CHƠN LÝ SỐ 37: ĐỜI ĐẠO ĐỨC

I. NGHĨA ĐẠO ĐỨC

Thuở xưa khi quả địa cầu mới nổi, vô số cù lao lố nhố mọc lên, đất ấy của nước lóng sanh, nước do hơi không khí; thế mà cỏ cây thú người từ nơi đất sanh ra, họ lại chia giành chủ tớ, khách chủ, bán buôn vay trả; để đến đỗi quả địa cầu như một cái bánh phải bị bể tan, hay chúng sanh chết hết. Thật là vô đạo đức! Sái với đạo đức.

Đạo là thời gian quá khứ, hiện tại, vị lai mãi mãi.

Đức là không gian hóa sanh bao chứa vạn vật muôn loài. Gồm cả đạo đức, không gian thời gian gọi là võ trụ.

Võ trụ là chơn lý lẽ thật! Võ là không gian, trụ là thời gian. Võ trụ là đạo đức.

II. NGƯỜI ĐẠO ĐỨC

Xưa kia có một người học hiểu thông rành chơn lý võ trụ đạo đức, tu tập hành theo, trau tâm đúng phép. Người đi đến một xóm nọ, bấy giờ thiên hạ ai cũng đến xin quy y, theo học đạo với người; kẻ thì nhường nhà để làm tịnh xá, người thì chia đất để lập đạo tràng; ai ai cũng không tiếc của nhà, và sự thờ kính tôn trọng đối với người. Người đem đạo đức đến chỗ xứ người ta, người thành công cao cả trên thiên hạ. Những kẻ theo người, họ không phải là mê tín dốt nát.

Họ bỏ đi cái công cán tốn hao, chút lòng thành kính, để sau này họ được thấu chơn lý đắc đạo thì cái kết quả sẽ muôn phần vạn bội hơn. Vậy chúng ta phải noi xem gương ấy; nên hãy đem đạo đức đến nhà người, xứ người, chỗ ở của người, thì mới chắc được thành công không thất bại, mà chớ có giành giựt cấu xé đánh đập người ta chi cho vô ích.

Và cũng như khi ta có chỗ ở tốt đẹp, ta muốn cho nó được nảy nở ích lợi, thì ta cũng phải biết dùng nó vào việc đạo đức, mới chắc thật không mất hao đặng. Kìa một người nọ, sớm đã giác ngộ chơn lý, biết rõ lẽ không ta, không của ta trong võ trụ, nên người dứt lòng tham muốn, không tâm chủ một vật chi cả. Người dùng nhà đất làm của tạm chung đúng phép, người lập ra đạo tràng, trường dạy học tu để sống chung; nhờ đó mà thiên hạ khắp nơi đều đến ở học tu, xưng gọi con trò; chỗ ấy càng ngày lớn rộng đông thêm mãi thành ra quốc độ được, là bởi miếng đất của người biết dùng đúng y theo lẽ phải, chơn lý sống chung của chung, nên các miếng đất xung quanh người ta cũng phụ hiến mở rộng thêm, y theo đạo đức võ trụ. Tức là của võ trụ dùng cho võ trụ. Bấy giờ địa vị người càng cao, của cải người càng lớn, dân của người càng đông, người đã thành công, cao quí trên tất cả, mà sự thật là như không có gì hết trong mỗi lúc; thật là sung sướng khỏe nhẹ biết bao nhiêu, cái chết của người sẽ là một giấc ngủ ngon say, vô cùng vô tận. Người ta khắp nơi ai ai cũng muốn xin hạ mình vào xứ của người. Còn người trong trường đạo đức đó đi ra là ai cũng thỉnh cầu tôn trọng. Tiếng đạo đức của người vang lừng thơm nức, sáng choang bay ra cùng khắp. Còn danh lợi thúi dơ trần bụi thì không có ai đem vào trong miếng đất đó quyến rũ ai được, nên không bao giờ có sự sợ lo cắp trộm.

Người đó cũng đã thành công bằng đạo đức, lấy đạo đức tiếp rước người thì sao không kết quả được. Hai hạng người trên đây mới thật gọi là biết tự chủ, và làm chủ chúng sanh vạn vật bằng cách không tham, nên không bao giờ thất bại hay khổ chết chi cả.

Đúng lý phải y như vậy. Người đạo đức là như thế ấy, nào còn ai dám nói đã là đạo đức mà lại chẳng thành công.

