Lời tâm sự của một nhà giáo khi quay về cửa Thiền

Có lẽ tôi khó để biết đến Phật pháp nếu chưa nếm trải sự đau khổ và dằn vặt trong chuyện tình cảm. Tôi dằn vặt chuyện đã phụ người yêu mình và bị người khác phụ mình, rồi đặt câu hỏi tại sao, tại sao như vậy. Bên ngoài tôi là một cô gái năng động, tươi vui nhưng bên trong là một tâm hồn rách nát tả tơi. Một vòng luẩn quẩn !

Trong một lần ra Hải Phòng thăm cô Đan Tâm, là bậc thầy trong thực hành thực dưỡng để học hỏi từ cô. Trong thư viện hơn 300 đầu sách, tôi đọc được quyển sách Tự do – Tình yêu và Cô đơn của Osho. Có lẽ tôi chọn nó vì mỏng. Tôi dành hai ngày hai đêm để đọc quyển sách này hai lần và nhận ra trước giờ mình chẳng yêu ai, chỉ yêu mình. Đó là lý do làm cho tôi đau khổ vì tình cảm trong khoảng thời gian quá dài. Đọc xong quyển sách này, tâm hồn tôi như được giải phóng khỏi tảng đá nặng nề.

Từ đó tôi tìm đọc rất nhiều quyển sách là tập hợp những bài giảng của Osho. Ông là nhà huyền môn thẳng thắn và ông luôn nói thẳng, trực diện về những vấn đề con người hiện đại đang gặp phải trong cuộc sống. Toàn bộ các bài giảng của ông toát lên một thông điệp: Hãy chánh niệm – Hãy thiền định. Con người không thể tìm được hạnh phúc đích thực nếu thiếu thiền. Niềm vui chỉ là niềm vui, hạnh phúc chỉ có thể có được thông qua thiền định.

Tôi bắt đầu tìm thầy dạy thiền. Và khoá thiền đầu tiên tôi học là thiền năng lượng ở Sài Gòn.

Hơn 3 tháng học tôi vẫn không thể ngồi định được. Cứ nhắm mắt là cái đầu cứ nghĩ đủ thứ chuyện, không thể dừng được. Lúc đó tôi chợt nhớ bé Phương, học trò tiếng Anh hồi trước có kể là em xin nghỉ học để tham dự khoá thiền. Tôi inbox facebook hỏi em, em gửi cái link PhapDangThienTue.com và tôi đăng ký.

thien-su

                                                         Thầy về thăm làng HAMA

Lần đầu tiên tôi đi với hai đứa em ruột. Khỏi phải nói tôi đã vật vã như thế nào trong suốt 10 ngày thiền. Tôi thay đổi đủ tư thế, đủ kiểu ngồi và chỉ trông đến giờ hộ thiền rung chuông là tôi như thoát khỏi gông cùm. Tôi luôn là người đầu tiên rời khỏi phòng dù ngồi không gần cửa. Tôi nhìn quanh, thấy các bạn ai cũng nhắm mắt yên lặng. Tôi tự trách mình, ngồi yên một chút rồi đổi thư thế đài sen, ngó sen, hoa sen, lá sen và mong hết giờ.

Đọc sách của Osho giúp tôi hiểu được những rắc rối của chuyện tình cảm của mình, nhưng chỉ trên bề mặt ý thức. Chính khoá thiền này đã giúp tôi xoá bỏ thực sự gốc rể của nỗi đau. Tôi như lột xác trở thành một con người khác. Từ đó cứ ba đến bốn tháng tôi tham gia khoá thiền một lần để gột rửa tâm hồn mình, gỡ bỏ những nút thắt, những nội kết trong tâm dần dần. Không biết ở đâu mà nhiều nội kết như vậy nữa.

