Trải nghiệm 10 ngày về khóa thiền Vipassana tại Nam Cát Tiên
Cách đây vài tháng mình có quen 2 cô bạn, thấy rằng 2 bạn này rất thích và quan tâm đến thiền. Mình cũng có tìm hiểu sơ qua sách nhưng vẫn không thấy hứng thú cho lắm. Đến khoảng đầu tháng 10 gặp lại 1 bạn, bạn chia sẻ là vừa mới tham dự khóa thiền 10 ngày ở chùa Hồng Trung Sơn ở Nam Cát Tiên, Đồng Nai. Bạn ấy quảng cáo dữ quá, nào là khóa thiền rất tốt cho tinh thần cũng như sức khỏe nên mình quyết định tham gia dự khóa kế luôn.
Tối đó mình lên mạng tìm hiểu về khóa thiền này thì thấy có rất ít thông tin ngoài trang web phapdangthientue.com . Trang web này chỉ có giới thiệu về lịch các khóa thiền trong năm, cách thức đăng ký và phương tiện đi lại chứ không có thông tin về thiền như cách thiền, lợi ích ….
Để đăng ký thiền các bạn chỉ cần gửi email gồm thông tin tên, địa chỉ, số đt đến email của sư cô Trung Nguyện.
Phương tiện đến chùa
Chùa nằm ở xã Nam Cát Tiên, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai cách trung tâm TPHCM khoảng 150km. Nàm trên đường đi Đà Lạt.
1- Đi xe của nhóm thiền sinh tổ chức (xe chuyên đưa rước thiền sinh) . Giá vé khoảng 120,000đ. Xe đậu ở góc Nguyễn Văn Trỗi và Nguyễn Đình Chính, xuất bến khoảng 8h sáng.
Lưu ý : Hành trình xe đi là Nguyễn Văn Trỗi – Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Điện Biên Phủ – Hàng Xanh – đi thằng 1 hướng xa lộ Hà Nội qua Suối Tiên, ngã 4 Vũng Tàu, ngã 3 Dầu Giây….. Nếu bạn nào trên tuyến xe đi qua thì có thể hẹn trước để xe đón , khỏi mất công lại Nguyễn Văn Trỗi.
Xe sẽ dừng ăn trưa (chay) ở gần ngã 3 Dầu Giây. Thực đơn : cơm chay các món, phở chay, hủ tíu chay (theo cảm nhận của mình thì các món ăn đó khá ngon) đồng giá 20,000đ / phần.
Xe tới chùa Hồng Trung Sơn khoảng chừng vào lúc 13h – 14h.
2 – Đi xe Kim Hoàn tại bến xe Miền Đông. Giá vé chắc cũng khoảng trên dưới 100,000đ.
Lưu ý xe đò không dừng ăn trưa nên các bạn có thể chuẩn bị đồ ăn đem theo. Xe đò sẽ dừng trước cổng chùa nên các bạn khỏi phải lo chuyện đi bộ.
3 – Đi xe gắn máy: phù hợp với các bạn trẻ, đi 2 người. Các bạn có thể đi trước 1 hôm. Tham quan Nam Cát Tiên. Có thể lên Bảo Lộc. Các bạn có thể tham quan rồi nghỉ ngơi trước 1 đêm tại chùa cũng được.
Hành lý khi đi thiền
Quần áo : Do mục đích chính của khóa thiền là ngồi thiền, ngồi thiền và ngồi thiền nên quần áo các bạn nên đem những bộ quần áo rộng rãi, thoải mái. Quần áo thì nên mặc các bộ đồ đơn giản, hạn chế mặc quần áo màu mè sặc sỡ hoa lá.
Lưu ý là khi thiền lúc sáng sớm trời hơi lạnh nên các bạn có thể đem thêm áo khoác, vớ chân, tay hoặc khăn choàng. Mình thì chỉ đem mỗi áo khoác.
Đồ ăn thêm: Lúc mới nghe bạn mình nói mình nghĩ là sẽ có thể phải chịu đói vì bữa tối chỉ ăn chút chút thường là cháo, súp nên mình có đem theo lương khô. Các bạn khác thì đem theo sữa, mì gói, bánh kẹo…. Nhưng mình khuyên các bạn không cần phải đem thêm đồ ăn đâu. Chi tiết mình sẽ kể tiếp.
