm ngón tay ấy là mặt trăng…” Câu nói này của Ngài có thể được xem là một trong những bằng chứng sinh động cho khái niệm này.
Sự gương mẫu của bậc Thầy là một trong những đặc điểm nổi bật nhất của nền giáo dục Phật giáo. Các phương pháp giảng dạy mang tính cởi mở của Đức Phật đã được các cơ sở giáo dục Phật giáo từ xưa đến nay duy trì và phát huy nhằm đào tạo nên những cá nhân tự do, có tư duy độc lập và sáng tạo.
Đối tượng giáo dục
Yếu tố khác đặc trưng cho nền giáo dục Phật giáo chính là đối tượng mà nền giáo dục này hướng đến. Tu sĩ (Tăng, Ni) và cư sĩ là hai đối tượng cụ thể, nhưng dối tượng chinh yếu vẫn là con người nói chung, không phân biệt giai cấp, giàu nghèo hay tín ngưỡng …, bình đẳng như nhau là nét đặc thù riêng của nền giáo dục Phật giáo. Và các tự viện đã được tổ chức thành những cơ sở giáo dục Phật giáo đầu tiên. Mô hình giáo dục tự viện quen thuộc này dần dần phát triển rộng rãi ở các nước châu Á có truyền thống Phật giáo.
Ngày nay, nền giáo dục Phật giáo đã được phát triển nâng cao thành hệ thống giáo dục chính thống. Các trường Đại học trên thế giới đã có phân khoa Phật học ngang bằng với các phân khoa giáo dục khác. Hơn nữa, một số nước có truyền thống Phật giáo lâu đời đã hình thành các trường Đại Học Phật giáo ngang tầm với Đại học Quốc gia sở tại. Chẳng hạn như, các HVPG VN được xem là ngang tầm với hệ Đại Học trong nước. Tuy nhiên, thiền học trong hệ thống giáo dục Phật giáo vẫn là môn thực hành ứng dụng chứ không chú trọng đến bằng cấp học vị.
Đặc trưng đạo đức trong thiền học Phật giáo
Giải thoát là đích đến của hành trình thực hành thiền theo quan điểm Phật giáo. Để đến được đích Giải thoát, người thực hành thiền phải đi trên con đường Giới – Định – Tuệ. Đức Phật khẳng định: Đây là lộ trình chung, là con đường duy nhất cho bất cứ ai muốn giải thoát tự thân ra khỏi mọi ràng buộc và khổ đau. (Kinh Tứ Niệm Xứ – Trong Trung bộ kinh và Trường bộ kinh).
Yếu tố đầu tiên của đạo lộ giải thoát là Giới (Sìla), tức những nguyên tắc đạo đức. Điều này cho thấy giáo dục Phật giáo xem đạo đức là yếu tố quan trọng hàng đầu. Nói cách khác, quá trình tu thiền sẽ hoàn toàn vô nghĩa khi người học thiền không rèn luyện đạo đức, không cư xử tốt và không trở nên thánh thiện hơn.
Trong chương trình giáo dục Phật giáo, người học phải tuân thủ nhiều nguyên tắc đạo đức. Tiêu biểu nhất là những nguyên tắc ứng xử trong mối quan hệ thầy – trò. Kinh Thiện Sanh (Sigàlovàda) liệt kê những bổn phận của thầy và trò. Thầy ở đây chính là bậc Đạo Sư, và trò có thể là Tăng Ni trong hội chúng hoặc cư sĩ tại gia. Theo đó, người thầy có bổn phận dạy dỗ, rèn luyện, thương yêu và bảo vệ học trò; còn học trò có bổn phận học hỏi và hành trì những điều thầy truyền dạy và tôn kính thầy. Việc tôn trọng và thực hiện những bổn phận này góp phần làm mối quan hệ thầy – trò trong nền giáo dục Phật giáo hòa hợp và gắn bó.