Khi tâm đã tĩnh hơn chút và ngồi thiền đỡ vật vã hơn, tôi đăng ký tham gia khoá phục vụ. Tôi được thầy phân công vào nhóm bếp, phụ trách món tráng miệng vào buổi trưa bởi vì “con lớn tuổi rồi”. Loan lấy đó làm hí hửng trong suốt khoá phục vụ vì hai đứa bằng buổi mà thầy nói tôi lớn tuổi còn nó “mười bảy mười tám” hihi. Hai đứa tôi rất có duyên là cứ khoá nào lên tu dù không hẹn vẫn thấy nó ở đó, nên cuối cùng hai đứa hẹn đi phục vụ luôn.

Khỏi phải nói công việc phục vụ cực như thế nào. Vừa làm sạch, gọn, trong tuyệt đối yên lặng, nhưng đặc biệt là đúng giờ và không lãng phí của Tam bảo. Đi làm phục vụ mới thấy đi tu cực kiểu đi tu, phục vụ cực kiểu phục vụ nhưng tất cả đều hoan hỉ và các bạn trong nhóm phục vụ trở nên quen thân và gắn kết với nhau sau khoá tu như những người bạn đã quen lâu lắm rồi.

Lui vào bên trong bếp mới thấy công việc của sư thầy và các cô trong chùa nhiều và vất vả như thế nào. Nhiều khi tôi tự hỏi tại sao lại có những người phụ nữ chịu khó và kiên cường như vậy nữa. Họ làm quần quật từ sáng sớm đến nữa đêm không vì điều gì khác ngoài tình yêu thương thuần khiết giữa người với người. Thật đẹp !

Thầy để ý chi tiết đến từng món ăn, độ ngọt của món chè, món mặn đã vừa miệng chưa, thiền sinh ăn có ngon miệng không, thức ăn có thừa nhiều không… Đó chỉ có thể là tình thương của người mẹ đối với con của mình.

Người tôi cảm phục trong khoá phục vụ là Chị Nguyên Hạnh và bé Tuệ Ân. Chị Nguyên Hạnh là bếp trưởng đã tu 7-8 năm về trước và chị tham gia rất nhiều khoá phục vụ. Tôi hỏi sao chị làm giỏi vậy ?. Chị phục vụ riết rồi quen, rồi nấu bếp chính luôn. Chị mà không vướng bận gia đình thì ôm áo quần về chùa ở phục vụ suốt luôn.

Bé Tuệ Ân nhỏ nhắn một mình phụ trách nồi cơm, nước chè và sữa đậu nành cho hơn 180 người. Cách em làm từng việc rất ngăn nắp và chỉnh chu. Có lần cơm sống, em rất bình tĩnh rút lửa ra, lấy bớt cơm sống ra, đảo đều và nấu lại, không một chút hốt hoảng. Chỉ có những người được trui rèn qua thiền định mới có được bản lĩnh và kham nhẫn như em.

Khoá thiền đầu tiên không những giải toả được những phức cảm trong tâm mà còn giúp tôi nhìn nhận lại công việc của mình. Tôi đã từng đi du học thạc sỹ ở Úc và Canada nên rất tự tin với vốn tiếng Anh của mình. Các học trò của tôi sau khi xong khoá Nền tảng thì có phát âm chuẩn và thuyết trình tự tin và rất tốt. Nhưng sau đó quay về với công việc thì một thời gian sau gặp lại, các em lại quay về với phát âm sai của mình – vốn được học sai từ nhỏ.

Tôi liên tưởng đến hình ảnh thầy dặn học trò sau mỗi khoá tu. Các thiền sinh sau mỗi khoá thiền giống như những hạt giống được nảy nở, cần chuyển vào vườn ươm để nhận sự chăm sóc tưới tẩm thường xuyên. Khi cây giống đủ cứng cáp mới đưa ra vườn để trồng. Khi đưa ra trồng sớm thì kiểu gì cũng bị nắng mưa gió bão phá, cây khó mà sống được. Các học trò của tôi cũng vậy, các em mới ở giai đoạn gieo hạt, cần được chăm sóc, tưới tẩm và uốn nắn ở giai đoạn vườn ươm trước khi đem ra trồng để đảm bảo tỷ lệ sống 100%.