Đồ dùng cá nhân: Do yêu cầu khóa thiền là tịnh khẩu nên trong thời gian khóa thiền các bạn sẽ không được nói chuyện, liên lạc điện thoại, đọc sách, viết lách… do đó nhà chùa sẽ giữ bóp tiền, điện thoại, sách vở, bút viết của các bạn.
Các bạn chỉ cần đem 1 cái điện thoại, chứng minh thư, tiền (tiền xe khoảng 300k + tiền cúng dường) dầu gội, bột giặt, bàn chải, kem đánh răng, quần áo ….
Lưu ý: khóa thiền này là miễn phí, thiền sinh sau khóa học nếu thấy tốt có thể tùy tâm cúng dường, bao nhiêu cũng được, không cúng cũng không sao. Ngoài ra các bạn có thể cúng dường bằng gạo, dầu ăn, thực phẩm… trên xe bữa đó có cô kia đem theo cúng dường 4 cái ghế nhựa nữa =))
Xe của mình thì đúng 14h tới nơi. Lưu ý là khoảng 30km đoạn gần chùa thì đường gập ghềnh, nhiều khúc cua các bạn nào say xe dễ ói thì cần chuẩn bị bọc ni lông trước và ngồi gần của sổ cho công tác giải thoát được tiến hành nhanh gọn
Điều đầu tiên khi tới nơi là thấy khung cảnh khá là yên tĩnh và hoang vắng, xung quang chùa chỉ có vài hộ gia đình do khu vực chùa sát rừng quốc gia Nam Cát Tiên.
Theo quan sát của mình thì chùa có 4 khu : Khu 1 là chỗ ở của các ni cô ; khu ở của các nam thiền sinh; khu chính điện và khu ở của các nữ thiền sinh.
Sau khi điền đơn đăng ký và gửi đồ đạc tại chính điện thì mình được sắp xếp về khu ở của nam thiền sinh để nghỉ ngơi đến tối sẽ sinh hoạt nội quy và chính thức bước vào khóa thiền.
Khu của nam có tất cả là 5 phòng. Phòng 1 là phòng rộng nhất có khoảng 10 giường. Các phòng khác mỗi phòng có khoảng 4 -5 cái giường sắt đơn. Mỗi người 1 giường, 1 chiếu, 1 cái gối, 1 cái màn và 1 chăn mỏng.
Nằm nghỉ ngơi 1 lúc thì đến 18h tối mọi người tập trung ra ăn uống rồi ngồi sinh hoạt ở chính điện. Lúc này sư cô Trung Nguyện sẽ trao đổi về nội quy khóa thiền, thời gian sinh hoạt hằng ngày, các lỗi hay vi phạm….
Nội quy khóa thiền
Tịnh khẩu: tức là bạn phải hoàn toàn giữ im lặng trong thời gian khóa thiền diễn ra. Hạn chế ra dấu, va chạm… với các thiền sinh khác
Giữ giới tối thiểu 5 giới : tránh sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu và các chất dễ say
3 giới còn lại ai giữ được nữa thì tốt hơn : tránh ăn chiều, tránh ngồi ghế cao, giường rộng, tránh son phấn
5 giới đầu thì vào khóa thiền là bắt buộc, giới thứ 7 thì cũng bắt buộc, giới thứ 6 tránh ăn chiều thì chỉ một số ít thiền sinh giữ được. Giới cuối cùng là tránh son phấn thì mình nhớ không chắc lắm.
Tránh hút thưốc: khóa thiền của mình tham gia có 1 thiền sinh nam phải ra về vì phạm giới vượt khỏi cương giới để ra ngoài mua thuốc hút
Không vi phạm cương giới, chỉ được sinh hoạt trong khu vực mà nhà chùa đã quy định
Và có thể còn 1 số nội quy nhỏ khác mà mình không nhớ kỹ hết.
Sau khi sinh hoạt, mọi người bắt đầu vào phòng thiền. Từ giây phút này tất cả các thiền sinh sẽ phải tuân thủ theo các nội quy khóa thiền đưa ra.
Về phòng thiền và sư cô Hằng Liên
Phòng thiền là nơi sẽ gắn bó với các bạn khoảng gần 10h mỗi ngày nên mình sẽ tả riêng cái phòng thiền này. Phòng thiền rộng rãi, thoáng mát. Phòng thiền có cửa lưới chống côn trùng. Mỗi người sẽ có 1 cái đệm và 1 cái gối để ngồi thiền.
