Nẻo Về Chốn Bình Yên
Chúng ta vẫn thường nghe cụm từ “Thân tâm an lạc” nhưng mấy ai có thể hiểu hết ý nghĩa sâu sắc của bốn từ này?
Giữa dòng đời đau thương nghiệt ngã, mỗi chúng ta như một con thuyền đơn độc hướng ra biển cả mênh mông. Mỗi con thuyền có khi thong dong lững lờ trôi qua những dòng sông êm đẹp nhưng cũng có lúc gồng mình trước những ghềnh thác cheo leo. Hành trình ấy có trăm ngàn ngã rẽ trải dài như không có điểm kết thúc. Bao ước mơ khát vọng trong đời cứ cuốn ta theo nhịp sống vội vã chênh vênh. Nhiều lúc, ta không muốn băn khoăn về những chuyện đã qua. Nhiều lúc, ta không muốn âu lo về những ngày chưa đến. Nhiều lúc, ta chỉ muốn tìm về một chốn bình yên.
Và khóa thiền Vipassana đã cho mình một chốn bình yên như thế, bạn có tin không?
Vượt qua chính mình là một điều không dễ thực hiện chút nào. “Tịnh khẩu”– không nói chuyện – trong 10 ngày là một thử thách “khủng khiếp” đối với một đứa vốn nói nhiều và hay chọc phá những người xung quanh như mình. Nhưng đó chỉ là thử thách đầu tiên thôi. Việc ngồi thiền 10 tiếng đồng hồ mỗi ngày mới thực sự là nỗi “ám ảnh”.
Ba ngày đầu của khóa thiền, mình được học phương pháp Thiền Định. Cơ thể mình cảm thấy đau nhức, mệt mỏi và khó chịu. Đặc biệt, khi mình ngồi thiền, những phiền muộn chất chứa bấy lâu trong lòng cứ trồi ra, rồi những vọng niệm làm mình không thể tập trung được. Nhớ lời hướng dẫn của Sư Cô, mình tập trung quan sát hơi thở ra vào ở vùng dưới mũi trên môi. Dần dần, tâm mình an trú và bình tĩnh trở lại.
Từ chiều ngày thứ tư của khóa thiền, mình bắt đầu làm quen phương pháp Thiền Tuệ. Với phương pháp này, các bước mình cần làm là quan sát và nhận diện các cảm thọ trên toàn cơ thể – quan sát từng phần từng phần, không được bỏ quên thân phần nào. Thao tác thực hiện có vẻ đơn giản, nhưng bài học từ phương pháp này khá là “cao siêu”. Đó là khi nhận diện được các cảm thọ, dù là cảm thọ dễ chịu hay cảm thọ khó chịu, mình cần “không phản ứng, buông xả, hiểu rõ quy luật vô thường…”. Mình không kể chi tiết ở đây. Bạn nào tò mò về Thiền Tuệ thì tự tham gia khóa thiền để trải nghiệm đi nha.
Ngày thứ 10 – ngày cuối cùng, với Thiền Từ Bi Quán, mình thấy mình đã gây ra nhiều tội lỗi, thấy mình quá ích kỷ và cố chấp, thấy mình từng làm sai nhưng không chịu hạ mình xin lỗi người khác…
Ngày thứ 10 – ngày của những tiếng khóc lẫn tiếng cười. Mình khóc vì đã biết lỗi và quyết tâm sửa đổi bản thân. Mình cười vì thấy mình may mắn khi đã biết đến khóa thiền và có duyên với con đường Giác ngộ. Mình cười vì được “khai khẩu” – được nói chuyện trở lại. Mình cười vì hạnh phúc với những ngọn nến lung linh được thắp lên cùng những lời sám hối và những lời nguyện sẽ chín chắn tu tâm của các thiền sinh trẻ.
Mình “xuống núi” đã 6 ngày nhưng quang cảnh Hồng Trung Sơn vẫn in đậm trong ký ức mình. Một mình trong phòng ký túc xá, nhìn trời Sài Gòn đổ mưa, mình bật khóc vì nhớ núi, nhớ các sư cô, nhớ các anh chị phục vụ và nhớ gần 100 “anh em” thiền sinh của mình. 12 ngày bên nhau là khoảng thời gian không dài nhưng nó giúp mình tìm lại được chính mình và có thêm những người bạn mới.
Trở lại với cụm từ “Thân tâm an lạc” nha. Nhiều người nói: Ngồi thiền sẽ giúp thân tâm an lạc. Sau khi tham dự khóa thiền, mình biết để đạt được trạng thái an lạc đó, thân tâm phải trải qua rất nhiều thử thách bức bách. Chẳng hạn, thân chỉ muốn ngồi yên mà tâm cứ lao xao với những vọng niệm triền miên.
Khóa thiền là một trải nghiệm tuyệt vời đối với một sinh viên năm nhất như mình. Mình đã hiểu mình hơn và thêm trân quý cuộc đời. Nếu các bạn sắp xếp được thời gian thì hãy đến với khóa thiền nha. Mình tin, thiền là một nghệ thuật sống giúp chúng ta mạnh mẽ hơn, vượt qua được mọi khổ đau và tìm được bến Bình yên cho con thuyền của cuộc đời mình…
Trần Mai Bảo Hân
(Khóa thiền Thanh niên 2016)