Yêu thương mùa Phật Đản
Đầu tháng 4 Dương lịch, khi hoa bằng lăng phủ sắc tím khắp sân Chùa Hồng Trung Sơn, cư dân xã Nam Cát Tiên háo hức chuẩn bị cho ngày Đại lễ – Phật Đản 2017. Niềm vui kính mừng ngày Khánh Đản năm nay của Phật tử như được nhân đôi vì lễ hội được diễn ra ở Chánh điện mới khang trang rộng rãi…
Rộn ràng công tác chuẩn bị
Đại lễ chính thức diễn ra vào ngày 15.4 Âm lịch. Tuy nhiên, tại Hồng Trung Sơn, công tác chuẩn bị đã được khởi động rầm rộ một tháng trước đó khi các Phật tử bắt tay chăm bón cây cảnh, tôn tạo và trang trí cảnh quan Chùa, rồi phân chia các việc bếp núc cho ngày lễ.
Tháng 4 đến, người dân Nam Cát Tiên càng nôn nao khi thấy cờ Phật Đản được giăng từ trong Chùa ra tới chợ, từ ấp này sang ấp khác. Mỗi ngày, hàng chục Phật tử đến Chùa công quả, vun trồng hoa, nhổ cỏ, tưới cây, tỉa cành… Khách đến Hồng Trung Sơn những năm gần đây thích thú thưởng lãm cảnh thiên nhiên đẹp như… resort của Chùa. Nhưng ít ai biết những không gian xanh đó là công trình do các Phật tử nông dân nơi đây thành tâm cúng dường Tam Bảo.
Từ đầu tháng 4, một nhóm các em học sinh trong xã tích cực tập luyện các tiết mục văn nghệ sẽ diễn vào hôm Rằm. Mỗi ngày, tan học, các em liền đến Chùa tập múa. Do đã nhiều lần diễn văn nghệ ở Chùa, các em được đặt cho danh hiệu “Đội múa nhà Chùa”. Dựa vào kinh nghiệm của mình, các em tự biên tấu và chỉnh sửa các bài múa, mà không cần nhiều đến sự hướng dẫn của các Sư cô.
Năm nay, huyện Tân Phú tổ chức chương trình diễu hành xe hoa mừng Phật Đản. Hồng Trung Sơn được hân hạnh làm 2 xe, 1 xe đại diện Chùa và 1 xe đại diện Ni giới của huyện. Đây là công tác quy tụ nhiều nhân lực, tài lực và thời gian nhất. Phật tử địa phương và thiền sinh phương xa đã cùng tham gia thiết kế đồ họa, in ấn hình ảnh, mua sắm vật dụng, cắm hoa mỹ thuật, và phục vụ ăn uống… để 2 chiếc xe hoa được hoàn thành.
Tối ngày 13.4 Âm lịch, 2 chiếc xe hoa mang chủ đề “Pháp Luân Thường Chuyển” và “Cắt Ái Ly Gia” của Hồng Trung Sơn đã hòa vào đoàn xe của các Chùa khác trong huyện Tân Phú, diễu hành trên cung đường hơn 50 km vòng khắp các khu vực chính của huyện. Hai bên đường, đông đảo Phật tử đón mừng đoàn xe đi qua. Trên cao, trời rải mưa hoa lất phất, như ban phước lành xuống nhân gian…
Trang nghiêm Đại lễ ngày rằm
Tinh thần dự lễ của người dân dâng cao và náo nức hơn vào ngày 15.4 Âm lịch. Từ 6 giờ sáng hôm ấy, nhiều Phật tử trong xã đã vào bếp Chùa chuẩn bị cho Lễ cúng Trai Tăng và tiệc chay trưa cho hơn 600 người. Chánh điện – nơi diễn ra nghi thức Tắm Phật truyền thống – được trang hoàng lộng lẫy với hoa trái và phối cảnh tượng đài Phật Đản Sanh cùng 7 bước sen.
Phật tử vào Chùa, hân hoan bước đi trên những phiến đá còn thơm mùi xi măng của sân Chùa mới, nơi mà vài hôm trước vẫn còn là con đường ngổn ngang đất cát và giăng đầy dây định vị công trường. Từ sân Chùa, Phật tử bước vào không gian Chánh điện mới, rộng rãi thoáng mát, có sức chứa vài trăm người. Năm nay, ai cũng có chỗ ngồi ngay hàng thẳng lối trong Chánh điện, không còn phải chen chúc và ngồi bệt bên ngoài ngóng vào như các năm trước.
Trong buổi lễ, nhờ lời giảng của Thầy – Ni Sư trụ trì, đại chúng hiểu rõ sự quyết tâm Cắt Ái Ly Gia để kiên định bước đi trên con đường Giải thoát của Đức Phật. Thầy cũng giảng giải về ý nghĩa của 7 bước hoa sen. Theo lời Thầy, 6 bước đầu biểu tượng cho 6 cõi chúng sinh luân hồi trong sanh tử, bước thứ 7 tượng trưng cho sự vượt thoát Giác ngộ. Thái tử khi vừa hạ sanh đã đi 7 bước, nghĩa là Ngài sẽ vượt trên các cõi luân hồi để đạt đến cảnh giới giải thoát. Ngài là bậc Đại giác ngộ, là người Tỉnh thức, là vị Thầy chỉ ra cho chúng sinh con đường vượt thoát khổ đau để sống bình yên và hạnh phúc.
Đại lễ ngày rằm kết thúc, thêm một mùa Phật Đản yêu thương khép lại. Phật tử ra về, thâm tâm mỗi người trỗi lên nỗi khát khao được tu tập theo con đường của Đấng Đại Giác để được sống an vui và tỉnh thức mỗi ngày…
Tsinh – T.Khiêm & T.Hiền