Đạo Phật luôn luôn coi trọng sự rèn luyện nhân cách và phẩm hạnh của người tu học. Đặc biệt, trong quá trình huấn luyện các vị Xuất gia có khả năng thực hiện nhiệm vụ truyền bá Chánh Pháp, tiêu chuẩn yêu cầu mỗi vị ấy phải có kinh nghiệm tu tập nội tâm chuyên sâu và hội đủ tám đức tính: Đức lắng nghe, đức thuyết phục người khác lắng nghe, đức học hỏi, đức ghi nhớ, đức nhận thức sáng suốt, đức giúp người khác nhận thức sáng suốt, đức phân minh sự thích hợp hay không thích hợp, đức hòa mình và tạo an lạc cho tha nhân. Lời giáo huấn này đã được ghi lại trong Tăng Chi Bộ Kinh (Anguttara-Nikàya) [2]. Trong kinh đại thừa cũng nhấn mạnh các yếu tố của một vị Pháp Sư là phải “vào nhà Như Lai, mặc áo Như Lai, ngồi toà Như Lai” (phẩm thứ 10 – kinh Pháp Hoa).
- Thực hành THIỀN tiến bộ theo khoa học
Nội dung chính yếu của Thiền học Phật giáo là hướng dẫn người thực hành đi theo lộ trình giải thoát tâm thức khổ đau. Và theo lời dạy của các bậc Tổ Sư, “giải thoát chỉ có thể chứng nghiệm nhờ hành trì thiền định, chứ không thể nào đạt được bằng sự bàn luận trên lý thuyết”[3]. Vì vậy, thực hành thiền là một đặc trưng không thể thiếu trong chương trình giáo dục của Phật giáo. Chính Đức Phật, trong suốt 45 năm hoằng Pháp Ngài đã không những tự mình hành trì mà còn giảng dạy thực hành thiền như là phương pháp trọng yếu.
Nguồn gốc thiền Phật giáo[4]
Thiền Tuệ (Vipassana) là một trong những pháp môn thiền nguyên thủy nhất của Ấn Độ cổ đại, đã được Đức Phật tự mình khám phá lại từ hơn 2500 năm trước. Sau khi đạt được sự giác ngộ nhờ thực hành thiền Vipassana, Ngài khẳng định thiền này chính là phương pháp giúp con người đoạn tuyệt khổ đau và giải thoát hoàn toàn. Bài pháp Tứ thánh đế là trọng tâm, đã chỉ rõ vô minh và tham ái là nguồn gốc của khổ đau. Quá trình thực hành thiền Vipassana là quá trình người thực tập tự mình thanh tịnh thân tâm theo con đường giới định tuệ, từ đó diệt trừ bản ngã và tham sân si bên trong nội tâm, chuyển hướng tư duy, để có được cuộc sống thiện lành và hạnh phúc từng bước trên đạo lộ giải thoát.
Tìm hiểu về thiền, chúng ta có thể lần theo các nguồn sử liệu của Phật giáo nguyên thủy. Vào thời đức Phật tại thế, nhờ thực hành thiền Vipassana mà hàng ngàn người xuất gia hay tại gia sống tại nước Ấn đã thoát khỏi những ràng buộc khổ đau trong cuộc đời và đạt sự an vui trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.
Đặc biệt, có vô số bậc thượng căn đã chứng đạt các quả vị Niết Bàn tối thượng. Sau khi Phật nhập diệt, pháp môn thiền này vẫn được thịnh hành tại Ấn Độ mãi cho đến thời vua Asoka, một triều đại Phật giáo huy hoàng rực rỡ nhất. Với tinh thần xiễn dương Chánh Pháp nhiệt tâm của Pháp vương Asoka, thiền Vipassana được truyền sang các nước lận cận như: Tích-lan (Sri-lanka), Thái Lan (Thailand), Miến Điện (Burma, còn gọi là Myanmar)… Tuy nhiên, thời gian êm đềm trôi đi, thiền Vipassana dần dần bị quên lãng và biến mất khi Phật Giáo hoàn toàn bị diệt vong tại Ấn Độ vào giữa thế kỷ XI và XII.