III. XỨ ĐẠO ĐỨC

Thế giới Tây phương Cực Lạc của Phật cũng là một quả địa cầu tứ đại, cỏ cây thú người thân sắc có đủ y như các quả địa cầu thế giới khác, nhưng chỉ có tâm của các hạng bậc ấy là không giống với chúng ta thôi. Tâm chúng ta nơi đây thì khổ, còn tâm của các Ngài nơi đó lại vui. Cái vui của các Ngài là do kỷ luật giới răn; còn cái khổ chúng ta là tại tuôn rào lướt bụi, đầu đuôi bất kể.

Nơi thế giới an lạc ấy, mỗi người đều có giới luật tùy theo từng lớp tuổi, đúng y trình độ tiến hóa của chơn lý.

1. Trẻ nhỏ từ mới sanh đến lên 6 tuổi đã có giới không sát sanh, nhứt là không còn giết hại mẹ nó nữa, và lòng nhân ái phát nở lần lần.

2. Từ 6 tới 12 tuổi là thay đổi một lớp tới của không trộm cắp, mỗi một lần thay đổi 6 năm là một giới luật thêm, là bước lên một nấc thang.

3. Từ 12 tuổi tới 18 tuổi là đến tuổi không dâm dục.

4. Từ 18 tới 24 tuổi là nấc thang không nói dối, khoe khoang, đâm thọc, rủa chửi.

5. Từ 24 tới 30 tuổi là lớp không uống rượu.

6. Từ 30 tới 36 tuổi là tuổi không ngồi ghế cao, nằm giường rộng chiếu lớn, chỗ xinh đẹp.

7. Từ 36 tới 42 tuổi là trình độ không nghe xem hát múa đờn kèn, chỗ đông vui yến tiệc.

8. Từ 42 tới 48 tuổi là bước không trang điểm phấn son, dầu hoa, áo quần hàng lụa tốt tươi.

9. Từ 48 tới 54 tuổi là cảnh giới không ăn sái giờ, từ quá ngọ tới ngọ mai, ăn chay.

10. Từ 54 tới 60 tuổi là hạng bậc không rớ đến tiền bạc vàng của quí, đồ trang sức.

11. Từ 60 tới 66 tuổi là cõi giải thoát ăn mặc ở bịnh bằng Tứ y pháp Khất sĩ đi xin tu tự độ 250 giới.

12. Từ 66 tới 72 tuổi là độ của Khất sĩ Bồ-tát giáo hóa giác tha lập đạo.

13. Và từ trên 72 tuổi là Niết-bàn hưu trí, nín nghỉ tròn xong phận sự, toại hưởng thanh nhàn.

Ở xứ ấy tuổi nhiều là giới luật nhiều, tuổi ít là giới luật ít. Mỗi 6 năm là một tấn hóa của chúng sanh. Xứ ấy nhờ có giới luật y như vậy nên gọi là thế giới an lạc, hay Cực Lạc quốc độ. Như thế nghĩa rằng giới luật là yên vui. Giới luật là nền tảng mặt đất, gốc chân, chỗ đứng yên cho tất cả. Giới luật để bảo tồn thiện, nuôi chứa lòng thương, làm cho tất cả đều tấn hóa lên cao được. Giới là mạng sống của thân và tâm, giới năng phát sinh định huệ, giới để bảo tồn chơn như Phật. Giới là sự ngăn rào cái ác dơ, thấp dưới xấu xa v.v… Vậy nên tất cả chúng sanh mà không có giới nơi một người, gia đình, xã hội, thế giới thì không còn có tiếng chúng sanh, người, gia đình, xã hội thế giới chi nữa hết. Cảnh huống ấy là tứ đại đã nhồi cục lại, quả địa cầu tan rã, không có ra hình thể chi được. Như vậy thì giới luật là mạng sống, là cái có. Chúng ta ai ai cũng nên phải có giới luật. Sự không giới luật là bãi sình lầy của tham lam, là nơi chết khổ của trong rừng cây bụi rậm. Chúng ta khó tránh xa những điều tội lỗi ấy. Tội lỗi là sái kỷ luật; trình độ nào thì có sự chết khổ nấy, nên mới có kỷ luật đó của bậc giác ngộ chỉ ra để cứu độ kẻ đó. Vậy những ai sái kỷ luật của mình gọi là có tội lỗi quấy, bởi có tội lỗi nên mới phải chết khổ.

