Chuyện Ngạ Quỷ – Phẩm III. Tiểu Phẩm

1. (26) Chuyện Không Chìm Trong Nước (Abhijjamàna)

Bậc Đạo Sư kể chuyện này trong lúc đang trú tại Veluvana (Trúc Lâm)

Về phía Tây Benares (Ba-la-nại) bên kia sông Hằng, khi ta đi qua thị trấn Vàsabha, trong thôn làng tên gọi Cundatthilà có một người thợ săn.

Y giết hươu nai trong rừng, nấu loại thịt ngon nhất trên than hồng và khi ăn xong, y buộc những thứ còn lại trong cái thúng bằng lá, mang trên đòn gánh đi vào làng.

Khi đám trẻ con thấy y ở cổng thị trấn, chúng chìa tay ra, chạy tới xin:

– Cho tôi miếng thịt! Cho tôi miếng thịt!

Vì thế y cho mỗi đứa trẻ một miếng thịt nhỏ. Một hôm y chỉ mang hoa và cho mỗi đứa một chùm. Khi từ trần, y tái sanh làm ngạ quỷ. Vừa đói vừa khát, y bước đi trên sông Hằng mà không bị chìm, mong tìm về quê làng cùng bà con thân thuộc.

Vị đại thần của vua Bimbisàra (Tần-bà-sa) sau khi đi dẹp quân phiến loạn xong, trở về bằng thuyền xuống dòng sông, trông thấy ngạ quỷ kia đang đi xuôi dòng, bèn hỏi:

1. Ngươi chẳng bị chìm xuống nước sông,
Ngươi đi trên mặt nước sông Hằng,
Thân mình trần trụi, và tuy thế,
Người đội vòng hoa khéo điểm trang,
Như thể thoát ly thân phận quỷ,
Ngươi đi đâu đó, ở đâu chăng?

Bấy giờ những chuyện do ngạ quỷ và đại thần Kiliya nói được các vị kết tập Kinh điển kể lại qua các vần kệ sau:

2. Ngạ quỷ đáp lời: ‘Tôi sẽ đi
Về thôn làng cũ Cun-dat-thi,
Giữa nơi đây với Và-sa phố,
Kế cận Ba-la-nại sá gì!

3. Khi ấy, đại thần nổi tiếng kia,
Người mang danh hiệu Ko-li-ya,
Đem cho ngạ quỷ phần cơm chín,
Một bộ áo và bánh mạch nha.

4. Ngừng chiếc thuyền kia, vị đại thần
Bảo tìm người hớt tóc cúng dâng,
Khi người hớt tóc dùng đồ cúng,
Ngạ quỷ hưởng ngay quả phước ân.

5. Tức thì quỷ phục sức cao sang
Mang đủ vòng hoa khéo điểm trang,
Ngạ quỷ đứng nơi kia hưởng thọ
Lễ dâng cúng tạo phước ân tràn,
Vì duyên cớ ấy ta nên cúng
Cho ngạ quỷ vì biết xót thương.

Như vậy vị đại thần Koliya cảm thấy xót thương ngạ quỷ ấy và làm lễ bố thí cho nó theo cách được nói trên. Vị ấy tiếp tục xuôi dòng và đến Ba-la-nại lúc rạng đông.

Đức Thế Tôn du hành qua không gian để đón mừng hội chúng và đứng trên bờ.

Đại thần Koliya vô cùng hoan hỷ, thỉnh cầu đức Thế Tôn thọ trai tại nhà vị ấy. Đức Thế Tôn im lặng nhận lời.

Với tâm thanh thản, đại thần Koliya cúng dường thực phẩm lên đức Phật và chúng Tăng. Sau đó, khi một đám đông dân chúng tụ họp lại, đức Thế Tôn vì lòng lân mẫn chúng sanh đã làm phép mầu khiến cho một số ngạ quỷ xuất hiện trước quần chúng và kể chuyện chúng đã đọa lạc như vậy bằng cách nào.

Chư vị kết tập Kinh điển diễn tả như sau:

6. Một bọn mang đầy giẻ rách bung,
Bọn kia lấy tóc để che thân,
Cả bầy ngạ quỷ tìm lương thực,
Lang bạt đi quanh quẩn khắp vùng.

7. Ra đi tìm kiếm xứ xa xôi,
Song chẳng nhận đâu được miếng mồi,
Đói khát trở về nằm bất tỉnh,
Ngã nhào xuống đất trốn đi thôi.

8. Một bọn ngã nằm xuống đất dơ,
Chúng không làm thiện nghiệp ngày xưa,
Chúng trông như thể đang thiêu đốt
Vì lửa hạ và cất tiếng thưa:

9-10. ‘Xưa là ác phụ mẫu trong nhà,
Chẳng tạo nơi an trú chúng ta
Qua các việc thi ân bố đức,
Dù nhiều thực phẩm được quăng xa,
Chúng ta đã chẳng đem phân phát
Cho những đoàn du sĩ xuất gia.

11. Trong lúc muốn làm việc ác gian,
Biếng lười, bướng bỉnh, lại tham ăn,
Chúng ta cho chút phần thừa thải
Và phỉ báng người được phát ban.

12. Nô tỳ và sản nghiệp toàn gia,
Ngay cả đồ trang sức ngọc ngà,
Giờ đây phục vụ bao người khác,
Đau buồn giành lại số phần ta.

13. Những người đan giỏ đáng chê bai,
Những kẻ đóng xe bị đọa đày,
Những bọn tắm thuê cho kẻ khác,
Chiên-đàn hạ đẳng, đám ăn mày.

14-15. Trong nhà hạ liệt, bọn cùng đinh
Như vậy, bọn này được tái sanh,
Ấy phận dành cho người biển lận;
Còn người xưa tạo nghiệp an lành,
Là người bố thí, tay hào phóng,
Chiếu sáng vườn Thiên lạc hiển vinh.

16. Hưởng thọ bao hoan lạc cõi trời,
Họ làm chúa tể các lâu đài,
Từ đây họ tái sanh cao quý,
Giữa các phú gia ở cõi người.