May mắn thay! Miến Điện là nơi bảo tồn dòng thiền Vipassana từ thế hệ này sang thế hệ khác trong hình thức nguyên thủy thuần túy của nó. Trải qua hơn 2500 năm, các bậc thiền sư của đất nước này đã tận tâm truyền thừa thiền Vipassana theo đúng ý nghĩa Chánh Pháp thuần túy nguyên thủy. Vào khoảng cuối thế kỷ 18, Thiền Sư Ledi Sayadaw, đòng thời là một học giả Phật giáo uyên bác đã mở rộng cánh cửa thiền học đến người cư sĩ theo chương trinh các khóa học. Từ đó, hướng dẫn thiền Vipassana được giảng dạy theo hình thức giáo dục theo phương pháp khoa học nâng cao. Sau 2500 năm Phật nhập Niết Bàn, dòng thiền này được chuyển trao trở lại đúng vị trí ban đầu sản sinh ra nó là Ấn độ và từ đây lan truyền khắp nơi trên thế giới. Chính đây là thời điểm, tiếng chuông “thiền Tuệ” ngân vang đến toàn thể nhân loại.
Hiện nay, thiền Vipassana được xem như là một nghệ thuật sống đem lại nguồn sinh khí tươi vui và hạnh phúc cho mọi người. Điều này biểu hiện thực tiễn qua việc, các trung tâm tu thiền Vipassana được hình thành khắp nơi trên thế giới. Riêng tại Ấn Độ, dường như các tiểu bang trong nước đều có trung tâm tu thiền Vipassana, mỗi trung tâm đều có chỗ cư trú cho hàng 100 thiền sinh đến tham dự. Thiền Vipassana đã thực sự trở thành kỹ năng sống cho người dân Ấn Độ ngày nay dưới sự xiển dương của Thiền sư nổi tiếng, S.N. Goenka. Các khóa thiền đặc biệt mở ra dành cho giới thương gia, các dòng tu Thiên Chúa và Ấn Giáo, v.v… Ngoài ra còn có các khóa thiền trong các trại giam lớn, các trường học và các cơ sở công an, v.v
Thực hành con đường Giới – Định – Tuệ
Như đã trình bày, Giới – Định – Tuệ là con đường duy nhất cho bất cứ ai muốn giải thoát bản thân ra khỏi mọi ràng buộc và khổ đau. Như vậy, thực hành thiền tất nhiên là đi theo lộ trinh giải thoát của Giới – Định – Tuệ này. Cụ thể, trong mỗi khóa thiền Vipassana 10 ngày hiện nay được tổ chức là giúp thiền sinh áp dụng con đường Giới – Định – Tuệ như sau:[5]
Giới (Sìla): Thiền sinh phải biết phát tâm nghiêm trì giới pháp một cách tự nguyện chứ không phải bị ép buộc theo giáo điều. Đây là bước thực hành các nguyên tắc đạo đức làm nền tảng thông qua việc hành trì năm giới, từ bỏ các hành động bất thiện như: sát sanh, trộm cướp, nói dối, tà dâm và uống chất có men say. Sự trì giữ năm giới hoàn toàn trong sạch giúp cho tâm thiền sinh trở nên an tĩnh và bớt đi những dao động bất an do bất thiện nghiệp gây ra; từ đó mới có thể từng bước chuyển tâm thích hợp đi vào thực tập thiền định.
Định (Samàdhi): Ba ngày rưỡi đầu của khóa thiền, thiền sinh hành trì thiền định với phương pháp thiền Anapana, còn được gọi là thiền tỉnh thức về hơi thở. Trong giai đoạn này, thiền sinh lấy hơi thở làm đề mục cho sự phát triển khả năng tỉnh giác, chế phục tâm tán loạn, tăng trưởng thiện căn để tâm bước vào trạng thái kiên định.
Tuệ (Panna): Sau khi nghiêm trì giới pháp và thực hành thiền định giúp cho tâm được an trú và định tĩnh, thiền sinh mới có đủ hành trang chuyển sang giai đoạn hành trì thiền Vipassana. Trong năm ngày rưỡi kế tiếp của khóa thiền, thiền sinh quán chiếu toàn bộ cơ cấu thân – tâm bằng tuệ giác, qua đó tự tâm khai mở trí tuệ, hiểu rõ sự sinh – diệt của các pháp một cách như thật. Đây là bước hành trì quan trọng chính yếu thể nhập sâu hơn vào dòng tâm thức, tháo gỡ dần những phức cảm để thanh tịnh tâm, và có khả năng đoạn trừ các lậu hoặc (nghiệp lực bất thiện) để thoát khỏi khổ đau.
