Thí dụ về cây đàn
Như vầy tôi nghe. Có một thời Đức Phật ngụ tại Vương Xá (Rājagaha) trên Núi Thứu tức là Núi Có Đỉnh Kên Kên (Mount Vuture’s Peak, núi đá nầy là chỗ ở của loài kên kên, và đỉnh núi nầy là nơi chúng thường hay đậu). Cũng vào thời gian đó Đại Đức Sona sống trong Rừng Thoáng Mát (Cool Forest), gần Vương Xá (Rājagaha). [Đức Phật đã tuyên bố rằng, Đại Đức Sona Kolivīsa, là một trong những vị đứng đầu, trong nhóm người mà có nguồn năng lực tráng kiện nhất của Đức Thế Tôn.]
Trong khi Đại Đức Sona cư ngụ ở đó một mình và tách biệt, ông nghĩ rằng: “Ta là một trong những đệ tử giàu năng lực nhất của Đức Thế Tôn, nhưng tâm ta đã không đạt được giải thoát, hãy còn tỳ vết của sự không-dính-mắc. Bây giờ gia đình ta đang giàu có, ta nên tận hưởng sự giàu có, và làm công việc từ thiện. Ta hãy từ bỏ đời sống xuất gia, để trở về đời sống cư sĩ, hưởng thụ sự giàu có, và làm công việc từ thiện.”
Tượng có hình Hoàng Tử Sĩ Đạt Ta (Siddhatha – Đức Phật) đang gẩy đàn, hình chụp bởi Ken Kawasaki từ Viện Bảo Tàng Ấn Độ, ở thành phố Kolkata. Cây đàn nầy rất có thể là cây đàn Lute, một loại đàn tỳ-bà cổ truyền của Ấn Độ, được nhắc đến trong bài kinh (Nguồn: photodharma.net)
Lúc đó Đức Thế Tôn, nhìn thấy ý nghĩ của Đại Đức Sona, ngài rời Núi Thứu; và, nhanh chóng như một lực sĩ chỉ mất vài giây đồng đồ để duỗi tay ra hoặc co tay lại, ngài đã xuất hiện trong Rừng Thoáng Mát trước mặt Đại Đức Sona. Ở đó, Đức Thế Tôn ngồi xuống trên một chiếc ghế đã chuẩn bị sẵn cho ngài. Đại Đức Sona, đảnh lễ Đức Thế Tôn, ngồi xuống một bên, và Đức Thế Tôn nói với ông:
“Nầy Sona, có phải ông đang có ý nghĩ từ bỏ đời sống xuất gia, rồi trở lại đời sống cư sĩ không?”
“Bạch Thế Tôn, dạ phải.”
“Nầy Sona, nói cho ta biết, những ngày trước khi xuất gia, ông đúng là người đánh đàn xuất sắc hay không?” – “Bạch Thế Tôn, dạ đúng.”
“Nầy Sona, khi các sợi giây của cây đàn quá căng, cây đàn có lên giây đúng không và khi ông gẩy đàn có dễ dàng không?” – “Bạch Thế Tôn, dạ không.”
“Và khi các sợi giây của cây đàn quá lỏng, cây đàn có lên giây đúng không và khi ông gẩy đàn có dễ dàng không?” – “Bạch Thế Tôn, dạ không.”
“Nầy Sona, nhưng khi các sợi giây của cây đàn không quá căng cũng không quá lỏng, và chúng được điều chỉnh với cường độ thăng bằng, lúc đó cây đàn có lên giây đúng không và khi ông gẩy đàn có dễ dàng không?” – “Bạch Thế Tôn, dạ có.”