Như thế thì tội lỗi của mỗi bậc chẳng giống nhau, vì giới luật của mỗi bậc chẳng giống nhau. Giới luật chẳng in nhau là bởi thân sắc chẳng đồng nhau. Trình độ của sắc thân là nấc thang giới luật, nên gọi sắc thân giới luật ấy mới có sống, có thiện, có thương, có tiếc, có tâm định, trí huệ được. Sắc thân giới luật ví như vỏ trái, không vỏ trái có đâu ruột hột; đành rằng người ta chỉ dùng cái hột một ngày kia, nhưng hôm nay nó đang còn non nhỏ, nếu không có vỏ thì ruột hột do đâu mà có đặng. Đúng lý như vậy. Đức Phật ngài đã chỉ ra sắc thân là giới luật, mà nào chúng ta chú ý. Kìa một ông già 70 tuổi còn đi xem hát, tại sao chúng ta cho là sái. Kìa một người 40 tuổi mà còn ăn mặc như trẻ con, tại sao chúng ta nói là quấy. Một em bé 10 tuổi, ít ăn uống như một ông già, tại sao chúng ta cho là bịnh. Như thế là cặp mắt trí của chúng ta hằng ngày cũng đã nhận thấy ra nhân cách ấy rồi, nào đợi gì phải Phật chỉ dạy! Giới pháp hay kỷ luật là tư cách, bổn phận, trình độ, tuổi số của mỗi người, ai cũng đang có cả, có điều là chúng ta mảng lo việc đâu đâu, xao lãng đó thôi. Ấy thế chúng ta mới lầm, chúng ta mà không có kỷ luật cũng như không có mặt đất, không có linh hồn thì lấy đâu làm sự thành công ích lợi. Cũng như một ông vua mà không kỷ luật thiện, cả thần dân cũng y như thế, thì làm sao yên ổn đặng, vì tự mỗi người đã không yên ổn rồi, như thế thì dầu cho ông có giết hết dân, đoạt hết của cải, hăm dọa họ, góp thâu cách gì cũng không hết loạn đặng. Dầu ông có bắt chúng nó đem đưa cho giặc giết hết, của cải dâng hết cho giặc, thì giặc cũng vẫn không yên. Đó là tai hại của sự lộn xộn lu bù không kỷ luật, không thiện lành, thì yên ổn làm sao cho được.

Dầu mà ông có lập ra bao nhiêu phương pháp cai trị, đàn áp, cám dỗ cách nào đi nữa thì cũng vô ích, vì chính cái tâm của ông trước đã không có kỷ luật thiện kia rồi. Cũng vì thế mà ở bên xứ Cực Lạc của bậc giác ngộ Phật, người ta không khó khăn đòi khóa sưu thuế vụ ai ai cả, cũng không cực nhọc bắt giết ai hết. Người ta chỉ nhắc ra điều luật của mỗi lớp tuổi, cho họ học thuộc lòng, để tự họ biết lấy cái luật sống hạnh phúc, của cải quý báu của họ; thế là mọi người đều tuân theo, trở nên an lạc.

Ở trong xứ Cực Lạc, người ta chỉ thờ ba cái mục đích chơn lý của võ trụ là cái sống, cái biết và cái linh, mà nơi mỗi sắc thân đều có. Người ta cho đó là của cải sự việc của người ta, rồi người ta đã giác ngộ Phật là không còn đi lo những việc sái quấy, bậy bạ vô ích bên ngoài nữa. Muốn sống khi đã có cái sống là phải sống chung, học giáo lý sống chung, tập chung sống. Muốn linh là cứ để tâm định yên lặng nó sẽ linh, phải học tập cái linh trong yên lặng ấy. Đã có cái biết là phải học tập cho biết khắp cả sự vật các pháp, bằng sự thật giác ngộ, toàn giác. Cái sống biết linh của ta phải dung hòa với cái sống biết linh của võ trụ, là tứ đại vạn vật, yên lặng và các pháp. Đó tức là đạo đức của võ trụ chơn lý, mà không ai trái cãi để tự chiêu kỳ họa. Bởi dân trong xứ Cực Lạc sống chung tu học bằng ba mục đích như nhau có một, nên miếng đất ấy được trong sạch lắm, người ta mới kêu là Tịnh Độ hay Tịnh Thổ. Xứ ấy thật là bình đẳng, bình đẳng của những lớp cấp giới luật xác thân, đúng y chơn lý, nên không ai từ chối chi được.

