Những dấu ấn qua chuyến hành hương và tu tập tại Ấn Độ và Srilanka
Tại trung tâm thiền Dhamma Giri
Dhamma Giri, một trong những trung tâm thiền lớn được thiền sư Goenka sáng lập ra trên khắp thế giới phục vụ giảng dạy Vipassana. Ngoài ra, nơi đây còn có những hoạt động khác như nghiên cứu về pariyatti, pháp học… đồng thời tổ chức song song các khóa 10 ngày, khóa 20 ngày, 30 ngày, 45 ngày và 60 ngày với hàng nghìn người tham dự theo từng khu vực chuyên biệt trong diện tích 23 ha
5h30 sáng (giờ Mumbai) đoàn gồm 28 người từ Việt Nam và một em phục vụ từ Mỹ đã có mặt tại Trung tâm thiền Dhamma Giri. Tất cả chúng tôi đều là thiền sinh hành thiền Vipassana theo phương pháp của thiền Sư Goenka tại Việt Nam và lần này được Thầy dẫn ra “biển lớn”.
Thời khóa 10 ngày tu tập vẫn thế, giờ thuyết giảng tại thiền đường chính là tiếng Anh, đoàn chúng tôi được bố trí phòng riêng để nghe các bài giảng của Ngài Goenka đã chuyển ngữ sang tiếng Việt.
Đến ngày thứ 7, các thiền sinh mới sẽ được vào ngồi tại các cốc (cell) riêng trong tháp, thiền sinh cũ thì đã được vào cell từ ngày thứ hai. Việc ngồi trong cell là một trải nghiệm thực sự, đòi hỏi sự nỗ lực của từng thiền sinh trong việc hành thiền và giữ giới vô cùng nghiêm mật. Chính sự cộng hưởng cùng hướng về tâm điểm theo dạng hình cầu của tháp khiến từ trường nơi đây mạnh mẽ đến dường nào.
11 ngày chúng tôi có mặt tại đây thì mưa cả ngày lẫn đêm không nghỉ. Hai bạn hộ thiền người Việt cho biết 2 tháng nay đã mưa như thế. Nhiệt độ đêm chỉ 19-22 độ, ngày thì 24-26 độ Độ ẩm ở đây đo được là 85-100% Tất cả đường bê tông hay lát đá sỏi chưa lúc nào khô. Tấm ga trải giường lúc nào cũng ngai ngái mùi ẩm mốc. Mỗi người chúng tôi phải chuẩn bị sẵn 10 bộ quần áo để dùng suốt khóa tu mới đủ..
Những khó khăn là thế, nhưng chính sự vi diệu của thiền mà không ai bị ho, viêm họng hay mệt mỏi, duy chỉ có một thiền sinh bị bệnh tiền đình nặng từ ở nhà có vẻ mặt mệt mỏi nhưng cũng không hề bỏ buổi thiền nào. Một thiền sinh nam trên 65 tuổi trong đoàn phải chống hai nạng gỗ để đi khiến ai cũng lo lắng trong quá trình thực tập. Ấy thế mà sau 4 ngày ngồi trên ghế, ông cũng ngồi xuống đất vững chãi như tất cả các thiền sinh còn lại.
Đoàn Việt Nam ngồi thiền và giữ giới nghiêm túc nhất được các Thiền sư Ấn phải thốt lên khen ngợi (có lẽ đó là nhờ những ngày tháng được tôi luyện ở Việt Nam trước đó).
Trải qua khóa tu tại đây mới cảm nhận sự thiêng liêng trong 3 tháng an cư của chư Tăng thời Đức Phật khi Tăng đoàn chỉ sống và tu tập trong rừng. Trong khi hiện tại chúng ta có mọi thứ, có giường đệm, mưa nắng có dù che, ngồi nơi thiền đường, tháp thiền có gạch chống ẩm, có người phục vụ…
“Đất lành chim đậu” thật không sai. Cứ mỗi tối, hàng ngàn chú quạ lại bay về đậu trên các ngọn cây, kêu inh ỏi cho đến khoảng cuối giờ thiền chiều tối, sáng hôm sau chúng lại inh ỏi thức giấc và bay đi đâu sạch, khỉ bạc má thì có cả đàn, sóc và các loài chim khác cũng vậy. Ngày ra khóa tôi đứng ngắm các chú quạ về trong lúc trời mưa, có một vài người Ấn thấy vậy hỏi: “Việt Nam bạn không có quạ sao” tôi mỉm cười và lắc đầu, họ cứ tưởng thật. “Ồ Việt Nam cũng có quạ nhưng hiếm hoi lắm, bởi có thì cũng bị xua đuổi vì sự mê tín từ xưa giờ, nếu không thì cũng trở thành những món mồi trong thực đơn”
Ngày cuối tại trung tâm, chúng tôi may mắn được BTC ưu ái đặc biệt cho đi viếng thăm 4 điểm còn lại của trung tâm mà ngay cả những người hộ thiền từng phục vụ khóa chuyên sâu tại đây cũng không chưa từng được đến. Thật ngỡ ngàng khi chúng tôi được thăm hai vị cư sĩ tiền bối của ngài Goenka, hai vị là người quản lý và điều hành trung tâm Dhamma Giri (cụ ông 87, cụ bà 83 tuổi). Văn phòng của hai cụ nằm trong phía trung tâm thiền của khóa tu 60 ngày. Buổi tiếp kiến chỉ hơn 20 phút nhưng cũng để lại rất nhiều điều thú vị mà chỉ có những người đã theo các khóa chuyên sâu mới cảm nhận hết được.