17. Trong nhà nóc nhọn có nhiều tầng,
Ngay cả hoàng cung, với tọa sàng
Bao phủ chăn màn lông thú quý,
Những người đã nhiếp phục điều thân,
Tái sanh vào các nhà lương thiện,
Đầy đủ tiện nghi giữa thế nhân,
Tay của mỗi người cầm chiếc quạt
Được làm bằng các sợi lông công.

18. Bất cứ nơi nào họ bước ra,
Họ đều điểm ngọc với cài hoa;
Gia nhân hộ tống ngay bên cạnh,
Tìm đủ thú vui sáng tối mà.

19. Nan-da-ra, Hỷ lạc Viên này
Không phải để dành cho những ai
Chẳng tạo tác nên nhiều phước nghiệp,
Mà dành riêng biệt để cho người
Đã hoàn thành được nhiều công đức,
Là Đại Lâm Viên của cõi trời
Tam thập tam thiên đầy lạc thú,
Không vì phiền não, mãi vui tươi.

20. Chẳng đời này hoặc cõi đời sau
Hạnh phúc dành cho những kẻ nào
Không tạo tác nên nhiều phước nghiệp,
Song đời này lẫn cõi đời sau
Để dành hạnh phúc cho bao kẻ
Làm các thiện hành phước nghiệp cao.

21. Vậy những ai mong chúng bạn hiền,
Phải hoàn thành thiện nghiệp tinh chuyên,
Bởi vì người tạo nhiều công đức
Hưởng lạc thú nhiều ở cõi thiên.
 

2. (27) Chuyện Ngạ Quỷ Núi Sànuvàsin (Sànuvàsinpeta)

Bậc Đạo Sư kể chuyện này trong lúc đang trú tại Veluvana (Trúc Lâm).

Ngày xưa ở thành Ba-la-nại, vương tử của vua Kitava, trong lúc dạo chơi từ vườn ngự uyển về, thấy một vị Độc Giác Phật tên là Sunetta đang đi khất thực, bèn buông lời thô lỗ phỉ báng Ngài. Ngay khi vương tử tiến bước lên thì cảm thấy cơ thể nóng bừng như thiêu đốt trong lửa địa ngục.

Vì bệnh này vị ấy từ trần và tái sanh vào địa ngục Avìci (A-tỳ hay Vô gián). Sau đó vị ấy mạng chung và tái sanh làm ngạ quỷ và kế tiếp trong thời kỳ có đức Thế Tôn Gotama xuất hiện, vị ấy tái sanh vào một làng chài lưới gần thị trấn Kundi.

Vì nhớ lại các kiếp trước, vị ấy không đi đánh cá cùng các người khác và thường quăng cá trở ra biển khi họ mang về. Quyến thuộc trong gia đình đuổi vị ấy ra khỏi nhà, nhưng một người em trai vẫn thương mến vị ấy.

Rồi Trưởng lão Ananda khuyến giáo vị ấy xuất gia làm Tỷ-kheo; về sau đắc quả A-la-hán, vị ấy cư trú cùng nhóm mười hai Tỷ-kheo trên núi Sànuvàsin.

Còn quyến thuộc vị ấy tái sanh làm ngạ quỷ. Bấy giờ cha mẹ vị ấy hổ thẹn vì suy nghĩ: ‘Kiếp trước ta đã đuổi con ra khỏi nhà’, nên không đến gần vị ấy, nhưng bảo người em trai xưa kia thương yêu vị ấy ra đi.

Khi quỷ nhân này đã vào làng của vị Trưởng lão đang đi khất thực, nó quỳ xuống đất với đầu gối bên phải, xuất hiện nguyên hình với dáng điệu đảnh lễ tôn kính và ngâm vần kệ:

– Kính thưa Tôn giả, mẹ và cha….

Song năm vần kệ đầu do chư vị kết tập Kinh điển đưa vào đây để làm sáng tỏ vấn đề này:

1. Có vì Trưởng lão ở Kun-di,
Trú tại núi Sà-nu-và-si,
Điều phục các căn, người khổ hạnh,
Pot-tha-pà ấy chính danh kia.

2. Em trai, cùng với mẹ và cha,
Khốn khổ thần dân cõi Dạ-ma,
Vì tạo ác hành trong kiếp trước,
Từ đời này đã hóa ra ma.

3. Ở nơi đọa xứ, ốm trơ xương
Như chiếc kim, lao nhọc, ở truồng,
Hốc hác, lo âu, đầy sợ hãi,
Chúng không còn có vẻ hung tàn.

4. Có chú em kia vội bước chân,
Cô thân trên nẻo vắng, mình trần,
Quỳ tay chân xuống như thùng nước
Trước Trưởng lão này, quỷ hiện thân.

5. Bấy giờ Trưởng lão chẳng quan tâm,
Lặng lẽ người đi, cất bước chân,
Song ngạ quỷ liền cho Trưởng lão
Biết ngay sự việc, vội thưa rằng:
‘Tôi là em của ngài tiền kiếp,
Đã đọa vào loài quỷ đói ăn.

6. Kính thưa Tôn giả, mẹ cùng cha
Khốn khổ, thần dân cõi Dạ-ma.
Vì tạo ác hành trong kiếp trước,
Từ đời này đã hóa ra ma.

7. Ở nơi đọa xứ ốm trơ xương
Như chiếc kim, lao nhọc, ở truồng,
Hốc hác, lo âu, đầy sợ hãi,
Chúng không còn có vẻ hung tàn.

8. Xin hãy từ bi, hãy xót thương,
Cúng dường hồi hướng đến vong nhân.
Phước phần nhờ lễ ngài dâng cúng
Những kẻ hung tàn được miếng ăn’.

9. Khi Trưởng lão này với chúng Tăng
Mười hai vị khất thực quanh vùng,
Thế rồi tụ tập cùng nơi chốn,
Mục đích là chiêu đãi bữa ăn.