Sự tốt đẹp nhứt của xứ ấy là thiện lành.

Kẻ giữ 1 giới đã có ăn chay 2 ngày mỗi tháng.

Kẻ giữ 2 giới đã có ăn chay 4 ngày mỗi tháng.

Kẻ giữ 3 giới đã có ăn chay 6 ngày mỗi tháng.

Kẻ giữ 4 giới đã có ăn chay 8 ngày mỗi tháng.

Kẻ giữ 5 giới đã có ăn chay 10 ngày mỗi tháng.

Người giữ 6 giới đã có ăn chay 15 ngày mỗi tháng.

Người giữ 7 giới đã có ăn chay 20 ngày mỗi tháng.

Người giữ 8 giới thì ăn trường chay mỗi tháng.

Người giữ 9 giới ăn chay sáng trưa.

Người giữ 10 giới đã có ăn chay một ngọ một.

Người giữ 250 giới thì ăn chay một ngọ một và đi xin.

Cả xứ ấy đều thảy y như vậy, họ sống một cách sung sướng hạnh phúc lắm, không lo sợ ai cướp giựt cái chi cả. Danh lợi không đến gần xứ đó được. Xứ ấy càng mãi thâu chứa tất cả chúng sanh khắp thế giới khác, đem về sống chung tu học, và ở thế giới nào đâu, người ta cũng cầu vãng sanh qua đó, để xin làm con trò. Xứ ấy là xứ dẫn đạo đầu tiên, thầy của các quả địa cầu khác.

Trật tự trong xứ ấy:

1. Lớp 1 giới ở chung theo lớp 1 giới, từ 1 tới 6 tuổi.

2. Lớp 2 giới ở chung theo lớp 2 giới, từ 6 tới 12 tuổi.

3. Lớp 3 giới ở chung theo lớp 3 giới, từ 12 tới 18 tuổi.

4. Lớp 4 giới ở chung theo lớp 4 giới, từ 18 tới 24 tuổi.

5. Lớp 5 giới ở chung theo lớp 5 giới, từ 24 tới 30 tuổi.

6. Lớp 6 giới ở chung theo lớp 6 giới, từ 30 tới 36 tuổi.

7. Lớp 7 giới ở chung theo lớp 7 giới, từ 36 tới 42 tuổi.

8. Lớp 8 giới ở chung theo lớp 8 giới, từ 42 tới 48 tuổi.

9. Lớp 9 giới ở chung theo lớp 9 giới, từ 48 tới 54 tuổi.

10. Lớp 10 giới ở chung theo lớp 10 giới, từ 54 tới 60 tuổi.

11. Lớp 250 giới Thinh Văn ở chung theo lớp 250 giới thinh Văn, từ 60 tới 66 tuổi.

12. Lớp Bồ-tát ở chung theo lớp Bồ-tát, từ 66 tới 72 tuổi.

13. Lớp Niết-bàn hưu trí ở chung lớp Niết-bàn hưu trí, trên 72 tuổi.

Trong mỗi lớp, người ta cùng nhau tuyển chọn người đức hạnh lớn, đạo quả cao, đứng ra dẫn đầu của lớp ấy, hoặc vài năm hay đúng 6 năm; khi qua tuổi lớp trên thì ngưng việc, nhường lại cho vị khác mà lên lớp trên. Vị ấy khi lên lớp trên thì cũng phải giữ giới tu học y như những vị khác. Nhưng trừ ra khi nào đức hạnh, đạo quả trổi hơn tất cả nữa thì mới được người ta bầu cử tôn trọng nữa, chớ chẳng có tự mình tôn lập. Ở xứ ấy thật hành theo luật tiến hóa thay đổi đi tới, không nhứt định ngôi vị, không choán đường lối của kẻ đi sau.

1. Ví như bậc 66 tới 72 tuổi, tuổi này cao hơn hết, vị cầm đầu ấy cũng như ông vua pháp, xem chừng cho cả thảy các lớp nhỏ ở dưới nữa, nhưng khi vị ấy quá 72 tuổi rồi là phải hưu trí nhường lại cho người khác đi sau.

