CHƠN LÝ SỐ 52: PHÁP CHÁNH GIÁC
Pháp chánh giác có ra là do tứ diệu đế. Pháp là chánh giác, là pháp của trong tứ diệu đế, do tứ diệu đế sanh ra. Chánh giác là Pháp là tiếng trống, tứ diệu đế là dùi trống, mặt đất cõi đời là mặt trống. Bởi có mặt trống, Phật mới chỉ ra dùi trống, dùi chạm mặt mới sanh tiếng trống. Tiếng ấy là pháp chánh giác, còn chúng sanh là người nghe.
Tứ diệu đế là: Khổ, tập, diệt, đạo.
Bởi chúng sanh sầu khổ nên Phật mới nói rằng: Này là khổ, vấn đề đề mục khổ. Này nguyên nhân sanh ra khổ là tập, vấn đề đề mục tập. Này phép diệt sự khổ là diệt, vấn đề đề mục diệt. Này là đạo diệt luân hồi khổ, vấn đề đề mục đạo. Đạo là con đàng đi để diệt luân hồi khổ. Diệt là diệt bỏ 12 nhơn duyên tập của luân hồi. Tập là tập sanh tử luân hồi để chứa khổ. Khổ là khổ bởi tập luân hồi vì không diệt đạo.
Thế nên khổ tập diệt đạo gọi là tứ diệu đế, bốn vấn đề, đề mục dùi trống, do đó mà sanh ra các pháp, tiếng tăm vang dội. Pháp là chánh giác, lẽ giác ngộ chơn chánh đối với cõi đời mặt trống, để giảng dạy chúng sanh. Chính đức Phật là người gióng trống Pháp. Tiếng trống là pháp âm, diệu âm, sư tử âm, hải triều âm v.v…Tiếng trống có đủ ba hồi chín chập, tức là giáo lý Tam thừa cửu phẩm, hay ho huyền diệu.
Tứ diệu đế cũng là bốn cây căm của bánh xe pháp. Pháp là bánh xe, Tam thừa cửu phẩm là ba vòng chín lớp từ nhỏ tới lớn. Cõi đời là mặt đất, Phật là người lái chuyển xoay, chơn như là trụ cốt, chúng sanh là kẻ khách bộ hành, Niết-bàn là thùng xe chỗ chứa. Phật dùng đó mà đưa độ kẻ khách chúng sanh, gọi là từ Đông sang Tây, đến nơi Cực Lạc. Bởi có bánh mới có lăn, có căm mới có chạy, nên gọi là trụ cốt chơn như sanh căm tứ diệu đế. Căm sanh bánh là pháp chánh giác, do đó chúng sanh mới níu đeo theo bánh, bước lên căm trèo lên cốt, mà vào thùng xe Niết-bàn. Niết-bàn tế độ làm thùng xe, chỗ đựng chứa chúng sanh, rước đưa về nơi Cực Lạc giải thoát khổ não luân hồi sanh tử. Chính Niết-bàn thùng xe là thế giới Cực Lạc bên kia ấy rồi. Sự cố gắng của Phật là như con bò, nguyện lực là dây cương, roi là thúc giục tinh tấn, chăm chỉ là đi tới.
Vậy thì đây ba vòng chín lớp của bánh xe pháp chánh giác từ xưa ghi dấu trên đường đời để lại. Này là BỐN XỨ NIỆM: thân, thọ, ý và pháp.