10. Tỷ-kheo bèn nói với chư Tăng:
‘Xin hãy cho tôi tất cả phần
Đã nhận, để tôi dâng Giáo hội,
Vì thương xót quyến thuộc thân nhân’.

11. Chúng Tăng giao thực phẩm cho người,
Trưởng lão dâng trai phạn thỉnh mời,
Trong lúc cúng dường phần thực phẩm,
Người đem công đức hướng về nơi
Song thân, tiểu đệ và cầu nguyện:
‘Mong quyến thuộc nay hưởng phước trời’.

12. Lập tức sau khi chuyển phước phần,
Cao lương liền xuất hiện dần dần
Ngon lành, thịnh soạn, đầy hương vị,
Sau đó chú em của Thánh Tăng
Đã trở thành chàng trai tuấn tú,
Tráng cường, hạnh phúc, lại thưa rằng:

13. ‘Tôn giả, xin thưa, các thức ăn
Giờ đây phong phú, hãy nhìn trông,
Chúng tôi trần trụi, xin cầu nguyện
Mong ước sao cho đủ áo quần’.

14. Khi giẻ rách người đã lượm xong
Từ trong đống rác ở bên đường,
Người may giẻ rách thành y phục
Dâng cúng Tỷ-kheo khắp bốn phương.

15. Trong lúc người làm lễ cúng dâng,
Tỷ-kheo hồi hướng đến thân nhân
Phước phần lễ vật này mang đến
Cha mẹ, chú em, ước nguyện rằng:
‘Mong lễ vật này cho quyến thuộc
Họ hàng được hưởng trọn hồng ân’.

16. Lập tức sau khi chuyển phước phần,
Xiêm y liền xuất hiện dần dần;
Thế rồi phục sức xiêm y đẹp,
Chàng hiện nguyên hình trước Thánh Tăng:

17. ‘Xin thưa, ở quốc độ Nan-da,
Các thứ mền chăn quả thực là
Phong phú, song còn hơn thế nữa,
Áo quần, màn phủ ở quanh ta.

18. Chúng làm bằng lụa hoặc bằng lông,
Bằng vải dày hay các sợi bông,
Chúng thật dồi dào và quý báu,
Đang treo lơ lửng giữa hư không.

19. Y phục chúng tôi nay cứ mang
Thứ gì yêu quý tận tâm can,
Kính thưa Tôn giả, xin cầu nguyện
Cho chúng tôi nhà để trú an’.

20. Trưởng lão liền xây một thảo am
Cúng dường lên cả tứ phương Tăng,
Ngay khi dâng lễ, người cầu nguyện
Công đức chuyển cho cả họ hàng.

21. Lập tức sau khi chuyển phước phần,
Cửa nhà liền xuất hiện dần dần,
Có nhiều tòa lớn xây lầu các,
Thiết kế đầy cân xứng mọi tầng.

Ngạ quỷ thưa:

22. ‘Nhân giới không sao có loại nhà
Cao sang tốt đẹp giống như ta,
Những lâu đài thấy trên thiên giới
Cũng giống nhà ta có đấy mà!

23. Rực rỡ huy hoàng khắp mọi nơi
Lâu đài chiếu sáng bốn phương trời;
Giờ đây, Tôn giả, xin cầu nguyện
Cho chúng tôi đầy nước uống thôi’.

24. Trí giả đổ đầy thùng nước trong,
Rồi đem dâng cúng tứ phương Tăng,
Ngay khi làm lễ, người cầu nguyện
Công đức chuyển cho các họ hàng.

25. Lập tức sau khi chuyển phước phần,
Nước trong liền xuất hiện dần dần,
Có bốn hồ sen sâu thăm thẳm
Xây dựng đầy cân xứng tuyệt trần.
26. Nước hồ trong vắt đến bên bờ
Mát lạnh mùi hương nhẹ thoảng đưa,
Bao phủ toàn sen xanh, đỏ thắm,
Tràn đầy hoa súng với cành tơ.

27. Sau khi tắm rửa, uống vừa xong,
Chúng lại hiện lên trước Thánh Tăng:
‘Tôn giả, chúng tôi nhiều nước lắm,
Song chân cẳng lại bị đau rần.

28. Trong lúc quẩn quanh ở mọi nơi,
Ngã nhào trên sỏi đá, cây gai,
Kính thưa Tôn giả, xin cầu nguyện
Cho được chiếc xe chở chúng tôi’.

29. Trưởng lão cầm lên một chiếc hài
Cúng dâng Giáo hội bốn phương trời,
Trong khi làm lễ người cầu nguyện
‘Mong quyến thuộc nay được thảnh thơi’.

30. Lập tức sau khi chuyển phước lành,
Cả bầy ngạ quỷ hiện nguyên hình
Trên xe tiến đến đồng thanh nói:
‘Tôn giả từ bi với chúng sanh.

31. Nhận được xiêm y thực phẩm rồi
Ngôi nhà, nước uống, chiếc xe ngồi,
Tôn giả, chúng tôi xin kính lễ
Bậc Thánh từ bi giữa cõi đời’.

Vị Trưởng lão kể sự kiện trên với đức Thế Tôn, Ngài lấy chuyện làm đề tài thuyết pháp.
 

3. (28) Chuyện Nữ Quỷ Hồ Ràthakàrà (Rathakàràpeti)

Trong lúc đang trú tại Sàvatthi (Xá-vệ), bậc Đạo Sư kể chuyện này liên hệ đến một nữ quỷ thần.

Thuở xưa vào thời đức Thế Tôn Kassapa, có một nữ nhân kia thực hành nhiều công đức thiện sự và cúng dường Tăng chúng một tinh xá tốt đẹp, rồi từ trần, và do một ác nghiệp khác, nàng tái sanh làm nữ quỷ thần trong một lâu đài ở vùng Tuyết Sơn, chúa tể của núi non, gần hồ Ratthakàra.

