Những bước chân tự do
Vậy rồi khoá thiền 10 ngày đã trôi qua. Khi thanh âm “Sadhu” cuối của thời thiền Metta chấm dứt, hơn 300 thiền sinh lặng lẽ ùa ra khỏi phòng thiền- mặt mày rạng rỡ, tươi tỉnh, người xúc động trào rơi nước mắt, người ríu rít ôm chầm lấy người thân y như lâu ngày xa cách, người thì không ngăn nổi niềm vui “được tự do” nên cười nói ríu ran. Cảm giác “Tự do là đây” thật là ngộ nghĩnh. 100 lần, 1000 lần “xả thiền” đều như vậy, ai cũng ngỡ mình bắt đầu Tự do từ đây. Nhưng mấy ai hiểu rằng khi “thoát khỏi” thiền đường, rồi khi “xuống núi” – ta lại đang bắt đầu vướng vào trăm ngàn mối dây trói buộc của sự mất tự do.
Và mấy ai thấu hiểu rằng, khi bước qua cánh cửa của thiền đường vào ngày nhập khoá- là ta chính thức đi vào con đường tìm đến Tự do đích thực của riêng mình.
Cái “Tự do” đầu tiên được thiết lập bởi GIỚI. Ai cũng ngỡ Giới là sự trói buộc, là khuôn khổ khắt khe đáng sợ nhất của khoá thiền (Không nói chuyện, không ra dấu, không khèo quẹt…). Chứ mấy ai cảm nhận ngay được rằng khi bắt đầu kiết Giới thì ôi chao là tự do!- không phải chào hỏi, thưa bẩm, không phải cười nói xã giao. Chẳng phải lo mình không chào ai đó có thất lễ không, mình không cười với ai đó thì có mếc lòng họ không.
Rồi tự do khi ăn uống. Ngày nào cũng vậy, boong chuông 6:30 sáng, xuống trai đường, làm cốc sữa đậu nành nóng hổi (to/nhỏ tuỳ sức mình), ngó nghiêng xem hôm nay Thầy cho ăn sáng món gì. Ăn cũng được, không ăn thì lặng lẽ về phòng, không phải trình bẩm với ai là vì sao không ăn, có ốm không, có mệt không, thức ăn có hợp khẩu vị không…bla…bla. Buổi trưa, khay cơm 5 ô 5 món tinh tươm, xinh xắn: có món thích, có món không. Ăn món mình ưa, “nộp” ra khu lấy thức ăn chung món mà mình không thích, cũng chẳng cần trình bầy với ai- Sao mà tự do đến thế.
Đến khi ngủ – từ 9h/ 9:30 tối đến 4:00/ 4:30 sáng- ngủ bao nhiêu tuỳ ý. Thiếu thì ngủ thêm 1 tiếng buổi trưa và thậm chí là giấc 7:00 đến 8:00 sáng. Có lẽ ai là dân văn phòng vốn thức khuya, dậy sớm thì sẽ thấy Tự do vô vàn trong 10 ngày tu tập vì được ngủ thoải mái như chưa bao giờ nhiều thời gian thế. Duỗi dài chân tay, chẳng phải lo nghĩ ngày mai có họp gì không, báo cáo làm xong chưa, ngày mai chồng con ăn món gì buổi trưa, buổi sáng. Chỉ việc hít – thở và khò…Vì ngày mai mọi sự đã có Thầy lo hết rồi, việc của ta là chỉ ngồi thiền cho tinh tấn mà thôi.
Từ GIỚI – đến ĐỊNH- cũng là một trải nghiệm Tự do đích thực. Có lẽ thiền sinh nào cũng hiểu được rằng việc kéo tâm, níu tâm, giữ tâm ở vị trí “dưới mũi trên môi” chính là cách điều khiển tâm ý mình. Quá trình vật lộn ấy nếu thành công, ta có thể uốn tâm ý vốn lang thang, hoang dã như con khỉ truyền cành trở nên thuần thục như mình muốn, đó là đạt đến Tự do đích thực rồi. Vì khi đó, ta sẽ không còn bị phụ thuộc vào sự hoang dã, kéo lôi của tâm ý mình. Những đam mê, khao khát, dại khờ sẽ theo đó mà vơi bớt. Ta chủ động quyết định cuộc sống của mình: không muốn bị người khác sai xử, không muốn bị danh vọng, tiền bạc hành hạ, ta có thể dùng kỹ thuật kiểm soát hơi thở tại vị trí “dưới mũi trên môi” ấy- định thần trí lại, không mơ mộng viển vông, không ảo tưởng và sống thực tế- chính là cách sống Tự do rồi.
Và đỉnh cao của sự Tư do – cũng chính là giá trị, là cứu cánh của việc ta phải vượt qua mọi cản trở để đến với khoá thiền – đó là sự phát sinh của TUỆ giác – là tự do chấp nhận sự thật trên thân – những Sankara- hành nghiệp của chính mình. Tự do quan sát nó, chấp nhận để rồi buông xả. Mỗi thời thiền, khi ta trải nghiệm những cảm thọ đau nhức, khó chịu, bứt rứt, chính là lúc ta học các vượt lên chính mình để trưởng thành. Chỉ khi ta thực sự thấu hiểu giá trị của những cơn đau khi chúng tan ra, đó là khi nguồn năng lượng mới được tái sinh trên thân thể mình và một nghiệp xấu nào đó đã tiêu trừ vơi bớt, thay vào đó là một luồng sinh khí mới, một hạnh phúc mới do tâm thiện lành khởi phát – ta mới cảm nhận được giá trị của Thiền. Những trói buộc của ta với sự dằn vặt, day dứt, tội lỗi được cởi bỏ dần- sợi dây trói buộc ta với sự trả vay dần nới lỏng. Ta mới hiểu ý nghĩa của tự do. Đó chính là sống không lỗi lầm. Vì mỗi lỗi lầm ta phạm phải- dù ý thức hay vô thức đều là sự trói buộc, đôi khi là ân oán do nợ nần, tổn thương, đôi khi là day dứt, thậm chí là lao lý, tù tội.
Vậy đó, hành trình thanh lọc nội tâm trong khoá Thiền là từng khâu, từng bước rõ ràng trong quy trình đi đến Tự do.
Và mỗi sáng, mỗi chiều khi thong thả bước chân từ phòng thiền men theo triền dốc, lặng nghe tiếng chim hót, ngắm nhìn vầng mây xa xa quấn quanh đỉnh núi, thiên nhiên bao la tự do là thế, nhìn xuống chân mình, dường như ta cũng đang tập những bước chân vững vàng trên con đường Tự do của riêng mình.
Ngày mai xuống núi, về với phố phường đô hội, Tự do rồi đây, sao lại nhớ những trói buộc nơi này đến vậy. Nhớ những bữa ăn đầy yêu thương của Ban phục vụ, nhớ tiếng chuông hối giục của hộ thiền, nhớ bóng Thầy ngồi oai nghiêm như một pho tượng đẹp. Và nhớ những lời Thầy dạy nơi đây, như trao gửi cho Thiền sinh phương tiện để vững vàng hơn bước vào cuộc sống. Lòng dặn lòng hãy thực hành đúng phương pháp, để có cuộc sống an vui, hòa hợp, hạnh phúc – và bước những bước chân của con người Tự do.
Nguyện cầu Thầy luôn được an yên và giáo pháp ngày một tăng trưởng nơi mảnh đất thiền đầy yêu thương này.
Khoá thiền 8/2024