1. Ta hằng có niệm tưởng đến thân, tìm xét thấy ra thân là không có. Thân có ra do nhơn duyên tứ đại, chớp bóng huyễn hoặc mơ hồ, thân là vô thường thay đổi. Thân của ta chớ chẳng phải thân là ta, thân là một món đồ bằng đất nước lửa gió hiệp thành. Kẻ chết nuôi cái sống, món này món kia sớt chan dồn qua cái nọ. Thân này là của tất cả, tất cả là của thân này, tiếng ta là chung toàn thể, chẳng phải riêng tôi. Thân có ra do những chất sống phối hợp, rồi đây nó sẽ rã ra, phối hợp cho những cái khác. Mắt, tai, mũi, lưỡi, tay, chân, mình, bụng, màu sắc, cử động, có sống, có biết, có linh là do ấm của lửa; lửa tắt đi rồi, trơ lạnh là chết. Nó như một chiếc xe trơn láng bên ngoài, trong là bộ máy, máy chạy do hơi chuyền của trong bụng mẹ, từ đó quen trớn, và có đủ chất nuôi thì nó chạy mãi; lâu sau nó phải sét mòn tan rã, máy ngừng tắt lạnh. Cái thân là một ổ chúng sanh vi trùng, kết tụ và đang tranh đấu, mặt trận quân bình là yên ổn, một bên hỗn thắng, các loại khác đã thua, thì bao nhiêu binh tướng kết thâu sẽ phải rã hàng tan ngũ, thất lạc vô dụng. Cái thân là các pháp hiệp thành, pháp vốn tiến, vô chấp, tương đối, vốn chẳng có ta người, kết tập bởi nhơn duyên, cái này cái kia sanh cái nọ, rồi sẽ từ nhơn duyên hoại diệt, cái nọ cái kia sanh cái khác. Thân là sắc ấm, là trung đạo, giữa hai pháp nóng lạnh dung hòa, do chất kết hợp, rồi sẽ do chất nóng lạnh bất hòa mà tan hoại. Thân là cái vỏ trái tạm, để sanh ruột hột trí tâm, hột tâm còn, thân vỏ mất. Thân là một cái cây để sanh nhánh lá hoa trái hột, là nguồn cội sanh giáo lý, các pháp, trí huệ, thân tâm kẻ khác. Thân là một cái nhà máy xay. Thân là một lỗ cống. Thân là một đống rác dơ. Thân là cái hũ đất. Thân là con quái vật. Thân là hầm địa ngục. Thân là một cái hang sâu, một cái hố độc. Thân là con ngạ quỉ. Thân là kẻ hung thần. Thân cũng là đền vàng, lầu ngọc, núi châu, ao bạc. Nó lớn như biển như hư vô, nó nhỏ như cây kim, như trống lổng. Thân ích lợi như kim cương, thân tai hại thúi độc như phẩn tiểu v.v…
Người ta nói nó là cái gì cũng được hết. Nó cũng như mặt đất đựng chứa tất cả danh từ pháp lý đồ vật. Ai muốn dùng nó cách sao cũng được, nhưng phải hiểu tánh nó là không bền, không phải là ta, cũng chẳng phải của ta làm chủ, chúng ta chẳng nên lầm quên, khổ não vô ích vì nó. Chúng ta chớ nên cố chấp, thích ham, luyến ái, tự cao, để bảo giữ kế mưu, danh lợi, tốt xấu vì thân, mà nên phải biết nhận ra cái ta chủ tể ở nơi thân. Cũng như kìa là một đống lửa, ta hãy tìm xét coi cái nguyên nhân, và cái kết quả của lửa ấy là gì? Và hiện tại lửa cháy là cháy cái chi? Có nhận xét thấy sơ qua như thế, chúng ta sẽ giác ngộ rất nhiều, mà không còn ham mê tríu mến lạc lầm cái thân, không bị cái thân cái sắc, cái có huyễn hoặc che đậy tâm trí, mà tức nhận ra rằng: Thân là không có, không có bền, nên gọi là không. Thế là ta dứt được cái niệm thân, cái sở chấp thân, tâm ta sẽ trong sạch không không, như không còn biết thân là chi, do đó mà tinh thần của ta được yên ổn mạnh cứng, gom hiệp.
2. Ta hằng có niệm tưởng đến thọ, tìm xét thấy ra thọ là không có. Bởi có thân nên mới có thọ. Khi ta có việc dùng thì cái thân có tạm, khi hết chẳng có việc dùng, thì cái thân không có. Trong lúc dùng thì ta gìn giữ để dùng, lúc hết chẳng dùng thì ta hủy bỏ, cho nên có lúc nó cũng quý trọng, còn có lúc nó như thây ma, nó như mụt ghẻ. Nó ở với trẻ nhỏ, nó sẽ bỏ ông già. Các bịnh hoạn của thân là do từ bên trong phát ra, từ bên ngoài nhập vào. Bịnh hoạn là sự thái quá bất cập, cũng tự nơi ta, mà cũng từ nơi người. Người thiện có tu, bịnh ít hơn kẻ ác. Hễ có thân thì phải bịnh, dùng thân phải nuôi bịnh, thân bỏ thì không kể bịnh. Bịnh như lỗ nước mội, như máy đồng hồ, người ta nói nuôi giữ bịnh, chứ chẳng ai gọi trừ dứt tuyệt bịnh. Bịnh không có hết. Trong đời chẳng có xác thân không bịnh. Một xác thân ở trong đời là một nạn nhân trong giữa chiến tranh, là một món ăn của tất cả chúng sanh, là sự một may trong muôn rủi. Trẻ nhỏ dại nào cũng ham chơi tạo bịnh. Các tánh chất trong đời đều sanh bịnh. Các vi trùng đều làm bịnh. Các pháp tương đối thảy tập bịnh. Bịnh tại nhơn duyên, có thân có bịnh thì không còn chi sung sướng tốt đẹp nên hay. Các bịnh vẫn bằng nhau, không ai thương muốn bịnh. Vậy nên bịnh là không thường bền. Bịnh là không có, bịnh là ma biến huyễn thuật. Thân đã không thì bịnh đâu có, thế là ta dứt được cái niệm bịnh, cái sở chấp bịnh, ta không còn sợ sệt bịnh. Bịnh không làm ta yếu ớt, ta sẽ lướt bịnh mà không coi bịnh là chi, vì ta nghĩ rằng: Thân đâu có phải hết bịnh mà thân là để nuôi tâm trí. Vậy tại sao ta chẳng xét nghĩ đến tâm trí mà lại lo bịnh. Vì tâm trí mà nuôi thân bịnh tạm, chớ phải nào ta có ra để nuôi bịnh nuôi thân. Một ngày kia ta toại nguyện, mục đích đến, trí đầy tâm đủ, thì thân phải bỏ, chừng đó bịnh có lo gì. Niệm tưởng như thế tức là tinh thần của ta sẽ hăng hái, can đảm, lướt lên, thành tựu, và thắng phục, dứt niệm bịnh.
