Hương sen đầu hạ xứ Huế
Sáng 03/04 năm Quý Mão (nhằm ngày 21/05/2023), Khóa tu Hương Sen Đầu Hạ lần thứ 4, thỉnh mời Ni sư Thích Nữ Hằng Liên – Giảng viên Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. HCM, Trụ trì Thiền viện Pháp Sơn (Tân Phú – Đồng Nai) về tham dự lễ khai mạc và thuyết giảng.
Nhân dịp mùa Phật Đản tháng Vesak Phật Lịch năm 2567, Ban tổ chức Khoá tu vô cùng hoan hỷ đón tiếp Ni sư Thích Nữ Hằng Liên cùng phái đoàn Chư Ni Thiền viện Pháp Sơn và các thiền sinh Phật tử đã du hành xứ Huế, tại Chùa Trừng Hà – Văn phòng BTS Phật giáo huyện, xã Vĩnh Phú, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Nơi đây, giữa cái nóng oi bức khắc nghiệt đầu hè của vùng đất cố đô Thần Kinh (Kinh đô thần bí), Ni sư đã chia sẻ với đại chúng gần 1000 người tham dự khoá tu, gồm 700 bà con Phật tử các giới và 300 đồng bào khiếm thị một thời pháp thoại với chủ đề “Đối diện với nghịch cảnh”.
Thông qua bài pháp thoại, Ni sư đã gửi gắm đến thính chúng thông điệp: Tuy không thể lựa chọn hoàn cảnh sinh ra hay đảo ngược những điều bất lợi đã xảy đến, nhưng người con Phật sẽ biết học cách thẳng thắn đối diện với nghịch duyên, biết chấp nhận hoàn cảnh bất như ý để rút ra bài học nhân quả sâu sắc về đời mình. Từ đó, không ngừng rèn luyện nghị lực, nuôi dưỡng tinh thần bền bỉ, kiên nhẫn, ý chí mạnh mẽ vươn lên, nắm bẳt cơ hội vượt thoát những khó khăn, thay đổi và làm chủ cuộc đời mình theo hướng tích cực và tốt đẹp hơn. Nhiều người con trên mảnh đất Vĩnh Phú này đã trở thành những tấm gương vượt khó, chứng minh thông qua chính trải nghiệm của cuộc đời họ.
Trong thời pháp thoại, Ni sư đã ví dụ câu chuyện về cuộc đời của Phật tử Kim Oanh, Chủ tịch HĐQT tập đoàn Kim Oanh, một người con quê hương Phú Vang này, đã vượt qua những ngày khốn khó nhất của tuổi trẻ, từng bước vươn lên trở thành một doanh nhân thành đạt, làm chủ một doanh nghiệp rất có vị thế hiện nay. Bước lên từ khổ cực để có điều kiện hộ trì Tam Bảo và giúp đỡ bà con vẫn đang còn gặp khó khăn ở địa phương và nhiều nơi khác. Điều đáng quý ở đây là nhờ sự giác ngộ những lời Phật dạy về nhân quả, nghiệp báo, mà Phật tử Kim Oanh đã phát tâm nỗ lực hành thiện, giữ giới, khuyến khích gia đình quyến thuộc cùng nhau tu tập. Tuy vẫn chưa thể nào thành người hoàn hảo, nhưng gia đình cô cũng đã bắt đầu nếm được hoa trái của tiến trình chuyển hoá với an vui và hoà hợp. Như bông sen nở ra từ bùn, những người con Phật, một khi biết quay về tu sửa chính mình, sẽ biết chắt chiu từ bùn những điều kiện quý giá để nuôi dưỡng đoá sen tâm hồn.
Trên nền tảng văn hoá Phật giáo lâu đời của mảnh đất cố đô văn hiến, Ni sư chúc nguyện cho bà con Phật tử nơi đây luôn giữ vững lòng thâm tín đối với Tam Bảo, tin sâu nhân quả và phát huy những giá trị tốt đẹp của truyền thống Phật giáo quê hương để nâng đỡ mình trên bước đường cải thiện bản thân, hướng đến cuộc sống hạnh phúc cho chính mình và lan toả đến những người chung quanh.
Nhân dịp chuyến đi Huế lần này, Ni sư cũng đã hướng dẫn đoàn Ni chúng và thiền sinh Thiền viện Pháp Sơn tới đảnh lễ và vấn an Hoà thượng Giới Đức, bậc trưởng lão trụ trì Chùa Huyền Không Sơn Thượng, một bậc trí giả đã có nhiều đóng góp cho nền văn học Phật giáo Việt Nam qua nhiều tác phẩm, đặc biệt nhất là 6 tập sách viết về cuộc đời Đức Phật rất nổi tiếng mang tên gọi “Một cuộc đời một vầng nhật nguyệt”. Ngoài ra, đoàn cũng đã viếng thăm một vài Tổ đình như Chùa Từ Hiếu, Chùa Tường Vân, Chùa Từ Đàm, nơi của những bậc cao tăng mà Ni Sư đã từng thọ ân giáo dưỡng.
Chuyến du hành kết hợp nhiều Phật sự vô cùng viên mãn, để lại trong lòng những người tham dự biết bao cảm xúc tốt đẹp, hướng thiện và hướng thượng, như những đoá sen đầu mùa thơm ngát, dâng lên đấng Từ phụ nhân mùa Khánh đản năm nay.