Các khóa THIỀN hướng dẫn theo phương pháp giáo dục hiện đại
Phương châm của nền giáo dục hiện đại là “học đi đôi với hành”, “lý thuyết gắn liền thực tiễn”. Theo đó, quá trình học thiền là quá trình người thực hành thu nhận kiến thức, rèn luyện kỹ năng và điều chỉnh thái độ sống của mình để hòa nhập xã hội. Quan sát các khóa thiền đã và đang được tổ chức, chúng ta có thể thấy phương pháp giảng dạy thiền hoàn toàn đáp ứng và phù hợp với phương châm giáo dục hiện đại. Hơn nữa, giảng dạy thiền theo phương pháp giáo dục khoa học sẽ giúp cho người thực hành tiến bộ tuần tự về mặt tâm thức cụ thể, chứ không rơi vào suy tưởng hoang đường. Tâm thức là lĩnh vực vô cùng trừu tượng, nếu hướng dẫn không có kinh nghiệm và không đạt được lợi ích thực tiễn, người học dễ rơi vào tình trạng loạn tâm hoặc đánh mất chính mình, thay vì “chiến thắng chính mình là chiến công oanh liệt nhất.” (PC. 104)
Thực hành mỗi khoá học thiền là mỗi bước chuyển biến tâm thức từ bất thiện đến thiện lành, từ bất hạnh đến an vui, từ đau khổ đến hạnh phúc …. Quá trình chuyển biến này, được thực hành theo sự hướng dẫn, giải thích và mỗi cá nhân tự kinh nghiệm trực tiếp, giống như ‘người uống nước nóng lạnh tự biết.’ Nguồn cội tham sân si, từ đó sẽ đoạn giảm dần dần qua tiến trình thực hành thiền từng bước nghiêm túc. (Kinh Đoạn Giảm – Trung Bộ Kinh I)
Hiện nay, tại những nơi có tổ chức các khóa thiền Vipassana diễn ra trong 10 ngày. Mỗi ngày, thiền sinh thực hành thiền trong 10 tiếng đồng hồ. Trong từng thời thiền, thiền sinh được hướng dẫn phương pháp thực hành theo từng bước cụ thể. Và mỗi tối, thiền sinh được nghe Pháp thoại thiền trong hơn một tiếng đồng hồ, để hiểu rõ lộ trình giải thoát qua việc hành thiền. Như vậy, trong từng ngày, thiền sinh được học kiến thức về thiền, thực tập ngồi thiền, rồi tự thân kinh nghiệm. Đó là các bước Văn, Tư, Tu theo phương châm giáo dục Phật giáo. Quá trình thực hành thiền nghiêm túc này sẽ giúp cá nhân người học có sự chuyển hóa thân tâm; tức thái độ sống của thiền sinh sẽ thay đổi – lạc quan hơn, yêu đời hơn, vị tha hơn, trách nhiệm hơn ….
Các khoá học thiền ngày nay được giảng dạy theo phương thức giáo dục từ cơ bản đến nâng cao, giống như hệ thống giáo dục theo phổ thông có các cấp bậc trình độ văn hoá. Tủy vào khả năng thực hành của mỗi cá nhân, các tiêu chuẩn yêu cầu người tham gia các khóa học thiền phải tuân thủ theo cấp bậc được sắp xếp tuần tự rõ ràng. Chẳng hạn như, sau khi học 3 khoá 10 ngày và một khoá phục vụ cộng với tiêu chuẩn đạo đức cần thiết mới được nâng cao vào khoá Tứ Niệm Xứ chính quy (Satipatthana). Nói chung, mỗi một bước thực hành nâng cao đều có sự kiểm chứng nghiêm túc của vị Thầy về tư cách đạo đức giữa học và hành cùng với kết quả chuyển biến trong cuộc sống của thiền sinh sau khi học thiền. Các khoá nâng cao tập trung chuyên sâu vào thực hành sẽ từ 20 ngày, 30 ngày, 45 ngày, 60 ngày …. Cùng những khoá đặc biệt, khoá đào tạo sư phạm trở thành Thầy trợ tá hay bậc Thầy chính thức. Đây chinh là hệ thống giáo dục Phật giáo hiện đại chứng minh con đường giải thoát khổ đau có thực chứng, hoàn toàn dựa trên nền tảng khoa học chứ không phải là lý luận siêu hình.
