THIỀN và SỨC KHỎE THỜI NAY

Ngày nay, thiền và sức khỏe được nhiều người trong mọi tầng lớp quan tâm và ra sức tìm kiếm và thực hành; lý thuyết và hý luận về thiền được đăng tải trên mạng, báo chí, sách và có cả nhiều khóa thiền được mở ra khắp nơi. Phương pháp thiền cùng mục đích của nó và quan niệm về sức khỏe đóng vai trò rất quan trọng trong việc quyết định con đường thực hành, bài viết này chỉ đề cập đến Thiền Vipassana.

Thiền Vipassana – Thiền Tứ Niệm Xứ – Thiền Giới Định Tuệ

Vipassana là một thuật ngữ Pali, với ý nghĩa thực hành quán sát nội tâm, thấy biết sự vật đúng như nó thật là. Để thấy và biết đúng như nó thật là, hành giả cần quán sát trên bốn lãnh vực thân, thọ, tâm và pháp – Tứ Niệm Xứ. Để thực hành việc quán sát bốn lãnh vực này, hành giả cần đi trên Bát Chánh Đạo – Giới, Định và Tuệ (Giới: chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng; Định: chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định; Tuệ: chánh kiến và chánh tư duy). Không chỉ là trải nghiệm quán sát lúc ngồi thiền mà cần thiết mang nó vào áp dụng trong đời sống, nên nói thiền là nghệ thuật sống.

Thật đơn giản chỉ chú tâm quán sát, có thể khởi đầu quán sát thân, thọ, tâm, hoặc pháp; chỉ quán sát thôi, với “tâm quân bình, tỉnh giác, không phản ứng và buông xả hoàn toàn”.  Thật ra, cả bốn lãnh vực quán sát không khác biệt, không phải để phân biệt phương pháp, mà để giúp hành giả thấy biết rõ sự thật tương quan đang diễn ra bên trong hợp thể người và giũa hợp thể người với vũ trụ. 

Thiền và Vài Kết Quả Nghiên Cứu

Theo Tiến Sĩ Đào Huy Phong – Giám Đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Thực Phẩm Dinh Dưỡng FNC:

  1. Phakyab Rinpoche đã thoát khỏi cưa chân do hoại tử chân nhờ thiền định. Trong trạng thái cân bằng, tĩnh lặng, hòa hợp, các tế bào dần hồi phục năng lượng và tái thiết thân tâm.
  2. Tiến sĩ Lazar, Bệnh viện Massachusetts nhận thấy mật độ chất xám của những người tham gia khóa thiền MBSR (Mindfulness-based Stress Reduction) đã thay đổi tích cực tại các vùng não liên quan đến khả năng học và trí nhớ, cảm xúc, khả năng liên kết, cũng như khả năng đứng trên quan điểm của người khác để nhận thức sự vật hiện tượng.
  3. Nghiên cứu hiện đại có bằng chứng về việc thiền định có khả năng làm giảm trẩm cảm, căng thẳng, thờ ơ, nhức đầu, mất ngủ và đãng trí.
  4. Theo Bác sĩ William Bushell, Giám Đốc Viện Nghiên Cứu East-West Research for Tibet House tại New York: “Y học hiện đại không rõ loại năng lượng này là gì, nhưng có nhiều bằng chứng khoa học trước đây đã cho chúng tôi thấy rằng thiền định giúp điều hòa mạch máu, tăng cường miễn dịch và cung cấp oxy tích cực cho cơ thể.
  5. Thiền định giúp giải phóng năng lượng siêu thường: Giáo Sư Khoa Thần Kinh Richard Davidson phát hiện cơ thể các nhà sư Tây Tạng trong trạng thái thiền định thâm sâu phóng ra tia gamma có khả năng xuyên qua vật chất rất cao.

Thiền và Nguồn Gốc Khổ Đau

“Ekayano ayam, bhikkhave, maggo”, ”Kinh Đại Niệm Xứ”, Kinh số 22, Trường Bộ Kinh – tập II (Dighanikaya).

“Ekayano ayam, bhikkhave, maggo” nghĩa là “này các tỳ kheo, đây là con đường độc nhất”.Con đường độc nhất này đưa hành giả đi đến đâu và có liên quan thế nào đến sức khỏe?

Chỉ quán sát với “tâm quân bình, tỉnh giác, không phản ứng và buông xả hoàn toàn” bốn lãnh vực thân, thọ, tâm và pháp, hành giả sẽ trải nghiệm khác nhau về bản chất thật của bốn đối tượng này. Chúng không khác các “đám mây” điện trường bất định, thật sự bất định – đây là đặc tính vô thường; và chính sự thật vô thường này cho chúng ta khái niệm vô ngã – không có cái tôi và cái của tôi. Từ đây, từ việc nhìn rõ bản chất thật qua việc quán sát tứ niệm xứ, hành giả vượt thoát khỏi tâm tham, sân và si – nguồn gốc của khổ đau. 

Si, vô minh làm con người ham muốn vô số thứ không cần thiết rồi từ đây sinh sân hận và đau khổ.