“Nầy Sona, cũng như thế, nếu ông dùng nguồn sức mạnh quá mạnh mẽ, thì cơ thể ông dễ bồn chồn, và nếu ông dùng nguồn sức mạnh quá yếu ớt, thì cơ thể ông dễ mệt mỏi. Vì vậy, Sona, hãy gìn giữ nguồn sức mạnh của ông trong sự cân bằng, hiểu rõ sự thăng bằng của các nguồn trí tuệ, và từ đó ông nắm bắt được chân lý tột cùng.” [Hãy giữ sự yên tĩnh hòa hợp với nguồn sức mạnh. Hãy nối kết sự yên tĩnh với nguồn sức mạnh. Hãy giữ thăng bằng với năm nguồn trí tuệ. Khi lòng tin mạnh mẽ nối kết với trí tuệ, nghĩa là, trí tuệ đi cùng với lòng tin mạnh mẽ; khi nguồn sức mạnh được nối kết với sự tập trung, nghĩa là, sự tập trung đi cùng với nguồn sức mạnh, khi đó, sự thăng bằng của các nguồn đã được gìn giữ đúng đắn. Bây giờ, hãy nói về sự nắm bắt chân lý tột cùng. Khi có được sự thăng bằng, như đã nói ở trên, chân lý phát sinh rõ ràng, giống như sự phản chiếu của khuôn mặt trên tấm gương soi; rồi ông sẽ nắm bắt được chân lý nầy, đây là kết quả có được từ nguồn hiểu biết đúng đắn, rõ ràng về con đường dẫn đến sự bình yên, và tĩnh lặng.]
“Bạch Thế Tôn, dạ vâng,” Đại Đức Sona trả lời với sự tán thành.
Khi Đức Thế Tôn đã dạy dỗ, khuyên nhủ và khuyến khích Đại Đức Sona xong, ngài lập tức biến mất khỏi Rừng Thoáng Mát và xuất hiện trở lại núi Thứu.
Sau đó Đại Đức Sona gìn giữ nguồn sức mạnh trong sự cân bằng, hiểu rõ sự thăng bằng của các nguồn trí tuệ, và từ đó nắm bắt được chân lý tột cùng. Đại Đức Sona, tiếp tục sống một mình và tách biệt, siêng năng, nhiệt tâm và kiên quyết. Ông là người đã từ bỏ cuộc sống của người con trai sinh ra trong một gia đình khá giả, để đi theo lý tưởng cao quý của một người xuất gia không nhà cửa. Qua kinh nghiệm trực tiếp của chính ông, ông sớm nhận ra ở đây và ngay bây giờ, khi ông bước chân vào nhà Như Lai, ông đã để tâm an trú trong đó. Và ông đã hiểu rõ: “Không còn luân hồi sinh tử (nghĩa là, không còn bị sinh ra), ông đã sống cuộc đời cao quý, những gì cần làm đã được làm, không còn gì phải làm thêm, trong cuộc đời nầy.” Rồi Đại Đức Sona trở thành một vị A La Hán.
Sau khi đạt quả A La Hán, Đại Đức Sona nghĩ: “Ta hãy đi gặp Đức Thế Tôn và báo cho ngài biết là ta đã đạt được chân lý tột cùng.” Rồi Đại Đức Sona đến gặp Đức Thế Tôn, đảnh lễ ngài, và ngồi xuống một bên. Sau khi an tọa, ông thưa với Đức Thế Tôn:
“Bạch Thế Tôn, khi một Tỳ Kheo trở thành một vị A La Hán, người mà không còn tỳ vết, người đã sống cuộc đời cao quý, làm xong nhiệm vụ, buông bỏ gánh nặng, đạt được mục đích, loại bỏ gông cùm sinh tử, người hoàn toàn tự do vì nhờ đạt được chân lý tột cùng – người nầy đã dành hết thời giờ làm sáu điều sau đây: ông dành thời giờ cho sự từ bỏ, sự tĩnh mịch, sự không làm hại, sự loại bỏ lòng tham ái, sự loại bỏ sự vướng mắc và sự không nhầm lẫn.
“Bạch Thế Tôn, một trong những Tỳ Kheo ở đây có thể nghĩ rằng: ‘Có thể nào vị Tỳ Kheo nầy dành hết thời giờ cho sự từ bỏ chỉ bằng cách dựa vào lòng tin vững chắc?’ Nhưng chúng ta không nên nhìn theo cách đó. Một nhà sư mà không còn tỳ vết, người đã sống cuộc đời cao quý, làm xong nhiệm vụ và không thấy bất cứ điều gì mình còn phải làm, và không còn gì cần phải làm thêm – là người dành hết thời giờ cho sự từ bỏ, ông không còn tham dục vì lòng tham dục bị hủy hoại; ông không còn sân hận vì sự hận thù bị hủy hoại; ông không còn si mê vì sự si mê đã vắng mặt.
