Nhật ký khóa tu mùa hè “Theo dấu chân Phật” – Ngày 3

Chương trình ngày hôm nay cũng không nhẹ đi mà còn khó hơn: Kinh hành – Thực hành thiền –  Thi rung chuông tuệ giác – Làm báo tường – Xem phim và viết cảm nghĩ -Đọc kinh Báo hiếu – Hoa đăng tri ân. Cả một ngày toàn những chương trình hấp dẫn không thể bỏ qua.

Một ngày mới bắt đầu bằng bài tập Yoga nạp đầy năng lượng và dẻo dai với không khí vui tươi nên ai cũng mê tập Yoga rồi đó.

Hai thời thiền sáng và chiều, mỗi thời hôm nay phải ngồi 20 phút đó nghe! Các em đã tập trung được chưa? Đã thấy được hơi thở của mình ở vị trí dưới mũi, trên môi chưa? Đã bao giờ các em biết được hơi thở của mình khi thở vào và khi thở ra dài hay ngắn chưa? Đây là chương trình khó nhất trong ngày đó nha! Trước tiên là phải ngồi ngay ngắn thẳng lưng, cổ, nhắm mắt vào và không nói chuyện suốt buổi học nhé! Ui, khó thật, khó quá đi, nhưng 20 phút qua rồi, dễ ợt ấy mà!

Sau những phút giây lặng yên ngồi thiền thì giờ ‘’Rung chuông trí tuệ’’ xoay quanh chủ đề của khóa tu đòi hỏi vận động trí óc. Hơn 40 câu hỏi của 3 vòng thi do Ban tổ chức đề ra. Ai cũng biết trò chơi này đòi hỏi có tính đồng đội và đồng đội đó phải có kiến thức, có trí tuệ cao, nhất là bạn nào, Chúng nào có nhiều người tìm hiểu về đọc Phật thì Chúng của mình sẽ là người trụ lại cuối cùng nhé! Khi ấy, chiến thắng sẽ thuộc về Chúng đó!

Báo tường với chủ đề: “Kết nối trái timai cũng sẽ là một biên tập viên, ai cũng là họa sĩ, ai cũng sẽ là những nhà thiết kế đồ họa hay thiết kế Poster giỏi nhất để trình bày những cảm xúc yêu thương của mình với gia đình, bạn bè, với thầy cô và các anh chị qua hình ảnh, thơ, văn, hình vẽ, qua các biểu tượng… Nhóm nào cũng muốn để lại cho Thiền viện những tờ báo tường “để đời”. Thế là tha hồ mà sáng tác nhé, mọi tài năng bẩm sinh hay xuất thần đều được phát huy tối đa hết tốc lực, hết công xuất…để nhóm mình có tờ báo ra nhanh nhất, đẹp nhất, nhiều ý tưởng nhất và không giống ai nhất hihi… Nhân dịp này thì các nhà “thuyết trình nhí” cũng tha hồ mà trổ tài để thuyết phục Ban giám khảo và người xem những tác phẩm “siêu kinh điển” của đội mình là ý nghĩa nhất, bám sát chủ đề nhất…

Giờ xem phim, viết lại cảm nghĩ về phim ”Thái tử Siddhartha cứu chim bị săn” nhẹ nhàng thư giãn nhưng cũng không kém phần khó khăn, tưởng dễ mà không dễ chút nào nhé. Ai sẽ là người viết tóm tắt đúng nhất, ý nghĩa nhất và bám sát nội dung của bộ phim nhất nào?

Không khí ồn ào, náo nhiệt của các chương trình trên bao nhiêu thì thời Kinh Báo hiếu lại trang nghiêm bấy nhiêu. Có lẽ rất nhiều em lần đầu tiên được đọc bản kinh này và cũng lần đâu tiên biết đến ngày lễ quan trọng của Phật giáo với ý nghĩa là ngày lễ báo hiếu cha mẹ. Ngày lễ này thể hiện nét văn hóa đạo đức hiếu hạnh của đạo Phật, một trong “Tứ trọng ân” mà mỗi người con đều không thể nguôi quên.

Trước giờ thắp sáng ngọn Hoa đăng để tri ân công ơn hai đấng sinh thành, Ni sư đã kể câu chuyện có thật về người con bất hiếu và cuối câu chuyệnThầy đã nhắn nhủ tất cả  các em rằng tình yêu thương chân thật thì không có sạch và dơ, không có khoảng cách giữa sạch và dơ để rồi sẽ phải hối tiếc suốt cuộc đời. Giờ phút cảm động thiêng liêng nhất là giây phút các ngọn hoa đăng được thắp sáng hòa quyện với giọng đọc truyền cảm của Sư cô bài ‘’Tôi và Em là báu vật của mẹ cha’’ đã lấy đi không biết bao giọt nước mắt của các em. ‘’Đã bao giờ em hỏi tại sao chúng ta có được hình hài đầy đủ, xinh đẹp và khỏe mạnh này không?’’ và có bạn nhỏ nào đã từng cãi lời ba, giận hờn lại mẹ khi không hài lòng với ba mẹ hay cha mẹ không đáp ứng những đòi hỏi vô lý hay quá đáng của mình nhỉ? Bạn nào đã làm cha mẹ phải buồn? Bạn nào đã làm cha mẹ phải khóc rồi? Ba mẹ ơi, con biết lỗi rồi, con xin lỗi ba mẹ, cám ơn ba mẹ rất nhiều và con yêu ba mẹ nhiều lắm!

Dù khóa tu chỉ có vài ngày thôi, việc tu học có thể trong những ngày qua chưa tròn đầy viên mãn nhưng con xin nguyện đem công đức này xin kính dâng lên ba ngôi Tam bảo và hồi hướng công đức này cầu nguyện cho cha mẹ được mạnh khỏe, an vui và hạnh phúc!

Sau đây là một số hình ảnh: