Hồi kí khám phá và vượt lên chính mình qua thiền Vipassana
Chuyến đi tu tập Thiền Vipassana 10 ngày tại chùa Hồng Trung Sơn, 8/2011
Ngày 29/8/2011
Từ ngày đầu tiên mỗi người lên với tâm trạng & mục đích khác nhau. Đến 1-3 ngày sau đó bức bối muốn “đào ngũ”.
Những ngày giữa kiên trì và tập trung cho đến ngày cuối cùng là những gương mặt rạng rỡ tràn đầy niềm vui, niềm vui rất thật và chân tình với nhau mà mình ít khi bắt gặp khi tham gia bất kỳ khóa học nào trước đây.
– 10 ngày tu tập liên tục tại chùa trên núi
– Mỗi ngày thiền 10 tiếng
– Tuyệt đối tịnh khẩu
– Tuyệt đối không có liên lạc nào với bên ngoài (kể cả điện thoại)
– Tuyệt đối không được rời khóa tu nửa chừng
Đây là những đặc điểm ban đầu thử thách lòng người của những người muốn tham gia. Dần từng ngày trôi qua, mỗi ngày đều sẽ là những trải nghiệm và bất ngờ cực kỳ thú vị khó quên của đời người.
Tại sao cần tham gia ?
Nếu câu trả lời là KHÔNG cho các câu hỏi bên dưới:
Ta có đang sống một cuộc sống thảnh thơi an vui, không phiền não ưu tư?
Ta có tự hào mình là người hoàn thiện không bao giờ phạm lỗi lầm, không bao giờ phản ứng theo bản năng ‘tham – sân – si’ đời thường của con người?
GIỚI THIỆU PHƯƠNG PHÁP THIỀN VIPASSANA
Vipassana là một trong những phương pháp thiền cổ xưa nhất tại Ấn độ. Đã mất từ lâu trong dân gian, Vipassana được Đức Phật Gotama tái phát hiện 2500 năm truớc đây.Vipassana có nghĩa là thấy sự việc đúng như thật. Nó là tiến trình tự thanh lọc bằng cách tự quan sát. Ta bắt đầu quan sát hơi thở để định tâm. Với ý thức bén nhậy, ta tiến tới việc quan sát bản chất thay đổi của thân và tâm, và cảm nghiện được chân lý phổ quát về vô thường, khổ, vô ngã. Sự nhận ra chân lý này bằng trực nghiệm là tiến trình thanh lọc. Toàn thể con đường (Dhamma) là thuốc chữa chung cho vấn đề chung, không liên quan đến một tổ chức tôn giáo hoặc tông phái nào. Vì lý do này, Vipassana được mọi người thực tập, bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, không bị chi phối bởi mầu da, xuất xứ, và nó sẽ chứng minh rằng mọi người ai cũng hưởng được lợi ích đồng đều.
VIPASSANA KHÔNG PHẢI LÀ:
– Nó không phải là nghi lễ, nghi thức dựa trên đức tin mù quáng.
– Nó không phải là một sự tiêu khiển trí thức hoặc triết lý.
– Nó không phải là để chữa bệnh, nghỉ mát, hay là một cơ hội để giao du.
– Nó không phải là sự trốn tránh những thử thách, phiền toái trong cuộc sống hằng ngày.
VIPASSANA LÀ:
– Nó là phương pháp diệt trừ đau khổ.
– Nó là phương cách thanh lọc tâm để giúp ta đối phó với những căng thẳng và khó khăn của cuộc đời một cách bình tĩnh, quân bình.
– Nó là một nghệ thuật sống mà ta có thể sử dụng để đóng góp tích cực cho xã hội.
Thiền Vipassana hướng đến mục tiêu tâm linh cao cả nhất của sự hoàn toàn giải thoát và giác ngộ; mục đích của Vipassana không bao giờ chỉ để chữa bệnh. Tuy nhiên, nhờ sản phẩm phụ của sự thanh lọc tâm, nhiều bệnh tâm thần cũng được chữa khỏi. Sự thật, Vipassana loại trừ được ba nguyên nhân chính của mọi bất hạnh: thèm muốn, chán ghét, vô minh. Với sự tu tập liên tục, tu thiền giải tỏa những căng thẳng do cuộc sống hằng ngày tạo ra, tháo mở những khúc mắc do thói quen cố hữu, phản ứng đối với những hoàn cảnh dễ chịu hay khó chịu một cách thiếu bình tĩnh.
Mặc dù Vipassana là phương pháp do Đức Phật tìm ra, sự thực hành không chỉ giới hạn cho Phật tử. Tuyệt đối không có sự cải đạo. Mọi chúng sinh đều có cùng những khó khăn căn bản, và phương pháp có thể diệt trừ những khó khăn này phải được áp dụng chung cho nhân loại. Nhiều người từ nhiều giáo phái đã hưởng được những lợi ích nhờ thiền Vipassana, và thấy không có gì xung khắc với tín ngưỡng của họ.
ĐIỀU LỆ VỀ KỶ LUẬT CHO KHÓA THIỀN: http://www.dhamma.org/vi/code.shtml
MỤC TIÊU – PHƯƠNG PHÁP – GIẢNG SƯ
Mục tiêu
Nếu ứng dụng trong đời sống thường nhật, ta có thể hiểu đơn giản: Rèn TÂM luôn ở trạng thái quân bình, từ đó kiểm soát các bản năng của mình để có sự sáng suốt hơn trong ý nghĩ, lời nói và hành động của bản thân. Nhờ vậy, ta sẽ tránh phạm nhiều sai lầm; có cuộc sống an vui thuận hòa hơn.
Nếu hiểu một cách sâu xa, mục tiêu của Thiền Vipassana là ‘giải thoát khổ đau’. Điều đáng lưu ý, theo lời Sư Cô chia sẻ, đây là môn tu nguyên thủy nhất của Đức Phật và được trải nghiệm bởi tự thân Sư Cô. Ngày nay tại Ấn Độ có Trung tâm Thiền Vipassana (Vipassana Research Institute) đặt tại Dhammagiri của Ngài Goenka đang là nơi tu tập chuyên sâu của hơn 1.000 thiền sinh từ khắp nơi trên thế giới.
Một điều thú vị khác ở đây là: Thiền không phải để chữa bệnh, song nó sẽ giúp ta ‘chỉnh đốn cơ thể’. Có rất nhiều ví dụ thực tế những người mắc chứng bệnh trầm kha trong thời gian dài, nhưng khi kiên trì thiền, cơ thể họ đã tự chỉnh đốn hồi phục bình thường lại.
Phương pháp Triết lý
Mục tiêu trên sẽ đạt được bằng con đường ‘Giới – Định – Tuệ’ thông qua phương pháp Quan sát hơi thở – Thiền Vipassana và Từ bi quán.
Trong 10 ngày, chúng ta sẽ được hướng dẫn cách giữ Giới. Sau đó cách rèn luyện sự tập trung trong Tâm thông qua quan sát hơi thở để tâm đạt Chánh Định. Từ đó phát triển khả năng ‘Tỉnh giác – Buông xả’ thông qua việc quán chiếu toàn bộ cơ thể để đạt sự thông tuệ. Ngày cuối cùng là trải lòng yêu thương với chính mình, cha mẹ người thân cùng những người xung quanh.
Sư Cô hướng dẫn thiền
Sư Cô đã xuất gia từ nhỏ tại tịnh xá Ngọc Phương (TP.HCM), đi du học Ấn Độ 14 năm, và đã đạt được 2 bằng tiến sĩ: 1 bằng tiến sĩ Phật học, và 1 bằng tiến sĩ triết học. Sư Cô đã từng là học trò của Thiền sư S.N. Goenka (một thiền sư nổi tiếng thế giới hiện giờ). Sư Cô có những bài pháp thoại vào cuối mỗi ngày thiền, những bài giảng rất vi diệu, thâm sâu nhưng rất gần gũi, dễ hiểu và không giáo điều, không có gì mang tính chất tôn giáo cả, tất cả đều được giải thích trên nền tảng khoa học..
Mở lòng bên dưới là những trải nghiệm, cảm xúc của bản thân trong vai trò người Thiền sinh (nhà thiết kế áo dài Sỹ Hoàng).
3 ngày đầu – Thử thách “đào ngũ”
Đúng nghĩa lên núi vô chùa tu.
