Lá thư phương xa
Có nhiều mối duyên, có nhiều nguyên cớ, có nhiều lý do mà các thiền sinh hội tụ về Ngôi chùa đang toạ tại rừng Nam Cát Tiên này – Hồng Trung Sơn Tự
Nhất là các bạn trẻ đến với các khoá thiền Hồng Trung Sơn trong một tâm thế rất trong sáng, nhẹ nhàng, khám phá một sự lạ lẫm – hình như không dành cho tuổi trẻ năng động
Hàng năm nơi đây luôn dành cho các bạn trẻ 1 khoá đặc biệt -Khoá thanh niên- vào mùa hè. Rất nhiều bạn trẻ như bị níu chân tại chốn này, các bạn thường quay lại với vai trò phục vụ làm nhiều việc có ý nghĩa: để tri ân vị thiền sư kính yêu mà nhờ Người các bạn đã có được định hướng tích cực cho mình, tri ân những thiền sinh cũ đã tạo điều kiện tốt nhất cho mình tu học, hoặc yêu quý cái không gian huyền thoại này đã từng ở lại rất lâu trong tâm trí
Trong số đó có bạn HT đã có duyên tham gia 1 khoá thiền khác ở Canada và lòng luôn nhớ về Hồng Trung Sơn về người Thầy đầu tiên ở lĩnh vực này. Bạn có những so sánh, những cảm nhận rất trong sáng về một địa danh khó quên thuộc tỉnh Đồng Nai này
Chúng tôi xin trích đăng bức tâm thư phương xa ấy với những ký ức thật đẹp về Hồng trung sơn Tự
=====================
Gửi Thầy xa nhớ
Thưa Thầy,
Lời đầu tiên con chúc Thầy thật nhiều sức khỏe và thành tựu trên con đường đạo.
Ngày con đi, Thầy còn đang trong thất, nên con không đến đảnh lễ Thầy trước khi đi.
Thầy, người mẹ thứ hai của con – Thầy sinh con ra lần nữa- trong chánh Pháp.
Nhờ Pháp, Thiền Vipassana, con có thêm động lực để đi, để trải nghiệm, để thực sự là sống, là tận hưởng Pháp thế gian. Từ hơn một năm rưỡi trước, khi con biết đến thiền, rồi thực hành thiền, rồi đến với Hồng Trung Sơn phục vụ Pháp, con đã là con rất mới, một HT rất khác, rất đáng yêu, mạnh mẽ, và đáng sống. Vâng, dù vẫn còn nhiều vô minh, nhưng con nhận thấy rõ hơn con đường đi về phía ánh sáng. Con bây giờ mạnh mẽ để bước đi, tiến về phía trước. Con còn nhớ ngày đầu tiên khi đến với Hồng Trung Sơn, vẫn có nhiều ngờ vực về pháp môn này, vẫn chưa biết Thầy là ai?
Ngày đó, con đến quỳ trước Thầy và hỏi “Liệu thiền có giúp một đứa dễ khóc nhè như con rắn rỏi hơn và sống xứng đáng hơn với cuộc đời này không? ” . Chỉ có hỏi mỗi vậy thôi mà con còn nghẹn ngào không nói hết được vẹn cả câu, xong rồi ức ức khóc, không hiểu nước mắt đâu mà lẹ thế?! Thầy cười hiền hòa, gật đầu: “Được, chắc chắn được.” Đó, vậy là con tin luôn vào cái nụ cười hiền đó của Thầy, những nghi ngờ dần dần biến mất, và con hành thiền.
Năm 2016, một năm trải nghiệm tuyệt vời của con. Thất nghiệp, không có tiền, vẫn đi. Con được ngắm nhìn những bầu trời rất khác, khung cảnh đẹp đẽ, và hít thở bầu không khí rất tuyệt vời khác. Yêu thương, con thấy mình hòa với tất cả. Yêu thương nhiều hơn. Sống, rất sống.
Năm 2017, con đang ở Canada. Con bắt đầu năm mới của con ở một đất nước mới, máy bay hạ cánh vào đêm giao thừa, mọi thứ đều mới. Con đang hòa nhập.
Vừa trở về từ một khóa thiền thuộc hệ thống Vipassana quốc tế ở Egbert, Ontario Vipassana Center, Torana, con viết thư này để tỏ vạn sự biết ơn với Pháp, với Thầy, với những ai đã, đang, và sẽ phục vụ Pháp, và với những hành giả đang đi trên con đường về phía ánh sáng.