Nhờ các công đức thiện sự, nơi đó hiện ra cho nàng một lâu đài tuyệt mỹ làm toàn bằng ngọc báu, khắp nơi đều đầy lạc thú hấp dẫn, lại có một hồ sen, giống như vườn thiên giới Nandana (Hoan lạc Viên).

Toàn thân nàng có màu vàng ròng, yêu kiều diễm lệ, được khéo điểm trang rất khả ái. Nàng cư trú tại lâu đài ấy không có nam nhân nào cả. Tuy thế, trong lòng nàng lại khởi lên ước vọng bầu bạn với nam nhân.

Thế rồi nàng thả vài quả xoài xuống dòng sông, suy nghĩ: ‘Đây là một mưu kế’. Tất cả đều được hiểu như trong chuyện Hồ Kannamunda (Chuyện 12, phẩm II).

Trong trường hợp này, có một thanh niên sống ở Ba-la-nại thấy trên sông Hằng một quả xoài và muốn biết nguồn gốc của nó. Vì vậy, đi theo dòng chàng tìm kiếm được đối tượng của mình ở tận nơi cư trú của nàng.

Nàng hân hoan đón tiếp chàng vào nhà nàng và khi chàng đã nhìn thấy mọi vẻ nguy nga lộng lẫy của nó, chàng ngâm kệ hỏi nàng:

1. Nàng đi lên đến một lâu đài
Có cột trụ xanh biếc sáng ngời
Kiểu cách muôn màu, phong phú quá,
Ở đây tiên nữ thật hùng oai,
Trông nàng chẳng khác vầng trăng sáng
Vằng vặc tròn quay ở giữa trời.

2. Da nàng quả thật giống vàng ròng,
Hình dáng huy hoàng đẹp mắt trông,
An tọa trên ngai cao tột đỉnh,
Cô đơn vì thiếu bóng lang quân.

3. Chung quanh nàng có đủ hồ sen,
Nhiều loại hoa sen trắng mọc chen,
Cát phủ đáy hồ, quanh bến nước
Bằng vàng, chẳng thấy lấm bùn đen.

4. Thiên nga xinh đẹp thỏa lòng mơ,
Bơi lội chung quanh mặt nước hồ;
Khi tụ họp, kêu ầm ỷ quá,
Vui tai như tiếng trống rung to.

5. Huy hoàng rực rỡ bóng thuyền quyên,
Nàng dựa mình trên một chiếc thuyền,
Mí mắt vòng cung đang tỏa sáng,
Giọng cười, tiếng nói thật êm đềm,
Tứ chi nàng thập phần thanh lịch,
Nàng rạng ngời trong vẻ diệu huyền.

6. Lầu các nàng không chút bụi trần,
Có vườn tiên lạc thú vô ngần,
Hiện thân hạnh phúc gia tăng mãi,
Đang đứng ở trên khoảng đất bằng,
Tiên nữ có dung nhan tối thắng,
Ta mong hưởng lạc thú cùng nàng.

Nàng ngâm kệ đáp lời:

7. Làm nghiệp nào mang quả đến đây,
Trí chàng hãy hướng đến nơi này,
Hoàn thành những nghiệp nào sanh quả
Có thể nhận ra ở chốn này.
Nhờ cách ấy, sau chàng sẽ được
Thiếp là tiên nữ thích vui vầy.

Khi chàng trai nghe xong lời của nàng quỷ thần, chàng trở về cõi người. Tại đó chàng quyết tâm quán tưởng đến nơi kia và do kết quả ấy, chàng thực hành nhiều thiện nghiệp. Chẳng bao lâu chàng từ trần và tái sanh tại nơi ấy gần bên nàng.

Các vị kết tập Kinh điển ghi vần kệ cuối cùng kể lại chuyện chàng cộng trú cùng nàng:

8. ‘Mong vậy!’ Chàng trai vội đáp lời,
Rồi chàng tạo các nghiệp trên đời
Phát sinh kết quả về nơi nọ,
Khi đã làm xong phước nghiệp rồi,
Chàng được tái sanh vào chốn ấy
Cùng nàng bầu bạn cảnh bồng lai.
 

4. (29) Chuyện Rơm Trấu (Bhusa)

Trong lúc đang trú tại Sàvatthi (Xá-vệ), bậc Đạo Sư kể chuyện này liên hệ đến bốn ngạ quỷ.

Trong một ngôi làng nọ không xa Sàvatthi, một gian thương kiếm kế sinh nhai bằng cách đong lường dối trá và các phương pháp bất lương khác như pha trộn tạp chất vào lúa gạo. Vợ, con trai, con dâu kẻ ấy cũng gian ác như các vần kệ kể lại.

Khi tái sanh làm ngạ quỷ ở rừng Vindhya, nỗi thống khổ của chúng đều được nói ra đây.

Bấy giờ Tôn giả Mahà-Moggallàna đang đi du hành qua vùng núi đồi, một hôm đến tận nơi ấy, thấy chúng, liền hỏi chúng đã tạo các ác nghiệp nào:

1. Tên này ăn trấu, nọ ăn rơm,
Trong lúc ngươi ăn phẩn đáng nhờm,
Còn nữ quỷ này ăn thịt nó,
Quả gì nghiệp ấy thật kinh hồn?

Để đáp lời Trưởng lão, vợ kẻ gian thương giải thích các hạnh nghiệp do chúng đã tạo nên:

2. Tên này đánh mẹ thuở xưa xa,
Tên nọ bán buôn chẳng thật thà,
Còn nữ quỷ này ăn thịt nó,
Đánh lừa với vọng ngữ gian tà.

3. Khi được làm người giữa chúng sanh,
Tôi là người vợ, chủ gia đình,
Đem tài sản giấu người chân chánh,
Cũng chẳng hề cho chút để dành.
Tôi đã giấu che bao của cải,
Còn buông lời dối trá gian manh:
‘Nếu tôi cất giấu gì trong đó,
Thì phẩn là lương thực của mình’.

4. Do kết quả từ việc trước đây,
Cùng lời dối trá của tôi vầy,
Bữa cơm tôi có mùi ngon ngọt
Đã hóa thành phân thối thế này.

