07. Phẩm Asadisa

181. CHUYỆN HOÀNG TỬ VÔ ĐỊCH (Tiền thân Asadisa)

Vị thiện xạ, hoàng tử…,

Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Đạo Sư kể về cuộc xuất gia vĩ đại.

Bậc Đạo Sư nói:

– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Như Lai mới thực hiện cuộc xuất gia vĩ đại. Thuở xưa, Như Lai cũng đã từ bỏ vương vị và xuất gia.

Nói vậy xong, Ngài kể câu chuyện quá khứ.

*

Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát làm con Hoàng hậu được sanh an toàn, và trong ngày đặt tên, được gọi là hoàng tử Asadisa (Vô Địch). Khi hoàng tử bắt đầu biết chạy, vị hữu tình khác có công đức cũng nhập thai làm con hoàng hậu, được sanh ra an toàn, và trong ngày đặt tên, được gọi là hoàng tử Brahmadatta (Phạm Thọ).

Khi được mười sáu tuổi, Bồ-tát đi Takkasilà, học ba tập Vệ-đà và mười tám tài nghệ với một sư trưởng có danh tiếng nhiều phương. Trong nghề bắn cung, Bồ-tát là vô địch. Học xong Bồ-tát trở về Ba-la-nại.

Khi vua mệnh chung, vua có di chúc tôn thái tử Asadisa làm vua và hoàng tử Brahmadatta làm phó vương. Sau khi vua băng hà, thái tử Asadisa từ chối vương vị và nói:

– Ta không muốn vương vị.

Và Brahmadatta được làm lễ quán đảnh. Bồ-tát không cần danh vọng, không muốn gì hết. Trong khi người em trị nước, Bồ-tát sống như một ông hoàng. Những người hầu cận vu cáo Bồ-tát với vua:

– Thái tử Asadisa muốn chiếm vương quốc.

Vua tin lời nói của họ, tâm tư bị mê hoặc, sai người đi bắt Bồ-tát. Một người hầu Bồ-tát báo cho ngài biết tin này. Bồ-tát tức giận em, liền đi đến một nước khác và báo tin cho vua này biết rằng có một người bắn cung đang đứng đợi trước hoàng môn. Vua hỏi:

– Kẻ ấy muốn bao nhiêu tiền lương?

– Mỗi năm, một trăm ngàn đồng.

– Được, hãy đưa kẻ ấy đến.

Khi Bồ-tát đến yết kiến và đứng chầu, vua hỏi:

– Khanh là người bắn cung?

– Thưa vâng, tâu Đại vương.

– Lành thay, hãy phục vụ ta.

Từ đấy trở đi Bồ-tát phục vụ nhà vua. Nhưng các người bắn cung cũ lấy làm bất mãn, vì lương của Bồ-tát quá cao.

Một hôm vua đi đến ngự uyển, tại chỗ đó dưới gốc xoài được dựng lên một lều vải trước bàn thạch dùng làm nghi lễ. Vua nằm trên sàng tọa lộng lẫy dưới gốc cây xoài, nhìn lên thấy một chùm xoài trên ngọn cây và suy nghĩ: “Không thể leo cây để hái chùm xoài quá cao”, liền cho gọi các người bắn cung đến và nói:

– Các khanh có thể dùng mũi tên cắt đứt chùm xoài này và làm nó rơi xuống không?

Họ đáp:

– Tâu Đại vương, làm việc này không khó gì đối với chúng thần. Đại vương đã thấy tài nghệ chúng thần nhiều lần trước rồi. Người bắn cung mới tới nhận tiền lương nhiều hơn chúng thần, xin hãy bảo kẻ ấy bắn rơi chùm xoài.

Vua truyền Bồ-tát đến và hỏi:

– Khanh có thể bắn rơi chùm xoài ấy không?

– Thưa vâng, tâu Đại vương. Nếu được chọn chỗ đứng, thần có thể.

– Chỗ đứng nào?

– Chỗ đứng tại tọa sàng mà Đại vương nằm!

Vua bảo dời tọa sàng và nhường chỗ cho Bồ-tát.

Bồ-tát không có cung tầm tay, nhưng thường nai nịt nó trong bộ áo sát thân, do vậy cần phải có cái lều để thay quần áo. Vua ra lệnh mang lều vải và cắm lều. Rồi Bồ-tát đi vào trong lều, cởi tấm vải trắng đã mang trên mình, rồi mặc một áo đỏ sát da, buộc dây nịt và khoác một áo cánh ngang hông màu đỏ.

Từ một cái túi, Bồ-tát lấy ra một cây kiếm được tách rời từng mảnh, ráp chúng lại và đeo vào phía bên trái. Kế đó ngài mang một áo giáp bằng vàng, đeo ống tên sau lưng, lấy ra cái cung lớn bằng sừng dê được làm bằng nhiều mảnh. Bồ-tát lắp chúng lại, buộc dây cung đỏ như màu san hô, đội một chiếc khăn trên đầu, lấy móng tay quay mũi tên hai ba vòng và vén màn đi ra giống như hoàng tử rắn từ hang hiện lên. Bồ-tát đi đến chỗ bắn cung, lắp tên vào cung và hỏi vua:

– Tâu Đại vương, thần có thể cắt chùm xoài này với mũi tên bắn lên hay tên rơi xuống?

– Này khanh, ta thường thấy một vật rơi xuống do một mũi tên bắn lên, chứ chưa hề thấy mũi tên từ trên rơi xuống. Vậy khanh nên làm mũi tên rơi xuống chùm xoài.

– Thưa Đại vương, mũi tên này sẽ được bắn lên xa đến tận trời của Bốn Thiên vương, rồi mới rơi xuống. Xin Đại vương chịu khó chờ đợi.

– Lành thay.

Vua chấp nhận. Rồi Bồ-tát nói:

– Thưa Đại vương, mũi tên này khi bắn lên sẽ cắt đứt cành xoài ở chính giữa, và khi rơi xuống, nó không rơi trật ra bên này bên kia, dù chỉ một sợi tóc, nhưng rơi đúng chỗ mình muốn và mang theo chùm xoài. Đại vương hãy xem.

Với sự nhanh nhẹn, Bồ-tát bắn lên mũi tên ấy đâm đúng chỗ giữa của chùm xoài. Ngay khi biết mũi tên ấy đã lên đến cung điện của Bốn Thiên vương, ngài bắn thêm một mũi tên khác, đi nhanh hơn cả mũi tên trước, và chạm vào lông của mũi tên đầu, khiến nó quay trở lại, còn mũi tên sau bay thẳng đến lâu đài ở cõi trời Ba mươi ba. Tại đây, chư Thiên giữ lại mũi tên ấy. Tiếng xé gió của mũi tên rơi xuống vang động như tiếng sấm. Đại chúng hỏi:

– Đó là tiếng gì?

Bồ-tát trả lời:

– Đó là tiếng của mũi tên rơi xuống.

Bồ-tát biết rằng mọi người sợ mũi tên rơi trúng mình bèn an ủi họ:

– Chớ sợ hãi. Ta sẽ không cho mũi tên rơi xuống đất đâu.

Mũi tên rơi xuống, không đi trật ra bên này bên kia dù chỉ một sợi tóc, nhưng rơi đúng chính giữa và cắt đứt chùm xoài. Bồ-tát không cho chùm xoài và mũi tên rơi xuống đất, một tay bắt lấy chùm xoài, một tay bắt lấy mũi tên. Đại chúng thấy sự kiện kỳ diệu ấy tán thán bậc Đại Sĩ:

– Chúng ta chưa bao giờ thấy sự kiện hy hữu này.