- Hành THIỀN, ứng dụng và phổ biến trong xã hội hiện đại
Con người trong xã hội hiện đại đang đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe, thể chất lẫn tinh thần. Số lượng người có rối loạn tâm lý (như căng thẳng, trầm cảm) ngày càng tăng. Số ca tự tử cũng ngày càng nhiều. Đây là kết quả của nhịp sống hối hả và xu hướng cạnh tranh nhau để đạt quyền lực và tiền bạc.
Xã hội hiện đại cũng đang chứng kiến vô số tệ nạn và sự xuống cấp về đạo đức. Tham nhũng, hối lộ, trộm cướp, cờ bạc, nghiện hút, ly hôn… là vài trong số nhiều vấn nạn nhức nhối hiện nay. Như vậy, xã hội chúng ta đang sống là xã hội của những bất an và hỗn loạn.
Nếu diễn đạt bằng ngôn từ của Phật giáo, con người hiện đại đang chịu nhiều khổ đau và ràng buộc. Thiền Vipassana giúp con người khai mở trí tuệ và diệt trừ tham sân si. Sự ứng dụng rộng rãi pháp môn này trong xã hội hiện nay đang và sẽ tạo nên những chuyển biến tích cực cho từng cá nhân cũng như toàn xã hội.
Cá nhân chuyển hóa thân, tâm từ THIỀN
Khi hành thiền, thân tâm của người học thiền sẽ được chuyển hóa. Về thân, thể chất của họ sẽ khỏe mạnh hơn, có sức đề kháng tốt hơn, và thậm chí vượt qua được nhiều bệnh tật. Về tâm, người học thiền sẽ trút bỏ được những “gánh nặng” tinh thần. Những áp lực và tổn thương tâm lý họ chịu đựng bấy lâu sẽ được xoa dịu và chữa lành. Nhiều công trình nghiên cứu của giới y học đã chứng minh việc thực hành thiền có thể giúp chữa trị những căn bệnh của thời đại: căng thẳng, lo âu, mất ngủ, trầm cảm, suy nhược thần kinh…
Nhờ có những tác động tích cực đối với thân tâm con người, thiền được xem là “thần dược”. Quan trọng hơn, thiền được xem là một nghệ thuật sống mang lại nguồn năng lượng an lành để con người sống vui tươi, hạnh phúc. Tại Việt Nam, lợi ích của thiền ngày càng được nhiều người biết đến, số lượng các khóa thiền được tổ chức và số lượng người tham dự các khóa thiền ngày càng tăng. Nhiều cá nhân đã ghi nhận và chia sẻ những chuyển biến mà thiền mang lại cho thân tâm của họ.[6]
Chuyển biến đáng kể đầu tiên mà nhiều thiền sinh nhận thấy chính là việc họ bắt đầu điều chỉnh đồng hồ sinh học của mình để sống nề nếp hơn – ăn ngủ đúng giờ, giờ nào việc nấy, không thức khuya dậy muộn nữa[7]. Thiền sinh Trang Phạm[8] cho biết: Trước khi đến với khóa thiền, cuộc sống của cô đang gặp khủng hoảng. Cô loay hoay với nhiều vướng mắc. Thời gian biểu và đồng hồ sinh học của cô bị đảo lộn hoàn toàn. Cô “không bao giờ có thể ngủ trước 4g sáng, ăn uống cũng chỉ là cầm hơi”. Trong khóa thiền, việc tuân thủ giờ giấc một cách nghiêm túc đã giúp cô lấy lại được nhịp sinh học có lợi cho sức khỏe của mình.
Như vậy, thời khóa của khóa thiền và việc hành thiền đã tạo động lực để các thiền sinh quyết tâm xây dựng cho mình một lối sống cân bằng – làm việc và nghỉ ngơi điều độ. Lối sống khoa học này sẽ giúp cải thiện sức khỏe của họ về thể chất lẫn tinh thần.