5. Hành nghiệp nào đều có quả mang,
Vì hành nghiệp chẳng tự tiêu tan,
Nên tôi ăn uống phân dơ bẩn
Giòi bọ hôi tanh thật đáng nhàm.

Khi đã nghe xong lời của nữ ngạ quỷ, Trưởng lão liền kể lại chuyện lên đức Thế Tôn, Ngài lấy đó làm đề tài thuyết pháp.
 

5. (30) Chuyện Chàng Trai (Kumàra)

Tại Sàvatthi (Xá-vệ), nhiều đệ tử tại gia trở thành hội chúng nghe pháp, xây dựng trong thành phố này một ngôi đình lớn rồi cúng dường thực phẩm lên bậc Đạo Sư và Tăng chúng.

Một người phản đối những gì đem dâng cúng các ‘Sa-môn trọc đầu’. Mẹ y xin sám hối với đức Thế Tôn và cúng dường cháo gạo suốt một tuần. Con trai bà từ trần chẳng bao lâu sau đó và tái sanh làm con một kỹ nữ sang trọng.

Khi nàng biết đó là một nam nhi, nàng cho người đem nó quăng ra nghĩa địa. Tại đó hài nhi được công năng thiện nghiệp của chính nó bảo vệ nên không bị ai phá hại, cứ nằm ngủ ngon lành như trong lòng mẹ.

Chuyện kể rằng chư thần linh đã chăm sóc nó. Thế rồi khi đức Thế Tôn với lòng đại bi, thức dậy từ sáng sớm, dùng Phật nhãn quán sát thế gian, Ngài thấy bé trai này và đi đến nghĩa địa.

Nhiều người tụ tập lại, bảo nhau:

– Bậc Đạo Sư đã đến đây chắc phải vì một duyên cớ nào đó ở chốn này.

Rồi họ thưa Ngài:

– Bạch Thế Tôn, đứa bé này đã làm nghiệp gì trong đời trước?

Đức Phật liền kể chuyện cho họ nghe.

Sau đó một đại phú gia nhận nuôi đứa bé và nói:

– Trước sự hiện diện của chính đức Thế Tôn, con xin nhận đứa trẻ này làm con.

Đức Thế Tôn trở về tinh xá với lời sau:

– Đứa bé này đã được phú gia kia bảo hộ và sẽ làm lợi ích cho nhiều người.

Sau khi người ấy từ trần, chàng trai thừa hưởng gia tài và thích thú các việc bố thí cùng nhiều thiện sự khác.

Chư vị kết tập Kinh điển nên vấn đề này qua sáu vần kệ sau:

1. Kỳ diệu thay tri kiến Phật-đà,
Cách Ngài tiên đoán nghiệp người ta,
Bao người đã tạo nên công lớn,
Lắm kẻ ít gây thiện nghiệp mà.

2. Cậu bé bị quăng bỏ nghĩa trang,
Bú tay, sống sót cả đêm trường,
Không thần hay rắn làm thương tổn,
Vì phước nghiệp từ kiếp trước mang.
Bầy chó liếm đôi chân cậu bé,
Quạ diều, sơn cẩu chỉ đi ngang.

3. Đàn chim đã tẩy sạch đồ dơ,
Bầy quạ lau đôi mắt trẻ thơ,
Chẳng có người chăm lo bảo hộ,
Cũng không hương cải, thuốc đem cho.

4. Chúng chẳng biết đâu đến mặt trăng
Kết giao với nguyệt điện, cung Hằng,
Cũng không rải hạt cầu may mắn
Cho trẻ đọa trong cảnh khốn cùng,
Đã bị mang đi đêm tối nọ,
Quăng vào nghĩa địa ở trong rừng.

5. Hài nhi ấy được cả chư thần
Đảnh lễ, cùng bên các thế nhân
Thấy trẻ cựa mình như một đống
Sanh tô, trong cảnh ngộ nguy nan,
Chỉ còn sức sống thêm đôi chút
Khi Đại Trí Nhân thấy, bảo rằng:
‘Đứa trẻ này nhờ tài sản lớn
Sẽ thành đại phú hộ trong vùng’.

Các đệ tử tại gia hỏi:

6. Hạnh nguyện nào đây của trẻ thơ?
Tu hành gì cuộc sống bây giờ?
Vì sao thiện nghiệp này sanh quả,
Khi họa như vầy đã xảy ra
Cho trẻ, rồi ngày sau hưởng thọ
Uy quyền đầy phú quý vinh hoa?

Bấy giờ cách đức Thế Tôn tuyên thuyết khi nghe các đệ tử tại gia hỏi, được các vị kết tập Kinh điển trình bày như sau:

7. Những người kia đã cúng Tăng-già,
Với thượng thủ là đức Phật-đà,
Dịp ấy, trẻ không đồng ý kiến
Buông lời thô lỗ, chẳng ôn hòa.

8. Từ khi xua đuổi ý như trên,
Hỷ lạc về sau, trí thản nhiên,
Dâng cúng suốt tuần phần cháo gạo
Đức Như Lai trú tại Kỳ Viên.

9. Ấy nguyện đời xưa của trẻ thơ,
Còn đời tu tập chính bây giờ,
Thiện hành kia đã mang thành quả,
Khi họa như vầy đã xảy ra
Cho trẻ, rồi về sau hưởng thọ
Uy quyền đầy phú quý vinh hoa.

10. Chàng sống đời trường thọ bách niên,
Hưởng bao niềm lạc thú vô biên,
Đến khi hủy hoại thân phàm tục,
Được tái sanh đồng trú cõi thiên.
 

6 (31) Chuyện Ngạ Quỷ Serinì (Serinì)

Bậc Đạo Sư kể chuyện này trong khi đang trú tại Jetavana (Kỳ Viên).

Tương truyền ở quốc độ Kuru (Câu-lâu) tại thành phố Hatthinipura có một gái giang hồ tên là Serinì. Khi dân trong thành chào đón chư Tăng đến thuyết pháp, họ thúc giục nàng:

– Nàng hãy đến cúng dường chư Tăng để tạ ân.