3. Ta hằng có niệm tưởng đến ý, tìm xét thấy ý là không có. Bởi lầm chấp có sống nên sợ chết, có thân nên sợ mất mà sanh ý. Bởi tưởng lầm thân ta, nên mới sợ già, sợ già do sợ bịnh mà sanh ra ý. Bởi mê vọng theo thân già bịnh chết, nên mới tập nói làm, có nói làm mới tập ý. Ý có do mắt, tai, mũi, lưỡi, miệng, thân. Ý là tham sân si. Ý là thái quá bất cập tương đối, không bền, không định, không chừng. Ý là tham sân si tam độc, mà cũng là giới định huệ, ba món quý. Ý có tốt, có xấu, có sạch, có dơ, có lớn, có nhỏ. Ý là cái sở chấp, cái tư tưởng, cái thọ cảm điên đảo theo tình vọng. Ý là không có, ý là tên gọi, ý là huyễn ma. Trước hết nơi đứa bé, ý phát sinh ra do thọ. Vậy thì thân thọ đã không thì ý đâu gọi có. Thân thọ chẳng ở mãi với đời thì đời đâu có chỗ nào giữ ý. Như thế thì còn ý là còn khổ, hết ý là hết khổ. Cái khổ là vô lý, thì cái ý ấy tức là bậy. Ý là ma, ý là giặc, ý là bịnh của tâm, là vi trùng chất độc pháp ác của tâm. Ý cũng là ông thầy hướng đạo dắt dẫn chúng sanh đến nơi cao quý, hoặc đến chốn địa ngục a-tỳ. Ý là cảm giác tưởng tượng, chẳng có xét suy, vốn không thông sáng. Ý do tương đối, tương đối là thọ, nên gọi ý do thọ. Vậy thì thân không, thọ không, là ý cũng vốn không, trước đã không có ý, sau đây cũng đâu còn ý. Ý là trình độ tạm, khi đến trí giác thì ý không còn. Ý phát sanh nơi tư tưởng của thú, ý tập hành vi loài người đến trời thức trí thì ý chết co, đến Phật thì mất tích. Như thế thì đối với lẽ tấn hóa, ý sẽ không tồn tại, nên chẳng gọi là có.
Trẻ nhỏ là sanh ý, người lớn là còn ý, ông già thì hết ý. Vậy nên kẻ muốn tấn hóa giải thoát vượt lên là không còn bảo thủ ý, người ta sẽ bỏ quên dứt mất luôn; ví như ăn cơm vào bụng rồi hóa thành phân, và sẽ bỏ luôn, không còn nhớ nó. Nhờ niệm tưởng như thế tức là tinh thần của ta sẽ được tự nhiên dõng mãnh, nghị lực cứng cỏi im lặng, dứt được niệm ý tiêu tan, không còn chấp ý.