Tại khu dành cho khóa tu thiền 60 ngày nằm dưới thung lũng khá bằng phẳng. Người hướng dẫn cho biết tiện nghi bên trong chỉ trang bị ở mức đơn giản tối thiểu cho mỗt thiền sinh. Tiêu chuẩn để thiền sinh được vào tu tập tại khóa tu 60 ngày là phải có 5 năm tu tập Vipassana với ít nhất là 5 khóa 10 ngày, một khóa phục vụ, trải qua các khóa 20, 30 và 45 ngày mới được dự khóa tu 60 ngày này. Đến nơi đây rồi, ai cũng mang về trong mình những nỗi khắc khoải riêng…
Rời trung tâm Dhamma Giri chúng tôi hướng đến Mumbay…
Trung tâm thiền The Global Vipassana tại Maharashtra Mumbai India
Đoàn đến thăm và ngồi thiền tại Trung tâm thiền Global Vipassana, ở Maharashtra Mumbai. Để tỏ lòng biết ơn đức Phật, ngài Goenka đã thành lập Trung tâm thiền này. Global Vipassana được khởi công từ năm 2002 và khánh thành ngày 08-02-2009 có sự tham dự của Pratibha Patil – tổng thống Ấn Độ và được xem là một biểu tượng cho sự hòa bình.
Trung tâm này được thiết kế theo kiến trúc truyền thống Myanmar, quốc gia đã duy trì dòng thiền Vipassana. Đúng là ngoài sức tưởng tượng, không ai có thể hình dung và tin được rằng một mái vòm làm bằng đá lớn nhất thế giới, được xây dựng mà không có bất kỳ trụ cột sắt thép nào hỗ trợ, thiền đường rộng mênh mông có đủ chỗ cho khoảng 10 ngàn người hành thiền cùng lúc. Chúng tôi được xem một video clip về quá trình xây dựng và đặt xá lợi Phật trên đỉnh tháp cùng lễ khánh thành trung tâm.
Đúng là không thể nghĩ bàn!
Đoàn chúng tôi tạm biệt đất Ấn để đến Colombo, Sri Lanka cho chuyến hành trình tiếp theo…
Tại Sri Lanka
Đảo quốc Sri Lanka chứa đựng nhiều quần thể di tích tuyệt vời được Unesco công nhận là di sản thể giới. Đặc biệt, 5 trong 8 di sản được công nhận vẫn giữ được nguyên vẹn kiến trúc, diện mạo cổ xưa của hơn 2.000 năm trước. Sri Lanka từng là trung tâm tôn giáo và văn hóa Phật giáo thời cổ. Nơi quốc giáo này chúng ta dễ dàng bắt gặp những hình ảnh rất bình dị, nhưng vô cùng thiêng liêng. Khởi đầu ngày mơi, gần như người dân ai ai cũng sẵn sàng những bông hoa (hoàn toàn không để cành) đến chùa lễ Phật rồi mới đi làm. Sau 16 h tại các ngôi chùa Phật giáo, xung quanh các cội cây bồ đề và các tượng Phật, lại thấy từng gia đình nhỏ chụm lại tự đọc kinh và lễ Phật. Đây là một nét sinh hoạt truyền thống từ hàng ngàn trước được người dân gìn giữ và lưu truyền, thật khó có thể tìm thấy được nơi nào trên thế giới. Điểm đầu tiên chúng tôi đến là Chùa Isurumuniya được xây dựng từ TK III TCN, với những bức phù điêu (3 bức tượng của vị vua Sri Lanka và 4 bức tượng của các vị thần và nữ thần).