2. Những bậc từ 54 tới 60 tuổi, những bậc này như giữa ranh đời đạo, kẻ được dẫn đạo cũng như người làm quan văn sĩ của đạo.

3. Từ 42 tới 48 tuổi, kẻ dắt đầu là cư sĩ hộ pháp chư Thiên, như tướng binh võ lực của Phật. Còn từ năm giới sắp xuống như thường dân, và các giới kia là tự do thong thả. Kẻ làm thầy giáo của mỗi lớp được đủ sáu năm, hay là hai ba năm (vì lẽ mới được tôn lập khi gần mãn lớp tuổi); hai bậc này mà được vẹn toàn đạo đức mãi thì được dạy người tới mãn lớp tuổi hai, ba hoặc sáu năm ấy; còn bằng tự cao mất hạnh ắt cũng phải bị loại ra, để cho người khác thay vào. Như vậy đó là sự khuyến khích, thi tuyển, học tập để trau giồi tâm trí cũng là một cách vui hay lắm! Bởi lẽ trong nhà đạo đức là không có lợi hại, hay nhục vinh chi hết.

Kỷ luật trong xứ ấy cứ mãi tiến lên y như vậy, ai ai cũng chỉ lo trau giồi ba mục đích: sống biết linh, mà tập sống chung tu học; không ai ham danh quyền chi cả, và cũng không có lợi lộc. Kẻ nào mà bị tôn trọng đưa lên là như Bồ-tát, thì phải mất sự toại hưởng thanh nhàn, hoàn cảnh bắt buộc phải chịu cực nhọc, để sống chung tu học cách khác, mệt nhiều hơn, thì ngày sau sẽ hưởng quả to tát hơn; còn bây giờ là chịu thiệt thòi, kham cực nhọc, điều ấy là do nhơn duyên khiến bảo, nên sao sao cũng được, không ai cố chấp muốn tính chi hết.

Xứ ấy mà được đời đời an vui cùng tột kêu là Cực Lạc là bởi nhờ giới luật, giới luật nâng cao cái thiện lành nơi lớp nhỏ, giới luật nâng cao cái trong sạch nơi lớp trên. Cũng như các ông vua ở trong đời, có đến hàng trăm giới luật trong sạch hơn các quan, các quan có đến hàng chục giới luật thiện lành hơn dân, ông già có hạnh hơn người lớn, người lớn cao rộng hơn trẻ nhỏ, thì những kẻ lớp dưới làm sao mà chẳng quy tôn cho được. Cũng như ông vua không uống rượu, ăn thịt, vợ con, thì cả thảy nhân dân mới không dám sát sanh, trộm cắp, tà dâm được. Bởi thế nên từ xưa Thánh Hiền thường hay răn dạy, phép làm vua không có vợ làm đầu; phép làm làng, quan văn sĩ không tiền bạc làm gốc; phép binh tướng võ lực, không đánh giết người là bổn phận. Ông thầy giáo thì phải giữ gìn lời nói, làm cha mẹ là không đặng say sưa rượu thịt; như vậy thì con dân chúng nó sẽ hết lòng, lòng người là mạnh hơn hết, được lòng người là được tất cả sự thành công, không còn tai nạn. Mà muốn được lòng thì phải là giới luật kỷ cương, con đường phải có bờ lề ngăn ranh, và đi đến nơi có mục đích.

Như vậy mới không dắt người đi lộn quẩn, không xúi họ làm ác, tập tham, thì họ sẽ thương mến ta, và họ được giác ngộ nhờ ta, hơn là ghét sợ, thì ắt họ sẽ theo ta tới chết, việc gì lớn lao thế mấy, chắc sẽ phải thành công ngay được.

Này đây cái chìa khóa thành công của xứ Phật là giới luật. Chớ chi mà đời nay, các xã hội gia đình trong thế giới này vất bỏ đi cái tội lỗi, biết nhận ra món báu trong sạch thiện lành, biết đến lẽ phải, đức hạnh, đạo lý, hơn là khôn dại thì quí ích quá. Và cũng chớ chi mà các nhà vua đều được trên 60 tuổi, quan làng trên 54 tuổi, tướng binh trên 42 tuổi, và có đủ đạo đức, y như thế giới Phật, thì hay đúng quá; vì những lớp tuổi đó họ có đủ kinh nghiệm giác ngộ nơi phận việc họ.      