4. Ta hằng có niệm tưởng đến pháp. Pháp là phép, phương pháp, phương tiện. Pháp là cái thuật, pháp cũng là chánh giác, thiện xảo. Pháp có ác có thiện, có pháp trong sạch chơn như. Pháp là giáo lý ánh sáng của trí huệ, của thức trí, của trí si. Pháp là kinh nghiệm, là lý luận, luận thuyết, chỉ giải, hướng dẫn. Pháp là luật pháp, điều luật, qui tắc, lễ phép, phép tắc. Pháp có ra do ý, còn ý còn pháp, hết ý hết pháp, không ý là im lặng tự nhiên vắng lặng, đâu còn pháp. Pháp là huyễn, là dối, là danh từ tạm, ví như món đồ xài, ngón tay chỉ, chiếc bè đưa, chiếc xe chạy, hết việc rồi là sẽ bỏ. Nhờ pháp mà trí huệ sẽ đủ đầy, chơn như trơ sựng tự nhiên, hết học hết pháp. Pháp là cái học, học qua rồi thì bỏ, chỉ được cho người cái giác biết. Bởi có thân, có thọ, có ý, mới có pháp. Mà thân là trước sau chẳng có, thì đâu có cái thọ, không thọ thì làm sao có ý, không ý thì lấy gì làm pháp. Thế thì pháp là huyễn ma. Cả thảy thân, thọ, ý, pháp là huyễn ma. Các cái ấy nó tạo lần cái ta, khi cái ta đã thành tựu thì bốn cái ấy tiêu hình, cũng giống như tứ đại đất nước lửa gió kết hợp thành thân, sau này người ta chỉ biết thân, chớ không biết đến đất nước lửa gió. Ta đây là chơn như, là định, là võ trụ, chơn thật như nhiên, không vọng động, là cái lẽ sống biết linh tự nhiên, chớ không phải có cái chi làm ta. Cái ta ấy là cái thật, cái thường bền, cái mà tất cả chúng sanh là có một. Còn thân thọ ý pháp là giả dối, láo xược.
Vậy thì thân, thọ, ý sanh pháp; còn pháp là còn thân, thọ, ý; hết pháp là hết ý, thọ, thân. Còn thì còn khổ não, hết là hết khổ não rối loạn. Pháp là cái chấp, pháp là tương đối, pháp là tiến hóa, pháp là vô thường, pháp là không có ta nhứt định, không của ta cái có, chẳng của người ở đâu.
Pháp tà là pháp khổ, pháp chánh là pháp vui. Pháp chánh là trung đạo giải thoát, pháp tà là biên kiến bên lề, ứ nê té sụp. Nên gọi pháp chánh là pháp sống, pháp thông lưu, pháp bình yên ích lợi báu quý hơn tà pháp, nhưng cũng thảy đều là tạm. Pháp vốn không gốc tánh, không sở trụ, không căn bổn, vì nó là biến thuật, ẩn hiện không lường, không bờ bến, mỗi lúc tự nhiên, bình thường thì không có, khi gặp việc nó mới xuất lộ ra, nên gọi là không có pháp, và pháp không có chỗ ở, chỗ chứa giữ. Nhờ niệm tưởng như thế mà tâm định, lấy định làm tâm, không còn chấp lầm nơi pháp phải khổ, không còn bị pháp mê hoặc, che đậy, làm mất cái tánh chơn võ trụ bình thường thì con người mới tự chủ, sẽ thấy đặng cái ta, cái sống, biết, linh, thành tựu, ấy mới gọi là bản lãnh, là vô năng sở, thì không cái chi hơn. Giải thoát đến cái pháp tức là giải thoát hoàn toàn. Cái tâm như thế mới phải thật gọi là kim cương, thời gian không làm núng, chúng sanh vạn vật các pháp chẳng chuyển lay. Ấy mới gọi đúng là tinh thần siêu việt. Thế là dứt đặng niệm pháp, không còn chấp pháp.
Vậy thì niệm thân, niệm thọ, niệm ý, niệm pháp là bốn cái niệm, bốn xứ sở biên lề, bốn phía, bốn cõi đọa lạc, như bốn tay chân, không phải là chỗ ở của cái ta. Nó là bốn cảnh huyễn ma mà ta phải tránh xa, phải thấy ra để đặng dứt trừ tiêu diệt, không nên quyến luyến, nhớ tưởng cố chấp, thì tâm mới lớn yên, trí mới rộng sáng.
Sự dứt đoạn niệm thân, dứt đoạn niệm thọ, dứt đoạn niệm ý, dứt đoạn niệm pháp, tức là BỐN DỨT ĐOẠN. Dứt đoạn bốn vách nhốt ngăn, dứt đoạn bốn dây trăn trói, dứt đoạn địa ngục hắc ám phủ che, dứt đoạn sự hành hà tâm trí, do đó con người hoàn toàn giải thoát, sống trong cõi chơn như đại định, võ trụ bao la, không chi ngăn ngại. Nhờ vậy mà phát sanh ra BỐN THẦN THÔNG:
1. Bởi không còn cái sắc, cái THÂN, cái có, che đậy, nên mắt trí của tâm ta thấy xa thông suốt cõi đời, chúng sanh vạn vật các pháp. Và nhờ dứt đoạn bốn niệm, tâm hằng định, tinh thần đầy đủ, sức linh thành tựu, điện lực càng thâu, nên đắc được mắt trời, mắt thần, mắt pháp, mắt huệ, mắt đạo, chứng tại nơi mắt thịt là chánh tín.