Chuyển biến nổi bật thứ hai là sự chuyển biến diễn ra trong tâm thức của các thiền sinh: họ hiểu mình hơn, thấy rõ giá trị của bản thân, biết yêu thương mình và trân quý cuộc sống hơn. Trang Phạm[9] cho rằng cô đã “tìm lại giá trị sống cho chính mình”. Một thiền sinh khác thì ví von: 10 ngày học thiền chính là 10 ngày bạn “biến mất để quay về chính mình”[10]. Đặc biệt, trong khóa thiền Thanh niên năm 2016, một thiền sinh nữ chia sẻ: Khóa thiền đã đánh thức bạn dậy sau 2 năm chán nản, để bạn kết thúc chuỗi ngày vô nghĩa đó, biết quý trọng thời gian và “sống một cuộc đời cho đáng sống”[11]. Như vậy, thực hành thiền giúp khai mở trí tuệ của thiền sinh. Họ nhận ra giá trị của bản thân và ý nghĩa của cuộc đời để sống có phương hướng, thiện lành và trách nhiệm hơn.
Ứng dụng THIỀN cải thiện đời sống tinh thần và đạo đức con người trong xã hội hiện nay
Những chuyển biến trên thân tâm có tác dụng cải thiện sức khỏe và hoàn thiện nhân cách cho người học thiền. Khi cá nhân thay đổi, gia đình sẽ thay đổi, rồi cả cộng đồng sẽ thay đổi. Một người biết yêu thương bản thân sẽ biết yêu thương người khác. Một cá nhân hạnh phúc sẽ là nền tảng cho một tập thể hạnh phúc. Một cá nhân sống đứng đắn sẽ truyền cảm hứng cho một tập thể sống có đạo đức. Thực hành thiền làm lan tỏa năng lượng sống tích cực và tình yêu thương trong toàn xã hội.
Về lâu dài, sự ứng dụng thiền rộng rãi trong xã hội có thể giúp bài trừ và phòng ngừa các tệ nạn xã hội cũng như sự tha hóa về đạo đức. Thật ra, sự xuống cấp về mặt đạo đức chính là điều kiện để tệ nạn phát sinh. Do không trau dồi phẩm hạnh, không kiểm soát được tham sân si trong nội tâm, con người mới tham nhũng, mới hối lộ, mới trộm cướp, mới cờ bạc, mới nghiện hút, mới ngoại tình…
Một khía cạnh khác, ứng dụng thiền giúp con người, nhất là giới trí thức, doanh nhân, sinh viên…. tích hợp nhiều năng lượng sáng tạo sau khi được rèn luyện về sự tập trung (3 ngày đầu thiền định trong khoá thiền 10 ngày) mà ít có khoá học nào rèn được điều này. Khi bước sang thiền tuệ sẽ giúp nội tâm khai sáng, mà sáng tạo chính là động lực có thể thay đổi, cải tiến, cải thiện được ở bất kỳ lĩnh vực nào; đó chính là lý do mà ngày nay giới doanh nhân tìm đến thiền một cách say mê. Trên thế giới, cố thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, Steve Jobs của Apple đều là những người thực hành phương pháp thiền định. Nói về huyền thoại của Apple, không phải ai cũng biết việc Steve Jobs là một “tín đồ” của môn thiền chánh niệm từ Phật giáo (Steve Jobs theo đạo Phật). Ông luyện tập thiền để giảm sự căng thẳng, cân bằng cuộc sống và tăng cường sự sáng tạo trong công việc (Bí mật của Steve Jobs). Đã có các công ty lớn như Google, Apple, Nike, Starbucks Coffee, Prentice Hall Publishing, Yahoo,…đã cho nhân viên học thiền như là một cách để tăng năng suất, giảm stress, tiết kiệm chi phí khám chữa bệnh.
Tại Việt Nam, những doanh nhân thành công như Tổng giám đốc công ty ECI Sài Gòn (Công ty Cổ phần Sài Gòn đầu tư kỹ thuật xây dựng), ông bà chủ tịch Nguyễn Thị Thu Hương công ty Kềm Nghĩa, bà Tổng giám đốc điều hành Resort Forever Green – Trương Thị Nhi đã đến với thiền định và tổ chức các buổi học thiền cho doanh nhân Việt với số lựợng lớn.