Về sư cô Hằng Liên, trụ trì chùa Hồng Trung Sơn và là người trực tiếp dạy thiền. Sư cô tốt nghiệp 2 bằng tiến sỹ bên Ấn Độ. Sư cô có 1 khoảng thời gian rất lâu tìm hiểu, học tập tại nước ngoài, tổng cộng là 16 năm.
Đến những năm 2007 sư cô về khu đất Nam Cát Tiên và xây dựng ngôi chùa này. Thời gian đầu chỉ có sư cô và người đệ tử là sư cô Trung Nguyện.
Việc xây dựng ngôi chùa này phải gọi là cả 1 hành trình dài, 1 câu chuyện rất hay. Trong thời gian thiền các bạn sẽ được sư cô kể thêm về quãng đời sư cô bén duyên cửa Phật, đi học và xây dựng ngôi chùa này.
Nếu sư cô không kể hết thì các bạn có thể hỏi trực tiếp vào ngày cuối cùng hoặc hỏi các sư cô khác.
Lợi ích của khóa thiền
Khám phá bản thân
Giúp ta tự vượt qua các khó khăn
Tự tìm thấy bình an
Gia tăng ý chí nghị lực, kiên trì
Sức khỏe tốt hơn : ăn ngủ điều độ, bữa tối ăn ít nên mình đã giảm được gần 2kg. Người thấy nhẹ nhành thanh thoát hơn.
Thời gian biểu học thiền và sinh hoạt mỗi ngày
4.00 (am) : Chuông thức giấc
4.30 – 6.30 : Thiền định
6.30 – 7.00 : Điểm tâm sáng
7.00 – 8.00 : Nghỉ ngơi hoặc thiền hành
8.00 – 9.00 : Thiền định (chính khóa)
9.15 – 11.00 : Thiền định
11.00 – 11.30 : Dùng cơm trưa
11.30 – 12.30 : Nghỉ trưa
12.30 – 1.00 (pm) : Thiền hành
1.00 – 2.15 : Thiền định
2.30 – 3.30 : Thiền định (chính khóa)
3.45 – 5.00 : Thiền định
5h.00 – 6.00 : Dùng nước và giải lao.
6.00 – 7.00 : Thiền định (chính khóa)
7.15 – 8.30 : Pháp thoại thiền
8.35 – 9.00 : Thiền định với sự hướng dẫn
9.15 – 9.30 : Tham vấn thiền (theo nhu cầu cá nhân)
9.30 : Chỉ tịnh (đi ngủ)
Đúng 4h sáng thì sẽ có chuông của nhà chùa sẽ bắt đầu đánh để đánh thức thiền sinh. Mọi người bắt đầu lục đục thức giấc, xếp mùng màn, vệ sinh cá nhân. 4h15 hộ thiền sẽ cầm kẻng để đánh thức các bạn vẫn còn ngủ. Đó là những ngày sau thôi, còn mấy ngày đầu các thiền sinh thức dậy nhanh lắm =))
4h30 – 6h30 sáng là thời gian đầu tiên trong ngày. Khoảng này đối với riêng mình là khó nhất vì mình bị viêm mũi nên lạnh quá dễ bị.. chảy nước mũi. Nhiều lúc ngồi thiền nước mũi chảy tè le, cứ chốc lát lại phải lau :))
6h30: Dùng điểm tâm sáng : trong 10 bữa ăn sáng thì có tất cả là 9 món ăn . Món nào ăn cũng rất ngon. Giờ ăn sáng cũng là khoảng thời gian mong chờ nhất trong ngày của mình.
Các món ăn mình nhớ : mì xào, canh bún khô, nui, hủ tíu, bánh cuốn, bánh canh, bánh mì cà ri chay… và 1 phần trái cây nhỏ
Ăn xong mọi người tự cầm tô, đũa ra rửa rồi có thể nghỉ ngơi, pha nước uống hoặc về phòng giặt đồ…
Nước uống : tại đây nhà chùa chuẩn bị nước sôi để mọi người pha bột sắn, bột ngũ cốc, nước chanh tươi, chanh muối, nước trà…. Đồ uống thì mọi người có thể thoải mái dùng không giới hạn.
8h – 9h sáng là thời gian thiền định chính khóa; Thiền xong nghỉ ngơi 15 phút rồi thiền tiếp đến 11h rồi nghỉ.