2. Bởi dứt đoạn THỌ tương đối, thái quá bất cập không còn bị sự chuyền níu bên lề thọ cản ngăn, nên tai trí của tâm ta nghe xa thông suốt cõi đời, chúng sanh vạn vật các pháp. Và nhờ dứt được bốn niệm, tâm hằng định, tinh thần đầy đủ, sức linh thành tựu, điện lực càng thâu, nên đắc được tai trời, tai thần, tai pháp, tai huệ, tai đạo, chứng tại nơi tai thịt là chánh niệm.
3. Bởi dứt đoạn Ý, chuyền leo phiền não, không còn bị sự hành phạt dắt dẫn, xa khác hẳn với thế gian, nên trí phân biệt của tâm ta nhận ra hiểu rõ tâm ý của chúng sanh muôn loài vạn vật các pháp, hiểu rõ chỗ thấy hiểu của tất cả. Do nhờ trong chỗ định mà thấy ra nơi ngoài chỗ loạn; ở trong chỗ kín, trong chỗ khuất bóng tối mà thấy ra ngoài chỗ trống hở, chỗ ánh sáng. Và sự kín đáo của tâm ấy tức là dứt đoạn được bốn niệm thì con người sẽ trở nên kỳ bí siêu hình, vô vi huyền diệu, ẩn mật kín đáo, chơn như che chở, ấm khuất diệu mầu, tâm hằng định, tinh thần đầy đủ, sức linh thành tựu, điện lực càng thâu, nên đắc được cái mũi hửi, biết hết tâm ý của muôn loài, không chi ngăn ngại. Đó là mũi trời, mũi thần, mũi pháp, mũi huệ, mũi đạo, chứng tại mũi thịt là chánh tinh tấn, mùi chi trong ngoài hết thảy cái chi cũng biết.
4. Bởi dứt đoạn PHÁP ngăn che nghi hoặc, cố chấp, không còn bị sự níu kéo nặng nề dính buộc, khác với phàm phu tríu lụy, nên trí được huệ, cắt đứt mạnh mẽ, phủi dứt nhẹ nhàng, cao thượng không không, xa bay theo nhơn duyên mây gió, vượt hẳn các pháp chúng sanh vạn vật. Và nhờ dứt đoạn được trọn bốn niệm, tâm hằng định, tinh thần đầy đủ, sức linh thành tựu, điện lực càng thâu, nên đắc lưỡi trời, lưỡi thần, lưỡi pháp, lưỡi huệ, lưỡi đạo, chứng tại nơi lưỡi thịt là trì giới, đem thân mạng bay cao bay xa, biến mau, do lời nói thần lực bên trong kín đáo sức mạnh.
Bốn thần thông này: Thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông (hay thiên tỷ thông), thần túc thông (hay thiên thiệt thông), có ra là do bốn cái dứt đoạn, trừ được bốn xứ niệm, mà tâm định yên trụ chính giữa, gom thần góp điện, hiệp sức của bốn phương mà thành.
Người được tâm định, có đủ bốn thần thông là sanh ra NĂM CĂN BỔN:
1.Mắt căn thanh tịnh sanh ra chánh tín là nhờ sự thấy rõ mới tín tin.
2.Tai căn thanh tịnh sanh ra chánh niệm là nhờ sự nghe rõ mới niệm ghi nhớ.
3.Mũi căn thanh tịnh sanh ra chánh tinh tấn là biết rõ mùi đạo, mới tinh tấn cố gắng.
4.Lưỡi căn thanh tịnh sanh ra trì giới là nếm rõ vị đạo, mới biết giữ gìn ngăn che trì giới.
5.Thân căn thanh tịnh sanh ra thiền định là xác thân không còn dơ bẩn sái quấy của việc làm, thì tâm ý sẽ lặng ngừng. Và việc làm của thân trong sạch không không, được có ra là do mắt tai mũi lưỡi, bốn căn trong sạch, và bốn thần thông ủng hộ.