Do vô minh, để đạt được kết quả như ham muốn, con người nỗ lực tìm kiếm, có khi đánh đổi sinh mạng chính mình và sinh mạng người.  Quá trình nỗ lực này đã khiến cơ thể vật lý sản sinh vô số chất độc nội sinh gây ra bệnh tật cho thân và tâm. Bất cứ một niệm nỗ lực để đạt được ước muốn đều tạo ra căng thẳng (stress) cho cơ thể; và stress được xác định khi bất kỳ tình huống nào có khuynh hướng phá vỡ cân bằng giữa sinh vật và môi trường sống của nó. Đời nay có quá nhiều tình huống gây stress từ công việc, từ các cuộc thi, stress tâm lý xã hội và stress về thể xác do chấn thương, do phẫu thuật và do nhiều bệnh khác nhau gây ra. Thêm vào nữa, mất chánh niệm tỉnh giác khiến con người đưa vào cơ thể vô số độc tố từ thực phẩm vật chất cho đến thưc phẩm tinh thần. Hậu quả xấu không mong đợi này khởi sinh phản ứng sân hận – cơ thể lại sản xuất chất độc nội sinh…

Sự Thay Đổi Hormone do Stress

Cơ thể vật lý phản ứng với stress bằng sự tăng tiết các hormone (nội tiết tố): glucocorticoid, catecholamine, growth hormone, prolactin,…Các nội tiết tố này làm tăng huy động và xử dụng năng lượng trong cơ thể để thích nghi với tình trạng stress (một ví dụ có thật vào năm 1995, vụ cháy xảy ra ở Lầu 4 Khoa Ngoại Tổng Quát, Bệnh viện Chợ Rẫy. Khi nhận được tin báo cháy, tất cả bệnh nhân và nhân viên bệnh viện ở trong tình trạng stress do lo lắng vì nguy cơ ảnh hưởng sinh mạng, trong đó, bệnh nhân Lầu 5 Khoa Chấn Thương Chỉnh Hình, ở ngay phía trên Lầu 4, là những người có nguy cơ cao nhất. Những bệnh nhân này  vừa trải qua phẫu thuật cố định xương, bắt nẹp, bó bột,… hầu như không thể đi được đã đứng dậy và chạy khỏi giường bệnh để thoát thân). Việc huy động năng lượng của cơ thể để đối phó với tình huống stress có hiệu quả như vậy; song, hậu quả lâu dài của việc gia tăng những hormone chống stress là các bệnh mãn tinh – mất ngủ, trầm cảm, tăng huyết áp, viêm loét dạ dày, bệnh tuyến giáp,…

Khái Niệm về Sức Khỏe

Theo Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO – World Health Organization): “Sức khỏe là tình trạng tốt hoàn toàn về thể chất, tinh thần và xã hội và không chỉ đơn thuần là không có bệnh hoặc thiếu sức khỏe…”

Làm thế nào để có được tình trạng tốt hoàn toàn như một nguyên tắc mà WHO đã tuyên bố ở trên trong khi lối sống căng thẳng đầy ham muốn, nhiều sân hận do vô minh ngày nay dẫn con người vào bể khổ do ốm đau bệnh tật. 

Khi trải nghiệm hành thiền, hành giả sẽ thấy khái niệm về sức khỏe không vượt khỏi khái niệm tham sân si. Muốn có sức khỏe, con người cần loại dần tham, sân và si, cần bước vào thực hành quán sát nội tâm, cần đi trong bát chánh đạo, cần luôn tự hỏi “ta” là gì và “ta”đang làm gì.  Chỉ cần dành mỗi ngày ít nhất 2 thời, mỗi thời ít nhất 1 giờ thiền định, đưa tâm về thân, nhận biết rõ bản chất thật của mọi sự vật như nó thực là và buông xả hoàn toàn; bởi thật đơn giản, bản chất của vũ trụ là vô thường và vô ngã.

Khi trải nghiệm quán sát nội tâm, hành giả sẽ nhận biết tâm vô cùng hoang tưởng, có thể du hành không ngừng nghỉ từ quá khứ đến tương lai và có sức sáng tác vô cùng như trong Kinh Hoa Nghiêm: “Nhất thiết duy tâm tạo”. Nên, thiền cần được thực hành đúng đắn, theo trình tự, có hệ thống và kiên trì, không chút tưởng tượng, cũng không theo trào lưu. Vòng luân hồi chắc chắn biến mất khi con người bước đi trên con đường giải thoát độc nhất này – con đường Giới Định Tuệ.

 

Thành kính biết ơn Đức Thế Tôn, Người đã khai sáng con đường giải thoát!

Thành kính biết ơn Quý Sư tổ và Thiền Sư Goenka, Người đã truyền thừa phương pháp thiền này!

Thành kính biết ơn Thầy, Người đã dắt con vào con đường giải thoát!

Thành kính biết ơn vạn pháp đã cho con có đủ điều kiện bước đi trên con đường giải thoát!