11h – 11h30 : là khoảng thời gian dùng cơm trưa hay còn gọi là “ngọ trai”. Trước khi dùng sư cô sẽ đọc 1 bài kệ mà mình ấn tượng nhất là 2 đoạn sau:
“Bát cơm ai sắm cực lòng,
Ta dùng phải nhớ tấm công ơn người.
Vì nguồn sống phải mượn hơi,
Ví như chén thuốc chữa vơi bệnh tình
…
Thức ăn này từ đâu đem đến,
Phải chăng vì người mến đạo lành?
Thương ai chín chắn tu hành,
Thảo lòng, nhịn miệng kính thành, cúng dâng.
Bữa trưa thì mỗi người có 1 niêu cơm, 1 phần kho hay chiên, chén canh, đĩa rau luộc hay xào, món chè, 1 phần trái cây. Tùy mỗi ngày có thể thay đổi.
Dùng xong mọi người về phòng nghỉ trưa. Đến 13h chiều sẽ học thiền tới 17h . Xem kẽ 15p giải lao.
17h – 18h : là thời gian dùng nước hoặc giải lao. Do mọi người có thể chưa quen nên nhà chùa vẫn chuẩn bị bữa ăn chiều. Thực đơn là ăn nhẹ thường là soup rau củ hoặc cháo.
18h – 19h : thiền định. Nếu lúc nãy ăn no thì lúc này ngồi thiền sẽ hơi khó chịu, do đó bữa chiều các bạn nhớ ăn ít thôi nhé.
19h15 – 20h30 : pháp thoại thiền . Lúc này các bạn sẽ được sư cô giảng giải về thiền. Các vấn đề trong ngày sẽ gặp phải, các khó khăn, mục tiêu hôm sau… Sư cô sẽ kể thêm về phật pháp, về cuộc sống, về các câu chuyện sư cô đi học, xây chùa… Nói chung là rất hay và có ý nghĩa. Đây cũng là khoảng thời gian mong đợi nhất trong ngày của mình.
Giảng xong thường là sẽ vào lại phòng thiền tranh thủ thiền 15p nữa rồi mọi người nghỉ ngơi, kết thúc 1 ngày thiền.
Thời gian biểu 10 ngày nói chung sẽ là như vậy. Chúng ta sẽ được trò chuyện với sư cô khoảng 2 lần vào khoảng ngày thứ 3 và ngày thứ 7. Nếu ai có nhu cầu, thắc mắc cần giải đáp thì có thể hỏi thêm sư cô khoảng thời gian 21h15 – 21h30.
Lưu ý là mọi người khi thắc mắc gì hoặc cần mua gì đều phải viết giấy gửi cho hộ thiền. Tại chùa có bán cả bộ quần áo xám (mấy người phật tử thường mặc). Các bạn lên có quên dầu gội, xà bông vật dụng sinh hoạt cá nhân… đều có thể gửi hộ thiền mua giúp.
Về chi tiết việc học thiền thì mình sẽ không kể ra vì mình học như vậy cũng chưa thật sự nắm bắt hết các yêu cầu cũng như mục tiêu khóa thiền nên không dám nói sợ sẽ làm các bạn hiểu sai. Để tự trải nghiệm trực tiếp là tốt nhất.
Từ từ rồi 10 ngày thiền cũng trôi qua dần. Có rất nhiều cảm giác trải nghiệm thú vị các bạn sẽ trải qua. Các bạn sẽ hướng tâm tới những điều hay, những bình an và có 1 trái tim biết yêu thương.
Đêm cuối trước khi về bên thiền sinh nam tổ chức ăn uống, trò chuyện về những trải nghiệm đến gần 12h mới đi ngủ. Đêm cuối cùng ở lại chùa lại làm mình khó ngủ. Nghĩ về tất cả những điều sư cô giảng, về ngôi chùa về các bạn thiền sinh.
Sáng hôm sau, sau khi thiền 2h buổi sáng xong, mọi người ăn sáng, lấy đồ đạc rồi chuẩn bị lên xe về. Nơi đây, vùng đất này đã để lại quá nhiều điều đối với mình. “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”
Hẹn chùa 1 dịp nào đó mình sẽ lại lên lại .
Mình là Trung – học viên khóa thiền 12/10/2014 – 22/10/2014 (dương lịch)
Nếu bạn cũng là học viên đã từng trải qua khóa thiền hãy cùng chia sẻ cảm nhận của bạn với mình qua fb.com/itvietgroup hoặc email : nguyentrung.sg98@gmail.com.