Họ la lên, vỗ tay, búng ngón tay và vẫy hàng ngàn khăn tay qua lại trên không. Trong sự hân hoan thỏa thích, hội chúng quần thần góp được mười triệu đồng tặng cho Bồ-tát.

Còn vua ban Bồ-tát nhiều tặng vật và danh vọng lớn.

Trong khi Bồ-tát sống ở đây được vua này cung kính, tôn trọng, thì bảy vua khác nghe Hoàng tử Vô Địch không có mặt ở Ba-la-nại, liền đi đến vây kinh thành và gửi tin cho vua:

– Phải đầu hàng hay giao chiến.

Vua hoảng hốt sợ chết và hỏi:

– Hiền huynh của ta nay ở đâu?

Khi được nghe ngài đang phục vụ một vua láng giềng, vua nói:

– Nếu anh ta không đến, ta sẽ mất mạng. Hãy ra đi và nhân danh ta, đảnh lễ dưới chân hiền huynh ta, xin lỗi và rước anh ta về.

Vua sai sứ giả ra đi báo tin ấy cho Bồ-tát.

Ngài xin phép vua của mình trở về Ba-la-nại, an ủi em đừng sợ, rồi cho khắc những chữ sau đây trên một mũi tên: “Ta, hoàng tử Asadisa, đã trở về. Chỉ bắn một mũi tên, ta có thể giết tất cả các ngươi. Ai còn yêu mạng sống hãy chạy trốn đi”.

Rồi đứng trên tháp canh, Bồ-tát bắn mũi tên này làm nó rơi vào chính giữa cái đĩa vàng mà bảy ông vua ấy đang ăn chung. Khi họ đọc các chữ ấy, họ hoảng hốt sợ chết và tất cả đều tháo chạy.

Như vậy bậc Đại Sĩ không làm rơi một giọt máu để một con ruồi nhỏ có thể uống được và đã khiến cho bảy vua bỏ chạy. Rồi nhìn em trai, ngài từ bỏ các dục, xuất gia làm vị đạo sĩ, ngài đạt được các Thắng trí và các Thiền chứng, đến khi mạng chung, ngài được sanh lên Phạm thiên giới.

Bậc Đạo Sư nói:

– Như vậy, này các Tỷ-kheo, sau khi đuổi bảy vua chạy, và thắng trận, hoàng tử Asadisa đã xuất gia làm vị đạo sĩ.

*

Rồi nhận danh bậc Chánh Giác, bậc Đạo Sư đọc những bài kệ:

Vị thiện xạ, hoàng tử,
Tên A-sa-di-sa,
Bậc đại hùng vô địch,
Bắn xa, nhanh như chớp,
Đã phá vỡ tan tành
Đại bộ phận quân địch.

Giao chiến giữa quân thù,
Nhưng không hại một ai,
Cứu người em an toàn,
Bồ-tát tự chế ngự.

Sau khi bậc Đạo Sư nói xong Pháp thoại này, Ngài nhận diện Tiền thân:

– Thời ấy, người em trai là Ànanda, còn hoàng tử Asadisa là Ta vậy.

-ooOoo-

182. CHUYỆN CON VOI THIỆN CHIẾN (Tiền thân Sangàmàvacara)

Anh hùng quen chiến trận…,

Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Đạo Sư kể về Tôn giả Nanda.

Từ khi trở về thành Kapila lần đầu tiên, cho người em trai, hoàng tử Nanda, xuất gia xong, bậc Đạo Sư đã đi ra khỏi thành Kapila, tuần tự đi đến Xá-vệ và sống tại đây. Tôn giả Nanda nhớ lại, khi cầm lấy bình bát của Thế Tôn, cùng với Thế Tôn đi ra khỏi nhà, thì một Thích nữ có tình cảm đối với Nanda, nhìn ra cửa sổ, với đầu tóc đang chải dở, thấy vậy nàng nói:

– Sao, hoàng tử Nanda lại đi ra với bậc Đạo Sư? Mong Tôn giả hãy sớm trở về.

Nhớ tiếng nói của nàng, Tôn giả sanh luyến ái, không vui vẻ, trở thành vàng vọt và tay chân nổi gân. Bậc Đạo Sư biết được tin này, suy nghĩ: “Ta sẽ khuyên dạy Nanda từ bỏ tiếng sét ái tình và tu đạo giải thoát”.

Ngài đi đến phòng Nanda ở, ngồi xuống chỗ soạn sẵn và hỏi:

– Này Nanda, ông có an vui trong Pháp và Luật này không?

– Bạch Thế Tôn, tâm con bị nàng chi phối. Con không an vui.

– Này Nanda, trước đây ông đã đến chiêm bái Tuyết Sơn chưa?

– Bạch Thế Tôn, con chưa đến.

– Vậy chúng ta hãy đi.

– Bạch Thế Tôn, nhưng con không có thần thông, làm sao con đi được?

– Này Nanda, Ta sẽ đưa ông đi với thần lực của Ta!

Rồi bậc Đạo Sư cầm lấy ta vị Trưởng lão bay lên hư không.

Giữa đường hai vị đi qua một đám ruộng bị cháy, trên một khúc cây bị cháy, một con khỉ cái ngồi với mũi và đuôi bị sứt lông trụi hết, da ngoài bị cháy, chỉ còn da trong bê bết máu. Bậc Đạo Sư hỏi:

– Này Nanda, ông có thấy con khỉ không?

– Dạ có, bạch Thế Tôn.

– Hãy nhìn nó cho kỹ.

Rồi bậc Đạo Sư dắt Nanda và chỉ cho Nanda thấy trải dài sáu mươi dặm là cao nguyên Manosìla, bảy hồ lớn, như hồ Anotatta kỳ vĩ v.v…, năm con sông lớn, toàn bộ núi Tuyết có hàng trăm cảnh trí tuyệt đẹp, với núi Vàng, núi Bạc, núi Bảo châu. Rồi bậc Đạo Sư hỏi:

– Này Nanda, trước đây ông có thấy cung điện cõi trời Ba mươi ba chưa?

– Bạch Thế Tôn, con chưa thấy.

– Hãy đi, này Nanda, Ta sẽ chỉ cho ông thấy cung điện cõi trời Ba mươi ba.

Rồi bậc Đạo Sư dắt Nanda đến đấy và ngồi trên Hoàng thạch tọa. Thiên chủ Sakka (Đế Thích) liền đi đến với chư Thiên của hai thiên giới, đảnh lễ bậc Đạo Sư và ngồi xuống một bên. Hai mươi lăm triệu tiên nữ của Đế Thích và năm trăm Thiên nữ với bàn chân bồ câu cũng đến đảnh lễ và ngồi xuống một bên. Bậc Đạo Sư làm cho Nanda khởi tâm say đắm nhìn năm trăm Thiên nữ ấy không chớp mắt.

– Này Nanda, ông có thấy các Thiên nữ với bàn chân bồ câu này không?

Bạch Thế Tôn, con đã thấy.

– Này Nanda, những Thiên nữ này đẹp hay Thích nữ của ông đẹp?

– Bạch Thế Tôn, ví như con khỉ cái tàn phế so sánh với cung nữ của vua, cũng vậy, nếu so sánh Thích nữ của vua với các Thiên nữ này.

– Này Nanda, nay ông sẽ làm gì?

– Bạch Thế Tôn, làm thế nào để được các Thiên nữ ấy?

– Làm Sa-môn pháp sẽ được các Thiên nữ ấy.

– Bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn hứa với con rằng do hành trì pháp Sa-môn, con sẽ được các tiên nữ ấy, thì con sẽ hành trì pháp Sa-môn.

Này Nanda, Ta hứa với ông đó, hãy hành trì đi.

Như vậy, vị Trưởng lão đứng giữa thiên chúng, sau khi được lời hứa của Thế Tôn, liền thưa:

– Bạch Thế Tôn, chớ quá chậm trễ. Chúng ta hãy đi về và con sẽ hành trì pháp Sa-môn.

Bậc Đạo Sư đưa Nanda trở về Kỳ Viên và vị Trưởng lão bắt đầu hành trì pháp Sa-môn. Bậc Đạo Sư gọi vị Tướng quân Chánh pháp và bảo:

– Này Xá-lợi-phất, Nanda, em của ta, giữa Thiên chúng cõi trời Ba mươi ba, vì thích thú các Thiên nữ, đã khiến ta lấy lời hứa của ta để khích lệ vị ấy.

Cùng cách ấy, bậc Đạo Sư báo tin cho Trưởng lão đại Mục-kiền-liên, Trưởng lão đại Ca-diếp, Trưởng lão A-na-luật-đà, Trưởng lão Ànanda, vị Thủ Kho Chánh pháp, tất cả tám mươi vị đại đệ tử và lần lượt các Tỷ-kheo còn lại đều biết. Trưởng lão Xá-lợi-phất, vị Tướng quân Chánh pháp đi đến Trưởng lão Nanda, và nói:

– Có thật chăng, này Hiền giả Nanda, nghe nói giữa Thiên chúng cõi trời Ba mươi ba, Hiền giả đã khiến bậc Đạo Sư hứa là Hiền giả sẽ hành trì pháp Sa-môn để được các Thiên nữ?

Rồi Trưởng lão nói tiếp:

– Nếu sự việc như vậy, thì Phạm hạnh của Hiền giả tùy thuộc nữ nhân và hệ lụy đến phiền não. Nếu Hiền giả hành trì pháp Sa-môn vì mục đích được các nữ nhân ấy, thì có gì khác giữa Hiền giả và một người làm thuê để lấy lương?

Lời nói ấy khiến Tôn giả Nanda xấu hổ và liền dập tắt mọi ham muốn. Cũng với phương tiện này, tất cả tám mươi vị đại đệ tử và các Tỷ-kheo còn lại đều khuyên răn khiến Tôn giả Nanda xấu hổ. Tôn giả Nanda suy nghĩ: “Điều ta làm thật không xứng đáng” và với tàm quý, Tôn giả Nanda kiên trì nỗ lực, tăng trưởng Thiền quán và chứng quả A-la-hán.

Rồi Tôn giả Nanda đi đến Thế Tôn và thưa:

– Bạch Thế Tôn, con xin giải tỏa Thế Tôn khỏi lời hứa.

Bậc Đạo Sư nói:

– Này Nanda, khi ông đã đạt quả A-la-hán, thì ta được giải tỏa khỏi lời hứa rồi.

Biết được sự việc này, các Tỷ-kheo tại Chánh pháp đường bắt đầu nói chuyện về Hiền giả Nanda:

– Hiền giả Nanda thật là dễ dạy. Chỉ một lời khuyên răn đã khiến vị ấy xấu hổ. Hiền giả Nanda liền hành trì pháp Sa-môn và chứng quả A-la-hán.

Bậc Đạo Sư đi đến Chánh pháp đường và hỏi:

– Này các Tỷ-kheo, các ông đang họp ở đây bàn câu chuyện gì?

Khi nghe vấn đề trên, bậc Đạo Sư nói:

– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay mà thuở xưa, Nanda cũng đã nghe lời khuyên dạy như vậy.

Rồi bậc Đạo Sư kể câu chuyện quá khứ.

*

Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong gia đình một người huấn luyện voi. Khi đến tuổi trưởng thành, Bồ-tát đạt được sự thiện xảo trong nghề nghiệp và phục vụ một vị vua thù nghịch với vua Ba-la-nại. Bồ-tát được bảo huấn luyện con voi quý của vua và đã huấn luyện nó tốt đẹp.

Vua ấy quyết định xâm chiếm quốc độ Ba-la-nại liền đem Bồ-tát đi theo, cưỡi lên con voi quý cùng với quân đội lớn đi đến Ba-la-nại bao vây thành và gửi tối hậu thư cho vua Ba-la-nại:

– Hãy giao quốc độ hay chiến đấu.

Vua Brahmadatta quyết định đánh, liền triệu tập đội binh hùng hậu tại các cửa thành, tháp canh và chiến đấu. Vua thù định cho con voi quý mặc áo giáp, rồi tự mình mặc áo giáp cưỡi lên đầu con voi, cầm một câu móc sắc bén, thúc con voi tiến đến trước mặt thành và nói lớn:

– Ta sẽ công phá thành, giết mạng sống của tên vua thù địch, khiến vương quốc nó rơi vào trong tay ta.

Khi thấy các quân giữ thành đổ bùn sôi, ném các hòn đá từ máy ném, con voi ấy sợ chết, nên không có thể tiến tới và lùi bước. Tức thì vị tượng sư đến và nói:

– Này voi thân, con là bậc anh hùng đã quen thuộc chiến trận. Tại trận địa như vậy, nếu con lùi bước thì thật là không xứng đáng.

Bồ-tát khuyên con voi với bài kệ này:

Anh hùng quen chiến trận,
Voi được tiếng lẫy lừng,
Tấn công các cửa thành,
Sao voi lại lùi bước?
Phá mau thanh cửa sắt,
Nhổ lên các cột trụ,
Đạp nát các cửa thành,
Hỡi voi, mau vào thành!

Nghe nói vậy, theo lời khuyên, con voi quay trở lại, lấy cái vòi quấn vào các cột trụ, nhổ chúng lên như nhổ các cọng nấm. Nó đạp nát cửa thành, bẻ gãy thanh cửa, đi vào thành và chiếm lấy vương quốc cho vua.

*

Khi bậc Đạo Sư kể Pháp thoại này xong, Ngài liền nhận diện Tiền thân:

– Thời ấy con voi là Nanda, vua là Ànanda và Sư trưởng huấn luyện voi là Ta vậy.

-ooOoo-

183. CHUYỆN ĐỒ TÀN THỰC (Tiền thân Vàlodakka)

Nước tồi tệ, ít vị…,

Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Đạo Sư kể về năm trăm người sinh sống bằng cách ăn đồ ăn dư thừa.

Nghe nói ở Xá-vệ có năm trăm cư sĩ giao gánh nặng gia đình cho vợ con rồi sống với nhau và đến nghe pháp bậc Đạo Sư giảng. Giữa họ có một số chứng quả Dự lưu, một số chứng quả Nhất lai, một số chứng quả Bất lai, không một người nào là không chứng quả.

Dân chúng mời bậc Đạo Sư thọ thực và thường mời luôn các cư sĩ ấy. Nhưng họ có năm trăm người hầu hạ, đem que xỉa răng, nước rửa mặt, hương thơm, vòng hoa, và những người này sinh sống với đồ ăn dư thừa của chủ. Sau buổi ăn sáng, bọn ấy nằm ngủ, rồi khi thức dậy cả bọn đến sông Aciravati, la hét trên bờ sông và vật lộn nhau như những người Mallà. Còn năm trăm cư sĩ không làm ồn, không la hét và sống yên lặng tịnh cư. Bậc Đạo Sư nghe tiếng ồn ào của những người hầu ăn tàn thực ấy, liền hỏi Trưởng lão Ànanda:

– Tiếng ồn này là gì vậy?

