Bảy Loại Vợ

Vào một thời Đức Phật ở thành Xá Vệ (Sāvatthī), vườn Kỳ Đà (Jeta’s Grove), tu viện của cư sĩ Cấp Cô Độc (Anāthapiṇḍika). Vào một buổi sáng, Đức Thế Tôn đắp y, cầm y bát, rồi ngài đi đến nhà của cư sĩ Cấp Cô Độc, ngồi vào chiếc ghế đã chuẩn bị sẵn cho ngài. Vào dịp nầy, mọi người trong nhà làm huyên náo, ầm ĩ, và ồn ào. Cư sĩ Cấp Cô Độc đến gần Đức Thế Tôn, đảnh lễ ngài, và ngồi xuống một bên. Rồi Đức Thế Tôn nói với ông: “Nầy cư sĩ, tại sao mọi người trong nhà làm huyên náo, ầm ĩ, và ồn ào? Người ta có cảm tưởng rằng những người nầy là những ngư dân đang ồn ào vì kéo lên được một mẻ cá.”

Bảy Loại Vợ

“Bạch Thế Tôn, đó là tiếng ồn ào của Sujātā, người con dâu của con. Cô ta thì giầu có và cô ta được đưa đến đây từ một gia đình giầu có. Cô ta không vâng lời cha chồng, mẹ chồng, và ông chồng của cô. Thậm chí, cô ta còn không xem trọng, không kính mến, không yêu mến và không tôn kính Đức Thế Tôn.”

Rồi Đức Thế Tôn gọi cô con dâu Sujātā, nói rằng, “Hãy đến đây, cô Sujātā.”

“Bạch Thế Tôn, dạ vâng,” cô trả lời, rồi cô đi đến Đức Thế Tôn, đảnh lễ ngài, và ngồi qua một bên. Đức Thế Tôn sau đó nói với cô: “Nầy cô Sujātā, có bẩy loại vợ. Bẩy loại vợ nầy như thế nào? Loại vợ thứ nhất là kẻ giết người, loại vợ thứ nhì là người ăn trộm, loại vợ thứ ba là người độc tài, loại vợ thứ tư là bà mẹ, loại vợ thứ năm là cô em gái, loại vợ thứ sáu là người bạn, và loại vợ thứ bẩy là người hầu hạ. Đây là bẩy loại vợ. Bây giờ cô nghĩ cô là loại vợ thứ mấy?”

“Bởi vì lời nói ngắn gọn vừa rồi của Đức Thế Tôn, nên con không hiểu được hết chi tiết. Bạch Thế Tôn, xin ngài từ bi, giảng dạy cho con một bài Phật Pháp, để con hiểu được hết ý nghĩa của bẩy loại vợ nầy.
“Nầy cô Sujātā, cô hãy lắng nghe ta nói và để tâm chú ý. Ta sẽ nói đây.”
“Bạch Thế Tôn, dạ vâng,” cô con dâu Sujātā trả lời. Rồi Đức Thế Tôn nói như sau:

 

Ai có tâm hận thù, lạnh lùng và sắt đá,
Ai ham muốn thú vui xác thịt với người khác, và ai khinh khi ông chồng;
Ai đi tìm kiếm người đã mua mình, rồi giết hại –
Một bà vợ như thế, được gọi là “Kẻ Giết Người”.

 

Khi ông chồng trở nên giàu sang
Nhờ ông ta có bàn tay khéo léo, hoặc nhờ ông ta có nghề nghiệp hoặc nhờ ông ta làm nghề buôn bán, hoặc nhờ ông ta là một nông dân,
Người đàn bà mà cố ăn cắp một ít cho chính mình –
Một bà vợ như thế, được gọi là “Người Ăn Trộm”.

 

Ai tham ăn, làm biếng, và không chịu làm việc gì cả,
Ai nói ra những lời cay đắng, những câu tàn nhẫn, những lời khó chịu, và thô lỗ,
Người đàn bà mà bắt nạt người đã cấp dưỡng cho mình –
Một bà vợ như thế, được gọi là “Người Độc Tài”.

 

Ai luôn luôn giúp đỡ người khác và tốt bụng,
Ai che chở chồng mình, giống y hệt như một bà mẹ thương yêu, săn sóc đứa con trai,
Ai bảo vệ cẩn thận, sự giầu có của chồng –
Một bà vợ như thế, được gọi là “Bà Mẹ”.

 

Ai tôn trọng chồng mình
Giống như là cô em gái tôn trọng ông anh trai
Ai khiêm tốn, phục tùng theo ý muốn của chồng –
Một bà vợ như thế, được gọi là “Cô Em Gái”.

 

Ai hớn hở, và mừng rỡ khi nhìn thấy chồng
Giống y hệt như một người bạn, chào đón một người bạn thân,
Người đàn bà mà được nuôi nấng trong gia đình đaọ đức và trung thành –
Một bà vợ như thế, được gọi là “Người Bạn”.

 

Ai không giận dữ, và ai không sợ bị trừng phạt
Ai chịu thua thiệt với chồng, mà không có tâm oán ghét,
Ai khiêm tốn, phục tùng theo ý muốn của chồng –
Một bà vợ như thế, được gọi là “Người Hầu Hạ”. [*]

 

Ta đã nói đến ba bà vợ sau đây: bà vợ giống như “Kẻ Giết Người”, Bà vợ giống như “Người Ăn Trộm”, và bà vợ giống như “Người Độc Tài”, Khi ba bà vợ nầy chết đi, họ sẽ bị đọa vào cõi địa ngục sâu thẳm, và tăm tối.

Nhưng ngược lại, bốn bà vợ sau đây: bà vợ giống như “Bà Mẹ”, bà vợ giống như “Cô Em Gái”, bà vợ giống như “Người Bạn”, và bà vợ giống như “Người Hầu Hạ”, bởi vì họ luôn luôn sống vững vàng, trong vòng đạo đức, nên bốn bà vợ nầy khi chết đi, họ sẽ được tái sinh vào cõi trời.

“Nầy cô Sujātā, đây là bẩy loại vợ. Bây giờ cô nghĩ cô là loại vợ thứ mấy?”
“Bạch Thế Tôn, kể từ ngày hôm nay, ngài xem con là người vợ mà giống như người hầu hạ.”

[*] Dāsī, theo nghĩa đen, là một người đàn bà nô lệ. May mắn thay, trong nền văn hóa Phật giáo ba mô hình nói trên đây của người vợ đã thắng thế (là bà mẹ, là cô em gái, và là người bạn), nên chúng ta có thể hiểu được những lời khen ngợi về người vợ “giống như một người nô lệ”, ở đây chỉ có mục đích phóng đại, hoàn toàn không có ý nghĩa đúng đắn.

Chuyển Ngữ: Nguyễn Văn Tiến
nguồn: daophatngaynay.com/vn/kinh-dien/pali/17116-bay-loai-vo-kinh-tang-chi-bo.html