2 ngày đầu tiên là thử thách nhất! Vì sao ư? Thì ngẫm thử xem… Khi ta đã quá quen với cuộc sống thường nhật luôn có những mối quan hệ giao tiếp, trò chuyện thì nay nguyên cả ngày im lặng và chỉ ngồi một chỗ trong suốt 10 tiếng??
Cảm giác của những người tham gia phần đông là rất vô cùng khó chịu, đau rát tê buốt ở chân (mặc dù với riêng mình thì mình hoàn toàn ok khi suốt cả 10 ngày chẳng nói gì với ai – chắc mình là người thiên về nội tâm rùi), song cái khoản phải ngồi hàng giờ đó thì trăm người như một cực hình!
Có người ngay ngày đầu tiên đã muốn đào ngũ. Có người ngày thứ 2 đã không thể chịu nổi muốn bỏ cuộc. Có người là ngày thứ 3. Song một phần ràng buộc vì những lời Sư cô giảng giải ngày đầu: “Đang ‘mổ tâm’ mà về giữa chừng thì chẳng khác nào bệnh nhân bỏ trốn về nhà giữa ca phẫu thuật, rất khó trở lại trạng thái tinh thần bình thường như trước”. Một phần cũng vì lời khích lệ: “Đây là thử thách rèn luyện vượt lên chính mình. Nếu bản thân các bạn không chiến thắng được mình thì ra đời các bạn vượt lên được ai?”
Những ngày giữa – Thử thách đối diện và vượt lên chính mình
Những ngày giữa là ta bắt đầu đi vào tu tập chuyên sâu quá trình khám phá nhận diện chính mình và học cách đối diện, vượt qua.
Khám phá, nhận diện mình bằng cách khơi ‘dòng tâm thức’ thông qua rèn luyện khả năng tập trung để Tâm đạt sự quân bình. Từ đó cảm nhận được các ‘cảm thọ’ trên cơ thể. Thông qua việc cảm nhận cảm thọ này, những phiền não đau buồn tâm trí lẫn đau đớn về cơ thể do bệnh tật đều sẽ hiển hiện (càng rõ ràng nếu ta càng thể nhập chuyên sâu). Ngay cả những ý niệm trong vô thức cũng sẽ trỗi dậy, mà trong đó sẽ có rất nhiều điều khiến ta bất ngờ vì cứ nghĩ là chuyện lâu rồi đã quên hoặc ta không hề để ý.
Đối với mình, mặc dù chưa thể gọi là đã thể nhập sâu. Nhưng hầu như những điều mình lưu tâm, đang khiến mình suy nghĩ lo lắng đều lộ ra. Đến 3 ngày gần cuối mình chảy nước mắt đẫm cả hai gò má khi nghĩ đến Mommy; khi nghĩ đến người đàn ông mình yêu và chợt hiện lên những ký ức không vui của quá khứ… Sâu sắc hơn, có những cô chú đã hoặc đang chịu sự hoành hành của bệnh tật hoặc đã từng phẫu thuật thì họ trải qua những cảm giác còn đau đớn vật vã hơn là những cảm xúc tinh thần của mình. Hiển hiện rất rõ những cảm giác này trên cơ thể, trên “thân tâm” mình.
Trong tất cả sự hỗn độn đó, làm sao để vượt qua? Vì nếu không thì theo bản năng ta sẽ “phản ứng” lại với chúng. Khi phản ứng thì theo triết lý của Đạo Phật là ta sẽ còn tạo “nghiệp” mới, sẽ khiến những phiền não và nỗi đau này càng gia tăng như châm thêm dầu vào lửa!
Câu trả lời là: Tỉnh giác và Buông xả
Ứng dụng trong đời thường, nếu ta đã luôn tu tập, rèn luyện khả năng “tâm” quân bình bằng phương pháp trên thì mỗi khi có sự việc xảy ra ta sẽ luôn cảm nhận được những phản ứng bản năng của mình trước khi nó dự định kiểm soát ta. Bằng thái độ an nhiên chấp nhận và không phản ứng, ta đã loại trừ chúng để thay vào đó sẽ là những ý nghĩ – lời nói, hành động sáng suốt để giúp ta thực sự làm chủ chính mình, vượt lên tình thế.