Tôi quyết định chuyển lên Gia Nghĩa sống, gần 15 học trò theo tôi lên làng để cùng tu học. Tôi đặt tên làng là Hama, nghĩa là Vui Khoẻ. Ngoài học tiếng Anh với cường độ cao, chúng tôi cùng nấu ăn thực dưỡng, cùng trồng rau và thiền định. Điện thoại chỉ được dùng định kỳ hàng tuần để các em tập trung vào việc học. Buổi sáng chúng tôi thức dậy lúc 5:30 bằng bản nhạc tiếng Anh, sau đó thể dục, ăn sáng và bắt đầu học lúc 7 giờ đến 11h. Nhóm nấu ăn sẽ phục vụ bữa trưa, sau đó nghĩ ngơi đến 2h và học đến 5h chiều. Buổi tối sẽ học từ 7-9h sau đó cùng nhau thiền định và đi ngủ lúc 10h tối.

lang-hama1

                                                  Thầy với lớp học anh ngữ HAMA

Các em sẽ học trong vòng 6 tháng, 1 năm và 2 năm. Có em đang luyện thi IELTS để đi du học, có em học tiếng anh về thiền và phật pháp để tham gia các khoá tu nâng cao ở Ấn Độ và Myanmar, có em học tiếng Anh để đi dạy tiếng Anh hoặc đi nước ngoài làm việc hoặc để xin việc trong các công ty nước ngoài.

Nhưng có một điểm chung và tất các các học trò trước khi vào học chính thức đều phải qua khoá thiền Vipassana 10 ngày và đọc xong quyển The Enzym Factor và chia sẻ với các bạn trong nhà. Khi mới vào học, các bạn hay gặp mình hỏi tại sao em không tập trung được, em thường nghĩ đến việc học xong rồi làm việc ở đâu, như thế nào, lo lắng về tương lai khiến các em khó tập trung 100% năng lượng cho việc học.

lang-hama2

                                                 Thầy và thiền sinh của làng HAMA

Khi đi thiền về thì ý thức tự giác về việc học của em cao hẳn, ăn xong tự rửa chén, tinh thần tương trợ tập thể rất tốt, các em thương yêu và quý mến lẫn nhau, chưa hề có sự mâu thuẫn dù nhỏ giữa một tập thể gần 20 người sống chung. Có những điều không thể giải thích được bằng lời. Chỉ có thể qua khoá thiền, các em mới có thể cảm nhận được.

Khi cuộc sống ổn định, em trai xây dựng một gian nhà phục vụ cho việc đọc sách và thiền định. Ngày đón thầy và các huynh đệ khai trương thiền đường và tổ chức khoá tu một ngày, chúng tôi vui lắm. Hôm đó là ngày 8-3, các em nam nấu ăn và trang trí rất đẹp. Chúng tôi đã có khoảng thời gian rất đẹp bên nhau, dù vỏn vẹn có 24 tiếng đồng hồ.

Tôi tin vào giáo dục phải toàn diện cả ba mảng Thân – Tâm – Trí chứ không đơn thuần dạy kỹ năng làm một công việc nào đó để kiếm kế sinh nhai. Giáo dục phải dạy được cho con người kỹ năng để sống hạnh phúc và thiền định là một môn học không thể thiếu. Tôi muốn xây dựng làng Hama thành nơi chữa lành thân tâm, dù biết con đường đó không hề đơn giản. Nhưng cứ đi sẽ đến, cứ gõ cửa sẽ mở.

Tự tâm mình, tôi biết ơn sâu sắc sư thầy và các sư cô ở Hồng Trung Sơn đã dẫn dắt tôi trưởng thành trên con đường Giới – Định – Tuệ này. Tôi cảm thấy may mắn đã tìm được ánh sáng dẫn lối cho cuộc đời mình ở tuổi 30.

Đào Thị Hằng