CHUYẾN DU HÀNH PHƯỚC – HUỆ SONG TU

Tinh tấn thực hành thiền là để thay đổi bản thân từng bước trên lộ trình giải thoát. Ở những hoàn cảnh khác nhau người thực hành pháp sẽ có những kinh nghiệm rất riêng. Chính vì thế, Ni Sư Hằng Liên, trụ trì Thiền Viện Pháp Sơn, Tân Phú – Đồng Nai; người trực tiếp hướng dẫn các khóa thiền Vipassana, thường xuyên tổ chức một ngày ôn tập giúp các thiền sinh có cơ hội học hỏi và chia sẻ lẫn nhau. Thỉnh thoảng, Ni Sư lại tổ chức những chuyến du hành tu tập ở các địa điểm khác nhau tạo điều kiện cho thiền sinh ứng dụng hạnh xả ly tuỳ duyên bất biến. Nhân dịp thực hiện chương trình từ thiện định kỳ hàng năm cho người khiếm thị tại Vĩnh Châu – Sóc Trăng, ngày 19/10/ 2109 thiền sinh dừng chân tu tập một ngày, trải nghiệm hành thiền tại Tổ đình Minh Đăng Quang – TP. Vĩnh Long. Phái đoàn do Ni Sư tổ chức gần 130 hành giả, trong đó có 18 sư cô và 120 thiền sinh ở các tỉnh. Mở đầu buổi ôn tập, đại chúng được đảnh lễ và thỉnh pháp với HT. Thích Giác Giới – Trưởng ban thường trực Hội đồng Giáo phẩm Hệ phái Khất Sĩ, Viện chủ Tổ đình Minh Đăng Quang, TP. Vĩnh Long. Ngài chia sẻ với các thiền sinh lộ trình thực hành pháp: “Muốn tu Tứ Niệm Xứ được nhập dòng, muốn nhập dòng phải có chánh kiến.” Những lời nhắn nhủ tuy đơn giản nhưng vô cùng sâu sắc bằng kinh nghiệm, cần thiết cho một thiền giả. Như đã biết, để thực hành Tứ Niệm Xứ tiến bộ và hiệu quả, người thực hành phải từng bước trải nghiệm các khoá thiền 10 ngày dần dần thiết lập chánh tín và chánh kiến. Trong đó, người hướng dẫn đóng một vai trò rất quan trọng, như một người cầm đuốc soi đường cho những người phía sau, nếu không sẽ giống như một đoàn người mù nối đuôi nhau. Hòa Thượng đã tán thán Ni Sư có đủ tự tin hướng dẫn Tứ niệm xứ, thì đại chúng phải tu cho được kết quả ngay trong hiện tại mới không lãng phí thời gian và công sức thực hành.

Thời khóa hành thiền vẫn nghiêm túc như những buổi ôn tập thường lệ. Buổi tối, Ni Sư lại tiếp tục giảng pháp thoại với bài: ”Kinh tất cả các lậu hoặc” để làm sáng tỏ hơn lời hướng dẫn của Hòa Thượng Viện chủ. Ni sư nhắc lại và phân tích bảy cách diệt trừ các lậu hoặc trong chánh kinh đức Phật đã dạy: 1- Có những lậu hoặc phải do tri kiến được đoạn trừ; 2- Có những lậu hoặc phải do phòng hộ được đoạn trừ; 3- Có những lậu hoặc phải do thọ dụng được đoạn trừ; 4-Có những lậu hoặc phải do kham nhẫn được đoạn trừ; 5- Có những lậu hoặc phải do tránh né được đoạn trừ; 6- Có những lậu hoặc phải do trừ diệt được đoạn trừ; 7- Có những lậu hoặc phải do tu tập được đoạn trừ.

Cuối bài pháp thoại Ni sư không quên nhắc nhở thiền sinh tầm quan trọng của chánh kiến cũng như trình tự của sự thực hành pháp và hơn hết là sự tinh tấn của mỗi người để có được sự an lạc trong hiện tại.

Sáng 20/10, đoàn tiếp tục hành trình, đó là buổi trao quà yêu thương; với 600 phần đến những người bị khiếm thị, khuyết tật và hoàn cảnh khó khăn tại Vĩnh Châu – Sóc Trăng. Phần quà là sự góp sức bằng tất cả tấm lòng của những thiền sinh xa gần. Trước giờ trao quà, Ni Sư gởi đôi lời nhắn nhủ đến bà con, khuyến khích họ tìm về an lạc nội tâm để chiến thắng những bất hạnh của nghiệp lực, hướng họ đến niềm tin vào chánh pháp và thiện duyên. Đặc biệt, những âm thanh vồn vã, xao động của tất cả mọi người phút chốc tan biến, chuyển thành sự trầm lắng, thánh thiện; chỉ còn lời hướng dẫn đều đều, sâu lắng của Ni Sư hòa vào những hơi thở nhẹ nhàng, lan tỏa trái tim yêu thương từ các thiền sinh đến hơn 600 con người hiện diện. Một không gian, chỉ hiện hữu với sự an lành, thanh thản và bình yên.

Chuyến đi thật sự hoan hỷ cho tất cả hành giả, vừa được tu tập, vừa có thêm những trải nghiệm mới trong cuộc sống, thiền sinh nhận rõ hơn giá trị của pháp hành trong từng phút giây mỏng manh. Đồng thời học cách tô bồi phước đức, phát khởi từ tâm bằng những việc nhỏ bé giữa đời thường; để trọn vẹn hành trình “Phước –  Huệ song tu”.