Vậy nên gọi nhãn căn là tín, nhĩ căn là niệm, tỷ căn là tinh tấn, thiệt căn là trì giới, thân căn là thiền định. Đó là năm kết quả, năm chứng đắc của bốn xứ niệm, bốn dứt đoạn, và bốn thần thông. Mắt tai mũi lưỡi thân ấy mới tạm gọi là cái có của ta được. Năm căn ấy có ra cũng là do chơn như tự nhiên giác ngộ của trí huệ quả linh, nên gọi căn ấy là thánh căn. Vì mắt ấy đã không còn ngó xem việc phàm trần, tai ấy đã không còn nghe lóng việc tục trần, mũi ấy đã không còn ngửi biết việc thế trần, lưỡi ấy đã không còn nếm chác việc nhiễm trần, thân ấy đã không còn rờ chạm việc ô trần. Vì bởi là mắt tai mũi lưỡi thân trong sạch sanh ra tín, niệm, tinh tấn, trì giới, thiền định, năm căn thánh. Nên gọi bậc tu đã đến đây chỉ còn có năm căn: tín, niệm, tinh tấn, trì giới, thiền định do mắt tai mũi lưỡi thân trong sạch kia sanh ra, chớ không còn mắt tai mũi lưỡi thân phàm. Thế mới gọi rằng: bậc siêu phàm nhập thánh lấy tín, niệm, tinh tấn, trì giới, thiền định làm mắt tai mũi lưỡi thân thanh tịnh, chớ chẳng có mắt tai mũi lưỡi thân như người phàm. Vậy nên người sẽ đắc đặng NĂM SỨC LỰC:
1.Tín lực, sức lực mạnh mẽ của chánh tín.
2.Niệm lực, sức lực mạnh mẽ của chánh niệm.
3.Tinh tấn lực, sức lực mạnh mẽ của chánh tinh tấn.
4.Trì giới lực, sức lực mạnh mẽ của trì giới.
5.Thiền định lực, sức lực mạnh mẽ của thiền định.
Nhờ đắc được năm sức lực đó nên quả linh và đạo lý lại mạnh mẽ thêm lên, lớn to rộng nhiều mãi, không lui sụt, lu lờ, phai lợt. Và cái chi cũng do năm sức lực ấy mà thành tựu. Năm sức lực thần này cũng kêu gọi là: Sức lực của mắt căn trong sạch, sức lực của tai căn trong sạch, sức lực của mũi căn trong sạch, sức lực của lưỡi căn trong sạch, sức lực của thân căn trong sạch của bậc thánh; do đó mà thắng phục tất cả ma vương, ngoại đạo, trở nên toàn năng. Thiền định lực là sẽ kết quả toàn năng, hay sức lực của thân căn trong sạch, là mạnh mẽ nhứt. Vì trong đời, khó ai làm chủ xác thân, khó ai dạy độ được xác thân, khó ai kềm chế phục trị cảm hóa tự chủ được xác thân; thế mà nơi đây xác thân đã thành tựu, đã được gọi có thân; có cái thân trong sạch tốt đẹp, còn mãi là thiền định, đổi thân phàm làm thân thánh, không còn phải khổ luân hồi sanh tử, thay đổi. Thân căn tốt đẹp trong sạch ấy có ra là do lưỡi căn trong sạch tốt đẹp. Lưỡi căn ấy có ra là do mũi căn trong sạch tốt đẹp. Mũi căn ấy có ra là do tai căn trong sạch tốt đẹp. Tai căn ấy có ra là do mắt căn trong sạch tốt đẹp. Mắt căn ấy có ra là do bốn thần thông, bốn dứt đoạn, bốn xứ niệm. Như thế tức là bốn xứ niệm đọa lạc sanh ra bốn giác ngộ dứt đoạn, mà chứng bốn thần thông của bốn căn, nên sanh ra được căn thân thứ năm, là thân thể của thánh đã trọn thành hình, và có được năm sức lực là cái sống cử động, do đó sẽ sanh ra cái giác là Phật làm chủ. Ấy cũng nghĩa là từ bốn xứ niệm đọa lạc sanh ra được bốn giác ngộ dứt đoạn kêu là trí huệ mà chứng bốn thần thông của bốn căn: Tín, niệm, tinh tấn, trì giới. Chánh tín là thiên nhãn thông, mắt trời thông suốt; chánh niệm là thiên nhĩ thông, tai trời thông suốt; chánh tinh tấn là tha tâm thông, mũi trời thông suốt (hiểu tâm người khác); chánh trì giới là thần túc thông, lưỡi trời thông suốt (chưn thần bay mau). Do bốn căn ấy sanh ra thiền định căn, là tượng đủ thân hình thánh (thiền định là thân thánh). Và nhờ sức lực của thân thiền định mà phát sanh ý giác là pháp chánh giác Phật.
Chánh giác Phật tức là ý giác của năm căn lực, cũng gọi là cái chủ tể của năm căn lực, hay tâm hồn của thân thiền định, do cái sống sức lực của thân căn thiền định kêu là thất giác ý, thất bồ đề, bảy chánh giác, làm thất phách đều đủ của thân thiền định, sống bằng sức lực. Trong thất giác ý, bảy phách của Phật là có gồm chứa đủ cả (sống, biết, linh nên gọi tam hồn hay kêu là giới, định, huệ đều đủ).
