VẦNG TRĂNG RẰM – HÀNH HƯƠNG và THIỀN TẬP TẠI ẤN ĐỘ

Con ước mong một lần được đảnh lễ, ôm hôn mặt đất dưới cội bồ đề, nơi Đức Phật thành đạo” – dòng suy nghĩ khởi lên ngay sau khi tôi đọc xong bộ Một cuộc đời một vầng nhật nguyệt của Sư ông Giới Đức – Minh Đức Triều Tâm Ảnh. Và thật may mắn khi tôi được tham gia chuyến tham quan thánh tích và thiền tập tại Ấn Độ năm nay của Thầy tôi – Ni sư trụ trì thiền viện Pháp sơn, cùng một vài Chư Ni và các thiền sinh cũ. Chuyến hành hương lần này khiến tôi được tắm mình trong ánh hào quang của “Vầng nhật nguyệt” Như Lai và khám phá thêm hai vầng trăng rằm khác.

Cả đoàn, tổng cộng gồm 85 người, chia thành hai xe, bon bon trên những nẻo đường thôn quê, thanh bình của xứ Ấn với hành trình theo dấu chân Phật. Chúng tôi được chiêm bái Tứ động tâm – Lumbini (Lâm Tỳ Ni) nơi Đức Phật đản sanh, Bodhgaya (Bồ đề đạo tràng) nơi Đức Phật thành đạo, Sanarth (Lộc Uyển) nơi Đức Phật chuyển pháp luân và Kushinara (Câu Thi Na) nơi Đức Phật nhập Niết Bàn và thêm một số địa điểm khác như đại học Nalanda, Kỳ viên Tịnh xá,… Nhưng nơi gây chấn động cho tôi nhất chính là Bồ đề đạo tràng – nơi Đức Phật thành đạo.

Đây là lần đầu tiên tôi đến Bồ đề đạo tràng, mọi thứ thật quá mới mẻ đối với tôi! Những màu y khác lạ chưa từng thấy, những tiếng tụng kinh bằng các ngôn ngữ lạ lẫm hay những văn hoá, lối sống chưa từng biết. À thì ra ngay tại lúc ấy, có một sự phản ứng ngầm, sự không chấp nhận đang dấy lên trong tâm tôi. Nhưng, ngay tại cội bồ đề, mọi xáo động dường như lắng xuống, nhường chỗ cho một nguồn năng lượng thanh tịnh, uy nghiêm, vững chãi đang từ từ rót vào tâm trí tôi.

Khoảnh khắc ấy dường như chỉ còn tôi và cây bồ đề. Đẹp và trang nghiêm quá! Dù trên thực tế, đây không còn là cây gốc từ thời Đức Phật thành đạo, nhưng chẳng phải mọi thứ có mặt trong nhau đó ư? Sau bao nhiêu thăng trầm, chiếc lá không còn là chiếc lá, thân cây không chỉ là thân cây, mà trong đó là âm hưởng của lịch sử, là chứng tích cho sự giác ngộ của Thái tử Tất Đạt Đa sau 49 ngày dõng mãnh thệ nguyện “Dù thịt nát xương tan cũng không rời khỏi chỗ ngồi này nếu chưa chứng đạo quả Vô thượng Bồ đề, giải quyết được vấn đề luân hồi sinh tử”.

Thầy dạy cả đoàn chúng tôi: “Mỗi người nếu được một lần cơ hội đến đây đều nên cụng đầu vào khung tường hàng rào bảo vệ cây bồ đề như gửi tất cả sự biết ơn, cung ngưỡng chân thành nơi đã bảo hộ cho sự giác ngộ của Thế Tôn. Chính đức Phật cũng đã dành tuần lễ thứ hai sau khi thành đạo, không một nháy mắt, trải qua mưa nắng sương gió để chăm chú nhìn cây bồ đề – người bạn, chứng nhân cho sự giác ngộ viên mãn của Ngài. Điều này muốn ghi lại cho thế gian một bài học về hạnh tri ân.”

Thế là nép nhẹ mình qua hàng người, với tâm ý thanh tịnh nhất, tôi khẽ khàng chạm trán vào hàng rào bảo vệ bên ngoài. Một cái chạm thật nhanh vì hàng người chờ đợi còn rất dài, nhưng đủ để truyền hết tất cả sự biết ơn, kính tin của tôi đến cây bồ đề, “Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Đức Như Lai”.

Là một trong những nơi linh thiêng bậc nhất đối với nhân loại nói chung và những người con Phật nói riêng, nên Bồ đề đạo tràng được nhiều hành giả, Phật tử hay du khách viếng thăm. Và cũng bởi vì quy tụ nhiều hành giả trên khắp thế giới, không phân biệt nên có thể nói rằng ở đây rất đa dạng các pháp môn tu tập. Giữa dòng người vội vã, văng vẳng tiếng mõ chuông hay sự huyên náo của khách tham quan, đoàn người của chúng tôi chọn một góc ngồi khiêm tốn đằng sau bảo tháp – nơi thờ tượng Phật, cách cây bồ đề chừng 5m, yên tĩnh ngồi toạ thiền.