Ngài được đáp lại:

– Bạch Thế Tôn, đây là tiếng ồn của những người hầu ăn tàn thực.

Bậc Đạo Sư nói:

– Này Ànanda, không phải chỉ nay những người hầu này ăn tàn thực xong và làm ồn ào quá. Còn những người cư sĩ này không phải chỉ nay mới quy tụ với nhau và giữ im lặng, thuở xưa họ cũng đã như vậy rồi.

Rồi theo lời Trưởng lão yêu cầu, bậc Đạo Sư kể câu chuyện quá khứ.

*

Thuở xưa, khi vua Brahamdatta khi vua trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong gia đình một vị đại thần. Khi đến tuổi trưởng thành, Bồ-tát làm người cố vấn cho vua về các vấn đề thánh sự và tục sự.

Một thời, vua nghe nói ở biên địa có nổi loạn, liền chuẩn bị năm trăm con ngựa Sindh, cùng với bốn loại binh chủng ra đi và bình định biên địa. Sau khi trở về Ba-la-nại, vua ra lệnh:

– Vì các con ngựa Sindh đã mệt mỏi, hãy cho chúng ăn đồ tươi và uống nước nho.

Các chú ngựa Sindh uống nước thơm ngon rồi đi vào chuồng ngựa, và đứng yên lặng trên chỗ của mình. Nhưng còn nhiều đồ ăn cặn bã với các chất ngon ngọt đã bị vắt hết. Các người ấy hỏi vua:

– Nay chúng con phải làm gì với những vật này?

Vua nói:

– Hãy nhồi chúng với nước, vắt khô với vải lọc và cho đàn lừa.

Các con lừa uống nước cặn bã, trở thành say sưa, kêu vang và chạy quanh khắp sân vua. Vua mở cửa sổ lớn, nhìn xuống sân gọi Bồ-tát đang đứng gần và nói:

– Hãy nhìn xem những con lừa này uống nước cặn bã xong trở thành say sưa, la hét, nhảy chồm lên và chạy quanh. Còn các con ngựa Sindh sanh ra thuần chủng, sau khi uống nước thơm, lại im lặng và đứng một chỗ, không chạy nhảy qua lại.

Vua hỏi vì sao như vậy và Bồ-tát đọc bài kệ đầu:

Nước tồi tệ, ít vị,
Chất tươi bị vắt sạch.
Uống vào lừa say sưa,
Thưa Nhân chủ, ngài hỏi,
Ngựa Sindh, loài thuần chủng,
Uống loại nước thượng vị,
Đứng yên lặng tại chỗ,
Không chạy nhảy say sưa.

Rồi Bồ-tát giải thích vấn đề qua bài kệ thứ hai:

Cũng vậy, người hạ đẳng,
Dù ăn món dư tàn,
Vẫn say sưa nhảy nhót,
Sống thoải mái an nhàn.
Còn hạng người thuần tánh,
Giữ tâm trí vững vàng,
Cho dù được uống cạn,
Rượu thượng vị cao sang.

Vua nghe lời Bồ-tát nói, liền cho đuổi các con lừa ra khỏi sân chầu. Sau đó, vua tuân theo lời khuyên dạy của Bồ-tát, làm các công đức như bố thí v.v… rồi khi mạng chung vua đi theo nghiệp của mình.

*

Khi bậc Đạo Sư nói Pháp thoại này xong, Ngài nhận diện Tiền thân:

– Lúc bấy giờ, năm trăm con lừa là các người ăn tàn thực này, năm trăm con ngựa Sindh là năm trăm cư sĩ này, vua là Ànanda, còn vị đại thần hiền trí là Ta vậy.

-ooOoo-

184. CHUYỆN NGƯỜI LUYỆN NGỰA GIRIDANTA (Tiền thân Giridanta)

Con ngựa Pan-da-va…,

Câu chuyện này, khi ở Trúc Lâm, bậc Đạo Sư kể về một người thân cận kẻ ác. Hoàn cảnh câu chuyện đã được kể trong Tiền thân Mahilàmukha (số 26). Bậc Đạo Sư nói:

– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Tỷ-kheo này mới thân cận kẻ ác. Thuở xưa, Tỷ-kheo này cũng đã thân cận kẻ ác rồi.

Rồi bậc Đạo Sư kể chuyện quá khứ.

*

Thuở xưa, vào thời vua Sàma trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong gia đình đại thần và khi đến tuổi trưởng thành, trở thành cố vấn cho vua về các vấn đề thánh sự và tục sự.

Bấy giờ vua có con ngựa quý tên Pandava, và một người huấn luyện ngựa tên Giridanta, là người què chân. Con ngựa thường thấy người cầm dây cương đi phía trước suy nghĩ: “Người ấy muốn dạy ta đi cà nhắc” nên nó học theo và đi cà nhắc. Người ta trình cho vua biết là con ngựa què. Vua sai mời thú y. Thú y không thấy bệnh gì trên thân ngựa, liền thưa với vua:

– Hạ thần không thấy bệnh gì trên thân ngựa.

Vua cho gọi Bồ-tát:

– Hãy đến, này khanh, và tìm nguyên nhân việc ấy.

Bồ-tát đi đến, biết con ngựa ấy què do thân cận với người huấn luyện bị què, liền tâu vua biết sự kiện này:

– Đây là cái hại do thân cận người xấu.

Rồi Bồ-tát đọc bài kệ đầu:

Con ngựa Pan-da-va,
Của Đại vương Sà-ma,
Bị tật nguyền tai hại,
Vì Ga-ri-dan-ta,
Nó bỏ bản tánh xưa,
Học theo người huấn luyện.

Vua hỏi Bồ-tát:

– Này khanh, nay phải làm gì?

Bồ-tát đáp:

– Hãy tìm một người huấn luyện tốt, không què và con ngựa sẽ trở lại như xưa.

Nói xong, Bồ-tát đọc bài kệ thứ hai:

Tìm người đáng tin cậy,
Có phong cách tốt lành,
Thắng dây cương vào ngựa,
Tập nó chạy vòng tròn,
Nó mau bỏ tật cũ,
Học theo người huấn luyện.

Vua làm theo như vậy. Con ngựa dần trở lại tốt lành như xưa. Vua khen Bồ-tát hiểu biết tánh tình các loài súc sanh, liền ban thưởng Bồ-tát nhiều danh vọng lớn.

*

Sau khi bậc Đạo Sư kể Pháp thoại này, Ngài liền nhận diện Tiền thân:

– Lúc bấy giờ, Giridanta là Đề-bà-đạt-đa, con ngựa là Tỷ-kheo thân cận người ác, vua là Ànanda, còn vị đại thần hiền trí là Ta vậy.

-ooOoo-

185. CHUYỆN TÂM BẤT TỊNH (Tiền thân Anabhirati)

Như nước đục, không trong…,

Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Đạo Sư kể về một thanh niên Bà-la-môn.

Chàng tinh thông ba tập Vệ-đà, giảng dạy thánh điển cho nhiều thanh niên Sát-đế-ly và Bà-la-môn. Sau một thời gian, thanh niên ấy xây dựng gia đình, tâm tư suy nghĩ đến y phục, trang sức, nam nô, nữ tỳ, ruộng đất, trâu bò, vợ con v.v… Bị tham sân si chi phối, tâm tư vẩn đục, chàng không thể đọc các chân ngôn theo thứ tự rõ ràng. Một hôm, người ấy đem theo nhiều hương, vòng hoa, đi đến Kỳ Viên cúng dường, đảnh lễ bậc Đạo Sư, rồi ngồi xuống một bên. Bậc Đạo Sư ân cần nói chuyện với người ấy và hỏi:

– Này cư sĩ, ông dạy học các chân ngôn. Ông có thuộc lòng các chân ngôn ấy chăng?

