Vi diệu pháp toát yếu – Tường Nhân Sư
Thánh điển Päḷi có 3 tạng thì Vi Diệu Pháp (Abhidhamma) là tạng có số lượng Pháp uẩn (Dhammakhandha) chiếm đến một nửa (42 nghìn Pháp uẩn); trong đó Đức Phật thuyết ra không đề cập các giá trị chế định (paññatti) mà Ngài chỉ nói đến những giá trị chân nghĩa pháp (paramattha), chẳng hạn: thiện, bất thiện, uẩn, xứ, giới, v.v…
Từ trước đến nay, các quốc độ Phật giáo Nam phương như Thái, Miến, Lào, Cam pu chia, Sri Lanca luôn đặt trọng việc học tập, giảng dạy tạng Vi Diệu Pháp này, bởi vì đó là nền tảng và còn được xem như chiếc chìa khóa để mở cánh cổng dẫn lối vào tạng Kinh, tạng Luật. Nếu được trang bị tốt về các sở học của Vi Diệu Tạng thì những vấn đề của Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo hay Đại Niệm Xứ, v.v… sẽ được hiểu rõ một cách tường tận, khúc chiết và minh bạch; đồng thời làm cơ sở cho hành giả tiến sâu vào Vipassanä (Thiền Minh Sát), thẩm sát được Tam tướng (Vô thường, Khổ, Vô ngã), …
Nhận thức được vai trò quan trọng của Vi Diệu Pháp, từ lâu chúng tôi đã có ấp ủ sẽ soạn thảo một bộ giáo trình về bộ môn này để giúp cho người học dễ hiểu hơn, có thể nắm bắt được những giáo pháp thâm sâu và vi diệu của Đức Thế Tôn đã tuyên thuyết rồi đem ra vận dụng cho bản thân mỗi người trong đời sống thường ngày cũng như trong quá trình tu tập. Sau hơn ba năm mở lớp dạy về môn này tại Huế và Hà Nội, đồng thời đúc kết lại những tài liệu đã được viết ra làm giáo trình cho các lớp này, chúng tôi đã biên soạn lại có sửa chữa và bổ sung để xuất bản bộ giáo trình nhiều tập: “Vi Diệu Pháp Toát Yếu” mà trước mắt sẽ in Tập I có nhan đề: “Citta – Tâm”.
Trong quá trình biên soạn tất nhiên không tránh khỏi những sơ suất, lầm lỗi trên tất cả mọi mặt, cầu mong các bậc thức giả lượng tình chỉ dạy cho. Phần phước thiện này chúng con xin hồi hướng đến cho tất cả chúng sinh, nhất là thầy tổ, ông bà, cha mẹ, bà con quyến thuộc, bạn bè, cùng tất cả chư thiên và nhân loại. Cầu mong tất cả quý vị nhận lãnh phần thiện phước thanh cao này rồi được thoát khỏi khổ ách, an lạc lâu dài, …
Huế, mùa hè 2015 Tường Nhân Sư