Đến Srilanka mà chưa tới viếng cây bồ đề Jaya Sri thì chưa gọi là đã đến Sri Lanka. Đây là cây Bồ Đề được con gái của vua Srilanka (một vị Tỳ Kheo Ni) mang về trồng vào thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên, được chiết ra từ một nhánh cây từ cây bồ đề gốc (đầu tiên) tại Bồ đề Đạo tràng Ấn Độ, nơi đức Phật đắc đạo. Sau đó cây Bồ Đề tại Ấn đã bị tàn phá bởi một cuộc chiến tranh tôn giáo và khi đó Phật giáo bị đàn áp. Các tu sĩ Phật giáo phải sang Sri Lanka để chiết lại một nhánh từ cây này đem về Ấn Độ và hiện nay nó chính là cây Bồ Đề được cả thể giới chiêm bái, chăm sóc tại Bồ Đề Đạo Tràng. Tại Sri Lanka, cây Bồ Đề này cũng được chiêm bái, bảo vệ nghiêm ngặt và tôn kính như một báu vật quốc gia cây được trồng ở vị trí cao 6.5m so với nơi mọi người đứng lễ bái và được bao quanh bởi 2 lớp hàng rào kiên cố.
Hôm sau, đoàn đến Kandy – đô thị lớn thứ hai của đất nước này, chỉ sau cố đô Colombo. Thành phố nằm giữa các quả đồi trên cao nguyên, đây từng là kinh đô của các vương triều cổ đại trong lịch sử Sri Lanka.
Kandy được đánh giá là một trong những thành phố có thời tiết ôn hòa mát mẻ (giống Đà Lạt) và phong cảnh ấn tượng nhất xứ sở Tích Lan tươi đẹp, đóng vị thế là một đô thị hành chính và là thành phố của tôn giáo. Đây cũng được coi là thủ đô của miền Trung Sri Lanka, nơi có ngôi đền Sri Dalada Maligawa nổi tiếng, linh thiêng và đáng kính của cộng đồng Phật giáo Sri Lanka và thế giới, được Tổ chức Unesco công nhận là di sản thế giới vào năm 1988. Theo người hướng dẫn đoàn cho biết nếu để đi hết được các khu đền ở trong khu trung tâm này thì phải mất cả tuần.
Chúng tôi đến để tham gia lễ Kandy Esala Perahera (lễ rước Xá lợi Phật của ngôi chùa Xá Lợi Răng Phật). Đây là một lễ hội sống động, đầy màu sắc, mang đậm tính truyền thống và lịch sử. Lễ hội được diễn ra trong 10 đêm vào dịp tháng 8 (tháng 7 AL.), lễ hội được tổ chức để tưởng nhớ xá lợi răng thiêng liêng của đức Phật được đặt tại ‘Đền Răng ‘(Dalada Maligawa). Hàng năm gần một triệu người đổ về Kandy để tỏ lòng tôn kính và để xem gần 2000 vũ công trong các trang phục truyền thống, cùng với hơn 80 chú voi oai vệ tham gia diễu hành. Mỗi đêm, lễ diễu hành được thực hiện từ 19h đến 24h30’ mới kết thúc.
Sau lễ hội, đoàn tiếp tục đi sớt bát cho chư Tăng tại tu viện Na Uyana Aranya (rừng trung tâm thiền nguyên thủy) cho hai trung tâm Tăng và Ni. Tham dự buổi cúng dường mới cảm nhận hết sự cung kính, trang nghiêm và giữ gìn giới luật của các hàng cư sĩ lẫn Tăng già ở các nước chọn Phật giáo làm quốc giáo.
Chúng tôi cũng tranh thủ gặp gỡ và cúng dường cho hơn 60 Tăng Ni sinh Việt Nam đang theo học tại Sri Lanka. Tuy chỉ là những tịnh tài nhỏ bé nhưng vô cùng ấm áp, là tình cảm của những người đồng hương trên đất khách, là sự quan tâm, động viên tu học của những vị đồng môn trên con đường giải thoát. Thầy cùng phái đoàn trò chuyện, thăm hỏi các vị tăng Ni trong niềm vui mừng, gần gũi như những người thân lâu ngày gặp gỡ, thật là thấm tình đạo vị.
Hơn 6 giờ ngồi xe, chúng tôi lại có mặt tại sân bay Colombo trở về Việt Nam, kết thúc một chuyến hành trình tu tập tại Trung tâm thiền Dhamma Giri Ấn Độ và hành hương trên đất nước Sri Lanka xinh đẹp bình an.
Đúng là một chuyến đi trọn vẹn công đức, không thể nghĩ bàn, ai ai cũng góp nhặt được những an lạc và mãn nguyện.
Dưới đây là một số hình ảnh của chuyến đi, đa số là tại Sri Lanka.
Sài Gòn 27 tháng 08 năm 2018
Giác Hạnh Hoa