– Bạch Thế Tôn, lúc trước con thuộc lòng các chân ngôn ấy, nhưng từ khi con lập gia đình, tâm con trở nên vẩn đục, do vậy, con không thuộc lòng các chân ngôn ấy như trước nữa!

Bậc Đạo Sư nói:

– Này cư sĩ, không phải chỉ nay ông mới như vậy. Thuở trước tâm ông không vẩn đục, ông đã thuộc lòng các chân ngôn. Nhưng khi ông bị các dục vọng chi phối, thì ông không nhớ các chân ngôn nữa.

Nói vậy xong, theo lời yêu cầu của cư sĩ ấy, bậc Đạo Sư kể câu chuyện quá khứ.

*

Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát sanh vào một gia đình Bà-la-môn giàu có. Khi đến tuổi trưởng thành, Bồ-tát học thuộc lòng các chân ngôn ở Takkasilà và trở thành bậc sư trưởng có danh tiếng. Khi trở về Ba-la-nại, Bồ-tát dạy các chân ngôn ấy cho một số đông thiếu niên Sát-đế-ly và Bà-la-môn.

Trong số ấy có một thanh niên Bà-la-môn học thuộc lòng ba tập Vệ-đà mà không ngập ngừng một câu nào cả và trở thành phụ tá cho sư trưởng dạy các chân ngôn. Sau một thời gian, vị ấy lập gia đình, luôn luôn bận tâm vì gia sự, nên tâm trở thành vẩn đục, không thể tụng đọc thuộc lòng các chân ngôn nữa. Rồi vị sư trưởng đi đến thăm thanh niên ấy và hỏi:

– Này thanh niên, con có còn thuộc lòng các chân ngôn không?

Chàng đáp:

– Từ khi con lập gia đình, tâm con trở thành vẩn đục, con không thể đọc thuộc lòng các chân ngôn.

Vị sư trưởng nói:

– Này con thân, khi tâm bị vẩn đục, dù con cố học kỹ lưỡng đến đâu đi nữa, cũng không thể đọc thuộc lòng các chân ngôn được. Nhưng khi tâm trong sáng thì có thể nhớ chúng rõ ràng.

Sau đó Bồ-tát đọc hai bài kệ này:

Như nước đục, vấy bùn,
Không thấy sò, hến, cá.
Sạn, cát nằm phía dưới,
Cũng vậy, tâm vẩn đục
Không thấy được lợi mình,
Không thấy được lợi người.

Như nước lặng trong suốt,
Thấy sò, cá nằm dưới,
Cũng vậy, tâm thanh thản
Thấy lợi mình, lợi người.

*

Sau khi bậc Đạo Sư kể Pháp thoại này, Ngài trình bày các Sự thật. Cuối bài giảng ấy, thanh niên Bà-la-môn đắc quả Dự-lưu và Ngài nhận diện Tiền thân:

– Lúc bấy giờ, thanh niên này là thanh niên Bà-la-môn kia và vị Sư trưởng là Ta vậy.

-ooOoo-

186. CHUYỆN VUA MANG SỮA ĐÔNG (Tiền thân Dadhivàhana)

Đẹp, thơm và vị ngọt…,

Câu chuyện này, khi ở Trúc Lâm, bậc Đạo Sư kể về sự thân cận với kẻ ác. (Câu chuyện này giống như câu chuyện trước). Bậc Đạo Sư nói:

– Này các Tỷ-kheo, thân cận kẻ ác là không tốt và có hại. Tại sao ta phải nói đến tác hại của bạn ác đối với con người? Trong thời gian quá khứ, do thân cận với cây Nimba không ngọt và không tốt lành, một cây xoài dù thuộc loài vô tri, với vị ngọt sánh bằng thực phẩm chư Thiên, cũng trở thành chua và đắng.

Rồi bậc Đạo Sư kể câu chuyện quá khứ:

*

Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, bốn anh em Bà-la-môn tại xứ Kàsi xuất gia làm đạo sĩ. Họ làm một dãy am thất bằng lá ở khu vực Tuyết Sơn và sống tại đấy. Người anh cả mệnh chung và sanh làm Thiên chủ Sakka (Đế Thích). Biết rõ thần lực của mình, sau khoảng bảy hay tám ngày, Đế Thích thường đến thăm và giúp đỡ đồ chúng.

Một hôm Thiên chủ đi đến thăm vị khổ hạnh lớn tuổi nhất, đảnh lễ, ngồi xuống một bên, rồi hỏi:

– Thưa Tôn giả, Tôn giả cần gì?

Vị này mắc bệnh hoàng đản đáp:

– Tôi cần lửa.

Đế Thích cho một con dao kiếm có búa (con dao kiếm có búa được gọi như vậy là vì khi lắp cán vào có thể dùng như con dao hay cây búa). Vị tu khổ hạnh hỏi:

– Với dụng cụ này, ai mang củi lại cho ta?

Đế Thích nói:

– Thưa Tôn giả, khi Tôn giả cần củi, chỉ lấy tay gõ lên cây búa này và nói: Hãy đem củi cho ta và nhen lửa, cây búa sẽ đem củi lại và nhen lửa cho Tôn giả.

Sau khi cho vị ấy con dao kiếm có búa thần ấy, Đế Thích đi đến vị thứ hai và hỏi:

– Thưa Tôn giả, Tôn giả cần gì?

Gần chòi lá vị này có con đường voi đi. Các con voi làm vị này bực phiền. Vị này nói:

– Các con voi này làm ta khổ sở. Hãy đuổi chúng đi.

Đế Thích giao cho vị ấy một cái trống và nói:

– Thưa Tôn giả, đánh mặt phía này, Tôn giả sẽ đuổi các kẻ thù. Đánh mặt phía bên kia, kẻ thù sẽ trở thành bạn tốt và bao vây Tôn giả với bốn loại binh chủng.

Nói vậy xong, Đế Thích cho vị này cái trống và đi đến vị trẻ tuổi nhất và hỏi:

– Thưa Tôn giả, Tôn giả cần gì?

Vị này cũng bị bệnh hoàng đản nên nói:

– Tôi cần sữa đông.

Đế Thích cho vị này một ghè sữa đông và nói:

– Nếu Tôn giả muốn gì, hãy lật ngược ghè này, nó sẽ trở thành sông lớn, chảy dòng nước lớn, và có thể chiếm một quốc độ cho Tôn giả.

Nói vậy xong, Đế Thích ra đi. Từ đó trở đi, con dao kiếm có cây búa được dùng để đốt lửa cho người anh trưởng. Người thứ hai nhờ đánh mặt trống đuổi các con voi đi, còn người em út dùng sữa đông.

Lúc bấy giờ, một con heo rừng sống trong một ngôi làng cũ, chợt thấy một hòn ngọc có thần lực. Khi nó lấy miệng cắn hòn ngọc, nhờ thần lực hòn ngọc, nó bay lên hư không, đi đến một hòn đảo ở giữa biển, và nghĩ: “Nay ta sẽ ở lại đây”. Nó đi xuống một chỗ tốt đẹp, dưới gốc cây Udumbara, và nó sống tại đấy.