Lấy theo sự thường mà nói như vậy chắc trúng nhiều hơn, vì trong đời người tuổi nhỏ phi thường thì rất ít chớ đâu có nhiều, đành rằng sự khuyến khích là khuyên kẻ dưới cố rán lên, chớ dễ gì đức tính lại hơn những người nhiều năm kinh nghiệm.

Ví dầu mà có Phật Thánh tái lai đi nữa thì cũng nên chờ tới lớp tuổi già của mình rồi sẽ làm quan vua, chắc cũng không có chi sớm muộn, vì họ đã giác ngộ rồi, và như vậy là để làm gương khiêm tốn cho tất cả kẻ thường nhơn số đông về sau không tự cao; chắc là phải hay hơn lắm!

IV. LỜI ĐẠO ĐỨC

Thuở xưa hồng hoang thượng cổ, loài người còn là vượn khỉ, lần đến toại nhân mới tập làm việc, biết lòng nhơn; nhưng họ cũng chưa biết nói, bởi chưa biết nói, nói ú ớ chẳng nên lời, khó ai nghe, nên không hiểu biết tin nhau, mới sanh ra lắm sự đua tranh cấu xé hiềm nhau; sẵn có được khí giới trong tay, giết hại nhau, dữ hơn hồi còn là con ác vật. Vì cảnh đó, mới có một người kia tập nói, tiếng nói ấy là lời đạo đức; lời nói tốt đẹp, thương yêu khuyên lơn, dạy dỗ, tin cậy; lời nói để biểu lộ sự thật, đức tin trong sạch với nhau; lời nói ấy là pháp, cũng là giáo lý phương tiện tùy duyên chế lập đúng y chơn lý.

Nói để răn ác dạy thiện, chỉ đường cho người đi. Lời nói là ngôi chúa tể của nhân loại, cũng như cái đầu, cái trí thức là cao cả hơn hết.

Muốn tập nói, nói cho được người nghe, nói lời báu lạ, người đó đi vào rừng sâu, tách xa nhà cửa, một mình ngồi nhập định dưới gốc cây, để tìm lời nói cứu độ muôn loài. Người giữ 10 giới ngọ chay không không một vật, sáng đi xin ăn vào xóm, chiều lại lo tu tìm học ở rừng, chẳng bao lâu người được giác ngộ chơn lý thấu đáo võ trụ đắc đạo. Người đi ra dạy nói, tập nói cho muôn loài, do đó mà cõi đời xứ ấy trở nên tịnh lạc. Lời nói của người tạo ra được một xứ mới mẻ tốt đẹp, đổi đi các ác quấy của xứ cũ xấu xa. Lời nói ấy sống mãi muôn năm ngàn kiếp đến đời nay, lập thành kho tạng Pháp bảo quý giá vô ngần. Chính ngôi lời là đức Chúa Trời, là Phật Thích-ca, là hạnh phúc ban cho tất cả chúng sanh, đủ muôn mùi vị. Người ấy như một con rồng chúa phún mưa to cứu giúp chúng sanh khô khan khát hạn. Người ấy như một con rồng bay, bay đi mãi, tới đâu cũng có mây đưa, ngồi đâu cũng có mây phủ, ở đâu cũng có người theo. Người giải thoát tự do xin ăn đi mãi, giáo hóa dạy hoài. Nhờ đó nhơn loại đời nay khắp nơi mới biết nói, nói tốt đẹp, nói nghe được. Nhưng rất tiếc thay, than ôi, hôm nay trong đời, họ lại bày ra những cái nói lạ lùng khó hiểu trở lại như buổi ban xưa, nói chưa thành lời, nói nghe chưa được, và cũng chẳng ai dám nghe những lời nói ấy, vì không phải đạo đức pháp lý chi cả, họ nói chỉ đủ một mình nghe, cũng như chưa tập nói. Cũng lắm khi họ nói lời ra, là người ta phải bịt miệng họ lại, mà bảo họ nên ngậm nín còn khá hay hơn, vì họ nói ra lời lửa cháy, thúi dơ, bịnh lây cho tất cả. Những kẻ ấy cũng như chưa có miệng nữa.

Xưa kia lời nói là đạo đức, là ông thầy, như cam lộ kim ngôn; lời nói tạo ra vị minh triết, bậc minh quân, minh sư lành sáng. Lời nói của Phật xưa, ai nghe cũng lạy. Vì Phật là nói lời dạy đạo, chẳng kể công cán tiền lương, vậy nên đền ơn cho thầy sáng lời lành, là người ta lạy, và lạy để cung kỉnh quý trọng, thật hành theo Pháp bảo.

Thế là lời nói xưa tạo ra cái lạy. Lời nói là cao quí hơn hết đối với các pháp trong cõi giả tạm này. Lời nói là thầy của chư Phật hiện tại, vị lai và cả chúng sanh. Lời nói có ra là do chư Phật quá khứ. Không chi báu trọng bằng lời nói, mà kẻ chưa biết nói thì cũng không chi hại khinh bằng lời nói. Trường đạo đức, trường học, vua quan có ra cũng do lời nói. Lời nói của đức Phật khi xưa tạo ra được Giáo hội Tăng-già, là trường đạo đức Khất sĩ chư Tăng. Ngài là một ông vua lời nói, đệ tử Ngài chư Bồ-tát như quan văn lời nói, Thinh Văn giữ giới trong sạch theo hầu Ngài là thái giám học trò lời nói, chư Thiên cư sĩ hộ pháp cho Ngài như tướng binh của lời nói, kẻ tám giới là làng xã, người năm giới như nhân dân, cả thảy đều bằng lời nói Pháp bảo trọn lành và trong sạch. Những lời nói ấy là mùi vị của kết quả, sau việc làm của các bậc. Xưa kia đức Phật cũng có cả trường nam và trường nữ, cách xa riêng nhau, mỗi phía có bậc lớn tuổi cầm đầu, còn Ngài là bậc Tổ sư chứng giám. Đó là trong đạo của Ngài cũng như trong thành trì giới luật quốc độ của Ngài. Ngài làm vị vua thánh, vị vua pháp, vua lời nói, dạy chớ không trị, trau tâm chớ chẳng giồi thân, nên ai ai cũng qui y kính trọng Ngài hết và người ta lại còn quí sợ cái ơn đức ấy nữa. Bởi vậy khi xưa người ta ai ai bên ngoài trần thế cũng muốn nhập đạo xuất gia, dầu không được thành công đắc quả như Ngài chớ cũng đặng giải thoát, tránh khổ, được sống yên vui trong sạch bằng nết hạnh trong cõi thiện từ tốt đẹp.

Con đường ấy, giáo pháp ấy, sự thành công ấy để đến đời nay và mãi mãi về sau, nhiều người đắc đạo nữa cũng là do lời nói cả. Lời nói là đạo đức, trong đạo đức phát ra, cũng in như các thứ tiếng có ra do sự vật trong không gian, thời gian; tiếng ấy là để chỉ đường cho chúng sanh vạn vật giác ngộ. Tùy theo mỗi vật khác nhau là âm thinh khác nhau, giáo lý khác nhau, nhưng thảy đều ích lợi, nên gọi là Pháp bảo. Cõi đời có ra là do Pháp bảo, và chỉ có Pháp bảo là tiếng tăm vang dội. Như vậy Pháp bảo là cái sống, còn cái chết là sự im lìm, không tiếng tăm, không biết nói, nói lời ác quấy, nói chưa được lời tốt đẹp. Ấy là không có ơn ích để lại đời sau vậy.

V. ĐẠO ĐỨC LÀ VÔ NGÃ

Đời đạo đức là đời vô ngã, hễ đạo đức thì không có chi là ta và của ta, vì chơn lý đạo đức võ trụ vốn là vô thường, khổ não, không ta, và không của ta.

Như miếng đất xứ này vốn không phải của Việt Nam, Cao Miên và Chàm, cũng không phải của ai cả. Đất vốn của nước lóng sanh, nước do hơi mây không khí, không ai có mua chi khách chủ, cho đến màu sắc dân tộc cũng không nhứt định, không có ta và không của ta, không tư riêng ích kỷ. Như vậy nghĩa là vạn vật chung, chúng sanh chung, sống chung tu học; ai đi đâu, đến đâu, ở đâu cũng được, miễn là giác ngộ đạo đức thì được hòa nhau.