Nàng từ chối đáp:

– Sao tôi lại phải cúng dường lễ vật cho các Sa-môn trọc đầu này chứ? Sao tôi lại phải từ bỏ một thứ gì đó vì con người vô dụng ấy?

Khi từ trần, nàng tái sanh làm một nữ ngạ quỷ ở sau hào lũy của một tường thành nơi biên địa. Thế rồi một cư sĩ tại gia từ thành Hatthinipura đến vùng thành lũy này để buôn bán, vào lúc rạng đông đi ngang hào lũy để điều hành công việc, trông thấy nữ ngạ quỷ liền hỏi, qua vần kệ:

1. Trần truồng và xấu xí hình dung,
Hốc hác, và thân thể nổi gân
Người ốm yếu, xương sườn lộ rõ,
Ngươi là ai hiện đến đây chăng?

Nữ ngạ quỷ đáp:

2. Tôn giả, con là ngạ quỷ nương,
Thần dân khốn khổ của Diêm Vương,
Vì con đã phạm hành vi ác,
Con đến cõi ma đói ẩn thân.

Vị cư sĩ ngâm kệ hỏi:

3. Ngày xưa đã phạm ác hành gì
Do khẩu, ý, thân đã thực thi?
Vì hạnh nghiệp nào ngươi đã tạo
Từ đây tới cảnh giới âm ty?

Nữ ngạ quỷ đáp lại vần kệ:

4. Con đã đi quanh bến tắm công,
Lang thang suốt cả nửa tuần trăng.
Mặc dù bố thí là công đức,
Con chẳng cho mình chỗ trú thân.

5. Khi con khát nước, đến dòng sông,
Sông nước trở thành bãi trống không;
Những lúc nắng, con ngồi bóng mát,
Tàng cây lại hóa nóng bừng bừng.

6. Cơn gió như thiêu đốt, lửa hồng,
Thổi ào lên khắp cả thân con,
Nhưng con xứng đáng nhiều đau khổ
Hơn thế này, Tôn giả đoái thương.

7. Xin Tôn giả đến Hat-pu-ra,
Và kể chuyện ngay với mẹ già:
‘Ta đã thấy con bà thuở trước,
Thần dân khốn khổ cõi Diêm-la.
Vì nàng đã phạm hành vi ác,
Từ cõi đời đi đến cõi ma’.

8. Giờ đây con có món tư trang
Để dành lên đến bốn trăm ngàn,
Con không hề nói cho ai biết,
Con đã giấu ngay dưới tọa sàng.

9. Xin mẹ con dâng lễ cúng dường,
Phước phần hồi hướng đến tên con,
Chúc bà được sống đời trường thọ;
Khi mẹ con dâng lễ cúng dường,
Hồi hướng về con phần phước đức,
Thỏa nguyền, con hạnh phúc hân hoan’.

Trong lúc nữ ngạ quỷ kể chuyện này, vị ấy chú ý lắng nghe lời nói, và về sau, khi đã làm xong công việc, vị ấy đến kể chuyện kia cho bà mẹ nó.

Các vị kết tập Kinh điển ghi lại các vần kệ sau:

10. Người ấy thuận lòng, vội nói ra:
‘Được rồi!’ và đến Hat-pu-ra,
Nói: ‘Ta đã thấy con bà đó,
Khốn khổ, thần dân cõi Dạ-ma.
Vì đã tạo nên điều ác nghiệp
Từ đời này đến cõi tà ma’.

11. Dịp kia, nàng đã bảo cùng ta:
‘Xin kể chuyện ngay với mẹ già:
Ta đã thấy con bà thuở trước
Thần dân khốn khổ cõi Diêm-la.
Vì nàng đã phạm hành vi ác,
Từ cõi đời đi đến cõi ma’.

12. Giờ đây nàng có món tư trang
Để dành lên đến bốn trăm ngàn,
Nàng không hề nói cho ai biết
Nàng đã giấu ngay dưới tọa sàng.

13. Xin mẹ nàng dâng lễ cúng dường,
Phước phần hồi hướng đến cho nàng,
Chúc bà được sống đời trường thọ;
Khi mẹ nàng dâng lễ cúng dường,
Hồi hướng về nàng phần phước đức,
Thỏa nguyền, nàng hạnh phúc hân hoan’.

14. Do vậy, bà dâng lễ cúng dường
Phước phần hồi hướng đến tên nàng,
Tức thì nữ quỷ liền an lạc,
Hạnh phúc, dung nhan đẹp lạ thường!

Khi mẹ nàng nghe chuyện này, bà liền cúng dường Tăng chúng như nàng ước nguyện và hồi hướng công đức về nàng.
 

7. (32) Chuyện Người Săn Nai (Migaludda)

Đức Thế Tôn kể chuyện này trong lúc đang trú tại Trúc Lâm.

Ở thành Ràjagaha (Vương Xá) có người thợ săn kia sống bằng cách săn bắn và giết hươu nai suốt ngày đêm. Tuy nhiên, y lại có một bạn thân là cư sĩ tại gia thường khuyên răn y, nhưng y chỉ nghe theo một phần. Do đó, y tái sanh làm quỷ thần ở trong lâu đài.

Tôn giả Trưởng lão Narada thấy quỷ và ngâm kệ hỏi:

1. Chàng nay là một đấng nam nhi,
Hầu cận đủ nô bộc, nữ tỳ,
Đêm tối, sáng ngời bao dục lạc,
Ban ngày phải chịu lắm sầu bi,
Như vầy do ở trong tiền kiếp
Chàng đã tạo nên các nghiệp gì?
Quỷ này giải thích các nghiệp đã làm:

2. Trong thành Vương Xá, nước non xinh,
Xưa tại Đa Sơn, cảnh hữu tình,
Tôi kẻ săn nai, lòng độc ác
Với bàn tay vấy máu vì mình.