Một hôm, con heo rừng để hòn ngọc trước mặt và nằm ngủ dưới gốc cây ấy. Có một người sống ở nước Kà-si, bị cha mẹ đuổi ra khỏi nhà vì không giúp ích được gì, bèn đi đến bờ biển, leo lên một chiếc tàu làm người giúp việc cho chủ tàu. Khi tàu bị chìm giữa biển, anh ta nằm trên tấm gỗ, trôi đến hòn đảo ấy. Trong khi đi tìm trái cây, thấy con heo rừng nằm ngủ, anh ta đi nhẹ đến gần và lấy hòn ngọc.

Nhờ thần lực hòn ngọc, anh ta bay lên hư không, ngồi trên cây Udumbara và suy nghĩ: “Con heo rừng này nhờ thần lực hòn ngọc, đi được trên hư không. Ta nghĩ có lẽ nó muốn sống ở đây. Trước hết, ta hãy giết nó, ăn thịt rồi sẽ đi”. Anh ta bẻ một cây gậy và phóng cây gậy rơi xuống trên đầu con heo rừng. Con heo rừng thức dậy, không thấy hòn ngọc, hoảng sợ chạy nhanh. Anh ta ngồi trên cây cười lớn. Con heo rừng nhìn lên, thấy anh ta liền húc đầu vào cây và chết tại chỗ. Anh ta trèo xuống đốt lửa, nấu thịt con heo rừng, ăn xong, liền bay lên hư không.

Khi bay ngang qua dãy Tuyết Sơn, anh ta thấy am thất các đạo sĩ liền xuống am thất của người lớn tuổi nhất, ở đấy hai ba ngày, và được vị tu khổ hạnh chiêu đãi. Thấy thần lực của con dao kiếm có cây búa, anh ta nghĩ: “Ta phải lấy vật dụng này”. Anh ta chỉ cho vị tu khổ hạnh thần lực của hòn ngọc và nói:

– Tôn giả hãy lấy hòn ngọc này của tôi và cho tôi con dao kiếm có búa.

Vị tu khổ hạnh mong muốn đi trên hư không, bèn lấy hòn ngọc và trao đổi con dao kiếm có búa với anh ta. Người ấy lấy con dao kiếm có búa, đi một lát, gõ vào vật ấy và nói:

– Này con dao kiếm có búa, hãy chém đầu người tu khổ hạnh và đem lại hòn ngọc cho ta.

Con dao kiếm có búa liền đi chém đầu người tu khổ hạnh và đem lại hòn ngọc. Anh ta cất con dao kiếm có búa tại một chỗ kín, đi đến gần vị đạo sĩ thứ hai và sống tại đấy vài ngày. Anh ta thấy được thần lực cái trống bèn gạ đổi hòn ngọc để lấy cái trống. Với cách thức trước anh ta bảo cái búa chém đầu người ấy, rồi đi đến người em út. Thấy thần lực của ghè sữa đông, anh ta cho hòn ngọc, đổi lấy cái ghè sữa đông, và với phương tiện trước, anh ta bảo cái búa chém đầu người ấy. Anh ta lấy lại hòn ngọc, con dao kiếm có búa, cái trống và cái ghè sữa đông, rồi bay lên hư không. Đứng không xa Ba-la-nại, anh ta gửi thư nhờ một người cầm tay mang đến cho vua:

– Hãy giao quốc độ cho ta hay muốn bị chém đầu .

Vua được tin liền nói:

– Ta sẽ bắt tên đạo tặc kia.

Và vua đi ra khỏi thành. Tên cướp ấy đánh trên một mặt trống, khiến bốn loại binh chủng vây quanh mình. Khi biết vua đã dàn bày thế trận, anh ta lật ngược cái ghè sữa đông, khiến dòng sông lớn tuôn chảy. Đại quân của vua bị sữa đông chìm ngập không thể ra được. Rồi anh ta gõ cây kiếm có búa, bảo con dao chặt đầu vua. Con dao bay đi, đem đầu vua lại và quăng dưới chân anh ta. Không một ai có thể đưa binh khí lên chống anh ta. Với quân lực bao quanh, anh ta vào thành, làm lễ quán đảnh, trở thành vua tên là Dadhivahana (Vua mang sữa đông) và trị nước.

Một hôm, trong khi đang chơi thả lưới trên sông lớn, một trái xoài chín, được chư thần sử dụng, trôi từ hồ Kannamundà (ở Tuyết Sơn) xuống và mắc vào lưới. Khi lưới được kéo lên, thấy trái xoài ấy, các quan liền dâng vua. Trái xoài ấy lớn bằng cái ghè, tròn trịa, màu sắc vàng. Vua hỏi các người đi rừng:

– Trái cây gì vậy?

Khi nghe đáp là trái xoài, vua ăn xong, bảo đem gieo hột xoài vào vườn của mình, và tưới nước sữa. Cây mọc lên, đến năm thứ ba đã sanh trái. Cây xoài được kính trọng, được tưới nước sữa, được cho hương liệu dày đến năm phân, các vòng hoa được giăng xung quanh. Cây được đốt đèn với dầu thơm, có màn vải bao bọc xung quanh đến bảo vệ các trái chín có vị ngọt và sắc vàng.

Khi vua Dadhivahana gửi các trái xoài để tặng các vua khác, vì sợ sau này hột xoài sẽ mọc lên thành cây xoài, vua lấy gai chích tại chỗ mộng sanh cây. Các vua ấy ăn xoài xong, gieo hạt, nhưng nó không mọc. Họ hỏi nguyên do và biết được sự việc. Một vị vua cho gọi người giữ vườn và hỏi:

– Người có thể phá hoại hương vị trái xoài của vua Dadhivahana, khiến nó trở thành đắng được không?

Người ấy đáp:

– Tâu Đại vương, có thể được.

Vua liền sai người ấy đi và cho một ngàn đồng tiền vàng. Người ấy đi đến Ba-la-nại, báo tin cho vua này biết có một người giữ vườn đến. Khi được vua cho gọi, anh ta vào thành, đảnh lễ vua. Vua hỏi:

– Ngươi có phải là người giữ vườn không?

Anh ta thưa:

– Tâu Đại vương, phải.

Và anh ta bắt đầu ca tụng khả năng của mình. Vua nói:

– Ngươi có thể làm phụ tá cho người giữ vườn của ta.

Từ đấy trở đi, hai người săn sóc ngự viên.

Người giữ vườn mới tới không bao lâu đã làm cho cây trổ hoa trái mùa và sanh quả trái mùa, khiến cho khu vườn càng thêm xinh đẹp. Vua rất bằng lòng bèn đuổi người giữ vườn cũ đi, và giao khu vườn cho anh ta. Ngay khi người giữ vườn ấy chiếm được ngôi vườn vào trong tay mình, anh ta liền bao vây cây xoài bằng cách trồng các cây nimba và các loại cây leo.

Dần dần các cây nimba lớn lên, rễ với rễ, cành với cành, chúng xen lẫn chằng chịt với cây xoài. Do xen lẫn với vị không tốt, trái xoài có vị ngọt trở thành đắng giống như là nimba. Vừa khi biết được trái xoài đã trở thành đắng, người làm vườn bỏ chạy trốn.

Vua Dadhivahana đi đến thăm vườn và ăn trái xoài. Khi nước của trái xoài vào miệng, có vị đắng như trái nimba không thể nào nuốt nổi, vua phải khạc nhổ ra. Lúc bấy giờ Bồ-tát là vị cố vấn của vua về thánh sự và tục sự. Vua cho gọi Bồ-tát và hỏi:

– Thưa bậc Hiền trí, cây này được săn sóc cẩn thận như xưa, sự việc là vậy, sao trái trở thành đắng? Vì lý do gì vậy?

