Duyên ngộ Hà Nội và hành trình đi tìm lõi cây

Tối ngày mùng 4/4 năm Quý Mão ( nhằm ngày 23/5/2023) duyện ngộ Hà Nội, tại vùng đất Thủ đô nghìn năm văn hiến, Ni Sư Hằng Liên đã hướng dẫn thiền và thuyết giảng về Thí dụ lõi cây thuộc kinh Trung bộ số 29-30.

Tháng 5, nắng đổ lửa! Năm nay, do biến đổi khí hậu nắng hạ càng thêm oi bức và gay gắt. Sau chuyến du hành xứ Huế thân thương, Ni sư và phái đoàn thiền sinh phía Nam không thể trực tuyến về Thanh Hoá theo lịch trình dã định, nên buộc phải hạ cánh sân bay Nội Bài và thế là duyên lành hội ngộ cùng thiền sinh phía Bắc tại tòa nhà Ecolife Hà Nội.

Gặp thầy, gặp bạn đồng tu, xốn sang nhiều cảm xúc. Những cái ôm thật chặt, những nụ cười thật rạng rỡ chan hòa trong một không gian đầy an vui, hòa hợp và hạnh phúc. Dưới sự hướng dẫn của Thầy, khoảng hơn 150 thiền sinh và cả những người mới tập tu, cùng nhau thực hành một thời thiền trang nghiêm, tĩnh tại. Dù mới biết thực hành, những vị này cũng tinh tấn vượt qua được 1 tiếng đồng hồ, không giấu nổi niềm tự hào về bản thân đã có thể nghị lực và thành tựu được mục tiêu dẫu nhỏ, mà không kém phần khó khăn – vượt lên chính mình. Sự hân hoan tràn ngập khắp phòng thiền.

Không khí buổi duyên ngộ phút chốc đã trở nên trang nghiêm và thanh tịnh với giọng pháp thân thuộc, ấm áp của Thầy. Bài pháp “Đi tìm lõi cây” vô cùng sâu sắc. Đức Phật dạy rằng: Người khổ đau, đi tìm con đường giải thoát, cốt yếu phải tìm ra bản chất của khổ đau và chính xác phương pháp để đối trị khổ đau, chứ đừng vì danh vọng, lợi dưỡng, vì được khen tặng mà sinh ra tự mãn, như vậy thay vì tìm lõi cây, lại chỉ mang cành lá về nhà. Thầy giảng giải bằng sự thật “phũ phàng” rằng, không phải những người chưa hiểu đạo mà ngay cả thiền sinh, cũng không ít người còn đang mang rất nhiều lá cây về nhà – với những bằng khen ghi nhận công trạng vì làm được nhiều thiện pháp thì cũng chỉ là lá cây mà thôi. Phật cũng dạy rằng, tìm con đường thoát khổ, cũng đừng vì có thành tựu chút ít trong tu tập, giữ giới hạnh mà khen mình, chê người rồi trở nên phóng dật, đó cũng chỉ như người mang về vỏ cây – lớp vỏ ngoài mà thôi. Cũng đừng như người đã vượt qua được giới hạn của tri thức thông thường, vượt qua tín ngưỡng, tin vào sự thật, đạt được sự định tĩnh của bản thân, lại sinh tâm thị phi, chê trách người khác tu không đúng chánh pháp – như vậy cũng chỉ là tìm thấy vỏ trong mà chưa tìm được lõi cây. Và vi tế hơn, ngay cả khi một người đã tinh tấn tu học, đã có được tri kiến, nhưng vì kiến chấp khen mình, chê người, rồi cũng sẽ rơi vào tà kiến. Như vậy, cũng chỉ là tìm được giác cây, chứ chưa thấy lõi cây – chưa đi đến bản chất của con đường giải thoát. Chỉ khi nào đoạn tận lậu hoặc, thành tựu ái tận không còn sinh khởi – đó là sự giải thoát hoàn toàn, giải thoát vĩnh viễn.

Thầy dặn dò những lời chân thành nhất: Thiền sinh phải đối diện với sự thật tồn tại đó là: ta phải sống, phải mưu cầu hạnh phúc, nên rồi đời sống của ai cũng sẽ phải lao tâm đến lao lực. Vậy nên phải biết thương mình, dành thời gian quay về bên trong, bảo trì thân tâm của mình bằng cách học và hành thiền, càng sớm càng tốt, càng chuyên chú càng kết quả. “Hoa thành rác chỉ vài giờ. Rác thành hoa phải đợi chờ chuyển lưu”.

Với lời sách tấn ấy, trong lòng thiền sinh chắc hẳn đều có những phát nguyện riêng của mình, để mỗi ngày một tinh tấn hơn trên con đường tu học. Hương sen đầu hè mềm mại lan tỏa trong nhè nhẹ gió đêm. Một đêm Hà Nội duyên ngộ đầy cảm xúc!