BẢY Ý GIÁC ấy mới thật gọi là ý Phật, ý chơn, ý chánh, ý của ta, ý nên hay ích lợi quý báu, mà người ta hằng gọi là cây bồ-đề báu, chỗ gốc đó chân tâm giải thoát của chư Bồ-tát, ngồi tu sẽ thành Phật. Cây bồ-đề, ý giác bảy nhánh ấy là:
1.Phân biệt sự lành với sự dữ.
2.Tinh tấn mà lướt lên.
3.An lạc trong vòng đạo đức.
4.Thắng phục tâm ý mình đặng làm lành.
5.Nhớ tưởng đạo lý.
6.Nhứt tâm đại định.
7.Vui chịu với mọi cảnh ngộ.
Bảy ý giác cũng tức là bảy phần trí huệ đầy đủ, bảy ý chánh chân giác ngộ, hay là ý Phật. Bảy ý giác cũng là trí huệ đầy đủ, nêu kêu là định sanh huệ, hay thiền định lực sanh chánh giác. Ý giác là cây, bảy ý giác là bảy nhánh cây, năm căn bổn là rễ cây, thân thiền định căn là rễ cái, năm sức lực là sự sống, bốn phép thần là vượt mọc lên cao, cái ta là hột giống, bốn dứt đoạn là sự cuốc đất, bốn xứ niệm là mặt đất tứ đại, còn bát chánh đạo tức là quả trái.
Bảy ý giác cũng là bảy lớp trí huệ:
1. Phân biệt sự lành với sự dữ là nhân bố thí, sẽ kết quả Nhập Lưu, bỏ tất cả, xuất gia giải thoát khất sĩ, đi lên tới nhập vào nguồn đạo.
2. Tinh tấn mà lướt lên là nhân nhẫn nhục, sẽ kết quả Nhứt Vãng Lai, chỉ còn một lần trở lại.
3. An lạc trong vòng đạo đức là nhân tinh tấn, sẽ kết quả Bất Lai, không còn trở lại.
4. Thắng phục tâm ý mình đặng làm lành là nhân trì giới, sẽ kết quả Vô Sanh, dứt luân hồi, đắc Niết-bàn giải thoát trong sạch.
5. Nhớ tưởng đạo lý là nhân thiền định, sẽ kết quả Duyên Giác, hưởng Niết-bàn yên lặng.
6. Nhứt tâm đại định là nhân trí huệ, sẽ kết quả Bồ-tát giác tha.
7. Vui chịu với mọi cảnh ngộ là nhân chơn như, sẽ kết quả Như Lai thành Phật.
Vậy nên bảy ý giác, cũng gọi là bảy nấc thang, bảy lớp tu, bảy trình độ hạng bậc, tức là cây bồ-đề cao bảy trượng bảy tầng. Hay nói là bảy hột mè mà đức Bồ-tát thường ăn mỗi ngày để nuôi chơn mạng thành Phật. Cũng có thể nói là ngồi tòa thất bửu của chư Phật mà khi xưa Tăng chúng Tỳ-kheo, đem mình làm cái ghế tòa sen ấy cho Phật ngự. Hoặc nói là bảy món ăn của chư khất sĩ thường ngày không thiếu sót, mà trong đó cái giác thứ nhất phân biệt sự lành với sự dữ là làm cơm trắng. Bảy ý giác cũng là một con đường từ đầu đến đuôi kết quả, từ thiện lành bỏ ác quấy đến được với chơn như giác ngộ. Cũng như từ mới sanh tới khi già chết sẽ nghỉ yên. Chính cái giác chót, vui chịu với mọi cảnh ngộ, là nghỉ yên, tròn trịa, vô chấp, chơn như đắc quả. Cũng nói đó là cái chót ngọn nóc đầu, cao hơn hết của các cái giác kia, là chỗ rốt ráo của sự giác ngộ, sự hết khổ toàn vui, sự tròn lăn như quả trái, như bánh xe, không còn vuông méo góc cạnh tai nạn. Cái ta mà ngồi nghỉ yên nơi cội chánh giác, tòa bồ-đề này thì sẽ đắc đạo. Người tu đến đó sẽ thành đạo, sẽ đắc thêm được hai phép thần thông sau:
1) Túc mạng thông, thông hiểu mạng số của chúng sanh cả thảy, vì nhơn duyên là do nơi cái giác nhứt tâm đại định, là điều chúng sanh không làm được, bởi những trở lực mạng số, mà người đã tu thật hành được, nên mới biết hiểu.
2) Lậu tận thông, thông hiểu tất cả gốc nguồn phiền não do nhờ cái giác, vui chịu với mọi cảnh ngộ, mà được lậu tận hòa, là hòa vui diệt tận gốc khổ, nên đắc Niết-bàn Vô Sanh, thành A-la-hán, Ứng Cúng trong sạch giải thoát, xứng đáng cho người đời thờ phượng lễ bái cúng dường, qui y theo. Cũng như con cá đã nhảy khỏi ao, như học trò đi thi được đậu, là điều mà trong thế gian rất báu quý, nhưng ít ai làm đặng, nên ai ai cũng lấy đó làm mục đích chỗ đến.