Và vua đọc bài kệ đầu:

Đẹp, thơm và vị ngọt,
Trái xoài xưa là vậy,
Vẫn được ta tôn quý,
Sao lại có vị đắng?

Để nêu lý do, Bồ-tát đọc bài kệ thứ hai:

Da-dhi-va-ha-na,
Trái xoài chín của ngài,
Bị vây bởi nim-ba,
Rễ xen lẫn với rễ,
Cành xen lẫn với cành,
Chính cây đắng bao quanh
Đã làm hư trái ngọt,
Do sống với bạn ác,
Trái ngọt trở thành đắng.

Vua nghe lời Bồ-tát, bảo chặt tất cả các cây nimba và cây leo, nhổ rễ lên, đào bỏ đất bùn không tốt xung quanh và đổ đất bùn tốt vào gốc cây ấy. Rồi cây được nuôi dưỡng cẩn thận với sữa, nước ngọt, nước thơm. Sau đó, nhờ được thấm nhuần đủ mọi vị ngọt nên trái cây trở lại ngọt như trước, vua liền giao khu vườn cho người giữ vườn trước kia săn sóc. Sau khi sống hết thọ mạng, vua đi theo nghiệp của mình.

*

Khi bậc Đạo Sư kể Pháp thoại này xong, Ngài nhận diện Tiền thân:

– Lúc bấy giờ Ta là vị đại hiền trí.

-ooOoo-

187. CHUYỆN BỐN VẺ ĐẸP (Tiền thân Catumatta)

Cánh đẹp cùng cánh đẹp…,

Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Đạo Sư kể về một Tỷ-kheo lớn tuổi.

Một hôm, trong khi hai vị đệ tử thượng thủ đang ngồi cùng nhau hỏi đáp về Chánh pháp, một Tỷ-kheo lớn tuổi đi đến gần hai vị này, trở thành người thứ ba, ngồi xuống và nói:

– Thưa các Tôn giả, chúng tôi sẽ hỏi câu này. Nếu các Tôn giả khó trả lời, hãy hỏi lại chúng tôi.

Các vị Trưởng lão chán ngấy vị này, nên đứng dậy bỏ đi. Hội chúng ngồi nghe pháp từ các vị Trưởng lão, sau khi giải tán, đi đến yết kiến bậc Đạo Sư. Họ được bậc Đạo Sư hỏi:

– Vì sao đến giờ phi thời vậy?

Họ thuật lại câu chuyện ấy. Bậc Đạo Sư nói:

– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên nhàm chán vị ấy, không trả lời và bỏ đi. Thuở xưa, hai vị cũng đã bỏ đi rồi.

Rồi bậc Đạo Sư kể câu chuyện quá khứ.

*

Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát là một thần cây trú ở trong rừng. Một hôm có hai ngỗng trời con từ núi Cittakùta bay ra, đến đậu trên cây ấy để tìm mồi. Khi tìm mồi xong, chúng trở về nghỉ ngơi tại chỗ ấy rồi bay về núi Cittakùta. Trong khi đi qua đi lại, Bồ-tát trở thành quen thuộc với chúng. Đi đi về về nhiều lần, họ hoan hỷ kết bạn với nhau, nói pháp cho nhau nghe rồi ra đi. Một hôm, hai ngỗng con đậu trên ngọn cây nói chuyện với Bồ-tát, một con chó rừng đứng dưới gốc cây nói bài kệ này với hai ngỗng trời con ấy:

Leo nhánh cây chỗ cao,
Một mình, ngồi ca hót,
Hãy xuống đây ngâm kệ,
Cho vua loài thú nghe!

Các ngỗng trời con chán ngấy chó rừng, liền bay lên và trở về núi Cittakùta. Bồ-tát nói với chó rừng bài kệ thứ hai:

Cánh đẹp cùng cánh đẹp,
Chư Thiên cùng chư Thiên,
Có đủ bốn vẻ đẹp,
Sao chó lại ở đây?
Hỡi con chó rừng kia,
Hãy về hang của chó!

*

Sau khi bậc Đạo Sư kể xong Pháp thoại này, Ngài nhận diện Tiền thân:

– Lúc bấy giờ, Tỷ-kheo lớn tuổi là chó rừng, hai ngỗng trời con là Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên, còn vị thần cây là Ta vậy.

-ooOoo-

188. CHUYỆN SƯ TỬ LAI CHÓ RỪNG (Tiền thân Sìhakottuka)

Ngón chân và móng chân…,

Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Đạo Sư kể về Kolàlika.

Một hôm, khi nhiều vị đa văn đang nói pháp, Kokalika cũng muốn tự mình nói pháp (mọi việc đều giống các chi tiết ở chuyện trước (Số 172). Khi nghe việc này, bậc Đạo Sư nói:

– Này các Tỷ-kheo, không chỉ nay Kokalika mới phô bày bản chất qua tiếng nói của mình. Thuở trước, kẻ ấy cũng đã làm như vậy rồi.

Nói vậy xong, bậc Đạo Sư kể câu chuyện quá khứ.

*

Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát là một con sư tử ở khu vực Tuyết Sơn, do cùng sống với một con chó rừng cái đã sanh một thú con. Con sư tử lai này về ngón chân, móng, lông bờm, màu sắc, hình dáng, mặt mày đều giống cha, nhưng tiếng hú thì giống mẹ.

Một hôm, trời mưa, các sư tử họp lại, rống lên, chơi các trò chơi sư tử, và con sư tử này cũng muốn rống lên giữa bọn chúng, nhưng chỉ hú lên tiếng hú của chó rừng. Nghe nó hú, các sư tử đều im lặng. Khi nghe tiếng ấy, một sư tử con cũng được sanh từ Bồ-tát, liền hỏi:

– Thưa cha, con sư tử này về dung sắc v.v… giống chúng con, nhưng tiếng hú lại khác. Con thú ấy là ai?

Rồi nó đọc bài kệ đầu:

Ngón chân và móng chân
Là ngón, móng sư tử,
Nó có chân sư tử,
Để đứng dựa lên trên,
Nhưng giữa chúng sư tử,
Tiếng kêu nó lại khác.

Nghe vậy, Bồ-tát nói:

– Này con thân, em con là con một chó rừng cái, giống cha về dung sắc, giống mẹ về tiếng.

Rồi Bồ-tát nói với con sư tử có mẹ là con chó rừng cái.

– Này con thân, bắt đầu từ nay, sống ở đây, chớ lên tiếng. Nếu con lên tiếng, chúng sẽ biết con là giống chó rừng.

Khuyên dạy vậy xong, Bồ-tát đọc bài kệ thứ hai:

Này con thân, chớ hú,
Sống im lặng trong rừng,
Với tiếng, chúng biết con,
Tiếng con không giống bố!

Sau khi nghe lời khuyên dạy này, con thú ấy không bao giờ thử rống nữa.

*

Khi bậc Đạo Sư thuyết Pháp thoại này xong, Ngài liền nhận diện Tiền thân:

– Lúc bấy giờ, con chó rừng là Kokalika, con sư tử cùng một cha là La-hầu-la, còn vua các loài thú là Ta vậy.

-ooOoo-

189. CHUYỆN TẤM DA SƯ TỬ (Tiền thân Sìhacamma)

Tiếng hí này không phải…,

Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Đạo Sư kể về Kokàlika.

Trong thời này, Kokàlika, muốn tự tán tụng. Bậc Đạo Sư biết được sự việc này, liền kể câu chuyện quá khứ.