Ví dụ như một người sếp khi nghe tin mình vừa thua mất một hợp đồng rất giá trị của công ty. Phản ứng được gọi là bản năng sẽ là nổi nóng, tức giận, ít nhất là sự khó chịu trong tâm. Nó có thể dẫn đến những hành động như cáu gắt với đồng nghiệp xung quanh, với người thân trong gia đình hoặc đơn thuần là cảm thấy khó chịu, không vui cả ngày hôm đó. Dẫu là phản ứng nào thì kết quả của nó là anh ta đã mất đi cảm giác an vui trong mình hoặc tệ hơn là khiến những người hứng chịu cơn giận của anh ta bị tổn thương. Chưa kể nó còn có thể dẫn đến những quyết định sai lầm khi xử lý công việc trong ngày.
Nếu đã rèn luyện phương pháp thiền định, thì thay cho những phản ứng, hành động đó sẽ là thái độ điềm nhiên, bình tĩnh, hướng về giải pháp xử lý sáng suốt và thông minh hơn.
Bao phủ phương pháp này là sự thông hiểu quy luật của vũ trụ: quy luật vô thường. Mọi thứ đều biến đổi, khi chúng tự sanh ra thì cũng sẽ tự mất đi. Thế nên thái độ trước hết cần có nên là chấp nhận như sự thật.
Rèn luyện để đạt đến mức này không hề là việc dễ dàng chút nào. Song tối thiểu những điều mình rèn luyện được là ý chí kiên trì, không bỏ cuộc để đạt từng mục tiêu nhỏ từng bước hướng về mục tiêu lớn.
Ngụy biện ở đây, tuy không phải là đã đạt mức tâm ‘an trú – tỉnh giác – buông xả’ hoàn toàn nhưng mình đã luôn nỗ lực mong muốn tập luyện nghiêm túc, giữ tư thế thiền trong suốt tất cả thời khóa thiền mặc dù “tâm” luôn mải long nhong tận… đâu đâu; chân tê buốt chỉ muốn duỗi ra xoa bóp và mắt cứ chực muốn mở ra. Điều thành công đối với mình là đã có những khoảng thời gian thực sự “lắng” và “lặng” để nghiền ngẫm, nhận ra những điều giá trị quan trọng với cuộc sống của bản thân. Không phải là những công việc có vẻ bận rộn, càng không phải là tiền tài, công danh mà là gia đình, người ta yêu và sứ mệnh cuộc đời ta đã chọn. Từ đó mình mới biết cần hoạch định hướng đi cho tương lai ra sao, dành thời gian cho những việc nào thực sự có ý nghĩa, càng ý thức hơn mình cần nỗ lực “Tu tâm – Rèn ý chí – Khai thông trí tuệ” (triết lý này mình bập bẹ tự chế khi ngồi thiền đến ngày thứ 6, 7 gì đó để đi được con đường mình chọn.
Ngày cuối – Giá trị của Tình yêu thương
Đó là ngày ta được học về Tình yêu thương – điều không khó để thực hiện nhưng trong cuộc mưu sinh để sinh tồn hàng ngày ta lại vô tình hay cố ý lãng quên.
Mình đã có nhân duyên gặp cô cư sĩ mà nụ cười của cô mình không bao giờ quên được. Vì nét cô cười rất thánh thiện, thuần khiết. Có dịp nói chuyện với cô, mình mới biết cô đã trải qua bao nhiêu nỗi đau chống chọi với bệnh tật (mình chỉ còn nhớ là thoái hóa đốt sống cổ, rồi tai nạn giao thông…). Vậy mà hiện tại công việc của cô là châm cứu cứu người. Nhờ niềm tin vào Đức Phật, luôn kiên trì tu tập thiền định, lòng tốt muốn chữa bệnh cho người khác, giờ cô đã có thể đi lại bình thường và giúp đỡ mọi người.
10 ngày thoáng cái là đã trôi qua. Những ngày đầu đếm từng ngày để trở về. Nhưng rồi nó đi qua hồi nào chẳng hay mà không bao giờ lấy lại được. Đó cũng là quy luật khác của vũ trụ: quy luật về thời gian. Thế nên câu hỏi ta sẽ dùng thời gian cho những việc nào để đời người trôi qua một cách ý nghĩa và hạnh phúc cũng là một câu hỏi lớn.
SỸ HOÀNG
HUỲNH BÍCH NGỌC