Thật vậy, chúng sanh như cỏ mọc trôi sông, trôi vòng, trôi tròn, trôi tới, trôi lui, thay đổi, sống chung của chung. Mục đích của biết là học, linh là tu, sống là lành thiện, sống chung tu học thật là tốt đẹp. Xứ này là một miếng đất trường học tu của chung võ trụ, không ta, không của ta ai cả. Cả thế giới các mặt đất, chúng sanh cũng y như vậy. Có như thế chúng ta mới thấy rõ đời là đạo đức, đời ở trong đạo đức, đạo đức mới sẽ đời đời. Chúng ta ngó vào đạo đức là lành thay, phải lắm, ắt sớm nên công ích lợi đặng. Phải đúng như vậy, xứ Việt Nam là một cái trường đạo đức. Và khắp các dân tộc, các miếng đất trong khắp võ trụ, trong quả địa cầu này cũng thảy đều y như người Nam Việt và miếng đất Việt Nam ấy cả. Trong võ trụ, trong đời, nào có thân nào không phải là thân tạm, nào có đất nào là đất riêng của chúng ta, mà đi tríu mến vô ích. Thế là chỉ có sự sống chung tu học, ai ai cũng nên phải chung sống tu học hết.

VI. ĐẠO ĐỨC QUAN TRỌNG

Tóm lại, trong đời chỉ có đạo đức là quan trọng, có giác ngộ như thế mới thấy chơn lý võ trụ, đạo đức là quan trọng. Quan trọng hơn cả xã hội, gia đình, giáo lý chánh trị của người, Trời. Vì chánh trị có ra là do tà trị, bởi có ác tà mới sanh thiện chánh, gọi là lấy chánh trị tà, mà lấy chánh trị tà là để bảo tồn đạo đức, nâng cao đạo đức, khuyến khích đạo đức, gầy dựng đạo đức, phạt kẻ ác thưởng người thiện, cất lớp lập trường, nuôi dưỡng cho những người lo tu dạy học, ủng hộ áo thuốc cho thầy giáo học trò đạo đức. Đạo đức như thầy giáo học trò, chánh trị như thợ công trường lớp. Cả thảy có ra là do đạo đức. Mục đích của tất cả là tập lần tiến lên đạo đức, đang ở trong đạo đức, và sẽ bước lần lên. Cõi đời mai kia, hay là lớp tuổi của ông già hôm nay, trên mặt đất này, thảy đều là đạo đức cả. Thế nên đạo đức là quan trọng, quan trọng hơn hết, hơn cả sự ăn mặc ở bịnh xác thân, vì đạo đức là linh hồn, linh hồn trước sau đều vĩnh viễn chắc thiệt. Không linh hồn thì có đâu thân xác mặc ăn ở bịnh. Đúng lý như vậy. Chúng ta nên phải lập đời đạo đức, vĩnh viễn yên vui sống chung tu học, y như vậy là quý báu hơn hết.

Chơn lý này thật là Pháp bảo chánh lý vô cùng, nhưng mà trong đời từ lâu chúng sanh ngộp đắm trong lầy sâu đêm tối, nên khó mà thật hành theo. Tuy đã biết vậy nhưng giáo lý đạo đức cũng nên cần phải có ra, để giác ngộ cho đời. Những ai có chuyên chú thật hành được, thật rất mừng giùm sự thoát khổ của người ấy. Dầu người chưa hành theo mà biết nhận ra được lẽ phải thì cũng là đỡ bớt tội lỗi lạc lầm, trần thế sẽ nhổ bớt những cái ác quấy, tự cao. Vì Pháp bảo này sẽ là một cái mặt kiếng chẳng thiên tư vậy. Và người ta sẽ biết đến kẻ hiền, cái tu, cái chơn chánh, thật thà, cái ngay thẳng, lơ lơ dường ám độn bên ngoài của đạo đức siêu nhân, mà bên trong không phải kém phần quý báu; theo như cách tưởng lầm của sự thiếu kinh nghiệm, mà có người nói rằng sự ác hung, gian xảo, lanh lợi, giỏi hay chốc lát cho là ích lợi tốt đẹp hơn.

Phải, đúng như thế. Dễ gì mà mặt đất này trở nên Cực Lạc, nào Phật Thích-ca và chư Phật đã dạy được cả chúng sanh! Nhưng chúng ta cũng rất ước mong sao, nhơn duyên hạp cảnh, trình độ phải thời, thì xứ này mai kia sẽ trở nên xứ Phật, ắt cũng không có chi khó nhọc.

CÁCH NGÔN:

Người lớn không nên giữ nết trẻ em.

Ông già chớ khá sái luật trình độ.

Ai ai khá nên như vậy hết.