*

Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong gia đình một người nông phu. Khi đến tuổi trưởng thành, Bồ-tát sống với nghề nông. Lúc bấy giờ, một nhà buôn làm nghề bán rong đồ vật do một con lừa chở. Khi ông đến một chỗ nào, ông lấy xuống các hàng hóa, trùm lên con lừa một da con sư tử và thả nó giữa ruộng lúa gạo và lúa mì. Các người chủ ruộng thấy nó, tưởng là con sư tử, không dám lại gần.

Một hôm, người lái buôn ấy đến trú tại một cửa hàng. Trong khi nấu cơm sáng, ông trùm lên con lừa một tấm da sư tử và thả nó vào ruộng mì… Các người chủ ruộng nghĩ đó là con sư tử, không dám đến gần bèn về nhà thông báo. Toàn dân trong làng cầm các binh khí, thổi tù và, đánh trống đi đến gần ruộng và la hét. Con lừa hoảng hốt vì sợ chết, vội hí lên tiếng lừa. Biết được nó là con lừa, Bồ-tát đọc bài kệ đầu:

Tiếng hí này không phải
Tiếng sư tử, hay cọp,
Cũng không phải tiếng beo.
Con vật ty tiện này,
Dù trùm da sư tử,
Cũng chỉ hí tiếng ngựa!

Các người làng biết nó là con lừa, đánh cho nó gãy xương, rồi lấy tấm da sư tử và bỏ đi. Người lái buôn ấy đến, thấy con lừa lâm nạn, liền đọc bài kệ thứ hai:

Đã lâu, lừa khôn khéo,
Ăn lúa gạo, lúa mì,
Da sư tử trùm lên,
Do tiếng kêu, bị đánh!

Trong khi người lái buôn nói vậy, con lừa tắt thở. Người ấy bỏ con lừa lại và ra đi.

*

Bậc Đạo Sư thuyết Pháp thoại này xong, liền nhận diện Tiền thân:

– Lúc bấy giờ, con lừa là Kokàlika và người nông phu hiền trí là Ta vậy.

-ooOoo-

190. CHUYỆN GIỮ GIỚI (Tiền thân Sìlànisamsa)

Hãy nhìn kết quả này…,

Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Đạo Sư kể về một nam cư sĩ có lòng tin.

Một Thánh đệ tử có lòng tin, một hôm, trên đường đi đến Kỳ Viên, xuống con sông Aciravati vào buổi chiều, chứng kiến dân chài kéo thuyền lên bờ để nghe thuyết pháp. Không thấy thuyền nào đậu tại bến, vị cư sĩ ấy sanh hoan hỷ, lấy đức Phật làm đề tài tu niệm nên khi bước xuống sông, chân không chìm xuống nước.

Vị ấy đi như trên đất liền, nhưng khi đến giữa sông, thấy sóng, nên đề tài tu niệm trở thành yếu và chân bắt đầu chìm xuống. Vị ấy liền kiên trì gìn giữ hỷ tâm, lấy đức Phật làm đề tài tu niệm, nên vẫn đi trên mặt nước. Vào Kỳ Viên, đảnh lễ bậc Đạo Sư, vị ấy ngồi xuống một bên. Bậc Đạo Sư tiếp đón thân tình và hỏi:

– Này nam cư sĩ, mong rằng trên con đường đi đến đây, ông không mệt mỏi.

Vị ấy trả lời:

– Bạch Thế Tôn, nhờ hỷ tâm với đức Phật làm đề tài tu niệm, con đi trên mặt nước như đặt chân trên đất liền, và đến đây.

Bậc Đạo Sư nói:

– Này cư sĩ, ông không phải là người đầu tiên nhờ niệm các công đức Phật mà được an toàn. Thuở trước, có những nam cư sĩ, khi tàu bị chìm, nhờ niệm các công đức Phật mà được an toàn.

Rồi theo lời yêu cầu của vị này, bậc Đạo Sư kể câu chuyện quá khứ.

*

Thuở xưa, trong thời đức Phật Ca-diếp, có vị Thánh đệ tử đã chứng quả Dự lưu lên tàu đi cùng với một thợ hớt tóc giàu có. Người vợ nói với chồng:

– Này ông, ông hãy lo giúp đỡ săn sóc vị cư sĩ này trong bất cứ hoàn cảnh vui buồn nào nhé.

Người thợ đi trên chiếc thuyền ấy. Sau một tuần, thuyền bị đắm giữa biển. Cả hai người nằm trên một tấm ván và trôi đến được một hòn đảo. Tại đấy người hớt tóc giết các con chim, nấu ăn một phần và đem một phần cho vị nam cư sĩ. Người cư sĩ tự cho là vừa đủ, nên không ăn thêm. Vị ấy nghĩ: “Tại chỗ này, ngoài Ba ngôi báu, chúng ta không có sự giúp đỡ nào khác”. Rồi vị ấy niệm tưởng công đức của Ba ngôi báu. Trong khi người ấy niệm như vậy, một con rắn chúa đã sanh ở đảo ấy biến hóa thành một chiếc thuyền lớn, có một vị thần biển làm thuyền trưởng. Chiếc thuyền chứa đầy bảy báu: Ba cột buồm làm bằng ngọc xanh, cái neo làm bằng vàng, sợi dây làm bằng bạc và các tấm ván bằng vàng. Vị thần biển đứng trên thuyền gọi lớn:

– Có ai đi đến Diêm-phù-đề (Ấn Độ) không?

Vị nam cư sĩ nói:

– Có chúng tôi về đó.

– Vậy hãy leo lên tàu.

Vị cư sĩ lên tàu và gọi người hớt tóc. Vị thần biển nói:

– Ngài thì được, nhưng người kia thì không.

– Vì sao?

– Người ấy không có công đức. Vì vậy tôi đưa ngài lên tàu nhưng không đưa người này.

– Thôi được, các công đức bố thí ta đã làm, các giới ta đã giữ, các sức mạnh ta đã tu tập, ta cho người này kết quả tất cả các hạnh ấy của ta.

Người hớt tóc nói:

– Thưa ông chủ, con rất hèn.

Vị thần biển nói:

– Nay ta nhận thêm người này lên tàu.

Rồi vị thần đưa cả hai người vượt biển và ngược dòng sông đi đến Ba-la-nại. Sau đó, với thần lực của mình, vị thần tạo ra tài sản trong nhà của hai người ấy và nói:

– Hãy thân cận những bậc hiền trí. Nếu người thợ hớt tóc không cẩn thận với vị cư sĩ này, người ấy đã chết giữa biển rồi.

Để tán thán công đức thân cận của người hiền trí, vị thần nói lên những bài kệ này:

Hãy nhìn kết quả này
Của tín, giới, và thí,
Biến hình thành chiếc thuyền,
Con rắn chở thiện nam.
Hãy thân cận bậc lành,
Hãy giao du kẻ tốt;
Chung sống với bậc thiện,
Người hớt tóc an toàn.

Vị thần biển đứng trên hư không, sau khi thuyết pháp xong, liền cùng với con rắn chúa bay về cung điện của mình.

*

Sau khi bậc Đạo Sư thuyết Pháp thoại này xong, Ngài giảng các Sự thật. Cuối bài giảng ấy, vị nam cư sĩ có lòng tin đắc quả Nhất lai và Ngài nhận diện Tiền thân:

– Lúc bấy giờ, vị nam cư sĩ đắc Niết-bàn, rắn chúa là Xá-lợi-phất và vị thần biển là Ta vậy.

Giáo sư Trần Phương Lan dịch Việt
Nguồn: thuvienhoasen.org