“Bạch Thế Tôn, một trong những Tỳ Kheo ở đây có thể nghĩ rằng: ‘Có thể nào vị Tỳ Kheo nầy dành hết thời giờ cho sự tĩnh mịch vì ông khát khao tìm sự giàu có, sự tôn kính và danh vọng … Và có thể nào ông dành hết thời giờ cho sự không gây hại vì nó giúp ích cho sự thi hành giới luật và sự phát nguyện?’ Nhưng chúng ta không nên nhìn theo cách đó. Một nhà sư mà không còn tỳ vết, người đã sống cuộc đời cao quý, làm xong nhiệm vụ, và không thấy bất cứ điều gì mình còn phải làm, và không còn gì cần phải làm thêm – là người dành hết thời giờ cho sự tĩnh mịch, … và cũng dành hết thời giờ cho sự không gây hại, ông không còn tham dục vì lòng tham dục bị hủy hoại; ông không còn sân hận vì sự hận thù bị hủy hoại; ông không còn si mê vì sự si mê đã vắng mặt.
“Đó là vì ông đã hủy hoại lòng tham sân si, và bởi vì lòng tham sân si vắng mặt, nên ông dành hết thời giờ cho sự hủy hoại lòng ái dục, dành hết thời giờ cho việc hủy hoại sự dính mắc, dành hết thời giờ cho sự không nhầm lẫn.
“Bạch Thế Tôn, giống như mắt nhận ra các hình tướng, rồi khi các hình tướng nầy đập mạnh vào mắt của một nhà sư với tâm hoàn toàn giải thoát, chúng không thể nào chế ngự tâm của ông; trái tim ông cũng không bị rung động; vững vàng và không lay chuyển khi ông quán chiếu sự tạm bợ của chúng. Giống như tai nghe được âm thanh … giống như mũi ngửi được mùi … giống như lưỡi nếm được vị … giống như thân thể biết khi va chạm … như tâm hay biết đối tượng của tâm, và khi đối tượng nầy, đập mạnh vào tâm của một nhà sư với tâm hoàn toàn giải thoát, chúng không thể nào chế ngự tâm của ông; trái tim ông cũng không bị rung động; vững vàng và không lay chuyển khi ông quán chiếu sự tạm bợ của chúng.
“Bạch Thế Tôn, giống như ngọn núi đá được tạo nên từ một khối vững chắc, không có khe hở hoặc vết nứt, rồi một cơn mưa bão, thổi đến bất kỳ từ phương hướng nào, ào ạt đập mạnh, trút lên ngọn núi, cũng không thể di chuyển ngọn núi, cũng không thể lay động ngọn núi. Cũng như thế, qua giác quan, những ý tưởng dù rất mạnh mẽ, sẽ không chế ngự được tâm của nhà sư, người mà có tâm hoàn toàn giải thoát; tâm ông sẽ không bị rung động; vững vàng, và không lay chuyển khi ông quán chiếu sự tạm bợ của chúng.”
Nếu ai ưa thích sự từ bỏ và cuộc sống cách ly,
Sự vô hại, và sự chấm dứt dính mắc;
Nếu ai ưa thích sự chấm dứt tham ái,
Và luôn luôn có cái nhìn không nhầm lẫn,
Rồi người ấy, thấy được sự phát sinh của các giác quan,
Tâm của người ấy, sẽ được hoàn toàn giải thoát.
Vị Tỳ Kheo nào như thế, sẽ có tâm tự do, và an lạc,
Những việc ông đã làm, chẳng còn gì để thêm vào,
Và, chẳng còn gì khác để làm thêm.
Giống như, cơn mưa bão không di chuyển được ngọn núi đá,
Cũng như thế, sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp,
Mà thường được ưa thích, hoặc không thường được ưa thích,
Sẽ không khuấy động được, người sống ổn định,
Vì tâm người ấy vững chắc và tự do,
Vì người ấy thấy được, mọi việc rồi sẽ qua đi.
Chuyển Ngữ: Nguyễn Văn Tiến
Nguồn: daophatngaynay.com/vn/kinh-dien/pali/17003-thi-du-ve-cay-dan-kinh-tang-chi-bo.html