Người hành thiền là người đi trên con đường Giới – Định – Tuệ, con đường đặt những nguyên tắc đạo đức lên hàng đầu. Vì vậy, một xã hội có nhiều cá nhân học thiền là một xã hội rất coi trọng đạo đức. Trong xã hội đó, mỗi cá nhân tự rèn luyện nhân cách, sống chuẩn mực theo các nguyên tắc đạo đức và giá trị tinh thần của cộng đồng. Xã hội đó không có sự tha hóa đạo đức nên cũng sẽ không có tệ nạn xã hội.
Tóm lại
Sự ứng dụng thiền trong xã hội hiện đại sẽ giúp tạo dựng một thế giới văn minh, an toàn và ổn định. Đó là thế giới của những cá nhân khỏe mạnh về thể chất, thư thái về tinh thần, trong sáng về nhân cách, và thanh cao về đạo đức. Một thế giới có cuộc sống lành mạnh, với những con người thiện tri thức, không bị vô minh và tham ái chi phối, chắc chắn sẽ không có tệ nạn xã hội. Thế giới đó sẽ an lành và hạnh phúc với những trái tim tràn đầy lòng yêu thương và năng lượng sống tích cực…
TKNi – TS. Thích Nữ Hằng Liên
(Giảng viên khoa Triết – HVPG TPHCM)
Tài Liệu Tham Khảo
- Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung Bộ I, VNCPHVN, 1992.
- Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường Bộ I, VNCPHVN, 1992.
- Thích Minh Châu dịch, Kinh Tăng Chi, VNCPHVN, 1992.
- Thích Minh Châu dịch, Kinh Pháp Cú, Nxb Tôn giáo, 2006.
- Thích Trí Tịnh dịch, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Nxb TP HCM, 2000.
- NT Thích Nữ Huỳnh Liên, Tinh Hoa Bí Yếu, Nxb Tổng Hợp TP HCM, 1995.
- Tiến sĩ Ananda W. P. Guruge , Giáo dục Phật giáo (Thích Nữ Vân Liên dịch)
- http://www.buddhismtoday.com/viet/gd/002-giaoduc.htm
- http://www.phapdangthientue.com
[1]Theo Ananda W. P. Guruge, Giáo dục Phật giáo (Thích Nữ Vân Liên dịch),
http://www.buddhismtoday.com/viet/gd/002-giaoduc.htm
[2]Theo Ananda W. P. Guruge, Giáo dục Phật giáo (Thích Nữ Vân Liên dịch),
http://www.buddhismtoday.com/viet/gd/002-giaoduc.htm.
[3]Giới thiệu thiền (http://www.phapdangthientue.com/gioi-thieu-phuong-phap)
[4] Giới thiệu thiền (http://www.phapdangthientue.com/gioi-thieu-phuong-phap)
[5] Giới thiệu thiền (http://www.phapdangthientue.com/gioi-thieu-phuong-phap)
[6] Chia sẻ kinh nghiệm (http://www.phapdangthientue.com/chia-se-kinh-nghiem)
[7] Theo Tuệ Hiền, Thanh niên học thiền: Trưởng thành dẫu nắng mưa
(http://www.phapdangthientue.com/thanh-nien-hoc-thien-truong-thanh-dau-nang-mua.html)
[8]Theo Trang Phạm, Hành trình nội tâm – tìm lại giá trị sống cho chính mình
(http://www.phapdangthientue.com/hanh-trinh-noi-tam-tim-lai-gia-tri-song-cho-chinh-minh.html)
[9]Theo Trang Phạm, Hành trình nội tâm – tìm lại giá trị sống cho chính mình
(http://www.phapdangthientue.com/hanh-trinh-noi-tam-tim-lai-gia-tri-song-cho-chinh-minh.html)
[10] Theo thiền sinh TTN, Biến mất để quay về chính mình
(http://www.phapdangthientue.com/bien-mat-de-quay-ve-chinh-minh.html)
[11]Theo Tuệ Hiền, Thanh niên học thiền: Trưởng thành dẫu nắng mưa
(http://www.phapdangthientue.com/thanh-nien-hoc-thien-truong-thanh-dau-nang-mua.html)