Chính nơi đây, Đức Phật đã dùng phương pháp thiền để đạt đến sự chứng ngộ hoàn toàn, tìm ra nguyên nhân và con đường diệt khổ, thoát khỏi vòng luân hồi sanh tử trầm kha. Do đó, thiền tập vừa là một cách để chúng tôi tưởng nhớ đến bậc Thầy của thiên nhơn, Cha lành của nhân loại, vừa khiêm cung tiếp nhận nguồn năng lượng giác ngộ từ Ngài. Tuy Đức Phật đã vào vô dư Niết bàn, giống như cội bồ đề cũng đã từng sanh diệt bao lần theo thời gian, nhưng Ngài vẫn để lại cho hàng hậu lai pháp tu có thể diệt khổ ngay trong đời sống hiện tại này. Thầy đã từng dạy hàng đệ tử chúng tôi: “Đừng nghĩ rằng, tu phải được cái này cái kia cao siêu, chỉ cần thay đổi các thói quen xấu hàng ngày cũng là bớt tích trữ một tập khí sâu xa từ nhiều đời nhiều kiếp rồi”. Thế đó, Vầng nhật nguyệt của Đức Như Lai vẫn toả hào quang sáng chói cho đến bây giờ, sau gần 26 thế kỉ.

Trong tâm tuy có sự không chấp nhận, tại sao ngay nơi Đức Phật thành đạo mà còn nhiều lộn xộn như thế, hay những câu hỏi như “Sao không cho canh phòng nghiêm ngặt hơn? Đưa ra những quy tắc để có sự nề nếp hơn?…” những suy tư vẫn còn ẩn sâu đâu đó trong tâm trí tôi. Mãi cho đến những ngày sau, khi tôi được tham quan một ngôi chùa Thái tại Vesali thì mọi thứ đã được vỡ lẽ ra. Ngôi chùa đó được toạ lạc trên một mảnh đất rộng lớn, được thành lập bởi một công chúa Thái Lan. Có thể nói ngắn gọn, mọi thứ trong đó dường như đều hoàn hảo. Những người phụng sự mặc giới y màu trắng tinh khôi, những nguyên tắc khi vào chùa rõ ràng …, nhưng đâu đó chính những điều này khiến tôi mơ hồ cảm thấy có một sự không thoải mái. Và rồi tôi nhận ra, vì ngôi chùa đó thuộc về hình thức lễ giáo nhất định nên chỉ có một phạm vi đối tượng phù hợp với nơi đó mà thôi. Còn ở Bồ đề đạo tràng, vì Đức Phật là của tất cả mọi người, không phân biệt cảnh giới nên có sự đa dạng như vậy mới thể hiện đúng sự từ bi, không phân biệt của Ngài. Lại một lần nữa, sự sáng chiếu của Ngài đã soi rọi tâm trí ích kỉ, nhỏ nhen được bao bọc bởi sự đúng sai, phải trái của bản ngã trong tôi.

Vậy đó, cầm trên tay bộ Một cuộc đời, một vầng nhật nguyệt – mười năm gom góp tư liệu, sáng tác của Sư ông Giới Đức, sự từ bi, trí tuệ, dõng mãnh của Đức Thế Tôn sáng lên qua từng con chữ, từng câu thơ, từng câu chuyện về cuộc đời cũng như những chặng đường hoằng pháp của Ngài. Nhưng đến nơi đây, trên mảnh đất Ấn Độ, nơi lưu lại dấu chân từ ngàn xưa của Đấng Chánh Đẳng Chánh Giác, tôi chiêm nghiệm được sự vĩ đại của Ngài qua từng thánh tích hay từng nơi mà Ngài đi qua bằng chính những cảm nhận rất riêng của mình.

Đức Phật không còn tại thế nhưng bánh xe Pháp vẫn đang còn vận hành, các hàng cận sự nam, cận sự nữ và Tăng ni trẻ may mắn vẫn còn được thọ trì Pháp dưới sự hướng dẫn của các bậc Tôn túc Tăng Ni đáng kính. Giữa muôn vàn ánh sao chiếu sáng ban đêm tối tăm, tôi đã tìm thấy được cho mình một vầng trăng rằm để noi theo – đó chính là vị Thầy mẫu mực mà tôi hằng tôn kính.

Thầy tôi có dáng người nhỏ nhắn nhưng toát lên một vẻ uy nghi, thanh khiết khiến những người dù không quen biết Thầy vẫn phải tỏ lòng cung kính. Tôi thuộc kiểu “con út” của Thầy, nên khi còn ở chùa, dù cho rất thương Thầy khó nhọc nhưng không có nhiều cơ hội để tiếp xúc gần Thầy. May mắn làm sao, chuyến đi lần này, tôi được đi cùng quý sư cô và Thầy hành hương Ấn Độ, nhờ đó mà tôi thấy mình gần Thầy hơn bao giờ hết.