Bậc đắc xong bảy ý giác là sẽ thấy mình như đứa con nhỏ của Phật mới sanh ra, kêu là Phật tử, được sống bằng mạng Phật chánh giác, mạng bồ-đề, đã có đủ linh hồn xác thịt thánh, ở trong nhà Phật mà đắc đạo. Từ đó mới sẽ lớn lần lên trong cái mạng sống Phật chánh giác ấy cho đến lớn, đến già, đến nghỉ ngơi thiệt thọ là từ bậc A-la-hán sẽ tới Bích-chi, tới Bồ-tát và Như Lai, hoàn toàn tròn vẹn.
Bấy giờ con đàng sống tiến bên kia của các Ngài sẽ là bát chánh đạo, tám pháp thánh, tám cách hành đạo. Các Ngài ở yên nơi đó, ở ăn làm việc sống nơi đó, rất an ổn vững vàng là bởi cõi pháp giới riêng, không còn biết thế sự ra gì, ở đâu đâu. Thế là các Ngài đã sống bằng ý giác, đi trên chánh đạo, sẽ đến chơn như rốt ráo, bỏ lại trần thế những kẻ chúng sanh nối dấu theo sau, còn vướng phải biết bao những sự thảm sầu tai họa.
Tám pháp chánh đạo đây là con đàng đi của các bậc thánh nhơn đã tròn xong ý giác, để tới quả Phật, cũng là tám pháp hành đạo của bậc thánh nhơn đã tròn xong ý tự độ, bấy giờ tới lúc phải đi hành đạo, cứu vớt tế độ cho đời, vừa cứu độ chúng sanh, vừa tu thêm cho mình để vừa đi tới, vừa dắt lần chúng sanh đến nơi quả Phật. Trên khoảng con đường đi lúc ấy là các Ngài đã không còn thân tâm trí, cảnh giới giống như chúng sanh. Các Ngài đã không còn nghĩ gì tư riêng ai. Các Ngài đã đến cõi bằng thẳng vô tận của tinh thần mênh mông, bao quát, thật khỏe khoắn, sung sướng quá, chúng sanh tội lỗi nào phải ít kiếp tu mà được.
TÁM CHÁNH ĐẠO: Cõi Thánh ấy là thấy chánh, suy gẫm chánh, nói chánh, làm chánh, sống chánh, siêng năng chánh, niệm tưởng chánh, yên định chánh. Với tám pháp này thì cõi đời đối với các Ngài đã là Niết-bàn, là xứ an lạc rồi. Thế nhưng trái lại, chúng ta cũng đang ở tại cảnh đời đây mà lại luân hồi khổ não vô ích, thật là đáng phiền tủi cho thân phận.
TÁM CHÁNH ĐẠO đã có giải kỹ ra nơi quyển “BÁT CHÁNH ĐẠO” chơn lý số 5, rất mầu nhiệm, mà nơi đây thiếu giấy không thể viết thêm. Vậy muốn biết, chúng ta hãy tìm xem lại quyển số 5 thì rõ.
Nói tóm lại, quyển “Pháp Chánh Giác” này là gồm cả 37 pháp chánh giác Bồ-đề: 4 xứ niệm, 4 dứt đoạn, 4 thần thông, 5 căn bổn, 5 sức lực, 7 ý giác, 8 chánh đạo; cộng là 37 pháp chánh giác. Cách tu thành đạo của Phật cùng chư Bồ-tát tuy giải sơ lược nhưng quý báu vô cùng. Chính đó là phép tu thành đạo, đắc đủ lục thông A-la-hán, vốn không sai chạy, chúng ta nên phải thường lặp đi lặp lại mới nhận thấy rõ kết quả. Vì chưa đắc quả lục thông A-la-hán thì đâu được đến Bích-chi, Bồ-tát và Như Lai. Những ai có thật hành mới thấy rõ rộng xa thêm những chỗ diệu mầu khó tả. Những ai uống nước thì ắt nóng lạnh tự người hay. Đã là pháp chánh giác thì chẳng có điêu ngoa, nhưng có thật tu hành hay không, là tự ai phải cố gắng lấy, không ai giúp nên cho mình. Quyển Pháp Chánh Giác đến đây tạm ngưng, vì chẳng khá viết thêm nhiều. Vậy xin kính chúc cho ai ai, tất cả hữu tình cùng vô tình, hãy đặng tiến lên, y theo con đàng Pháp Chánh Giác hết.