Khóa thiền diễn ra từ ngày 22 tháng Hai đến ngày 5 tháng Ba, với trợ giảng là cô Karen, cùng chồng, thầy Scott. Có 53 thiền sinh nữ, 30 thiền sinh nam, 12 phục vụ bao gồm hộ thiền nam và nữ. Cơ sở vật chất ở đây rất tốt, mỗi người một phòng nhỏ, 2 người dùng chung một nhà vệ sinh trong phòng. Môi trường tốt rất tốt cho ai không muốn phạm giới trong khóa, cũng tốt rất tốt cho những ai chủ đích phạm giới, vì mọi thứ rất riêng tư. Phòng thiền cũng rất hiện đại và khang trang, diện tích nếu so ra lớn gấp ba lần phòng thiền ở chùa mình, nhưng sức chứa quy định là tối đa 150 người. Thiền sinh giữ giới khá tốt, đặc biệt là người ta cực kỳ đúng giờ. Hoàn toàn không có chuyện hộ thiền đi rung chuông hay gõ cửa các nhà ạ. Chị hộ thiền khóa này tên Diane. Hiền lắm. Hôm khai khẩu, con nghe mấy bạn thiền sinh chia sẻ riêng với nhau rằng lúc họ cảm ơn chị, chị nói, chị ở đây là để phục vụ (“I’m here to serve”,cười hiền, chất, quá chất.) và cảm nhận của họ là những thứ họ nhận được, từ những người phục vụ, từ trung tâm, từ giáo viên, tất cả như một món quà, quý lắm.
Thiền đường
Về phần ăn uống, nhà ăn còn khá nhỏ. Nhà ăn riêng cho nam và nữ. Mọi người ăn buffet. Kẻng, thiền sinh tập trung, xếp hàng lấy thức ăn, tìm một chỗ để ngồi, rồi tự ăn, tự rửa chén dĩa. Và như quan sát của con, con chưa thấy họ phạm giới dù không hề có thành phần ban tổ chức giám sát ở đó (chỉ có một cái chuông bấm để gọi hộ thiền lúc cần thiết).Ý thức tự giác rất cao.
Thức ăn thì không sao so bì với “nhà hàng” Hồng Trung Sơn rồi, Thầy chăm chút kỹ cho từng bữa ăn của thiền sinh mà. Bữa ăn sáng rất Canadian, bánh mì, yến mạch, và trái cây, mỗi ngày như nhau. Bữa trưa rất đơn giản, món chính là salad, ban phục vụ bày sẵn vài loại rau sống ra đó để mọi người từ chọn, tự trộn, món thêm là soup kiểu Ấn, mỗi ngày thay đổi cho phù hợp. Chiều chỉ bày ra một ít trái cây cho thiền sinh mới.
Phần hướng dẫn và pháp thoại có audio dịch ra các thứ tiếng khác nhau. Đêm đầu tiên, cô giáo kêu hộ thiền hỏi con có muốn nghe bằng tiếng Việt không. Con từ chối và nói nếu cần con sẽ hỏi cho đêm sau, haha, vậy mà cũng lây lất qua hết 10 ngày. Nhờ Thầy sất. Thầy quá tuyệt vời! Hồng Trung Sơn cho con một nền tảng vững đủ để con nghe được những lời giáo huấn từ chính “sư phụ của sư phụ”, ngài S.N. Goenka. Ngày đầu, tiếng Anh giọng Ấn cũng khá thử thách với con, nhưng nhờ có thực hành và những liên kết trải nghiệm ở Hồng Trung Sơn, nghe tới đâu thấm tới đó, rúng động tới đó, yêu càng yêu hơn ông già tóc bạc trên màn hình máy chiếu, và nhớ, rất nhớ Thầy.
À, thêm nữa, nhờ vậy vốn liếng từ vựng của con tăng lên đáng kể sau 10 ngày tịnh khẩu. Tuyệt vời!Đến và tự mình trải nghiệm. Lần này con không để ý nhiều những tác động bên ngoài, cứ tới giờ, vào phòng thiền ngồi luôn một mạch, không để ý gì. Đến hôm khai khẩu, một nhóm bàn tán về một số người về giữa chừng trong khóa, rồi chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau, rồi nói về những lần họ lỡ phạm giới. Vâng, con người đúng là con người. Đó là một diễn biến tâm lý rất bình thường và rất ư con người. Ở đâu cũng có một cơ số nhóm người na ná giống nhau. Con kể người phương Tây ý thức nhiều hơn người mình, không có nghĩa là họ tu nhanh hơn người mình, tất cả là duyên, là nghiệp của tự mỗi người mà, phải không thưa Thầy!
Chiếc lá Bồ Đề trước lối vào thiền đường
Con nhớ chuyện Thầy kể về một người Bà la môn Thầy gặp ở Ấn Độ. Ông nói chỉ khi khát người ta mới thấy quý từng giọt nước. Với những người đang sống trong Chánh Pháp, rất gần với Pháp như người Ấn, nhưng họ chưa biết quý pháp môn này. Có những người đến rồi, nếm trải rồi, và trốn chạy, vì do duyên nghiệp, hay vì do họ không dám đối diện với khổ đau để thuần hóa nó. May mắn thay hiện ở Việt Nam, đang có Thầy, và một vài trung tâm quốc tế khác mang Vipassana về với người Việt Nam. Mong sao cho mọi người biết “khát”, để biết trân quý những giọt nước ngọt mát lành của Pháp.
“Quý thay được làm người. Quý thay được nghe diệu Pháp.”
Cầu mong cho tất cả tinh tấn trên con đường đạo, biết yêu thương lẫn nhau. Cầu mong cho tất cả đều an vui hạnh phúc.
May all beings be happy!
With Metta,
Con HT.
Welland, ngày 5 tháng 3 năm 2017
_Nhiếp Phục_