3. Giữa loài vô hại ở trong rừng
Tôi quẩn quanh với trí bạo hung,
Luôn thấy lạc hoan khi giết hại
Những con vật ấy, thật buông lung.

4. Mặc dù tôi bản tính như vầy,
Tôi có bạn thân thiết lắm thay,
Cư sĩ tại gia lòng mộ đạo
Tín thành, lân mẫn với tôi đây,
Cản ngăn tôi, đã nhiều lần nói:
‘Đừng tạo hành vi ác thế này’.

5. ‘Bạn hỡi, đừng nên tạo ác hành,
Sợ rằng sẽ gặp cảnh không lành,
Nếu mong hạnh phúc khi thân hoại,
Đừng thích thú vì việc sát sanh’.

6. Mặc dù nghe lý lẽ khuyên can
Của chính người đây, một bạn vàng
Thương xót, mong tôi nhiều hạnh phúc,
Tôi không tuân Giáo pháp hoàn toàn,
Vì từ lâu đã tìm vui thú
Việc ác, nên không có trí quang.

7. Lần nữa, chính là bậc trí nhân
Xót thương, dạy bảo phải điều thân:
‘Ban ngày nếu sát sanh’, chàng dặn,
Đêm tối, phải điều phục phát tâm!’.

8. Vì vậy ban ngày tôi sát sanh,
Về đêm, tôi chế ngự thân mình,
Giờ đây, dạo bước trong đêm tối,
Nhưng sáng ngày tôi chịu khổ hình.

9. Nhờ thiện hành, tôi hưởng một đêm
Với bao lạc thú của thần tiên;
Ban ngày bầy chó ngao ùa tới,
Nhảy vọt khắp nơi xé xác liền!

10. Những người nào nhất mực tinh cần,
Lời Thiện Thệ tuân thủ quyết tâm,
Sẽ đạt vẹn toàn Bất tử giới,
Niết-bàn, là trạng thái siêu nhân.
 

8. (33) Chuyện Người Săn Nai Thứ Hai (Dutiyaludda)

Đức Thế Tôn kể thêm chuyện này nữa trong lúc đang trú tại Veluvana (Trúc Lâm).

Tương truyền tại Ràjagaha một người thợ săn trẻ tuổi kia, mặc dù giàu có, vẫn rời bỏ mọi lạc thú giàu sang và đi săn hươu nai suốt ngày đêm. Kẻ ấy cũng theo lời khuyên của một vị Trưởng lão khi có người bạn cư sĩ khẩn cầu, và từ bỏ việc đi săn ban đêm, nên nhận quả báo ở đời sau giống như chuyện trên.

Trưởng lão Nàrada hỏi quỷ ấy qua các vần kệ sau:

1. Trong tòa cao ốc, một lâu đài,
Trên tọa sàng, lông thú phủ ngoài,
Năm thứ đàn tơ đang nhẹ trổi,
Lòng chàng thích thú nhạc êm tai.

2-3. Ban ngày vào lúc mới hừng đông,
Chàng bị đuổi ra tận nghĩa trang,
Và phải chịu bao điều thống khổ,
Nghiệp nào đã tạo ác về thân,
Về lời, hay ý trong tiền kiếp,
Nay chịu khổ này có phải chăng?
Sau đó quỷ liền kể chuyện sau:

4. Trong thành Vương Xá thật xinh tươi,
Cổ lũy Đa Sơn cảnh tuyệt vời,
Tôi chính thợ săn trong kiếp trước,
Buông lung, tôi thích thú vui chơi.

5. Mặc dù tôi bản tính hung tàn,
Tôi có bạn thân, cận sự nam,
Mộ đạo, tín thành, thường đón tiếp
Tỷ-kheo, đệ tử đức Cồ-đàm,
Viếng thăm gia quyến; chàng thương xót
Ngăn cản tôi, và vẫn bảo ban:

6-10. (Giống các vần kệ 5-10 ở chuyện trước).
 

9. (34) Chuyện Những Phán Quyết Gian Dối (Kùtavinicchayika)

Trong lúc bậc Đạo Sư đang trú tại Veluvana (Trúc Lâm), ngài kể chuyện này liên quan đến những phán quyết gian dối.

Thời ấy, vua Bimbisàra (Tần-bà-sa) hành trì Trai giới (Bồ-tát giới) sáu ngày mỗi tháng. Nhiều người theo gương vua giữ giới. Nhà vua thường hỏi những người thỉnh thoảng vào triều kiến:

– Này, khanh có hành trì ngày trai giới hay không hành trì?

Thế rồi có một người kia đã được bổ nhiệm làm phán quan, một kẻ lừa dối, bất lương, thường nhận hối lộ và hung bạo nhưng lại sợ nói ra: ‘Tôi không phải là người giữ giới’. Vì vậy, y nói:

– Tâu Đại vương, hạ thần có giữ giới.

Khi đã ra về sau buổi triều kiến vua, một người bạn hỏi y:

– Này hiền hữu, hiền hữu có giữ giới gì hôm nay chăng?

Y đáp:

– Này hiền hữu, vì sợ hãi nên tôi đã nói thế lúc yết kiến đức vua, chứ tôi không giữ giới.

Sau đó người bạn bảo y:

– Nếu chỉ còn nửa ngày trai giới thì hôm nay bạn hãy giữ như vậy. Hãy phát nguyện giữ giới đi.

Y đồng ý, trở về nhà, rửa mặt và chuyên tâm giữ giới. Đêm ấy y vừa về đến nhà thì mạng sống bị gián đoạn vì một cây cột đổ xuống từ ngôi nhà ọp ẹp của y trong một cơn gió mạnh.

Ngay sau khi chết, y tái sanh làm một quỷ thần trong lâu đài ở vực sâu dưới núi. Dù y chỉ giữ nửa ngày trai giới trong một đêm thôi, y vẫn được phước báo với một đoàn tùy tùng gồm mười ngàn tiên nữ hộ tống và hưởng lạc thú thần tiên, nhưng do quả báo từ các phán quyết gian dối và nói láo kia, y tự lấy tay móc thịt trên lưng mình và xé ra ăn.