Thầy vẫn là Thầy vậy thôi, nhưng không hiểu sao, qua những hành động chăm lo, lo lắng của Thầy cho đoàn, tôi thấy thương và hiểu nỗi nhọc nhằn nhưng đầy tận tâm của Thầy mỗi khi lo Phật sự. Đặc biệt, trong cuối chuyến đi, đoàn chúng tôi có cơ may đến viếng thăm và có thời khoá tu tập hai ngày tại Tháp toàn cầu (Global Vipassana Pagoda) tại tỉnh Mumbai. Chuyến đi Ấn năm nào Thầy cũng cố gắng dẫn đoàn đến đây nhằm mục đích cho thiền sinh cũ có cơ hội tu tập pháp thiền Vipassana ngay tại nơi mà Ngài SN. Goenka đã dày công cùng các bậc Thầy lưu lại cho nhân gian một tháp thiền với Xá lợi Phật được tôn kính trên đỉnh mái vòm, tràn đầy năng lượng an lành cho tất cả thiền sinh Vipassana khắp toàn thế giới.

Những ngày về sau, đoàn càng di chuyển liên tục và gấp rút, như thể chạy đua với cuộc đời, chạy cho kịp những giây phút quý giá còn lại. Và Thầy vẫn là người tất tả nhất, gần như mọi sức lực trên thân thể nhỏ bé ấy đã chạm đến ngưỡng bão hòa. Tuy nhiên, Thầy chưa một thời nghỉ ngơi cho riêng mình, dù những bước chân đã khập khiễng nhiều hơn vì mỏi. Thời khắc Thầy leo từng nấc thang để hướng dẫn đoàn, thỉnh chuông tại tháp toàn cầu cùng nguyện sẽ luôn trở về tháp, Thầy sáng chói trong lòng tôi như thể Thầy đã tách hẳn cái đau của thân ngũ uẩn ra khỏi cơ thể. Thầy đã sống những gì Thầy dạy và Thầy dạy những điều Thầy sống. Vầng trăng rằm của đệ tử chúng tôi nhỏ bé nhưng sáng vằng vặc như thế đấy!

Và vầng trăng rằm cuối cùng tôi khám phá ra, đó chính là tự tánh của chính bản thân mình. Ấy không, không phải là tôi đã tròn trịa, sáng trong như vậy đâu. Chỉ là tôi đã biết mình cần phải làm gì sau một chặng đường dài lỡ quên mất những hạt bồ đề tâm ban đầu của mình. Tôi đến đất Phật với nhiều mảnh cảm xúc, suy nghĩ ngổn ngang nhưng nhờ năng lượng nơi đây mà tôi cảm giác mình được thanh tẩy hoàn toàn. Cảm giác mây mờ bấy lâu nay tan đi, để có cơ hội thấy được ánh sáng phía trước mà đi theo. Đã một thời gian đủ lâu, tôi sống chìm đắm vào những cảm giác vui vẻ bên ngoài mà quên đi sự hạnh phúc tự thân, quên bẵng đi cái nỗ lực muốn vượt thoát khỏi các cám dỗ để được tự do lúc còn sơ cơ. Nhờ đó, tôi nhận ra rằng, chính bản thân mình hãy là một vầng trăng rằm, tròn trịa và sáng trong trước đi đã. Và nó vẫn ngay đó, nằm sâu bên trong, chỉ là theo bụi mờ thời gian đã phủ mà không biết để quét dọn mà thôi.

“Ta trách đời méo mó

Sao không tròn trịa tự trong tâm?”

Vậy là chuyến hành trình của tôi đã kết thúc, tôi chạm được Vầng nhật nguyệt Như Lai bằng chính cảm nhận của riêng mình, gần được Vầng trăng rằm Thầy tôi và khám phá vầng trăng còn khuyết, chờ lúc tròn đầy của bản thân. Tròn rồi khuyết, khuyết lại rồi tròn, chẳng qua cũng là một vòng chu kì, lặp lại không ngừng. Như đến rồi cũng sẽ đi, nhưng những sợi dây kết nối, kinh nghiệm cá nhân vẫn còn mãi ở đó trong tôi. Ấn Độ đã cho tôi những điều rất đẹp và quen thuộc, một ngày nào đó, tôi sẽ trở lại nơi đây, đủ vững chãi hơn cho những gì sắp đến.

“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn.”

Liên Thuần – TV Pháp sơn

Một số hình ảnh khác của chuyến đi:

Tại Lumbini (Lâm Tỳ Ni) nơi Đức Phật đản sanh

Tại Kushinara (Câu Thi Na) nơi Đức Phật nhập Niết Bàn

Tại núi Linh Thứu

Tại Sanarth (Lộc Uyển) – nơi Đức Phật chuyển pháp luân

Tại tháp toàn cầu (Global Pagoda)

Tọa thiền tại Kỳ Viên