Khi Tôn giả Nàrada từ đỉnh núi Linh Thứu đi xuống, thấy y, liền hỏi qua bốn vần kệ:

1. Ngươi đội tràng hoa, miện, vòng vàng,
Tứ chi ngươi tẩm ướt chiên-đàn,
Trông ngươi có dáng đầy thanh thản,
Ngươi giống mặt trời rực ánh quang.

2-3. Đoàn thị nữ này hộ tống ngươi,
Mười ngàn tiên nữ rất xinh tươi
Đeo vòng vỏ ốc và trang điểm
Tấm lưới vàng kia lấp lánh hoài,
Hình dáng ngươi gây niềm cảm phục,
Ngươi đầy quyền lực thật hùng oai.

4. Tay ngươi móc thịt ở lưng ăn,
Ác nghiệp nào do khẩu, ý, thân
Đã tạo? Giờ đây ngươi cấu xé
Thịt lưng mình bởi nghiệp nào chăng?
Quỷ này kể chuyện mình qua bốn vần kệ:

5. Tôi hành động giữa cõi phàm trần
Đem tổn hại cho chính bản thân
Bằng cách vu oan và vọng ngữ,
Dối lừa và phỉ báng tha nhân.

6. Tại đó, xưa tôi họp việc chung
Đến khi tôi phải nói chân ngôn,
Thì tôi bài bác điều công chánh,
Và lại quay về việc dối gian.

7. Vậy người nào phỉ báng tha nhân
Sẽ phải tự mình xé nát thân,
Như chính hôm nay tôi phải chịu
Tự mình lấy thịt ở lưng ăn.

8. Nà-ra-da đã thấy điều này:
Bi mẫn là người nói thẳng ngay.
Đứng phỉ báng, buông lời dối trá,
E ngài sẽ xẻ thịt lưng vầy!
 

10. (35) Chuyện Khinh Khi Xá Lợi (Dhàtuvivanna)

Khi đức Thế Tôn diệt độ tại Kusinara (Câu-thi-na), ở Lâm Viên Upavattana trong rừng Sàla song thọ, và sau khi việc phân chia xá lợi đã hoàn thành, vua Ajàtasattu (A-xà-thế) nhận phần của mình xong, liền làm lễ cúng dường suốt bảy năm bảy tháng bảy ngày.

Nhưng có tám vạn sáu ngàn người, vì không có lòng tin và đầy tà kiến từ lâu, đã mê lầm và có nhiều vọng tưởng điên đảo, cho nên dù đã sống trong một hoàn cảnh an lành, cũng tái sanh vào loài ngạ quỷ.

Chính trong thành Vương Xá này, có bà vợ, con gái, con dâu của một phú gia kia với tâm thành tín đem hương liệu, vòng hoa và nhiều lễ vật khác khởi hành đi đến bảo Tháp xá-lợi, bảo nhau:

– Chúng ta muốn đi cúng dường xá-lợi.

Người gia chủ phỉ báng việc cúng dường này với những lời mạ lỵ:

– Cúng dường đống xương thì có ý nghĩa gì chứ?

Song họ không quan tâm đến lời nói của kẻ ấy và ra đi. Khi từ trần họ tái sanh lên thiên giới, còn kẻ ấy tái sanh làm ngạ quỷ.

Thế rồi một hôm, Tôn giả Mahà-Kassapa vì lòng bi mẫn đứng tại khuôn viên bảo Tháp, ngâm ba vần kệ hỏi ngạ quỷ đã khinh thường xá-lợi:

1. Ngươi đang lơ lửng giữa hư không,
Ngươi thở mùi hôi thối nặc nồng,
Sâu bọ đang đua nhau cấu xé
Mặt người rách nát thối vô cùng.

2. Ngày xưa ngươi phạm ác hành nào,
Nay chúng cầm gươm mãi chém vào,
Chúng rảy cường toan khắp cả mặt,
Thân ngươi, rồi cắt mãi, vì sao?

3. Ngươi đã làm nên ác nghiệp gì
Do từ thân, khẩu, ý tư duy?
Hành vi nào kiếp xưa gây tạo,
Nay phải chịu đau khổ cực kỳ?

Ngạ quỷ đáp lại như sau:

4. Trong thành Vương Xá thật xinh tươi,
Cổ lũy Đa Sơn, cảnh tuyệt vời,
Tôn giả, tôi là người đại phú
Bạc vàng thóc lúa khắp nơi nơi.

5. Vợ tôi, con gái, vợ con trai
Đem đủ sen xanh, các đóa lài,
Cùng với dầu thơm dâng bảo Tháp,
Tôi ngăn cản họ mãi không thôi.
Đó là ác nghiệp ngày xưa ấy
Đã được tạo ra bởi chính tôi.

6. Tám vạn sáu ngàn bọn chúng tôi
Chịu bao đau khổ chẳng riêng ai,
Vì tôi khinh việc người dâng cúng
Bảo Tháp, nay tôi chịu khổ hoài.

7. Vậy người nào lộ vẻ hung tàn,
Khi Thánh lễ đang được cúng dường
Lên bảo Tháp tôn vinh xá-lợi,
Xin Tôn giả cất tiếng khuyên can.

8. Tôn giả nhìn kìa đám mỹ nương
Đeo vòng hoa đẹp khéo trang hoàng,
Hưởng nhiều phước báo vì dâng lễ,
Phú quý vinh hoa thật rỡ ràng.

9. Khi các trí nhân thấy việc này
Gây niềm cảm xúc, diệu kỳ thay,
Họ liền sùng bái và tôn kính
Bậc đại hiền nhân ấy chính ngài.

10. Khi tôi rời cảnh ngộ thương đau,
Và được làm người ở kiếp sau,
Tôi sẽ tinh cần dâng lễ bái
Cúng dường Tháp xá-lợi dài lâu.

GS. Trần Phương Lan dịch Việt
Nguồn: thuvienhoasen.org